Bước tới nội dung

Trần Hạnh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nghệ sĩ Nhân dân
Trần Hạnh
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Trần Ngọc Hạnh
Ngày sinh
(1929-03-12)12 tháng 3, 1929
Nơi sinh
Hà Nội, Bắc Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất
Ngày mất
4 tháng 3, 2021(2021-03-04) (91 tuổi)
Nơi mất
Hà Nội, Việt Nam
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệp
  • Diễn viên sân khấu
  • Diễn viên truyền hình
  • Diễn viên điện ảnh
Lĩnh vực
  • Kịch
  • Truyền hình
  • Điện ảnh
Danh hiệuNghệ sĩ Ưu tú (1984)
Nghệ sĩ Nhân dân (2019)
Sự nghiệp sân khấu
Năm hoạt động1959 – 1989
Thành viên củaNhà hát Kịch Hà Nội
Giải thưởng
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11
Nam diễn viên chính xuất sắc

Trần Hạnh (12 tháng 3 năm 19294 tháng 3 năm 2021) là một nghệ sĩ sân khấu và truyền hình Việt Nam. Ông là Nghệ sĩ Nhân dân nổi tiếng với các vai ông bí thư đảng ủy trong phim Làng nổi, bố An trong phim Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong phim Người cầu may, ông Lâm trong phim Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong phim Hãy tha thứ cho em,...

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Trần Hạnh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cụ thân sinh ra ông làm việc tại nhà máy in Ngô Tử Hạ ở phố Nhà thờ, còn mẹ ông là một thương gia nhỏ. Nhưng rồi, hạnh phúc chưa được bao lâu thì trong một cơn đau yếu, bố ông đã ra đi để lại vợ con côi cút. Mồ côi cha từ năm 8 tuổi, ông đã phải sống tự lập rất sớm. Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, ông làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền [1]. Vừa đóng giày, Trần Hạnh vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội). Trong câu lạc bộ có nhiều người bạn sau này đã trở thành những tên tuổi gạo cội trong làng kịch Việt Nam như: Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Đoàn Dũng...[2]

Ông lập gia đình khi 23 tuổi[3], vợ ông là hàng xóm cùng ngõ Phát Lộc (Hàng Bạc, Hà Nội), được bà nội sắp xếp. Dù đã vợ con nhưng không sao bỏ được những buổi "chơi" kịch cùng với ban kịch Thanh niên Hà Nội. Khi mọi người vào học khóa đầu tiên đào tạo diễn viên chính quy của trường Sân khấu thì ông đành phải rẽ ngang về Đoàn kịch Hà Nội bởi lý do duy nhất là phụ cấp ở đó cao hơn 10 đồng.

Ông đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, khi vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa (huy chương vàng Liên hoan Kịch toàn quốc), đảm nhận một vai chính trong vở Tiền tuyến gọi hay trong Âm mưu và tình yêu được dựng bởi đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Trong tập sách Người Hà Nội, Lưu Quang Vũ viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội"[4]. Tổng Bí thư Trường Chinh đã tìm ông và khen ông đóng Âm mưu và tình yêu: "Anh đóng hay lắm, tôi không biết dùng từ thế nào nhưng có thể nói là nó rất lãng mạn".

Ông về hưu rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989. Khởi nghiệp bằng sân khấu kịch và đoạt giải thưởng trong một số Liên hoan sân khấu Toàn quốc nhưng Trần Hạnh lại được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim truyền hình.

Trong đóng phim, vai đầu tiên của ông vai nam chính cho phim Chiếc bình tiền kiếp của Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Sau đó là hàng loạt phim khác, như Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi,...

Vai diễn truyền hình đầu tiên, và cũng là vai mà ông tâm đắc nhất là vai ông Cần trong phim Cuốn sổ ghi đời của đạo diễn Tất Bình.

Ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 – 1996, ông đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim Nước mắt đàn bà (ban tổ chức không gửi giấy mời ông tới nhận giải). Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Cống hiến cho vai diễn của ông trong phim Ngõ lỗ thủng, đạo diễn Quốc Trọng.

Những vai diễn của ông đã đi vào lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác mặc dù ông là người Hà Nội gốc.

Năm 2017, ông tham gia vào bộ phim Cha cõng con với vai diễn là ông mù.

NSND Trần Hạnh qua đời ở tuổi 92, lúc 2 giờ 50 phút tại nhà riêng, ngày 04 tháng 3 năm 2021 vì tuổi cao sức yếu.

