Bước tới nội dung

Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2010/02

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 2 năm 2010
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Chiến dịch Guadalcanal

Tháng 11 năm 1942. Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ, có lẽ thuộc Sư đoàn 2, đang nghỉ ngơi tại chiến trường trong chiến dịch Guadalcanal.

Chiến dịch Guadalcanal diễn ra từ ngày 7 tháng 8 năm 1942 đến ngày 9 tháng 2 năm 1943 trên đảo Guadalcanal và khu vực phụ cận tại quần đảo Solomon của Mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Việc tranh chấp diễn ra ác liệt cả trên bộ, trên biển và trên không; chiến dịch này là cuộc tấn công lớn đầu tiên của phe Đồng Minh chống lại Đế quốc Nhật Bản sau một thời gian dài phòng thủ.

Vào ngày 7 tháng 8 năm 1942, lực lượng Đồng Minh, chủ yếu là Mỹ, thực hiện đổ bộ lên các đảo Guadalcanal, Tulagi, và Florida (Nggela Sule) phía Nam quần đảo Solomon với mục tiêu ngăn chặn quân Nhật sử dụng chúng làm căn cứ đe dọa con đường vận chuyển từ Mỹ đến Australia và New Zealand. Đồng Minh còn định sử dụng Guadalcanal và Tulagi như những căn cứ hỗ trợ cho chiến dịch chiếm đóng hoặc vô hiệu hóa căn cứ chủ lực của Nhật tại Rabaul trên đảo New Britain. Lực lượng Đồng Minh đã áp đảo số lượng quân Nhật phòng thủ nhỏ bé, vốn đã chiếm đóng các đảo này từ tháng 5 năm 1942, chiếm giữ Tulagi và Florida cùng một sân bay (sau này được đặt tên là Henderson) đang được xây dựng trên đảo Guadalcanal.

Bị bất ngờ bởi đòn tấn công của Đồng Minh, phía Nhật Bản từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1942 đã nhiều lần tìm cách chiếm lại sân bay Henderson. Ba trận chiến lớn trên bộ, năm trận hải chiến lớn, và các cuộc không chiến diễn ra liên tục hầu như hàng ngày, mà đỉnh điểm là trận Hải chiến Guadalcanal mang tính quyết định vào đầu tháng 11 năm 1942, trong đó nỗ lực cuối cùng nhằm tăng viện đủ số lượng binh lính để chiếm lại sân bay Henderson bị đánh bại. Sang tháng 12 năm 1942, phía Nhật từ bỏ mọi hy vọng tái chiếm Guadalcanal và triệt thoái các lực lượng còn lại vào ngày 7 tháng 2 năm 1943. [ Đọc tiếp ]

Georgi Konstantinovich Zhukov

Georgi Konstantinovich Zhukov (18961974) là danh tướng trong quân đội Liên Xô. Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh thế giới trong Chiến tranh thế giới thứ hai, G.K. Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng nhiều và quy mô lớn, được nhiều người công nhận về tài năng chỉ đạo chiến dịch và chiến lược. Những chiến tích của ông đã trở thành những đóng góp rất lớn vào kho tàng di sản kiến thức quân sự nhân loại. Nó không những có ảnh hưởng lớn về lý luận quân sự của Liên Xô mà cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lý luận quân sự thế giới.

Theo A. M. Vasilevsky, G. K. Zhukov là một trong những nhà cầm quân lỗi lạc của nền quân sự Xô Viết. Trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên Xô, ông đã giữ các chức vụ Tư lệnh Phương diện quân Dự bị, Tư lệnh Phương diện quân Tây, Tư lệnh Phương diện quân Beloussia 1, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Thứ trưởng Bộ dân ủy Quốc phòng kiêm Phó Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Hầu hết các nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng thế giới cùng thời với ông như Thống chế Anh Sir Bernard Law Montgomery, Thống tướng Hoa Kỳ Dwight David Eisenhower, Đại tướng Pháp Charles de Gaulle, Thống chế Pháp Jean de Lattre de Tassigny đều công nhận tên tuổi của ông đã gắn liền với hầu hết các chiến thắng lớn trong cuộc chiến như Trận Moskva (1941), Trận Stalingrad, Trận Kursk, Chiến dịch Bagrachion, Chiến dịch Visla-OderChiến dịch Berlin. Trong giai đoạn sau chiến tranh, ông giữ các chức vụ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tại nước Đức, tư lệnh các quân khu Odessa và Ural. Sau khi I. V. Stalin qua đời, ông được gọi về Moskva và được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Liên Xô. Trong thời gian từ năm 1955 đến năm 1957, ông giữ chức vụ Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô. Năm 1957, trong thời gian đang đi thăm Nam Tư, ông bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1958, ông bị miễn nhiệm tất cả các chức vụ trong quân đội. [ Đọc tiếp ]

