Xòe Thái
Xòe Thái hay xòe, xe, hay ít phổ biến hơn là mố, múa xòe, múa then, hát then[1] là loại hình văn hóa dân gian của người Thái tại Việt Nam. Ngày 15/ 12/2021 tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris, thủ đô nước Cộng hòa Pháp, di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.[2]
Người Thái có câu:[3]
- Không xòe, không tốt lúa
- Không xòe, thóc cạn bồ
- Không xòe, hoa sẽ tàn héo
- Không xòe, trai gái không thành đôi
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Trong quá trình di cư của người Thái từ phương Bắc xuống phương Nam, một số bộ phận định cư ở vùng Tây Bắc Việt Nam, họ đã mang theo những câu chuyện thần thoại, truyện cổ tích, những bài dân ca, trang phục truyền thống và những điệu Xòe sơ khai từ thời xa xưa. Qua nhiều thế kỉ, người Thái đã không ngừng phát triển và xây dựng cho bộ tộc mình một nền nghệ thuật xòe dân gian truyền thống.[1]
Ban đầu là các điệu múa tương tự hoặc mô phỏng các hoạt động trong công cuộc lao động săn bắt, hái lượm hay những biện pháp chống chọi với mưa bão, lũ lụt, với mãnh thú để vừa phải tự vệ vừa kiếm sống. Sau đó, người Thái đã sáng tạo ra những nhịp xòe, những động tác nhảy múa kèm theo các dụng cụ lao động và sinh hoạt cá nhân như nón, gậy, khăn, quạt, đàn tính.[1]
Người dân ở Mường Lò (Nghĩa Lộ) và vùng lân cận thường gọi nghệ thuật múa của mình là Xe Cáu Ké (Xòe cổ).[1]
Từ 1945 trở về trước, xã hội bản mường bị phân hóa: bên trên là tầng lớp quý tộc Thái nắm trong tay bộ máy quản lý, thống trị. Vì vậy, trong sinh hoạt cộng đồng cũng có sự phân biệt, dân Xòe với dân, quan Xòe với quan. Ngày đó, các đội Xòe đều do bản thân hoặc các con cháu Phìa (đầu mường) được quan chức chính quyền Pháp cho phép đứng ra tổ chức. Người xoè gọi là Gái Xòe (Xao Xé). Gái Xòe được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, phải là những cô gái còn trinh, đẹp người, có khiếu Xòe ở độ tuổi từ 13 đến 17. Người đệm đàn gọi là Báo Khỏa, họ có chức năng đệm đàn cho Gái Xòe (Xao Xé) luyện tập và biểu diễn. Từ năm 1954 đến nay, sinh hoạt Xòe được thực hành tại hầu hết các buổi sinh hoạt cộng đồng bản làng, những ngày lễ tiết trong năm.[1]
Mô tả
[sửa | sửa mã nguồn]Xòe nghĩa là nhảy múa trong tiếng Thái. Xòe có ba loại chính là Xòe tín ngưỡng, Xòe giải trí và Xòe biểu diễn. Sau này, một số điệu Xòe kết hợp với đạo cụ và mang tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe chai, Xòe tính tẩu. Xòe vòng phổ cập trong các sự kiện văn hóa quan trọng của cộng đồng và gia đình với sự tham gia của đông đảo mọi người. Các điệu Xòe có những động tác cơ bản là: vung tay, mở tay, cầm tay, bước chân, nhấc chân, nhún chân, nghiêng phải, nghiêng trái. Với Xòe ở Mường So (Phong Thổ, Lai Châu), động tác múa được thể hiện bằng cách nhún năm đầu ngón chân, tay vung cao, các bước chuyển lướt nhanh hơn.[1]
