Wikipedia:Cách viết Tiết đoạn dẫn nhập
Giao diện
Trang này hiện không hoạt động và được giữ lại vì lý do tham khảo lịch sử. Trang này không còn phù hợp hoặc sự đồng thuận về mục đích của nó đã trở nên không rõ ràng. Để hồi sinh cuộc thảo luận, hãy tìm kiếm nơi có nhiều người xem hơn, như Trang thảo luận chung. |
Tiết đoạn dẫn nhập của một bài viết là phần mở đầu. Mục đích của phần này là giúp người đọc có một khái niệm tổng quát về mục đề và, từ đó, có thể quyết định đọc thêm hay không. Nó thường được viết ngắn, gọn nhưng đầy đủ, thường không nhiều hơn 3 đến 4 đoạn văn, có thể có hình ảnh.
Dưới đây hướng dẫn một số gợi ý khi viết tiết đoạn dẫn nhập để phù hợp với phong cách chung của các bài trong Wikipedia tiếng Việt.
- Tiết đoạn dẫn nhập phải chứa tên chính của bài viết, và tên này phải được viết đậm trong lần xuất hiện đầu tiên. Xem thêm Wikipedia:Cách đặt tên trang.
- Sau tên chính có thể là tên trong ngôn ngữ gốc và các tên trong các ngôn ngữ quan trọng khác, nếu có, như một danh sách trong ngoặc. Tuy nhiên phần này không bắt buộc vì đã có liên kết giữa ngôn ngữ.
- Mục đích của tên gốc là để hiểu thêm về nguồn gốc của tên chính và để tra khảo thêm trong các ngôn ngữ khác, không phải để liệt kê tất cả các ngôn ngữ mà người viết biết.
- Đầu tiên là tên trong ngôn ngữ gốc. Thí dụ, Đức (tiếng Đức: Deutschland;...), không phải là Đức (tiếng Anh: Germany;...).
- Các tên trong các ngôn ngữ quan trọng khác theo sau. Dùng dấu chấm phẩy (;) để phân cách giữa hai ngôn ngữ và dấu phẩy (,) để phân cách giữa hai từ trong cùng một ngôn ngữ. Thí dụ, Cà phê (tiếng Pháp: café; tiếng Anh: coffee, cafe; tiếng Đức: kaffee...).
- Các ngôn ngữ quan trọng tùy thuộc vào đề tài của bài viết. Trong một bài viết về một đơn vị hành chính tại Belarus thì, sau tiếng gốc là tiếng Belarus, tiếng quan trọng có nhiều lý do nhất phải là tiếng Nga hơn tiếng Tây Ban Nha.
- Ngoài ra các ngôn ngữ quan trọng khác nên được để ý là tiếng Anh (trong các bài về khoa học và máy tính), và tiếng Pháp cũng như chữ Hán (chữ Nho) vì liên hệ lịch sử của hai văn hóa này với văn hóa Việt.
- Không phải từ Hán-Việt nào cũng phải có chú thích chữ Hán trong ngoặc, như thế bài viết sẽ rất nặng nề, vì trong tiếng Việt có ít nhất 70% từ Hán-Việt, hay từ có gốc Hán. Và nên để ý là có hai dạng của chữ Hán: chữ Hán phồn thể và chữ Hán giản thể.
- Nếu có thể, viết các từ dưới dạng ký tự Latin và dạng ký tự gốc trong ngoặc. Thí dụ, Moskva (tiếng Nga: Москва; tiếng Anh: Moscow; tiếng Pháp: Moscou...).
- Nếu trong bài có nhiều thuật ngữ cần chú thích với nhiều tiếng khác nhau, nên nghĩ đến cách góp chúng vào một bảng hay một phần trong bài. Cách này dễ đọc hơn cách viết có quá nhiều các dấu đóng và mở ngoặc.
- Sau đó là các tên kém thông dụng hơn được viết đậm và phân cách bằng dấu phẩy (,).
- Tên sai chính tả không phải là tên, thông dụng hay kém thông dụng.
- Tên không có dấu không phải là tên, thông dụng hay kém thông dụng.
- Tên chỉ được dùng bởi một vài người, trong một nhóm nhỏ, như một mật hiệu... không nên được nhắc đến.
- Thí dụ, San Francisco, còn được biết như San Fran hay Cựu Kim Sơn trong tiếng Việt cổ, là một thành phố... Thí dụ, Niết-bàn, còn được viết là Niết Bàn, Niết bàn hay, dịch theo đúng nghĩa, cõi Vô vi...
- Nên để ý kỹ về các viết hoa/viết thường của tên mục đề. Thí dụ, "hòa bình" nói về tình trạng không có chiến tranh, trong khi "Hòa Bình" là tên của một tỉnh.
- Nếu bài viết về một nhân vật thì ngay sau tên chính phải có chi tiết về ngày, nơi sinh và ngày, nơi chết theo dạng sau đây: Nguyễn Văn X, Bá tước Biên Hòa (29 tháng 2, 3012 tại Trái Đất – 31 tháng 12, 3125 tại Hỏa Tinh) là một chính khách...
- Nếu viết bài về một quốc gia, xin tham khảo Danh sách quốc gia để dùng đúng chuẩn của Wikipedia tiếng Việt.
- Tên người Á Đông có thứ tự "họ viết trước tên" trong khi tên người Tây phương có thứ tự "tên viết trước họ". Các tên Triều Tiên, Hàn Quốc được viết dùng lối chuyển tự sang ký tự Latin (ngoại trừ các tên Hán-Việt đã quá thông dụng); các tên Nga được viết theo dạng Lev Nikolayevich Tolstoy thay vì dạng "Lev Tolstoy".