Bước tới nội dung

Tinh tuyển chư gia luật thi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tinh tuyển chư gia luật thi (Tập thơ luật lựa chọn phần tinh hoa nhất của các nhà) là tuyển tập thơ Việt Nam viết bằng chữ Hán do Dương Đức Nhan biên tập. Đây là bộ hợp tuyển thứ hai trong số ba bộ xuất hiện kế tiếp ở thế kỷ 15, đó là: Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thiTrích diễm thi tập.

Giới thiệu sơ lược

[sửa | sửa mã nguồn]

Tinh tuyển chư gia luật thi còn được gọi là: Thi gia tinh tuyển (theo Phan Phu TiênPhan Huy Chú), Tinh tuyển tập (theo Bùi Huy Bích), Tinh tuyển chư gia thi tập (theo cuối bản A. 2657) và Cổ kim chư gia tinh tuyển (theo nghiên cứu của Trần Văn Giáp).

Theo Nguyễn Huệ Chi, thì bộ sách này có lẽ được Dương Đức Nhan biên soạn khi chưa đỗ Tiến sĩ, tức trước năm 1463.

Và theo Lê Quý Đôn, thì bộ sách này gồm 15 quyển, nhưng theo Phan Huy Chú thì nó chỉ "có 5 quyển, chép từ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trung Ngạn trở xuống, (gồm) 13 thi gia, tất cả 472 bài".[1]

Tuy nhiên, hai bản sách hiện còn lưu giữ ở Thư viện Khoa học xã hội (Hà Nội) đều không được đầy đủ như lời Phan Huy Chú đã ghi. Liệt kê ra như sau:

  • Bản A.574 là sách chép tay, gồm 163 tờ (khổ 30 cm x 20 cm) có tên là Tinh tuyển chư gia luật thi, không có tựa, bạt và chú dẫn. Tờ thứ nhất có đề là: "Hồng Châu Lương Như Hộc Tường Phủ phê điểm; môn nhân Dương Đức Nhan biên tập" (Lương Như Hộc phê bình và chấm câu; học trò ông là Dương Đức Nhan biên tập). Mục lục như sau:
Quyển Số tờ Triều đại Tên thi gia Số bài thơ
I 1-13 Nhà Trần Trần Nguyên Đán 44
13-25 - Nguyễn Trung Ngạn 42
25-30 - Phạm Sư Mạnh 24
31-34 - Phạm Nhân Khanh 13
35-50 - Nguyễn Phi Khanh 15
50-64 - Phạm Nhữ Dực 63
64-66 - Lê Cảnh Tuân 9
II 1-13 Nhà Lê Lê Trãi (tức Nguyễn Trãi) 54
13-20 - Lý Tử Tấn 35
21-33 - Nguyễn Mộng Tuân 54
33-35 - Vũ Mộng Nguyên 9
Cộng 11 tác gia 362 bài

Từ tờ 35 của quyển II đến tờ 97 là phần phụ lục, đề là Phụ Lục Dụ Trai tiên sinh thi tập. Chưa rõ Dụ Trai là ai, nhưng theo theo Trần Văn Giáp thì đây là một tập thơ có vào đời Tự Đức.[2]

  • Bản A.2657 là sách in ván gỗ, ở đầu sách ghi là Tinh tuyển chư gia luật thi, nhưng ở cuối sách lại ghi là Tinh tuyển chư gia thi tập,[3] nhưng hiện chỉ còn 2 quyển là quyển 4 và quyển 5, gồm 71 tờ. Mục lục như sau:
Quyển Số tờ Triều đại Tên thi gia Số bài thơ
IV 2-18 Nhà Hậu Lê Lê Trãi 52
18-31 - Lý Tử Tấn 40
V 1-32 - Nguyễn Mộng Tuân 99
32-41 - Vũ Mộng Nguyên 28
Cộng 4 tác gia 219 bài

So sánh quyển 4 và quyển 5 của hai bản, thì thấy bản A.2657 hơn bản A.574 là 67 bài thơ.

Nhận xét

[sửa | sửa mã nguồn]

Tinh tuyển chư gia luật thi không phải là một tuyển tập thơ toàn bích về từng triều đại hay về cả một thời đại. Hình như đây chỉ là một tuyển tập "bổ sung những bài còn thiếu" (lời Lê Quý Đôn). Tuy bài tựa ở đầu bộ sách do chính Hoàng Đức Lương viết nay đã mất, nhưng Lê Quý Đôn còn ghi được một đoạn trong Toàn Việt thi lục, thì thấy đó là một lời thanh minh, than thở của người soạn sách về sự bất lực của mình trong việc sưu tầm, và tình cảm dân tộc thật rõ nét sau những lời cảm thán này.[4]

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 3, phần "Văn tịch chí"). Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
  • Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2003.
  • Nguyễn Huệ Chi, mục từ: "Tinh tuyển chư gia luật thi" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Nhiều người soạn, Theo Từ điển bách khoa Việt Nam mục từ: "Tinh tuyển chư gia luật thi".

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 3, phần "Văn tịch chí"), tr. 120.
  2. ^ Theo Trần Văn Giáp, tr. 795.
  3. ^ Theo Trần Văn Giáp, tr. 793.
  4. ^ Theo Nguyễn Huệ Chi, tr. 1735.