Nhạc cụ đệm cho Xòe gồm trống lớn, trống nhỏ, cồng, chiêng, tính tẩu, quả nhạc, kèn, chũm choẹ. Tiết tấu giai điệu khác nhau ở sự nhanh, chậm của động tác múa. Âm điệu phổ biến mang tính đặc trưng được thể hiện ở quãng hai trưởng, quãng ba, quãng bốn trưởng và thứ, quãng năm đúng. Nhịp điệu thường nhấn mạnh ở khuôn nhạc 2/4, 4/4, phù hợp với động tác bước tiến, ký, bước lùi, ký, tay vung lên xuống đều đặn.[1]
Động tác Xòe và các điệu Xòe hiện nay có đường nét mới do biến hóa của những động tác chủ đạo vốn có trong Xòe truyền thống. Một số động tác được cải biên, đạo cụ được sử dụng ngoài khăn còn quạt trong xoè quạt, nón trong Xòe nón, là hoa trong điệu Xòe hoa. Mỗi bản hình thành các đội Xòe biểu diễn, được các nghệ nhân trong bản, mường hướng dẫn tập luyện, để đi biểu diễn giao lưu với các địa phương khác. Đặc biệt năm 2017, ở thị xã Nghĩa Lộ đã thành lập được một đội Xòe lên tới 1.500 người, tập hợp/huy động từ đội Xòe ở các bản, với mục đích chủ yếu để đi biểu diễn phục vụ những dịp lễ tết và những ngày hội văn hóa lớn.[1]
Cách thức thể hiện của Xòe người Thái được gắn với hoàn cảnh sinh hoạt xã hội. Cho đến nay, người Thái chủ yếu thực hành 6 điệu Xòe cơ bản, diễn ra phổ biến trong mọi cuộc sinh hoạt văn hóa của cộng đồng:[1]
Điệu Xòe Khắm khăn mơi lẩu - Nâng khăn mời rượu
[sửa | sửa mã nguồn]Động tác 1: Hai tay nâng khăn mở tay, hai tay nâng hai chén rượu. Nhún đưa chân bước nhịp 1-2 chân phải bước sang phải, sang trái chân bên cạnh ký sát đồng thời nhún xuống. Phần tay đưa trước mặt sang hai bên nhẹ nhàng. Hai hàng hai bên đi ra và tiến lên. Động tác 2: Phần tay vẫn như động tác 1 nhịp nhàng đưa sang trái sang phải, cùng chiều với bước chân, nhún mềm chân. Lúc này hai hàng có sự di chuyển, hàng thứ 2 đứng tại chỗ, hàng thứ nhất ngồi xuống, phần tay vẫn như vậy. Động tác 3: Phần tay và phần chân không thay đổi, ở động tác này di chuyền về đội hình hai hàng trên cơ sở phần tay và phần chân như động tác 1 di chuyển hai hàng đổi chỗ cho nhau, lên xuống. Động tác 4: Hai hàng nhập vào 1 hàng ngang, từng đôi di chuyển đi lên giữa trung tâm. Trên cơ sở phần tay và chân như động tác 1. Từng đôi tiến lên, quỳ xuống, nâng cao khăn cúi đầu xuống mời rượu, khi nào người được mời uống xong thì người Xòe lại tiếp tục Xòe đi xuống và đổi chỗ cho đôi khác lên mời, cứ thế từng đôi lên mời rượu đến khi kết thúc, tan cuộc.
Điệu Xòe Phá xí - Bổ bốn
[sửa | sửa mã nguồn]Động tác 1: Từng đôi đan bàn tay vào nhau đưa sang trái, sang phải, chân bước nhịp 1-2-3-4. Ở nhịp 4 chân bên cạnh ký sát chân trụ đồng thời nhún xuống, tay đưa lượng sang ngang cao. động tác được lặp đi lặp lai nhiều lần. Động tác 2: Bốn người nhập vào nhau, tay vẫn đan vào nhau, bước chân như động tác 1, phần tay đặt sát thân người chéo nhau, bổ bốn hướng cứ thế xoay chuyển bổ bốn. Động tác 3: Tách từng đôi một như đội hình của động tác 1, đan tay vào nhau lộn vòng, kết hợp động tác 1 cứ thế lộn vòng tay nhau bên trái và bên phải. Động tác 4: Chuyển về động tác 1 di chuyển đi vào kết thúc điệu Xòe.
