Bước tới nội dung

Thành viên:NhacNy2412/nháp/Bát kỳ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Chinh phục nhà Minh

[sửa | sửa mã nguồn]
Trận Sarhū hay Trận Tát Nhĩ Hử

Vào thế kỷ 17 ở Đông Á, Bát kỳ Mãn Châu một đạo quân được xem là hùng mạnh, thiện chiến với những chiến công như đánh bại triều Minh (trong trận Tát Nhĩ Hử), bình Triều Tiên, nô dịch Mông Cổ, đánh Sa hoàng Nga, nhất thống Trung Quốc. Đội quân này có thể nói là niềm huy hoàng cuối cùng trong quân sự cổ đại Trung Quốc. Trang bị của đạo quân này không quá tối tân nhưng vũ khí tinh thần và sĩ khí của đạo quân này là đáng chú ý nhất. Biên chế quân sự nghiêm ngặt, điều kiện sinh hoạt ác liệt, năng lực sinh tồn mạnh mẽ đã khiến đạo quân này cuối cùng đánh bại triều Minh thống nhất Hoa Hạ.[1][2] Đồng thời đạo quân này cũng mang tiếng xấu là xâm lược và tàn bạo, nhà văn Kim Dung trong tác phẩm Lộc đỉnh ký cũng có nhắc đến sự tàn bạo, cướp phá của Mãn Châu Bát kỳ.[3]

Đạo quân này phát triển đông đảo tới gần 200.000 quân của người Mãn Châu và được chia thành 2 phần một nửa được chỉ định vào Cấm Lữ Bát kỳ (禁旅八旗 Jìnlǚ Bāqí) đóng quân tại Bắc Kinh. Họ vừa đóng vai trò đội quân đồn trú của chính phủ nhà Thanh vừa là lực lượng chiến đấu. Số còn lại được chia vào nhiệm vụ canh gác các thành phố quan trọng ở Trung Quốc. Họ được gọi là Trú Phòng Bát kỳ (駐防八旗). Ngoài ra, việc phân chia Mãn tộc Bát kỳ, Mông Cổ Bát kỳ và Hán tộc Bát kỳ một cách rõ ràng còn là vấn đề của hậu cung Thanh triều. Các tú nữ, phi tần, cung nữ trong hậu cung tuy được tuyển từ cả ba tộc, nhưng vẫn ưu tiên Mãn tộc làm gốc, kế là Mông và cuối là Hán. Hoàng Hậu các đời đều xuất thân từ Mãn – Mông (xem thêm Hậu cung nhà Thanh).

Triều đình nhà Thanh có lòng tin rất lớn đối với Bát kỳ, trọng trách bảo vệ kinh thành cũng được giao cho đội quân thiện chiến này. Những binh lính thuộc Bát kỳ thường dành ra nhiều thời gian trên thao trường để tập luyện trong 8 tháng/năm, với 6 đợt/tháng và 5 lần/đợt, vào thời điểm cách đây khoảng hơn 300 năm thì việc tổ chức được một khóa đào tạo và rèn luyện sử dụng vũ khí với tần suất như vậy là rất hiếm.

Do được triều đình ưu đãi nên lương bổng của Bát kỳ cũng tốt hơn Lục doanh, một năm lĩnh 48 hũ gạo (1 hũ = 10 đấu, sau sửa thành = 5 đấu), lương tháng thì 3–4 lạng bạc, gấp đôi quân nhân Lục doanh.

Biên chế cơ bản

[sửa | sửa mã nguồn]

Cả Bát kỳ lại được chia là "Tả dực" tức cánh trái (gồm Tương Hoàng kỳ, Chính Bạch kỳ, Tương Bạch kỳ, Chính Lam kỳ) và "Hữu dực" tức cánh phải (gồm Chính Hoàng kỳ, Chính Hồng kỳ, Tương Hồng kỳ, Tương Lam kỳ)

Như vậy, chế độ Bát kỳ về mặt quân sự là 8 cánh quân, về mặt dân sự 8 nhóm bộ tộc, phân biệt bởi hiệu cờ chỉ huy, vì vậy còn được gọi theo âm Hán Việt là Bát kỳ, mỗi Kỳ có một màu chủ đạo riêng biệt. Đây là một hình thức quân đội dân tộc, là sự hợp nhất giữa binh và nông.[4] Hoàng đế là người thống trị tối cao của toàn Bát kỳ cả về quân sự lẫn dân sự.[5]

Sau khi nhập quan, các Tông thất Vương công đều được phân vào Hạ Ngũ kỳ, Hoàng tử phân phủ cũng được phân vào đây. Trong các tước vị của nhà Thanh phân ra thành "Nhập bát phân" và "Bất nhập bát phân", những Tông thất Vương công hay Hoàng tử được phong tước trong "Nhập bát phân" đều được phân vào làm chủ Hạ Ngũ kỳ. Tuy nhiên có một số Hoàng tử trước khi nhập quan có thân phận quá thấp, không thể được phong tước vị "Nhập bát phân", từ đó hậu duệ đều một mực ở trong Thượng Tam kỳ:

  1. Ba Nhã Lạt, em trai thứ 5 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích: 1 chi phân vào Tương Hoàng kỳ, 1 chi phân vào Tương Bạch kỳ.
  2. Thang Cổ Đại, con trai thứ 4 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích: Chính Bạch kỳ
  3. Tháp Bái, con trai thứ 6 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích: Chính Bạch kỳ
  4. Ba Bố Thái, con trai thứ 9 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích: Chính Hoàng kỳ
  5. Diệp Bố Thư, con trai thứ 4 của Hoàng Thái Cực: Chính Hoàng kỳ
  6. Cao Tắc, con trai thứ 6 của Hoàng Thái Cực: Chính Hoàng kỳ
  7. Thường Thư, con trai thứ 7 của Hoàng Thái Cực: Tương Hoàng kỳ
  8. Thao Tắc, con trai thứ 10 của Hoàng Thái Cực: Tương Hoàng kỳ

Vì vậy, ngoại trừ Giác La – phần lớn đều là "Bất nhập bát phân", còn lại 8 chi Tông thất trong Thượng Tam kỳ đều là vì xuất thân quá thấp.

Trên thực tế, việc phân chia "Thượng Tam kỳ" với "Hạ Ngũ kỳ" chỉ ảnh hưởng đến Kỳ phân của Tông thất và tầng lớp Bao y Tá lĩnh, còn lại không ảnh hưởng trực tiếp đến các Kỳ nhân thông thường. Bao y Tá lĩnh thuộc Nội vụ phủ chủ yếu phục vụ cho Cung đình, còn Bao y Tá lĩnh thuộc Hạ Ngũ kỳ thì đều thuộc về các Vương phủ, bản thân các Kỳ chủ của mỗi Kỳ.

Quân đội

[sửa | sửa mã nguồn]

Biên chế

[sửa | sửa mã nguồn]

Quân hàm

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Thuận Trị thứ 11 (1660), Thuận Trị Đế ra chỉ dụ, định ra Hán văn của Cố Sơn Ngạch ChânĐô thống, Mai Lặc Chương KinhPhó Đô thống, Giáp Lạt Chương KinhTham lĩnh, Ngưu lục Chương KinhTá lĩnh. Vì vậy, các tầng cơ cấu của Bát kỳ lần lượt là Ngưu lục (Tá lĩnh) – Giáp Lạt (Tham lĩnh) – Cố Sơn (Đô thống).

Trong Bát kỳ ở Kinh sư, ở mỗi kỳ thiết lập 1 Đô thống – hàm Tòng Nhất phẩm, 2 Phó Đô thống – hàm Chính Nhị phẩm, ở dưới lần lượt thiết lập Tham lĩnh, Tá lĩnh, Hiểu kỳ giáo và Ấn vụ Tham lĩnh, Ấn vụ Chương Kinh, Bút thiếp thức các loại. Ngoài ra ở mỗi Kỳ còn nhiều quan viên Hành tẩu, Tán trật quan, số lượng vô hạn định.

Phẩm hàm và số lượng Chức vụ
Chức vụ Bát kỳ Số lượng Phẩm hàm Ghi chú
1 kỳ Tổng
Đô thống 1 8 24 Tòng Nhất phẩm [a]
Phó Đô thống 2 16 48 Chính Nhị phẩm
Tham lĩnh Mãn Châu 5 40 96 Chính Tam phẩm [b]
Mông Cổ 2 16
Hán quân 5 40
Phó Tham lĩnh Mãn Châu 5 40 96 Chính Tứ phẩm
Mông Cổ 2 16
Hán quân 5 40
Tá lĩnh Mãn Châu 681 1151 Chính Tứ phẩm
Mông Cổ 204
Hán quân 266
Hiểu kỵ giáo Mãn Châu 681 1151 Chính Lục phẩm
Mông Cổ 204
Hán quân 266
Ấn vụ Tham lĩnh Mãn Châu 2 16 40 [c]
Mông Cổ 1 8
Hán quân 2 16
Ấn vụ Chương kinh Mãn Châu 8 64 144 [d]
Mông Cổ 4 24
Hán quân 6 36
Bút thiếp thức Mãn Châu 8 64 144
Mông Cổ 4 24
Hán quân 6 36

Các chức vụ

[sửa | sửa mã nguồn]
Hệ thống các Chức vụ trong Bát kỳ
Chức vụ Phẩm cấp Mãn ngữ Địa vị Chức trách
Đô thống Tòng Nhất phẩm Cố Sơn Ngạch Chân, 「固山額真」

