Thành viên:Thinh999
Thời kì đồ đá mới và những cư dân đầu tiên (4000TCN – 1500TCN)
Vào khoảng 4000 năm trước Công nguyên (TCN) khi nhiều xứ sở khác còn đang ở thuở “hồng hoang” thì đảo Britain đã in đậm dấu chân người đồ đá mới. Thực ra khi đó Britain chưa phải là đảo như bây giờ, mà vẫn được nối với châu Âu lục địa bằng một dải đất nhỏ. Sau này mực nước biển dâng lên, “cây cầu nối” biến mất và Britain trở thành một hòn đảo như ngày nay. Sự tách biệt này khiến những cư dân nơi đây có một lối sống khá độc lập, đồng thời tránh cho họ khỏi sự quấy nhiễu hay xâm lăng của các bộ lạc khác.
Những người British thuở sơ khai này với những công cụ bằng đá đã để lại cho hậu thế những ngạc nhiên đáng kể. Tất nhiên chưa phải là văn học nghệ thuật bởi những loại hình cao siêu này phải đợi đến giai đoạn sau. Đó mới chỉ là những “sản vật” bằng đá nhưng có giá trị trường tồn và gây kinh ngạc như những ngôi mộ đá cổ, những đồ chế tác và đặc biệt là những công trình tượng đá. Và khi nhắc đến chúng không thể bỏ qua hai công trình tượng đá đồ sộ được bảo tồn cho đến ngày nay, thu hút một lượng khách du lịch không nhỏ hàng năm là Averbury và Stonehenge.
Averbury đã là một kiệt xuất của thời cổ đại, nó không chỉ là một mà là bốn công trình kết nối nhau. Đá được xếp thanh hang đôi nối Averbury với Scanctury, và cạnh đó là Sibury Hill (đồi nhân tạo lớn nhất châu Âu thời tiền sử).
Stonehenge là một công trình còn đáng kể hơn. Có ý kiến cho rằng chỉ riêng một Stonehenge thôi cũng đủ khiến người Anh tự hào về lịch sử vẻ vang của mình. Tuy nhiên không ai biết Stonehenge được xây dựng để làm gì, có thể là một ngôi đền cho các tu sĩ đạo Xentic hoặc là một cái đìa thiên văn khổng lồ của người cổ đại. Nhưng dù giải thích như thế nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận rằng đó là một công trình cực kì đồ sộ, được sử dụng trong vòng hai nghìn năm, và đến giờ, công trình đang mang lại sự ngưỡng mộ và một không khí trang nghiêm cho du khách đến thăm nơi này.
Công việc xây dựng Stonehege được bắt đầu vào khoảng 3100 TCN và vẫn tiếp tục được xây dựng đồng thời với việc sử dụng hai nghìn năm sau đó.Thật sự ngạc nhiên là người Anh thời kì này đã xây dựng Stonehenge dùng những khối đá nặng tới…50 tấn, thậm chí nhiều khối đá còn được chuyên chở hàng 240 dặm hiểm trở từ dãy núi Welsh hùng vĩ. Cũng thật kì lạ, người ta đã biết đục mộng hoăch những lỗ mộng (ảnh dưới) để xếp khít các khối đá với nhau trong khi không hề sử dụng bất kì một dụng cụ bằng kim loại nào.
Sau 1100 TCN, không ai lí giải được tại sao Stonehenge lai rơi vào quên lãng rồi dần trở thành phế tích. Đáng tiếc là hàng trăm năm sau công trình này vẫn chỉ là một kho đá khổng lồ cho những người dân địa phương khai thác để làm nhà cửa hoặc đường xá. Mãi đến năm 1918, ý thức được giá trị lịch sử to lớn của Stonehenge chính phủ mới đưa công trình này vào danh sách những công trình đặc biệt cần bảo tồn và trân trọng.
Từ 1500 TCN đến khi La Mã xâm lược
Những gì mà người đồ đá mới đạt được trên đảo Britain là rất đáng khâm phục nhưng về cơ bản đó vẫn chỉ là dấu ấn của một thời kì sơ khai khi đồ ăn chủ yếu vẫn chỉ là thịt thú rừng và những ngôi nhà chỉ là những cái hang hay những túp lều dựng tạm. Phải đến năm 1500 TCN, những cư dân trên hòn đảo nhỏ này mới có những thay đổi cơ bản về thói quen sống, có thể nói là tiến bộ hơn rất nhiều. Họ ngừng xây dựng những nấm mồ, những vòng tròn đá, ngừng sử dụng những công trình cổ xưa như Stonehenge. Thay vào đó, cư dân thời kì này bắt đầu sử dụng những công cụ bằng sắt, lập nông trang trên những cánh đồng lâu bền, có thể sống bằng trồng trọt và toàn thể bộ lạc thường được bảo vệ trong những pháo đài xây trên đồi (hill fort).
Thời gian này cũng đã có hoạt động “giao thương” giữa Britain và lục địa châu Âu, chủ yếu là trao đổi các chất liệu sơ chế như thiếc, bạc, vàng, lấy các đồ gốm, tiền bằng kim loại thậm chí cả nô lệ.
Đảo Britain cổ xưa vẫn bình yên như vậy cho đến đầu thế kỉ thứ một sau công nguyên với nhiều vương quốc nhỏ trong đó không có vương quốc nào nắm giữ quyền lực chủ chốt. Các cư dân nơi này (chủ yếu là người Celts) vẫn mải mê với cuộc sống săn bắn trồng trọt của mình, không hề nghĩ có ngày bị dồn đuổi bởi vó ngựa của kẻ xâm lăng và trở thành ngoại tộc trên chính quê hương mình.
La Mã đô hộ – sự giao thoa văn hóa đầu tiên.