Điệu Xòe Đổn hôn - Tiến lùi
[sửa | sửa mã nguồn]Động tác 1: Hai tay nâng khăn đung đưa chéo hai bên sườn theo nhịp bước chân. Bước chân kép nhịp 4, bước đi sệt chân 1-2-3-4 nhịp 4 rút chân về ký mũi chân bên cạnh đồng thời nhún mềm. Hai hàng hai bên đi ra tạo thành hình tròn. Động tác 2: Mặt hướng trên đường tròn, từng đôi đổi chỗ qua nhau, phần tay và phần chân như động tác 1. Động tác 3: Phần tay và phần chân như động tác 1, di chuyển trên vòng tròn đi vào kết thúc điệu Xòe.
Điệu Xòe Nhôm khăn - Tung khăn
[sửa | sửa mã nguồn]Động tác 1: Chân bước đơn, khăn quàng cổ, bước chân sệt đi nhịp 2 nhún xuống, chân ký bên cạnh đồng thời cầm hai đầu khăn tung lên, di chuyển vào vòng tròn. Động tác 2: Quay mặt vào vòng tròn di chuyển trên vòng tròn, phần tay và phần chân như động tác 1. Động tác 3: Đan xen tiến lùi tạo thành một vòng chòn nhỏ bên trong vòng tròn lớn, phần tay và phần chân như động tác 1. Cứ thế đổi chỗ qua nhau, vòng tròn di chuyền đi vào kết thúc điệu xòe.
Điệu Xòe Ỏm lọm tốp mư - Vòng tròn vỗ tay
[sửa | sửa mã nguồn]Động tác 1: Hai hàng hai bên đi ra tạo vòng tròn, chân bước kép nhịp 4. Hai tay đưa đều hai bên, nhịp 4 vỗ tay, chân đồng thời nhảy nhẹ lên 1 chân giơ chếch 45o. Động tác 2: Di chuyển trên vòng tròn, phần chân và tay như động tác 1. Động tác 3: Xen kẽ vào vòng tròn tạo thanh một vòng chòn nhỏ bên trong, phần chân và tay như động tác 1. Cứ thế đan xen nhau tạo thành 2 vòng tròn (1 nhỏ - 1 to bên ngoài). Xòe xong di chuyển vòng tròn ra ngoài kết thúc điệu xòe.
Điệu Xòe Ỏm lọm khắm khăn - Nắm tay vòng tròn
[sửa | sửa mã nguồn]Người tham gia xếp hàng đứng múa thành vòng tròn nắm tay nhau, vòng Xòe ban đầu hẹp và dần được mở rộng. Khi nhiều người tham gia sẽ đứng thành hai vòng hoặc ba vòng, nam nữ đứng xen kẽ nhau để Xòe, các vòng tròn chuyển động ngược chiều nhau. Động tác của Xòe vòng gồm 2 bước chính và 2 bước phụ. Bước thứ nhất tiến, chân sau bước lên ngang với bàn chân trước dậm nhẹ rồi lùi chân sau, chân trước rút về ngang với bàn chân sau dậm tiếp theo nhịp. Cùng với nhịp chân, bàn tay được nắm chặt vào nhau rồi nâng lên hạ xuống tiến hành đồng thời phụ họa với bước chân dậm, lúc tiến, lúc lùi theo nhịp trống, chiêng, tính tảu. Các động tác được lặp đi lặp lại nhiều lần và vòng Xòe dần dần được mở rộng bởi mỗi lúc mọi người đến Xòe một đông.
