Bước tới nội dung

Thánh Thụy Hoàng thái phi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Khâm Thành Hoàng hậu
欽成皇后
Tống Triết Tông sinh mẫu
Thông tin chung
Sinh1052
Biện Lương
Mất1102
Thánh Thụy cung, Khai Phong
An tángVĩnh Dụ lăng (永裕陵)
Phối ngẫuTống Thần Tông
Triệu Húc
Hậu duệ
Thụy hiệu
Khâm Thành Hoàng hậu
(欽成皇后)
Tước hiệu[Tài nhân; 才人]
[Tiệp dư; 婕妤]
[Chiêu dung; 昭容]
[Hiền phi; 賢妃]
[Đức phi; 德妃]
[Hoàng thái phi; 皇太妃]
[Thánh Thụy Hoàng thái phi;
聖瑞皇太妃]
[Hoàng hậu; 皇后]
(truy phong)
Thân phụThôi Kiệt
Thân mẫuLý thị

Khâm Thành Hoàng hậu (chữ Hán: 欽成皇后; 1052 - 1102), còn gọi là Chu Đức phi (朱德妃) hoặc Chu Thái phi (朱太妃), là một phi tần của Tống Thần Tông Triệu Húc và là sinh mẫu của Tống Triết Tông Triệu Hú.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Khâm Thành Hoàng hậu Chu thị, vốn dĩ mang họ Thôi (崔氏), nguyên quán ở Biện Lương (nay là vùng Hà NamKhai Phong). Cha là Thôi Kiệt (崔杰), sau mẹ là Lý thị cải giá lấy Chu Sĩ An (朱士安) nên bà mới đổi sang họ Chu.

Vào năm Hi Ninh thứ nhất (1068), Chu thị nhập cung làm Ngự thị (御侍), hàng thị thiếp không danh phận trong Nội đình. Năm thứ 8 (1075), tiến phong Tài nhân, sang năm tiến Tiệp dư. Năm Nguyên Phong thứ 2 (1079), chiếu tấn Chiêu dung, hàng Chính nhị phẩm. Năm thứ 5 (1082) lại tấn Hiền phi (賢妃), sang năm thứ 7 (1084) thăng làm Đức phi (德妃)[1]. Bà sinh hạ cho Tống Thần Tông được hai Hoàng tử và một Hoàng nữ, bao gồm Diên An Quận vương Triệu Dung, Sở vương Triệu Tự và Từ Quốc Trưởng công chúa.

Năm Nguyên Phong thứ 8 (1085), Tống Thần Tông lâm bệnh nặng, quần thần tâu xin lập Thái tử. Thần Tông chuẩn ý, do 5 Hoàng tử đầu tiên đều yểu mạng mất sớm nên Thần Tông lập Hoàng tử thứ 6 là Diên An Quận vương Triệu Dung làm Hoàng thái tử, đổi tên là Triệu Hú (趙煦). Việc này rất được Hoàng hậu của Thần Tông là Hướng hoàng hậu ủng hộ.

Không lâu sau Thần Tông băng hà, Triệu Hú kế vị, tức Tống Triết Tông. Tân đế liền tôn tổ mẫu là Cao Thái hậu làm Thái hoàng thái hậu, tôn Đích mẫu Hướng hoàng hậu làm Hoàng thái hậu, còn sinh mẫu Chu Đức phi do chỉ là phi tần của Tiên đế nên được tôn làm Hoàng thái phi[2][3].

Mẫu dĩ tử quý

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Nguyên Hựu thứ 3 (1088), Cao Thái hoàng thái hậu dựa vào "Mẫu dĩ tử quý" (母以子貴) của Kinh Xuân Thu, ra chỉ dụ ban cho Chu Thái phi phục trang, lễ nghi đều án theo thể chế của Hoàng hậu[4]. Giữa năm Thiệu Thánh (1094 - 1098), Tống Triết Tông ra lệnh cải chế đồ dùng của sinh mẫu Chu Thái phi, Nghi vệ hộ tống kiệu của bà được đi bằng cửa Tuyên Đức môn ở phía Đông, bá quan tôn gọi bà là ["Điện hạ"; 殿下], nơi ở gọi là Thánh Thụy cung (聖瑞宮). Triết Tông còn ra lệnh truy phong cho Thôi Kiệt làm Thái sư và Chu Sĩ An làm Thái bảo[5]. Khi Tống Triết Tông băng hà, em trai là Đoan vương lên ngôi, tức Tống Huy Tông. Tân Hoàng đế tôn sinh mẫu Quý nghi Trần thị làm Hoàng thái phi, nên cải gọi Chu Thái phi thành Thánh Thụy Hoàng thái phi (聖瑞皇太妃) để phân biệt[6]. Đương thời, nghi chế của bà được giữ như khi Triết Tông tại vị[7].

