Bước tới nội dung

Thành viên:Vuhuyenthuyen/Nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

TRÚC TIÊN

Ca sĩ sở trường thể đàn ca tài tử và dân ca, Trúc Tiên chỉ mới xuất hiện trước công chúng từ năm 2017 nhưng đã tạo tiếng vang trong tâm tình khán thính giả, nhất là giới yêu chuộng cổ nhạc ; là hiện tượng quý hiếm của nền dân nhạc Việt Nam nói chung, tại hải ngoại nói riêng.


I. Thân thế

Chào đời tại Mỹ Tho, cái nôi của bộ môn nghệ thuật đàn ca tài tử [1], Trần Thị Trúc Tiên là con trưởng của gia đình gồm 7 anh chị em, cha mẹ đều là thợ may. Cha Trúc Tiên, người gốc Bến Tre, đam mê cổ nhạc, thuở trẻ đã có thời gian ngắn theo gánh hát, sau này mở tiệm may Tuấn bên cạnh rạp Định Tường thị xã Mỹ Tho thì vẫn thường tiếp xúc với anh chị em nghệ sĩ những dịp các đoàn về trình diễn, và cũng nhiều lần may trang phục cho các tuồng diễn theo yêu cầu.

Cổ nhạc xưa nay rất thịnh hành tại các tỉnh miền tây như Long Xuyên, Gò Công, Bến Tre, Vĩnh Long… và nhất là Mỹ Tho, nơi sản sinh nhiều tài danh cổ nhạc, nên Trúc Tiên đã thấm nhuần âm hưởng ngũ cung từ thuở nằm nôi.

Thuở nhỏ Trúc Tiên vốn dĩ thông minh nhanh trí nên học sớm – nhảy đến 3 lớp – thành ra được bạn học (lớn tuổi hơn) hết mực cưng chiều. Thời gian này cô bộc lộ năng khiếu về diễn xuất trong các chương trình văn nghệ học đường.

Nhờ ông ngoại là người Pháp [2] nên gia đình Trúc Tiên được sang Pháp theo diện đoàn tụ gia đình và định cư tại Plaisir, thành phố nhỏ cách Paris khoảng 30 cây số hướng tây nam [3], cô theo học các cấp tiểu học và trung học tại đây. Về sau Trúc Tiên tốt nghiệp tại đại học Sorbonne – Paris I. [4] Hiện nay cô làm việc trong ngành truyền thông.

Trúc Tiên lập gia đình với nhạc sĩ Vũ Hạ [5] và họ có 2 con : 1 trai (Phi Lam) và 1 gái (An Vi). Sau một số năm cư ngụ tại Rosny (cách Paris 6 cây số hướng đông bắc) [6] họ dời về Plaisir để gần gũi và tiện bề chăm sóc cha mẹ đã bắt đầu luống tuổi.


II. Sinh hoạt nghệ thuật

Cho đến nay ca sĩ Trúc Tiên đã phát hành, qua nhóm Cội Nguồn do chính cô thành lập, trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2017 gồm 4 đĩa nhạc kèm với 4 chương trình văn nghệ chuyên thể loại đàn ca tài tử :

2017 – Dạ :

Là đĩa nhạc đầu tay gồm 10 nhạc phẩm, trong đó có các điệu như Long Ngâm (Nam Quốc Sơn Hà của Trần Ngọc Thạch), Tứ Đại Oán (Khúc Nhạc Uyên Ương của Hoàng Song Việt), Phụng Hoàng (Tâm Sự Huyền Trân của Nguyễn Phương, Ngũ Đối Hạ (Hồn Thiêng Sông Núi của Trần Ngọc Thạch)…

Buổi ra mắt ngày 8/5/2017 diễn tại khán phòng Mandapa (Paris) với sự hợp tác của : Văn Môn (việt tây cầm [7], Huỳnh Tuấn (đàn kìm & đàn bầu) và Hồ Thùy Trang (đàn tranh).

