Bước tới nội dung

Yêu nước xã hội chủ nghĩa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hai bạn nữ trẻ mặc đồ quân nhân Nga Xô Viết trong dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng vào năm 2014

Yêu nước xã hội chủ nghĩa (Socialist patriotism) hay Yêu tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một hình thức của chủ nghĩa yêu nước được các phong trào theo Chủ nghĩa Marx–Lenin bồi đắp và cổ võ[1]. Lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa thôi thúc những lớp người sống trong các nước theo chủ nghĩa Mác-Lênin kiên định với "tình yêu vô bờ bến đối với tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phấn đấu cải tạo xã hội mang tính cách mạng vì lý tưởng và sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản"[2]. Những người theo chủ nghĩa Marx–Lenin cho rằng chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa không gắn liền với chủ nghĩa dân tộc (phân biệt rõ giữa chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước) vì những người theo chủ nghĩa Marx và những người theo chủ nghĩa Marx–Lenin tố cáo chủ nghĩa dân tộc như một hệ tư tưởng tư sản được phát triển dưới thời chủ nghĩa tư bản khiến công nhân chống đối lẫn nhau[3]. Lãnh tụ Kim Nhật Thành của Bắc Hàn đề cao chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa trong khi ông lên án chủ nghĩa dân tộc vì cho rằng nó hủy hoại tình huynh đệ giữa con người vì tính độc quyền[4]. Ở Cuba đã xuất hiện yếu tố của chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa kết hợp với chủ nghĩa dân tộc cánh tả trong đường lối của Đảng Cộng sản Cuba[5][6].

Đại cương

[sửa | sửa mã nguồn]
Kỷ niệm ngày Chiến thắng năm 2014
:Bảng tuyên truyền ở Đà Nẵng

Chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa thường được chủ nghĩa quốc tế vô sản ủng hộ trực tiếp nhiệt thành cùng với nhau, với các đảng cộng sản coi hai khái niệm này là tương thích với nhau[7]. Khái niệm này đã được các nhà văn người Liên Xô gán cho Karl MarxVladimir Lenin[1]. V.Lênin tách bạch chủ nghĩa yêu nước thành cái mà ông định nghĩa là vô sản, chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa với chủ nghĩa dân tộc tư sản[8]. Lênin đề cao quyền tự quyết của các dân tộc và quyền đoàn kết của mọi công nhân trong các dân tộc; tuy nhiên, ông cũng lên án chủ nghĩa Sô vanh và khẳng định có cả cảm xúc chính đáng và phi lý về niềm tự hào dân tộc[9]. Lênin tin rằng các quốc gia bị đế quốc cai trị có quyền tìm kiếm sự giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc[10]. Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư (Nam Tư cũ) tán thành chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa[11] thúc đẩy khái niệm "tình huynh đệ và đoàn kết", trong đó các quốc gia Nam Tư sẽ vượt qua những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ thông qua việc thúc đẩy quan hệ anh em giữa các quốc gia.

Nhà văn Ilya Ehrenburg có bài tùy bút Lòng yêu nước đăng trên báo Thử lửa vào ngày 26 tháng 6 năm 1942, trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Xô viết đang diễn ra khốc liệt, bài Lòng yêu nước với ngòi bút dịch của Thép Mới được đăng trong sách giáo khoa Ngữ Văn 6, tên ông được ghi với bản phiên dịch là I-li-a Ê-ren-bua: "Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương. Người vùng Bắc nghĩ đén cánh rừng bên dòng sông Vina hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng 6 sáng hồng và tiếng "cô nàng" gọi đùa người yêu. Người xứ Ukraina nhớ bóng thuỳ dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, vào lúc ấy, đời sống thấy đầy đủ và phong phú thay, vào lúc ấy, thời gian dường như không trôi đi nữa. Chỉ có tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể. Người xứ Gruzia ca tụng khí trời của núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc, vị mát của nước đóng thành băng, rượu vang cay sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê, những lời thân ái giản dị và những tiếng cuối của câu chào tạm biệt vọng lại.

Người ở thành Leningrad bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Neva rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên, và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử. Người Moskva nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm, để rồi đổ ra những đại lộ của thành phố mới. Xa nữa là điện Kremlin, những tháp cổ ngày xưa, dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai. Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách. Người ta giờ đây đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô Viết. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta. Ai là kẻ chẳng cảm thấy, mùa thu qua, điểu giản dị này: "Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa?".

