Trần Lập (nhạc sĩ)
Trần Lập | |
---|---|
Sinh | Trần Quyết Lập 12 tháng 12 năm 1974 Vụ Bản, Nam Định, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Mất | 17 tháng 3 năm 2016 Hà Nội, Việt Nam | (41 tuổi)
Học vị |
|
Nghề nghiệp |
|
Phối ngẫu | Ngô Thị Mai Hoa (cưới 2003–2016) |
Con cái | 2 |
Sự nghiệp âm nhạc | |
Thể loại | |
Nhạc cụ | Thanh nhạc |
Năm hoạt động | 1995–2016 |
Hãng đĩa |
|
Trần Quyết Lập (12 tháng 12 năm 1974 – 17 tháng 3 năm 2016), thường được biết đến với nghệ danh Trần Lập, là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Việt Nam. Là trưởng nhóm và cũng là người thành lập ban nhạc rock Bức Tường, anh giữ cương vị này từ khi thành lập đến khi tan rã lần đầu vào năm 2006. Với vai trò trưởng nhóm, Lập đảm nhận công việc sáng tác chính với hơn 30 ca khúc, đặc biệt với tác phẩm "Đường đến ngày vinh quang" cùng các thành viên trong nhóm đã đưa Bức Tường trở thành ban nhạc rock có số lượng người hâm mộ lớn nhất tại Việt Nam.
Vào thời điểm dòng nhạc rock tại Việt Nam đang trong thời kỳ sơ khai, Lập và ban nhạc của anh đã đặt những nền móng đầu tiên cho dòng nhạc này tại Việt Nam. Âm nhạc và cuộc đời của Lập được đánh giá là một sự "nhất quán cao". Lập qua đời ngày 17 tháng 3 năm 2016 sau một thời gian điều trị ung thư.
Thân thế
[sửa | sửa mã nguồn]Trần Lập có tên đầy đủ là Trần Quyết Lập. Anh sinh ngày 12 tháng 12 năm 1974 tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.[1] Lập là con út trong một gia đình nghèo đông anh em. Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã tỏ ra có năng khiếu về khả năng âm nhạc.[2] Đến tuổi thanh niên, bố của Lập bị liệt nửa người còn mẹ anh bị bệnh khớp nặng, các anh chị của Lập làm ăn xa nhà, buộc một mình anh phải tự tay chăm sóc cha mẹ.[3]
Sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Trần Lập khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình khi theo học lớp kỹ thuật biểu diễn và thanh nhạc của khoa Sân khấu, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội từ năm 1993 đến năm 1997.[2] Anh cũng từng theo học và tốt nghiệp khoa Kinh tế của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2001 và hệ tại chức khoa Văn Học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2004.[4] Tháng 5 năm 2006, trong khoảng thời gian ban nhạc Bức Tường có thời gian nghỉ dài ngày, Lập được Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội mời làm người dẫn chương trình "Vượt qua thử thách".[5]
Ban nhạc Bức Tường
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 26 tháng 3 năm 1995, Trần Lập thành lập ban nhạc rock Bức Tường và giữ cương vị trưởng nhóm từ khi thành lập đến khi tan rã lần đầu vào năm 2006. Với vai trò trưởng nhóm, Lập là nhạc sĩ sáng tác chính với hơn 30 ca khúc, đặc biệt với tác phẩm "Đường đến ngày vinh quang" cùng các thành viên trong nhóm đã đưa Bức Tường trở thành ban nhạc rock có số lượng người hâm mộ lớn nhất tại Việt Nam.[6] Lập sáng tác ca khúc "Đường đến ngày vinh quang" vào năm 1998 khi ban nhạc đối mặt với giai đoạn khó khăn về tài chính.[7] Sau đó Bức Tường đã dành toàn bộ tiền thu âm ca khúc. Khi hoàn thành, biên tập viên Long Vũ nhanh chóng đưa bài hát lên chương trình thể thao và ngay lập tức nhận được làn sóng đón nhận nồng nhiệt, qua đó giúp cho Bức Tường đến với nhiều cơ hội biểu diễn.[7]
Năm 2001, Trần Lập cho biết Bức Tường sẽ ra mắt album rock đầu tay mang tên "Tâm hồn của đá" vào cuối tháng 9.[8] Năm sau, ban nhạc có buổi biểu diễn trực tiếp đầu tiên với khoảng 10.000 người tham dự liveshow rock Việt Nam đầu tiên. Tuy được chuẩn bị kĩ lưỡng và gấp rút,[9] được đánh giá là đêm nhạc thành công nhưng Lập cho biết anh vẫn tiếc nuối vì nhiều lý do không đạt được như kì vọng.[10] "Tâm hồn của đá" còn được bình chọn là một trong mười sự kiện văn hóa của năm.[6] Cũng trong liveshow này, Bức Tường còn giới thiệu những ca khúc sẽ phát hành trong CD thứ ha, ra mắt vào cuối năm.[11]