Ghi nhận : Dự trù khoảng 3 tiếng, nhưng thể theo yêu cầu của khán giả Trúc Tiên hát liên tiếp hơn 4 tiếng đồng hồ, một kỉ lục hiếm có cho một ca sĩ đơn diễn trên sân khấu. Đặc điểm nữa là phần lớn khoảng thời gian đó cô ngồi trên bục gỗ để hát với cử điệu nhẹ nhàng, tao nhã. Riêng bàn về tiếng hát Trúc Tiên thì, theo nhạc sĩ Nhất Chi Vũ : « Giọng hát có âm sắc trung thực sáng gọn, hồn nhiên vượt ra khỏi kĩ thuật thanh nhạc "đóng khung" cảm xúc để đưa diễn cảm đến trọn phần "tâm linh" rất cao và quý của phong cách đàn ca tài tử…» [8]

–  2018 – Thương :

Năm sau Trúc Tiên bước lên sân khấu Raspail (Paris) dịp ra mắt đĩa nhạc Thương ngày 24/6/2018 với giàn nhạc được tăng cường, gồm : Huỳnh Tuấn (đàn kìm), Văn Môn (việt tây cầm), Hoàng Cơ Thụy (đàn tranh), Bích Hiền (đàn tranh), Công Trường (sáo & đàn bầu) và Xuân Vĩnh Phước (đàn bầu & trống). Ngoài ra còn có sự phụ họa của 3 ca sĩ cổ nhạc cư ngụ tại Paris gồm Văn Đệ, Đình Đại và Phương Khanh.

Với kiến thức sâu rộng và chi li về đàn ca tài tử, cũng như chương trình năm ngoái, trước khi trình bày nhạc phẩm Trúc Tiên dẫn giải về nguồn gốc cùng điểm đặc biệt của thể điệu và hát mẫu vài câu cho thấy sự khác biệt của 2 thể loại hoặc 2 thể điệu…

Trúc Tiên chinh phục khán thính giả bằng chất giọng thổ trong với âm vực rộng (alto > mezzo soprano) qua các nhạc phẩm Dạ Cổ Hoài Lang (Vọng Cổ) của Cao Văn Lầu, Sự Tích Trầu cau (Xàng Xê) của Thiên Hùng, Tình Nghĩa Vợ Chồng (Cổ Bản Trường) của Trần Ngọc Thạch, Điệu Buồn Phương Nam của Anh Kiệt & Vũ Đức Sao Biển…

Ghi nhận : Trước là Dạ và kế tiếp là Thương, Trúc Tiên cho thấy tính quán triệt, thấu đáo qua "20 bài bản tổ" [9] của đàn ca tài tử. Khác với lối hát đoạn trong các vở tuồng, Trúc Tiên trình bày trọn vẹn thể điệu, ví dụ như 36 câu Cổ Bản Trường, 32 câu Lưu Thủy Trường, 64 câu Xàng Xê nhịp 4 (bài bản cổ lần đầu được thu âm)… ; theo như ý nguyện của cô là : « Tài liệu cho những thế hệ về sau ».

–       2019 – Lục Vân Tiên :

Sau khi khẳng định vị trí trong làng ca nhạc cổ truyền Việt Nam, Trúc Tiên nới rộng khả năng qua lãnh vực viết và dàn dựng kịch bản với vở Lục Vân Tiên, chuyển thể từ truyện thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Buổi trình diễn nhạc kịch đàn ca tài tử Lục Vân Tiên nhằm ngày 2/6/2019 cũng tại khán phòng Raspail (Paris). Chương trình này với 2 giàn nhạc tân-cổ rất hùng hậu : Văn Môn (việt tây cầm), Huỳnh Tuấn (đàn kìm và đàn bầu), Thu Thảo (đàn tranh), Mai Thanh Sơn (bộ gõ), Jazzy Dạ Lam (dương cầm), và 5 anh chị em Souppaya gồm Steward (saxophone), Lydie & Samantha (vĩ cầm), Stéphie (alto) và Michel (trung hồ cầm). Vì là vở nhạc kịch nên thành phần ca-diễn viên cũng đông đảo không kém : Tố Lan, Văn Đệ, Tuấn Hoàng, Đình Đại, Kim Hoa, Ngọc Xuân, Thư Hiên, Phương Khanh và Vũ Hạ. Buổi ca nhạc kịch bi hài diễn ra trong khoảng 3 tiếng đồng hồ. Khi chấm dứt, khán giả đồng loạt đứng lên vỗ tay khen ngợi và đồng thanh : « Lần tới diễn Kiều đi ! »