Trang phục
[sửa | sửa mã nguồn]Trang phục của dân tộc Thái trong Xòe vòng nổi bật với chiếc cóm (áo nữ) đủ màu sắc đính hàng khuy bạc hình bướm, hình nhện, hình ve sầu… chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân kết hợp với chiếc váy vải màu thâm, hình ống dài tha thướt; eo lưng được thắt bằng dải lụa màu xanh lá cây; dây xà tích bạc đính hình lục lạc, con bướm, ve, cá đeo ngoài cạp váy. Vào những ngày lễ trọng, phụ nữ Thái còn mặc thêm áo dài đen, xẻ nách hoặc kiểu chui đầu, hở ngực có hàng khuy bướm của áo cánh, chiết eo, vai phồng đính vải trang trí ở sườn nách và đôi vai ở phía trước như của người Thái Trắng. Phụ nữ Thái Đen đội piêu (khăn), nổi bật với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc rực rỡ, tóc búi ngược báo hiệu đã có chồng. Trang phục nam: quần được cắt theo kiểu chân què có cạp để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên gấu vạt, áo người Thái trắng có thêm một túi ở ngực trái; cài khuy tết bằng dây vải, áo cổ đứng chỉ có chân thấp không có ve. Màu quần áo phổ biến là màu chàm. Ngày lễ mặc áo đen dài, xẻ nách, bên trong mặc một lần áo trắng.[1]
Trước đây, việc xòe trong lễ hội bản mường (xên bản, xên mường…) gắn với phần nghi lễ đều do các ông Mo (thầy cúng) chủ trì, những người tham gia vào cuộc Xòe được coi là "có căn số" do Then Mo (thầy cúng) lựa chọn để cùng Xòe theo những nghi thức bài bản đã định. Xòe gắn với tín ngưỡng hướng đến tâm thức thể hiện sự biết ơn đối với trời, đất với các vị thần linh - những người đã tạo bản, tạo mường, phù hộ cho dân bản, mường được ấm no, hạnh phúc, tiêu trừ bệnh dịch, lúa, ngô được mùa, thóc gạo đầy bồ, mưa thuận gió hoà, không thiên tai, nạn dịch…[1]
Đạo cụ
[sửa | sửa mã nguồn]Trước đây, múa Xòe chủ yếu tập trung vào mấy điệu múa khăn. Dần dần, đã thêm nhiều điệu múa Xòe có sử dụng các phương tiện quen thuộc của người Thái để làm đạo cụ diễn xướng. Tên các loại đạo cụ đó trở thành tên gọi cho từng loại múa Xòe, theo những nội dung diễn xướng mang ý nghĩa nghệ thuật và giá trị văn hóa khác nhau: Xòe cúp (múa nón), Xòe vi (múa quạt), Xòe khăn (múa khăn), Xòe mák hính (múa quả nhạc), Xòe pooc (múa bằng những bông hoa), Xòe mạy (múa gậy), Xòe tính tẩu (múa đàn tính). Đi theo những điệu múa của từng loại đạo cụ này còn là đội ngũ phục vụ nhạc đệm với những Khèn bè, Đàn tính, Quả nhạc, Trống to - nhỏ, Ống tăng bẳng (ống gõ chế tác như mõ).[4]
Xòe khăn (múa khăn)
[sửa | sửa mã nguồn]Chiếc khăn là sản phẩm của lao động, nó mang cả giá trị vật chất và tinh thần, do người Thái nơi đây sáng tạo ra. Hầu hết các cuộc Xòe đều gắn với việc sử dụng chiếc khăn theo từng dạng thức nâng khăn mời rượu (điệu Khắm khăn mơi lẩu) hay điệu Xòe Đổn hôn (bắt chéo khăn theo các bước tiến - lùi, hoặc điệu Nhôm khăn (tay múa tung khăn lên trên đầu hoặc ra các phía). Người Xòe sử dụng khăn chuyển động với thân người, cùng sự vận động của chân với những tư thế, góc độ, nét mặt, ánh mắt tạo nên những đường nét Xòe với khăn thực sự độc đáo. Ngoài ra, đạo cụ khăn còn là vật trang điểm cho một số động tác Xòe khác. Khi cuộc Xòe diễn ra trước ban thờ do thày cúng chủ trì, chiếc khăn qua các dạng điệu thực hành của các cô gái Thái uyển chuyển biến đổi theo các lớp lang nghi lễ khác nhau. Khi hai tay người múa bắt chéo về từng bên, chiếc khăn biểu tượng cho mái chèo đưa thuyền hướng về thượng nguồn sông Hồng tìm về đất Tổ. Khi chiếc khăn được giăng chéo và giơ cao trên đầu, biểu tượng cho chiếc thang dựng ra để đón linh hồn những người đã khuất về dự lễ cùng con cháu. Khi chiếc khăn được xoắn lại, quay theo nhịp múa, trở thành biểu tượng cho chiếc roi ngựa giong ngựa tiễn đưa linh hồn người đã khuất về thượng giới.[1]
