Bước tới nội dung

Thảo luận:Nguyễn Bá Tòng (thiếu tướng)

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Thêm đề tài
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1973 nhờ công đánh mìn hất xe xuống vực?

[sửa mã nguồn]

Với đại tá Nguyễn Bá Tòng dù mang tiếng đã quen và là cán bộ cấp dưới của anh nhưng thú thật tôi chưa biết chiến công của anh thời đánh Mỹ. Chỉ biết rằng anh là Anh hùng quân đội Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý ấy vào năm 1973. Từ trước tới nay tôi vẫn đinh ninh rằng anh là lái xe trên đường mòn Hồ Chí Minh những năm đảnh Mỹ và là người anh hùng đã bật đèn pha trong đêm tối hút máy bay địch về phía mình để cứu cả đoàn xe ở phía sau. Khi đã là phóng viên của Tạp chí Văn nghệ quân đội tôi tìm hiểu anh để viết bài nhân dịp kỷ niệm 40 năm Bộ đội Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh thì mới vỡ lẽ ra rằng: anh chưa có một ngày cầm vô lăng.

Nghe tôi tuệch toạc giãi bày sự lầm lẫn của mình, anh cười, hóm hỉnh nói:

- Anh chỉ là anh hùng tháo bom, đánh mìn "hất xe xuống vực" thôi em ạ?

- Chà! Tháo bom, đánh mìn "hất xe xuống vực". Mới nghe anh nói, em đã thấy hay hay rồi đó. Anh kể cho em nghe đi.

- Ôi dào, chuyện cũ lắm rồi. Kể ra có người lại bảo các ông Khốt say sưa với quá khứ, thích đánh bóng lại huân chương.

- Anh cử kể đi, những kỷ niệm của anh ở Trường Sơn ấy. Chuyện tháo bom, đánh mìn ấy.

- Thôi, nể em, anh kể. Nhưng khi viết bài thì lựa lựa mà viết, ít thôi. Cấm bịa. Cấm tô hồng đánh phấn nhé!

Trường Sơn một thời bi tráng hiện dần lên trong câu chuyện của anh. Những con đường tả tơi vì bom đạn Mỹ vẫn bền bỉ vươn về phía Nam, tỏa lan ra hai phía Đông - Tây. Trước mắt tôi hiện lên Vạn - Lý - Trường - Sơn vĩ đại với 5 hệ thống đường trục dọc; 21 đường trục ngang vươn tới, các chiến trường với tổng chiều dài gần 2 vạn ki-lô-mét đường ô tô, 1.400 ki-lô-mét đường ống dẫn xăng dầu, 3.140 ki-lô-mét "đường kín" cho xe chạy ban ngày...

Giữa năm 1968, anh được điều về Trung đoàn 98 là một đơn vị được giao nhiệm vụ "thần tốc mở đường", lúc này đang đóng ở Quảng Bình. Đội bom đạn, xuyên rừng lội suối, trung đoàn hành quân vào Binh trạm 42. Anh còn nhớ cái Tết đầu tiên ở Trường Sơn đơn vị phát cho mỗi người hai chiếc kẹo Sô-cô-la, một điếu thuốc Tam Đảo và hai người một hộp mứt bí. Thế là sang! Lính Trường Sơn, có Tết tắc đường chỉ tai voi môn thục nấu cháo "liên hoan" với nhau, anh em đãi nhau những món ăn đặc sản ở quê nhà bằng cách kể ra cách chế biến và hương vị của nó. Vậy, mà rồi cũng chóp chép miệng tấm tắc khen ngon để đêm về ôm nhau ngủ cứ nôn nao nhớ xóm mạc, cửa nhà.

Mồng hai Tết, đơn vị được trên giao nhiệm vụ sau hai ngày phải mở xong con đường tránh dài hơn 10 cây số để thông xe vì địch đang tập trung đánh phá con đường chính rất dữ dội. Rừng ở nơi con đường tránh đi qua có rất nhiều cây to, nếu chỉ dùng cưa và dao để hạ cây thì sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ đúng thời gian quy định. Chỉ có cách dùng bộc phá để đánh cây, nhưng lượng thuốc nổ trong kho có hạn, biết giải quyết làm sao đây? Treo lơ lửng trước mắt mọi người câu hỏi ấy.

SaoVang: Trưa hôm ấy, anh tranh thủ vào rừng hái quả bứa cho tiểu đội nấu canh cá suối. Trèo trên cây nhìn xuống, anh bỗng giật thót mình một quả bom đen trũi to như con lợn độc nằm chình ình gần đây. Chết cha? Bom từ trường. Sống lưng lạnh ngắt như có luồng gió bấc trườn qua. Anh nhẹ nhàng tụt xuống, mắt dán chặt vào quả bom.