Ghi nhận : Thính giả đã yêu thương tiếng hát đầm ấm truyền cảm của Trúc Tiên, qua vở Lục Vân Tiên khán giả mến mộ hơn nữa khi khám phá thêm tài diễn xuất (vai Kiều Nguyệt Nga) với dáng điệu uyển chuyển, với gương mặt kiều diễm ; nhưng điều ghi nhớ là khả năng viết kịch bản và đạo diễn sân khấu của cô. Điều thứ nhì cũng đáng lưu ý là kịch bản song ngữ, viết bằng 2 thứ tiếng Việt & Pháp chuyển đổi thông suốt. Có thể nói : từ đây Trúc Tiên thủ đắc địa vị riêng biệt trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung, làng ca nhạc kịch nói riêng bằng nhiều khả năng thiên phú và không kém phần trau luyện.

–       2020 – Kiều :

Đoạn Trường Tân Thanh (hay gọi nôm na là Truyện Kiều) của thi hào Nguyễn Du – phóng tác từ Kim Vân Kiều Truyện, tản văn của Thanh Tâm Tài Nhân – là tác phẩm truyện thơ bậc nhất của nền văn học Việt Nam, liệt hàng kinh điển.

Đây là thử thách lớn lao và đầy trắc trở đối với bất cứ nghệ sĩ nào trong mọi lãnh vực khi chuyển thể qua những bộ môn nghệ thuật khác, từ sân khấu đến điện ảnh… Thể theo lời yêu cầu của giới mộ điệu, Trúc Tiên táo bạo dàn dựng thành vở nhạc kịch đàn ca tài tử : Kiều. Đấy là tác phẩm, đĩa nhạc thứ tư của Trúc Tiên. Buổi trình diễn, không chỉ trong vai ca-diễn viên (Vương Thúy Kiều) mà Trúc Tiên còn là soạn giả các bài hát (6/10 nhạc phẩm) cũng như đảm nhiệm luôn các vai trò viết và dàn dựng kịch bản.

Dự kiến trình diễn ngày 29/3/2020 nhưng vì đại dịch Covid-19 gây hoạn lớn trên toàn thế giới nên dời về ngày 18 tháng 10 cùng năm tại Théâtre Saint-Léon tráng lệ thuộc quận 15 Paris với mức chứa 2 tầng trên 500 khán giả.

Ngoài thành phần nhạc công của buổi diễn Lục Vân Tiên còn có thêm Trang Bá Tùng (organ) và Mai Thanh Nam (sáo). Và, không tính những ca-diễn viên đã gắn bó với Trúc Tiên trong vở Lục Vân Tiên trước, với Kiều sẽ thấy xuất hiện những gương mặt mới như : Lê Tứ, Linh Quang (nhà văn Cổ Ngư), Đỗ Siêu, Ngọc Phượng, Tri Văn, Thành Công, Bích Ngọc và Quang Tú. Một lực lượng hùng hậu. Một chương trình văn nghệ cổ nhạc tầm vóc lớn nhất từ trước đến nay tại Paris.

Trúc Tiên cho biết : đây là chương trình cổ nhạc hoà thơ đan xen một ít tân nhạc do nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu [10] sáng tác dành riêng cho, và riêng lẻ nối kết chứ không phải thể tân cổ giao duyên (do soạn giả Viễn Châu khởi xướng khi xưa), và là song ngữ Việt-Pháp. Dịp này sẽ được thưởng thức tiếng hát Trúc Tiên trong lãnh vực tân nhạc, một khả năng khác nữa.


