Bước tới nội dung

Trận Adys

36°36′25″B 10°10′25″Đ / 36,60694°B 10,17361°Đ / 36.60694; 10.17361
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận Adys
Một phần của Chiến tranh Punic lần thứ nhất
Thời gianCuối năm 255 TCN
Địa điểm
Adys, Carthage (ngày nay là Oudna, Tunisia)
Kết quả La Mã chiến thắng
Tham chiến
La Mã Carthage
Chỉ huy và lãnh đạo
Marcus Atilius Regulus Bostar
Hamilcar
Hasdrubal
Lực lượng
15.000 quân bộ binh
500 quân kỵ binh
12.000 quân bộ binh
4.000 quân kỵ binh
100 voi chiến
Thương vong và tổn thất
Không đáng kể

Trận Adys là một trận chiến trong Chiến tranh Punic lần thứ nhất giữa quân đội Carthage do Bostar, HamilcarHasdrubal[note 1] cùng chỉ huy và quân đội La Mã do Marcus Atilius Regulus chỉ huy, diễn ra vào cuối năm 255 trước Công nguyên. Đầu năm đó, hải quân La Mã mới thành lập đã thiết lập quyền kiểm soát biển và sử dụng nó để xâm chiếm quê hương của người Carthage, gần tương ứng với Tunisia ở Bắc Phi ngày nay. Sau khi đổ bộ lên bán đảo Mũi Bon và thực hiện thành công một chiến dịch, hạm đội quay trở lại Sicilia, để lại Regulus với 15.500 người giữ công sự ở châu Phi trong suốt mùa đông.

Thay vì giữ vị trí của mình, Regulus tiến về thủ đô cùng tên của người Carthage. Quân đội Carthage đã tập hợp trên một ngọn đồi đá gần Adys (Uthina ngày nay), nơi Regulus đang bao vây thành phố. Regulus đã yêu cầu lực lượng của mình hành quân vào ban đêm để mở cuộc tấn công kép vào rạng sáng vào doanh trại trên đỉnh đồi kiên cố của người Carthage. Một bộ phận của lực lượng này đã bị đẩy lui và truy đuổi xuống đồi. Phần còn lại sau đó tấn công những người Carthage đang truy đuổi ở phía sau và lần lượt đánh tan họ. Lúc này, những người Carthage còn lại trong trại hoảng sợ và bỏ chạy.

Người La Mã tiến công và chiếm đóng Tunis, chỉ cách Carthage 16 km (10 mi). Do tuyệt vọng, người Carthage đã yêu cầu ngừng chiến. Các điều khoản mà Regulus đưa ra quá khắc nghiệt nên người Carthage quyết định chiến đấu tiếp. Vài tháng sau, trong trận sông Bagradas (trận Tunis), Regulus bị đánh bại và đội quân của ông bị xóa sổ hoàn toàn. Chiến tranh tiếp tục kéo dài thêm 14 năm nữa.

Polybius – "một nhà sử học có hiểu biết, cần cù và sâu sắc".[2]

Nguồn chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn chính cho hầu hết thông tin về Chiến tranh Punic lần thứ nhất [note 2] là nhà sử học Polybius (k. 200k. 118 TCN), một người Hy Lạp được đưa đến La Mã vào năm 167 trước Công nguyên để làm con tin.[4] Các tác phẩm của ông bao gồm sách hướng dẫn về các chiến thuật quân sự. Dù chúng đã thất truyền, nhưng hiện ông được biết đến với Lịch sử, được sáng tác vào khoảng sau năm 146 trước Công nguyên, hoặc khoảng một thế kỷ sau trận Adys.[5][6][7] Các tác phẩm của Polybius được coi là khách quan và phần lớn là trung lập giữa quan điểm của người Carthage và người La Mã.[8][9] Tính chính xác của Polybius đã được tranh luận nhiều trong 150 năm qua, nhưng hiện nay phần lớn đã được chấp nhận và các chi tiết về cuộc chiến trong các nguồn hiện đại phần lớn dựa trên các diễn giải về lời kể của Polybius.[4][10][11] Nhà sử học Andrew Curry coi Polybius là "khá đáng tin cậy";[12] trong khi Dexter Hoyos mô tả ông là "một nhà sử học có hiểu biết, cần cù và sâu sắc".[13] Về sau, lịch sử cổ đại về cuộc chiến vẫn được ghi lại nhưng ở dạng rời rạc hoặc tóm tắt. Các hoạt động quân sự trên bộ được đề cập chi tiết hơn so với trên biển.[14][15] Các nhà sử học hiện đại thường xem xét các ghi chép sau này của Diodorus SiculusDio Cassius, mặc dù nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn học kinh điển Adrian Goldsworthy tuyên bố "lời kể của Polybius[16] thường được ưu tiên hơn nếu có sự khác biệt với bất cứ lời kể nào khác của chúng ta có được".[17][note 3] Các nguồn khác bao gồm chữ khắc, bằng chứng khảo cổ học và bằng chứng thực nghiệm từ các cuộc tái tạo như tàu chiến ba tầng chèo Olympias.[19]

