Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2015/04
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Bản danh sách của SchindlerBản danh sách của Schindler là một bộ phim chính kịch lịch sử của Hoa Kỳ, do Steven Spielberg làm đạo diễn kiêm đồng sản xuất và Steven Zaillian viết kịch bản. Phim dựa theo cuốn tiểu thuyết Schindler's Ark của Thomas Keneally, một tiểu thuyết gia người Úc. Bộ phim dựa trên cuộc đời của Oskar Schindler, một doanh nhân người Đức đã cứu sống hơn một nghìn người, trong đó phần lớn là người Do Thái gốc Ba Lan tị nạn trong thời kỳ phát xít Đức tàn sát người Do Thái bằng cách thuê họ vào làm trong các nhà máy của ông. Phim có sự tham gia của Liam Neeson trong vai Schindler, Ralph Fiennes trong vai sĩ quan Schutzstaffel (SS) Amon Goeth và Ben Kingsley trong vai kế toán người Do Thái của Schindler Itzhak Stern. Ý tưởng sản xuất một bộ phim nói về Schindlerjuden (những người Do Thái của Schindler) được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1963. Poldek Pfefferberg, một trong số những người Schindlerjuden, xác định rằng sứ mệnh của cuộc đời mình là phải kể lại câu chuyện của Schindler cho hậu thế. [ Đọc tiếp ] |
Cardcaptor SakuraCardcaptor Sakura là một loạt shōjo manga viết và minh họa bởi nhóm nghệ sĩ nổi tiếng Nhật Bản CLAMP. Ban đầu manga được đăng thường kì hàng tháng trên tạp chí Nakayoshi từ tháng 5 năm 1996 đến tháng 6 năm 2000, và sau đó được Kodansha phát hành thành 12 tập tankōbon từ tháng 11 năm 1996 đến tháng 7 năm 2000. Câu chuyện xoay quanh Kinomoto Sakura, một học sinh tiểu học tình cờ phát hiện ra mình đang nắm giữ một sức mạnh kì diệu sau khi vô tình giải phóng một bộ thẻ bài ma thuật đã được niêm phong nhiều năm trong một quyển sách. Sau đó cô được giao nhiệm vụ phải thu phục lại tất cả các thẻ bài đã chạy thoát nhằm ngăn chặn chúng phá hủy thế giới. Madhouse là hãng sản xuất chuyển thể anime truyền hình của tác phẩm, với độ dài 70 tập và phát sóng tại Nhật Bản trên kênh NHK từ tháng 4 năm 1998 đến tháng 3 năm 2000. Hai bộ phim nhựa khác cũng được Madhouse phát hành vào tháng 8 năm 1999 và tháng 7 năm 2000. [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Hệ thống bảo tàng ParisThành phố Paris hiện sở hữu một hệ thống gồm hơn 136 bảo tàng, trong đó có 14 bảo tàng thuộc Hiệp hội bảo tàng quốc gia và 14 bảo tàng do chính quyền thành phố quản lý. Là một trung tâm của nghệ thuật từ nhiều thế kỷ, Paris lưu giữ rất nhiều những tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng, từ Leonardo da Vinci, Raffaello, Delacroix tới Monet, Van Gogh, Matisse, Picasso. Các bảo tàng nơi đây cũng trưng bày những bộ sưu tập hiện vật giá trị về lịch sử, khoa học, khảo cổ hay các nền văn minh, đến từ khắp nơi trên thế giới. Không ít bảo tàng ở Paris còn được dành cho những lĩnh vực đa dạng và độc đáo như thời trang, sân khấu, thể thao hay mỹ phẩm, ẩm thực. Những bảo tàng đầu tiên của Paris được thành lập vào thời kỳ Cách mạng Pháp. Trong giai đoạn này, nhiều tài sản hoàng gia trở thành tài sản quốc gia, và Louvre mở cửa ngày 10 tháng 8 năm 1793, có thể xem như bảo tàng đầu tiên của Paris, cũng là bảo tàng đầu tiên của nước Pháp. [ Đọc tiếp ] |
Thảm sát KatynThảm sát Katyn (cũng được gọi là vụ Thảm sát rừng Katyn) là một cuộc thảm sát những người quốc gia Ba Lan do Bộ Dân ủy Nội vụ, cảnh sát mật Liên xô thực hiện vào tháng 4 và tháng 5 năm 1940. Vụ thảm sát khởi đầu từ đề xuất của L. P. Beriya hành quyết tất cả các sỹ quan Ba Lan, ngày 5 tháng 3 năm 1940. Tài liệu chính thức này đã được Bộ Chính trị, gồm cả lãnh đạo I. V. Stalin, ký và đóng dấu. Số lượng nạn nhân được ước tính khoảng 22.000 người, với con số thấp là 21.768 người. Các nạn nhân bị giết hại tại Rừng Katyn Nga, các trại tù Kalinin và Kharkiv và những nơi khác. Trong tổng số người bị giết hại, khoảng 8.000 là các sỹ quan Ba Lan bị bắt làm tù binh trong cuộc xâm chiếm Ba Lan của Liên Xô năm 1939, 6.000 người khác là các sỹ quan cảnh sát, số còn lại là những người thuộc giới trí thức Ba Lan bị bắt giữ vì bị coi là các "nhân viên tình báo, sen đầm, địa chủ, những kẻ phá hoại, chủ nhà máy, luật sư, viên chức và thầy tu." [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
PiSố π là một hằng số toán học có giá trị bằng tỷ số chu vi đường tròn chia cho đường kính của đường tròn đó. Hằng số này, đôi khi được viết là pi, xấp xỉ bằng 3,14159. Nó được biểu diễn bằng chữ cái Hy Lạp π từ giữa thế kỉ 18. π là một số vô tỉ, nghĩa là không thể biểu diễn chính xác nó thành tỉ số của hai số nguyên (chẳng hạn như 22/7 hay các phân số khác thường dùng để xấp xỉ π); do đó, biểu diễn thập phân của nó không bao giờ kết thúc và không bao giờ tuần hoàn. Hơn nữa, π còn là một số siêu việt - tức là một số không phải là nghiệm của bất kì đa thức khác không với hệ số hữu tỉ nào. Tính siêu việt của π ngụ ý rằng không thể nào giải đáp được thách thức có từ thời cổ về cầu phương hình tròn chỉ với compa và thước kẻ. Các con số trong biểu diễn thập phân của π dường như xuất hiện theo một thứ tự ngẫu nhiên, mặc dù người ta chưa tìm được bằng chứng nào cho tính ngẫu nhiên này. [ Đọc tiếp ] |