Năm 2003, Bức Tường có buổi biểu diễn riêng tại Pháp trong lễ hội âm nhạc Festival Visages Francophones.[6] Năm 2004, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình VTV3, Lập cho biết anh lựa chọn những ca khúc tốt nhất trong hai album "Tâm hồn của đá" và "Vô hình" cho đêm diễn mang tên "Bông hồng thủy tinh" tại Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng.[12] Một năm sau, Bức Tường là ban nhạc đầu tiên ở Việt Nam và duy nhất cho đến thời điểm này có tour trình diễn xuyên suốt Việt Nam. 4 buổi biểu diễn trực tiếp mang tên "9+" lần lượt được diễn ra tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.[4] Cuối năm 2005, có thông tin nam ca sĩ đã cắt tóc để chuẩn bị cho buổi biểu diễn mang tên "Những hòn đá lăn".[13] Sau thành công của "Những hòn đá lăn" tháng 11 vừa qua, Lập cho biết anh và ban nhạc Bức Tường đang chuẩn bị cho ra mắt album số bốn với nhiều sáng tác mới.[14]
Năm 2006, Lập cùng các thành viên trong ban nhạc tan rã và mở một buổi biểu diễn chia tay khán giả với cái tên "Last Saturday".[15] Người hâm mộ ở xa Hà Nội có thể được nghe toàn bộ buổi biểu diễn này trên Đài Tiếng nói Việt Nam.[15] Đêm nhạc diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) với sự tham gia của 20.000 người hâm mộ, qua đó được xem là đông nhất trong số các buổi biểu diễn của Bức Tường.[4] Chia sẻ lý do về việc tan rã, anh cho rằng lý do xuất phát từ những vấn đề mâu thuẫn trong giới nhạc rock tại Việt Nam, trong môi trường âm nhạc và cả từ phía tổ chức biểu diễn.[16]
Năm 2009, Trần Lập công bố quyết định bán bản quyền bài hát cho P&T Mobile, công ty phân phối điện thoại hãng Sony Ericsson và Motorola tại Việt Nam. P&T Mobile cho biết đơn vị này sẽ chọn "Đường đến ngày vinh quang" làm nhạc chuông cho Mobiistar vì "tinh thần", ý nghĩa của bài hát.[17] Sau bốn năm ngừng hoạt động, nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010), Bức Tường tái hợp trở lại với album thứ tư trong sự nghiệp mang tên Ngày khác, - tác phẩm đánh dấu sự thay đổi từ phong cách hard rock/metal thay thế bằng phong cách modern rock.[18] Ảnh bìa của đĩa CD đã đưa hình xăm trên cánh tay phải của Trần Lập vào.[19] Một năm sau, nhóm biểu diễn tại liveshow "Nhiệt".[20][21] Năm 2011, ban nhạc này biểu diễn thành công với lễ hội âm nhạc Asean Rock Festival tổ chức tại Indonesia.[6] Năm 2013, buổi trình diễn trực tiếp thứ năm của chương trình "Dấu ấn" với nhân vật chính là ban nhạc Bức Tường được diễn ra vào ngày 7 tháng 12 tại nhà thi đấu Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh). Theo Lập, dù thời lượng của chương trình chưa đủ để nhóm trình diễn hết số tác phẩm nhưng những "nét đặc biệt nhất" của ban nhạc sẽ được thể hiện trong buổi biểu diễn này.[22] Chỉ sau đó ít ngày, Lập cùng ban nhạc của anh tiếp tục biểu diễn trong loạt sự kiện "Rock storm" ở Đà Nẵng tối ngày 14 tháng 12, khiến người hâm mộ dòng nhạc rock đón nhận nồng nhiệt.[23] Ngày 12 tháng 12 năm 2014, Bức Tường tổ chức buổi họp báo và chính thức cho ra mắt album Đất Việt, trùng với sinh nhật của anh. Lập chia sẻ: "Việc cho ra mắt album thứ năm sau 20 năm hoạt động, lại đúng ngày sinh nhật khiến tôi rất vui mừng. Tôi nghĩ rằng, nhờ sự yêu mến của khán giả, nhờ điểm đặc sắc trong âm nhạc và sự gắn bó của các thành viên nên ban nhạc mới trải qua được 20 năm với rất nhiều thăng trầm. Với chúng tôi, âm nhạc và Bức Tường là nơi chốn tinh thần để có thể náu mình những khi thấy khó khăn".[24]
Những hoạt động khác