Cố Sơn Ngang Bang, 「固山昂邦」

Là chức vụ tối cao ở mỗi Kỳ Chấp chưởng Hộ khẩu, giáo dưỡng, thừa tập quan tước, huấn luyện quân sự ở mỗi Kỳ.
Phó Đô thống Chính Nhị phẩm Mai Lặc Ngạch Chân, 「梅勒额真 」

Mai Lặc Chương Kinh, 「梅勒章京」

Ở một số địa phương, Phó Đô thống là người đứng đầu quân trú phòng (như Thanh Châu) Trấn thủ những nơi hiểm yếu, ổn định quân dân, quản lý việc xử phạt, rèn luyện võ bị
Hiệp lĩnh Chính Tam phẩm Ở Đông Bắc, Hiệp lĩnh là người đứng đầu quân đồn trú (như Cát Lâm Hồn Xuân, Tam Tính, Lạp Lâm) Là Thế chức Phụ trách việc quân sự và chính trị.
Tham lĩnh Chính Tam phẩm Giáp Lạt Ngạch Chân, 「甲喇额真」

Giáp Lạt Chương Kinh, 「甲喇章京」

Đồn trú ở Kinh sư Chưởng quản sự vụ của Thượng Tam kỳ Bao y, biên thẩm danh sách nhân khẩu, phân phát tiền lương cùng tiền cấp dưỡng cho quan binh, tổ chức các kỳ kiểm tra sát hạch văn võ, tuyền chọn Tam kỳ Bao y mặc giáp, treo biển "Hiền hiếu tiết nghĩa", tra xét Thế chức phả hệ, điều tra và cấm người chạy trốn [e]. Ngoài ra còn có huấn luyện thao diễn, phân công trực ban, ...
Thành thủ Úy Chính Tam phẩm Thuộc quản lý của Tướng quân hoặc Phó Đô thống trú phòng.

Cũng có khi là người đứng đầu quân Trú phòng (như Bảo Định, Thương Châu, Thái Nguyên, Khai Phong)

Phụ trách phòng vệ ở các điểm trọng yếu của các Phủ, Châu, chưởng quản sự vụ quân sự và chính trị của doanh trại trú phòng, rèn luyện võ bị, ổn định địa phương.
Tá lĩnh Chính Tứ phẩm Ngưu lục Ngạch Chân, 「牛录额真」

Ngưu lục Chương Kinh,「牛录章京」

Chịu sư quản lý của Tham lĩnh nếu đóng ở Kinh sư, của Hiệp lĩnh nếu đóng ở các nơi trú phòng. Lo về vấn đề hộ khẩu, công việc và thu nhập của những hộ gia đình có trong Ngưu lục mà mình quản lý.
Lĩnh thôi Bạt thập khố,「拨什库」 Dưới mỗi Tá lĩnh đều có Lĩnh thôi Phụ trách hồ sơ cùng với chi lĩnh lương bổng.
Kiêu kỵ giáo Chính Lục phẩm Phân đắc Bạt thập khố,「 分得拨什库」
Mã giáp Kỵ binh, còn xưng là Kiêu kỵ
Lầu canh nơi huấn luyện Kiện duệ doanh
Dưới cùng là Bắc hải, ở trên là Trung – Nam hải

Quân doanh

[sửa | sửa mã nguồn]
Danh xưng Giới thiệu vắn tắt
Kiêu kỵ doanh Một trong các lực lượng Cấm vệ quân thời Thanh, bắt đầu từ "A Lễ Cáp Siêu Cáp doanh" giữa những năm Thiên Thông, thời Hoàng Thái Cực.

Thời Thuận Trị định ra chế độ rõ ràng, thiết lập Kiêu kỵ doanh trong quân Bát kỳ, là lực lượng lệ thuộc trực tiếp vào Đô thống.

Trong Kiêu kỵ doanh quản lý Mã giáp, Lĩnh thôi, Tượng dịch, các nhân viên đều điều từ dưới các Tá lĩnh của Mãn Châu Bát kỳ.

Hộ quân doanh Một trong các lực lượng Cấm vệ quân thời Thanh, bắt đầu từ "Ba Nha Lạt doanh" giữa những năm Thiên Thông, thời Hoàng Thái Cực.

Thượng Tam kỳ trông coi Hoàng cung Cấm môn (tức Ngọ môn), Đông Tây Hoa môn và Thần Vũ môn.

Hạ Ngũ kỳ trông coi cửa phủ của các Vương công Tông thất.

Thời Ung Chính đổi thành "Quân ti Cấm vệ". Các nhân viên đều điều từ Mãn – Mông Bát kỳ. Mỗi kỳ thiếp lập 1 Hộ quân Thống lĩnh (tui janggin).

Năm Ung Chính thứ 3 (1725), thiết lập thêm "Viên Minh Viên Bát kỳ Hộ quân doanh", đóng quân ở xung quanh Viên Minh viên, cũng là Ti Cấm vệ.

Tiền phong doanh Một trong các lực lượng Cấm vệ quân thời Thanh, bắt đầu từ "Cát Bố Thập Hiên Siêu Cáp doanh" những năm Thiên Thông, thời Hoàng Thái Cực.

Tuyển từ Mãn – Mông Bát kỳ những binh sĩ tinh nhuệ có thân thể khỏe mạnh, kỹ nghệ ưu tú, lập nên một doanh độc lập.

Những hoạt động đi tuần thời Thanh rất nhiều, Tiền phong doanh phụ trách làm quân tiền tiêu cảnh vệ mỗi khi Hoàng đế đi tuần du.

Kiện duệ doanh Một trong các lực lượng Cấm vệ quân thời Thanh, còn xưng là "Vân Thê binh", thiết lập vào năm Càn Long thứ 14 (1749).

Kiện duệ doanh trú đóng ở Hương Sơn – Bắc Kinh, chuyên luyện tập công thành.

Quân trong doanh được tuyển chọn rất nghiêm ngặt, binh ngạch 2000 người, phần lớn là người Mãn.

Thiết lập 1 Chưởng ấn Đại thần quản lý, bên dưới có 2 Dực trưởng (galai da)[f], 8 Tham lĩnh, hơn 10 Tiền phong giáo.

Hỏa khí doanh Một trong các lực lượng Cấm vệ quân thời Thanh. Vì nhu cầu dẹp Loạn Tam phiên, Khang Hi Đế cực kỳ coi trọng kỹ thuật hỏa pháo.

Năm 1691, quy định toàn bộ doanh quân đều phải luyện tập Hỏa pháo, lại khuếch trưởng theo thủ vệ của Hoàng đế.

Quân trong doanh được tuyển chọn từ tất cả các Tá lĩnh thuộc Mãn – Mông – Hán Bát kỳ, tổng cộng quản lý gần 8000 quan binh.

Hỏa khí doanh đã phát huy công dụng quan trọng trong những cuộc dẹp Loạn Tam phiên, thu phục Đài Loan, chống sự xâm lược của Sa Hoàng,...

Bộ quân doanh Một trong các lực lượng Cấm vệ quân thời Thanh.

Chịu trách nhiệm bảo vệ Kinh sư, quân Mãn – Mông – Hán Bát kỳ chia ra trú phòng, nhân số tương đối đông.

Năm Khang Hi thứ 13 (1674), định chế binh ngạch là 21158 người.

Thần cơ doanh Một trong các lực lượng Cấm vệ quân thời Thanh, thiết lập vào năm Hàm Phong thứ 11 (1861).

Chức trách chủ yếu là thủ vệ 3 hồ lớn của Bắc Kinh (Trung Nam Hải, Bắc Hải và Thập Sát Hải) và theo Hoàng đế đi tuần du.

Quân trong Thần cơ doanh đều tuyển chọn những người võ nghệ cao cường từ các Tá lĩnh thuộc Mãn – Mông – Hán Bát kỳ và các doanh Tiền phong, Hộ quân, Bộ quân, Kiện duệ,...

Hổ thương doanh Một trong các lực lượng Cấm vệ quân thời Thanh, thiết lập vào thời Khang Hi.

Hổ thương doanh còn được xưng là "Thiếu niên Đại lực sĩ", giúp đỡ Khang Hi Đế rất lớn trong việc diệt trừ Ngao Bái, lập được công lao hiển hách.

Khái quát

[sửa | sửa mã nguồn]

Chế độ Bát kỳ "Dĩ Kỳ thống quân, dĩ Kỳ thống nhân"[g], ngoài ra còn quản lý hành chính, kinh tế cùng với tổ chức gia tộc. Dưới Ngưu lục Ngạch chân thiết lập 2 chức Phó, lại thiết lập 4 Bạt thập khố, quản lý thôn làng đồn điền. Ngưu lục Ngạch chân và cấp phó quản lý tất cả những vấn đề về quân sự, dân chính, kinh thế, đất đai, tố tụng và hôn sự tang sự các loại, nhưng chủ yếu vẫn là quân sự. Binh lính Bát kỳ "Xuất tắc vi binh, như tắc vi dân", bình thường vẫn canh tác săn bắn, lúc có chiến tranh thì sẵn sàng xuất chinh. Lúc xuất chinh, thu bất kỳ tài vật gì cũng phân phối theo quân công.

Trước kia, trong quan niệm của người Mãn Châu, tất cả những tài nguyên như sông ngòi, đất đai, rừng rậm, thậm chí là không khí, ánh mặt trời đều là những thứ thuộc sở hữu chung. Sau khi thành lập Hậu Kim, quan niệm "Đất đai công hữu" này vẫn còn ảnh hưởng lớn, Nỗ Nhĩ Cáp Xích kết hợp với chế độ Bát kỳ đã đem đất đai chia cho người Bát kỳ theo đầu người.

