Bước tới nội dung

Thành viên:TUIBAJAVE/Lưu trữ 6

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Cà phê ôm,[1] hay cà phê đèn mờ, cà phê kích dục được cho là tệ nạn xã hội[2] liên quan mại dâm. Tệ nạn này núp bóng việc kinh doanh quán cà phê để bán dâm. Hoạt động cà phê ôm là phi pháp ở Việt Nam.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Cà phê ôm đã có từ rất lâu, vào thời Việt Nam Cộng hòa đã có các hoạt động này. Chính quyền cách mạng chỉ trích rất nặng nề Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đối với việc gây ra rất nhiều tệ nạn trong xã hội, trong đó có cà phê ôm.[3] Cà phê ôm bị xem là một phần của chính sách thực dân mới của Mỹ đang tiến hành làm băng hoại miền Nam.[4] Thế nhưng các tệ nạn này vẫn tồn tại từ sau ngày Giải phóng miền Nam cho đến nay. Điều này được giải thích do thiếu các chính sách liên quan việc làm.[5] Cà phê ôm cũng được cho là hệ quả của hoạt động mua bán trong thời kinh tế thị trường.[6]

Nhận dạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Quán cà phê ôm trong bề ngoài cũng trông giống như quán cà phê bình thường. Thường quy mô quán khá nhỏ khi so với các quán cà phê kinh doanh cỡ lớn, do mục đích sử dụng của nó không cần quy mô.

Trước quán thường có thể nhận dạng bằng các chậu kiểng trồng cau.[7] Cây kiểng thường không bao giờ cắt tỉa để che khuất tầm nhìn.[8] Về đêm quán thường tắt hết đèn chỉ để đèn dây nhiều màu sắc[8] hoặc một kiểu đèn với ánh sáng mờ nhạt.[9] Nhân viên quán thường ngồi trước quán trên một chiếc ghế nhỏ trong bộ quần áo hở hang,[7][9] và gương mặt đậm phấn son,[10][9] thông thường mỗi quán chỉ có duy nhất một nữ nhân viên.

Quán cũng có nhiều hình thức khác, như kiểu cà phê chòi,[11] hay chỉ đơn giản là lều.[10] Đối với kiểu cà phê chòi thì chòi lá sẽ phủ xuống sát đất và chỉ có một lối rộng để vào, trong chòi thường có một cái võng,[12] còn kiểu cà phê lều thì chỉ có một bàn và ghế đá.[10]

Hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhận dạng riêng bên ngoài của quán cà phê ôm được xem là chỉ dẫn cho người có nhu cầu đến quán. Thường thì nhân viên cũng vẫy tay mời khách.[10][9] Thức uống trong quán thường không có cà phê mà chỉ có các loại nước giải khát hoặc nước suối. Do mục đích quán không phải bán cà phê, nên các loại nước đóng chai sẵn tiện lợi hơn. Vì người bán cần khách đến và đi nhanh, không muốn lưu lại quá lâu.

Khi khách vào quán thì nhân viên sẽ phục vụ nước uống sau đó gọi mời xem khách có nhu cầu hay không.[7][9] Nếu khách đồng ý thì cả hai sẽ vào trong, cửa quán sẽ đóng lại và hoạt động mua bán dâm diễn ra.[7][9] Thời gian chỉ khoảng 15 phút, hoặc 30 phút.[7] Sau khi mua bán xong thì khách cũng mau chóng rời đi.

Đối với kiểu cà phê ôm không phải quán nhà mà là quán chồi thì mại dâm chỉ dừng lại ở mức nằm chung với khách trên một chiếc võng.[11] Việc mại dâm chỉ dừng lại ở mức kích dục,[7] hay mức nhẹ hơn là sờ mó.[13] Mại dâm đầy đủ tiến hành ở quán cà phê kiểu nhà nhưng một số cơ sở hẹn khách đến khách sạn chứ không mua bán dâm tại quán.[9][14]

Các nữ nhân viên bán cà phê ôm cũng được phân loại theo nhan sắc, từ đó ra giá mua bán khác nhau.[13] Khách có thể được yêu cầu trả tiền trước khi được phục vụ.[9]

Phân bố

[sửa | sửa mã nguồn]

