Đồ gốm hoa lam
Đồ gốm hoa lam (tiếng Trung: 青花瓷; bính âm: qīng-huā-cí, Hán-Việt: thanh hoa từ, nghĩa đen: sứ hoa lam/sứ thanh hoa) bao gồm một thể loại lớn đồ gốm và đồ sứ trắng được trang trí dưới men bằng bột màu xanh lam, nói chung là cobalt oxide. Trang trí nói chung được thực hiện bằng tay, ban đầu là bằng các bút vẽ, nhưng ngày nay là bằng tô khuôn hay in chuyển, mặc dù các phương pháp khác cũng từng được sử dụng. Bột màu cobalt là một trong rất ít chất màu có thể chịu được nhiệt độ nung cao theo yêu cầu, cụ thể là đối với đồ sứ, phần nào giải thích cho sự phổ biến lâu dài của nó. Trong lịch sử, nhiều màu sắc khác yêu cầu trang trí trên men và sau đó nung lại lần hai ở nhiệt độ thấp hơn để khắc phục điều đó.
Nguồn gốc của phong cách trang trí này được cho là bắt nguồn từ Iraq, khi các thợ thủ công ở Basra tìm cách mô phỏng đồ sành trắng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng gốm trắng tráng men thiếc của riêng họ và thêm các họa tiết trang trí bằng các loại men xanh.[1] Những đồ gốm "xanh và trắng" thời Abbas như vậy đã được tìm thấy ở Iraq ngày nay có niên đại từ thế kỷ 9, nhiều thập kỷ sau khi mở hải trình trực tiếp từ Iraq đến Trung Quốc.[2]
Sau đó, tại Trung Quốc phong cách trang trí dựa trên các dạng thực vật lượn sóng trải dài trên vật thể đã được hoàn thiện và được sử dụng phổ biến nhất. Trang trí xanh lam và trắng lần đầu tiên được sử dụng rộng rãi trong đồ sứ Trung Quốc vào thế kỷ 14, sau khi bột màu cobalt cho màu xanh lam bắt đầu được nhập khẩu từ Ba Tư. Nó đã được xuất khẩu rộng rãi, và tạo cảm hứng cho các loại đồ gốm mô phỏng trong đồ gốm Hồi giáo, và đồ gốm tại Nhật Bản cũng như sau đó là đồ đất nung tráng men thiếc của châu Âu như đồ gốm Delft và sau khi kỹ thuật này được phát hiện vào thế kỷ 18 là đồ sứ châu Âu. Đồ gốm hoa lam trong tất cả các truyền thống này vẫn tiếp tục được sản xuất, hầu hết đều sao chép các phong cách trước đó.
Nguồn gốc và sự phát triển
[sửa | sửa mã nguồn]Men lam lần đầu tiên được phát triển bởi người Lưỡng Hà cổ đại để mô phỏng lapis lazuli, một loại đá được đánh giá cao. Muộn hơn, một loại men màu xanh lam cobalt trở nên phổ biến trong đồ gốm Hồi giáo trong thời kỳ caliph Abbas, trong thời gian này cobalt được khai thác gần Kashan, Oman và miền bắc Hejaz.[4][5]
Gốm hoa lam thời Đường và Tống
[sửa | sửa mã nguồn]Những món đồ gốm sứ màu xanh lam và trắng đầu tiên của Trung Quốc được sản xuất vào đầu thế kỷ 7 ở huyện Củng, Hà Nam dưới thời Đường, mặc dù người ta mới chỉ phát hiện ra những mảnh vỡ.[6] Gốm màu xanh lam trắng thời Đường hiếm hơn gốm màu xanh lam trắng thời Tống và chưa được biết đến trước năm 1985.[7] Tuy nhiên, các đồ vật thời Đường không phải bằng sứ mà là đồ đất nung có nước áo màu trắng ánh xanh lục, sử dụng các sắc tố xanh lam cobalt.[7] Ba đồ vật gốm hoàn chỉnh duy nhất thuộc "gốm lam trắng thời Đường" trên thế giới được trục vớt từ con tàu đắm ở Belitung khoảng năm 830[8] (Indonesia) vào năm 1998 và sau đó được bán sang Singapore.[9] Dường như kỹ thuật này đã bị lãng quên trong vài thế kỷ.[4]