[sửa | sửa mã nguồn]Trần Lập không chỉ cùng ban nhạc Bức tường làm nên tên tuổi và sức sống cho dòng nhạc Rock tại Việt Nam mà anh còn là nghệ sĩ tích cực với nghề khi tham gia nhiều hoạt động khác như đóng phim, làm đại sứ, cố vấn, tổ chức sản xuất các chương trình âm nhạc, tổng đạo diễn dàn dựng.[25] Lập là khách quen của đại nhạc hội Rock Storm - sự kiện mà anh từng có ba năm làm tổng đạo diễn từ năm 2008 đến 2010.[26] Mùa hè năm 2007, Lập trình diễn ca khúc độc quyền "Dế mèn" trong lễ khai mạc Ngày hội sách Kim Đồng tổ chức tại Cung thiếu nhi Hà Nội.[27] Cùng năm, anh làm Đại sứ thiện chí bóng đá của Liên đoàn Bóng đá châu Á. Năm sau, anh đảm nhiệm công việc đạo diễn chương trình "Rock Storm" trong 3 năm liên tiếp và một loạt sự kiện khác.[6] Kết thúc "Rockstorm 2009", Lập trình diễn ba ca khúc đáng chú ý của mình là "Ngày hôm qua", "Cơn mưa hoang dã" và "Đường đến ngày vinh quang".[28]
Năm 2012, Trần Lập làm một trong những giám khảo của chương trình Giọng hát Việt mùa thứ nhất.[1] Trong khoảng thời gian diễn ra chương trình mùa đầu tiên, tuy bị đánh giá là "thảm họa", nữ thí sinh Bảo Anh vẫn được Lập lên tiếng bảo vệ và khen ngợi, thậm chí anh còn quyết định cho cô đi tiếp khỏi vòng loại, điều này đã khiến cho cộng đồng mạng đã đăng nhiều bài viết chỉ trích Lập.[29] Trước đó ít ngày, anh đã phát ngôn trong cuộc họp báo "[...] hãy để chúng tôi yên ổn, đừng chọc phá chúng tôi..." đã khiến cho công chúng phẫn nộ và tẩy chay trước phát ngôn bị cho là "coi thường".[30] Việc Bảo Anh liên tục được Trần Lập "vớt" đến hai lần là một trong những nguyên nhân khiến họ bị chỉ trích nhiều lần.[31] Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh quyết định này của anh, đồng thời đã có nhiều người hâm mộ cho rằng Lập đang tự phá bỏ công sức và hình tượng của bản thân khi tham gia một show truyền hình "đậm chất giải trí như vậy".[32] Khi Giọng hát Việt mùa đầu tiên bị lộ nghi vấn dàn xếp, Lập phải đối mặt với rất nhiều phản ứng từ khán giả.[33] Báo chí đưa tin anh đã khởi xướng một nickname cho mười bốn thí sinh đội của mình.[34] Lập đã phát hành một cuốn tự truyện mang tên "Bên kia Bức Tường" vào năm 2013 với nội dung kể lại những ngày tháng theo đuổi dòng nhạc nhạc rock và khoảng thời gian hoạt động trong ban nhạc Bức Tường.[6] Năm 2015, anh xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Thể thao văn hóa đàn ông.[35] Cùng năm ấy tại liveshow tập số tám của chương trình "The Remix - Hòa âm ánh sáng" , đội thí sinh của Tóc Tiên đã hát "Người đàn bà hóa đá" mà chưa xin phép Lập. Dòng trạng thái trên trang cá nhân của Trần Lập nhanh chóng thu hút sự quan tâm của khán giả.[36] Tuy nhiên, nhạc sĩ bày tỏ quan điểm rõ ràng là "anh không giận dỗi mà rất nhã nhặn". Đứng trước sự việc, Tóc Tiên đã lên tiếng xin lỗi Lập.[37]
Những năm cuối đời
[sửa | sửa mã nguồn]Ung thư
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 4 tháng 11 năm 2015, Trần Lập chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng anh "bắt đầu chiến đấu với bệnh ung thư" khiến cho nhiều nghệ sĩ như Tuấn Hưng, Chí Trung, Phạm Anh Khoa... đã vào chia sẻ, động viên tinh thần anh.[38][39] Lập bị chẩn đoán ung thư đại trực tràng và sau đó đã bị di căn.[40][41] Sau gần 4 giờ được phẫu thuật cắt khối u trực tràng vào tối ngày 6 tháng 11, tới trưa hôm sau, Lập đã tỉnh và cho biết sức khỏe anh vẫn ổn định.[42] Trong khi dư luận tỏ ra "bàng hoàng" trước thông tin Lập bị ung thư, anh lại là người trấn an và cho thấy một thái độ "lạc quan",[43][44] thậm chí anh còn coi đây "chỉ như là mơ".[35]
Biết tin Trần Lập lâm trọng bệnh, các thế hệ thành viên Bức Tường cùng nhiều nghệ sĩ đã biểu diễn tiếp sức cho Lập trong việc điều trị ung thư. Liveshow cuối cùng của anh, "Bức Tường và những người bạn: Đôi bàn tay thắp lửa" được diễn ra vào ngày 16 tháng 1 năm 2016.[45] Trong buổi biểu diễn, anh đã sáng tác bài hát dành tặng vợ.[46] Dù sức khỏe xuống cấp trầm trọng và phải ngồi xe lăn biểu diễn trên sân khấu,[47] anh vẫn được nhận xét là "dáng vẻ khỏe mạnh, thần thái và giọng hát hào sảng".[46] Đêm nhạc diễn ra liên tiếp gần 12 giờ và gây được sự ấn tượng cũng như xúc động mạnh cho công chúng.[48] Gần hai tháng trước khi qua đời, trước thời tiết lạnh giá của Hà Nội, Lập vẫn trò chuyện với các em nhỏ đang vượt qua cơn bạo bệnh và trao tận tay từng món quà cho các bệnh nhi và phụ huynh.[49]