Phụ nữ Thái Trắng không đội khăn piêu thường sử dụng khăn lụa dài để múa còn phụ nữ Thái Đen sử dụng chiếc khăn piêu thường đội đầu có thêu những hoa văn rất đẹp để múa.[1]
Xòe nón (múa nón)
[sửa | sửa mã nguồn]Múa nón Mường Lay (Điện Biên) tiếp thu những động tác múa nón Phong Thổ (Lai Châu) như: Đưa nón sang hai bên người, nhún ngang, đưa nón sau gáy, nghiêng nón hai bên đầu, lao nón, xoay nón trên đầu, ngồi chống nón trước mặt và sáng tạo những động tác riêng nâng nón, ngửa nón, nâng nón sau lưng, đọ nón, xoay nón trước ngực.[1]
Xòe quạt (múa quạt)
[sửa | sửa mã nguồn]Có hai kiểu, múa một quạt và múa hai quạt. Múa một quạt thường đi đôi với khăn, người múa cầm quạt Xòe ở tay phải, khăn (gập đôi) ở tay trái. Còn múa hai quạt thì cầm quạt Xòe ở hai tay, quạt cũng có khi Xòe khi gập. Với điệu múa này tạo ra được sự duyên dáng, uyển chuyển, linh hoạt của người biểu diễn.[1]
Xòe sạp (múa sạp)
[sửa | sửa mã nguồn]Ban đầu Xòe sạp chỉ thực hành đối với số ít người cùng tham gia vì chỉ có hai cây tre hoặc hai cái chày để gõ. Sau đó con người dần sáng tạo sử dụng nhiều cây tre dành cho nhiều người ngồi gõ để phục vụ cho nhiều người cùng tham gia múa. Thông thường múa sạp ngày nay chuẩn bị đạo cụ cần thiết phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính khoảng 3 – 4 cm, dài 3 – 4 m). Khi múa, đặt hai sạp cái cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song với khoảng cách đều nhau chừng 30 – 40 cm tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sàn và một tốp múa, mỗi tốp có đội hình là những đôi trai gái, càng nhiều cặp tham gia càng khiến đội hình thêm phong phú, sinh động.[1]
Xòe nhạc (múa quả nhạc - Xòe mák hính)
[sửa | sửa mã nguồn]Người múa đeo chùm nhạc (từ 3 - 5 quả), đeo vào ngón giữa, có thể đeo cả hai tay nhưng thông thường đeo một tay phải. Quả nhạc nằm hướng trên mu bàn tay. Trong múa nhạc sử dụng bước chân Phong Thổ, Mường Lay và bước vội. Khi múa, hai bàn tay xấp chồng lên nhau, tay phải ở trên; từ tư thế này hai tay đánh nhạc ra hai bên mở xế gần 45 độ, sau đó hai tay vuốt vào về tư thế ban đầu. Quá trình đánh ra - vào nhạc có tiếng kêu, khi đánh sử dụng mu bàn tay để bật cho nhạc kêu là chính, không dùng bàn tay nắm vào mở ra, mắt nhìn theo tay.[1]
Xòe chai
[sửa | sửa mã nguồn]Đây là điệu múa sử dụng đạo cụ là chiếc chai thường được giữ cân bằng trên đỉnh đầu của người múa kết hợp với những động tác uyển chuyển, khéo léo mà không bị rơi, ý nghĩa của điệu múa này là để mời rượu.[1]
Không gian thực hành
[sửa | sửa mã nguồn]Xòe được tổ chức tại các bản của người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc Việt Nam, trong đó có các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ thuộc Yên Bái; huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tân Uyên, Than Uyên, Mường Tè, Tam Đường và thành phố Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu; các huyện Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Sốp Cộp, Bắc Yên, Vân Hồ, Phù Yên, Quỳnh Nhai, Mộc Châu, thành phố Sơn La thuộc tỉnh Sơn La; các huyện Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên. Những địa bàn được coi là trung tâm Xòe là Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và Mường Thanh (Điện Biên).[1]
