Vương Nguyên (nhà Minh, tiến sĩ thời Vĩnh Lạc)
Vương Nguyên 王源 | |
---|---|
Tên chữ | Khải Trạch |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Quê quán | huyện Long Nham |
Giới tính | nam |
Học vấn | Tiến sĩ Nho học |
Nghề nghiệp | chính khách |
Dân tộc | người Hán |
Quốc tịch | nhà Minh |
Vương Nguyên (chữ Hán: 王源 hay 原 [1], ? - ?), tự Khải Trạch, người Long Nham, Phúc Kiến, quan viên nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông được sử cũ xếp vào nhóm quan viên có thành tích cai trị tốt.
Sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Nguyên đỗ tiến sĩ năm Vĩnh Lạc thứ 2 (1403), xếp thứ 186 [2]; được thụ Thứ khởi sĩ [3]. Nguyên được đổi làm Thâm Trạch tri huyện; tại nhiệm sở, ông xây trường học, đắp đê dài, khuyên dân cưới hỏi đúng tuổi, bỏ đi thói xấu tranh giành làm ăn của dân chúng.
Nguyên vài lần dâng thư bàn việc, nhận chiếu gọi vào kinh đô; rồi bàn chánh sự đương thời trái ý hoàng đế, bị kết tội ngỗ ngược, chịu giáng làm lại. Gặp dịp ân xá, Nguyên được trả lại quan chức, tâu xin miễn nợ thuế cho dân. Đến năm có nạn đói, Nguyên liền phát thóc chẩn cứu, vì thế bị bắt. Dân tranh nhau nộp lại thóc, Nguyên được chuộc tội.
Nguyên được triệu làm Xuân phường tư trực lang [4], hầu chư vương đọc sách, rồi được thăng làm Kỷ thiện của phủ Vệ vương [5]. Nguyên được dời làm Tùng Giang đồng tri, ở nhiệm sở lại tâu xin miễn nợ thuế vài mươi vạn thạch. Nguyên lấy cớ phải về phụng dưỡng mẹ già, sau khi mãn tang, được trừ chức Hình bộ lang trung.
Minh Anh Tông lên ngôi, chọn đình thần 11 người làm tri phủ, ban tiệc cùng sắc lệnh, cho ngồi xe của trạm dịch lên đường; Nguyên được nhận phủ Triều Châu. Phía đông thành có cầu Quảng Tế, nhiều năm hư hại mất một nửa, Nguyên thu muôn lạng vàng trong dân để dựng lại. Số tiền còn dư, Nguyên dùng để xây đình, bày tượng của Tiên thánh [6], Tứ phối [7], Thập triết [8]. Nguyên khắc Lam Điền Lữ thị hương ước [9], chọn dân làm Ước chánh, Ước phó, Ước sĩ, giảng nghĩa cho họ; bấy giờ có nhiều đồng liêu noi theo việc này. Dân gian truyền rằng trên Tây Hồ Sơn có hòn đá lớn hóa làm yêu quái, Nguyên mệnh cho đào lên, sau đó thông báo tìm được một chiếc sọ đá, rồi gọt hòn đá làm bia, khắc mấy chữ lớn: "Triều Châu tri phủ Vương Nguyên trừ quái thạch", từ đó không còn ngoa truyền yêu quái nữa!
Có lần Nguyên phạt đòn đến chết một thường dân, con người ấy tố cáo lên triều đình, lấy việc xây cầu dựng đình làm tội. Nguyên bị bắt về kinh, kết án lưu đày. Nhân dân Triều Châu kéo nhau gõ cửa cung, triều đình bèn trả lại quan chức cho Nguyên. Về sau Nguyên xin hưu, người Triều Châu tâu xin giữ lại.