Có lẽ ai cũng đã nghe nói đến sức mạnh khủng khiếp của đế quốc La Mã thời cổ đai. Trước khi biến Britain thành một tỉnh trực thuộc thì người Roma đã tự đắc với vai trò bá chủ châu Âu từ lâu. Lí do khiến Britain bị “nhòm ngó” muộn hơn các vùng đất khác có lẽ bởi vị trí địa lí khá tách biệt của hòn đảo này, và khi ấy xứ sở sương mù vẫn còn khá “im hơi lặng tiếng”. Tuy nhiên, năm 55 TCN, Julius Xeda nổi tiếng cũng đã từng đem quân đổ bộ lên hòn đảo này định mở rộng lãnh địa cai trị nhưng sau đó vì một số trở ngại lại nhổ neo ra đi, để rồi gần một thế kỉ sau người La Mã mới thiết lập được quyền lực ở xứ sở này.
Mùa hè năm 43, đế quốc La Mã đổ bộ lên đảo Anh với số quân khoảng 4 – 5 vạn. Các bộ lạc trên đảo Britain ở thế yếu không thể chống chọi nổi với đội quân hùng mạnh và thiện chiến ấy, kể cả cuộc khởi nghĩa anh dũng của bộ lạc Iceni. Đến năm 60 thì người Roma đã hoàn toàn đặt ách thống trị lên xứ sở này rồi tiến hành “khai hoá văn minh” cho lãnh địa mình vừa chiếm được.
Món quà văn minh đầu tiên mà đế quốc La mã huyền thoại tặng cho dân xứ đảo là một hệ thống đường giao thông trên khắp đât nước, hầu hết những con đường ấy đều tồn tại cho đến ngày nay và trở thành những con đường chính yếu.
Món quà lớn tiếp theo là những bức tường thành đồ sộ. Năm 122, khi mở rộng phía lãnh thổ đến tận Scotland, người La Mã đã xây dựng Hadran’s Wall để kiểm soát biên giới, chạy từ Newcatste đến Carlisle. Ngày nay người ta vẫn nhìn thấy nhiều đoạn của bức tường thành này khi nó chạy ngoằn ngoèo qua vùng đất hoang Northumberland
Sau đó người La Mã tiếp tục cho xây dựng nhưng bức tường thành qui mô khác như Antonine Wall vào năm 142 ngang qua Lowland. Tuy nhiên, vào khoảng năm 300, đế quốc La Mã bắt đầu lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Mâu thuẫn giữa triều đình với các lãnh chúa, giữa các lãnh địa với nhau trở nên khó hoà giải. Thêm vào đó là sự tấn công của các bộ lạc “man tộc” liên tiếp xảy ra. Quân đội La Mã tai Anh phải rút dần về chính quốc để đối phó với tình trạng ấy. Nhưng mãi đến năm 410, hoàng đế La Mã Constantine mới chuyển toàn bộ quân đội về nước, vĩnh viễn không bao giờ quay lại xứ sở này. Nhưng vừa vui mừng vì thoát khỏi ách thống trị của ngưòi La Mã, các cư dân bản địa Anh lại rơi ngay vào một nguy cơ xâm lược mới.
Vương quốc Anglo Saxson, sự tấn công của người Viking, nguy cơ xâm lược từ phía người Norman (410- 1066)
Quân đội Roma rút khỏi Anh, hệ thống luật pháp cùng những dấu ấn văn hoá của họ cũng sụp đổ theo. Những người dân xứ đảo bắt đầu xây dựng cuộc sống của mình với mong muốn bình yên. Trở ngại cho ý định ấy của họ là những cuộc tấn công của người Viking (những kẻ vượt biển cướp đất người Xcăngđinavia). Nhăm ngăn chặn những cuộc tân công ấy, hai đô thị Piets và Scots đã đem vào xứ sở sương mù những người lính đánh thuê để bảo vệ họ. Những người lính đánh thuê này thuộc tộc người Anglo và Saxson đến từ Bắc Âu.
Những người Anglo và Saxson ấy đến đảo Anh mang theo cả gia đình của họ. Sai lầm đầu tiên mà người bản địa sau này không thể tha thứ được cho mình là trả công cho những kẻ làm thuê bằng những khu đất có thể lập đồn điền. Dần dần những người ngoại bang này nhận ra họ có sức mạnh hơn những kẻ đã thuê họ và bắt đầu tiến hành xâm lấn mở rộng lãnh địa. Dân bản địa đảo Britain chẳng mất nhiều thời gian để nhận thức được rằng những người Anglo Saxson vượt sông Ranh đến đây không còn với vai trò là lính đánh thuê nữa mà là những kẻ xâm lược mới.
Trước sự tấn công của người Anglo Saxson, người bản địa Celts bị đẩy dần về phía tây. Anglo Saxson – Britain thay thế cho Roman – Britain với những bản sắc văn hoá mới.
Những kẻ xâm lược mới Anglo Saxson không tổ chức thiết lập những trung tâm man sau này. Họ thự hiện chính sách lãnh thổ, xâm chiếm các khu vực phía Bắc và phía Tây. Người Celts bị đẩy đến tận biên giới, chỉ còn một số ít ở Cornwall, Scotland và xứ Wales.
Tại những vùng đất người Anglo Saxson cai trị dần hình thành các vương quốc nhỏ. Đến năm 850 có 3 vương quốc song song tồn tại là Mercia, Northumbia, Wessex kình địch nhau trên mọi lĩnh vực. Không những cạnh tranh nhau, các vương quốc này còn phải chống chọi trước sự tấn công của người Viking, vẫn là người Viking đầy tham vọng của ngày trước.
Năm 865, ngưòi Viking tấn công với qui mô lớn, đổ bộ lên Đông Anglia, tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ. Năm 875, hai vương quốc Mercia và Northumbia bị thất thủ, chỉ còn Wessex là thuộc quyền kiểm soát của người Anglo Saxson. Năm 878, người Viking lại tấn công Wessex. Vua Saxson là Alfred phải lui về đầm lầy Somerset bảo toàn lực lượng và chuẩn bị cho đợt phản công mới. Sự cố gắng của nhà vua và sau đó là con trai và cháu của ông cuối cùng đẩy lui được người Viking trở lại biển cả.