Qua đời
[sửa | sửa mã nguồn]Trần Lập qua đời vào trưa ngày 17 tháng 3 năm 2016 tại nhà riêng ở Hà Nội, không lâu sau sinh nhật lần thứ 41.[6] Theo thông tin chính thức từ gia đình, lễ viếng của anh được tổ chức từ 7 giờ 30 ngày 23 tháng 3 năm 2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ban đầu, Lập sẽ được an táng tại nghĩa trang quê nhà ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.[50] Tuy nhiên sau đó dựa theo di nguyện của Lập và ý nguyện của gia đình, anh được an táng tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.[25][51]
Phong cách nghệ thuật
[sửa | sửa mã nguồn]Vào thời điểm dòng nhạc rock tại Việt Nam còn trong thời kỳ sơ khai, Trần Lập và ban nhạc của anh đã đặt những nền móng đầu tiên cho dòng nhạc này tại Việt Nam.[52] Theo báo VnExpress, âm nhạc và cuộc đời của Lập là một sự "nhất quán cao để khi tìm đến, ai cũng có thể thấy trong đó ngọn lửa đam mê, tình yêu cuộc sống mãnh liệt."[49] Trong các sáng tác của Lập, "Đường đến ngày vinh quang" được đánh giá là ca khúc thành công, ghi đậm dấu ấn của Bức Tường và cá nhân anh. Báo Tiền phong nhận xét ca khúc "tràn đầy nhiệt huyết", là một trong những sáng tác "ấn tượng", gắn liền với tên tuổi Trần Lập.[53] Tại các sự kiện xã hội, văn hóa, thể thao, khi lá cờ Việt Nam được treo lên cũng là lúc giai điệu và ca từ của "Đường đến ngày vinh quang" vang lên.[49]
Đa số các bản rock ballad của Bức Tường là do Trần Lập sáng tác. Ca từ trong những bài hát của anh rất dịu dàng, ví dụ như bài "Mắt đen", "Cây bàng".[26] Trong album Đất Việt, Lập tự miêu tả các ca khúc của mình là "câu chuyện về người Việt từ thuở khai thiên lập địa, một cuộc sống bình yên, ngập tràn yêu thương, nhưng cũng có những lúc phải cầm cây giáo, cây cung sẵn sàng hy sinh để gìn giữ từng tấc đất của tổ tiên".[54] Trong album Vô hình, Lập còn đưa vào "những âm hình nhạc truyền thống có nét tương đồng với rock".[55] Bài "Dế mèn" mà Lập sáng tác ở album Nam châm của Bức Tường được báo Nhân Dân xem là ca khúc độc đáo nhất "với nội dung đầy chất triết lý và sự kết hợp đầy sáng tạo của nét giai điệu cổ truyền và chất metal", trong khi đó "Ra khơi" là sự "phóng tác từ dân ca Nam Bộ, như một thử nghiệm, tìm tòi mới của Bức Tường khi kết hợp âm nhạc dân gian và rock", cũng như ví bài chủ đề cùng tên album như thỏi nam châm, tạo "'sức hút' của những khát khao sáng tạo để tìm đến một phong cách rock đậm chất Việt".[56]
Tuy vậy, trong thời gian hoạt động cùng Bức Tường, dù bị người tẩy chay cho là "Bức Tường chỉ là thứ rock thường thường", Lập đã lên tiếng "không có khái niệm này trong kho tàng rock thế giới".[57] Trong đêm nhạc rock '"sạch sẽ" của Bức Tường với hơn 7.000 khán giả tổ chức cuối năm 2011, báo VnExpress cho biết "một số chỗ Lập bị đuối giọng" do "thời gian tác động không nhỏ tới chất giọng".[58]
Kiện tụng
[sửa | sửa mã nguồn]Vụ kiện với Zing MP3
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 3 tháng 12 năm 2014, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện của Trần Lập và Công ty cổ phần VNG. Theo nội dung đơn kiện, Lập khẳng định công ty VNG đã tự ý đăng tải bản ghi âm ca khúc "Đường đến vinh quang" của anh lên trang web Zing MP3 trong một thời gian dài.[59] Anh đã yêu cầu đòi bồi thường tổng số tiền hơn 150 triệu đồng gồm các khoản nhuận bút (hơn 55 triệu đồng), bồi thường lợi nhuận bị thiệt hại do không tiếp tục phát hành được album mới có bài hát này (50 triệu đồng) và 50 triệu đồng cho chi phí thuê luật sư.[60]
Về phía VNG, đại diện công ty này không đồng ý trả tiền bồi thường và cho rằng dù công ty là đơn vị sở hữu trang web mp3.zing.vn nhưng những nội dung của Zing MP3 lại là do người dùng đăng tải lên chứ không phải do công ty.[59] Họ cho rằng dịch vụ này là miễn phí và VNG không quản lý nội dung đăng tải. Sau đó VNG đã đề nghị nam ca sĩ rút đơn kiện và ký hợp đồng hợp tác với công ty. Sau phần tranh luận, Hội đồng xét xử của toán án quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 10 tháng 12. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam một vụ việc về bản quyền tác phẩm trên mạng chính thức được ra tòa xét xử.[59]