Sùng Ninh nguyên niên (1102), tháng 2, ngày Tân Sửu (16)[8], Thánh Thụy Hoàng thái phi Chu thị mất, thọ 51 tuổi. Bà được truy tôn làm Hoàng thái hậu ngay sau đó. Tháng 4 cùng năm ấy, ngày Kỷ Hợi, dâng thuỵ hiệuKhâm Thành Hoàng hậu (欽成皇后), sang tháng sau liền phụ táng vào Vĩnh Dụ lăng (永裕陵). Tháng 6, ngày Kỷ Sửu, thăng phụ thần chủ vào Thái Miếu[9][10].

Hậu duệ

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Tống Triết Tông Triệu Hú [趙煦].
  2. Triệu Tự [趙似; 1083 - 1106], con trai thứ 13 của Thần Tông, bị nghi kỵ không phải là con của Tống Thần Tông.
    Năm Nguyên Phong thứ 6 sinh ra, năm thứ 7 thụ phong Hòa Quốc công (和國公). Triết Tông lên, cải phong Tấn Ninh quận vương (普寧郡王). Thiệu Thánh thứ 5 (1098), cải phong Giản vương (簡王). Khi Triết Tông băng, từng được Tể tướng Chương Đôn khuyên làm kế vị, nhưng không thành. Sau nhiều lần cải phong, lần gần nhất là Sùng Ninh thứ 5 (1106), phong Hàn vương (韓王). Khi mất, truy phong Sở vương (楚王), tứ thuỵ là ["Vinh Hiến"; 榮憲], nên gọi Sở Vinh Hiến vương (楚榮憲王).
  3. Từ Quốc Trưởng công chúa [徐國長公主; 1085 - 1115], con gái út của Thần Tông, được sinh ra vài tháng sau khi Thần Tông qua đời.
    Sơ phong Khánh Quốc công chúa (慶國公主), sau cải thành Ích (益), rồi (冀), rồi Thục (蜀) tam quốc Trưởng công chúa, đến cuối cùng là Từ Quốc Trưởng công chúa. Năm Sùng Ninh thứ 3 (1104), hạ giá lấy Phan Ý (潘意) - cháu chắt của Phan Mỹ. Năm Chính Hòa thứ 3 (1113), bắt đầu quy chế vị hiệu mới, Tống Huy Tông cho cải phong thành Nhu Huệ Đế cơ (柔惠帝姬). Khi mất, thuỵ là Hiền Tĩnh Trưởng Đế cơ (賢靜長帝姬).

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Thấy trong 《宋會要輯稿》·第六冊‧後妃一至四
  2. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·欽成朱皇后》: 哲宗即位,尊為皇太妃。時宣仁、欽聖二太后皆居尊,故稱號未極
  3. ^ 《宋史·卷十七·本紀第十七·哲宗一》: 庚子,尊皇太后曰太皇太后,皇后曰皇太后,德妃朱氏曰皇太妃。
  4. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·欽成朱皇后》: 元祐三年,宣仁詔:《春秋》之義,「母以子貴」,其尋繹故實,務致優隆。於是輿蓋、仗衛、冠服,悉侔皇后。
  5. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·欽成朱皇后》: 紹聖中,欽聖復命即閤建殿,改乘車為輿,出入由宣德東門,百官上箋稱「殿下」,名所居為聖瑞宮。贈崔、任、朱三父皆至師、保。
  6. ^ 《宋史·卷一十九·本紀第十九·徽宗一》: 元符三年正月。癸未,追尊母貴儀陳氏為皇太妃。二月己亥,始聽政。尊先帝妃朱氏為聖瑞皇太妃。
  7. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·欽成朱皇后》: 徽宗立,奉禮尤謹
  8. ^ 《宋會要輯稿》·第六冊‧後妃一至四
  9. ^ 《宋史·卷一十九·本紀第十九·徽宗一》: 二月丙戌朔。辛丑,聖瑞皇太妃薨,追尊為皇太后。夏四月己亥,上皇太后諡曰欽成。五月丁巳。戊寅,葬欽成皇后于永裕陵。六月己丑,祔欽成皇后神主于太廟。
  10. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·欽成朱皇后》: 崇甯元年二月薨,年五十一。追冊為皇后,上尊諡,陪葬永裕陵。