Phim đã tham gia

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Tựa phim Vai diễn Đạo diễn Kênh Nguồn
1989 Chiếc bình tiền kiếp Lâm Nguyễn Hữu Phần Phim điện ảnh
1991 Mối tình sau song sắt Sư thầy Nguyễn Khắc Lợi
1988 Bến đợi Nguyễn Khải Hưng VTV1 VTV2
1994 Cuốn sổ ghi đời Ông Cần Đặng Tất Bình
1995 Những người sống bên tôi Ông Đoán
Nước mắt đàn bà Trịnh Thanh Nhã
Tu hú gọi bầy Bùi Cường
1996 Nàng kiều trúng số Cụ Mùi Lê Đức Tiến H1
Ngày trở về Bố Tuấn Trần Phương VTV3
Bến bờ H1
Đông ki ra thành phố Ông Đổng Lê Đức Tiến VTV3
Con sẽ là cô chủ Hà Lê Sơn H1
Đêm trắng Bạch Diệp VTV3
1997 Chuyện đời Triệu Tuấn VTV1
Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ Ông Đường Trần Phương - Nguyễn Thế Vĩnh H1
Hoàng hôn dang dở Bố Thư Trần Phương VTV1
Vợ chồng chị Hòa Ông nội Đông Bùi Cường VTV3
Chuyện đời thường Phó Bá Nam
1998 Bạn cùng lớp Đoàn Trúc Quỳnh
Tình đời Đỗ Thanh Hải H1
Gà ô tử mỵ Đoàn Quốc Thắng VTV3
Đám cưới đêm mưa Hoàng Thanh Du H1
Những người thợ xẻ Bố của Ngọc Vương Đức (điện ảnh)
Sau lũy tre làng Ông Thậm Vũ Phạm Từ VTV3
1999 Về quê Ông Hào Xuân Hồng VTV1
Người thổi tù và hàng tổng Bố Kiên Phi Tiến Sơn VTV3
Vui buồn sau lũy tre Ông Hào Bạch Diệp VTV1
Câu hát tìm nhau Phạm Đông H1
Chuyện bên sông Nguyễn Danh Dũng VTV3
Câu chuyện mùa xuân Bảo vệ Đỗ Thanh Hải VTV1
2000 Cảnh sát hình sự: Bí mật hồ hang rắn Sư cụ Nguyễn Khải Hưng VTV3
Truyện đã qua Điền Trần Phương VTV1
Dòng sông chảy xiết Bố Vỹ Bùi Huy Thuần VTV3
Sứ giả làng Ông giáo Hiển Đỗ Minh Tuấn
Người nổi tiếng Tài Bạch Diệp
Kẻ không cầu may Ông Thuật
2001 Đôi dòng Xuân Khang VTV1
Nước mắt chảy xuôi Cao Mạnh H1
Bóng dáng người cha Ông Hải Nguyễn Anh Tuấn VTV3
Nhớ quê Ông Sáng Cao Mạnh H1
Thời gian còn lại Ông Ký Vũ Trường Khoa VTV3
2002 Những người đã hết thời Bùi Huy Thuần VTV1
Không còn gì để nói Ông Nội Nguyễn Khải Hưng VTV3
Bác cả người sung sướng Ông Túy Trần Lực
Vua bãi rác Ông Hạnh Đỗ Minh Tuấn Phim điện ảnh
2003 Tin lành tháng chạp Nguyễn Danh Dũng VTV1
Chuyện xảy ra trước tết Cụ Trùm Chí Đào Duy Phúc - Nguyễn Mạnh Hà VTV3
Người ở bến sông Nguyễn Danh Dũng
Em ở nơi nao Nguyễn Long Khánh
Lễ mừng thọ Ông Vỹ Triệu Tuấn VTV1
Người thừa của dòng họ Nguyễn Hữu Trọng - Trịnh Lê Phong VTV3
Miền nhớ Ông Hiệp Nguyễn Trọng Thắng
Cảnh sát hình sự: Phía sau một cái chết Ông bán vé số Trọng Trinh
Gió thổi qua rừng Triệu Tuấn VTV1
2004 Thời xa vắng (phim) Ông đồ Hồ Quang Minh Phim điện ảnh
Hoa đào ngày tết Bố Hải Xuân Sơn VTV3
Những giấc mơ dài Ông già Đỗ Đức Thành
2005 Miền đồi ấm áp Ông Nghĩa Nguyễn Hữu Luyện - Duy Thanh
Chuyện tình vùng quê Bố Thăng Lê Cường Việt
Xóm gà trống Ông Độ Nguyễn Danh Sơn
Lửa than Ông Mạnh Phạm Văn Quý VTV1
2007 Khách đến chơi xuân Bố vợ Nguyễn Mạnh Hà
Ngày đó đến bây giờ Bố Văn Xuân Sơn VTC1
Đời người và những chuyến đi Nguyễn Hữu Trọng - Trịnh Lê Phong VTV3
Cổng trường thời mở cửa Ông Bảnh Triệu Tuấn VTV1
2008 Nếp nhà Ông Đức VTV3
Mường động
2009 Đất thiêng Trưởng họ Triệu Tuấn
Ngõ lỗ thủng Ông Thống Trần Quốc Trọng VTV1
Người đàn bà thứ hai Bố Đạt Vũ Hồng Sơn - Đỗ Chí Hướng VTV3
Đi qua bóng tối Ông Ninh Vũ Minh Trí VTV1
Bước nhảy xì tin Trưởng xóm Vũ Trường Khoa VTV3
2010 Bà nội không ăn bánh pizza Ông bán báo Nguyễn Khải Anh - Bùi Tiến Huy
Vệt nắng cuối trời Ông Nội Trần Hoài Sơn
2012 Giới hạn cuối cùng Ông Phúc Đỗ Gia Chung
2013 Làng ma - 10 năm sau Nông dân Nguyễn Hữu Phần
2014 Bão qua làng Ông Lợi Trần Quốc Trọng - Lê Mạnh VTV1
2015 Khép mắt chờ ngày mai Bố Thân Vũ Trường Khoa VTV3
2017 Cha cõng con Ông lão (tại bệnh viện) Lương Đình Dũng Phim điện ảnh

