Thành viên:Nguyễn Thị Phương Nam
Tính cách con người Ba Lan qua nhân vật Star trong tiểu thuyết
“Trên Sa mạc và trong rừng thẳm của nhà văn” Henryk Sienkiewicz.
Là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng viết cho thiếu nhi, “Trên Sa mạc và trong rừng thẳm”, ngay tiêu đề đã cho chúng ta thấy sự mạo hiểm, tính phiêu du, và cả sự lôi cuốn ở trong đó. Làm thế nào mà cậu bé Star- một trong hai nhân vật chính của truyện, đã vượt qua được sự nguy hiểm của tự nhiên, của sa mạc, của rừng sâu và cả sự nguy hiểm khôn lường của lòng người, mà ở đây là bọn bắt cóc, buôn người để trở về, để trưởng thành? Đó là nhờ tích cách quả cảm, lòng yêu thương, sự gan dạ, sáng suốt... Cậu là biểu tượng của tính cách con người Ban Lan. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
1. Đôi nét về nhà văn Henryk Sienkiewicz
Nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz với bút danh Liwos, ông sinh năm 1916 và mất năm 2016 - là nhà văn vĩ đại và nổi tiếng của Ba Lan, đồng thời là nhà văn đầu tiên của Ba Lan đã giành được giải Nobel Văn học năm 1905. Đối với người Ba Lan, Henryk Sienkiewicz không chỉ là nhà văn kiệt xuất, mà còn là nhà yêu nước vĩ đại. Tại Ba Lan, năm 2016 đã chính thức được Quốc hội Ba Lan gọi là “Năm Sienkiewicz”.
Các tác phẩm của ông không chỉ có ý nghĩa về mặt văn học, mà còn nói về sự đoàn kết của dân tộc, ý nghĩa của giá trị bản thân và tinh thần yêu nước. Henryk Adam Alexandr Sienkiewicz là con trai một địa chủ quý tộc nghèo sống ở vùng nông thôn. Đến tuổi đi học, gia đình chuyển về Warszawa. Sau một thời gian đi dạy tư, năm 1866 ông vào trường Đại học Tổng hợp Warszawa, lúc đầu học luật và y khoa, sau chuyển sang văn và sử.
Năm 1871, vì không đủ sống ông buộc phải bỏ dạy học đi làm báo; H. Sienkiewicz bắt đầu gây được chú ý với tiểu thuyết viết từ thời sinh viên Phí hoài (1871) và các truyện ngắn Người đầy tớ già (1875), Hania (1876), đồng thời ông cũng trở thành một nhà báo được thừa nhận tài năng.
Năm 1876, H. Sienkiewicz học ở Mỹ. Từ 1878 ông trở về Châu Âu, đi nhiều nước, viết báo, viết văn và diễn thuyết. Năm 1879, H. Sienkiewicz trở thành chủ bút một tờ nhật báo mới ở Ba Lan.
Sau khi về Ba Lan, H. Sienkiewicz bắt đầu sáng tác những tác phẩm dài hơi và trở nên nổi tiếng với bộ ba tiểu thuyết Trận hồng thủy, Ngài Wolodyjowski, Bằng lửa và gươm - viết về các sự kiện diễn ra hồi thế kỉ XVII trong thời gian chiến tranh của người Ba Lan với người Cazac, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, H. Sienkiewicz viết hai tiểu thuyết về cuộc sống hiện đại là Không có giáo điều và Gia đình Polaniecki… Tiểu thuyết Quo vadis nói về cuộc sống dưới triều đại hoàng đế Nero thời cổ La Mã đã mang lại danh tiếng thế giới cho ông.
Năm 1905, ông được trao giải Nobel vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử. Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá ông là "một trong những thiên tài hiếm hoi thể hiện được tinh thần dân tộc... Sáng tác của H. Sienkiewicz vừa có tầm bao quát rộng vừa được suy tính kỹ lưỡng, văn phong sử thi đạt đến độ hoàn thiện nghệ thuật".
Khi Thế chiến I nổ ra, H. Sienkiewicz rời quê sang sống ở nước Thụy Sĩ, làm việc trong tổ chức Hồng thập tự Ba Lan. Năm 1916 ông mất ở Vevey, tám năm sau thi hài của ông được chuyển về Warszawa và an táng trong nhà thờ Thánh Jan.
Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim, nổi bật nhất là phim “Hiệp sĩ Thập tự” (hay “Hiệp sĩ”) năm 1960, được đề cử giải Oscar phim tiếng nước ngoài hay nhất và lập kỷ lục về số lượt người xem ở Ba Lan. Hầu hết các tiểu thuyết của ông được chuyển thể thành phim được nhiều người yêu thích. Tiểu thuyết Trên sa mạc và trong rừng thẳm là một trong những số đó.