III.  Năng khiếu khác

Ngoài âm nhạc Trúc Tiên còn có những năng khiếu khác như :

Hội họa : khi còn là sinh viên cô được thụ huấn về hội họa và có khoảng thời gian làm việc ngoài giờ học tại viện bảo tàng Louvre của Paris trong trách vụ hướng dẫn viên nên am tường về lịch sử hội họa – điêu khắc. Thú vui vẽ tranh đến với cô từ thuở thơ ấu và sau này cho đến nay vẫn thường giúp bạn bè văn nghệ sĩ dựng sân khấu, trình bày bià sách báo, đĩa nhạc…, ví dụ như hộp đĩa nhạc Hát Lên Mừng Chúa của Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại,  các đĩa nhạc Ngợi Khen của linh mục nhạc sĩ Vũ Thái Hòa, Lửa Tù của ca nhạc sĩ Đình Đại, Cung Lòng của nhạc sĩ Nguyễn Duy Thi Thanh Hải… ; các bià sách Tuyển Tập của nhà văn Hoàng Anh Tài,  Những Khuôn Mặt Văn Hoá Việt Nam Paris 1995-2015 của Câu Lạc Bộ Văn Hoá Việt Nam Paris, Bốn Mùa của nhà văn nhạc sĩ Trang Thanh Trúc, Trong Sân Thánh Đường của nhà văn nhạc sĩ Văn Duy Tùng… ; bià các báo VN Văn Học Nghệ Thuật, Giáo Xứ Việt Nam Paris, Ngày Mới…

Các đĩa nhạc của Trúc Tiên đều do cô tự trình bày bià, mang một màu trắng thanh khiết, trang nhã.

Thơ văn : Trúc Tiên thường viết thể đoản văn và biên khảo, nhiều nhất là đề tài đàn ca tài tử, đăng trên các báo mạng như Làng Huệ, Giáo xứ Việt Nam Paris, Đặc San Lâm Viên… Ngoài ra, cô cũng viết cho các báo Pháp ngữ như Made In Fan, EuroSatory…, cũng như viết lời Pháp cho nhạc phẩm (Émoi – Chân Dung của nhạc sĩ Vũ Hạ). Một số thơ của Trúc Tiên được phổ nhạc như Người Đã Đến [11] (Vũ Hạ – CD Đôi Dòng), Anh Đã Hứa (Liên Bình Định – CD Giao Cảm), Có Ai Nghe (Đinh Dũng – CD Giao Cảm)…


IV.   Tôn giáo

Là tín đồ Công Giáo thuần thành, đã hơn 10 năm, cứ mỗi thứ bảy cô lại miệt mài dạy Việt ngữ và giáo lý tại Giáo Xứ Việt Nam Paris cho trẻ em. Cô rất được học trò yêu thương, phụ huynh quý mến. Trúc Tiên còn đảm trách nhiệm vụ ủy viên văn hóa của Giáo Xứ Việt Nam Paris. Dịp các buổi văn nghệ của Giáo xứ khán giả lại trông thấy cô hướng trình viên (MC) Trúc Tiên dễ thương trong tà áo dài hiền hoà thủ thỉ lời mật ngọt để giới thiệu từng nhạc phẩm, từng ca sĩ cách thân mật và hồn nhiên.

Ngoài ra, qua nhiều thể thức và vai trò, Trúc Tiên thường xuyên góp công sức vào các hội từ thiện Pháp hoặc công đồng Việt Nam như : CCFD (Commission Catholique Contre la Faim et pour le Développement), … … …


V.  Lời kết

Với gương mặt khả ái vóc dáng thanh tao, với diễn xuất buồn vui đậm nét chạm tim người, và nhất là với tiếng hát tròn vành vẹn chữ, chân chất nhưng sang cả, thêm làn hơi phong phú trời cho, đàn ca tài tử thoát thai cùng Trúc Tiên đến với tao nhân mặc khách hôm nay và ngày mai…


VI. Tác phẩm

–       CD Dạ – 2017, nhà xuất bản Cội Nguồn.

–       CD Thương – 2018, nhà xuất bản Cội Nguồn.

–       CD nhạc kịch đàn ca tài tử Lục Vân Tiên – 2019, nhà xuất bản Cội Nguồn.

–       CD nhạc kịch đàn ca tài tử Kiều – 2020, nhà xuất bản Cội Nguồn.