Hôn nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong dân chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiện nay, có nhiều người, thậm chí các học giả nhận định rằng, thời Thanh cấm việc kết thông gia giữa người Mãn và người Hán, chính là nói đến lệ "Mãn Hán bất thông hôn". Điều này xuất phát từ một Dụ chỉ của Từ Hi Thái hậu vào năm Quang Tự thứ 26 được ghi chép trong "Đức Tông Thực lục": "Mãn Hán thần dân... theo thông lệ cũ không được thông hôn. Nguyên nhân là lúc sơ kỳ nhập quan, phong tục tiếng nói, hoặc có nhiều thứ chưa rõ ràng, nên đã ban bố lệnh cấm. Nay lập tức... khai trừ thử cấm... chuẩn kết hôn lẫn nhau, không cần câu nệ"[h].

Mặc dù vậy, các nhà sử học, nhà nghiên cứu liên tục tra khảo các tài liệu văn hiến sớm hơn nhưng hoàn toàn không tìm được bằng chứng cho "lệnh cấm" này trong luật lệ của nhà Thanh. Ngược lại, trong "Thanh sử cảo – Thế Tổ bản kỷ" đã ghi chép lại một dụ chỉ vào tháng 5 năm Thuận Trị thứ 8 (1651): "令满, 汉官民得相嫁娶 – Lệnh quan dân Mãn Hán phải cưới hỏi lẫn nhau".

Theo ghi chép trong "Vinh Hiến lục": "按国制, 皇后诸妃及凡满洲之正室皆不与汉人联姻 – Án theo quốc chế, Hoàng hậu chư Phi cùng với Chính thất của người Mãn Châu đều không cùng "dân nhân" quan hệ thông gia". Nói cách khác, chính thê của "Kỳ nhân" không thể là "Dân nhân", mà nạp thiếp các loại thì tùy ý.

Vì vậy, theo tất cả những nghiên cứu trước mắt, vốn không có lệnh cấm "Mãn – Hán bất thông hôn", mà chỉ có "Kỳ – Dân bất thông hôn". Cũng tức là trong việc kết hôn, "Không hỏi Mãn – Hán, chỉ hỏi Kỳ – Dân"[6]. Mặc dù vậy, những điều này luôn có một số ngoại lệ nhất định. Vào thời Thanh, Kỳ nhân và Dân nhân thông hôn có 2 loại phương thức đặc thù:

  1. Kỳ nam cưới Dân nữ làm thê hoặc thiếp, kết quả là Dân nữ nhập kỳ, cũng có khi sẽ đổi họ sang họ của người Mãn (Điển hình nhất là trường hợp của Thuần Huệ Hoàng quý phi).
  2. Kỳ nữ gả cho Dân nam, kết quả Kỳ nữ thoát ly Kỳ tịch.

Cả 2 loại thông hôn này, từ Thanh sơ đến Thanh mạt, đều rất thường thấy, có thể thấy được giới hạn trong việc hôn nhân này cũng không nghiêm khắc lắm.

Trong cung đình

[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc cho lệ "Kỳ – Dân bất thông hôn" như trên, việc "Hán phi" xuất hiện trong cung đình là một việc không quá hiếm gặp. Hán phi ở đây chính là nói đến những phi tần vốn là "Dân nhân", không hề có hộ tịch Bát kỳ. Bởi theo quan điểm thời Thanh, Bát kỳ còn gọi là Bát kỳ Mãn Châu, tức người có hộ tịch Bát kỳ đều có thể xem là người Mãn Châu; vì vậy xưng hô "Hán phi" là dùng để chỉ người không có hộ tịch, không bao gồm những người thuộc vào Hán quân Bát kỳ.

Việc nạp "Hán phi" vào cung tương đối "thịnh hành" vào thời Thuận Trị, Khang HiCàn Long. Thời Thuận Trị, nổi bật nhất là trường hợp của Khác phi Thạch thị. Năm Thuận Trị thứ 5 (1648), Thuận Trị Đế liên tiếp hạ hai dụ chỉ về việc liên hôn Mãn – Hán (tức Kỳ – Dân), ý tứ là: "Quan Mãn Châu cưới con gái người Hán làm vợ đều báo lại. Còn người thường không cần báo", đặc biệt sau đó Thuận Trị Đế còn tự “thử nghiệm” mà tuyển Hán nữ nhập cung. Khi ấy, Thạch thị từ Loan Châu xứ Hà Bắc được chọn, vào cung phong Phi, sống tại Vĩnh Thọ cung, còn cho phép dùng quần áo người Hán. Điều này cho thấy một bộ mặt phong phú và cởi mở của người Thanh với người ngoại tộc, khác hẳn những gì đại đa số tưởng tượng.

Từ thời Khang Hi, vì quan niệm "môn đăng hộ đối", người Bát Kỳ và dân đen không liên hôn dần thành lệ bất thành văn, cho nên tình huống “quang minh chính đại” nghênh thú Hán phi triều Thanh cũng dần thu hẹp. Một ít hồ sơ trong cung cho thấy, Khang Hi Đế cùng Càn Long Đế, đã thông qua các quan viên địa phương ở Giang Nam mà mua về một số cô gái trẻ, đều con nhà nghèo hèn, vào cung dạy dỗ mà làm Cung nữ tử. Những cô gái ấy lớn lên, liền được mệnh cho Hoàng đế lâm hạnh, trở thành Hậu cung chủ vị. Nhưng do vấn đề về hồ sơ, cũng không rõ ràng xuất thân của các hậu cung chủ vị triều Khang Hi, theo suy đoán mà đại đa số nghi ngờ, thì “Hán phi” triều Khang Hi có Hi tần Trần thị hoặc Tương tần Cao thị, đều có thể là Cung nữ tử người Hán được lâm hạnh.

Trái lại, việc Càn Long Đế nạp Hán phi lại có khá nhiều hồ sơ rõ ràng. Năm Càn Long thứ 40 (1775), ngày 7 tháng 12, Phúc Long An thượng tấu cho Càn Long Đế có nội dung: "Nô tài Phúc Long An cẩn tấu. Ngày 18 tháng này phụng chỉ: Lâm Quý nhân nhập Nội vụ phủ kỳ đương. Khâm thử. Nô tài phụng chỉ, đem điều tra hộ khẩu nhà Lâm Quý nhân, nhập vào Hóa Tề quản lĩnh của Nội vụ phủ Tương Hoàng kỳ làm một người Kỳ thuộc, cùng với các Kỳ dân của kỳ ấy đều tạo kỳ đương"[i].

Vị Lâm Quý nhân này tức là Cung tần Lâm thị, qua đây ta cũng thấy rõ vị Lâm thị này vốn là dân Hán bình thường được “giả mạo hồ sơ” mà làm người Bát Kỳ, thuộc Nội vụ phủ Thượng tam kỳ Bao y. Lại như năm Càn Long thứ 43 (1778), thân thích từ Dương Châu của Minh Quý nhân đi vào Bắc Kinh, tìm đến quan viên Nội vụ phủ, nói mình là “Anh trai của Minh Quý nhân, vì sinh hoạt khốn khó, nay đến mưu cầu chức quan”, vị Minh Quý nhân này chính là Phương phi Trần thị. Đây là những tiêu chuẩn cho khái niệm “Hán phi” mà mọi người thường nhắc đến.

Đến khi Càn Long Đế sắp qua đời, ông yêu cầu quan viên Nội vụ phủ sửa sang “ký lục” lại gia thế các vị Hán phi mà ông đã nạp từ đầu khi cai trị đến nay. Trong hồ sơ ấy có chỉ ra rõ:

Có thể thấy được, Càn Long Đế có ít nhất 5 vị “Hán phi” chắc chắn về xuất thân, trong đó có một vị đạt tới Hoàng quý phi, cũng xem là khó thấy

Như vậy, việc tuyển chọn con gái phía Nam, tìm mọi cách để đưa vào cung, bắt đầu từ triều Khang Hi đến tận triều Gia Khánh mới chấm dứt. Tuy nhiên, do "tác động nội bộ" mà "Hán phi" ngoại trừ Khác phi Thạch thị, còn lại đều "không tồn tại" về mặt chế độ, nhưng lại được "ngầm thừa nhận" tồn tại về mặt thực tế.

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong dân chúng

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Thiên Mệnh thứ 6 (1621), Nỗ Nhĩ Cáp Xích ra lệnh: "Chuẩn cho tám người là Thác Y, Bác Bố Hắc, Tát Cáp Liên, Ô Ba Thái, Nhã Tinh A, Khoa Bối, Trát Hải và Hồn Đại trở thành Sư phó của Bát kỳ", yêu cầu họ "Chuyên tâm dạy dỗ môn khách học trò và thu nhận thêm đệ tử", bắt đầu cho việc đọc sách tiếp nhận giáo dục của con em Bát kỳ.

