Thành viên:NhacNy2412/nháp/Nguyễn Như Ái
Nguyễn Như Ái (20 tháng 1 năm 1925) là một nhà quay phim, đạo diễn, nhà làm phim tài liệu kỳ cựu của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Cuộc đời
[sửa | sửa mã nguồn]Nguyễn Như Ái sinh ngày 20 tháng 1 năm 1925 tại thôn Yên Lã, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn (nay là thành phố Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình vốn làm nghề thầy thuốc và dạy chữ Nho. Cha ông là Nguyễn Như Hoán, từng học tại Trường Sư phạm Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp, cụ Hoán kế nghiệp con đường dạy học của gia đình. Cụ từng đi dạy học ở nhiều nơi như Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, rồi sau đó về lập nghiệp tại Hưng Yên. Tuổi thơ của Nguyễn Như Ái gắn liền với sự dạy bảo của cha.[1] Năm 1941 khi vừa 16 tuổi, ông được gửi ra Hà Nội để theo học tại Trường Cao đẳng Tiểu học Đông Dương. Tại đây, ông đã trở thành học trò của thầy Nguyễn Văn Hiếu – người về sau được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.[2]
Bắt đầu tiếp xúc với điện ảnh
[sửa | sửa mã nguồn]Lúc bấy giờ vì cuộc sống khó khăn, gia đình không thể chu cấp tiền học, Nguyễn Như Ái phải đi làm để kiếm sống. Tháng 9 năm 1943, ông vào nam mưu sinh, làm nhiều công việc khác nhau từ khuân vác, thợ sơn đến làm thuê tại một hiệu ảnh. Trong thời gian làm tại hiệu ảnh, ông đã học được một số kiến thức và kinh nghiệm với ống kính. Những lúc thợ chính vắng mặt, ông cũng có thể tiếp và chụp ảnh cho khách. Đến năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông nhập ngũ và được điều ra tỉnh đội Hưng Yên làm công tác tuyên huấn.[3] Do biết nghề ảnh mà ông được phân công vừa chụp ảnh vừa chiếu bóng. 9 năm sau khi nhập ngũ, ông bắt đầu sự nghiệp với điện ảnh trong một lần tình cờ găp đạo diễn Phạm Văn Khoa tại khu Đồi Cọ – thủ phủ của điện ảnh cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ – khi phải lên Việt Bắc đổi phim. Vì có khả năng đọc trôi chảy thuyết minh bằng tiếng Pháp, lại có kinh nghiệm với nhiếp ảnh, ông được nhận vào Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh, bắt đầu sự nghiệp với vai trò phụ quay trong đoàn làm phim Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với Nguyễn Phụ Cấn và Nguyễn Thụ,[4] và sau đó là bộ phim Tiếp quản Thủ đô.
Năm 1955, ông đảm nhiệm vai trò quay phim chính trong tác phẩm đầu tay của mình: bộ phim khoa học Chống đau mắt hột. Đây là một trong những phim khoa học đầu tiên không làm theo hình thức thông tin phổ biến kiến thức chung chung trước đó. Đây là bộ phim đầu tiên được xây dựng với sự hợp tác của cơ quan chuyên môn.[5] Năm 1960, ông chuyển về Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương và công tác tại đây cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1986.[6] Trong thời gian này, ông có 3 năm (1968-1970) quay phim ở chiến trường Lào và 1 năm (1972) làm phim ở mặt trận Trị-Thiên-Huế.[7]
Sự nghiệp làm phim khoa học
[sửa | sửa mã nguồn]Làm phim khoa học ở Việt Nam trong giai đoạn này được đánh giá là rất khó khăn, đặc biệt đối với những phim về đề tài động vật. Nguyên nhân có thể kể đến là chưa có thiết bị chuyên dùng để quay những kỹ xảo đặc biệt, không có các khu vườn riêng để phục vụ cho việc làm phim về thế giới động vật mà phụ thuộc hoàn toàn vào các cơ sở chuyên môn. Vào những năm 80 của thế kỷ 20, mỗi năm Xưởng phim Khoa học sản xuất trên dưới khoảng 20 bộ phim. Để tránh sự nhàm chán và đơn điệu, các nhà làm phim phải có cách tìm tòi thể hiện phong phú.[8] Trong lĩnh vực này, Nguyễn Như Ái được xem là người có nhiều đóng góp quan trọng. Đặc biệt, ông là người đầu tiên quay thành công qua kính hiển vi với bộ phim Ong mắt đỏ. Ông sử dụng phương pháp úp trực tiếp máy quay lên kính hiển vi, dò tìm đúng tiêu cự để lấy nét. Để tránh độ nóng từ ánh sáng đèn quay phim có thể ảnh hưởng đến sinh vật trong bối cảnh Việt Nam chưa có kỹ thuật sử dụng ánh sáng lạnh, ông đã sử dụng ánh sáng tự nhiên rồi lắp thêm kính phản chiếu để quay.[8]
Bộ phim Ong mắt đỏ đã nêu ra một vấn đề khoa học mang tính thời sự của Việt Nam những năm cuối thập niên 70, đó là tình trạng sâu bệnh phá hoại mùa màng phát triển mạnh. Bộ phim bắt đầu với việc phân tích tác hại của sâu bệnh đối với cây trồng và biện pháp phòng chống bằng thuốc trừ sâu hóa học. Những cảnh quay qua kính hiển vi trong phim được đánh giá là rất hiệu quả khi những con ong chỉ nhỏ bằng đầu kim được phóng to hàng nghìn lần trên màn ảnh. Ngoài ra, Nguyễn Như Ái còn cho khán giả xem cận cảnh con ong mắt đỏ đẻ trứng trực tiếp lên trứng sâu, từ đó phân tích tập tính sinh học của chúng. Đây được xem là cách thể hiện phim khoa học khá mới mẻ trong bối cảnh làm phim thiếu nhiều phương tiện và thiết bị những năm 70. Bộ phim không chỉ giành được Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 mà còn giúp Nguyễn Như Ái chiến thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim khoa học.[9]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Lại Văn Sinh (2001), tr. 15.
- ^ Lại Văn Sinh (2001), tr. 15–16.
- ^ Lại Văn Sinh (2001), tr. 16.
- ^ Lại Văn Sinh (2001), tr. 17.
- ^ Lại Văn Sinh (2001), tr. 18.
- ^ Trần Trọng Đăng Đàn (2010a), tr. 337.
- ^ Trần Trọng Đăng Đàn (2010a), tr. 338.
- ^ a b Lại Văn Sinh (2001), tr. 20.
- ^ Lại Văn Sinh (2001), tr. 21.
Nguồn
[sửa | sửa mã nguồn]- Trần Trọng Đăng Đàn (2010a). Điện ảnh Việt Nam, Tập 1: Lịch sử - tác phẩm - nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1975. Điện ảnh Việt Nam: Lịch sử, tác phẩm, nghệ sĩ, Lý luận, phê bình, nghiên cứu. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. ISBN 9786045800201. OCLC 1023455622.
- Lại Văn Sinh (2001). “NSƯT Như Ái”. Trong Trần Luân Kim; Lê Đình Phương; và đồng nghiệp (biên tập). Nghệ sĩ phim tài liệu Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 13–29. OCLC 303712662.