Năm 955, Eadred – cháu của Alfred đã thiết lập lại được quyền cai trị trên toàn vương quốc Anh. Chính quyền được tập trung và nhà vua có đủ điều kiện để cai quản đất nước. Tuy nhiên triều đại này lại chẳng được lâu bền. Đầu thế kỉ 11, dưới quyền của một ông vua ốm yếu là Edward the Confessor, đất nước rơi vào tình trạng suy tàn bởi sự kình địch của các lãnh địa, đứng đầu mỗi lãnh địa là một lãnh chúa luôn tìm cách củng cố địa vị và quyền lực của minh, thậm chí còn nhòm ngó ngai vàng.
Một trong những lãnh chúa mạnh nhất lúc này là bá tước Harold vùng Đông Anglia. Trong suốt những cuộc chiến đấu ở Wesles, Harold đã rất mưu lược và dũng cảm, có công rất lớn trong việc đánh đuổi người Viking. Vì vậy khi vua Edward mất mà không có người nối dõi, bá tước này đã đòi hỏi được kế thừa ngai vàng. Tuy nhiên, bá tước Harold đã gặp phải sự kình địch của công tước William xứ Normandy. Vị công tước này cũng mong muốn ngai vang không kém gì Harold, nhưng theo cách khôn khéo hơn, mà sự khôn khéo lại thường mang lại thành công hơn những hành động võ biền.
Lúc này cái bóng đầy ám ảnh của người Viking lại xuất hiện. Khi vua Edward mất, những kẻ “vượt biển cướp đất” này nhận thấy đó là cơ hội tốt để quay trở lại xâm lược Anh và đã đổ bộ lên Yorkshire vào 1066. Đối phó với nguy cơ đó, bá tước Harold bộc trực đã tức tốc hành quân xuống phía nam tiêu diệt quân xâm lược. Nhưng khi đang ăn mừng chiến thắng trận Norserman gần York thì bá tước vùng Đông Anglia lại được tin công tước William xứ Normandy đổ quân đến miền bắc nước Anh hòng đoạt ngai vàng.
Vậy là vừa kết thúc trận chiến với người Viking, bá tước Harold lại vội vã hành quân từ Yorkshire đến Sussex, nơi công tước William đóng quân- ròng rã suốt 13 ngày. Mệt mỏi và kiệt quệ, trong trận đánh ở Hasting, quân của vị bá tước này đã đại bại trong tay người Norman vốn thiện chiến và sung sức. Bá tước Harold chết bởi một mũi tên xuyên qua mắt và sự nghiệp của một bá tước lẫy lừng đã phải khép lại một cách đầy cay đắng.
Ngay sau đó, công tước William đã lên ngôi vào đúng Giáng sinh năm 1066, mở ra cho vương quốc Anh một thời kì mới. Tuy nhiên cần phải bổ sung thêm rằng, ngoài việc chịu ảnh hưởng của những sự kiện trên, đời sống của người dân Anh quốc giai đoạn này còn có một sựu chuyển biến lớn với sự du nhập của đạo Thiên chúa vào cuối thế kỉ thứ 6 đầu thế kỉ thứ 7. Mặc dù du nhập không sớm nhưng tốc độ phát triển của tôn giáo này trên đất Anh thật chóng mặt. Đến năm 850, nhà thờ đã có mặt trên khắp xứ sở sương mù, tập trung thành những giáo khu, mỗi giáo khu có một giám mục cai quản. Thiên chúa giáo trở thành tôn giáo chính thống ở Anh với sức ảnh hưởng to lớn không chỉ đối với cuộc sống dân chúng mà cả chính trị, nhất là những giai đoạn sau này.
Thời kì của người Norman
Sự chinh phục của người Norman trong lịch sử nước Anh không chỉ đơn giản là sự thay đổi người cai trị, cơ cấu giai cấp thống trị, tạo ra những biến điệu ngôn ngữ mới…mà còn để lại những dấu ấn riêng không giống bất kì triều đại nào, một trong những dấu ấn đó là những toà thành kiên cố.
Sau khi lên ngôi, vua William tăng cường xây dựng hệ thống luỹ thành trên toàn toàn bộ đất nước. Giai cấp quí tộc cũ mất đất để cho những địa chủ mới xây dựng những thành trì còn tồn tai đến ngày nay như Warwich và Winsor. Đến khi vua William qua đời có hàng trăm toà thành lớn được xây dựng với những phí tổn không nhỏ. Ngoài thành trì, triều đại William còn để lại một di sản rất có giá trị là cuốn Domesday Book (sổ điền thổ). Sinh thời, vua William luôn muốn biết giá trị hiện tại cũng như tiềm năng của vương quốc mới của mình. Vì thế, những nhân viên giám định đất đai được phái đến các khu vực trên toàn đất nước. Những bản báo cáo của họ là cơ sở cho việc hoàn thành Domesday Book. Cuốn sách này ghi lại toàn bộ diện ích đất đai từ những khu vực xa xôi hoang hoá đến những khu vực thuộc tư hữu cá thể.
Thực ra luỹ thành hay Domesday Book cũng chỉ là những biểu hiện trong tham vọng mở rộng lãnh thổ của các hoàng đế Anh thời kì này. Thành luỹ để bảo vệ đất và Sổ điền thổ để quản lí đất. Và vì thế, không dừng lại ở đó, từWilliam I, Henry II cho đến những hoàng đế Anh sau này tất cả đều mong muốn mở rộng lãnh thổ, củng cố địa vị của đất nước mình với các nước xung quanh. Vua Henry từng sát nhập cả vùng đất thừa kế của vợ mình vào vương quốc Anh, tiếp tục sở hữu một vùng thuộc Pháp – Calais. Từ thế kỉ thứ 12, Anh đã trở thành một đế quốc có sức ảnh hưởng lớn với châu Âu lục địa thông qua những cuộc xâm lấn.
Nội chiến và những bất ổn
Sau thời vua Henry II, nền quân chủ chuyên chế Anh có dấu hiệu bị suy yếu bởi sự nổi dậy đòi nới rộng quyền lực của các lãnh chúa, hoặc bởi những kẻ luôn lăm le chiếm đoạt ngai vàng.