Năm Thiên Thông thứ 4 (1630), A Mẫn không giữ được thành thì bỏ lại bốn thành mà chạy, trước đó còn ra lệnh cho quân "đồ thành".[j] Hình ảnh này đối nghịch hoàn toàn với việc quân dân nhà Minh thà "ăn thịt người" cũng quyết cố thủ bảo vệ thành trong trận chiến trước với nhà Thanh. Điều này khiến cho Hoàng Thái Cực nhận ra được sự quan trọng của giáo dụ "trung quân", liền ra lệnh "Từ nay, phàm là con em Bát kỳ từ 8 đến 15 tuổi đều phải đọc sách", những người không tuân theo sẽ lấy danh nghĩa "quá nuông chiều" mà xư phạt cha mẹ, người giám hộ của kẻ đó, thậm chí cách chức. Chỉ dụ này đã mở ra thời kỳ "Toàn dân giáo dục bắt buộc" của người dân Bát kỳ. Về sau khi xác lập chế độ, triều đình vì để cổ vũ cho phong trào hiếu học, đã ban thưởng vải vóc cho những con em ham học, chịu đọc sách, thậm chí miễn trừ lao dịch. Từ đó, phong trào hiếu học này càng lúc càng đi lên.

Năm Thuận Trị đầu tiên (1644), sau khi nhập quan, triều đình bắt đầu thiết lập các thư viện dành cho con em Bát kỳ các gia đình đã theo quân nhập quan, lại tuyển thêm các giáo viên Mãn ChâuMông Cổ để dạy học ở các thư viện, mở ra chế độ "Quan học" ở triều Thanh. Tuy nhiên, "Quan học" chưa phải là toàn bộ nền giáo dục của nhà Thành, ngoài ra còn có "Tông học" và "Giác La học" dành cho Tông thất Ái Tân Giác La, lại có "Cảnh Sơn quan học" và "Hàm An cung quan học" dành cho con em Nội vụ phủ Tam kỳ và những nhân tài xuất sắc khác trong Bát kỳ.

Khang Hi ĐếUng Chính Đế lần lượt mở "Cảnh Sơn quan học" và "Hàm An cung quan học" cho con em Nội vụ phủ, phân biệt là 382 vị trí và 90 vị trí, không chỉ được các giáo viên ưu tú trong triều đình giảng dạy mà còn được "bao có công việc" sau khi học hành xong, thông qua khảo hạch mà nhậm các chức vụ, công việc trong triều đình, Nội vụ phủ. Cảnh Sơn quan học có chế độ nhập học tương tự với Quan học, đều là nhập học từ 8–15 tuổi, còn Hàm An cung quan học thì nhập học từ 15–20 tuổi, tương tự với việc học xong tiểu học thì lên trung học hiện nay. Cuối thời Ung Chính, cân nhắc đến vị trí đặc thù của Hàm An cung quan học, Ung Chính Đế đặc biệt hạ chỉ cấp cho mỗi kỳ 10 danh ngạch nhập học, không yêu cầu xuất thân, chỉ cần có tài, được tuyển chọn thì đều sẽ được triều đình dốc lòng bồi dưỡng. Ngay cả Hòa Thân nổi tiếng một thời chính là đã dùng thân phận Tú tài Chính Hồng kỳ thì vào Hàm An cung quan học.

Năm Càn Long thứ 3 (1738), Đại thần chịu trách nhiệm quản lý Quốc tử giám là Tôn Gia Cam tấu lên Càn Long Đế, về việc định ra ba năm đầu của việc học là ba năm "cơ sở", học sinh chủ yếu các kiến thức cơ sở, trọng điểm tập trung vào giảng giải và kiểm tra kinh thư, sau ba năm lại căn cứ vào tình hình thực tế của học sinh mà phân ra Hán văn quán, Mãn Châu quán hay Mông Cổ quán tiếp tục được bồi dưỡng chuyên nghiệp.

Thời gian học tập và nghỉ ngơi trong Quan học cũng thay đổi theo mùa hạ và mùa đông, mùa hạ bắt đầu từ tiết Đoan Ngọ, mỗi ngày giờ Mẹo (5 giờ sáng) đến trường, giờ Mùi (1 giờ chiều) tán học, mùa thu bắt đầu từ Trung Thu, mỗi ngày giờ Thìn (7 giờ sáng) đến trường, giờ Thân (3 giờ chiều) tan học.

Trong các Vương phủ

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngoại trừ Quan học dành cho con em Bát kỳ thông thường, trong nội bộ gia tộc Ái Tân Giác La cũng thiết lập "Tông học" cho con em Tông thất và "Giác La học" cho con em Giác La. Về cơ chế không khác mấy so với Quan học. Tuy nhiên, thực tế thì Tông học thường chỉ có con em của "Nhàn tản Tông thất" đến học, toàn bộ học phí đều do triều đình cung cấp. Còn lại trong các Vương phủ, hầu hết tất cả đều lập "Gia thục" (có thể xem là một trường học nhỏ tại nhà) hoặc mời thầy giáo về dạy. Theo nhà nghiên cứu Quất Huyền Nhã, hiện nay chưa thấy hồ sơ nhắc đến việc các Vương phủ đưa con em đến Tông học để học tập.

Trước khi chính thức đi học, thường thì các trẻ con trong phủ sẽ được dạy vỡ lòng trước, nhận biết một số mặt chữ. Việc dạy vỡ lòng này hầu hết đều do các nữ trưởng bối trong nhà đảm nhiệm, như mẹ, bà nội hoặc cô; cũng có lúc là giao cho anh trai hoặc chị gái dạy; thậm chí thời Vãn Thanh còn có trường hợp do Thái giám dạy.

Tương tự như Quan học, đến khoảng năm 8 tuổi, tất cả trẻ con trong Vương phủ sẽ chính thức đi học. Nơi học tập ở mỗi vương phủ đều được đặt ở Thư phòng hoặc Tiểu thư phòng trong phủ, trên giấy tờ thì gọi là "Gia thục". Thời gian học trong Gia thục không được quy định chung mà sẽ tùy tình hình mỗi phủ sẽ có những quy định khác nhau, nhưng thường đều là buổi sáng học đến giữa trưa, sau đó lại học thêm một phần vào buổi chiều. Như Thuần vương phủ học từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, lại tiếp tục học từ 1 giờ chiều đến 4 giờ chiều. Không như chế độ có ngày nghỉ trong tuần hiện nay, ngày nghỉ trong các vương phủ chỉ rơi vào những ngày lễ như Thanh minh, Đoan ngọ, Trung thu,... Có lúc được nghỉ cả ngày, có lúc chỉ được nghỉ nửa ngày. Ngoài ra còn có nghỉ đông, thường đều bắt đầu vào khoảng trước sau ngày 20 tháng chạp và kết thúc vào trước sau ngày 20 tháng giêng năm sau. Tuy nhiên, trong các kỳ nghỉ đều sẽ có "bài tập về nhà". Mặc dù vậy, tùy theo từng phủ mà có ngày nghỉ thường nhật, có phủ được nghỉ vào ngày 5 (tức ngày 5, 15, 25), có phủ được nghỉ vào ngày 10 (10, 20, 30).

Quá trình đi học mỗi ngày thường là các thầy dạy sẽ đến sớm một ít, sau đó các chủ nhân nhỏ sẽ đến. Sau khi vào cửa, các học sinh sẽ phải chắp tay thi lễ với bài vị Khổng Tử, sau đó lại thi lễ với thầy dạy, sau đó mới bắt đầu học. Đến giữa trưa thì nghỉ ngơi ăn uống, thức ăn của các thầy dạy đều do vương phủ cung cấp, sau khi nghỉ ngơi thì bắt đầu giờ học buổi chiều.

Về thầy dạy, bình thường đều chia thành "Hán văn Lão sư" và "Mãn văn Am đạt". Đôi khi "Mãn văn Am đạt" và "Mãn văn Lão sư" là 2 người khác nhau, nên thông thường sẽ có từ 2 đến 3 thầy dạy. Hán văn Lão sư bình thường đều là người nổi danh trong xã hội, chính là các văn học danh sĩ đương thời, nhưng đa số không phải quan liêu, mà đều là do các quan viên có quan hệ tốt đề cử đến. Mãn văn Lão sư chính là dạy Mãn văn cùng Mãn ngữ, còn Mãn văn Am đạt dạy cưỡi ngựa bắn cung. Ở một số phủ, Mãn văn Lão sư và Mãn văn Am đạt là do cùng một người kiêm nhiệm, một số phủ khác thì là 2 người. Nhưng bất kể là Mãn văn Lão sư hay Mãn văn Am đạt, bình thường đều là người thân thuộc của phủ hoặc thuộc nhân.

Về nội dung học tập, mỗi thầy dạy sẽ có những mục phụ trách riêng.

  • Do Hán văn Lão sư dạy sẽ có:
  1. Chữ (Tự): nhận chữ, luyện chữ (bao gồm tiểu Khải, đại tự, tập viết theo mẫu chữ,….)
  2. Kinh thư: chính là Tứ thư Ngũ kinh
  3. Tiểu học: từ lý giải các “Tự” đến các loại điển cố, điển tích.
  4. Sách sử: như Thông Giám, Tiền tứ sử,…
  5. Văn nghệ: như thi từ, câu đối
  6. Đặc thù: tùy từng phủ, có phủ sẽ học về Thánh huấn các loại
  7. Thư tịch cho trẻ con: có phủ chỉ nhập học 1 quyển rồi chuyển sang kinh thư rồi
  • Do Mãn văn Lão sư dạy sẽ có:
  1. Mãn văn: nhận, đọc, viết
  2. Phiên dịch: Hán dịch sang Mãn, Mãn dịch sang Hán
  3. Giao tiếp bằng tiếng Mãn
  • Do Mãn văn Am đạt dạy sẽ có:
  1. Cưỡi ngựa
  2. Tập võ

Ngoài ra, tùy thói quen mỗi phủ mà nội dung dạy cũng bất đồng, thời Vãn Thanh còn có phủ dạy Anh văn. Mãn văn Am đạt chủ yếu là dạy “Khóa thể dục”, cưỡi ngựa bắn tên, thậm chí là mang các chủ nhân nhỏ ra ngoài leo núi. Tuy nhiên, chương trình học trong mỗi phủ cũng không giống nhau. Có phủ mỗi ngày đều sẽ có giờ học Mãn ngữ văn, nhưng thể dục thì lâu lâu mới có một buổi. Có phủ lại mỗi ngày đều có nửa canh giờ để học kéo cung,...