Bối cảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
A map of the western Mediterranean showing the territory controlled by Carthage and Rome at the start of the First Punic War.
Lãnh thổ do La Mã và Carthage kiểm soát khi Chiến tranh Punic lần thứ nhất bắt đầu

Chiến tranh Punic lần thứ nhất giữa người Carthage và Rome bắt đầu vào năm 264 trước Công nguyên.[20] Carthage là cường quốc hàng hải hàng đầu ở Tây Địa Trung Hải; hải quân của họ thống trị cả về quân sự lẫn thương mại. Cách đó không lâu, người La Mã đã thống nhất bán đảo Ý ở phía nam sông Arno. Nguyên nhân trước mắt của cuộc chiến là mong muốn kiểm soát thị trấn Messana của người Sicilia (Messina ngày nay). Nói rộng hơn, cả hai bên đều muốn kiểm soát Syracuse, thành bang hùng mạnh nhất ở Sicilia.[21] Đến năm 260 trước Công nguyên, người La Mã muốn kiểm soát ít nhất toàn bộ Sicilia.[22]

Người Carthage thực hiện kế sách truyền thống của họ là chờ đợi đối phương kiệt sức, với hy vọng sau đó giành lại một số hoặc toàn bộ lãnh thổ của họ và đàm phán một hiệp ước hòa bình thỏa đáng với sự tham gia của hai bên.[23] Người La Mã về cơ bản là một cường quốc trên bộ và đã giành được quyền kiểm soát phần lớn Sicilia bằng quân đội của họ. Tại đây, cuộc chiến đã trở nên bế tắc, khi người Carthage tập trung vào việc bảo vệ các thị trấn và thành phố kiên cố của họ; chúng hầu hết nằm trên bờ biển và do đó có thể được hỗ trợ bằng đường biển. Người La Mã không thể sử dụng quân đội của họ để can thiệp việc này.[24][25] Trọng tâm của cuộc chiến chuyển sang vùng biển, nơi người La Mã có ít kinh nghiệm; trong một số ít trường hợp trước đây họ cảm thấy cần có sự hiện diện của hải quân mà họ đã dựa vào các hải đoàn nhỏ do đồng minh cung cấp.[26][27] Vào năm 260 trước Công nguyên, người La Mã bắt đầu xây dựng một hạm đội bằng cách sử dụng một chiếc thuyền năm mái chèo của người Carthage bị đắm làm bản thiết kế cho các con tàu của họ.[28]

Những chiến thắng của hải quân tại MylaeSulci và sự thất vọng của họ trước tình trạng bế tắc tiếp diễn ở Sicilia, đã khiến người La Mã tập trung vào chiến lược trên biển và phát triển một kế hoạch xâm chiếm vùng đất trung tâm của người Carthage ở Bắc Phi và đe dọa thủ đô của họ, Carthage (gần với Tunis ngày nay).[29] Cả hai bên đều quyết tâm thiết lập uy thế hải quân, đồng thời đầu tư một lượng lớn tiền bạc và nhân lực vào việc tăng cường và duy trì quy mô hải quân của họ.[30][31]

