Bước tới nội dung

Thành viên:Phananhhcm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nhân vật lịch sử : Chánh sứ Phan Vân Theo gia phả họ Phan như “Phan công thần tộc phả” của chi họ Phan xã Bắc Thành và gia phả họ Phan ở Tràng Thành (này thuộc xã Hoa Thành, huyện Yên Thành) cho biết Phan Vân người gốc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, sinh năm Giáp Thìn thời Trần Dụ Tông (1364). Ông đậu Hương cống năm Đinh Mão dưới triều Trần Phế Đế (1387) và làm Giám sinh trường Quốc tử giám. Ông được triều đình phong chức Chánh sứ dưới các triều vua Trần Phế Đế (1377 – 1388), Trần Thuận Tông (1388 – 1398), Trần Thiếu Đế (1398 – 1400). Năm 1400, Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ, nhiều trung thần của nhà Trần bất hợp tác với nhà Hồ đã bỏ kinh thành đi đến các phương xa lập nghiệp. Trong số đó có quan Chánh sứ Phan Vân. Gia phả chép “Trần mạt, Hồ Quý Ly tác loạn, tị vu Hoan quận kim cải Nghệ An tỉnh, Diễn Châu phủ, Đông Thành huyện, tiền Thành xã cư yên, hiệu vi Chánh Sứ thôn” (dịch: Thời cuối triều Trần, Hồ Quý Ly làm loạn, [tổ ta] tránh vào Hoan Châu nay đổi là tỉnh Nghệ An, phủ Diễn Châu, huyện Đông Thành, xã Tiền Thành sinh sống ở đó gọi là thôn Chánh Sứ). Xã Tiền Thành xưa có tên Nôm là Kẻ Rộc (nay vẫn còn tên chợ Rộc), cuối thời Trần đã có dân cư sinh sống nhưng còn hoang vu, rậm rạp, dân cư thưa thớt. Do có lợi thế đất đai rộng, lại có khe nước đổ từ Lèn Voi xuống (còn gọi là Tượng Sơn) tạo thành một hồ nước mênh mông rất thuận lợi cho việc khai khẩn, mở mang sản xuất nên vùng đất này đã được quan Chánh sứ Phan Vân chọn làm nơi định cư lập nghiệp. Ở quê hương mới, Phan Vân đã tổ chức nhân dân khai khẩn, xếp đặt thôn dân nên thôn đó được gọi theo chức danh của ông là “thôn Chánh Sứ” . Theo lưu truyền của nhân dân địa phương thì ngoài việc tổ chức khai khẩn đất đai, mở rộng sản xuất, Phan Vân còn có công khởi xướng, tổ chức đắp đập Bàu Trang, hiến đất cho xã để lập chợ Rộc. Hiện nay, đập Bàu Trang vẫn còn, ở gần Miếu mộ Phan Vân (cách khoảng 200m). Đây là một đập chắn nước khe từ Lèn Voi xuống, với sức chứa lớn, cung cấp nước tưới cho các cánh đồng của một vùng rộng lớn. Hiện nay, tại Miếu mộ Phan Vân vẫn còn lưu được đôi câu đối có hàm ý nhắc lại công tích đó của ông: Nguyên văn: 象山鍾秀氣 莊水旺靈臺 Phiên âm: Tượng sơn chung tú khí Trang thủy vượng linh đài Dịch nghĩa: Lèn Voi chung đúc khí thiêng Bàu Trang làm vượng linh đài Chợ Rộc nay vẫn còn và trở thành một trung tâm buôn bán lớn của huyện Yên Thành. Hàng năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch lễ chính ở Miếu mộ Phan Vân, các phường buôn bán ở chợ này lại góp tiền mua sắm lễ vật đến cúng tế rất long trọng để bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã có công lập chợ. Ngoài việc tổ chức khai khẩn ruộng đất, mở mang sản xuất, xây dựng xóm làng ngày càng trù phú, thịnh vượng… Phan Vân còn là người đã có những cống hiến lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc khởi