Tương tự như việc học hiện nay, việc học trong vương phủ cũng có việc kiểm tra. Trong ghi chép của Phổ Kiệt có nhắc đến, chiều nào sau khi tan học, ông cũng phải đi thỉnh an mẫu thân. Sau đó thì nộp công khóa trên lớp lên, học là đọc bài học thuộc lòng. Trên công khóa cũng sẽ có ngoắc ngoắc xoa xoa (ý chỉ các đường đánh dấu, gạch chéo) để chỉ đúng sai, Phổ Kiệt nói: “Đọc không trôi chảy, liền sẽ nhận được phê bình không chịu học bài cho tốt, thậm chí có thể bị lớn tiếng trách cứ. Nếu vòng tròn đỏ quá ít, cũng sẽ bị nghiêm khắc răng dạy” (vòng đỏ chính là dấu √ thời bây giờ).

Việc đi học sẽ kéo dài trong nhiều năm, thời gian hoàn toàn chấm dứt tùy thuộc vào từng phủ, từng người. Nữ sẽ kéo dài đến khi đính hôn hoặc kết hôn thì chấm dứt, nam thì thường chấm dứt khi đến tuổi kết hôn hoặc bắt đầu làm việc. Nhà Thanh hầu hết đều đính hôn vào khoảng 15 tuổi, trễ hơn thì khoảng 17–18 tuổi.

Trong quá trình đi học, ngoại trừ các chủ nhân là đối tượng chính, còn có các "thư đồng" thường được nhắc đến trong các tác phẩm văn hóa giải trí. Tuy nhiên, ghi chép của nhà Thanh về "Thư đồng" tương đối hỗn loạn. Như Duệ vương phủ không hề có thư đồng, các A ca đi học phải tự mình cầm cặp sách. Về phần Thuần vương phủ mặc dù nói có 2 thư đồng trong Thư phòng, tuy nhiên lại là "lão thư đồng", khác biệt rất lớn so với hình tượng "Thư đồng" là "bạn học cùng đọc sách" trong suy nghĩ nhiều người hiện nay. Ở một số phủ khác thì Thái giám đắc lực sẽ đảm nhiệm luôn phần thư đồng, một số lại là do con em hạ nhân trong phủ đảm nhiệm. Tùy theo mỗi phủ mà có những tình huống khác nhau.

Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng "nhà Thanh trọng nam khinh nữ", các Cách cách trong các vương phủ cũng được phép đi học như các A ca, thậm chí như Thuần Vương phủ thì tất cả Cách cách A ca đều học chung một nơi là Nhâm Chân đường, một số phủ khác thì Cách cách sẽ có nơi học riêng. Nhà Thanh hoàn toàn không có quan niệm "Nữ tử không tài chính là đức", bắt buộc phụ nữ chỉ được học các loại sách như "Nữ huấn" hoặc chỉ học may vá các loại. Những thứ như "Nữ huấn" đều là do những tác phẩm phóng tác trên đề tài Thanh cung khuếch đại lên gây lầm tưởng cho nhiều người. Mặc dù phụ nữ trong Vương phủ nhà Thanh cũng sẽ theo "Tam tòng tứ đức", cũng sẽ học may vá, nhưng hoàn toàn không phải chú trọng quá nhiều, bởi thân phận của họ đã định sẵn họ sẽ không tốn quá nhiều thời gian trong các công việc này. Thậm chí, thông qua lời kể của hậu duệ cua Duệ vương phủ, các Cách cách trong phủ thậm chí có người hoàn toàn không có khái niệm "Nữ công"

Ngược với suy nghĩ của nhiều người hiện đại, trình độ văn hóa của Tông nữ nhà Thanh tương đối cao. Từ Thanh sơ, liền đã có Tông thất nữ Thi nhân. Như tác giả của “Lan Hiên thi” là Lan Hiên chủ nhân (兰轩主人) – cháu nội của Thư Nhĩ Cáp Tề, tác giả của “Mộng Hoa Các thi” là Tương Sầm (湘岑) – tằng tôn nữ của Doãn Kỳ, còn có Huyện quân – cháu nội của Nhạc Lạc, và con gái của Tông thất là Dưỡng Dịch Trai Học Nhân (mẹ chồng của Lan Hiên chủ nhân). Đến Vãn Thanh, ý thức đối với giáo dục nữ tính bắt đầu hình thành trong xã hồi, bắt đầu xuất hiện “Nữ học”, trong đó phần lớn đều là do con gái hoặc vợ cả của các Tông thất đứng ra lập nên. Thập chí có cả các nàng tự mình dạy học.[7]

Suy thoái và tan rã

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuy vậy cuối cùng đạo quân này cũng lại gặp phải bi kịch của đại quân Mông Cổ, đó là sức chiến đấu ngày càng giảm đi sau khi giành được thiên hạ. Những nguyên nhân có thể kể ra như:

  • Sau khi chiếm lĩnh được Trung Nguyên, Nhà Thanh bố trí Bát kỳ Mãn Châu làm quân đồn trú tại các địa phương để ngăn chặn sự nổi dậy của dân chúng. Điều này đẩy nhanh quá trình Hán hóa, và chỉ sau mấy chục năm hòa bình và hiếm khi thao luyện trên chiến trường, Bát kỳ Mãn Châu dần mất đi khả năng chiến đấu.
  • Quân Bát kỳ thực hiện chế độ cha truyền con nối, cả nhà đời đời nối nhau tham gia quân ngũ, cha là lính Bát kỳ thì các con trai cũng sẽ là lính Bát kỳ, không tuyển thêm người ngoài. Vì thế, một đứa trẻ sơ sinh cũng đã là một người lính Bát kỳ và được trả lương, dẫu rằng sau này lớn lên nó chẳng hề được huấn luyện quân sự và chẳng biết gì về việc tác chiến. Qua mấy thế hệ không gặp chiến tranh, tinh thần thượng võ trong các gia tộc quân nhân dần giảm sút, con cháu phải lo mưu sinh nên trình độ huấn luyện, tinh thần chiến đấu cũng ngày càng kém đi so với cha ông. Ngoài ra, do sinh đẻ thời đó khó kiểm soát nên nhân khẩu của Bát kỳ ngày càng tăng, Giữa thời Gia Khánh, tráng đinh người Mãn trong Bát kỳ có ước khoảng 50 vạn người, nếu như tính cả già trẻ và nữ giới thì có 150 vạn người, tăng thêm rất nhiều so với thời kỳ đầu triều Thanh. Bộ máy ngày càng cồng kềnh, chi phí lương bổng ngày càng nhiều lên khiến chi phí cho huấn luyện, mua sắm vũ khí ngày càng ít đi.
  • Mặt khác, lương bổng quá thấp khiến việc tuyển mộ khó khăn và tạo ra hiện tượng lính ma, lính kiểng, việc chạy chức, chạy quyền các chức vụ chỉ huy trong Lục doanh đã xảy ra. Vì vậy phẩm chất tướng lãnh xuống thấp và nạn lính ma tăng cao. Các binh sĩ và chỉ huy đều không quan tâm tới việc huấn luyện mà chỉ chăm chú vào việc lao động kiếm tiền. Quan binh tham nhũng, ăn chặn lương bổng khiến binh sĩ mang tâm lý bất mãn đối với triều đình, không muốn liều mạng đổ máu cho triều đình và quan lại, khi có chiến sự chỉ lo bảo toàn tính mạng, hiếm khi xung phong hãm trận.
  • Quân Bát kỳ vẫn duy trì trang bị, lối huấn luyện giống như hồi giữa thế kỷ 17. Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, súng cầm tay và đại bác dần trở nên phổ biến, nhưng quân Bát kỳ vẫn tiếp tục duy trì chiến thuật kỵ binh và bắn cung như trước kia. Đến đầu thế kỷ 19 thì trang bị, chiến thuật của quân Bát kỳ đã trở nên lạc hậu, thậm chí còn kém hơn so với quân đội một số nước láng giềng chứ chưa nói tới quân đội các nước tư bản tiên tiến ở châu Âu. Danh tướng Phúc Khang An thời Càn Long – Gia Khánh từng dâng sớ cảnh báo: "Trận thế của quân Lục doanh xưa nay, chỉ là các thức lưỡng nghi tứ tượng, vuông tròn. Đây đều là các trận thế được truyền lại từ tiền triều, bắt chước như cũ. Bình thường thao duyệt tuy đáng xem nhưng khi lâm trận chiến đấu lại không thực dụng".
  • Đến đầu thế kỷ 19 thì Trung Quốc còn gặp họa thuốc phiện do phương Tây đưa vào. Nhiều tướng sỹ nghiện thuốc phiện, thể chất và trí lực trở nên yếu ớt, bệnh hoạn, không còn sức chiến đấu khi ra trận. Lâm Tắc Từ từng dâng tấu cho vua Đạo Quang nói về tác hại của thuốc phiện: “Thuốc phiện nếu không cấm tuyệt, thì nước mỗi ngày một nghèo, dân mỗi ngày một yếu; chỉ hơn chục năm sau, nước nhà không còn quân mạnh để ngự địch, không có bạc nén để lo quân lương”.