VII. Liên kết ngoài

–  "Cô Kiều" mê đờn ca tài tử giữa Paris – báo Tuổi Trẻ ngày 13/3/2020 : [1]

Truyện Kiều đến với khán giả Paris qua nhạc kịch đàn ca tài tử – Thanh Phương, đài truyền thanh RFI (Radio France Internationale) ngày 7/3/2020 : [2]

– Người Việt năm châu – đài truyền hình VTC10 ngày 27/6/2019 [phút 2:06] : [3]

–  Lội ngược dòng - níu lấy bản sắc – Văn Duy Tùng, báo Công Giáo Việt Nam : [4]

–  Người Việt bốn phương : Xem đờn ca tài tử tại Pháp qua vở Lục Vân Tiên – đài truyền hình VTC4 ngày 8/6/2019 [phút 8:23] : [5]

Nhạc kịch đàn ca tài tử Lục Vân Tiên tại Paris – Thanh Phương, đài truyền thanh RFI (Radio France Internationale) ngày 20/4/2019 : [6]

– Tiếng hát Trúc Tiên trong điệu Oán "Khúc Nhạc Uyên Ương" – Vũ Hạ, báo Làng Huệ : [7]

–  Nghệ sĩ Trúc Tiên : đờn ca tài tử – Lê Đình Thông, báo Giáo Xứ Việt Nam Paris : [8]

– Người Việt bốn phương : Nghệ sĩ Việt biểu diễn đờn ca tài tử tại Pháp – đài truyền hình VTV4 ngày 9/7/2018 [phút 11:11] : [9]

– Gặp gỡ Trúc Tiên : Dáng quê hương in bóng xứ người – Nhất Chi Vũ & Trần Thu Miên, báo Văn Nghệ Boston ngày 27/4/2017 : [10]

Phỏng vấn Trúc Tiên về Đờn Ca Tài Tử – Từ Nguyên, báo Người Việt ngày 20/4/2017 : [11]


(1) Đàn ca tài tử là thể nhạc thính phòng đặc sắc và biểu trưng cổ nhạc Miền Nam, thoát thai từ nhã nhạc cung đình Huế vào khoảng cuối thế kỉ XIX và nở rộ vào đầu thế kỉ XX, là tiền thân của bộ môn ca ra bộ để sau đó chuyển thể thành bộ môn cải lương sau này. Tiếc là hiện nay rất ít người thông thạo đàn ca tài tử. Tháng 4 năm 2014, UNESCO chính thức công nhận đàn ca tài tử là "di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại".

(2) Ông ngoại Trúc Tiên là quân nhân Pháp, tên Bonnerie, đóng quân thời gian dài tại Mỹ Tho là căn cứ quân sự Pháp lớn thứ nhì tại miền nam, chỉ sau Sài Gòn.

(3) 3 người em cuối của Trúc Tiên chào đời nơi này.

(4) Nhạc sĩ Vũ Hạ chuyên thể loại nhạc nhẹ. Theo đây là một số tác phẩm :[12]

(5) Khi vừa tốt nghiệp đại học Trúc Tiên làm Phụ Tá – Đặc Trách Truyền Thông cho thị trưởng Rosny thuở đó là ông Claude Pernest nay đã qua đời.

(6) Việt tây cầm còn gọi "guitar ô phím lõm". Là tây ban cầm được điều chỉnh và cải biến bằng cách khoét các ô phím lõm xuống độ 1 phân hình bán nguyệt nhằm tạo âm thanh cá biệt khi ngân, nhấn… Tuy du nhập nhưng lại trở thành nhạc cụ chính không thể thiếu trong giàn âm thanh cổ nhạc Việt Nam.

(7= Gặp gỡ Trúc Tiên : dáng quê hương in bóng xứ người qua 2 ngòi bút Nhất Chi Vũ và Trần Thu Miên : [13]

(8) Vào đầu thế kỷ XX đàn ca tài tử lớn mạnh, ngày càng phong phú hơn và được hệ thống hóa thành bốn “hơi” Nam, Bắc, Hạ, Oán ; gồm 20 bản tiêu biểu gọi là 20 Bản Tổ :

–  3 bản Nam : Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo

– 6 bản Bắc : Lưu Thủy Trường, Phú Lục Chấn , Bình Bán Chấn , Cổ Bản Vắn, Xuân Tình Chấn và Tây Thi Vắn

– 7 bài Hạ, còn gọi là nhạc Lễ : Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Xàng Xê, Long Ngâm, Long Đăng, Vạn Giá và Tiểu Khúc

– 4 bản Oán : Tứ Đại Oán, Phụng Cầu, Cửu Khúc Giang Nam và Phụng Hoàng.