Hình như... không phải bom từ trường. Đúng rồi, hắn chỉ là một quả bom câm. Mạnh bạo hơn, anh rón rén bước đến gần, xem xét. Một quả bom 500 bảng Anh, thân bị vỡ nhưng đầu bom còn nguyên, nó vẫn còn có khả năng "gây sự". Một ý nghĩ lóe lên "sẽ lấy thuốc nổ ở quả bom này để làm bộc phá hạ cây".

Anh chạy vội về nhà, trình bày ý định ấy với mọi người. Mọi người ồ lên vui sướng. Anh và một đồng chí nữa được cử đi tháo bom, lấy thuốc nổ về. Thế là, thuốc nổ của Mỹ đã giúp bộ đội Trường Sơn mở đường đánh Mỹ. Đúng hai ngày, con đường tránh được làm xong. Xe nối đuôi nhau vào Nam, mặc cho lũ giặc trời trút bom đạn ầm ầm xuống con đường chính. Từ đó anh nổi tiếng ở trung đoàn là người tháo bom, đánh bộc phá lầm lì, cự phách.

Tới năm 1970 đơn vị anh chuyển vào Binh trạm 34. Trung đội của anh được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông mười cây số đường trong đó có trọng điểm dốc U Bò ở ngã ba La Hạc. Đây là một trọng điểm hết sức ác liệt không phải chỉ vì bom đạn giặc ngày đêm trút xuống mà còn ở sự hiểm trở của núi rừng. Đường đi qua La Hạc rất hẹp, có đoạn chỉ đủ cho một xe ô tô tải đi lọt. Con đường nham nhở dấu vết đạn bom như bị kẹp giữa một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu.

Anh nhớ mãi cái đêm ấy. Hai giờ sáng anh đang ngồi trực chiến ở căn hầm dã chiến dưới chân dốc U Bò thì nhận được điện thoại của trung đội trưởng báo có một chiếc xe đang bị cháy ở đỉnh dốc làm tắc đường. Trong khi đó một đoàn xe hàng chục chiếc đầy ắp hàng vào đang nằm chờ thông đường để vượt trọng điểm ở phía bắc U Bò. Trời sắp sáng. Trung đội yêu cầu tổ trực chiến cử người mang bộc phá lên đánh xe cho rơi xuống vực để giải phóng đường.

Dặn dò hai đồng chí ở lại xong, anh lao lên dốc cùng với một gói bộc phá khá lớn. Máy bay địch vẫn gầm rú. Đèn dù treo lửng lơ trên đỉnh đầu. ánh chớp bom thỉnh thoảng lại bùng lên nhoáng nhoàng. Cách đỉnh dốc 30 mét anh dừng lại, quan sát chiếc xe đang bốc lửa đùng đùng. Nếu dùng một kíp nổ chưa chắc đã kích nổ được cả khối bộc phá lớn như thế này. Anh lấy cả hộp kíp buộc ốp vào khối thuốc nổ lớn bằng thùng lương khô BA70, trong đó có một chiếc kíp tra dây cháy chậm. Dây không có, anh xé chiếc áo lót mình đang mặc nối lại thành sợi dài để buộc.

Mọi việc đã làm xong, anh lao lên, cách chiếc xe cháy 10 mét dừng lại châm dây cháy chậm (anh đã tính toán cắt vừa một gang tay) rồi ném ào cầu sau của xe. Chạy lại được 10 mét, anh lăn xuống rệ đường cùng lúc với ánh chớp bùng lên dữ dội. Bụi khói mù mịt, đất đá rào rào. Mặt mũi tối sầm lại, ngực tức nghẹn anh chỉ còn nghe loáng thoáng bên tai tiếng gọi của đồng đội. Chiếc xe xấu số đã bị hất nhào xuống vực.

Hai phát AK nổ vang. Đường thông. Đoàn xe ì ầm vượt qua trọng điểm trước khi trời tang tảng sáng...

Đang đắm chìm trong dòng hồi tưởng về Trường Sơn của anh, tôi chợt nghe đại tá Nguyễn Bá Tòng nói:

- Thế thôi nhé! Bây giờ thì em hết tưởng tượng anh là lái xe Trường Sơn bật đèn pha hút địch về mình cứu đồng đội rồi chứ! Chiến công ấy là có thật, nhưng người lập nên là một người lính Trường Sơn khác. Trong những năm tháng ấy, nhiều người lính Trường Sơn có thể làm như vậy và những việc làm của anh cũng là những việc làm bình thường, ai trong hoàn cảnh đó cũng đều làm được. Theo anh, cái nổi bật nhất của chất lính Trường Sơn có thể nói gọn trong hai tiếng: xả thân. Xả thân cho nghĩa lớn, cho Đất Nước, cho Nhân dân. Tóm lại, nó là như vậy.

Tôi ngước lên, nhìn anh kỹ hơn và bỗng nhận ra trong đó lấp lánh những nét đẹp của người lính Trường Sơn thuở ấy, bây giờ. 15-3-1999 N.H.Q Nguồn: https://www.quansuvn.net/index.php?PHPSESSID=5ce4g5en9606vgrdkmf79qo9o1&topic=13166.125;wap2