Bát kỳ Mãn Châu đã nhanh chóng thoái hóa, tốc độ thoái hóa còn nhanh hơn quân đội Mông Cổ mấy lần. Ngay từ năm 1657, vua Thuận Trị đã than phiền là quân Bát kỳ bị tụt giảm lớn về chất lượng, không sánh được với thời kỳ trước. Đến nửa cuối thế kỷ 17, đạo quân này về cơ bản đã biến thành kiêu binh. Chiến dịch đánh Đài Loan, chống loạn Tam phiên và bình Khiết Đan, Mông Cổ về cơ bản đều do quân Lục doanh người Hán gánh vác.[8] Và chỉ sau một thời gian thanh bình, Lục doanh cũng thoái hóa và mất dần khả năng quân sự và kỷ luật. Chất lượng quân đội nhà Mãn Thanh vào đầu thế kỷ 18 đã xuống dốc nghiêm trọng so với thời lập quốc.

Đến thời Càn Long, quân Bát kỳ đã trở nên rất suy thoái, hữu danh vô thực. Năm 1784, Càn Long đến Hàng Châu xem thao diễn quân sự, quân Bát kỳ ở đó bắn tên hầu hết bị trượt, có người cưỡi ngựa không vững bị té xuống đất. Trong Khởi nghĩa Bạch Liên giáo (1795), quân đội nhà Thanh mà nòng cốt là Bát kỳ Mãn Châu đã tỏ rõ sự xuống cấp nghiêm trọng về tác chiến. Họ phải điều động mấy chục vạn quân từ 16 tỉnh để trấn áp cuộc nổi dậy, hơn 10 võ quan cao cấp như Đề đốc, Tổng binh và hơn 400 võ quan trung cấp từ Phó tướng trở xuống tử trận[9] Chưa nói việc tác chiến mà ngay cả việc hành quân đường núi cũng đã là điều khó nhọc với binh sỹ Bát kỳ, trong 2 ngày họ chỉ đi được 70 dặm đường (khoảng 35 km). Trong chiến dịch Xuyên Sở, sách sử ghi lại xét chư tướng tụ tập ăn uống, vốn thâm hụt một khoản lớn, như cua cá hải sản 30, 40 loại, còn chi phí khao thưởng cho cấp dưới thì không tính nổi. Phàm những nơi màu mỡ, các chợ búa đầy ngọc ngà gấm lụa thì việc biếu xén, hối lộ, đánh bạc,… phung phí như bùn đất.[10] Bởi sự hủ bại không thể cứu vãn của các lực lượng chính quy Bát kỳ, Lục doanh, nhà Thanh buộc phải dựa vào binh sĩ địa phương để trấn áp cuộc khởi nghĩa.

Đến thời Đạo Quang, nhà vua từng thao duyệt hỏa khí doanh Bát kỳ ở kinh sư, là binh chủng chuyên về hỏa khí khi đó, trước giờ vẫn xưng là tinh hoa của Bát kỳ, kết quả là đa phần đại pháo bắn không trúng bia, đạn thì có viên bay nửa chừng rớt xuống đất. Quân Thanh giữ Sơn Hải quan bị thiếu hụt đại pháo giữ ải, phải lấy pháo cũ đã bỏ đi từ thời nhà Minh 200 năm trước đó để dự phòng. Vào giữa thế kỷ 19, các nước phương Tây đã bắt đầu dùng các loại vũ khí tân tiến như súng trường có rãnh xoắn, súng liên thanh, lựu đạn và địa lôi. Nhưng quân Thanh trong Chiến tranh Nha phiến 1840 vẫn tiếp tục dùng súng điểu thương, giáo gươm, cung tên giống như hồi thế kỷ 17.

Trong Chiến tranh nha phiến năm 1841, quân Anh chỉ điều động hơn 2 vạn người, còn nhà Thanh đã điều động tới hơn 10 vạn quân trú phòng ở các tỉnh, các tỉnh duyên hải còn chiêu mộ một số lượng lớn hương dũng để bố phòng, hao tổn hết hơn 20 triệu lạng bạc, vậy mà không thắng nổi một trận lớn nào. Chiến tranh nha phiến càng bộc lộ sự hủ bại của quân đội nhà Thanh: tuy xuất hiện một số gương tướng lĩnh trung quân ái quốc, quên mình hy sinh vì nước như Lâm Tắc Từ, Quan Thiên Bồi, nhưng về đại thể thì năng lực của đa số tướng soái đều tầm thường, nhiều nơi binh sỹ thấy địch thì tháo chạy.

Ngoài quân Bát kỳ là người Mãn Châu, còn có quân Bát kỳ là người Mông Cổ. Họ vẫn sống trên thảo nguyên, không di cư vào Trung Quốc nên không bị Hán hóa và vẫn còn giữ được khả năng chiến đấu lâu dài hơn Bát kỳ Mãn Châu. Nhưng tới cuối thời Càn Long (cuối thế kỷ 18) thì lực lượng này cơ bản cũng đã suy thoái, đội quân này bị đánh bại trong một chiến dịch đánh khởi nghĩa Niệp quân (Nian Army) vào thập niên 1860.

Trong Khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc (1851), quân Bát kỳ và Lục doanh đã quá hủ bại nên liên tục bại trận. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, quân Thái Bình Thiên quốc đã chiếm được hơn 16 tỉnh, 600 thị trấn... làm triều đình nhà Thanh lung lay đến tận gốc rễ. Tháng 3 năm 1853, quân nổi dậy chiếm được thành phố quan trọng phía Nam của nhà Thanh là Nam Kinh. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, lực lượng viễn chinh của Thái Bình Thiên Quốc xâm nhập về phía bắc tới tận các vùng ngoại ô Thiên Tân (天津), áp sát thủ đô Bắc Kinh của nhà Thanh.

Nhà Thanh phải chấp nhận nhiều đội quân "Dũng binh" kiểu mới ra đời để cứu vãn như Tương quân của Tăng Quốc Phiên, Sở quân của Tả Tông Đường, Hoài quân của Lý Hồng Chương và đạo quân đánh thuê nước ngoài Thường Thắng quân. Súng trường được du nhập vào Trung Hoa do Thường Thắng quân của F. T. Ward và C. G. Gordon chỉ huy hồi thập niên 1860 khi họ giúp triều đình chống lại quân Thái Bình Thiên Quốc nhưng chưa được trang bị (đại trà) cho quân đội Trung Hoa. Hoài quân (Huaijun) của Lý Hồng Chương có lẽ là lực lượng đầu tiên dùng các vũ khí mới này vào đầu thập niên 1860. Tuy nhiên, mãi đến thập niên 1880 súng trường mới là vũ khí tiêu chuẩn cho quân đội Trung Hoa. Bát kỳ và Lục doanh quân làm lãng phí các nguồn tài nguyên cần thiết cho bộ máy hành chính của nhà Thanh nên dần biến mất, từ thập niên 1870 các cơ cấu Dũng binh trên thực tế đã trở thành lực lượng số một của nhà Thanh.

Tương quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Việc quản lý các Ngưu lục trong Kỳ

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Biên chế cơ bản của Bát kỳ, mỗi Kỳ được cấu tạo từ Tá lĩnh < Tham lĩnh < Kỳ. Về phương diện khác, Bát kỳ còn được xem là "tài sản riêng" của Hoàng tộc, vì vậy mỗi Kỳ đều có các "Chủ nhân" là các Tông thất Vương công. Các chủ nhân này đều xuất thân Hoàng thất, và bắt buộc đều phải thuộc diện “Nhập bát phân công”, gồm 6 tước bậc là Thân vương, Quận vương, Bối lặc, Bối tử, Trấn quốc côngPhụ quốc công. Như trong một Kỳ, một Thân vương sở hữu 10 Ngưu lục, một Quận vương sở hữu 5 Ngưu lục, một Bối lặc sở hữu 3 Ngưu lục và một Trấn quốc công sở hữu 2 Ngưu lục, vậy thì 4 người trên đều là "Lĩnh chủ" (领主) của Kỳ đó, Thân vương sở hữu nhiều nhất thì trở thành Lĩnh chủ lớn nhất, tức Kỳ chủ (旗主).

Khác với chế độ phong Vương phân đất trong những thời kỳ trước, Tông thất Vương công thời Thanh không có đất phong như thời Hán. Thay vào đó, họ có quyền quản lý các "Ngưu lục", trở thành "Chủ nhân" của tất cả những người thuộc biên chế của Ngưu lục đó. Đầu thời nhà Thanh, thế lực của các Kỳ chủ rất lớn cũng bởi chế độ này, họ có toàn quyền khống chế Kỳ mình nắm giữ, thậm chí như Đa Nhĩ Cổn nắm giữ thế lực hai Bạch kỳ tương đương với Hoàng đế nắm giữ hai Hoàng kỳ. Đây cũng là lý do khiến các Hoàng đế nhà Thanh về sau tận lực thu hồi quyền khống chế Kỳ từ tay các Kỳ chủ.

