Bước tới nội dung

Thiên hạ đại tín bài

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Thiên hạ đại tín bài là tín bài cá nhân sử dụng ở hai miền Đại Việt trong thời kỳ Tây Sơn. Đây là tấm thẻ khắc chữ triện có hoa văn, giữa thẻ là bốn chữ Thiên hạ đại tín (天下大信)[1] xung quanh có họ tên và quê quán.[2] Thẻ có điểm chỉ làm bằng,[2] đó là in đầu ngón tay trái của người chủ tín bài[3] và dấu ấn do quan nha đóng lên.[4] Tín bài này bắt buộc dùng chữ Nôm.[5] Thiên hạ đại tín bài có vai trò giống như căn cước công dân ngày nay.[6]

Bối cảnh và mục đích

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi đánh bại quân Mãn Thanh vào năm 1789, hoàng đế Quang Trung nhà Tây Sơn bắt đầu củng cố nội trị, trong đó hàng đầu là quốc phòng. Năm 1790, ông cho lập sổ đinh[a] chia dân đinh thành 4 hạng theo 4 độ tuổi khác nhau: vi cập cánh (9–17 tuổi), tráng hạng (18–55 tuổi), lão hạng (56–60 tuổi), lão nhiên (61 tuổi trở lên); đồng thời cho ban hành tín bài. Tất cả điều này để thuận lợi quản lý dân cư.[7]

Sự ra đời của tín bài này nhằm để kiểm soát dân cư, quản lý nhân khẩu.[8][9] Mục đích khác là phục vụ tuyển quân khi cần.[10] Mọi người dân phải mang theo và xuất trình khi người của quan phủ yêu cầu.[2] Ai không có tín bài là dân trốn thuế, sẽ bị trừng phạt bằng việc đày ra biên giới[11] hoặc sung làm phu dịch.[12] Tổng trưởng, xã trưởng địa phương của người dân này sẽ bị bắt tội[13] bằng cách tống giam.[11]

Việc ban hành tín bài này áp dụng cho tất cả dân cư,[14] thể hiện bình đẳng dân chúng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.[15] Tuy nhiên việc ban hành tín bài này cũng có mặt trái, đó là dẫn đến việc người dân bị tra xét gắt gao khiến người dân sinh hoạt và đi lại trở nên khó khăn. Quan lại ở một số địa phương lợi dụng việc ban hành để quấy nhiễu, trục lợi người dân khiến người dân lo sợ, nhiều người trốn vào rừng núi.[1] Dù vậy, chính sách tín bài đã giúp ích trong việc truy bắt phạm nhân cũng như những người chống đối thù địch nhà Tây Sơn. Do đó khiến những người có tinh thần phù Lê và người của phe chúa Nguyễn thất bại trong các âm mưu nổi loạn.

Quang Trung là người ban hành loại tín bài này nhưng về sau con trai ông – Quang Toản kế vị đã cho loại bỏ quy định về tín bài.[16][17] Một số ý kiến cho rằng việc bãi bỏ loại tín bài này dẫn đến yếu đi việc quản lý dân cư, từ đó góp phần làm suy yếu nhà Tây Sơn và sau đó dẫn đến tình thế nguy hiểm cho họ khi phe chúa Nguyễn phản công.[18]

  1. ^ Vai trò như Sổ hộ khẩu ngày nay.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Chương XI, wikisource.org.
  2. ^ a b c Bùi Dương Lịch 1987, tr. 106.
  3. ^ Nguyễn Tường Phượng 1950, tr. 40.
  4. ^ Nguyễn Quang Trứ 2001, tr. 102.
  5. ^ Đào Trí Úc 1994, tr. 33.
  6. ^ “Bất ngờ với tấm 'căn cước công dân' đầu tiên của lịch sử Việt Nam, ai không có từng bị phạt rất nặng”. Tạp chí Sở hữu trí tuệ. ngày 2 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2024.
  7. ^ “Quân đội Tây Sơn”. Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng CHXHCN Việt Nam. ngày 28 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2024.
  8. ^ Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục 1965, tr. 231.
  9. ^ “Thăng Long - Hà Nội thời Tây Sơn (1788 - 1802)”. dangcongsan.vn. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 20 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2024.
  10. ^ Phạm Văn Trà 2004, tr. 268.
  11. ^ a b Lê Trọng Hoàn 1993, tr. 108.
  12. ^ Viện sử học 1993, tr. 527-528.
  13. ^ Tạp chí Bách khoa 1961, tr. 65.
  14. ^ Trương Hữu Quýnh, Đào Tố Uyên, Phạm Vǎn Hùng 2003, tr. 246.
  15. ^ Phan Huy Lê 1961, tr. 106.
  16. ^ Ngô gia văn phái (1945). Hoàng Lê nhất thống chí . Ngô Tất Tố biên dịch. Mai Lĩnh. tr. 561.
  17. ^ Nguyễn Đăng Tấn, Nguyễn Công Liêm (1950), tr. 253
  18. ^ Tạ Chí Đại Trường (2007), tr. 159

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Tạp chí

[sửa | sửa mã nguồn]