Thuyết âm mưu chiến tranh của người Do Thái
Khái niệm về một cuộc chiến tranh của người Do Thái chống lại Đức Quốc xã là một thuyết âm mưu bài Do Thái được quảng bá trong tuyên truyền Quốc xã, trong đó khẳng định rằng người Do Thái, hoạt động như một tác nhân lịch sử, đã phát động Chiến tranh thế giới thứ hai và tìm cách hủy diệt nước Đức. Bằng cách buộc tội Chaim Weizmann, chủ tịch Tổ chức Phục quốc Do Thái gây ra cuộc chiến này vào năm 1939, Đức Quốc xã đã sử dụng tư tưởng này để biện minh cho cuộc đàn áp người Do Thái dưới sự kiểm soát của họ, với lý do rằng Holocaust chỉ là một biện pháp tự vệ. Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, thuyết âm mưu này đã trở nên phổ biến trong những người phủ nhận Holocaust.[1][2][3]
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Sau thất bại của các quốc gia phe Liên minh Trung tâm trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, các tin giả đã xuất hiện ở Cộng hòa Weimar và Hungary cáo buộc rằng người Do Thái ở các nước này đã âm mưu với người Do Thái nước ngoài để phá hoại nỗ lực chiến tranh (huyền thoại đâm sau lưng). Một số người cũng cáo buộc những người Do Thái ở châu Âu hợp tác với nhau để bắt đầu chiến tranh với mục đích hủy hoại châu Âu và khiến châu Âu dễ bị "kiểm soát". Người Do Thái cũng bị cho là đã thao túng các cuộc đàm phán hòa bình để tạo ra một kết quả không như ý muốn trong các hiệp ước hậu chiến vì lợi ích của chính họ.[4]
Đức Quốc xã tuyên bố rằng cuộc tẩy chay chống Đức Quốc xã là một hành động quá khích của người Do Thái, và phát động phong trào tẩy chay các doanh nghiệp Do Thái ở Đức để trả đũa. Một tiêu đề của tờ Daily Express ở Anh vào ngày 24 tháng 3 năm 1933 liên quan đến cuộc tẩy chay chống Quốc xã là "người Do Thái tuyên chiến với nước Đức", cho thấy rằng những tuyên bố đó không chỉ giới hạn trong tuyên truyền của Đức Quốc xã.[5] Trước khi chiến tranh nổ ra, nhà độc tài người Đức Adolf Hitler đã nhiều lần nhấn mạnh rằng người Do Thái là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước Đức, kể cả vào ngày 30 tháng 1 năm 1939 khi ông dự đoán rằng một cuộc chiến do người Do Thái gây ra sẽ dẫn đến "sự hủy diệt của chủng tộc Do Thái ở châu Âu" (lời tiên tri của Hitler).[6]
Đối với Hitler, việc bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai vào ngày 1 tháng 9 năm 1939 đã xác nhận thuyết âm mưu rằng đã có một âm mưu của người Do Thái chống lại nước Đức từ trước đến nay. Sử gia Jeffrey Herf viết rằng "Theo logic hoang tưởng của Hitler, người Do Thái đã phát động cuộc chiến để Đức Quốc xã buộc phải tiến hành một cuộc chiến trả đũa họ ở châu Âu."[7] Ông cũng viết rằng, "cái cốt lõi trong câu chuyện của chủ nghĩa Quốc xã về Thế chiến thứ hai" là "Một chủ thể lịch sử mang tên "quốc tế Do Thái" đã phát động Thế chiến thứ hai với ý định "Bolshevik hóa" thế giới. Nó sẽ thất bại. Thay vào đó, Đức Quốc xã sẽ trả đũa cho hành động xâm lược này và tiêu diệt người Do Thái. Họ sẽ tiến hành một "cuộc chiến" chống lại người Do Thái để đáp lại "cuộc chiến" mà dân tộc kia đã bắt đầu."[8]
Học giả Randall Bytwerk viết rằng: "Đức Quốc xã biện minh cho nỗ lực tiêu diệt người Do Thái của họ bằng cách tuyên bố rằng họ chỉ tự vệ trước các kế hoạch tiêu diệt nước Đức và dân chúng nước này."[9]