Không chịu được sự kìm kẹp của chính quyền chuyên chế, các lãnh chúa đã liên kết với nhau để chống lại triều đình.Cuối cùng vua John bị đánh bại, muốn giữ được ngai vàng phải kí hiệp ước Magna Carta, còn được gọi là Bản Hiến chương tự do, thành nền tảng của Hiến pháp Anh sau này. Theo bản hiệp này thì nhà vua cũng phải tuân thủ luật pháp, mọi quyết định phải thông qua nghị viện. Nếu đức vua phá vỡ giao ước ấy thì sẽ bị phế truất. Thực chất đây là một cuộc nội chiến mà kết quả của là quyền lực của triều đình bị hạn chế rất nhiều.
Không chỉ xung đột trong nước, thời gian này, các cuộc chiến tranh với lục địa châu Âu vẫn tiếp diễn khiến kinh tế Anh trở nên kiệt quệ bởi những món tiền khổng lồ chi cho quân đội. Nhân dân Anh cơ cực vì những loại thuế má, cái giá họ phải trả cho những mưu đồ chiến tranh cuả những ông hoàng bà chúa là quá lớn.
Qua chiến tranh nước Anh mất dần những vùng đất từng sở hữu trên đất Pháp như Gascony (Bordeaux). Kể cả những cuộc tấn công bất ngờ của vua Edward II vào châu Âu sau này cũng không đem lại kết quả gì khi chinh phục bất cứ một vùng đất nào. Đế quốc Anh rơi vào thế phải chơi những nốt trầm trong bản nhạc lịch sử của mình.
Bởi những sự kiện trên, trong khoảng từ 1370 đến 1413, có nhiều hoàng đế bị hạ bệ. Nông dân không chịu nổi ách nô dịch nên đã tiến hành khởi nghĩa, đánh vào tận toà nhà Nghị viện, thậm chí cả hoàng cung và chiếm giữ ngai vàng. Triều đình Anh khi đó vừa bảo thủ vừa nhu nhược không biết làm gì để ổn định tình trạng này.
Hoàng gia bị mất uy tín nghiêm trọng. Hàng loạt những cuộc đảo chính nổ ra thiết lập triều đình mới, rồi lại cả những cuộc phản công dồn dập đối với chính quyền được thành lập do đảo chính. Kết quả cuối cùng của những xung đột đẫm máu đó là một vương triều mới được hình thành – vương triều Tudors. Henry VIII lên ngôi với chiến thắng ở Bosworth và nước Anh bắt đầu một thời kì lịch sử mới.
Vương triều Tudors – thời kì phồn vinh.
Người mở đầu trang sử của vương triều Tudors là vua Henry VIII. Ông hoàng này lên ngôi đã chấm dứt tình trạng bất ổn trong nước và xây dựng chính quyền chuyên chế theo ý mình. Nhưng điều khiến người ta nhớ về vua Henry VIII hơn những hoàng đế khác không phải ở những cố gắng phát triển kinh tế hay mở rộng thêm những vùng đất mới mà là một tôn giáo, mà điều đáng nói là tôn giáo này được nảy sinh từ “câu chuyện gia đình” và “hành trình” kiếm tìm một người “nối dõi tông đường” của nhà vua.
Có lẽ Henry VIII là đức vua nhiều vợ nhất và li dị nhiều nhất trong lịch sử Anh quốc. Nhưng sáu cuộc hôn nhân để tìm người thừa kế của ông vua này cuối cùng chỉ đem lại cho nước Anh hai công chúa và một hoàng tử (sau này lại mất sớm). Việc li dị của vua Henry ngay từ đầu đã không nhận được sự đông ý của Giáo hoàng, thậm chí nhà vua còn bị Giáo hội La Mã tuyên bố là sẽ rút phép thông công (không được chôn cất theo nghi lễ Thiên chúa giáo), nếu từ bỏ vợ mình.
Vua Henry VIII phản đối bằng một hành động chưa ai từng nghĩ đến là tuyên bố giải thể nhà thờ Thiên chúa giáo tại vương quốc Anh, va tự thành lập một giáo hội mới theo kiểu Anh (Anh giáo), cho dù trên thực tế tôn giáo mới cũng chỉ là một bíên thể của tôn giáo cũ dựa trên lí thuyết của đạo Cơ đốc. Quyết định “động trời” này cuối cùng lại đem về cho nhà vua nhiều lợi ích. Trước hết Giáo hội Anh do vua Henry đứng đầu tất nhiên cho phép vua thoả mãn ý định từ bỏ những người vợ của mình (trong số những người vợ mà vua Henry từ bỏ có hai phụ nữ quí tộc lục địa). Thêm nữa khi tuyên bố li khai khỏi Giáo hội La Mã, vua Henry lại giành được quyền lực lớn trong các tu viện và nguồn lợi lớn từ những vùng đất được bán đi sau khi những tu viện cũ bị giải tán.
Khi nhà vua qua đời, con gái lớn của ông là Mary trở thành nữ hoàng lại muốn đưa đất nước quay lại với tôn giáo cũ, luôn nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của đạo Cơ đốc thông qua những cuộc thập tự chinh đẫm máu, đồng thời tiến hành những cuộc đàn áp tàn bạo đối với những cuộc nổi loạn. Điều đó khiến cho vị nữ hoàng này không được dân chúng ưa chuộng, thậm chí có biệt danh là “ Mary khát máu” ( Bloody Mary). Cũng có thể bởi vậy mà thời gian trị vì của nữ hoàng kéo dài không lâu (5 năm). Cuộc hôn nhân thiếu tình yêu của nữ hoàng này với vua Tây Ban Nha không đem lại một người con nào. Vì vậy trước khi mất, Mary đã truyền ngôi cho em gái cùng cha khác mẹ là Elizabeth.
Elizabeth lên ngôi lại đưa đất nước quay về với tôn giáo cải cách, và kể từ đó Anh giáo trở thành tôn giáo chính thống cho đến ngày nay. Triều đại của nữ hoàng Elizabeth được coi là một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Anh quốc, với sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, đem lại cho hòn đảo ẩm ướt lắm sương mù này vị trí số một châu Âu lúc bấy giờ.
Trong thời gian trị vì, nữ hoàng Elizabeth cho tiến hành hàng loạt những cuộc thám hiểm đại dương và những cuộc xâm chiếm mở rộng thuộc địa. Trong nước bà chú trọng phát triển công thương nghiệp và phục hưng văn hoá.
