Bước tới nội dung

Wikipedia:Thảo luận/Wikimanía 2015

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tháng vừa rồi, mình có dịp tham dự hội nghị quốc tế Wikimanía 2015 tại Thành phố México. Tới gần kỳ hội nghị, Quỹ Wikimedia Foundation khám phá có đủ tiền trong quỹ học bổng để gửi thêm một người đến Thành phố México, nên Ijon mời mình đi. Mình có mục đích tạo quan hệ giữa wiki này và phong trào Wikimedia nói chung, và cộng tác với các lập trình viên để phát triển những công cụ hữu ích cho cộng đồng này cũng như phong trào nội dung mở nói chung.

Nhảy múa truyền thống México tại lễ khai mạc.

Tại hội nghị, nhiều nhân viên tìm ra mình để giải thích tại sao họ muốn có thành viên Wikipedia tiếng Việt tham dự hội nghị. Họ cảm thấy rằng Wikipedia tiếng Việt đã phát triển nhanh chóng đáng ngạc nhiên nhưng lại có tính "bí ẩn"! Hơn một nhân viên phàn nàn rằng "không ai biết ai đóng góp vào dự án tiếng Việt", rằng chúng ta chưa bao giờ xin trợ giúp của Quỹ, và các cộng đồng Đông Nam Á kia cũng không biết nhiều về chúng ta. Mình cảm thấy điều này là một thiếu sót cá nhân vì qua những năm có nhiều cơ hội để liên hệ với các cộng đồng khác. Mình sẽ cố gắng giúp cộng đồng này liên hệ với phong trào chung.

Vào những ngày hội nghị chính thức, các thành viên wiki Á châu cố gắng họp mặt để chia sẻ kinh nghiệm và tạo ra các chương trình cộng tác liên wiki. Một người đến từ Trung Quốc, AddisWang, cho biết về chương trình "quảng cáo" Wikipedia tại Trung Quốc bằng cách gửi bưu thiếp có hình chọn lọc Commons cho những người đóng góp tích cực. Taweetham (đến từ Thái Lan) và Meursault2004 (Indonesia) kể lại các khó khăn trong việc tổ chức cuộc thi sửa đổi wiki. Hóa ra những người tham gia cuộc thi chỉ muốn giành được giấy bằng để thêm vào lý lịch và nói chung không tham gia sau khi cuộc thi kết thúc. Vào tháng 11, các wiki Á châu sẽ rút kinh nghiệm này trong việc tổ chức một cuộc thi sửa đổi nhằm mục đích trao đổi văn hóa. Một số người đề nghị một chiến lược để ủng hộ các ứng viên Á Đông và "Nam toàn cầu" trong cuộc bầu cử Ủy ban Wikimedia lần sau; có lẽ các bạn đã biết rằng mình không thèm chuyện chính trị mấy.

Firefox là trình duyệt có linh vật hay nhất!

Những người Á Đông và Đông Nam Á thích chọc mình vì quản lý một "Botpedia". Khác với các nhân viên Quỹ Wikimedia, những người này đều biết đến Cheers!-bot và diễn tả nó là một quái vật. ;^) Như mình đã nói đến, nhiều người bên ngoài nhìn vào Wikipedia tiếng Việt, tưởng rằng chúng ta có cả hàng trăm người gõ gõ viết bài liên tục. Vì vậy một nhân viên Quỹ Wikimedia hỏi tại sao chúng ta "rất ít sử dụng công cụ Biên dịch nội dung": chỉ có 130 bản dịch được xuất bản, so với tổng số 1,1 triệu bài viết.

Đề tài kiểm duyệt hiện ra lù lù (loomed large?) tại hội nghị. AddisWang giải thích tình hình tại Trung Quốc, nhất là vụ chặn Wikipedia bắt đầu từ giữa tháng 5 năm nay. Ông Jimmy Wales giới thiệu quỹ bất vụ lợi mới của ông nhằm mục đích ủng hộ tự do thể hiện khắp thế giới (vì không muốn trả lại "tiền nhơ bẩn" do CTVQARTN tặng cho ông). Năm nay, ông tặng thưởng "Người Wikipedia trong Năm" một cách bí mật (in pectore) vì vấn đề an toàn cá nhân.

Jimmy Wales tại lễ bế mạc.