(theo Đàn Ca Tài Tử Nam Bộ của Trúc Tiên – Đặc San Lâm Viên ngày 21/9/2018) [14]

(9) Chuyên thể nhạc nhẹ và nhạc kịch, Nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu có trên 500 tác phẩm. Hiện sinh sống tại Anthony, ngoại ô Paris. Một số tác phẩm đã thu âm : [15]

(10) Người Đã Đến : thơ Trúc Tiên – nhạc Vũ Hạ – Hòa âm Văn Duy Tùng – tiếng hát Hoàng Chương : [16]









  1. ^ (1) Đàn ca tài tử là thể nhạc thính phòng đặc sắc và biểu trưng cổ nhạc Miền Nam, thoát thai từ nhã nhạc cung đình Huế vào khoảng cuối thế kỉ XIX và nở rộ vào đầu thế kỉ XX, là tiền thân của bộ môn ca ra bộ để sau đó chuyển thể thành bộ môn cải lương sau này. Tiếc là hiện nay rất ít người thông thạo đàn ca tài tử. Tháng 4 năm 2014, UNESCO chính thức công nhận đàn ca tài tử là "di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại".
  2. ^ Ông ngoại Trúc Tiên là quân nhân Pháp, tên Bonnerie, đóng quân thời gian dài tại Mỹ Tho là căn cứ quân sự Pháp lớn thứ nhì tại miền nam, chỉ sau Sài Gòn.
  3. ^ 3 người em cuối của Trúc Tiên chào đời nơi này.
  4. ^ Luận Thạc Sĩ năm 2017 : Francophonie : relations franco-vietniemmes Luận Tiến Sĩ  : Musique traditionnelle du Sud du Viet Nam
  5. ^ Nhạc sĩ Vũ Hạ chuyên thể loại nhạc nhẹ. Theo đây là một số tác phẩm :[17]
  6. ^ Khi vừa tốt nghiệp đại học Trúc Tiên làm Phụ Tá – Đặc Trách Truyền Thông cho thị trưởng Rosny thuở đó là ông Claude Pernest nay đã qua đời.
  7. ^ Việt tây cầm còn gọi "guitar ô phím lõm". Là tây ban cầm được điều chỉnh và cải biến bằng cách khoét các ô phím lõm xuống độ 1 phân hình bán nguyệt nhằm tạo âm thanh cá biệt khi ngân, nhấn… Tuy du nhập nhưng lại trở thành nhạc cụ chính không thể thiếu trong giàn âm thanh cổ nhạc Việt Nam.
  8. ^ Gặp gỡ Trúc Tiên : dáng quê hương in bóng xứ người qua 2 ngòi bút Nhất Chi Vũ và Trần Thu Miên
  9. ^ Vào đầu thế kỷ XX đàn ca tài tử lớn mạnh, ngày càng phong phú hơn và được hệ thống hóa thành bốn “hơi” Nam, Bắc, Hạ, Oán ; gồm 20 bản tiêu biểu gọi là 20 Bản Tổ : –       3 bản Nam : Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo –       6 bản Bắc : Lưu Thủy Trường, Phú Lục Chấn , Bình Bán Chấn , Cổ Bản Vắn, Xuân Tình Chấn và Tây Thi Vắn –       7 bài Hạ, còn gọi là nhạc Lễ : Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Xàng Xê, Long Ngâm, Long Đăng, Vạn Giá và Tiểu Khúc –       4 bản Oán : Tứ Đại Oán, Phụng Cầu, Cửu Khúc Giang Nam và Phụng Hoàng. (theo Đàn Ca Tài Tử Nam Bộ của Trúc Tiên – Đặc San Lâm Viên ngày 21/9/2018)[18]
  10. ^ Chuyên thể nhạc nhẹ và nhạc kịch, Nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu có trên 500 tác phẩm. Hiện sinh sống tại Anthony, ngoại ô Paris. Một số tác phẩm đã thu âm : [19]
  11. ^ Người Đã Đến : thơ Trúc Tiên – nhạc Vũ Hạ – Hòa âm Văn Duy Tùng – tiếng hát Hoàng Chương [20]