Ngành hàng hải Anh vốn rất được chú trọng giờ lại cực kì phát triển với một số lượng đông đảo những thuỷ thủ lão luyện. Drake – một nhà hàng hải nổi tiếng đã thực hiện những chuyến du hành vòng quanh thế giới bằng đường biển trong khoảng 3 năm từ 1577. Dù không tìm ra châu Úc hay hành lang Tây Bắc nhưng những gì mà ông đem về có giá trị rất lớn. Đó là hàng hóa lấy được trong những cuộc xung đột với những con tàu thuộc khu vực người Tây Ban Nha hay trên vùng biển Thái Bình Dương và những thùng đầy gia vị từ những vùng đất mới. Drake là người Briton đầu tiên đi biển vòng quanh thế giới. Đây cũng là thời kì của những con người kiệt xuất như Shakespear, Marlow và Bacon.
Năm 1588, vua Tây Ban Nha là Philip đã tập hợp một hạm đội lớn chưa từng thấy và tiến hành xâm lược Anh. Qui mô nhỏ nhưng thông thạo địa hình và được diến tập tốt hơn, các chiến thuyền Anh tìm mọi cách đánh phá hạm đội Tây Ban Nha trên các eo biển. Hạm đội Tây Ban Nha tiến tới Calais và buông neo chuẩn bị cho việc đổ bộ. Để ngăn chặn nguy cơ đó, người Anh đã dùng những con thuyền trát đầy nhựa cháy và thuốc súng để đánh nghi binh. Quân Tây Ban Nha trúng kế phải nhổ neo bỏ chạy. Tổ chức kỉ luật vốn rất chặt chẽ đem lại sức mạnh cho đội quân này đã bị người Anh phá tan. Khi ấy, hạm đội hùng mạnh và vững chắc chỉ còn là một tập hợp những chiến thuyền riêng lẻ, chạy trốn về quê hương. Khi đến vùng biển Ireland, 50 con tàu và hai vạn người đã phải bỏ mạng. Tây Ban Nha bẽ bàng và từ bỏ hẳn mưu đồ xâm lược của mình. Anh quốc được coi là một đại cường quốc đồng thời với sự tiêu vong của hạm đội Tây Ban Nha “hùng mạnh” đó.
Tuy chiến thắng nhưng cuộc kháng chiến chống Tây Ban Nha đã làm hao hụt nghiêm trọng ngân khố quốc gia và nạn lạm phát tăng đến mức chóng mặt. Năm 1601, nữ hoàng Elizabeth yêu cầu nghị viện chi thêm tiền. Nhận thấy thái độ không hài lòng của các nghị viên bà cho phát hành cuốn “Chuẩn mực ứng xử”(Golden Speech) chứng tỏ uy lực của một nữ hoàng ở một đất nước hùng mạnh. Cuốn sách này sau đó gần như trở thành một cuốn sách luật về mối quan hệ giữa quốc vương với quần thần và bổn phận của cả hai với nhau.
Tuy nhiên một vài tháng sau khi nhận được tin chiến thắng trong cuộc đàn áp dài ngày tại Ireland thì sức khoẻ của nữ hoàng giảm sút và cuối cùng thì bà hấp hối. Việc chọn người kế tục không dễ dàng bởi nữ hoàng là người duy nhất còn lại trong số những người con của vua Henry và lại không có một người cháu ruột nào. Elizabeth đã trì hoãn việc chọn người kế tục cho đến khi băng hà. Người tiếp nhận ngai vàng của bà là là James Stuart, vua Scotland, con trai của nữ hoàng Mary từng bị treo cổ như một kẻ phản bội. Nhưng người kế tục này chẳng đem lại được điều gì mới mẻ ngoài việc đưa nước Anh vào một thời kì đâỳ bất ổn mới : thời kì nội chiến và những cuộc cách mạng.
Thời kì đế chế, cộng hoà hay độc tài?
James Stuart là ngưòi Scotland Cơ đốc giáo, tin vào “Quyền lực thần thánh” (Divine Right) và ảo tưởng rằng mình có thể làm gì như mong muốn ở xứ sở mới, định thâu tóm mọi quyền lực để trị vì. Cả vua James và con trai – Chales đều cố tình phớt lờ vai trò của nghị viện vốn mang tính truyền thống ở Anh, hậu quả là khiến đất nước đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến.
Khi vua James qua đời, Chales kế tục ngay lập tức đã xung đột gay gắt với nghị viện. Bị phản đối vi chuyên quyền, ông vua này đã giải tán nghị viện. Song năm 1640, cần tiền để chống lại Scotland thì nhà vua lại triệu tập nghị viện mong nhận được sự ủng hộ. Nhưng Charles vãn bị số đông các nghị viên phản đối kịch liệt và hẳn nhiên là bị từ chối vấn đề tài chính. Tình thế ấy dẫn đến cuộc xung đột vũ trang giữa hai phe : phe ủng hộ nhà vua( tô màu xanh trên bản đồ), phe nghị viện( tô màu đỏ).
Cuộc nội chiến nổ ra đầu tiên tại Edgechill ở Cotsworlds năm 1642. Ban đầu phe Bảo hoàng thắng thế bởi nắm trong tay một lực lượng quân đội đông đảo và thiện chiến. Phe nghị viện được sự ủng hộ của quần chúng sau những khó khăn ban đầu đã giành được thế chủ động. Năm 1645, phe nghị viện với một người lãnh đạo đầy tai năng là Cromwell đã thắng trận quyết định tại Nesaby, vua Charles bị bắt và sau đó bị đem ra xét xử vì âm mưu phục hồi chính quyền chuyên chế cũ vào năm 1649. Năm mươi chín đảng viên cộng hòa đã kí bản án xử tử ông vua này.
Sau khi Charles I bị xử tử, Anh quốc trở thành một nước cộng hoà dưới sự lãnh đạo của Cromwell với cương vị ngưòi bảo hộ. Nhưng đến năm 1653, quân đội của vị bảo hộ đầy tham vọng này lại làm một cuộc chính biến, đuổi các nghị sĩ, giải tán nghị viện. Chế độ độc tài Cromwell thành lập thay thế cho nền cộng hoà ngắn ngủi.
