Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2017/11
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Titanic (phim 1997)Titanic là một bộ phim thảm hoạ lãng mạn có yếu tố lịch sử của Mỹ phát hành năm 1997, do James Cameron làm đạo diễn, viết kịch bản, đồng sản xuất, đồng biên tập và hỗ trợ tài chính một phần. Phim lấy ý tưởng dựa trên vụ đắm tàu RMS Titanic nổi tiếng trong lịch sử vào năm 1912, với sự tham gia của các diễn viên chính Leonardo DiCaprio và Kate Winslet trong vai hai con người đến từ hai tầng lớp khác nhau trong xã hội, họ đem lòng yêu nhau trên chuyến ra khơi đầu tiên của con tàu xấu số. Phát hành vào ngày 19 tháng 12 năm 1997, bộ phim đã giành được thành công vang dội cả về doanh thu và chuyên môn. Trong số mười bốn giải Oscar được đề cử, phim giành chiến thắng ở mười một hạng mục, trong đó có giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất, bằng với kỷ lục của Ben Hur (1959) về phim giành được nhiều giải Oscar nhất. Kinh phí thực hiện bộ phim do Paramount Pictures và 20th Century Fox cung cấp, và vào thời điểm đó, đây là bộ phim có kinh phí cao nhất trong lịch sử, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 200 triệu đô la Mỹ. Với doanh thu trên 1,84 tỷ đô la Mỹ trong lần phát hành đầu tiên, phim cũng trở thành bộ phim đầu tiên vượt qua mốc doanh thu 1 tỷ đô la Mỹ. Titanic giữ ngôi vị bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, cho tới khi một bộ phim khác cũng của Cameron ra mắt năm 2009, Avatar vượt qua lợi nhuận của nó vào năm 2010. [ Đọc tiếp ] |
Phố cổ Hội AnPhố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Cuối năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới. [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thiên kiến xác nhậnThiên kiến xác nhận là một khuynh hướng của con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ. Con người biểu hiện thiên kiến hoặc định kiến này khi họ thu thập hoặc ghi nhớ thông tin một cách có chọn lọc, hoặc khi họ diễn giải nó một cách thiên vị và thường đi kèm với sự từ chối xem xét các góc nhìn khác. Ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận mạnh hơn đối với các vấn đề liên quan tới cảm xúc, hoặc những niềm tin đã ăn sâu vào tâm thức. Người ta cũng có xu hướng diễn dịch bằng chứng không rõ ràng để ủng hộ cho lập trường có sẵn của họ. Sự tìm kiếm bằng chứng, giải thích và ghi nhớ một cách thiên vị cũng được viện dẫn để giải thích phân cực thái độ (khi bất đồng trở nên cực đoan hơn mặc dù các bên khác nhau đều tiếp xúc với cùng một bằng chứng), tín điều cố chấp (khi những tín điều vẫn tồn tại ngay cả khi bằng chứng rằng nó sai lầm đã được đưa ra), hiệu ứng ưu tiên phi lý (khi người ta tin tưởng hơn vào thông tin nhận trước trong một loạt thông tin), tương quan ảo tưởng (khi người ta nhận thức một cách sai lầm về mối tương quan giữa hai sự kiện hoặc tình huống). Một loạt các thí nghiệm trong những năm 1960 đề xuất rằng con người có xu hướng thiên vị những gì xác nhận niềm tin hiện có của họ. Các nghiên cứu sau đó đã giải thích lại những kết quả này như một khuynh hướng kiểm tra ý niệm một chiều, tập trung vào một khả năng và bỏ qua những khả năng khác. Trong một số tình huống, khuynh hướng này có thể làm lệch lạc nhận thức và kết luận của con người. Quyết định sai lầm do những thiên kiến này đã được thấy trong các bối cảnh chính trị và tổ chức. [ Đọc tiếp ] |
Trần Thái TôngTrần Thái Tông (1218 – 1277, tên húy Trần Cảnh), là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi từ năm 1225 tới năm 1258, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời. Trần Cảnh sinh ra vào thời Lý, quê ở làng Tức Mặc (Thiên Trường). Lên 7 tuổi, ông được chú là Trần Thủ Độ tiến cử làm Chi hậu chính chi ứng cục, hầu hạ cho nữ hoàng nhỏ tuổi Lý Chiêu Hoàng. Năm 1225, Trần Thủ Độ buộc Chiêu Hoàng cưới và nhường ngôi cho Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông. Cùng với cha - thượng hoàng Trần Thừa và chú - thái sư Trần Thủ Độ, Thái Tông đã tiến hành cải tổ luật pháp, hành chính, đồng thời khuyến khích nông, thương nghiệp và phát triển nền giáo dục Tam giáo đồng nguyên. Ông cũng xây dựng quân đội mạnh và ngăn chặn quân Chiêm Thành cướp phá mạn nam. Trong thời gian đó, trên hướng bắc Đại Việt, dân tộc Mông Cổ đã trỗi dậy thành một đế quốc quân sự lớn. Năm 1258, tướng Mông Cổ Uriyangqatai đem quân tấn công Đại Việt, Trần Thái Tông trực tiếp lãnh đạo kháng chiến và cuối cùng đã đánh bại người Mông Cổ. Ông còn là một thiền sư Phật giáo, đã truyền dạy kinh nghiệm tu hành của mình qua nhiều tác phẩm. Ông được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm – giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam – vào cuối thế kỷ 13. [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Squatina squatinaSquatina squatina là một loài cá nhám dẹt trong họ Squatinidae từng phân bố rộng rãi ở vùng nước ven biển phía đông bắc Đại Tây Dương. Đây là loài ngụy trang tốt ở khu vực đáy đại dương, với cơ thể phẳng, mở rộng ở phần vây bụng và vây ngực khiến chúng có bề ngoài giống với một con cá đuối. Squatina squatina có cơ thể rộng, râu hình nón, lưng có ít gai, cơ thể có màu xám hoặc nâu nhạt ở lưng với một mô hình của rất nhiều chấm sáng nhỏ li ti. Một con trưởng thành có thể dài tới 2,4 m (7,9 ft). Giống như các loài khác trong họ, Squatina squatina là động vật ăn thịt, săn mồi vào ban đêm. Chúng vùi mình trong lớp trầm tích bùn và chờ đợi con mồi đi qua. Thức ăn chủ yếu là các sinh vật đáy bao gồm cá và động vật không xương sống. Con cái đẻ 2 năm một lần, mỗi lần sinh từ 7 - 25 con cá con. Squatina squatina thường ít gây nguy hiểm cho con người, nhưng nếu bị khiêu khích chúng có thể cắn và làm bị thương. Loài cá này bị đánh bắt làm thức ăn từ thời Hy Lạp cổ đại, và hiện nay được bán trên thị trường châu Âu dưới tên "monkfish". Kể từ giữa thế kỷ 20, căng thẳng thương mại trong đánh bắt cá đã khiến số lượng loài bị giảm nhanh chóng, ở một số địa phương loài này gần như đã tuyệt chủng, còn lại ở một số khu vực ở phía bắc thì quần thể phát triển phân tán, tương đối chậm và bấp bênh bởi tỷ lệ sinh sản thấp. Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) đã đưa chúng vào danh sách loài cực kỳ nguy cấp. [ Đọc tiếp ] |