Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2007/Tuần 13
Cuộc Cải cách Kháng Cách là phong trào khởi phát vào thế kỷ 16 như là một chuỗi các nỗ lực nhằm cải cách Giáo hội Công giáo La mã. Phong trào được khởi xướng với 95 luận đề của Martin Luther và kết thúc với Tây Âu bị chia cắt và sự xuất hiện của nhiều nhiều định chế tôn giáo mới, quan trọng nhất là cộng đồng các giáo hội Luther, các giáo hội Cải cách và nhóm Anabaptist. Cuộc cải cách này cũng dẫn đến Phong trào Chống Kháng cách bên trong Giáo hội Công giáo La mã.
Tín hữu Kháng cách thường truy nguyên sự phân ly của họ với Giáo hội Công giáo La mã đến thế kỷ 16, với phong trào thường được gọi là cuộc Cải cách quan lại, vì phong trào nàyy nhận được sự ủng hộ từ giới quan quyền (để phân biệt với cuộc Cải cách cấp tiến, không có sự tài trợ nào từ giới có thẩm quyền). Phong trào phản kháng bùng nổ đột ngột tại nhiều nơi, nhưng mạnh nhất tại Đức, suốt thời gian Âu châu đang bị đe dọa bởi cuộc xâm lăng Hồi giáo, mối hiểm hoạ này khiến các vương hầu Đức xao lãng các vấn đề nội chính. Tóm lại, đến một mức độ nào đó, phong trào phản kháng có nguồn gốc sâu xa từ những biến cố xảy ra trong suốt hai thế kỷ trước đó tại Tây Âu.