Năm 1658, Cromwell mất trao lại quyền lực cho con trai là Richard nhưng vì không đủ khả năng nên buộc phải thoái vị sau một thời gian ngắn. Năm 1660, Charles II về Anh, giành lại ngai vàng mà cha mình đã đánh mất.
Phục hồi vương triều Stuart, cuộc chính biến 1668. Đừng bao giờ đối đầu với nghị viện.
Vương triều Stuart được phục hồi nhưng tồn tại không lâu. Nguyên nhân là sau khi tiếp nhận ngai vàng, vua CharlesII bỏ qua những gì đã cam kết về sự điều hoà quyền lực giữa quốc vương và nghị viện, theo đuổi nền quân chủ chuyên chế. Nhà vua tiến hành khủng bố những người từng tham gia phe nghị viện trước kia. Khi Charles mất, em trai là James II nối ngôi vẫn tiếp tục sự nghiệp ấy. Trong thời gian trị vì, vua James trao trọng trách cho những người theo đạo Cơ đốc( trong khi đa số nghị viên theo tôn giao cải cách), dành những vị trí quan trọng cho những người thuộc phe Bảo hoàng. Vua James đi theo những vết xe đổ trước nên không kéo dài được thời gian trị vì của mình.
Năm 1688, con rể của James II là William Orange được sự ủng hộ của nhiều nghị viên Anh đã về “quê vợ” cùng 12.000 quân để “tiếp nhận” ngai vàng. Cuộc đổ bộ hầu như không gặp phải trở ngại nào. James II bị cô lập phải chạy trốn đến Ireland và sau đó sống lưu vong tại Pháp. Con cháu của ông sau này đều luôn cố gắng giành laị vương quyền nhưng đều thất bại.
Kể từ William Orange, nước Anh chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến, quyền hành chính nằm ở nghị viện. Hình thức tổ chức Nhà nước theo kiểu này tồn tại cho đến bây giờ.
Hoàng gia Anh từ 1714 đến 1815
Năm 1760, Geoge III lên ngôi, và tiếp theo đó là những hoàng đế có thời gian trị vì khá lâu dài. Các hoàng đến này tiếp tục thời kì huy hoàng cho đất nước bằng sự phát triển kinh tế xã hội và mở rộng thuộc địa. Một hệ thống kênh đào được xây dựng trên khắp đất nước. Captain Cook thám hiểm Thái Bình Dương, Robert Adam phụ trách các công trình xây dựng, John Wikes nâng cao quyền tự do cho mọi người. Gain Sborough và Stubb tạo ra những kiệt tác…
Đây là thời kì của những hoàng đế ngoại quốc, tuy nhiên họ trị vì khá tốt. Geoge I là ngưòi Đức, không nói tiếng Anh, theo đạo Tin lành. Nhưng nước Anh tính từ vua Geoge đã giữ được sự thịnh vượng cho đến cả những thế kỉ tiếp sau.
Tham vọng đất đai của đế quốc Anh lúc này cũng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Anh quốc nhỏ bé đã sở hữu được nhiều vùng đất màu mỡ ở Canada và Ấn độ.
Cũng trong thời gian này, ở vương quốc Anh diễn ra những cuộc cách mạng công nghiệp với tốc độ lớn, tạo ra bước ngoặt cho phát triển sản xuất. Những phát minh quan trọng nâng cao năng suất lao động liên tiếp ra đời như máy kéo sợi, máy dệt, máy hơi nước…Lửa của than đá đã thắp sáng cả bầu trời đêm khi người ta sử dụng máy hơi nước.
Tuy nhiên đầu thế kỉ 19, người dân xứ đảo lại phải đứng trước một nguy cơ xâm lăng mới.Quân đội Pháp với sự thống lĩnh của Naponeon đang âm mưu làm bá chủ cả thế giới. Mặc dù chiếm ưu thế về quân sự và đã thôn tính được hầu hết châu Âu nhưng Pháp không tài nào hạ nổi địch thủ của mình là Anh và ngay cả chính sách bao vây kinh tế Anh trong khoảng 1806-1809 của Naponeon cũng bị thất bại. Năm 1815, chiến thắng của quận công Wellington trong trận Waterloo lịch sử không những đã kết thúc hoàn toàn âm mưu xâm lược Anh của Pháp mà còn củng cố thêm vị trí của xứ sở sương mù này so với thế giới.
Không phải mọi chiến thắng của Anh quốc đều xuôi xẻ. Sở hữu khá nhiều thuộc địa, thành công về kinh tế, thắng đế quốc Pháp nhưng chính phủ của những British đầy kiêu hãnh lại khốn đốn với xứ thuộc địa Bắc Mỹ trù phú (Hoa Kì bây giờ) khi địa hạt này nổi dậy với bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776, và đành ngậm ngùi giã biệt một vùng đất mênh mông bên kia bờ đại dương với trận đánh quyết định York Town.
Mất thuộc địa BắcMĩ, thủ tướng mới được bổ nhiệm – Pitt the Younger đã thảo một chương trình lập pháp mới rút ngắn đến mức tối thiểu quyền lực của hoàng gia.
Hoà bình. Sức mạnh và Sự thịnh vượng( 1815 – 1914)
Chiến thắng của Nelson tại vùng biển và của Wellington trong trận Waterloo đã kết thúc thời kì của những cuộc chiến tranh lớn. Kể từ đó những người dân đảo Britain được hưởng nền hoà bình trong suốt một thế kỉ.
Nước Anh thế kỉ 19 là một hòn đảo phồn vinh bởi sự phát triển của thơ ca với những tên tuổi bất hủ như : Keat, Shelly, Byron…của khoa học với những nhà sáng chế vĩ đại như Faraday và Davy về điện, Stephenson về những con tàu chạy máy hơi nước…Brunel đã khảo sát tuyến đường xe lửa tới Briston, xây dựng những cây cầu và đường hầm còn sử dụng cho đến ngày nay. Năm 1837, nhà bác học nổi tiếng Charles Darwin cho ra đời học thuyết tiến hoá chấn động toàn cầu. Châu Phi được thám hiểm bởi một số người như Living Stone… Thế giới ngạc nhiên và sững sờ về Anh quốc.