Hạm đội La Mã gồm 330 tàu chiến cộng với một số lượng tàu vận tải[32] không xác định đã khởi hành từ Ostia, cảng của La Mã vào đầu năm 256 TCN, do các quan chấp chính Marcus Atilius RegulusLucius Manlius Vulso Longus chỉ huy.[33] Họ đưa lên tàu khoảng 26.000 lính lê dương được chọn từ lực lượng La Mã trên đảo Sicilia.[34][35][36] Người Carthage nhận thức được ý định của người La Mã và đã tập hợp tất cả 350 tàu chiến sẵn có dưới sự chỉ huy của Hanno[note 4] và Hamilcar, ngoài khơi bờ biển phía nam Sicilia để đánh chặn họ. Tổng cộng có khoảng 680 tàu chiến chở tới 290.000 thủy thủ đoàn và thủy quân lục chiến[note 5][32][37][40] đã giáp mặt nhau trong Trận chiến Mũi Ecnomus. Người Carthage đã chủ động, dự đoán rằng kỹ năng xử lý tàu vượt trội của họ sẽ đánh bại đối phương.[41] Dù vậy, sau một ngày chiến đấu lâu dài và bối rối, quân Carthage bị đánh bại.[42]

Mở đầu

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi trận chiến này kết thúc, quân đội La Mã, do Regulus chỉ huy, đổ bộ vào châu Phi gần Aspis (Kelibia ngày nay) trên bán đảo Mũi Bon vào mùa hè năm 256 trước Công nguyên và bắt đầu tàn phá vùng nông thôn của người Carthage.[43] Họ bắt 20.000 nô lệ và một "đàn gia súc khổng lồ", và sau một cuộc bao vây ngắn ngủi đã chiếm được thành phố Aspis. Họ cũng thúc đẩy các cuộc nổi dậy ở nhiều lãnh thổ thuộc Carthage.[44] Viện Nguyên lão La Mã đã gửi lệnh yêu cầu hầu hết các tàu La Mã và phần lớn quân đội quay trở lại Sicilia, có lẽ do những khó khăn về hậu cần trong việc tiếp tế cho hơn 100.000 người này trong suốt mùa đông.[44] Regulus được giữ lại 40 chiến thuyền, 15.000 quân bộ binh và 500 quân kỵ binh để vượt qua mùa đông ở châu Phi.[45][46][47] Ông nhận lệnh làm suy yếu quân đội Carthage trong khi chờ được tăng viện vào mùa xuân. Người ta mong đợi rằng ông sẽ đạt được điều này bằng các cuộc đột kích và bằng cách khuyến khích các lãnh thổ của Carthage nổi loạn, nhưng các quan chấp chính có toàn quyền quyết định.[44]

Regulus đã quyết định sử dụng lực lượng tương đối nhỏ của mình và tấn công vào đất liền.[48] Ông tiến vào thành phố Adys (Uthina ngày nay), chỉ cách Carthage 60 km (40 mi) về phía đông nam, và bao vây thành phố này[49]. Trong khi đó, người Carthage đã triệu hồi Hamilcar từ Sicilia với 5.000 quân bộ binh và 500 quân kỵ binh. Hamilcar và hai vị tướng tên là Hasdrubal và Bostar được giao quyền chỉ huy chung một đội quân mạnh về kỵ binh và voi, có quy mô xấp xỉ lực lượng La Mã.[1][50]

Quân đội hai bên

[sửa | sửa mã nguồn]
Chi tiết từ bức phù điêu Ahenobarbus thế kỷ thứ hai trước Công nguyên cho thấy hai người lính bộ binh La Mã.

Hầu hết nam công dân La Mã đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự và phục vụ trong bộ binh, với một nhóm thiểu số giàu có hơn được vào thành phần kỵ binh. Theo truyền thống, mỗi nhóm năm người La Mã sẽ tuyển mộ hai quân đoàn, mỗi quân đoàn gồm 4.200 lính bộ binh[note 6] và 300 lính kỵ binh. Một số ít lính bộ binh đóng vai trò phóng lao. Phần còn lại là bộ binh hạng nặng được trang bị áo giáp, khiên lớn và kiếm đâm ngắn. Họ được chia thành ba hàng ngũ, trong đó hàng ngũ phía trước cũng mang hai mũi lao, trong khi hàng ngũ thứ hai và thứ ba dùng giáo đâm. Cả các tiểu đơn vị lính lê dương và lính lê dương riêng lẻ đều chiến đấu theo trật tự tương đối mở, hoặc cách nhau tương đối xa so với các đội hình trật tự chặt chẽ hơn, phổ biến vào thời điểm đó. Một đội quân thường được thành lập bằng cách kết hợp một quân đoàn La Mã với một quân đoàn có kích thước và trang bị tương tự do các đồng minh Latinh của họ cung cấp.[52] Không rõ 15.000 lính bộ binh tại Adys được tập hợp như thế nào, nhưng nhà sử học hiện đại John Lazenby cho rằng họ có thể đại diện cho bốn quân đoàn hơi yếu: hai quân đoàn La Mã và hai quân đoàn đồng minh.[53] Regulus không tuyển mộ quân nhân nào từ các thị trấn và thành phố nổi dậy chống lại Carthage. Ở điểm này, ông khác với các vị tướng khác, kể cả những vị tướng La Mã, dẫn đầu quân đội chống lại Carthage ở châu Phi. Lý do cho việc này không được biết đến, và Lazenby nói rằng việc ông không thể bù đắp sự thiếu hụt kỵ binh nói riêng là một điều khó hiểu.[54]