Song song với hội nghị chính, các lập trình viên cũng tham dự những ngày "Hackathon" (Hackatón). Trong cuộc đua hacking (xem hacker, nghĩa 3), các lập trình viên tụ tập và phát triển những công cụ, tính năng, bản vá lỗi, hoặc khái niệm sáng kiến một cách nhanh chóng. Ngày đầu tiên mình thử thêm các chức năng Wikidata vào chương trình sửa đổi của OpenStreetMap, một dự án bản đồ mở rất tương tự với Wikipedia. [1] (Mình cũng tích cực tại OSM đến độ mà mình vừa bỏ việc tại Apple để làm cho một startup chuyên về OSM cách đây vài tháng.)

Ngoài bản đồ, mình cũng cộng tác với Aaron Halfaker để phát triển một mô hình tự động dò ra sửa đổi phá hoại tại Wikipedia tiếng Việt dùng kỹ thuật trí tuệ nhân tạo. [2] Mai mốt công cụ ra·un sẽ cho phép nhận ra và lùi lại các sửa đổi phá hoại một cách thông minh. Khác với ClueBot NG, hệ thống này được thiết kế để hỗ trợ bất cứ ngôn ngữ nào, không phải chỉ tiếng Anh.

Suốt ngày Hackatón, mình (bên phải) cố gắng gỡ lỗi trong mã nguồn của mình.

Bộ gõ AVIM của chúng ta đã thu hút sự quan tâm của một số nhà phát triển. Nói chung, nhóm kỹ thuật ngôn ngữ Wikimedia muốn "diệt chủng" các tiện ích bộ gõ và thay thế chúng bằng Hộp chọn Ngôn ngữ Toàn cụcjquery.ime. Tuy nhiên, họ ngạc nhiên vui mừng khi khám phá rằng AVIM hoàn toàn tương thích với Trình soạn thảo trực quan.

Sau vụ các Wikipedia tiếng Anh và Đức phản đối các tính năng mới như Trình soạn thảo trực quan và Cửa sổ phương tiện, Quỹ Wikimedia rất cẩn thận về việc phát hành tính năng mới nhưng vẫn cần những nơi để thử tính năng. Vì các tùy biến như AVIM, Quỹ đã bắt đầu chú ý đến Wikipedia tiếng Việt là một wiki nâng cao về kỹ thuật có thể chấp nhận các tính năng beta. Các nhóm phát triển FlowBiên dịch nội dung đã đề nghị thử các tính năng mới tại đây (miễn phải có sự ủng hộ của cộng đồng). Mình đang cố gắng biên dịch các phần mở rộng để chuẩn bị cho việc này. Sau đó, mình đề nghị kích hoạt Flow để thay thế một số trang thảo luận dài khó tổ chức lại, thí dụ như Wikipedia:Tin nhắn cho bảo quản viên.

Mình cũng nói chuyện với nhóm tìm kiếm về việc phát triển trang chủ www.wikipedia.org, cũng như về lỗi 78.485 có thể gây nhầm lẫn khi tìm kiếm tại các wiki tiếng Việt. Đối với các dự án liên quan, một hội viên Wikimedia D.C., đề nghị cộng tác với các trường đại học, thư viện tại Mỹ để giúp chúng ta quét và hiệu đính các tài liệu cho Wikisource tiếng Việt. Đây có thể là một điều quan trọng cho dự án đó; các thư viện Mỹ có rất nhiều tài liệu khó kiếm được về thời Chiến tranh tại Việt Nam. Wikisource có thể trở thành một nguồn quan trọng cho các bài lịch sử tại Wikipedia. Mình dự định tiếp tục cuộc thảo luận này tại WikiConference USA vào tháng 10 tại Washington, D.C.

Những người tham dự Wikimanía

Hội nghị có nhiều phiên thuyết trình về đủ mọi đề tài. Mình ưa thích bài thuyết trình của Nghị sĩ Âu châu Julia Reda về quá trình cải cách luật bản quyền và bài của Luis von Ahn, nhà sáng lập Duolingo, về việc mở rộng giáo dục ngôn ngữ cho toàn thế giới – và xin lỗi vì sáng chế hệ thống CAPTCHA (video).

Cơ hội đặc biệt

[sửa | sửa mã nguồn]

20 năm nay mình chưa có dịp bước ra ngoài nước Mỹ (một nước khá rộng), nên Wikimanía là một sự kiện rất đặc biệt đối với mình, dù phải nhớ lại các bài tiếng Tây Ban Nha (đã quên hẳn cách chia động từ rồi). Đây cũng chỉ là lần thứ hai gặp mặt người Wikipedia (anh Dụng ở gần), và hình như chỉ là lần thứ hai có thành viên Wikipedia tiếng Việt tham dự Wikimania. (Người đầu tiên là ai vậy?) Dù chỉ kéo dài vài ngày, mình đã rút rất nhiều kinh nghiệm từ sự kiện này và trở thành bạn bè với những người đến từ khắp thế giới.