Hầu hết những thành tựu trên có được là ở dưới thời Victoria. Nữ hoàng nổi tiếng này lên ngôi khi mới 18 tuổi và nắm quyền suốt 64 năm kể từ năm 1837. Quyết đoán và mạnh mẽ, nữ hoàng dẫn dắt nước Anh vào những tham vọng mới. Mở đầu cho những tham vọng đó là năm 1854, Anh tham chiến với Nga giành quyền kiểm soát các eo biển. Quân đôi Nga lạc hậu hơn trên mọi lĩnh vực nên đã thất bại. Sau cuộc chiến này thì lực lượng quân sự Anh mạnh hơn bao giờ hết.
Đầu thế kỉ 20, Anh có một lực lượng hải quân vô địch thế giới, trở thành chúa tể của biển khơi cùng một hệ thống thuộc địa rộng khắp gồm Canada, Australia, phần lớn châu Phi, vùng Caribean, Viễn Đông. “ Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh” là một câu nói tưởng như không thể tin nổi nhưng lại thể hiện chính xác nhất sự mênh mông bất tận của thuộc địa Anh đồng thời cũng biểu hiện rõ nhất niềm kiêu hãnh của người dân xứ sở sương mù này.
Tuy nhiên, vào thời gian nữ hoàng mất, đất nước của bà lại bị lôi cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang với Đức. Nguyên do là Đức muốn chia lại hệ thống thuộc địa và muốn giải quyết bằng chiến tranh. Trước nguy cơ ấy, các nước châu Âu cũng gấp rút chuẩn bị quân sự và tham gia những khối đồng minh nhằm tự bảo vệ. Cuối cùng không khí chạy đua này cũng kết thúc bằng sự kiện hoàng tử nước Áo bị ám sát tại Bonia vào năm 1914. Đế quốc Đức vin vào sự kiện này để châm ngòi chiến tranh, lôi kéo hầu hết các nước châu Âu tham gia. Gần mười triệu người đã chết đến khi cuộc chiến này kết thúc vào năm 1918.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918)
Hoàng tử nước Áo Franz Ferdinand bị người Xecbia ám sát khi tham quan một cuộc diễn tập quân sự tại Bonia. Chỉ vài tuần sau đó toàn bộ châu Âu rơi vào chiến tranh. Áo tuyên chiến với Xecbia bắt nước này phải trả giá cho vụ ám sát đó. Lúc này thế giới tồn tại hai khối liên minh chủ chốt, Anh liên minh với Pháp, Nga… đối đầu với phe Đức, Áo, Hung… Các trận đánh diễn ra ở nhiều nơi, có lẽ đây là lần đầu tiên nhân dân Anh quốc phải chịu mất mát, đau thương nhiều nhất. 750.000 người lính Anh đã chết trên những chiến hào trong các cuộc xung đột trong vòng 4 năm kể từ khi bắt đầu. Chỉ riêng năm 1916, các bà mẹ xứ sương mù đã phải đau đớn khi mất đi 19.000 người con của mình ngay trong trận đánh đầu tiên ở Somme. Đây cũng là cuộc chiến tranh tàn khốc nhất mà Anh tham gia kể từ trận Waterloo thế kỉ trước.
Trên mặt biển, sự ác liệt của chiến tranh diễn ra cũng không kém trên đất liền. Với thế mạnh về hải quân, Anh liên tục phong toả Đức và sau trận đánh qui mô lớn ở vùng biển Jutland thì tàu chiến Đức không dám ra khỏi hải cảng của mình. Tuy nhiên cho đến năm 1916, cuộc chiến vẫn chưa đem lại ưu thế cho bên nào. Phải đến năm 1918, phe đồng minh của Anh với sự tham gia của Mĩ mới có những chuyển biến tích cực. Các kế hoạch chiến đấu được chuẩn bị tốt hơn, những cỗ xe tăng được tiếp viện cho quân đồng minh nhanh chóng chọc thủng các phòng tuyến mà họ từng vất vả nhiều năm mà không có kết quả gì. Trong vòng 3 tháng, quân đồng minh của Đức bị đại bại. Vương quốc Anh lại một lần nữa khẳng định được tư thế bất khả chiến bại của mình. Tuy nhiên, sau đó thì Anh cũng như hầu hết những nước châu Âu khác phải đối mặt với thực tế đáng sợ của thời hậu chiến.
Chiến tranh đã không tạo ra “vùng đất thích hợp cho những anh hùng” như lời hứa hẹn của thủ tướng Anh khi phát động các phong trào tham gia chiến đấu. Thậm chí nó làm thay đổi tình hình xã hội, ngân khố trỗng rỗng, kinh tế suy thoái, và nạn thất nghiệp diễn ra trên qui mô lớn. Lúc này, những năm tháng của nữ hoàng Victoria dường như chỉ có thể gặp được trong mơ. Phải mất một thời gian dài sau với những nỗ lực không ngừng, vương quốc Anh mới khắc phục nổi những khó khăn của thời hậu chiến.
Có một sự kiện khá quan trọng khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc là Chính phủ ban hành quyền bầu cử cho phụ nữ. Đồng thời phụ nữ cũng được bình đẳng với nam giới khi làm việc trong các nhà máy. Kết quả ấy có được một phần nhờ vào những hoạt động đấu tranh của bà Pankhurst trong việc mở rộng giới hạn quyền bầu cử dành cho phụ nữ vào 1918 và sự bình đẳng cho họ vào 1928.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong trào công nhân diễn ra mạnh mẽ. Tầng lớp công nhân bắt đầu thành lập những công đoàn nhằm cải thiện quan hệ lao động. Tháng 5 năm 1928, một nhóm 2 triệu công nhân đã đình công đòi tăng lương và giảm giờ làm. Cuộc đình công lớn ấy không thành công, tuy nhiên cũng là một sự thúc đẩy cho việc cải thiện đời sống công nhân sau này.