Chế độ phân phong và Kỳ phân của Tông thất

[sửa | sửa mã nguồn]

Chế độ Bát Kỳ về thực chất là quan hệ "chủ – bộc" trực tiếp của Kỳ chủ – Lĩnh chủ (những chủ nhân của Ngưu lục) và những người thuộc Kỳ (chịu sự quản lý của Ngưu lục). Trong Bát Kỳ, chủ nhân của Thượng tam kỳ là Hoàng đế, cũng đồng nghĩa với việc tất cả Ngưu lục của Thượng tam kỳ đều thuộc về Hoàng đế. Vì vậy trong Thượng tam kỳ không có Nhập bát phân công. Ngược lại, các Ngưu lục trong Hạ ngũ kỳ sẽ do các Nhập bát phân công làm chủ.

Khi một vị Nhập bát phân công được phong tước, ông ta sẽ được [Nhập kỳ; 入旗], tức là phân ra Hạ ngũ kỳ. Như một Hoàng tử A khi được phong tước Thân vương, được xét đến Chính Lam kỳ làm “Lĩnh chủ”, thì sau đó sẽ được phân Ngưu lục trong Chính Lam kỳ, sau khi nhập kỳ thì hậu duệ về sau đều mang Kỳ tịch này. Đây chính là nguyên nhân từ thời Thuận Trị về sau, Tông thất đều là người của Hạ ngũ kỳ, hậu duệ đều mang Kỳ tịch của Hạ ngũ kỳ.

12 vị Thiết mạo tử vương đời Thanh đều ở Hạ ngũ kỳ:

Việc một Tông thất được phân vào Kỳ nào đều do Hoàng đế quyết định. Trình tự việc này thường là, khi một Hoàng tử được phong Vương, Tông Nhân phủ sẽ đệ trình báo cáo, xem trong Hạ ngũ kỳ, Kỳ nào có số lượng Ngưu lục tương đối nhiều, thích hợp phân phong, rồi Hoàng đế sẽ dựa vào báo cáo đó quyết định Hoàng tử ấy sẽ nhập Kỳ nào. Khi vị Hoàng tử Vương này nhập Kỳ, chính mình sẽ là người của Kỳ ấy, con cháu về sau cũng đều mang Kỳ tịch này vĩnh viễn.

Một ví dụ cho việc này là Đạo Quang Đế phân cho hai người em là Miên Khải, Miên Hân nhập kỳ. Chỉ dụ nói rõ: [Đôn Thân vương Miên Khải, ở Tương Bạch kỳ. Thụy Thân vương Miên Hân, ở Tương Hồng kỳ]. Thẳng đến cuối đời Thanh, Đôn vương phủ vẫn là “Tả dực cận chi Đệ nhất tộc Tương Bạch kỳ nhân”, còn Thụy vương phủ vẫn là “Hữu dực cận chi đệ nhất tộc Tương Hồng kỳ nhân”.

Việc người Bát kỳ xưng "Nô tài"

[sửa | sửa mã nguồn]

Một trong những điểm khác biệt giữa nhà Thanh và các triều đại khác là vấn đề xưng hô "Nô tài". Nhiều người cho rằng, xưng hô này thể hiện sự hèn mọn hoặc xuất thân thấp của người nói, tuy nhiên điều này lại không phù hợp với quan điểm của nhà Thanh. Chế độ Bát kỳ là một chế độ cấu thành rất phức tạp, căn cứ theo tập quán trước lúc nhập quan, bên trong giai cấp cấu thành vốn có quan hệ cấp trên – cấp dưới trực tiếp. Trước mặt "Cấp trên" thì "cấp dưới" đều tự xưng “Nô tài”. Nhưng mà, cũng không phải nói là lúc nào cũng phải xưng “Nô tài”. Xét tổng thể, trong tấu chương của người Bát kỳ thời Thanh, có 2 loại tự xưng:

  • “Thần” (臣), Mãn văn là “Amban”
  • “Nô tài” (奴才), Mãn văn là “Aha”

Hai cái này đối ứng một cách nghiêm khác, nếu bản tiếng Hán là “Nô tài” thì bản tiếng Mẫn buộc phải là “Aha”. Nhưng lúc nào sử dụng “Thần”, lúc nào sử dụng “Nô tài”, ngoài bởi vì điều kiện sử dụng mà còn bởi vì thời kỳ khác nhau mà có sự khác nhau. Vấn đề này có thể tương đối chia làm 5 thời kỳ.

1. Thời kỳ không biết xưng như thế nào (trước khi nhập quan)

Bởi vì tư liệu trước nhập quan quá phức tạp, hơn nữa còn là tư liệu dịch qua tay nhiều người[k], vì vậy thời kỳ quan ngoại, Mãn – Hán thần xưng như thế nào rất khó để chắc chắn. Tuy nhiên, bất kể như thế nào thì thời kỳ này việc xưng hô tương đối tùy ý, đặc biệt là đối với Hán thần[l].

Đầu tiên nói về Hán thần. Căn cứ theo hồ sơ trước khi nhập quan, xưng "Thần" tương đối thường thấy, thậm chí còn xưng "Ngã" (ta, tôi), đặc biệt là vào thời Hoàng Thái Cực, việc xưng hô cực kì loạn.

Mặt khác, xưng hô của Kỳ nhân cũng phức tạp không kém. Trước khi nhập quan, Hoàng Đế vẫn chưa có thân phận "Bát kỳ cộng chủ", vì vậy việc Kỳ nhân xưng "Thần" (amban) hay "Nô tài" (aha) đương nhiên cũng sẽ khác với sau này. Thời kỳ này, tình trạng xưng Nô tài với Kỳ chủ của mình và xưng Thần với Kỳ chủ khác tương đối phổ biến. Tuy nhiên, tình huống người thuộc Hoàng kỳ (do đích thân Đại Hãn thống lĩnh) lại xưng "Thần" với Hãn vương thực sự cũng từng có. Nói một cách dễ hiểu, Nô tài là xưng hô để thể hiện là "cấp dưới trực tiếp", thể hiện sự thân cận đối với cấp trên. Người Bát kỳ sẽ xưng "Nô tài" với cấp trên trực tiếp của mình và xưng "Thần" với những cấp trên khác.

2. Thời kỳ dần hình thành thông lệ (thời Thuận TrịKhang Hi)

Sau khi nhập quan, các chế độ của nhà Thanh từng bước được thành lập, trong vấn đề Thần tử tự xưng tuy chưa có quy định chính thức nhưng cũng đã bắt đầu hình thành thông lệ.

Lệ của Hán nhân tương đối loạn, giai đoạn này chủ yếu xưng "Thần" , nhưng cũng có ngoại lệ chính là quan Võ. Theo những hồ sơ về Hán thần trước mắt về thời Thuận Trị và Khang Hi, trong tấu chiết của quan Võ thì hơn một nửa là xưng "Nô tài". Lệ này có lẽ bắt đầu hình thành trong giai đoạn này, về sau Càn Long Đế cũng từng dẫn ra.

Còn lại những người Bát kỳ khác, vẫn không hề có một quy chuẩn cụ thể nào, việc xưng hô thời kỳ này vẫn cực kỳ hỗn loạn. Có một ví dụ như này, lúc Ung Chính vẫn còn là Ung Thân vương, từng gửi cho Niên Canh Nghiêu một bức thư, trong đó có đoạn sau: "Huống tại Triều đình xưng quân thần, tại bản môn xưng chủ bộc, vì từ Thân vương, Quận vương, Bối lặc, Bối tử đến Công ai cũng xưng Chủ tử, nô tài, đã thành thông hành thường lệ"[m].

Có thể thấy được vào thời kỳ này, khác nhau giữa "Bản chủ" (Kỳ chủ của mình) và "Cộng chủ" (Chủ nhân chung, tức Hoàng Đế) vẫn tương đối rõ ràng, vì vậy xưng hô đối với Bản chủ và đối với Hoàng Đế vẫn khác nhau. Từ hồ sơ trước mắt mà những nhà nghiên cứu như Từ Quảng Nguyên, Quất Huyền Nhã tra được thì thời Thuận TrịKhang Hi chỉ hình thành nên khuynh hướng về thông lệ này.

3. Lệ cũ bị phá vỡ (thời Ung Chính)

Năm Ung Chính nguyên niên (1723), Ung Chính Đế hạ một đạo thượng dụ "Phàm là tấu chương xưng Thần, xưng Nô tài, đều là từ của hạ thần, không nên viết khác nhau. Từ nay về sau liền dùng một chữ Thần để viết"[n]. Nguyên do tại sao lại xuất hiện đạo dụ này thì đến nay vẫn không rõ. Nhà sử học Dịch Trung Thiên (易中天) cho rằng Ung Chính đế muốn xây dựng một loại "Quan hệ Quân thần lý tưởng hóa". Nhưng đây chỉ có thể dùng để tham khảo.

Bất kể như thế nào, đạo chỉ dụ này của Ung Chính đã phá vỡ thói quen thông lệ đang dần hình thành thời Thuận – Khang, dần dần hình thành thói quen mới. Hán thần từ trước hầu hết đều xưng Thần. Còn về Mãn thần, trên thực tế, trong các tấu chiết thời Ung Chính vẫn xuất hiện Mãn thần xưng Nô tài, phần lớn là tấu chiết thỉnh an và tấu chiết của quan viên Nội vụ phủ[o].

4. Thời kỳ nhắc lại lệ cũ và hình thành chế độ (thời Càn Long)

Sau khi Ung Chính qua đời, Càn Long Đế kế vị, dần dần khôi phục sự khác nhau trong việc xưng hô của thần tử. Năm Càn Long thứ 23 (1758), tháng 2, Càn Long Đế dụ: "Mãn Châu đại thần tấu sự, xưng Thần, xưng Nô tài, tự dạng bất nhất. Truyền dụ tư nay về sau, ban hành công sự triệp tấu, xưng Thần. Thỉnh an, tạ ân, tầm thường triệp tấu, nhưng xưng Nô tài. Để bảo tồn thể chế cũ của Mãn Châu"[p].