Nam công dân Carthage, phần lớn là cư dân của thành phố Carthage, chỉ phục vụ trong quân đội của họ nếu có mối đe dọa trực tiếp đến thành phố. Khi chiến đấu, họ là bộ binh hạng nặng được bọc thép tốt và được trang bị những ngọn giáo đâm dài, mặc dù họ bị cho là kém huấn luyện và kém kỷ luật.[55] Trong hầu hết các trường hợp, Carthage đã tuyển dụng người nước ngoài để thành lập quân đội của mình. Nhiều người đến từ Bắc Phi, nơi cung cấp một số loại binh lính chiến đấu bao gồm: bộ binh hạng gần được trang bị khiên lớn, mũ sắt, kiếm ngắn và giáo dài; lính bộ binh hạng nhẹ trang bị phóng lao; kỵ binh xung kích áp sát mang giáo; và kỵ binh hạng nhẹ giao tranh ném lao từ xa và tránh cận chiến.[56][57] Cả Iberia lẫn Gaul đều cung cấp một số lượng nhỏ lính bộ binh có kinh nghiệm: những đội quân không thiết giáp sẽ tấn công dữ dội, nhưng nổi tiếng là sẽ tan vỡ nếu một cuộc giao tranh kéo dài.[note 7][56][58] Hầu hết bộ binh Carthage chiến đấu trong một đội hình chặt chẽ được gọi là phalanx.[57] Lính quăng đá thường xuyên được tuyển mộ từ quần đảo Balearic, mặc dù không rõ liệu có ai có mặt tại Adys hay không.[56][56] Người Carthage cũng sử dụng voi chiến; Bắc Phi có voi rừng châu Phi bản địa vào thời điểm đó.[58] Người ta không biết chính xác thành phần quân đội tại Adys, nhưng vài tháng sau, trong trận Tunis, người Carthage đã trang bị 100 con voi, 4.000 quân kỵ binh và 12.000 quân bộ binh; nhóm thứ hai sẽ bao gồm 5.000 cựu chiến binh từ Sicilia và nhiều công dân-dân quân.[59]

Trận chiến

[sửa | sửa mã nguồn]

Với quyết tâm ngăn chặn người La Mã tiếp tục tàn phá vùng nông thôn, người Carthage tiến đến Adys, nơi họ thiết lập một doanh trại kiên cố trên một ngọn đồi đá gần thị trấn.[60] Họ không muốn dấn thân vào một trận chiến trên bãi đất trống xung quanh Adys một cách quá vội vàng.[1] Polybius rất chỉ trích quyết định này của người Carthage, vì lợi thế chính của họ so với người La Mã là kỵ binh và voi của họ; tuy nhiên cả hai đều không thể triển khai lợi thế từ phía sau công sự, trên mặt đất dốc hoặc ở địa hình gồ ghề. Các nhà sử học hiện đại chỉ ra rằng các tướng lĩnh Carthage đã nhận thức rõ về sức mạnh của quân đoàn khi được thành lập trong trận chiến mở và việc dừng lại ở một vị trí vững chắc trong khi trinh sát kẻ thù và xây dựng kế hoạch không phải là một sai lầm rõ ràng.[61] Điều này đặc biệt xảy ra vì quân đội của họ mới được thành lập và chưa được huấn luyện đầy đủ hoặc chưa quen với việc tác chiến cùng nhau;[62] mặc dù sử gia hiện đại George Tipps mô tả việc triển khai này là một "sự lạm dụng hoàn toàn" đối với kỵ binh và voi của họ.[48]

A small, white statuette of an elephant with a mahout
Tượng voi chiến của La Mã, được tìm thấy ở Pompeii