Giải thưởng và vinh danh

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1982 – 1984[5].

Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984. Ông đã từng 3 lần đoạt Huy chương vàng trong các vở kịch Nguyễn Trãi, Tiền tuyến gọi, Hamlet, giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 với phim Nước mắt đàn bà và nhiều giải thưởng khác.

Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim Ngõ lỗ thủng của đạo diễn Quốc Trọng.

Tháng 5 năm 2018, ông được đặc cách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Tuy mới đoạt một giải Cống hiến (tương đương giải Vàng) tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2010 và không đủ số huy chương theo quy định, nhưng Trần Hạnh có nhiều đóng góp cho sân khấu, phim truyền hình. Hồi tháng 3, Trần Hạnh được Sở đặc cách đưa vào danh sách xét trao danh hiệu NSND vì hóa thân vào nhiều vai diễn "có sức lan tỏa, đồng thời có hình ảnh đúng mực trong cuộc sống".[6] Theo Nghị quyết 54/NQ – CP ký ngày 18 tháng 7 năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu NSND.[7]

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông Trần Hạnh tâm sự, cuộc đời thực của ông có khi còn buồn và khổ hơn phim. Gần chục năm, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não [1]. Năm 2011. vợ ông mất vì bị tai biến sau hai năm nằm liệt giường, ở tuổi 84, ông dù già yếu vẫn phải chăm cậu con trai út 47 tuổi bị ngớ ngẩn (15 năm trước, anh bị tai nạn xe máy chấn thương sọ não). Ông thân gà trống nuôi con phải chợ búa, cơm nước, rau cháo, giặt giũ hàng ngày, đi đâu làm gì thì đúng giờ cơm ông phải xắm nắm trở về nhà để lo cho con [1].

Vợ chồng nghệ sĩ Trần Hạnh có tất cả bảy người con (2 trai, 5 gái) nhưng giờ chỉ còn bốn [5]. Trước kia, ngôi nhà hơn chục mét vuông của ông nằm trong khu Trần Quý Cáp chật chội, dột nát quanh năm với 9 nhân khẩu.

"Sinh ra, mỗi người đã có một số phận. Không thể thay đổi thì đừng than vãn, hãy học cách chấp nhận đứng trên mọi nỗi đau"[8].

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c “Nghệ sĩ ưu tú Trần Hạnh cuối đời vẫn truân chuyên”. Báo Đất Việt điện tử. 28 tháng 5 năm 2009. Truy cập 12 tháng 4 năm 2013.[liên kết hỏng]
  2. ^ “Những nghệ sĩ ăn Tết lẻ bóng - VietNamNet”. VietNamNet. Truy cập 12 tháng 3 năm 2015.
  3. ^ “Chuyện tình đẫm nước mắt của "lão nông" Trần Hạnh”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 12 tháng 3 năm 2015.
  4. ^ http://maivang.nld.com.vn/20110721120849879p1140c1135/phong-tang-Nghệ[liên kết hỏng] sĩ Nhân dân-nsut-dung-bo-quen-ho.htm
  5. ^ a b Lao Động Online | LAODONG.VN - Tin tức mới nhất 24h
  6. ^ “5 nghệ sĩ Hà Nội trượt, Công Lý, Trần Hạnh vẫn được xét NSND”.
  7. ^ “Diễn viên Trần Hạnh được phong Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 90”. Báo Vietnamnet.
  8. ^ Nghệ sĩ Trần Hạnh và cuộc đời phía sau màn ảnh nhỏ Gia Lê - Thiên Vũ nguoiduatin 27/12/2012