Bước tới nội dung

Đậu rồng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đậu rồng
Hoa và quả đậu rồng
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Fabales
Họ (familia)Fabaceae
Phân họ (subfamilia)Faboideae
Tông (tribus)Phaseoleae
Phân tông (subtribus)Phaseolinae
Chi (genus)Psophocarpus
Loài (species)P. tetragonolobus
Danh pháp hai phần
Psophocarpus tetragonolobus
(L.) D.C.

Đậu rồng, đậu khế, đậu xương rồng hay đậu cánh (tiếng Anh: Winged bean, Goa bean, Asparagus pea,...) (danh pháp hai phần: Psophocarpus tetragonolobus)[1] là một loài cây thuộc họ Đậu (Fabaceae). Hầu hết các bộ phận của loài cây này đều được sử dụng trong ẩm thực Đông Á.[2] Đậu rồng được biết đến như là "sự kết hợp của họ thân cuốn" vì nó bao hàm các đặc điểm của các loài khác nhau như đậu non, đậu vườn, rau chân vịt, nấm, đậu tương, giá đỗ và cả khoai tây.[3] Trong các loài thực vật, đậu rồng là loài cây tất cả các bộ phận của nó đều có thể ăn được.[4]

Phạm vi và môi trường sống

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Đậu rồng được cho là có nguồn gốc từ Papua New Guinea vì đây là nơi có sự đa dạng giống loài nhất của loài này.[5] Tuy nhiên, phần lớn lịch sử của loài cây này đều không rõ. Một số nhà khoa học cho rằng Đông Nam Á là nguồn gốc của loài cây này. Một số người thì lại cho rằng nguồn gốc của loài cây này nằm ở các đảo thuộc Indonesia, nơi có nhiều chủng đậu rồng tồn tại. Một số người cũng cho rằng nguồn gốc nằm ở Mauritius.[6] Dù bất kể nguồn gốc của nó ở đâu thì đậu rồng vẫn được tìm thấy trên khắp Đông Nam Á, Nam Á và Châu Phi nhiệt đới từ thời cổ đại.

Phạm vi và môi trường sống

[sửa | sửa mã nguồn]

Đậu rồng thường sống ở các vùng nhiệt đới như Đông Nam Á, Papua New Guinea, các đảo ở Thái Bình DươngChâu Phi.[7] Cây thường phát triển tại các vùng ấm áp và ẩm ướt trên vùng khí hậu nhiệt đới. Độ cao mà loài này thường sinh sống là nằm trong khoảng từ 0-2000m.[5] Nhiệt độ sinh trưởng thích hợp của đậu rồng là nằm trong khoảng từ 18-30°C với lượng mưa hằng năm mà loài này sinh sống là vào khoảng từ 900-4000 mm và thường sinh sống ở những vùng có mùa khô bằng hoặc ít hơn 6 tháng.[8][9]

Thương mại

[sửa | sửa mã nguồn]

Loài này được trồng thương mại ở quy mô nhỏ. Vì toàn bộ bộ phận của loài cây này đều có thể ăn được nên cho phép các bộ phận khác nhau được bán ở trên thị trường. Ngày nay, đậu rồng được tập trung nhiều nhất ở châu Á, Đông Nam Á và Châu Phi nhiệt đới. Ngoài ra, loài này cũng được trồng ở Úc, Nam Mỹ, Trung Mỹ và ở HawaiiFloridaHoa Kỳ.[10]

Vỏ của quả đậu rồng là bộ phận được tiêu thụ nhiều nhất của cây, đặc biệt là ở châu Á. Những phần như lá, thân cây, hoa, hạt và rễ củ đều có giá trị về mặt dinh dưỡng và đều được sử dụng để làm thực phẩm.[11] Hoa đậu rồng có thể được sử dụng để trộn làm salad. Hạt đậu rồng thì có thể được sử dụng như đậu tương. Còn lá của đậu rồng thì được sử dụng như rau chân vịt. Trong 100 gram lá đậu rồng tươi thì có chứa 45 mg vitamin C.[12][13]

Trồng trọt

[sửa | sửa mã nguồn]