Chủ thể của Nghệ thuật Xòe Thái là cộng đồng người Thái (Thái đen và Thái trắng) tập trung đông nhất ở các tỉnh thuộc Tây Bắc Việt Nam (Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên) và rải rác ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Những người thực hành Xòe Thái là cộng đồng cư dân người Thái không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị công tác, miễn là có sức khỏe và đủ điều kiện hình thể tham gia sinh hoạt Xòe. Những người nắm giữ và thực hành sinh hoạt Xòe của cộng đồng người Thái trước hết là những thày cúng (còn gọi là những thày Tào, thày Mo, thày Phựt, ông Then, bà Then) và những người dân vốn là những con bệnh, được thày cúng chữa khỏi, nhận làm các "con nuôi", hàng năm tụ tập về nhà thày để dâng lễ và trả ơn. Thày cúng là người có "căn số" tự thân hoặc được đào tạo từ gia đình (từ ông bà, cha mẹ), với khả năng giao tiếp được với thần linh, hiểu biết thông thạo các thực hành nghi lễ, biết cách thức múa dâng lễ và trao truyền cho các con nhang đệ tử thực hành tại các buổi lễ được tổ chức tại điện thờ của mình hoặc tại nhà con nhang đệ tử cần chữa bệnh, cứu nạn. Các con nhang thường là những người được chữa khỏi bệnh, được cứu nạn do thờ cúng, được dạy cách múa Xòe dâng lễ qua các động tác mang những ý nghĩa khác nhau với thần linh.[1]
Những người nắm giữ cách thức thực hành Xòe và có khả năng truyền dạy của cộng đồng người Thái chiếm số lượng không nhiều, thường là người được học hành, có trí tuệ, am hiểu phong tục tập quán tộc người và có năng khiếu văn nghệ, có khả năng thực hành, gìn giữ và sáng tạo các điệu múa từ tiền nhân truyền lại, được cộng đồng quý trọng và tin theo. Đó còn là những người vốn được đào tạo từ các trường văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, về địa phương sưu tập, nghiên cứu nghệ thuật Xòe và nắm vững kỹ năng múa Xòe, đủ khả năng sáng tạo, kỹ năng thuần thục đủ khả năng truyền dạy cho cộng đồng cách thức thực hành Xòe của dân tộc mình. Thực hành Xòe Thái luôn mang tính tập thể, tối thiểu phải có từ 8 người trở lên (đủ một đội Xòe), thường hình thành theo nhóm hoặc đội văn nghệ, câu lạc bộ hay các tổ chức hội đoàn (Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội nghề nghiệp, Hội đồng niên, Đoàn Thanh niên, hay từng lớp học tại nhà trường các cấp).[1]
Thực hành Xòe Thái không giới hạn trong cộng đồng một địa phương (làng/bản), mà luôn sẵn sàng thu nạp người ngoài địa phương theo các quan hệ xã hội khác nhau hoặc từ người của các dân tộc khác cùng tham gia thực hành. Những người thực hành Xòe Thái khi gắn với sinh hoạt tín ngưỡng thường do các thày cúng tổ chức với sự tham gia của các con nhang đệ tử cùng cộng đồng dân cư (chủ yếu là người Thái) có niềm tin vào thần linh phù hộ chữa được bệnh tật, nghèo khó. Nhóm người thực hành này thường gắn bó với nhau thành bản hội, nhóm người cùng cảnh ngộ,tự nguyện cùng nhau thực hành Xòe trong các nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội tại các di tích tâm linh hoặc tại nhà thày cúng (thày Tào, thày Phựt, thày Mo) hoặc đôi khi tại chính nhà của con bệnh hay người gặp hoàn cảnh hoạn nạn trong làng/bản. Những cuộc Xòe trong cộng đồng/nhóm người thường được tổ chức trong phần kết thúc cho các sự kiện, lễ hội hay các hình thức sinh hoạt thường nhật của một tập thể người nhất định (ngày lễ, sinh nhật, tân gia, cưới xin,…).[1]
Nghệ thuật Xòe Thái ở Tây Bắc Việt Nam chủ yếu dành cho nữ, nữ múa là chính; tính chất múa nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng linh hoạt. Người tham gia thực hành Xòe Thái nói chung không phân biệt lứa tuổi, thành phần nghề nghiệp, chính trị, giới tính, địa vị xã hội và niềm tin tôn giáo. Với các cuộc Xòe gắn cùng thực hành nghi lễ do Thày/Bà Then tổ chức, người tham gia chủ yếu là các con bệnh được chữa khỏi, đến để tạ ơn thần linh/Then hoặc những người đang gặp hoạn nạn, ốm đau đến dâng lễ và tham dự để cầu cúng.[1]