Vào đầu thế kỷ 20, sự phát triển của gốm hoa lam cổ điển trong nghề gốm sứ Cảnh Đức Trấn được cho là có từ đầu thời Minh, nhưng hiện nay người ta nhất trí rằng những đồ sứ này đã bắt đầu được làm vào khoảng năm 1300-1320, và đã phát triển hoàn chỉnh vào giữa thế kỷ này, như được David Vases công bố là năm 1351, là nền tảng cho niên đại học này.[4][10] Vẫn có những tác giả tranh luận rằng các đồ vật gốm hoa lam ban đầu này bị định sai niên đại và thực tế là có sớm hơn, từ thời Nam Tống,[10] nhưng các học giả khác tiếp tục bác bỏ quan điểm này.[11]
Phát triển trong thế kỷ 14
[sửa | sửa mã nguồn]Vào đầu thế kỷ 14, việc sản xuất hàng loạt đồ sứ hoa lam trong mờ và tinh xảo bắt đầu ở Cảnh Đức Trấn, đôi khi được gọi là kinh đô đồ sứ của Trung Quốc. Sự phát triển này là nhờ sự kết hợp của các kỹ thuật Trung Quốc với thương mại Hồi giáo.[12] Đồ gốm mới được tạo ra là nhờ việc xuất khẩu cobalt từ Ba Tư (gọi là 回回青, "Hồi Hồi thanh", nghĩa đen là bột màu lam Hồi giáo), kết hợp với chất lượng trắng trong mờ (thấu quang) của đồ sứ Trung Quốc, có nguồn gốc từ cao lanh.[12] Bột màu xanh lam cobalt được coi là một mặt hàng quý giá, với giá trị gần gấp đôi vàng.[12] Các họa tiết cũng lấy cảm hứng từ các trang trí Hồi giáo.[12] Một phần lớn đồ gốm hoa lam này sau đó được chuyển bằng tàu thuyền đến các thị trường Tây Nam Á thông qua các thương nhân Hồi giáo có trụ sở đặt tại Quảng Châu.[12]
Đồ sứ hoa lam Trung Quốc là nung một lửa: sau khi xương sứ được sấy khô, nó được trang trí bằng bột màu xanh lam cobalt tinh khiết trộn với nước và dùng bút vẽ vẽ lên, sau đó được tráng một lớp men trong và nung ở nhiệt độ cao. Từ thế kỷ 16, các nguồn bột màu xanh lam cobalt tại địa phương bắt đầu được phát triển, mặc dù bột màu xanh lam cobalt Ba Tư vẫn là loại đắt nhất.[12] Sản xuất đồ gốm hoa lam vẫn tiếp tục tại Cảnh Đức Trấn cho đến ngày nay. Đồ sứ hoa lam được làm tại Cảnh Đức Trấn có lẽ đã đạt đến đỉnh cao về độ tinh tế kỹ thuật dưới thời hoàng đế Khang Hy của triều đại nhà Thanh (1661–1722).
Phát triển của đồ gốm hoa lam Trung Quốc
[sửa | sửa mã nguồn]Thế kỷ 14
[sửa | sửa mã nguồn]Sự phát triển thực sự của đồ gốm hoa lam ở Trung Quốc bắt đầu từ nửa đầu thế kỷ 14, khi nó dần dần thay thế truyền thống kéo dài hàng thế kỷ của đồ sứ miền nam Trung Quốc màu trắng ánh xanh lam và thông thường là trơn (không trang trí), còn gọi là sứ thanh bạch (青白瓷), cũng như đồ sứ Định ở phía bắc. Có sản phẩm tốt nhất và nhanh chóng trở thành khu vực sản xuất chính là gốm sứ Cảnh Đức Trấn ở tỉnh Giang Tây. Đã có một truyền thống đáng kể về đồ gốm được vẽ trang trí của Trung Quốc, được thể hiện vào thời gian đó chủ yếu bằng đồ sành Từ Châu dân dã, nhưng nó không được triều đình sử dụng. Lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, màu xanh và trắng mới thu hút được sở thích của các vị vua chúa người Mông Cổ ở Trung Quốc.
Đồ gốm hoa lam cũng bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản, nơi nó được gọi là sometsuke. Nhiều hình dáng và trang trí khác nhau chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng sau đó người Nhật đã phát triển các hình dáng và phong cách riêng.
-
Lọ gốm hoa lam thời kỳ đầu, nửa đầu thế kỷ 14, Cảnh Đức Trấn.