2. Tóm tắt tiểu thuyết Trên sa mạc và trong rừng thẳm
Chuyện xảy ra vào thời kỳ khi thực dân Anh thao túng chính quyền Ai Cập để thống trị lãnh thổ Sudan. Kĩ sư trưởng người Ba Lan Tarkowski và giám đốc người Anh Rawlinson của công ty kênh đào Suez, đồng thời cũng là cha của Stas và Nell, đã kết thân cùng nhau sau khi góa vợ và xem hai đứa trẻ như con ruột của mình. Trong một lần đi công tác tại El-Medineh, hai người cha đã cho phép bọn trẻ đi cùng dưới sự giám sát của bà vú Dinah. Ba người Sudan Chamis, Idris và Gebhr đã tiếp cận để lấy lòng tin của cả gia đình họ và nhân lúc Stas và Nell phải xuất phát sau cha của mình, họ đã lập tức bắt cóc hai cô cậu bé bằng lạc đà và đi dọc theo sông Nile để đến thành phố Khartoum. Nhóm người Sudan tin rằng bằng việc trao đổi bọn trẻ với vợ và các con của ngài Smain, vốn là anh họ của Đấng Tiên tri Mahdi vĩ đại, họ sẽ nhận được ân sủng của Đức ngài và cuộc sống của họ sẽ bước sang trang mới. Từ đây hành trình đày ải khủng khiếp xuyên qua châu lục nổi tiếng là hoang dã và nguy hiểm của hai cô cậu bé chưa đầy mười lăm tuổi chính thức bắt đầu.
Nhóm người bắt cóc thúc lạc đà chạy vun vút hàng giờ liền xuyên qua sa mạc. Sau nhiều lần cố gắng thuyết phục cũng như đe dọa ba người Sudan, Stas nhận ra khả năng để bọn họ đưa chúng trở về Cairo với cha chúng là bằng không bởi lẽ đức tin của người dân vào đức Mahdi (tên thật là Mohammed Ahmed) quá mạnh mẽ. Vì thế cậu bé tạm thời dành sự ưu tiên của mình vào việc giữ gìn sức khỏe cho Nell bé bỏng của mình sau khi cả đoàn trải qua trận vòi rồng cát kinh hoàng, vì trông cô bé “sống dở chết dở” với “dáng vẻ gầy guộc của một chú chim quá mệt mỏi và khuôn mặt trắng trẻo rám đi vì gió nắng”, mặc dù bản thân cậu cũng không khá gì hơn khi “đầu óc quay cuồng, cổ họng khô bỏng và mồm đầy cát”. Stas cũng từng hai lần nung nấu ý định dùng súng để kết liễu những kẻ bắt cóc và giải thoát cho Nell khỏi cảnh đọa đày, nhưng sự chần chừ khi phải giết chết những con người đang đứng trước mặt khiến em bỏ lỡ cơ hội hết lần này đến lần khác.
Trước khi Stas có thể hạ quyết tâm thì tất cả đã đặt chân đến thành phố Khartoum, nơi mà các bộ lạc thuộc tín đồ Mahdi đã nổi dậy và chặt đầu vị tướng Gordon của nước Anh đang cai quản tại đây. Tuy nhiên sau cuộc nói chuyện với Nur el-Tadhil, một viên emir hay còn gọi là thủ lĩnh quân sự tại thành phố, Idris cảm thấy thất vọng và bắt đầu hoang mang khi thái độ của các tín đồ Mahdi đối với chiến tích của hắn không cao trào và ngưỡng mộ như hắn đã tưởng tượng và khẳng định chắc nịch với bạn đồng hành của mình. Hắn cứ nghĩ rằng khi mang bọn trẻ da trắng đến trại của Mahdi, ba người bọn họ sẽ được “nhiệt tình đón tiếp với cánh tay dang rộng”, “hộ tống trong một ca khúc khải hoàn đến bệ kiến Đấng tiên tri” và được Người “rắc vàng và những lời khen ngợi lên đầu cả ba người” vì đã “không ngần ngại hi sinh tính mạng cho người em họ Fatma của Ngài”. Cùng với sự giúp sức của ông lão tốt bụng người Hi Lạp, bọn trẻ được ăn uống chút ít và dặn dò cách cư xử thuận theo đức Mahdi để có thể “được che chở dưới cánh của Ngài”. Thế nhưng cậu bé với lòng tín ngưỡng trung thành dành cho Chúa, đã từ chối tiếp nhận khoa học của Mahdi và phải chịu hậu quả sau đó là cả em và Nell đều bị đày tiếp tục đến Fashoda cùng với ba tên đã bắt cóc hai cô cậu bé. Trong thời gian chờ đợi, Stas vừa nhận viện trợ từ ông lão Hi Lạp lại vừa phải đi ăn xin để cứu đói cho Nell, trong khi tên Chamis lại cho chú chó Saba (đây chính là người hộ vệ đắc lực mà ông Rawlinson dành tặng Nell) thịt tươi mà chẳng đoái hoài gì đến lũ trẻ.