Đậu rộng thường phát triển tốt trong môi trường nóng ẩm và có lượng mưa cao. Thường nhạy cảm với sương giá. Loài cây này có thể phát triển trong nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, loài cây này rất nhạy cảm và không thể phát triển tốt trong môi trường đất ngập nước hoặc có độ pH dưới 5,5.[14] Đậu rồng có thể phát triển ở đất nghèo dinh dưỡng, đất cát và đất sét mà không cần phân bón vì vi khuẩn sống trong rễ của loài này có thể bắt giữ phần lớn khí nitơ và biến chúng thành dạng có thể được sử dụng bởi thực vật.[3] Có khoảng hơn 500 loại đậu rồng đã được thu thập ở Thái Lan, với Bangladesh là 200 loại và hơn 100 loại ở Indonesia.[3]

miền Bắc, thời gian gieo trồng thích hợp cho đậu rồng là vào từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Cây sẽ ra hoa và cho ra trái từ tháng 10-12. Nếu chăm sóc kĩ thì có thể kéo dài mùa vụ đến tháng 3-4 năm sau.[15] Tại miền Nam, thời gian trồng trọt thích hợp cho loài cây này là từ mùa vụ Xuân vào tháng 2-3 và mùa vụ Thu từ tháng 8-9.[16]

Rệp là một loài sinh vật có kích thước khoảng từ 1,5-2 ly có hình dạng gần giống như một quả trứng, có màu xám nhạt, có thể có cánh và thường thì cả rệp trưởng thành và rệp non thường bu bám vào các bộ phận non của cây đậu rồng (nụ hoa, trái non, lá non,...) để chích hút nhựa của cây và thường thì chúng rất ít di chuyển. Loài rệp này sinh sản rất nhanh và liên tục, khiến cho các bộ phận non của đậu rồng bị lão hóa và khô héo dẫn đến việc năng suất bị giảm đi rất nhiều.[17]

Bệnh đốm lá

[sửa | sửa mã nguồn]

Bệnh đốm lá là một loại bệnh khá phổ biến trên cây đậu rồng thường gây hại trên lá đậu rồng và đôi khi là ở trên thân cây hoặc quả. Bệnh này là do loài nấm Ascochyta pisi gây ra và thường thì loài nấm này sẽ tồn tại trong điều kiện nóng ẩm. Bệnh đốm lá thường sẽ gây ra các triệu chứng trên cây như: Lá sẽ có vết hình tròn có màu nâu, trên vết sẽ có nhiều hạt nhỏ có màu đen,.... Khi bệnh tiến triển nặng thì sẽ khiến cho việc quang hợp của cây bị giảm đi và cây sẽ phát triển kém.[18]

Đặc điểm sinh học

[sửa | sửa mã nguồn]

Đặc điểm sinh học

[sửa | sửa mã nguồn]
Hạt đậu rồng

Đậu rồng là loại thân thảo leo và là cây đa niên nhờ có củ to ở dưới đất. Nếu được dựng giàn thì đậu rồng có thể bò cao lên trên 3 m. Lá của đậu rồng có 3 lá chét và mỗi lá chét thường dài từ 8-15 cm. Hoa của loài này thường có màu xanh nhạt nhưng đôi khi cũng có màu trắng và mỗi hoa thường rộng từ 2,5-3,5 cm. Trái đậu rồng có bốn cạnh[19] và thường dài khoảng từ 15-30 cm và rộng khoảng 3 cm, Khi quả đã chín thì phần vỏ sẽ vỡ ra và giải phóng ra từ 3-21 hạt của chúng.[14] Hột gần như hình cầu, có màu sắc có thể từ vàng, trắng, nâu hay đen tùy theo chủng đậu rồng. Hột có thể nặng đến 3 gram và có kích thước từ 2-2,5 cm. Đây là loại cây rất dễ trồng, chỉ cần gieo hạt khô là dây leo sẽ mọc lên và phát triển. Đậu rồng sinh trưởng và phát triển chủ yếu ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.[20]

Hàm lượng dinh dưỡng

[sửa | sửa mã nguồn]
Winged beans, mature seeds, raw
Giá trị dinh dưỡng cho mỗi 100 g (3,5 oz)
Năng lượng1.711 kJ (409 kcal)
41.7 g
Chất xơ25.9 g
16.3 g
Chất béo bão hòa2.3 g
Chất béo không bão hòa đơn6 g
Chất béo không bão hòa đa4.3 g
29.65 g
Vitamin và khoáng chất
VitaminLượng
%DV
Thiamine (B1)
86%
1.03 mg
Riboflavin (B2)
35%
0.45 mg
Niacin (B3)
19%
3.09 mg
Acid pantothenic (B5)
16%
0.795 mg
Vitamin B6
10%
0.175 mg
Folate (B9)
11%
45 μg
Chất khoángLượng
%DV
Calci
34%
440 mg
Sắt
75%
13.44 mg
Magiê
43%
179 mg
Mangan
162%
3.721 mg
Phốt pho
36%
451 mg
Kali
33%
977 mg
Natri
2%
38 mg
Kẽm
41%
4.48 mg