Tới ngày 10 tháng 12, hội đồng xét xử sơ thẩm của tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện giữ sau khi Lập đồng ý rút đơn kiện, đồng thời qua buổi làm việc đã có cam kết giữa VNG và Lập về việc sử dụng các bản thu âm đã phát hành của anh cũng như ban nhạc Bức Tường trên trang web.[61][62]
Đời tư
[sửa | sửa mã nguồn]Trần Lập kết hôn năm 2003 và đã có một người con trai tên Bình Minh và một người con gái tên Minh Tú.[63][64] Vợ anh, cô Ngô Thị Mai Hoa là một bác sĩ công tác ở bệnh viện Phụ sản Trung ương.[65] Lập từng tiết lộ rằng lần đầu tiên anh đi xăm cơ thể là từ năm 18 tuổi với hình thiên thần. Lập cho biết đối với bản thân, hình xăm là những "kỷ niệm đáng nhớ" trong suốt mười năm anh hoạt động trong dòng nhạc rock.[66] Cũng trong một buổi phỏng vấn trực tuyến với Zing, anh cũng cho biết mình xăm hình Nhân Mã vì sinh ở cung hoàng đạo này. Anh còn xăm tên vợ, tên con trai và con gái lên ngực.[67]
Trong cuộc sống cá nhân, Lập tỏ ra không thích du lịch Việt Nam vào các dịp nghỉ lễ hay Tết. Anh cho biết những ngày này anh thường ở nhà ngủ, xem phim hoặc chơi quần vợt.[7] Lập cũng có sở thích đi phượt với bộ sưu tập xe mô tô phân khối lớn.[68][69][70] Anh có trong tay nhiều loại xe phân khối lớn, từ xe hạng nặng đến các dòng xe Magma, Steed, Shadow. Năm 2006, anh mua chiếc xe Intruder 800 có giá khoảng 3.000 Đô la Mỹ. Sau đó, anh đã thay đổi lại xe, bỏ đi một số chi tiết và thay mới theo sở thích và nhu cầu bản thân.[68] Ngày 2 tháng 8 năm 2013, Lập ra mắt cuốn tự truyện nói về Bức Tường với nhan đề Bên kia Bức Tường.[71]
Tôn vinh và di sản
[sửa | sửa mã nguồn]Hai ngày sau khi Trần Lập qua đời, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết hội sẽ phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao kỷ niệm chương cho Lập.[72] Năm 2017, một đêm nhạc tên "Trần Lập – Hẹn gặp lại" đã được tổ chức để tưởng nhớ Lập.[73] Gần ba mươi sáng tác của Lập và ban nhạc Bức Tường đã được ban nhạc các nghệ sĩ và nhóm nhạc khác như Microwave, Ngũ Cung, Tùng Dương, Anh Khoa, Tạ Quang Thắng...[73] Đêm nhạc như một sự hiện thực hóa ý các tưởng còn dang dở của Lập.[74]
Ban nhạc Bức Tường cũng đã có buổi biểu diễn hội ngộ trong "Ngày trở về" nhân kỷ niệm hai năm ngày mất của Lập.[75] Ban nhạc Bức tường sau đó còn mở cuộc thi tìm hình bóng Trần Lập và sẽ là những gương mặt biểu diễn trong tour xuyên Việt cùng ban nhạc Bức tường năm 2019.[76]
Năm 2021, thủ lĩnh Bức Tường hiện tại, nghệ sĩ guitar Trần Tuấn Hùng tiết lộ Trần Lập sẽ xuất hiện theo cách đặc biệt trong đêm nhạc "Trở về" tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.[77] Ngày 17 tháng 4 năm 2021, nhóm tổ chức liveshow "Trở về" (hay "Bức Tường trở về") tại trường Đại học Xây dựng nhằm kỷ niệm 5 năm ngày mất của Trần Lập, với sự tham gia của ca sĩ Phạm Anh Khoa, nhạc sĩ Lưu Quang Minh và Nguyễn Việt Lâm.[78]
Trong chương trình "Music Home" lên sóng ngày 28 tháng 5 năm 2021 trên Truyền hình FPT, những câu chuyện thời niên thiếu, những "bóng hồng" đằng sau những ca khúc của Lập đã lần đầu được vợ anh chia sẻ.[79] Năm 2022, một bộ phim tài liệu về ban nhạc Bức Tường mang tên "Những bức tường" được ra mắt. Phim có thời lượng dài một trăm mười sáu phút, có nội dung tái hiện những khó khăn và sự trở lại của ban nhạc Bức Tường sau khi trưởng nhóm qua đời.[80]
Giải thưởng
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 2016, Giải thưởng Cống hiến cho biết chưa thể vinh danh Lập nhưng sẽ được vinh danh vào sự kiện năm 2017.[81] Lập đã nhận được tổng cộng hai đề cử giải Cống hiến và một lần đoạt giải Ấn tượng VTV ở hạng mục Nhân vật của năm vào năm 2016 sau khi mất. Vợ Lập đã thay anh lên nhận giải Ấn tượng VTV.[82][83]