Trong lúc quân đội Carthage quan sát quân của ông từ một ngọn đồi kiên cố, Regulus ngay lập tức chia quân đội của mình ra làm hai và mỗi nhóm thực hiện một cuộc hành quân vào ban đêm để mở một cuộc tấn công bất ngờ vào trại, diễn ra vào lúc rạng sáng.[48] Người La Mã sẽ tấn công dồn dập vào vị trí đã chuẩn bị sẵn của người Carthage, nhưng một cuộc tấn công từ hai hướng sẽ khó đáp trả.[60] Tipps mô tả kế hoạch như một minh chứng cho sự "liều lĩnh" của Regulus.[48] Cả hai lực lượng La Mã đã vào vị trí đúng lúc và thực hiện thành công các cuộc tấn công của họ, mặc dù dường như không đồng thời.[63] Dù vậy, họ đã không thể gây bất ngờ hoàn toàn, vì phần lớn người Carthage đã có thể tập hợp lại và đối đầu với một nửa cuộc tấn công của người La Mã. Đội quân này đã bị người Carthage chống lại - nó được cho là nằm ở hàng công sự của quân Carthage, mặc dù điều này không chắc chắn - và bị đẩy xuống đồi trong tình trạng hỗn loạn.[63] Tình hình trở nên rối ren đối với phần còn lại của quân Carthage không có hành động hiệu quả nào và không phối hợp được với các đồng đội đang thắng thế của họ.[64] Theo nhà sử học quân sự Nigel Bagnall, kỵ binh và voi đã được sơ tán ngay lập tức, vì người ta nhận ra rằng các đội quân này sẽ không thể đóng bất cứ vai trò hữu ích nào, kể cả trong việc bảo vệ các công sự hoặc trên địa hình đồi bị phá vỡ nói chung.[60]

Những người Carthage đang truy đuổi lực lượng La Mã đầu tiên đã đuổi họ khỏi ngọn đồi,[48] và toàn bộ hoặc một phần của đội quân La Mã thứ hai, thay vì tấn công doanh trại của người Carthage, đã lao xuống phía sau của đội quân Carthage đang dàn rộng quá sức.[63] Có thể nhóm người Carthage cũng phải đối mặt với một cuộc phản công trực diện của quân dự bị La Mã sau khi rời khỏi ngọn đồi.[61] Sau một số cuộc giao tranh, họ bỏ chạy khỏi chiến trường. Tại thời điểm này, quân Carthage trong trại, tại các công sự chưa bị phá vỡ, đã hoảng sợ và rút lui.[63] Người La Mã truy đuổi họ, mặc dù Polybius không cung cấp số liệu về tổn thất của người Carthage.[65] Các nhà sử học hiện đại cho rằng sự tổn thất của người Carthage về voi và kỵ binh là không đáng kể và có thể không tồn tại.[60][61][63] Sau khi ngừng truy đuổi, những người La Mã chiến thắng đã cướp bóc doanh trại trên đỉnh đồi.[60]

Hậu quả

[sửa | sửa mã nguồn]
a map of what is now north-east Tunisia, showing the advance, main military clashes and retreat of the invading Roman army in 256–255 BC
Bản đồ của chiến dịch với Adys là một phần. Vị trí gần đúng của trận chiến được đánh số "2".
* 1: La Mã đổ bộ và chiếm đóng Aspis (256 TCN) * 2: La Mã chiến thắng tại Adys (256 TCN) * 3: La Mã chiếm đóng Tunis (256 TCN) * 4: Xanthippus rút khỏi Carthage với một đội quân lớn. (255 TCN) * 5: La Mã bị đánh bại trong trận sông Bagradas. (255 TCN) * 6: La Mã rút lui đến Aspis và rời khỏi châu Phi. (255 TCN)

Người La Mã đã chiếm được nhiều thành phố bao gồm cả Tunis, chỉ cách Carthage 16 km (10 mi).[64][65] Từ Tunis, người La Mã đột kích và tàn phá khu vực xung quanh Carthage.[64] Nhân cơ hội này, nhiều lãnh thổ của người Carthage tại châu Phi đã nổi dậy. Thành phố Carthage chật ních những người tị nạn chạy trốn khỏi Regulus hoặc quân nổi dậy và lương thực cạn kiệt. Trong tuyệt vọng, người Carthage đã đề nghị giải hòa.[66] Regulus, trước những gì ông coi là một Carthage bị đánh bại hoàn toàn, đã yêu cầu các điều khoản khắc nghiệt: Carthage phải giao nộp Sicilia, SardiniaCorsica; thanh toán tất cả các chi phí chiến tranh của La Mã; cống nộp cho họ mỗi năm; bị cấm tuyên chiến hoặc yêu cầu ngừng chiến mà không có sự cho phép của La Mã; hải quân của Carthage chỉ được phép có một tàu chiến; nhưng cung cấp 50 tàu chiến lớn cho người La Mã theo yêu cầu của họ. Nhận thấy những điều khoản này hoàn toàn không thể chấp nhận được, người Carthage quyết định chiến đấu tiếp.[64][67]