Tỷ lệ phần trăm được ước tính dựa trên khuyến nghị Hoa Kỳ dành cho người trưởng thành,[21] ngoại trừ kali, được ước tính dựa trên khuyến nghị của chuyên gia từ Học viện Quốc gia.[22]

Trong đậu rồng có chứa lượng khoáng chất đủ cho nhu cầu của cơ thể, tiêu biểu như sắt, đồng, mangan, calci, phosphormagnesi. Đậu rồng cũng là một nguồn cung cấp muối folat trong cơ thể, trong 100 g đậu rồng thì có chứa 66 mg các muối folat. Ngoài ra, đậu rồng cũng có chứa một lượng thiamin, pyridoxin (vitamin B6), niacin và các amino acid như lysin,...[19][13]

Tác dụng phụ

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuy nhiên, trong đậu rồng cũng có chứa purin nên không thích hợp với những người bị bệnh gút (gout). Ngoài ra, khi ăn đậu rồng cần kết hợp với việc uống nước vì trong đậu rồng có chứa acid oxalic có thể gây ra tình trạng bị sỏi tiết niệu.[23]

Tác dụng

[sửa | sửa mã nguồn]

Cải thiện hệ miễn dịch

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong đậu rồng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất có lợi cho hệ miễn dịch, tiêu biểu như vitamin Cvitamin A . Hai loại vitamin này giúp cải thiện hệ miễn dịch và có thể làm giảm thiểu được nguy cơ bị nhiễm trùng và các loại bệnh tật.[12]

Cải thiện sức khỏe về mắt

[sửa | sửa mã nguồn]

Hàm lương thiamin có trong đậu rồng có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về thị lực như bệnh tăng nhãn ápđục thủy tinh thể. Ngoài ra, thiamin cũng có thể cải thiện tín hiệu cơ và thần kinh, điều đó quan trọng cho các kết nối từ mắt vào não.[24]

Sử dụng

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở các tỉnh Nam Bộ Việt Nam thì đậu rồng được trồng rộng rãi và được sử dụng để làm ra các món ăn.[25]

Món đơn giản nhất với đậu rồng là xào. Đầu tiên là cần phải tước bỏ xơ và rửa sạch đậu rồng, sau đó sẽ cắt xéo quả, cắt bỏ phần đầu và đem luộc sơ với nước sôi với một chút muối, sau đó sẽ đem vào rổ để ráo nước. Tiếp theo là cho dầu vào chảo, nêm nếm thêm gia vị và cho thêm một chút hành ngô. Có thể xào đậu rồng thêm với thịt bò, thịt heo hoặc nấm. Nếu như là xào với nấm thì cần phải xào ở hai chảo riêng biệt. Sau đó là sẽ cho hỗn hợp nấm, đậu rồng vào đảo sơ.[25]

Đậu rồng còn có thể được dùng để nấu canh chua. Nguyên liệu được sử dụng là , me và đậu rồng. Cách chế biến thì tương tự như nấu canh chua cá. Khi nước sôi lên thì sẽ cho đậu rồng đã cắt thành miếng vào. Món canh chua này sẽ có mùi vị chua từ me và vị ngọt từ đậu rồng.[25]

Đậu rồng non có thể được dùng để ăn luộc hoặc ăn sống và chấm với nước mắm, cá kho hoặc thịt kho. Trong thực đơn của những nhà hàng sang trọng thì đậu rồng sẽ được trộn chung với sốt mayonnaise để làm ra món salad khai vị.[25]

Hạt đậu rồng có thể được sử dụng như đậu nành để làm nguyên liệu chế biến ra bột dinh dưỡng, hạt cũng có thể được ép lấy dầu thực vật hoặc rang xay hạt để làm ra một loại thức uống có hương vị tương tự cà phê.[25] Một số giống của đậu rồng có phần củ lớn đến mức có thể được sử dụng để ăn chín hoặc ăn sống ở châu Á.[26]

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]