-
Bình gốm hoa lam thời Nguyên (1271-1368), Cảnh Đức Trấn, khai quật tại tỉnh Giang Tây.
-
Đĩa sứ hoa lam, Cảnh Đức Trấn, thời Nguyên (1271-1368).
-
Hũ sứ hoa lam, Cảnh Đức Trấn, thời Nguyên (1271-1368).
-
Hũ gốm hoa lam, trước 1330.
Thế kỷ 15
[sửa | sửa mã nguồn]Với sự ra đời của nhà Minh năm 1368, đồ sứ hoa lam đã bị triều đình xa lánh trong một thời gian, đặc biệt là dưới thời các hoàng đế Hồng Vũ (1368-1398) và Vĩnh Lạc (1402-1424), vì được coi là quá ngoại dị về cảm hứng.[12] Tuy nhiên, đồ sứ hoa lam đã trở lại thời kỳ nổi bật từ thời hoàng đế Tuyên Đức (1425-1435), và một lần nữa được phát triển từ thời điểm đó.[12] Trong thế kỷ này, một số thí nghiệm đã được thực hiện để kết hợp giữa trang trí màu lam dưới men với các màu khác, kể cả trang trí dưới men và trang trí trên men. Ban đầu, màu đồng và đỏ sắt là phổ biến nhất, nhưng chúng khó nung ổn định hơn rất nhiều so với màu xanh lam cobalt và tạo ra tỷ lệ đồ sứ nung sai màu rất cao, trong đó màu xám xỉn thay thế cho màu đỏ dự tính. Những thí nghiệm như vậy tiếp tục diễn ra trong nhiều thế kỷ sau, với kỹ thuật đấu thái và ngũ thái kết hợp giữa trang trí màu xanh lam dưới men và các màu khác trong trang trí trên men.
-
Bát sứ hoa lam, Minh Tuyên Đức (1425-1435).
Thế kỷ 16
[sửa | sửa mã nguồn]Một số đồ sứ hoa lam thế kỷ 16 có đặc trưng là chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, chẳng hạn như đồ sứ dùng dưới thời hoàng đế Minh Chính Đức (1506–1521), đôi khi có các văn tự Ba Tư và Ả Rập,[13] do ảnh hưởng của các hoạn quan Hồi giáo phục vụ trong triều.
Vào cuối thế kỷ này, thương mại đồ sứ xuất khẩu của Trung Quốc quy mô lớn với châu Âu đã phát triển, và cái gọi là phong cách đồ sứ Kraak đã phát triển. Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, đây là một phong cách chất lượng khá thấp nhưng sặc sỡ, thường có màu xanh lam và trắng, đã trở nên rất phổ biến ở châu Âu, và có thể thấy trong nhiều bức vẽ của Hội họa Thời kỳ Hoàng kim của Hà Lan trong thế kỷ tiếp theo; nó nhanh chóng được mô phỏng rộng khắp trong khu vực này.
-
Hũ sứ hoa lam với văn tự Ba Tư, thời Minh Chính Đức (1506-1521).
-
Hộp sứ hoa lam với các chữ Ả Rập và Ba Tư, Minh Chính Đức (1506-1521).
-
Chậu rửa với từ Taharat (sạch sẽ) bằng thư pháp Thuluth, Minh Chính Đức (1506-1521).
-
Hũ gốm hoa lam, Minh Vạn Lịch (1573-1620).
-
Bình gốm hoa lam, Minh Vạn Lịch (1573-1620).