Họ giao trách nhiệm huấn luyện quân đội của mình cho chỉ huy lính đánh thuê người Sparta Xanthippus.[49] Vào năm 255 trước Công nguyên, Xanthippus đã dẫn đầu một đội quân gồm 12.000 lính bộ binh, 4.000 lính kỵ binh và 100 con voi chống lại người La Mã và đánh bại họ một cách quyết đoán trong trận Tunis. Khoảng 2.000 người La Mã rút về Aspis; 500 người, bao gồm cả Regulus, bị bắt; những người còn lại đã bị giết.[68][69] Xanthippus, sợ hãi trước sự ghen tị của các tướng lĩnh Carthage kém tài hơn ông, đã hoàn lương và trở về Hy Lạp.[70]

Người La Mã đã gửi một hạm đội để sơ tán những đồng đội còn sống sót của họ và người Carthage đã cố gắng chống lại nó. Trong trận Mũi Hermaeum ngoài khơi châu Phi, người Carthage đã bị đánh bại nặng nề, bị bắt mất 114 chiến thuyền.[71] Về phần mình, hạm đội La Mã đã bị tàn phá bởi một cơn bão khi đang quay trở lại Ý, với 384 tàu bị đánh chìm trong tổng số 464 tàu[note 8] và 100.000 người thiệt mạng,[71][72] phần lớn là các đồng minh Latinh không thuộc La Mã.[45] Chiến tranh tiếp tục kéo dài thêm 14 năm nữa, chủ yếu trên đảo Sicilia và các vùng biển lân cận, trước khi kết thúc với chiến thắng của người La Mã; khi đó, các điều khoản đưa ra cho Carthage hào phóng hơn các điều khoản do Regulus đề xuất.[73] Câu hỏi về việc nhà nước nào kiểm soát phía tây Địa Trung Hải vẫn còn bỏ ngỏ, và khi Carthage bao vây thị trấn Saguntum do La Mã bảo vệ ở phía đông Iberia vào năm 218 trước Công nguyên, nó đã châm ngòi cho Chiến tranh Punic lần thứ hai với La Mã.[74]