Năm thứ 38 (1773), Càn Long Đế dụ: "(Công chiết của Hán thần và Mãn thần) Võ quan dù quan đến Đề đốc cũng đều xưng Nô tài, đây là định lệ từ trước tới nay"[q].

Từ đây, cách xưng hô "Thần" và "Nô tài" chính thức hình thành định lệ.

  • Mãn thần: Việc công xưng Thần, việc tư xưng Nô tài.
  • Hán thần: tất cả đều xưng Thần
  • Quan võ: tất cả đều xưng Nô tài

Chế độ này được thực hiện đến thời Vãn Thanh. Mặc dù trên thực tế cũng có vài ngoại lệ

5. Thời kỳ "Hoa nhất" cuối thời Thanh

Thời kỳ "Hoa nhất" thực sự không dài. Vốn là từ thời Quang Tự đã có người đề nghị nhưng không thành. Về sau, năm Tuyên Thống thứ 2 (1910), Phổ Nghi dụ Nội các: "Trong lúc chuẩn bị Lập hiến, là lúc thích hợp gạt bỏ thành kiến, làm phai đi sự khác nhau. Từ nay về sau, trong ngoài Mãn Hán Văn Võ chư thần dâng tấu tất thảy đều xưng Thần, từ đây tạo ra một Đại Đồng"[r].

Mặc dù nhìn trên bối cảnh của nhà Thanh thời bấy giờ, đạo dụ chỉ này đã không còn tác dụng thực tế.

Nhìn chung, bởi sự phức tạp của chế độ Bát kỳ, cộng thêm sự khác biệt văn hóa vốn có giữa người Mãn Châu (dân tộc thiểu số nhưng nắm quyền thống trị) và người Hán (dân tộc chiếm số đông nhưng lại là tầng lớp bị cai trị), dẫn đến việc xưng hô này cũng như những vấn đề khác trong xã hội, đều rất phức tạp, trải qua nhiều sự thay đổi. Dù đã có nhiều dụ chỉ về việc xưng hô của Hán thần, tuy nhiên việc Hán thần xưng Nô tài rất nhiều.


Đối với Mãn thần những lúc vốn phải xưng "Nô tài" mà lại đi xưng "Thần" thì chính là "Thượng dụ Toàn quốc thông cáo phê bình" (Ban bố thông báo phê bình toàn quốc, loại phê bình này đến cuối thời Quang Tự vẫn còn). Cách chức điều tra, vĩnh viễn không được bổ nhiệm nữa, đày đi sung quân,.... Đây được xem là tội lớn đối với người Bát kỳ. Nhưng ngược lại đối với Hán thần, cho dù là trước hay sau khi có định chế, việc xưng hô sai cũng thường đều được bỏ quan, thể hiện sự rộng rãi của Hoàng Đế đối với người Hán[11].

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Quân Bát kỳ đóng ở các tỉnh thường trên 2000 người, đứng đầu là Tướng quân, tổng cộng 13 vị, đều Tòng Nhất phẩm. Chức Đô thống và Tướng quân trú phòng đều do các Vương công Tông thất hoặc các đại thần thân tín của Hoàng đế kiêm nhiệm. Thông thường, Đô thống và Tướng quân không cùng được thiết lập, nếu đã đặt Tướng quân thì ở dưới sẽ là Phó Đô thống.
  2. ^ Nhiệm vụ chưởng quản các trang bị chiến đấu, binh tịch, tranh tụng, hộ khẩu, điền trạch, .... của mỗi Kỳ. Ngoại phiên Mông Cổ còn có một chức vụ là Trát Lan (參領, tiếng Mông Cổ: ᠵᠠᠯᠠᠨ, chữ Mông Cổ: Залан, chuyển tả: ǰalan)
  3. ^ Còn được xưng là "Hiệp lý sự vụ Tham lĩnh" hoặc "Ấn phòng Tham lĩnh". Chịu trách nhiệm các công việc như trình Tấu chương, quản lý hồ sơ, ấn vụ,...
  4. ^ Còn được xưng là "Hiệp lý sự vụ Chương kinh" hoặc "Ấn phòng Chương kinh". Đều từ các Thế chức, Tá lĩnh, Kiêu kỵ giáo của bản kỳ mà chọn người kiêm nhiệm. Chịu trách nhiệm tương tự Ấn vụ Tham lĩnh.
  5. ^ Nhà Thanh duy trì chế độ 2 Kinh sư là Bắc Kinh và Thịnh Kinh, tất cả Tông thất ngoại trừ trường hợp Trú phòng đều không được ra khỏi Kinh sư, nếu chạy trốn thì bị khép vào đội "đào Kỳ", là tội lớn.
  6. ^ Kiện duệ doanh căn cứ vào Kỳ phân mà phân là Tả dực (gồm Tương Hoàng kỳ, Chính Bạch kỳ, Tương Bạch kỳ, Chính Lam kỳ) và Hữu dực (Chính Hoàng kỳ, Chính Hồng kỳ, Tương Hồng kỳ, Tương Lam kỳ).
  7. ^ Dùng Kỳ để thống lĩnh quân, dùng Kỳ để quản lý người
  8. ^ Nguyên văn dụ chỉ: 满汉臣民... 惟旧例不通婚姻. 原因入关之初, 风俗语言, 或多未喻, 是以着为禁令. 今则... 开除此禁... 准其彼此结婚, 毋庸拘泥
  9. ^ Nguyên văn tấu: 奴才福隆安谨奏. 本月十八日奉旨: 林贵人着入于内务府旗档, 钦此. 奴才遵旨将林贵人一户人丁查明户口, 入于内务府镶黄旗化齐管领下作为另户旗人, 与本管领下人一体造入旗档.
  10. ^ Tức đồ sát - giết hàng loạt dân chúng trong thành. Đây là một trong những cuộc thảm sát bị lên án của nhà Thanh trước khi nhập quan.
  11. ^ Tài liệu về nhà Thanh trước khi nhập quan đều là văn kiện chữ Mãn, qua nhiều lần dịch từ chính thời Thanh, lại qua nhiều năm, ảnh hưởng bởi vấn đề khác biệt trong các phiên âm chữ Mãn mà dẫn đến nhiều sai lệch.
  12. ^ Hán thần tương tự với Hán phi, là chỉ những quan viên không có hộ tịch Bát kỳ, không phải chỉ riêng quan viên "người Hán".
  13. ^ Nguyên văn: 况在朝廷称君臣, 在本门称主仆, 故自亲王, 郡王, 贝勒, 贝子以至公等莫不皆称主子, 奴才, 此通行常例也
  14. ^ Nguyên văn: 凡奏章称臣, 称奴才, 俱是臣下之词, 不宜两样书写. 嗣后着一槩书写臣字.
  15. ^ Tấu chiết thỉnh an vốn để thăm hỏi Hoàng Đế, bày tỏ tấm lòng, việc xưng hô Nô tài càng thể hiện sự "thân cận". Còn quan viên Nội vụ phủ vốn từ trước luôn là "cấp dưới trực tiếp" nhất của Hoàng Đế, việc xưng Nô tài là thói quen cũng là hợp lẽ.
  16. ^ Nguyên văn: 满洲大臣奏事, 称臣, 称奴才字样不一. 着传谕, 嗣后颁行, 公事折奏, 称臣. 请安, 谢恩, 寻常摺奏, 仍称奴才, 以存满洲旧体.
  17. ^ Nguyên văn: 武员即官至提督亦称奴才, 此乃向来定例
  18. ^ Nguyên văn: 当此豫备立宪时代, 尤宜化除成见, 悉泯异同. 嗣后内外满汉文武诸臣陈奏事件, 着一律称臣, 以昭画一而示大同.
  1. ^ Xem "Lịch sử đích thiên không" ngày 24 tháng 4 năm 2008 với nhan đề: "lịch sử thượng thập đại thường thắng quân" tại "Shangdu.com" ngày 15 tháng 5 năm 2008, người dịch Nguyễn Duy Chính
  2. ^ Lý Thuyết Quân sự Trung-Hoa, dịch thuật Nguyễn Duy Chính. Nguyễn Duy Chính dịch tại www.thuvien-ebook.net
  3. ^ Vũ Đức Sao Biển (2010).
  4. ^ Đông A Sáng (1997), tr. 262.
  5. ^ Kha Xuân Kiều & Hà Nhân Học (2000).
  6. ^ Sở nghiên cứu Lịch sử cận đại, viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. “Khái quát "Hội thảo nghiên cứu học thuật Quốc tế về quan hệ Mãn - Hán thời Thanh" (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2020.
  7. ^ Quất Huyền Nhã (24 tháng 4 năm 2017). “Hỏi đáp về việc học trong Vương phủ thời Thanh”. Blog Sina.
  8. ^ Lý Thuyết Quân sự Trung-Hoa, dịch thuật Nguyễn Duy Chính. Nguyễn Duy Chính dịch tại www.thuvien-ebook.net
  9. ^ Trịnh Thiên Đỉnh (2009). Thanh sử giản thuật. Trung Hoa thư cục. ISBN 9787101047417.
  10. ^ Ngụy Nguyên, Thánh vũ ký, quyển 11, Vũ sự dư ký
  11. ^ Quất Huyền Nhã (9 tháng 4 năm 2014). “Tổng hợp về vấn đề người Bát kỳ xưng Nô tài”.