Cà phê ôm có mặt tại hầu hết các đô thị,[15] tập trung nhiều tại các khu công nghiệp. Bình Dương là khu vực có nhiều khu công nghiệp bậc nhất Việt Nam, do đó có rất nhiều loại hình tệ nạn này. Thị xã Dĩ An thường được gọi là thủ phủ cà phê ôm của Bình Dương.[12]

Các quán cà phê cũng tập trung chạy dài giống như một con phố.[7] Quán cà phê ôm xuất hiện cả vùng nông thôn. Quán sơ sài thường chỉ có tiếp viên lớn tuổi hoặc ngoại hình không tốt.[8]

Nguồn lao động

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhân viên phục vụ thường là người ở tỉnh, nhiều người làm việc này thâm niên. Một số do không chịu được vất vả của các công việc hoặc do thu nhập, mua bán thấp nên đã làm công việc này và thường quay lại do công việc được xem là dễ kiếm tiền.[9]

Một trong các nguồn nhân viên cho loại tệ nạn này là các nạn nhân bị lừa đảo lao động bởi cò lao động. Những kẻ lừa đảo lao động đã đăng tải tin tuyển dụng trên mạng internet để bẫy người lao động.[13] Các cô gái là nạn nhân ban đầu đến khu đô thị tìm việc làm thì bị lừa đảo, thu hút bởi mức lương cao, họ bị ép ký vào giấy tờ hợp đồng lao động.[13] Các nhân viên bị ép phải bán cà phê ôm, bị giam giữ, đánh đập bởi ma cô.[12][16] Họ bị giữ điện thoại,[12] giấy tờ.[17] Nhiều nhân viên là các em gái nhỏ tuổi vị thành niên.[15][12]

Nguồn lây HIV/AIDS

[sửa | sửa mã nguồn]

Cà phê ôm với nhiều mức độ phục vụ khác nhau, bao gồm mua bán dâm là một trong các nguồn lây nhiễm HIV/AIDS có khả năng lan nhanh trong cộng đồng.[18]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Trần Trọng Tấn 1997, tr. 490.
  2. ^ Nông Quốc Chấn 1978, tr. 8.
  3. ^ Lê Xuân Vũ 2003, tr. 89, 102.
  4. ^ Tổng cục chính trị 1984, tr. 43.
  5. ^ Ngô Văn Phương 2005, tr. 574.
  6. ^ Giang Quân 2010, tr. 28.
  7. ^ a b c d e f g Minh Trung (ngày 12 tháng 3 năm 2012). “Nhộn nhịp… cà phê "ôm". báo Người lao động. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2023.
  8. ^ a b c Hữu Danh (ngày 23 tháng 1 năm 2008). “Cà phê ôm "phá" xóm nghèo”. báo Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2023.
  9. ^ a b c d e f g h i Mã Hải, Minh Đức (ngày 4 tháng 9 năm 2015). “Thiên đường cà phê 'đèn mờ' ở TP Hồ Chí Minh”. báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2023.
  10. ^ a b c d “Cà phê 'tới bến'. Vnexpress. ngày 15 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2023.
  11. ^ a b Nguyệt Triều (ngày 29 tháng 6 năm 2016). “Giải cứu thiếu nữ bị ép 'chiều' khách trong quán cà phê”. Vnexpress. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2023.
  12. ^ a b c d e Trung Kiên (ngày 12 tháng 1 năm 2018). “Lọt vào "thủ phủ" cà phê ôm”. báo Dân trí. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2023.
  13. ^ a b c d Thu Dung, Ngọc Khải, Hoàng Lộc (ngày 29 tháng 3 năm 2015). “Ép gái quê đi bán cà phê ôm”. báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2023.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  14. ^ Lê Minh Hùng 1999, tr. 80.
  15. ^ a b Vũ Ngọc Bình 1995, tr. 55.
  16. ^ Mạnh Thắng (ngày 4 tháng 6 năm 2021). “Tra tấn nhân viên như thời trung cổ, chủ quán cà phê 'ôm' lãnh 20 năm tù”. báo Tiền phong. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2023.
  17. ^ Đinh Văn (ngày 17 tháng 8 năm 2016). “Đi tìm việc, cô gái bị xe ôm lừa bán vào quán cà phê kích dục”. VOV. Truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2023.
  18. ^ Viện dân tộc học 2001, tr. 24.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Tạp chí

[sửa | sửa mã nguồn]

Thể loại:Tệ nạn xã hội Thể loại:Mại dâm