Thế kỷ 17
[sửa | sửa mã nguồn]Trong thế kỷ 17, nhiều đồ gốm hoa lam đã được làm ra để làm đồ sứ Trung Quốc xuất khẩu cho thị trường châu Âu. Phong cách đồ sứ thời kỳ chuyển tiếp, chủ yếu là màu xanh lam và trắng được mở rộng đáng kể phạm vi hình ảnh sử dụng, lấy các cảnh từ văn học, các nhóm hình nhân vật và cảnh quan rộng lớn, thường vay mượn từ hội họa Trung Hoa và các hình minh họa sách in mộc bản của Trung Quốc. Các biểu tượng và cảnh quan châu Âu cùng tồn tại với các cảnh quan Trung Quốc trên những đồ vật này.[13] Trong thập niên 1640, các cuộc nổi dậy ở Trung Quốc và các cuộc chiến tranh giữa nhà Minh và người Mãn đã làm hư hại nhiều lò nung, và vào năm 1656–1684, chính quyền mới của nhà Thanh đã ngừng giao thương bằng cách đóng cửa các hải cảng của mình. Xuất khẩu của Trung Quốc hầu như không còn và các nguồn khác là cần thiết để đáp ứng nhu cầu gia tăng liên tục của người Á-Âu về đồ gốm hoa lam. Tại Nhật Bản, các thợ gốm Trung Quốc tị nạn có thể đã đưa các kỹ thuật làm đồ sứ tinh xảo và men thủy tinh vào các lò nung Arita. Từ năm 1658, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đến Nhật Bản để tìm kiếm đồ sứ hoa lam để bán tại châu Âu. Ban đầu, các lò nung Arita như lò Kakiemon chưa thể cung cấp đủ đồ sứ có chất lượng cho Công ty Đông Ấn Hà Lan, nhưng họ đã nhanh chóng mở rộng công suất. Từ năm 1659–1740, các lò nung Arita đã có thể xuất khẩu một lượng lớn đồ sứ sang châu Âu và châu Á. Dần dần các lò nung của Trung Quốc được phục hồi, và đến khoảng năm 1740, thời kỳ đầu tiên của đồ sứ Nhật Bản xuất khẩu đã gần như ngừng lại.[14] Từ khoảng năm 1640, đồ sứ Delft của Hà Lan cũng trở thành một đối thủ cạnh tranh, sử dụng các phong cách bắt chước thẳng thừng các trang trí Đông Á.
-
Đĩa sứ Kraak Cảnh Đức Trấn với hình dáng điển hình. Bề rộng: 47,3 cm (18 5/8 inch).
-
Lọ sứ thời kỳ chuyển tiếp với hình vẽ là tình tiết trong truyện dân gian về Tư Mã Quang.
-
Lọ gốm Delft, khoảng năm 1675, đồ đất nung tráng men thiếc.
Thế kỷ 18
[sửa | sửa mã nguồn]Vào thế kỷ 18, đồ sứ xuất khẩu tiếp tục được sản xuất cho thị trường châu Âu.[13] Tuy nhiên, một phần như là kết quả của công việc của Francois Xavier d'Entrecolles, một ví dụ ban đầu về gián điệp công nghiệp, trong đó các chi tiết về sản xuất đồ sứ Trung Quốc được truyền sang châu Âu, xuất khẩu đồ sứ của Trung Quốc nhanh chóng sụt giảm đáng kể, đặc biệt là vào cuối triều đại của hoàng đế Càn Long.[15]
Mặc dù trang trí đa sắc trong trang trí trên men hiện đã được hoàn thiện, nhưng trong họ men hồng (famille rose) và các bảng màu khác, đồ gốm hoa lam chất lượng hàng đầu cho cung đình và thị trường thượng lưu nội địa vẫn tiếp tục được sản xuất tại Cảnh Đức Trấn.
-
Đồ sứ hoa lam Trung Hoa xuất khẩu (thế kỷ 18).
-
Đĩa sứ hoa lam chất lượng cao, thời Ung Chính, (1722-1735).
-
Nậm với trang trí dưới men màu xanh lam và đỏ, một kỹ thuật khó, thời Càn Long, 1736-1795.
Ngoài Trung Quốc
[sửa | sửa mã nguồn]Đồ gốm Hồi giáo
[sửa | sửa mã nguồn]Đồ sứ hoa lam của Trung Quốc đã trở nên cực kỳ phổ biến ở Trung Đông từ thế kỷ 14, nơi cả hai loại đồ Trung Quốc và Hồi giáo cùng tồn tại.[16]
Từ thế kỷ 13, các thiết kế bằng hình ảnh của Trung Quốc, như hạc bay, rồng và hoa sen cũng bắt đầu xuất hiện trong các sản phẩm gốm của vùng Cận Đông, đặc biệt là ở Syria và Ai Cập.[17]
Đồ sứ Trung Quốc vào thế kỷ 14 hoặc 15 đã được truyền sang Trung Đông và Cận Đông, và đặc biệt là đến đế quốc Ottoman thông qua quà tặng hoặc chiến lợi phẩm. Các mẫu thiết kế trang trí của Trung Quốc có ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với các nhà sản xuất đồ gốm tại Iznik, Thổ Nhĩ Kỳ. Thiết kế "dây nho" thời Minh nói riêng là rất phổ biến và đã được sao chép rộng rãi dưới thời đế quốc Ottoman.[17]
Việt Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Người Việt đã bắt đầu sản xuất đồ sứ hoa lam bằng kỹ thuật riêng của mình từ thế kỷ 13.[18] Làng Chu Đậu tại tỉnh Hải Dương là nơi sản xuất gốm sứ lớn, đạt đỉnh cao trong thế kỷ 15 và 16, và suy tàn vào thế kỷ 17. Trong thời kỳ đỉnh cao, đồ gốm sứ Chu Đậu có mặt chủ yếu ở Nhật Bản, Đông Nam Á, Tây Á và Tây Âu.[19][20][21]
-
Cốc có chân bằng sứ hoa lam, Đại Việt, thời Trần, thế kỷ 14.