  1. ^ Thường được miêu tả là "con trai của Hanno" để phân biệt với những người Carthage khác tên Hasdrubal.[1]
  2. ^ Thuật ngữ "Punic" xuất phát từ tiếng Latinh Punicus (hoặc Poenicus), có nghĩa là người Carthage và ám chỉ nguồn gốc Phoenicia của họ.[3]
  3. ^ Các nguồn khác ngoài Polybius được Bernard Mineo thảo luận trong "Các nguồn văn học chính (ngoài Polybius) cho các cuộc chiến tranh Punic".[18]
  4. ^ Ông được biết đến với cái tên Hanno Vĩ đại, người thứ hai (trong ba) người Carthage tên Hanno được trao tặng biệt hiệu đó.[37]
  5. ^ Nhà sử học hiện đại Boris Rankov cho rằng nó "có thể có sự tham gia của số lượng chiến binh lớn nhất trong bất cứ trận hải chiến nào trong lịch sử";[38] một quan điểm cũng được đưa ra bởi nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn học kinh điển John Lazenby.[39]
  6. ^ Con số này có thể tăng đến 5.000 người trong một số trường hợp.[51]
  7. ^ Người Tây Ban Nha sử dụng một cây giáo ném nặng mà người La Mã sau này đã sử dụng làm pilum.[56]
  8. ^ Theo G. K. Tipps, điều này giả định rằng toàn bộ 114 tàu thuyền của người Carthage bị bắt đều đang đi cùng người La Mã.[71]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Goldsworthy 2006, tr. 85.
  2. ^ Champion 2015, tr. 102.
  3. ^ Sidwell & Jones 1998, tr. 16.
  4. ^ a b Goldsworthy 2006, tr. 20–21.
  5. ^ Shutt 1938, tr. 53.
  6. ^ Goldsworthy 2006, tr. 20.
  7. ^ Walbank 1990, tr. 11–12.
  8. ^ Lazenby 1996, tr. x–xi.
  9. ^ Hau 2016, tr. 23–24.
  10. ^ Lazenby 1996, tr. x–xi, 82–84.
  11. ^ Tipps 1985, tr. 432.
  12. ^ Curry 2012, tr. 34.
  13. ^ Hoyos 2015, tr. 102.
  14. ^ Goldsworthy 2006, tr. 21–23.
  15. ^ Goldsworthy 2006, tr. 98.
  16. ^ Polybius. Lịch sử, I.30.
  17. ^ Goldsworthy 2006, tr. 21.
  18. ^ Mineo 2015, tr. 111–127.
  19. ^ Goldsworthy 2006, tr. 23, 98.
  20. ^ Warmington 1993, tr. 168.
  21. ^ Goldsworthy 2006, tr. 74–75.
  22. ^ Goldsworthy 2006, tr. 129.
  23. ^ Goldsworthy 2006, tr. 130.
  24. ^ Goldsworthy 2006, tr. 97.
  25. ^ Bagnall 1999, tr. 64–66.
  26. ^ Bagnall 1999, tr. 66.
  27. ^ Goldsworthy 2006, tr. 91–92, 97.
  28. ^ Goldsworthy 2006, tr. 97, 99–100.
  29. ^ Rankov 2015, tr. 155.
  30. ^ Goldsworthy 2006, tr. 110.
  31. ^ Lazenby 1996, tr. 83.
  32. ^ a b Goldsworthy 2006, tr. 110–111.
  33. ^ Tipps 1985, tr. 445–446.
  34. ^ Tipps 1985, tr. 435.
  35. ^ Walbank 1959, tr. 10.
  36. ^ Lazenby 1996, tr. 84–85.
  37. ^ a b Hoyos 2007, tr. 15; p.15, n. 1.
  38. ^ Rankov 2015, tr. 156.
  39. ^ Lazenby 1996, tr. 87.
  40. ^ Tipps 1985, tr. 436.
  41. ^ Goldsworthy 2006, tr. 112–113.
  42. ^ Bagnall 1999, tr. 69.
  43. ^ Warmington 1993, tr. 176.
  44. ^ a b c Andrei & Nedu 2010, tr. 207.
  45. ^ a b Erdkamp 2015, tr. 66.
  46. ^ Miles 2011, tr. 186.
  47. ^ Tipps 2003, tr. 377.
  48. ^ a b c d e Tipps 2003, tr. 378.
  49. ^ a b Rankov 2015, tr. 157.
  50. ^ Miles 2011, tr. 186–187.
  51. ^ Bagnall 1999, tr. 23.
  52. ^ Bagnall 1999, tr. 22–25.
  53. ^ Lazenby 1996, tr. 98.
  54. ^ Lazenby 1996, tr. 102.
  55. ^ Goldsworthy 2006, tr. 31.
  56. ^ a b c d e Goldsworthy 2006, tr. 32.
  57. ^ a b Koon 2015, tr. 80.
  58. ^ a b Bagnall 1999, tr. 9.
  59. ^ Andrei & Nedu 2010, tr. 208.
  60. ^ a b c d e Bagnall 1999, tr. 72.
  61. ^ a b c Lazenby 1996, tr. 100.
  62. ^ Goldsworthy 2006, tr. 36, 85–86.
  63. ^ a b c d e Goldsworthy 2006, tr. 86.
  64. ^ a b c d Goldsworthy 2006, tr. 87.
  65. ^ a b Lazenby 1996, tr. 101.
  66. ^ Bagnall 1999, tr. 73.
  67. ^ Miles 2011, tr. 187.
  68. ^ Miles 2011, tr. 188.
  69. ^ Goldsworthy 2006, tr. 88–90.
  70. ^ Goldsworthy 2006, tr. 91.
  71. ^ a b c Tipps 1985, tr. 438.
  72. ^ Miles 2011, tr. 189.
  73. ^ Miles 2011, tr. 196.
  74. ^ Collins 1998, tr. 13.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Polybius (2020) [k. 167–118 TCN]. “Lịch sử”. Trang web của Bill Thayer. Paton, William Roger; Thayer, Bill biên dịch. Đại học Chicago. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020.