Tên chi "Psophocarpus" trong tên khoa học của đậu rồng (Psophocarpus tetragonolobus) mang nghĩa là "trái cây ồn ào" vì một số loài thực vật trong chi này có vỏ quả tạo ra tiếng ồn khi chúng tách ra và giải phóng hạt của chúng. Phần "tetra" trong tên loài "tetragonolobus" mang nghĩa là số 4 và nó đề cập đến bốn mặt của đậu rồng.[14]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Farooq, Muhammad; Siddique, Kadambot HM. Neglected and Underutilized Crops: Future Smart Food. Elsevier. tr. 477. ISBN 0323906400.
  2. ^ Wan, Chef. The Best of Chef Wan: A Taste of Malaysia. Marshall Cavendish International Asia Pte Ltd. tr. 281. ISBN 9814435023.
  3. ^ a b c Brody, Jane E. (23 tháng 2 năm 1982). “WINGED BEAN HAILED AS A POTENT WEAPON AGAINST MALNUTRITION”. The New York Times (bằng tiếng Anh). tr. 1. ISSN 0362-4331. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2023.
  4. ^ Myers, Norman (20 tháng 3, 2019). A Wealth Of Wild Species: Storehouse For Human Welfare. Routledge. tr. 64. ISBN 9780429724336.
  5. ^ a b Minh Quân (5 tháng 5 năm 2012). “Đậu rồng”. Báo Thanh Niên. Truy cập 13 tháng 7 năm 2023.
  6. ^ G. Kalloo, B.O. Bergh. Genetic Improvement of Vegetable Crops. Newnes. tr. 465.
  7. ^ Allen, Lindsay; Prentice, Andrew. Encyclopedia of Human Nutrition. Elsevier, 20 thg 7, 2005. tr. 123. ISBN 9780080454283.
  8. ^ Harder, Daniel Kenneth. Developmental Physiology of the Cultivated Winged Bean, Psophocarpus Tetragonolobus. University of California, Berkeley.
  9. ^ “Cách trồng đậu rồng tại nhà”. www.camau.gov.vn. 5 tháng 3 năm 2018. Truy cập 29 tháng 06 năm 2023.
  10. ^ Prance, Sir Ghillean; Nesbitt, Mark (12 tháng 10 năm 2012). The Cultural History of Plants. Routledge Press. tr. 222. ISBN 1135958106.
  11. ^ Fell, Derek. Derek Fell's Grow This!. Harmony/Rodale, 2013. tr. 60. ISBN 9781609618285.
  12. ^ a b Vân Anh (12 tháng 4 năm 2023). “Lá đậu rồng có ăn được không?”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2023.
  13. ^ a b Mai Hương (6 tháng 12 năm 2018). “Lợi ích tuyệt vời của quả đậu rồng đối với sức khỏe”. suckhoedoisong.vn. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2023.
  14. ^ a b c “NParks Flora & Fauna Web”. www.nparks.gov.sg. 22 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2023.
  15. ^ S.E.N (7 tháng 7 năm 2016). “5 loại quả họ nhà bí và đậu nên trồng tháng 7, 8”. danviet.vn. Truy cập 29 tháng 6 năm 2023.
  16. ^ Công Hào (5 tháng 3 năm 2010). “Trồng và sử dụng cây đậu rồng”. nongnghiep.vn. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2023.
  17. ^ “Cách phòng trị rệp hại đậu rồng”. Trung tâm nghiên cứu khoa học nông vận, Hội nông dân Việt Nam. 28 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2023.
  18. ^ Nguyễn Thị Nguyệt. “Trồng đậu rồng-loại rau sạch, dinh dưỡng cao”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2023.
  19. ^ a b Bùi Tứ (24 tháng 9 năm 2017). “Đậu rồng chữa vết thương”. baodanang.vn. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2023.
  20. ^ Shurtleff, Akiko; Aoyagi, Akiko (1979). The Book of Tempeh. Harper & Row. tr. 154. ISBN 9780060140090.
  21. ^ United States Food and Drug Administration (2024). “Daily Value on the Nutrition and Supplement Facts Labels”. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
  22. ^ National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine; Health and Medicine Division; Food and Nutrition Board; Committee to Review the Dietary Reference Intakes for Sodium and Potassium (2019). Oria, Maria; Harrison, Meghan; Stallings, Virginia A. (biên tập). Dietary Reference Intakes for Sodium and Potassium. The National Academies Collection: Reports funded by National Institutes of Health. Washington (DC): National Academies Press (US). ISBN 978-0-309-48834-1. PMID 30844154.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  23. ^ Vân Anh (5 tháng 3 năm 2023). “Ăn đậu rồng nhiều có tốt không?”. Báo điện tử VTC News. Truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2023.
  24. ^ Ngọc Lam (13 tháng 2 năm 2019). “10 lợi ích sức khỏe của đậu rồng”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2023.
  25. ^ a b c d e Lan Thoa. “Các món lạ miệng chế biến từ đậu rồng”. vnexpress.net. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2023.
  26. ^ Stephens, James M. “Institute of Food and Agricultural Sciences (UF/IFAS)”. edis.ifas.ufl.edu (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2023.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]