Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2007/Tuần 36
Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) là một tổ hợp công trình nhằm nghiên cứu không gian, đang ở giai đoạn lắp ráp trong vũ trụ, nhờ sự hợp tác của năm cơ quan không gian: NASA (Hoa Kỳ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản), CSA (Canada) và 10 trong 17 nước thành viên của ESA (châu Âu).
Trạm vũ trụ quốc tế được coi là kết quả của sự hợp nhất hai dự án lớn, nhưng thiếu kinh phí để có thể thực hiện riêng biệt là Trạm vũ trụ Tự do (Freedom) của Hoa Kỳ và Trạm vũ trụ Hòa Bình 2 (Mir-2) của Nga.
Do quỹ đạo của Trạm vũ trụ Quốc tế thuộc dạng quỹ đạo gần Mặt Đất (còn gọi là Quỹ đạo LEO), độ cao cách Mặt Đất chỉ trong khoảng từ 319,6 km đến 346,9 km, trạm có các bảng pin Mặt Trời rộng, phản chiếu tốt ánh sáng Mặt Trời nên có thể quan sát ISS từ Mặt Đất. ISS di chuyển trong không gian với vận tốc trung bình là 27.743,8 km/giờ, ứng với 15,79 lần bay quanh Trái Đất mỗi ngày.
Theo kế hoạch, Trạm vũ trụ Quốc tế sẽ hoàn thành vào năm 2010 và sẽ hoạt động đến năm 2016. Từ năm 2007, ISS đã trở thành trạm vũ trụ lớn nhất so với bất kỳ trạm vũ trụ nào khác. Trạm vũ trụ Quốc tế là trạm vũ trụ duy nhất có người thường trực, thực hiện các công việc nghiên cứu. Đến nay, ISS đã đón các phi hành gia từ 14 nước khác nhau, trong đó có năm khách du lịch vũ trụ.