Giải thưởng | Năm | Tên đề cử | Hạng mục | Kết quả | Chú thích |
---|---|---|---|---|---|
Ấn tượng VTV | 2016 | Trần Lập | Nhân vật của năm | Đoạt giải | [83][84][85] |
Giải thưởng Cống hiến | 2015 | Nhạc sĩ của năm | Đề cử | [86] | |
2021 | Cơn mưa tháng 5 (cùng với Trần Tuấn Hùng) |
Bài hát của năm | Đề cử | [87] |
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b Đức Trí (17 tháng 3 năm 2016). “Ca sĩ Trần Lập qua đời”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b Hà Tùng Long (17 tháng 3 năm 2016). “Ca sỹ Trần Lập sẽ được an táng tại quê nhà Nam Định”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Nguyệt Cát (21 tháng 8 năm 2013). “Trần Lập bật mí thời trắng tay nuôi bố mẹ đau ốm”. Tri thức & Cuộc sống. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b c “Tiểu sử: Trần Lập”. VnExpress. 24 tháng 8 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 8 năm 2013. Truy cập 20 tháng 11 năm 2015.
- ^ “Trần Lập làm MC 'Vượt qua thử thách'”. VnExpress. Ngôi Sao. 9 tháng 5 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b c d e f g TR. N. & V. V. Tuân (17 tháng 3 năm 2016). “Trần Lập qua đời 12h45 sáng 17-3”. Tuổi trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập 17 tháng 3 năm 2016.
- ^ a b c Hà Giao (8 tháng 3 năm 2012). “Trần Lập: Bước ngoặt đến… vào lúc bế tắc nhất”. Tạp chí Đẹp. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2023.
- ^ A.T (23 tháng 4 năm 2001). “The Wall trụ lại vì lòng đam mê”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Thu Hương (3 tháng 10 năm 2002). “The Wall đã sẵn sàng cho liveshow vào 8/11”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Thu Trang (10 tháng 11 năm 2002). “Bức Tường âm vang "lời của đá"”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ “The Wall lội ngược dòng với "Đường tới ngày vinh quang"”. VnExpress. Sành Điệu. 10 tháng 6 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Yến Anh (16 tháng 4 năm 2004). “Bức Tường - Những bông hồng thủy tinh”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Trần Lập tự tin vào sự rộng lượng của rock”. VnExpress. Ngôi Sao. 9 tháng 11 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Trần Lập sẽ truyền lửa khi trái tim còn rực cháy”. VnExpress. Người Đẹp. 5 tháng 1 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b Hương Quyên (30 tháng 11 năm 2006). “"Ngày thứ bảy cuối cùng" của Bức Tường”. Báo Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Bức Tường chấm dứt biểu diễn”. VnExpress. Ngôi Sao. 28 tháng 9 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ N.Nguyễn (3 tháng 5 năm 2009). “Nhạc sĩ Trần Lập bán "Đường đến ngày vinh quang"”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2023.
- ^ Phú Duy (12 tháng 10 năm 2010). “"Ngày khác" của Bức Tường”. Báo điện tử An ninh Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Sơn Hà (12 tháng 10 năm 2010). “Hình xăm của Trần Lập xuất hiện ở album mới”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Ngọc Trần (26 tháng 11 năm 2011). “Bức Tường dồn sức làm liveshow”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hằng Nga (28 tháng 11 năm 2011). “Ban nhạc "Bức Tường" trở lại”. Báo điện tử Petrotimes. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Thanh Ngọc (3 tháng 12 năm 2013). “Ảnh ngày xưa của Trần Lập và nhóm Bức tường”. Báo điện tử trực tuyến Zing. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Tâm Giao (15 tháng 12 năm 2013). “Trần Lập khuấy động Rock storm ở Đà Nẵng”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Bức Tường ra mắt album kỷ niệm 20 năm thành lập”. Báo điện tử VOV. 12 tháng 12 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2022.
- ^ a b Yến Thảo (19 tháng 3 năm 2016). “Thay vì Nam Định, Trần Lập được an táng tại Phú Thọ”. Báo Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2016.