Không rõ hậu sự của Nguyên, người Triều Châu lập từ thờ ông.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Minh sử quyển 281, liệt truyện 169: Tuần Lại truyện: Vương Nguyên
- Phan Vinh Thắng - Minh Thanh tiến sĩ lục, Nhà xuất bản Trung Hoa thư cục, 2006, trang 20 – 21, ISBN 9787101043501
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Minh sử, tlđd chép là 源, Phan Vinh Thắng, tlđd chép là 原
- ^ Phan Vinh Thắng, tlđd
- ^ Minh sử, tlđd chép là 庶起士/thứ khởi sĩ, Minh Thái Tông thực lục không nhắc đến Vương Nguyên, nhưng nhiều nhân vật khác được bổ nhiệm chức này, chép là 庶吉士/thứ cát sĩ. Ban đầu Minh Thái Tổ đặt chức quan này thuộc Lục khoa, đến năm Vĩnh Lạc thứ 2 đổi làm chức quan ngắn hạn ở Hàn Lâm viện, chỉ bổ nhiệm những Tiến sĩ, nhằm tạo điều kiện cho họ học tập tại Hàn Lâm viện, sau đó thông qua khảo hạch mà điều nhiệm các chức vụ khác, tương tự như thực tập sinh hay nghiên cứu sinh ngày nay
- ^ 春坊/Xuân phường trước đời Minh vừa là tên gọi phiếm chỉ của Đông cung, vừa là một thuộc sở của Đông cung. Nhà Minh không thiết lập Đông cung, vì thế Xuân phường đổi thuộc Hàn Lâm viện, phụ trách biên tu, kiểm thảo,... vốn là một cơ quan bồi dưỡng nhân tài, nhưng trong trường hợp của Vương Nguyên lại là một chức nhàn, không có thực quyền. Tư trực lang mang hàm Tòng bát phẩm, là cấp bậc thấp nhất của quan chức nhà Minh (cửu phẩm chỉ dành cho Lại)
- ^ 纪善/Kỷ thiện là quan chức thuộc phủ thân vương đời Minh, coi việc giảng dạy, hàm Chánh bát phẩm. Ngô Thừa Ân cũng từng nhận chức này
- ^ 先圣/tiên thánh nghĩa là vị thánh nhân đời xưa, là danh xưng kính trọng của người đời Minh dành cho Khổng tử
- ^ 配/phối trong 配享/phối hưởng, nghĩa là đem người khác vào cúng phụ với người vẫn được thờ cúng. Tứ phối của Nho giáo là Phục thánh Nhan Hồi (tự tử Uyên, học trò Khổng Tử, xưng là Nhan Uyên), Tông thánh Tằng Sâm (tự Tử Sâm, học trò Khổng Tử, tức Tằng tử), Thuật thánh Khổng Cấp (tự Tử Tư, cháu nội Khổng tử, học trò Tằng Sâm), Á thánh Mạnh Kha (tự tử Dư, tức Mạnh tử)
- ^ Thập triết của Nho giáo là 10 học trò giỏi được Khổng tử khen ngợi trong Luận Ngữ: Nhan Uyên, Mẫn Tổn (tự Tử Khiên), Nhiễm Canh (tự Bá Ngưu), Nhiễm Ung (tự Trọng Cung), Tể Dư (tự Tử Ngã, xưng là Tể Ngã), Đoan Mộc Tứ (tự Tử Cống), Nhiễm Cầu (tự Tử Hữu, xưng là Nhiễm Hữu), Trọng Do (tự Tử Lộ hay Quý Lộ), Ngôn Yển (tự Tử Du), Bặc Thương (tự Tử Hạ)
- ^ Năm Hi Ninh thứ 9 (1076) thời Tống Thần Tông, người Lam Điền là 4 anh em Lữ Đại Trung, Lữ Đại Phòng, Lữ Đại Quân, Lữ Đại Lâm đồng thuận lập ra Lam Điền Lữ thị hương ước, mở đầu cho lịch sử Hương ước Trung Quốc; xem thêm tại Tống sử - Lữ Đại Phòng truyện