Vào những năm 30 của thế kỉ 20, nạn thất nghiệp ở Anh lại có xu hướng gia tăng. Hơn nữa ngưòi dân xứ đảo vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh đầy kinh hoàng của chiến tranh thế giới thứ nhất lại phải đối mặt với nguy cơ mới có bóng dáng khủng khiếp hơn. Đó là chủ nghĩa phát xít với âm mưu thống trị toàn cầu. Với vai trò Quốc trưởng, Hitle đã củng cố lại sức mạnh quân sự của Đức với tốc độ ghê gớm hòng tái lập chiến tranh thế giới. Vương quốc Anh không khuất phục nhưng lúc này cũng không đủ tiền để chạy đua với Đức trong trang bị quân sự. Kết quả là Đức bành trướng quá xa, châm ngòi nổ chiến tranh bằng cuộc xâm lược Ba Lan. Vì hiệp ước với Ba Lan, Anh buộc phải tuyên bố chiến tranh với Đức. Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu.
Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945)
Buổi đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội của Anh ở châu Âu lục địa với nhiều khó khăn đã sớm bị thất bại trước phát xít Đức đang rất cuồng vọng. Tiếp đó hệ thống thuộc địa mà người dân xứ đảo thiết lập được cũng sụp đổ theo. Với chiến tranh thế giới thứ hai vương quốc Anh đã phải trả một cái giá đắt nhất từ trước đến giờ.
Sau thất bại tại trận Dunkirkw tại Pháp, để bảo toàn lực lượng binh lính Anh đã dong thuyền trở về quê hương chuẩn bị cho kế hoạch phòng thủ. Và khi Pháp đầu hàng Đức thì Anh đã đơn độc suốt 1 năm (6/1940-6/1941) trong cuộc kháng cự với quân đội Hitle.
Tiếp đó Luân đôn và nhiều thành phố khác đã phải chịu quá nhiều tổn thất khi nhiều tấn bom máy bay Đức dội xuống từ bàu trời. Rồi tại thuộc địa Bắc Phi quân đội Anh cũng phải rút lui trước quân phát xít, rồi sau đó mất vùng Viễn Đông cùng Singapore và Malaya khi người Nhật đổ quân lên những miền đất này. Không những thế, trên khắp Đại Tây Dương nhiều chiến thuyền trọng tải lớn của quân đồng minh Anh đã bị tàu ngầm Đức đánh chìm. Bóng ma của nạn xâm lăng tưởng đã biến mất ở nhiều thế kỉ trước giờ lại lù lù xuất hiện.
Tuy nhiên, quân đồng minh phát xít cũng không thể tự đắc được lâu. Năm 1942, một Mặt trận đồng minh chống phát xít thành lập gồm Anh, Pháp, Nga, Mĩ… được toàn thế giới ủng hộ bắt đầu tiến hành những cuộc phản công dữ dội. Đến năm 1943, phe phát xít đã mất ưu thế trên chiến trường. Năm 1945, toàn thế giới tiến hành phản công, tất nhiên quân đội Anh là một trong những lực lượng chủ chốt đã tiêu diệt Đức, Ý, Nhật đến tận sào huyệt. Chiến tranh thế giới hai kết thúc, toàn châu Âu phải đối mặt với tình trạng đổ nát, hoang tàn. Vương quốc Anh là một trong những đất nước phải chịu vết thương chiến tranh nặng nhất.
Anh quốc từ năm 1945
Ngay sau chiến tranh thế giới hai, người Anh phải đối mặt với những thay đổi lớn trong xã hội với sự suy sụp khủng khiếp về kinh tế. Ngân khố trống rỗng trong khi nhiều trung tâm kinh tế bị tàn phá. Nạn thất nghiệp diễn ra theo diện rộng và trên qui mô lớn…Người dân Anh vốn không xa lạ gì với chiến tranh và nổi tiếng về tính độc lập, tự chủ cũng cảm thấy lo sợ trước những dự tính tương lai của mình. Thủ tướng trong thời kì chiến tranh là Churchill không nhận được lá phiếu ủng hộ nào trong cuộc bầu cử. Chính phủ Công đảng mới phải quốc hữu hoá điện, gas, nước, y tế…Mất một thời gian dài với những nỗ lực không ngừng vương quốc Anh mới khôi phục được kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Anh vốn được coi là một dân tộc đầy cá tính và nhiều bí ẩn. Không thể phủ nhận rằng đó là nơi sản sinh ra nhiều phát minh mới, nhưng những người dân trên đất nước này lại khá “sùng cổ”. Sau chiến tranh thế giới hai, không giống những nước châu Âu khác, người Anh tự chữa vết thương chiến tranh của mình bằng cách cố gắng sửa chữa mọi thứ dù đã hoang tàn thay vì đập đi và xây lại. Trân trọng quá khứ cũng là một trong những yếu tố cấu thành sức mạnh của hòn đảo nhỏ này.
Tuy nhiên, sau thất bại trong vịêc tranh chấp kênh đào Suez, uy thế hang đầu của hòn đảo lắm sương mù không còn như trước nữa. Dù vậy, Anh quốc vẫn là một trong những nước Tây Âu có nền kinh tế rất phát triển và sức ảnh hưởng không nhỏ đối với thế giới trên nhiều lĩnh vực: là cội nguồn cho nhiều khởi điểm.
Cung điện Buckingham nửa sau thế kỉ 20 lại thu hút nhiều sựu chú ý của cả thế giới. Cuộc hôn nhân giữa thái tử Charles và công nương Dianavà vụ li dị của họ khiến báo chí thế giới tốn không ít giấy mực để đưa tin và bình phẩm.
Xã hội cũng có nhiều thay đổi lớn, dân chúng cũng đã đổi hướng cho những mối quan tâm của mình. Thay vì lưu tâm đến chính trị hoặc chiến tranh, họ dành thời gian rỗi của mình cho âm nhạc, điện ảnh, thời trang và cuộc sống …
Hôm nay tuy mặt trời không còn chiếu sáng mãi mãi trên lãnh thổ địa lý của vương quốc Anh, nhưng nhiều người cho rằng mặt trời của ‘ngôn ngữ và ‘văn hóa’ Anh vẫn đang chiếu sáng khắp nơi trên thế giới.