- ^ a b Cát Khuê (11 tháng 12 năm 2011). “Bức Tường trở lại”. Báo Tuổi trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2022.
- ^ Thu Hà (15 tháng 6 năm 2007). “Hôm nay, khai mạc Ngày hội sách Kim Đồng”. Báo Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hữu Nghị (7 tháng 12 năm 2008). “"Rockstorm 2009 - Sự trở lại" rất đáng nhớ!”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Trần Lập và Bảo Anh nắm tay nhau đi giữa thị phi”. VietNamNet. CAND. 14 tháng 10 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2023.
- ^ N.Đinh (12 tháng 9 năm 2012). “Trần Lập bị tẩy chay vì phát ngôn bừa bãi”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Vì sao gọi Bảo Anh là "nữ hoàng scandal" The Voice?”. Báo Lao Động. 7 tháng 10 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2023.
- ^ HM (1 tháng 1 năm 1970). “Trần Lập thời còn để tóc dài”. Xã hội. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2023.
- ^ “The Voice Vietnam: Mới khai màn đã lộ chiêu dàn xếp”. Báo Sức khỏe và Đời sống. VTC. 19 tháng 7 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2023.
- ^ Long Hy (31 tháng 7 năm 2012). “Choáng với 14 'chiến binh' đội Trần Lập: Từ thiên đàng xuống địa ngục!”. Giáo dục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b Cẩm Giang (4 tháng 12 năm 2015). “Trần Lập: 'Chỉ như là mơ, ngủ dậy sẽ hết thôi'”. Báo Hànộimới. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Diễm Trinh (30 tháng 3 năm 2015). “Trần Lập lên tiếng vì đội Tóc Tiên hát không xin phép...”. Báo Đầu tư. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Mai Mai (30 tháng 3 năm 2015). “Tóc Tiên xin lỗi Trần Lập vì hát nhạc chưa xin phép”. Báo Giao thông. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ B.T.Ngọc (4 tháng 11 năm 2015). “Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập chia sẻ bị ung thư”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Thiên Kim; Minh Trí (9 tháng 11 năm 2015). “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi...”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Ca sĩ Trần Lập bị ung thư gây sốc cộng đồng”. VNExpress. FPT. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập 20 tháng 11 năm 2015.
- ^ “Bạn bè khóc khi biết tình trạng bệnh của Trần Lập - VnExpress Giải Trí”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 1 năm 2016. Truy cập 22 tháng 7 năm 2016.
- ^ Hạ Nguyên (7 tháng 11 năm 2015). “Trần Lập đã ổn định sức khỏe sau phẫu thuật”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Thiên Hương (5 tháng 11 năm 2015). “Tinh thần lạc quan hiếm có của Trần Lập trước căn bệnh ung thư”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Thục Khôi; Tuấn Anh; Hello (7 tháng 12 năm 2015). “Trần Lập: Không hát bài nào động viên tinh thần cho bản thân nữa”. VietnamPlus. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Bức Tường và những người bạn làm liveshow ủng hộ Trần Lập”. VnExpress. 28 tháng 12 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b Hoàng Quyên (17 tháng 1 năm 2016). “Trần Lập khiến các fan rưng rưng rơi lệ khi hát tặng vợ”. Báo Hànộimới. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hải Bá (13 tháng 1 năm 2016). “Sức khoẻ nguy cấp, Trần Lập ngồi xe lăn lên sân khấu”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hải Bá (17 tháng 1 năm 2016). “Trần Lập lấy nước mắt khán giả trong liveshow để đời”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b c Thoại Hà (19 tháng 3 năm 2016). “Trần Lập - rock trong nhạc và rock ở cuộc đời”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hà Tùng Long (17 tháng 3 năm 2016). “Ca sỹ Trần Lập sẽ được an táng tại quê nhà Nam Định”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Đức Trí (17 tháng 3 năm 2016). “Ca sĩ Trần Lập qua đời”. VNExpress. FPT. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2016. Truy cập 17 tháng 3 năm 2016.
- ^ Gia Bảo (2 tháng 5 năm 2020). “Trần Lập: Định mệnh dang dở của một tài năng”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Những sáng tác ấn tượng, gắn liền với tên tuổi Trần Lập”. Báo điện tử Tiền Phong. Một thế giới. 17 tháng 3 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2018.
- ^ Phạm Thu Hương (13 tháng 12 năm 2014). “Bản trường ca hùng tráng của người Việt”. An ninh Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2022.
- ^ Thu Hương (18 tháng 4 năm 2003). “Bức Tường đột phá khi đưa nhạc truyền thống vào rock”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2022.
- ^ Hương Quyên (30 tháng 11 năm 2006). “'Ngày thứ bảy cuối cùng' của Bức Tường”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2021.