Trong Chiến tranh của nước Đức, nhà sử học Nicholas Stargardt viết rằng vào giữa năm 1942, các nhà tư tưởng cứng rắn của Đức Quốc xã như Martin Bormann nghĩ rằng người Đức "nên nhận ra rằng giờ đây họ đang bị kẹt trong một cuộc xung đột diệt chủng toàn cầu, có thể chỉ kết thúc bằng chiến thắng hoặc sự hủy diệt". Trước các câu hỏi về cách giải thích "các biện pháp cực kỳ khắc nghiệt" được thực hiện đối với người Do Thái, Bormann đã chỉ thị các đặc nhiệm của Đức Quốc xã địa phương biện minh, thay vì phủ nhận việc trục xuất có hệ thống dẫn đến giết người.[10]
"Lời tuyên chiến" của Weizmann
[sửa | sửa mã nguồn]Vào ngày 29 tháng 8 năm 1939, chủ tịch Tổ chức Phục quốc Do Thái Chaim Weizmann đã viết một bức thư cho Thủ tướng Anh Neville Chamberlain, trong đó có tuyên bố sau:
Trong giờ phút khủng hoảng tột độ này, ý thức rằng người Do Thái đã đóng góp để bảo vệ các giá trị thiêng liêng thôi thúc tôi viết bức thư này. Tôi muốn xác nhận một cách rõ ràng nhất những tuyên bố mà tôi và các đồng chí của tôi đã đưa ra trong tháng trước và đặc biệt là trong tuần trước: rằng người Do Thái đứng về phía Vương quốc Anh và sẽ chiến đấu với các nền dân chủ.[5][11][12]
Trong tuyên truyền của Đức Quốc xã, bức thư được trình bày như một "lời tuyên chiến của người Do Thái" chống lại họ, và là lời đe dọa về một cuộc tấn công thực sự của "người Do Thái".[5] "Lời tuyên chiến của người Do Thái" đã trở thành một mô-típ phổ biến trong chủ nghĩa bài Do Thái của cánh hữu sau Thế chiến thứ hai. Đức Quốc xã cũng tuyên bố rằng Weizmann đã gửi một bức điện vào năm 1942 cho một "nhóm phục quốc Do Thái" nêu rõ: "Người Do Thái mong muốn có chỗ đứng trong hàng ngũ của những người lấy mục tiêu là tiêu diệt nước Đức". Không có bằng chứng nào cho thấy Weizmann đã gửi một bức điện như vậy được phát hiện.[13]
Lãnh đạo Liên đoàn Báo chí Đức, Otto Dietrich, đã ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các tờ báo Đức quảng bá thuyết âm mưu chiến tranh của người Do Thái. Một chỉ thị tháng 3 năm 1943 yêu cầu các tờ báo đưa tin rằng: "Việc người Do Thái tuyên chiến chống lại các quốc gia châu Âu đã dẫn đến các biện pháp mạnh mẽ được thực hiện để chống lại họ, không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều quốc gia châu Âu khác."[14]
Nước Đức phải bị diệt vong!
[sửa | sửa mã nguồn]Tuyên truyền của Đức Quốc Xã tập trung vào cuốn sách tự xuất bản Nước Đức phải bị diệt vong! của doanh nhân người Mỹ gốc Do Thái Theodore N. Kaufman và phóng đại quá mức tầm quan trọng của nó. Cuốn sách được coi là bằng chứng cho thấy người Do Thái muốn thực hiện tội ác diệt chủng chống lại Đức Quốc Xã.[9][15]
Chiến dịch chống chủ nghĩa phục quốc Do Thái năm 1944
[sửa | sửa mã nguồn]Vào tháng 6 năm 1944, Dietrich và Helmut Sündermann đã phát động một chiến dịch chống lại chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, để quảng bá lời nói dối rằng cuộc chiến của Đức chống lại người Do Thái mang tính chất phòng thủ. Nguồn gốc của tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã chống lại người Do Thái được xác định từ năm 1929, khi Weizmann thành lập Cơ quan Do Thái. Đức cho rằng cuộc xâm lược của người Do Thái sắp xảy ra với mong muốn hủy diệt đất nước của họ, và các cuộc tấn công của Đức Quốc xã chống lại người Do Thái là chính đáng. Michael Berkowitz viết rằng thuyết âm mưu cho rằng Cơ quan Do Thái là trung tâm của một âm mưu chống Đức là "thái quá".[16]
Hậu chiến