-
Vò sứ hoa lam vẽ rồng, thời Hồng Đức (1469-1497).
-
Đĩa gốm hoa lam vẽ cá, thời Mạc, thế kỷ 16.
-
Đĩa gốm hoa lam hoàng gia với hoa văn thủy mặc, nhà Hậu Lê, thế kỷ 15.
Nhật Bản
[sửa | sửa mã nguồn]Người Nhật đã sớm ngưỡng mộ đồ gốm hoa lam Trung Quốc và mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua cobalt (từ Iran qua Trung Quốc) nhưng họ đã sớm sản xuất đồ gốm hoa lam của riêng mình, thường là đồ sứ Nhật Bản, bắt đầu được sản xuất vào khoảng năm 1600. Như một nhóm, chúng được gọi là sometsuke (染付, nhiễm phó). Phần lớn hoạt động sản xuất này được bao trùm bằng thuật ngữ khu vực mơ hồ là đồ gốm Arita, nhưng một số lò nung, như đồ gốm Hirado chất lượng cao, chuyên về gốm hoa lam, và ít sản xuất đồ gốm loại khác. Một tỷ lệ cao đồ gốm từ khoảng 1660-1740 là đồ sứ Nhật Bản xuất khẩu, hầu hết dành cho thị trường châu Âu.
Lò nung độc nhất, sản xuất đồ gốm Nabeshima để làm quà tặng chính trị hơn là mua bán thương mại, làm nhiều đồ sứ chỉ với màu xanh lam, nhưng cũng sử dụng màu xanh lam rất nhiều trong đồ sứ đa sắc của mình, trong đó trang trí các mặt của đĩa thường chỉ dùng màu xanh lam. Đồ gốm Hasami và đồ gốm Tobe là những đồ gốm sứ phổ biến hơn, chủ yếu sử dụng màu xanh lam và màu trắng.
-
Đĩa sứ Arita lớn, khoảng năm 1680, mô phỏng đồ gốm Kraak Trung Hoa xuất khẩu.
-
Cốc vại bằng sứ hoa lam trang trí dưới men của đồ gốm Arita Nhật Bản với nắp đạy bằng bạc Hà Lan, năm 1690.
-
Bát sứ Nabeshima, niên hiệu Hưởng Bảo (享保, Kyōhō), 1716-1736.
-
Cốc đựng nước (trong trà đạo) làm từ đồ gốm Hirado, với trang trí là bụi trúc, nửa đầu thế kỷ 18.
Triều Tiên
[sửa | sửa mã nguồn]Người Triều Tiên bắt đầu sản xuất đồ sứ hoa lam vào đầu thế kỷ 15, với lối trang trí chịu ảnh hưởng của phong cách Trung Hoa. Sau đó một số đồ sành hoa lam cũng được làm ra. Do đó, tất cả các sản phẩm hoa lam lịch sử đều thuộc triều đại nhà Triều Tiên (1392–1897). Trong các loại bình, vai rộng đặc trưng của các dạng được ưa chuộng ở Triều Tiên cho phép vẽ tranh rộng rãi. Rồng và các cành hoa là một trong những đối tượng phổ biến.
-
Hũ, giữa thế kỷ 15, Quốc bảo số 219.
-
Ấm có nắp đậy, trang trí hoa mận. Quốc bảo.
-
Hũ vẽ rồng, thế kỷ 18.
-
Đĩa sứ với họa tiết trang trí là mây và hạc.
-
Lọ đựng rượu, thế kỷ 17.