nghĩa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: năm Mậu Tuất [1418] Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa), nhưng sau sáu năm hoạt động, nghĩa quân vẫn không mở rộng được phạm vi ảnh hưởng xuống đồng bằng, khó khăn về quân lương ngày càng tăng. Trước tình hình đó, Lê Lợi cùng bộ chỉ huy của nghĩa quân đã họp bàn và quyết định chuyển hướng chiến lược theo kế của tướng Nguyễn Chích chiếm Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông, lấy đó làm chỗ đứng chân rồi quay ra đánh Đông Đô, bình định thiên hạ. Tháng 9 năm Giáp Thìn [1424], nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ tấn công đồn Đa Căng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) mở đường tiến về miền Tây Nghệ An. Sau một loạt chiến thắng vang dội ở Bồ Đằng, Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải, tháng giêng năm Ất Tỵ [1425], nghĩa quân Lam Sơn tiến về vùng đồng bằng Nghệ An. Nghĩa quân đi đến đâu được nhân dân Nghệ An nô nức hưởng ứng đến đó. Ở huyện Đông Thành bấy giờ có rất nhiều người đã tham gia hưởng ứng rất tích cực. Trong số đó có quan Chánh sứ Phan Vân. Lúc bây giờ, Phan Vân với tư cách là quan Chánh sứ triều Trần vì bất hợp tác với nhà Hồ vào ở ẩn, khai khẩn ruộng đất đã hơn 20 năm nên đã trở thành một nhân vật có thanh thế trong vùng. Chính vì thấy được tấm lòng trung quân ái quốc, cũng như điều kiện có thể tăng thêm nhân tài vật lực của Phan Vân, nên Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân đã tin dùng rồi thăng chức và giao cho ông nhiều nhiệm vụ quan trọng. Về sự kiện này, Liên hoa hầu Phan Cảnh Nho – Hàn lâm viện Thị giảng cuối triều Lê ghi lại như sau: “Cập Lê Thái Tổ khởi nghĩa, thừa tùy phái phụng đồn điền thăng chức Chánh sứ Sơn phòng, thiết lập doanh cư vu y xã” (Dịch: đến lúc Lê Thái Tổ khởi nghĩa, ông vâng mệnh khai khẩn đồn điền, thăng chức Chánh sứ Sơn phòng, xây dựng doanh cư ở xã ấy). Thực hiện nhiệm vụ được giao, Phan Vân tiếp tục tổ chức khai khẩn ruộng đất, tổ chức sản xuất để cung ứng quân lương cho nghĩa quân và tổ chức canh phòng bảo vệ vùng rừng núi phía Tây huyện Đông Thành (tương ứng với huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu ngày nay). Do điều kiện nghĩa binh lấy từ nông dân và không thoát ly sản xuất, được coi như quân địa phương nên sở chỉ huy của ông được đặt ở ngay trên xã nhà (tức xã Tiền Thành). Hiện nay, các địa danh Cồn Kho, Thung Buồng – nơi Phan Vân làm kho lương thực, Đồng Chỉ Huy – nơi Phan Vân đặt sở chỉ huy vẫn còn lưu truyền ở địa phương. Trong những thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn có công đóng góp rất lớn của Phan Vân, bởi ông đã làm tròn hai nhiệm vụ quan trọng do Lê Lợi giao: tổ chức bảo vệ an toàn vùng núi phía Tây huyện Đông Thành, đồng thời đảm bảo quân lương cho nghĩa quân hoạt động trong thời gian hoạt động ở vùng đồng bằng Nghệ An. Tại nhà thờ Phan Vân còn lưu đôi câu đối khẳng định công tích đó của ông: Phiên âm: Lục bách mẫu, long hưng cửu kế, chiến tích quân lương, khởi tự triệu cơ khai sơn phá thạch, Kỷ thiên dân, lạc nghiệp an cư, thuần phong hậu tục, tòng lai kế thế ngưỡng huệ hàm ân. Dịch nghĩa: Sáu trăm mẫu, kế lâu dài hưng thịnh, chiến tích quân lương, khởi từ triệu cơ khai sơn phá thạch, Mấy ngàn dân, an cư lạc nghiệp, thuần phong hậu tục, đời sau nối bước muôn đời ơn sâu. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, một phần do sự tài tình của các tướng sĩ Lam Sơn, nhưng một nguyên nhân không kém phần mang tính quyết định là công lao đóng góp về quân, lương của nhân dân Nghệ An. Trong đó nổi lên vai trò to lớn của quan Chánh sứ Phan Vân. Mặc dầu ông là người tham gia muộn nhưng ông đã tham gia hết lòng ở giai đoạn chiến lược quết định. Chính vì vậy, sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Lợi đã phong cho Phan Vân tước Bái Dương hầu. Phan Vân mất năm Kỷ Mùi (1439). Tưởng nhớ tới công lao to lớn của ông đối với quê hương đất nước, nhân dân Tiền Thành đã mai táng ông trên ngọn đồi thuộc thôn Chánh Sứ và lập đền tại đó theo kiểu “thượng miếu hạ mộ”, đồng thời tôn ông làm Bản cảnh Phúc thần để ngàn năm hương khói phụng thờ . Trong bản văn tế, đọc tại lễ cầu yên hàng năm của làng Thuần Hậu có đoạn “Bản cảnh Chánh sứ Cương nghị Chính trực, Sắc phong Dực bảo Trung hưng Linh phù tôn thần vị tiền” . Gia đình, con cháu ông cũng lập nhà thờ để thờ phụng ông. Trải qua các triều đại Lê, Nguyễn đều có sắc phong cho Phan Vân là “Thượng đẳng thần” và giao cho xã Tiền Thành “tòng tiền phụng sự” . Kế tiếp truyền thống của vị thủy tổ, con cháu của cụ Phan Vân ở các thế hệ sau này đã có nhiều người đậu đạt thành danh, và nhiều người có cống hiến lớn cho đất nước. Trong thời phong kiến, hậu duệ của Phan Vân đã có đến 19 Quận công, 52 tước hầu , đặc biệt trong đó có một vị được truy phong tước Quốc công. Hiện nay, tại nhà thờ Phan Vân còn phối thờ Sùng Quận công Phan Cảnh Quang, Lai Quốc công Phan Công Tích, Yên Quận công Phan Cảnh Các và tòng tự nhiều vị quận công, hầu tước khác. MỘT SỐ NÉT CHÍNH : + Gốc huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Sinh 1634. Đậu hương cống, làm Giám sinh Quốc tử giám. Được phong chức Chánh sứ dưới triều Trần (1377 - 1400). + Lập thôn chánh sứ - Đắp đập Bàu trang - Có cống hiến lớn trong khởi nghĩa Lam Sơn : Khai khẩn đồn điền, xây dựng doanh trại, cung cấp quân lương ... được phong "Chánh sứ sơn phòng" - Rồi khởi nghĩa thành công được phong tước BÁI DƯƠNG HẦU - Ông mất 1439, được nhân dân tôn là "BẢN CẢNH PHÚC THẦN" . + Trãi qua các triều Lê - Nguyễn đều được phong là "Thượng đẳng thần" và giao cho xã Tiền Thành "Tòng tiền phụng sự" (nghĩa là tới ngày giổ thì ba xã ngày nay là Bắc, Trung, Nam Thành phải chung cúng tế). + Hậu duệ của Phan Vân đã có đến 19 Quận công, 52 tước hầu , đặc biệt trong đó có một vị được truy phong tước Quốc công. Hiện nay, tại nhà thờ Phan Vân còn phối thờ Sùng Quận công Phan Cảnh Quang, Lai Quốc công Phan Công Tích, Yên Quận công Phan Cảnh Các và tòng tự nhiều vị quận công, hầu tước khác.