[sửa | sửa mã nguồn]Trong các tác giả thời hậu chiến sử dụng thuyết âm mưu có David Irving, một người phủ nhận Holocaust.[17] Nhà sử học người Đức Ernst Nolte tuyên bố rằng bức điện của Weizmann biện minh cho việc giam giữ những người Do Thái ở châu Âu do Đức chiếm đóng làm tù nhân chiến tranh. Ông cũng nói rằng, lá thư của Weizmann có thể thuyết phục Hitler "về quyết tâm của những kẻ thù nhằm tiêu diệt ông sớm hơn nhiều so với khi thông tin đầu tiên về trại Auschwitz được cả thế giới biết đến." Tuyên bố của Nolte đã bị tranh cãi bởi Jürgen Habermas trong Historikerstreit. Deborah Lipstadt viết rằng lập luận của Nolte "thiếu bất cứ logic nội bộ nào", vì cuộc đàn áp người Do Thái của Đức Quốc xã bắt đầu trước năm 1939, và Weizmann không có lực lượng vũ trang để thực hiện bất cứ "cuộc chiến" nào chống lại Đức.[17][18]
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Tin vịt bài Do Thái
- Thuyết nạn nhân Áo
- Biện minh cho tội ác diệt chủng
- Chối bỏ Holocaust
- Chủ nghĩa bài Do Thái thứ cấp
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
- ^ Confino, Alon (2014). A World Without Jews: The Nazi Imagination from Persecution to Genocide (bằng tiếng Anh). Yale University Press. ISBN 978-0-300-19046-5.
- ^ Herf, Jeffrey (2006). Kẻ thù của người Do Thái: Sự tuyên truyền của Đức Quốc xã trong Thế chiến II và Cuộc tàn sát. Nhà xuất bản Đại học Harvard. ISBN 978-0-674038-59-2.
- ^ Hobbs, Mark (2017). “Alexander Ratcliffe: British Holocaust denial in embryo”. Holocaust and Genocide Denial: A Contextual Perspective (bằng tiếng Anh). Taylor & Francis. tr. 16. ISBN 978-1-317-20416-9.
- ^ “Antisemitism in History: World War I”. Holocaust Encyclopedia (bằng tiếng Anh). United States Holocaust Memorial Museum. Truy cập ngày 5 tháng 8 năm 2020.
- ^ a b c Lang, Berel (2009). Philosophical Witnessing: The Holocaust as Presence (bằng tiếng Anh). UPNE. tr. 132–133. ISBN 978-1-58465-741-5.
- ^ Herf 2006, tr. 4, 52.
- ^ Herf 2006, tr. 5.
- ^ Herf, Jeffrey (2005). “The "Jewish War": Goebbels and the Antisemitic Campaigns of the Nazi Propaganda Ministry”. Holocaust and Genocide Studies. 19 (1): 63. doi:10.1093/hgs/dci003. S2CID 143944355.
- ^ a b Bytwerk, Randall L. (tháng 2 năm 2005). “The Argument for Genocide in Nazi Propaganda”. Quarterly Journal of Speech. 91 (1): 37–62. doi:10.1080/00335630500157516. S2CID 144116639.
- ^ Stargardt 2015, tr. 243–244.
- ^ “Chamberlain Welcomes Agency's War Aid; Says It Will Be "kept in Mind"”. Jewish Telegraphic Agency. ngày 6 tháng 9 năm 1939. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2020.
- ^ Berkowitz 2007, tr. 132.
- ^ Berkowitz, Prof Michael (2007). The Crime of My Very Existence: Nazism and the Myth of Jewish Criminality (bằng tiếng Anh). University of California Press. tr. 131–132. ISBN 978-0-520-94068-0.
- ^ Berkowitz 2007, tr. 122–123.
- ^ Lang, Berel (2006). “The Jewish "Declaration of War" against the Nazis”. The Antioch Review. 64 (2): 363–373. doi:10.2307/4614991. ISSN 0003-5769. JSTOR 4614991.
- ^ Berkowitz 2007, tr. xix, 128–129.
- ^ a b Lipstadt, Deborah E. (2012). Denying the Holocaust: The Growing Assault on Truth and Memory (bằng tiếng Anh). Simon and Schuster. tr. 112. ISBN 978-1-4767-2748-6.
- ^ Miller, Judith (2012). One By One By One (bằng tiếng Anh). Simon and Schuster. tr. 41. ISBN 978-1-4516-8463-6.
Đọc thêm
- Miller, Clyde R. (November–December 1939). “Germany's Campaign to Place the 'War Guilt' on Jews” (PDF). Contemporary Jewish Record: 16–19.