- ^ “Bức Tường còn nhiều tham vọng”. VnExpress. Tiền Phong. 2 tháng 2 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Huy Phạm (18 tháng 12 năm 2011). “Đêm rock 'sạch sẽ' của Bức Tường”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b c Thanh Thanh (5 tháng 12 năm 2014). “Vì sao nhạc sĩ Trần Lập kiện Zing Mp3?”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hải Duyên (4 tháng 12 năm 2014). “Nhạc sĩ Trần Lập kiện Zing MP3 vi phạm sở hữu trí tuệ”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ H.Điệp (11 tháng 12 năm 2014). “Nhạc sĩ Trần Lập rút đơn kiện Zing MP3”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hải Duyên (10 tháng 12 năm 2012). “Nhạc sĩ Trần Lập bất ngờ rút đơn kiện Zing MP3”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Ca sĩ Trần Lập: Cuộc sống xô lệch quan điểm”. Báo Điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 3 năm 2016. Truy cập 20 tháng 11 năm 2015.
- ^ “2 nhóc tì siêu quậy nhà Trần Lập hát”. xahoi.com.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2015. Truy cập 20 tháng 11 năm 2015.
- ^ Đỗ Quyên (11 tháng 3 năm 2020). “Cuộc sống hiện tại của vợ con cố nhạc sĩ Trần Lập”. Gia đình. Báo Sức khỏe và Đời sống. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Những hình xăm đẹp nhất của sao Việt”. Báo điện tử trực tuyến Zing. 2Sao. 11 tháng 3 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
- ^ Nhóm phóng viên (8 tháng 1 năm 2014). “Trần Lập: 'Tôi xăm nhiều nhưng rất hiền lành'”. Báo điện tử trực tuyến Zing. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b Nhi Quỳnh (6 tháng 11 năm 2015). “Cận cảnh bộ sưu tập "xế" 2 bánh cực chất của Trần Lập”. Báo Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Phạm Thị Thảo (5 tháng 11 năm 2015). “Những khoảnh khắc đời thường giản dị của nhạc sĩ Trần Lập”. PhuNuToDay. Xe và Thể thao. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hữu Thắng (9 tháng 11 năm 2015). “"Phượt thủ" Trần Lập và dấu ấn trên "những chuyến đi dài"”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hoàng Lân (30 tháng 7 năm 2013). “Nhạc sĩ Trần Lập xuất bản tự truyện "Bên kia bức tường"”. Báo Hànộimới. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2013.
- ^ Y.Anh (18 tháng 3 năm 2016). “Trần Lập được Hội nhạc sĩ Việt Nam vinh danh”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ a b L.Anh (27 tháng 2 năm 2017). “Nghẹn nước mắt trong đêm Trần Lập – Hẹn gặp lại”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Oanh Trương (27 tháng 3 năm 2018). “Liveshow Ngày trở về - Hiện thực hóa ý tưởng còn dang dở của Trần Lập”. Báo điện tử của Đài Truyền hình Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Linh Đan (25 tháng 3 năm 2018). “Bức Tường hội ngộ trong 'Ngày trở về' đúng dịp 2 năm ngày mất của thủ lĩnh Trần Lập”. Báo điện tử của Đài Truyền hình Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hải Bá (1 tháng 10 năm 2018). “Bức tường mở cuộc thi tìm hình bóng Trần Lập”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Nguyên Khánh (9 tháng 4 năm 2021). “Trần Lập trở về cùng Bức Tường”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ “Bức Tường làm liveshow "Trở Về", kỉ niệm 5 năm ngày mất của thủ lĩnh Trần Lập”. Billboard Vietnam. 14 tháng 1 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2022.
- ^ An An (27 tháng 5 năm 2021). “Vợ nhạc sĩ Trần Lập bật mí về những bóng hồng trong bài hát của chồng”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Hà Phương (6 tháng 9 năm 2022). “Ban nhạc Bức Tường thời kỳ vắng Trần Lập giờ ra sao?”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Viết Thịnh (24 tháng 3 năm 2016). “Giải thưởng âm nhạc Cống hiến chưa vinh danh nhạc sĩ Trần Lập”. Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ H.Lê (7 tháng 9 năm 2016). “VTV Awards trao giải Nhân vật của năm cho Trần Lập”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2024.
- ^ a b “Vợ Trần Lập bật khóc khi chồng được tôn vinh ở VTV Awards”. Gia Đình & Xã hội. 8 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2024.
- ^ “VTV Awards 2016 - Những hình ảnh đọng lại”. Báo điện tử VTV. 8 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2024.
- ^ “Trao giải VTV Awards - Chuyển động 2016”. Nhân Dân. 7 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2024.
- ^ Nhóm phóng viên (6 tháng 4 năm 2015). “Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 10 - 2015: Mỹ Tâm lần thứ ba đoạt giải 'Ca sĩ của năm'”. Báo Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.
- ^ Trọng Thịnh (4 tháng 1 năm 2021). “Dù đã mất được gần 4 năm, Trần Lập vẫn lọt vào vòng đề cử tại giải Cống Hiến”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2023.