Tại Việt Nam hiện nay, Đảng cầm quyền xác định Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam (vận dụng chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa xã hội) là sự sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh là bộ phận cấu thành quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh[12]. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại hiện nay không đối lập mà kế thừa và phát triển chủ nghĩa yêu nước truyền thống lên tầm cao mới, đó là chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa và "đòi hỏi phải gắn liền một lòng yêu Tổ quốc với yêu chế độ xã hội mới, chế độ xã hội chủ nghĩa"[13][14]. Theo lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam thì yêu nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới yêu nước triệt để và giành được thắng lợi[15]. Đảng đã xác định và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược gồm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là "Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là quy luật phát triển của cách mạng nước ta"[16][17]. Vấn đề bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng và quyền làm chủ của nhân dân cần quan tâm nhấn mạnh đặt trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa[18]. Chính quyền Việt Nam đã cụ thể hóa điều này qua công tác giáo dục quốc phòng-an ninh cho các đối tượng, nhất là giáo dục lòng yêu nước, yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đã được hiện thực hóa bằng các hoạt động cụ thể[19][20][21], và phát động phương châm lấy thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa và cạnh tranh lành mạnh làm động lực thúc đẩy xây dựng xã hội mới[22].

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Robert A. Jones. The Soviet concept of "limited sovereignty" from Lenin to Gorbachev: the Brezhnev Doctrine. MacMillan, 1990. Pp. 133.
  2. ^ Stephen White. Russia's new politics: the management of a postcommunist society. Fourth edition. Cambridge, England, UK: Cambridge University Press, 2004. p. 182.
  3. ^ Stephen White. Understanding Russian Politics. Cambridge, England, UK: Cambridge University Press, 2011. Pp. 220.
  4. ^ Dae-Sook Suh. Kim Il Sung: the North Korean leader. New York, New York, USA: West Sussex, England, UK: Columbia University Press, 1988. Pp. 309.
  5. ^ Hennessy, C. A. M. (1963). “The Roots of Cuban Nationalism”. International Affairs. 39 (3): 345–359. doi:10.2307/2611204. ISSN 0020-5850. JSTOR 2611204.
  6. ^ Benjamin, Jules R. (1 tháng 2 năm 1975). “The Machadato and Cuban Nationalism, 1928-1932”. Hispanic American Historical Review. 55 (1): 66–91. doi:10.1215/00182168-55.1.66. ISSN 0018-2168.
  7. ^ William B. Simons, Stephen White. The Party statutes of the Communist world. BRILL, 1984. Advocacy of socialist patriotism alongside proletarian internationalism shown on Pp. 180 (Czechoslovakia), Pp. 123 (Cuba), Pp. 192 (German Democratic Republic).
  8. ^ The Current digest of the Soviet press, Volume 39, Issues 1-26. American Association for the Advancement of Slavic Studies, 1987. p. 7.
  9. ^ Christopher Read. Lenin: a revolutionary life. Digital Printing Edition. Oxon, England, UK; New York, New York, USA: Routledge, 2006. Pp. 115.
  10. ^ Terry Eagleton. Why Marx Was Right. Yale University Press, 2011. p. 217.
  11. ^ Teresa Rakowska-Harmstone. Communism in Eastern Europe. Indiana University Press, 1984. Manchester, England, UK: Manchester University Press ND, 1984. p. 267.
  12. ^ Hồ Chí Minh với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - Trang Thông tin điện tử huyện Hải Hậu
  13. ^ Trần Xuân Trường (1981), Mấy vấn đề về chủ nghĩa yêu nước XHCN ở Việt Nam, Nxb. QĐND, Hà Nội, 1981, tr. 60
  14. ^ Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - Tạp chí Hòa nhập
  15. ^ Ngày nay, vì sao yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội - Báo Biên phòng
  16. ^ “Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I. Lênin và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam - Tạp chí Quốc phòng Toàn dân”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2024.
  17. ^ ĐCSVN – Ban Chấp hành Trung ương - Ban Chỉ đạo tổng kết - Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb CTQG, H. 2015, tr. 179
  18. ^ Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa – những yêu cầu từ thực tiễn - Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
  19. ^ Ý nghĩa sâu sắc của lòng yêu nước - Tạp chí Tuyên giáo
  20. ^ Ngày hội quốc phòng toàn dân - Ngày hội phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - Báo Quân đội Nhân dân
  21. ^ Ngày hội quốc phòng toàn dân - nét độc đáo văn hóa dân tộc Việt Nam - Báo Dân Trí
  22. ^ Chủ nghĩa yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh - sự hoà quyện giữa truyền thống và hiện đại