Lần này mình tình cờ nhận được học bổng; năm sau mình khuyên khích mọi người tại đây nộp đơn xin học bổng tham dự Wikimania 2016 tại làng núi Esino Lario, Ý. Những người tổ chức hứa rằng kỳ năm sau sẽ đẹp đẽ không thể tưởng tượng. Mong gặp các bạn tại đấy!

 – Nguyễn Xuân Minh 💬 10:10, ngày 12 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]

Bài viết thú vị và chi tiết, cảm ơn Minh đã đi và viết. Tuanminh01 (thảo luận) 10:59, ngày 12 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]

Like cái nhẩy! Thái Nhi (thảo luận) 11:35, ngày 12 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]
Hình như người đầu tiên tham gia là Thành viên:Grenouille vert tại thành phố Haifa, Israel thì phải?--Prof. Cheers! (thảo luận) 12:06, ngày 12 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]
Lần đó em có tham gia nhưng không biết là các Wikimania trước đó đã có người Việt nào tham gia chưa (kiểm tra danh sách các kì Wikimania trước thì không thấy người nào tham gia "khai" là quốc tịch Việt Nam hoặc có tên người dùng giống tên Việt Nam cả). Nhưng lần ở Haifa cũng không phải có mỗi em là người Việt, còn một chị người Mỹ gốc Việt vợ một anh admin nào đấy nữa. GV (thảo luận) 12:11, ngày 12 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]
Suy nghĩ xem có đăng ký tham dự Wikimanía ko nhỉ, họ tài trợ vé may bay đi về thôi cũng được, hi.--Prof. Cheers! (thảo luận) 12:13, ngày 12 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]
Ủng hộ giáo sư Prof. Cheers! nhẩy :-D. Thái Nhi (thảo luận) 12:51, ngày 12 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]
Anh đăng ký chắc chắn là được đấy ạ. GV (thảo luận) 13:57, ngày 12 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]

Bài viết rất bổ ích. Chỉ có điều trong trường hợp này không gọi scholarship là học bổng (cũng như nói đến quỹ học bổng được) vì không phải tài trợ cho đi học, ít ra thì cũng nên gọi là quỹ họp bổng, he he. Nếu qỹ còn chi cho những việc khác nữa ngoài đi họp thì phải dùng tên gọi khác, giả dụ "quỹ đài thọ", "quỹ hỗ trợ [kinh phí]",... --Nguyễn Việt Long (thảo luận) 17:06, ngày 12 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]

Cảm ơn anh Mxn về câu chuyện Wikimania 2015 rất thú vị! Mong mỗi năm đều có thành viên Wikipedia tiếng Việt tham dự những chương trình tương tự, "đem chuông đi đấm xứ người", để cộng đồng chúng ta không là một vùng tối nhạt mờ!Việt Hà (thảo luận) 00:56, ngày 13 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]
Cám ơn VietLong, vậy thì gọi là "tài trợ tham dự" có được không? Mình đang dịch đơn xin "họp bổng" cho kỳ hội nghị năm sau, có lẽ việc này sẽ giúp đỡ những người Việt Nam muốn tham dự. – Nguyễn Xuân Minh 💬 04:49, ngày 14 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]

Cũng được, nhưng chưa rõ tham dự cái gì? Có thể dùng "tài trợ dự họp". --Nguyễn Việt Long (thảo luận) 13:23, ngày 15 tháng 8 năm 2015 (UTC)[trả lời]

Tình cờ bây giờ mới đọc được trang này, coi bộ hứng thú, bạn Prof. Cheers!, Nguyễn Xuân Minh, Nguyễn Việt Long và các bạn khác nhớ đi đông đủ. Chắc mình cũng xin tham dự. Khu này mình đã có lần đi cắm trại, đẹp lắm, nằm gần hồ Como, vừa hồ vừa núi, bỏ qua rất uổng, đừng quên quần tắm, chắc không có chỗ tắm truồng như ở Đức và giầy đi dạo núi. DanGong (thảo luận) 08:19, ngày 4 tháng 9 năm 2015 (UTC)[trả lời]