Bộ Cá da trơn

Bộ Cá da trơn hay bộ Cá nheo (danh pháp khoa học: Siluriformes) là một bộ cá rất đa dạng trong nhóm cá xương. Các loài cá trong bộ này dao động khá mạnh về kích thước và các thức sinh sống, từ loài nặng nhất là cá tra dầu (Pangasius gigas) ở Đông Nam Á tới loài dài nhất là cá nheo châu Âu (Silurus glanis) của đại lục Á-Âu, hay những loài chỉ ăn xác các sinh vật chết ở lớp nước đáy, hay các loài cá ký sinh nhỏ bé như Vandellia cirrhosa. Có các loài với các kiểu tấm xương bảo vệ cũng như các loài không có tấm xương bảo vệ này, nhưng tất cả chúng đều không có vảy. Không phải loài cá da trơn nào cũng có râu; các đặc trưng để xác định bộ Siluriformes trên thực tế là các đặc điểm chung của hộp sọ và bong bóng. Bộ cá này có tầm quan trọng kinh tế đáng kể; nhiều loài được chăn nuôi ở quy mô lớn để cung cấp cá thực phẩm, một vài loài được nuôi thả như là cá câu thể thao. Nhiều loài cá nhỏ, cụ thể là các loài trong chi Corydoras, được nuôi làm cá cảnh trong các bể cá.

Cá da trơn là loài thủy sinh vật được chăn nuôi phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và trở thành một nguồn thủy hải sản quan trọng trong công nghiệp thực phẩm, được chế biến và tiêu thụ rộng rãi trên toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, loài các catfish (cá mèo hay cá trê Mỹ) thuộc họ Ictaluridae của bộ Cá da trơn được chăn nuôi với quy mô công nghiệp. Các chủ trại nuôi cá catfish đã thành lập một hiệp hội nghề nghiệp nuôi cá catfish để truyền bá, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi loài cá này và bảo vệ quyền lợi cho các thành viên trong trường hợp gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Việt Nam có nhiều loài thuộc bộ Cá da trơn như cá trê, cá nheo, cá bông lau, cá ba sa, cá tra...v.v. Đại đa số chúng sinh sống tự nhiên trong các ao, đầm, sông, hồ. Chỉ đến gần đây, khi nhu cầu tiêu thụ loại cá này dưới dạng thực phẩm tăng lên một cách đột biến, một số loài cá thuộc bộ này bắt đầu được các chủ trại nuôi cá ở Việt Nam chăn nuôi, mặc dù với quy mô không lớn. [ Đọc tiếp ]

HMS Ark Royal (91)

HMS Ark Royal vào năm 1939, cùng những chiếc Swordfish thuộc Phi đội Hải quân 820 đang bay bên trên.

HMS Ark Royal (91) là một tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh đã từng hoạt động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là loại tàu sân bay kiểu cũ có sàn cất/hạ cánh trực thông; khác với loại tàu sân bay hiện đại có khu vực phía sau của sàn cất/hạ cánh tạo góc 8o so với so với khu vực phía trước sàn cất/hạ cánh.

Được đặt hàng vào năm 1934 theo những giới hạn trong khuôn khổ của Hiệp ước Hải quân Washington, Ark Royal được chế tạo bởi hãng đóng tàu Cammell Laird and Company, Ltd. tại Birkenhead. Thiết kế của nó khác biệt nhiều so với những chiếc tàu sân bay Anh trước đó. Ark Royal là chiếc tàu sân bay đầu tiên có cấu trúc sàn chứa máy bay và sàn đáp là một thành phần của thân tàu, chứ không phải là một phần dựng thêm hay thuộc cấu trúc thượng tầng. Được thiết kế để chở nhiều máy bay, nó có hai sàn chứa máy bay; và được đưa vào hoạt động trong một giai đoạn mà không lực hải quân được sử dụng rộng rãi. Một số chiến thuật hoạt động của tàu sân bay đã được phát triển và hoàn thiện bên trên chiếc Ark Royal.

Được hoàn tất vào tháng 11 năm 1938, Ark Royal đã hoạt động trong một số trận chiến quan trọng trong giai đoạn mở màn của Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong đó có việc đánh chìm chiếc U-boat đầu tiên trong chiến tranh, tham gia các hoạt động ngoài khơi Na Uy, truy đuổi và đánh chìm chiếc thiết giáp hạm Bismarck, và tham gia các đoàn tàu vận tải tăng viện cho đảo Malta. Ark Royal sống sót khi trải qua nhiều cuộc đụng độ và nhiều dịp suýt bị đánh chìm, và người Đức tuyên bố nhầm đã đánh chìm được nó trong nhiều dịp khác nhau, nên nó có được danh tiếng như là một “con tàu may mắn”. Nhưng cuối cùng, nó cũng bị trúng ngư lôi vào ngày 13 tháng 11 năm 1941 phóng từ tàu ngầm Đức U-81 và bị chìm một ngày sau đó. [ Đọc tiếp ]