Châu Âu
[sửa | sửa mã nguồn]Ảnh hưởng ban đầu
[sửa | sửa mã nguồn]Đồ sứ hoa lam Trung Quốc đã được sao chép ở châu Âu từ thế kỷ 16, với kỹ thuật sản xuất gốm faenza hoa lam gọi là alla porcelana. Ngay sau những thí nghiệm đầu tiên để tái tạo vật liệu làm sứ hoa lam Trung Quốc thì đồ sứ châu Âu đã được làm với đồ sứ Medici. Những tác phẩm ban đầu này dường như là pha trộn ảnh hưởng từ các đồ gốm sứ hoa lam Trung Quốc và Hồi giáo.[22]
-
Bình phù điêu màu lam, Firenze, nửa sau thế kỷ 15.
Mô phỏng Trung Quốc trực tiếp
[sửa | sửa mã nguồn]Vào đầu thế kỷ 17, đồ sứ hoa lam Trung Quốc đã được xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu. Vào thế kỷ 17 và 18, đồ sứ hoa lam phương Đông được đánh giá rất cao ở châu Âu và châu Mỹ và đôi khi được nâng cấp bằng việc bọc bạc và vàng ròng, nó được các vị vua chúa sưu tầm.
Sản xuất đồ sứ ở châu Âu bắt đầu tại Meissen, Đức vào năm 1707. Những bí mật chi tiết về kỹ thuật làm đồ sứ xương cứng của Trung Quốc đã được truyền sang châu Âu thông qua các nỗ lực của linh mục Dòng Tên Francois Xavier d'Entrecolles từ năm 1712 đến năm 1722.[23]
Đồ sứ thời kỳ đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đồ sứ Trung Hoa và các đồ sứ phương Đông khác và một mẫu trang trí ban đầu là củ hành lam hiện nay vẫn được sản xuất tại nhà máy Meissen. Giai đoạn đầu của đồ sứ Pháp cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các thiết kế trang trí Trung Hoa.
Đồ sứ thời kỳ đầu của Anh cũng chịu ảnh hưởng của đồ sứ Trung Hoa và khi sản xuất đồ sứ bắt đầu ở Worcester, gần 40 năm sau Meissen thì đồ sứ hoa lam phương Đông vẫn là nguồn cảm hứng cho hầu hết các trang trí được sử dụng. Đồ gốm được vẽ tay và in chuyển được làm tại Worcester và các nhà máy khác ở Anh thời kỳ đầu là theo phong cách được gọi là phong cách Trung Hoa (chinoiserie). Đồ sứ Chelsea và đồ sứ Bow ở London và đồ sứ Lowestoft ở Đông Anglia đặc biệt sử dụng nhiều màu xanh và trắng. Đến thập niên 1770 đồ gốm ngọc thạch anh của Wedgwood, là đồ sành nung mộc nhưng vẫn sử dụng cobalt oxide, đã tìm ra một cách tiếp cận mới đối với đồ gốm hoa lam, và vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay.
Nhiều nhà máy châu Âu khác cũng đi theo xu hướng này. Ở Delft, đồ gốm hoa lam Hà Lan lấy thiết kế từ những đồ sứ Trung Quốc xuất khẩu được sản xuất cho thị trường Hà Lan đã được làm với số lượng lớn trong suốt thế kỷ 17. Bản thân đồ gốm Delft hoa lam cũng được các nhà máy ở các nước châu Âu khác sao chép rộng khắp, trong đó bao gồm cả ở Anh, nơi nó được gọi là đồ gốm Delft của Anh.
Hoa văn
[sửa | sửa mã nguồn]Những đồ vật trong hình minh họa (bên trái) được trang trí bằng cách in chuyển, với hoa văn cây liễu nổi tiếng, được các thợ gốm châu Âu sáng tạo ra khoảng thập niên 1780. Sự bền bỉ của hoa văn cây liễu đến mức khó có thể xác định tuổi của vật phẩm được thể hiện trong hình với độ chính xác cao; nó có thể là khá gần đây nhưng những đồ vật tương tự như thế đã được các nhà máy ở Anh sản xuất với số lượng lớn trong một khoảng thời gian dài và hiện nay vẫn còn được sản xuất. Hoa văn cây liễu, được cho là kể về câu chuyện buồn của một cặp tình nhân vượt qua các vì sao, là một thiết kế hoàn toàn của châu Âu, mặc dù thiết kế này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ về phong cách bởi các đặc điểm thiết kế vay mượn từ đồ sứ Trung Quốc xuất khẩu trong thế kỷ 18. Đến lượt mình, hoa văn cây liễu lại được các thợ gốm Trung Quốc sao chép, nhưng với lối trang trí vẽ tay chứ không phải in chuyển.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Đồ sứ Đức Hóa, được biết đến ở châu Âu dưới tên gọi Blanc-de-Chine, nghĩa là sứ trắng Trung Hoa.