Địa điểm tổ chức Xòe thường tại Nhà cộng đồng, Nhà văn hóa thôn/bản hoặc tại một trong những ngôi nhà to đẹp của người dân trong bản. Khi thực hành Xòe gắn với nghi lễ thường tổ chức tại nhà của thày cúng hoặc tại nhà của con bệnh hay người gặp hoàn cảnh hoạn nạn cần thần linh cứu giúp. Ngoài ra, Xòe còn được thực hành tại các địa điểm vui chơi, các không gian phù hợp tại nơi lao động hoặc du lịch.[1]
Vinh danh
[sửa | sửa mã nguồn]Di sản nghệ thuật Xòe Thái đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam:
- Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Điện Biên theo Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL năm 2013[5]
- Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Yên Bái theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL năm 2015.[6]
- Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Lai Châu theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL năm 2015.[6]
- Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Sơn La theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL năm 2015.[6]
Tháng 11 năm 2020, hồ sơ di sản Nghệ thuật Xòe Thái của các tỉnh Tây Bắc Việt Nam (do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia chủ trì) đã hoàn thiện xong hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.[3]
Năm 2013, màn đại xòe cổ với 2.013 diễn viên quần chúng tham gia tại đêm khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò và Khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã xác lập Kỷ lục Guiness Việt Nam.[3]
Năm 2019, màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái trong chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò là vòng đại xòe lớn nhất tính đến thời điểm đó với sự tham gia của 5.000 nghệ nhân và diễn viên quần chúng.[3][7] Ban tổ chức Lễ hội dự định đăng ký xác lập Kỷ lục Guinness thế giới cho tiết mục này. Tuy nhiên, việc đăng ký này đã được dừng lại sau khi có những ý kiến lo ngại lễ xòe khi đó sẽ biến thành hoạt động giải trí và dẫn đến tâm lý so sánh nhất - nhì, ảnh hưởng đến hồ sơ di sản của xòe Thái đang trình UNESCO xét duyệt để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.[8]
Năm 2020, màn đại xòe đoàn kết có sự tham gia của 2.020 diễn viên quần chúng, trình diễn 6 điệu xòe cổ kết hợp biểu diễn trong chương trình diễu diễn đường phố nhiều ngày trước Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò.[3]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. “Báo cáo tổng hợp kiểm kê di sản nghệ thuật xòe Thái (tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La)”. 2018. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2021.
- ^ Xòe Thái được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- ^ a b c d e Hà Anh (10 tháng 11 năm 2020). “"Nghệ thuật Xòe Thái" đã hoàn thiện xong hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Báo Yên Bái điện tử. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2021.
- ^ Lê Ngọc Canh (1999). Văn hóa dân gian những thành tố. NXB Văn hóa thông tin - Trường Cao đẳng Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
- ^ “Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2018.
- ^ a b c “Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2018.
- ^ Giang Huy (21 tháng 9 năm 2019). “5.000 người múa xòe”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2021.
- ^ Trinh Nguyễn (13 tháng 9 năm 2019). “Yên Bái dừng đăng ký vòng xòe kỷ lục Guinness”. Báo điện tử Thanh niên. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2021.