Johannes Kepler (27 tháng 12, 1571 – 15 tháng 11, 1630) là một nhà toán học, thiên văn học và chiêm tinh họcngười Đức. Là một đại diện tiêu biểu của cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17, Kepler được biết đến nhiều nhất về các định luật về chuyển động thiên thể, được thiết lập từ những công trình như Astronomia nova, Harmonice Mundi và Tóm tắt thiên văn học Copernicus. Khởi đầu sự nghiệp, Kepler từng là một giáo viên toán ở chủng viện Graz, trước khi đảm nhiệm vai trò trợ tá cho nhà thiên văn Tycho Brahe, và cuối cùng trở thành nhà thiên văn học triều đình cho Hoàng đế La Mã Thần thánh Rudolf II và sau đó là các hoàng đế kế vị Matthias và Ferdinand II. Trong những năm biến động cuối đời, ông dạy toán ở Linz (Áo) và là cố vấn cho Albrecht von Wallenstein. Ngày nay được biết đến chủ yếu vì những nghiên cứu thiên văn học, ông còn có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực quang học, phát minh ra một mẫu kính viễn vọng phản xạ (Kính viễn vọng Kepler), cũng như thảo luận về những khám phá bằng kính viễn vọng của nhà khoa học cùng thời Galileo Galilei. Được thúc đẩy bởi đức tin và nền tảng thần học, Kepler cũng kết hợp lập luận tôn giáo vào công trình của mình. Kepler mô tả nền thiên văn học mới của ông là "vật lý học thiên thể", như "một cuộc dạo chơi vào siêu hình học của Aristotle". [ Đọc tiếp ]