- Sứ trắng Triều Tiên
- Đông phương học ở Pháp tiền hiện đại
Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ “"Tang Blue-and-White" by Regina Krahl” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 21 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2017.
- ^ “Iraq and China: Ceramics, Trade, and Innovation”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2017.
- ^ Mô tả của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
- ^ a b c Medley Margaret, 1999. The Chinese Potter: A Practical History of Chinese Ceramics. Ấn bản lần 3, 288 trang. Phaidon Press, ISBN 071482593X, ISBN 9780714825939, trang 177.
- ^ Lazaward (Lajvard) and Zaffer cobalt oxide in Islamic and Western lustre glass and ceramics
- ^ Weidong Li, Xiaoke Lu, Hongjie Luo, Xinmin Sun, Lanhua Liu, Zhiwen Zhao & Musen Guo, 2016. A Landmark in the History of Chinese Ceramics: The Invention of Blue-and-white Porcelain in the Tang Dynasty (618–907 A.D.). STAR: Science & Technology of Archaeological Research 3(2): 358-365. doi:10.1080/20548923.2016.1272310
- ^ a b Nigel Wood, 2011. Chinese glazes: their origins, chemistry, and recreation. Nhà in Đại học Pennsylvania, 272 trang. ISBN 0812221435, ISBN 9780812221435
- ^ “Belitung Wreck Details & Photos”. Marine Exploration. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2011.
- ^ curating the oceans và Belintung shipwreck
- ^ a b Kessler Adam T., 2012. Song Blue and White Porcelain on the Silk Road. BRILL, ISBN 9789004231276, ISBN 9789004218598
- ^ Medley Margaret, 1999. The Chinese Potter: A Practical History of Chinese Ceramics. Ấn bản lần 3, 288 trang. Phaidon Press, ISBN 071482593X, ISBN 9780714825939, trang 176.
- ^ a b c d e f g h Finlay Robert, 2010. The Pilgrim Art: Cultures of Porcelain in World History. Nhà in Đại học California. 440 trang. ISBN 9780520244689, ISBN 0520244680. Trang 158 trở đi.
- ^ a b c Triển lãm thường xuyên tại Bảo tàng Guimet.
- ^ Ford Barbara Brennan & Oliver R. Impey, 1989. Japanese Art from the Gerry Collection in The Metropolitan Museum of Art. Metropolitan Museum of Art, trực tuyến, tr. 127.
- ^ William T. Rowe, Timothy Brook, 2009. China's last empire: the great Qing. The Belknap Press of Harvard University Press. ISBN 9780674036123. Tr. 84.
- ^ Josef W. Meri, Jere L. Bacharach, 2006. Medieval Islamic civilization: an encyclopedia. Quyển 1: A-K. Routledge. ISBN 0415966914, ISBN 9780415966917. Tr.143.
- ^ a b Thông báo của Bảo tàng Anh tại triển lãm cố định tại "Islamic Art Room".
- ^ “Chu Đậu ceramics”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
- ^ Vietnamese Ceramics in the Malay World
- ^ Early History and Distribution of Trade Ceramics in Southeast Asia.
- ^ Ueda Shinya; Nishino Noriko (ngày 4 tháng 10 năm 2017). “The International Ceramics Trade and Social Change in the Red River Delta in the Early Modern Period”. brill.com.
- ^ Western Decorative Arts National Gallery of Art (U.S.), Rudolf Distelberger tr.238.
- ^ Baghdiantz McCabe Ina, 2008. Orientalism in Early Modern France. Berg Publishing, Oxford, ISBN 9781845203740. Tr. 220 trở đi.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Tư liệu liên quan tới Đồ gốm hoa lam tại Wikimedia Commons
- Gốm hoa lam Trung Hoa tại China Online Museum (tiếng Anh).
- Sổ tay hướng dẫn về đồ gốm Trung Hoa từ Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (tiếng Anh).