Trong suốt hành trình đi Fashoda, viên tù trưởng già Hatim đã chăm sóc bọn trẻ rất chặt chẽ và không để đám người bắt cóc hành hạ chúng thể theo yêu cầu của ông lão người Hi Lạp. Tuy hằng ngày vẫn nhận nửa viên thuốc kí ninh được ông lão tặng để phòng tránh bệnh sốt rét, song sức khỏe Nell vẫn không có dấu hiệu khá hơn khi “khuôn mặt cô bé gầy hẳn” và thay vì rám nắng, “cô bé mỗi lúc một trong suốt đi, đến nỗi hai bàn tay trông cứ như được nặn bằng sáp”. Cái chết đột ngột của bà vú già Dinah càng gieo rắc thêm đau thương và đè nặng trách nhiệm lên đôi vai bé nhỏ của cậu thiếu niên Ba Lan với thiên thần người Anh của mình. Nỗi bất hạnh không dừng lại tại đó khi đoàn người phát hiện rằng họ sẽ không được gặp ngài Smain tại Fashoda vì ngài đã đi săn bắt nô lệ về phía đông song Nile và không biết bao giờ trở lại. Ba tên bắt cóc bắt đầu tính toán cách xử lí hai đứa trẻ, nhưng sau khi bàn bạc chúng không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục mang lũ trẻ cùng hai nô lệ Kali và Mea trong khi lần theo dấu vết cắm trại mà ngài Smain để lại trên đường đi.
Sự xuất hiện của con sư tử nằm ngay trên đường đi đã tạo nên bước ngoặt lớn trong hành trình của bọn trẻ. Do quá hoảng sợ nên ba người Sudan đã đưa khẩu súng săn của Stas cho em bắn hạ sư tử, nhưng họ không ngờ chính họ cũng phải bỏ mạng vì quyết định của mình. Đứng trước ba xác chết còn mang hơi ấm, Stas cố gắng lờ đi cái cảm giác cay đắng đến nghẹn ngào khi Nell kinh sợ em và bắt đầu sắp xếp lại mọi thứ. Nhóm bốn người trẻ tuổi cùng với chú chó Saba và một con voi King to lớn đã đi trong vô định, chiến đấu với nhiều loài thú dữ như sư tử và loài báo wobo to lớn, thậm chí xây dựng nơi trú ẩn tạm thời trong các khu rừng nguyên sinh để hồi sức sau chuyến đi dài. Nell cuối cùng cũng bị cơn sốt rét đánh vật, nhưng may mắn thay Stas đã tìm thấy túp lều gần đó của một người Thụy Sĩ tên Linde đang nằm chờ chết vì bị lợn rừng tấn công và được bác giúp đỡ tận tình về mặt thuốc men, đồ dùng sinh tồn và đường đi. Băng qua nhiều ngọn núi, vùng thổ dân hoang dã và sa mạc, cuối cùng Stas và Nell cùng nhóm người của Kali và Mea đã tìm được đại úy Glenn và bác sĩ Clary (vốn là bạn của cha hai cô cậu bé) trước khi ngất xỉu vì khát và kiệt quệ. Hai người cha, với mái đầu đã bạc trắng, lập tức đón hai đứa trẻ về nước trong trạng thái tự hào đến không thể tin nổi. Mười năm sau Nell se duyên cùng Stas trong sự chúc phúc nhiệt liệt của hai người cha và quay lại thăm những người bạn đồng hành của mình thuở ấy.
3. Tính cách nhân vật Star- một con người Ba Lan tiêu biểu.
Cậu bé là biểu tượng của lòng yêu nước, tình yêu và khả năng phi thường của con người. Với cơ thể khỏe khoắn như một vận động viên thực thụ, đôi mắt ánh lên vẻ can trường, bộ óc sắc sảo và tình cảm chứa chan dành cho Nell bé nhỏ. Chính hai người cha đã phải thừa nhận trong sự xúc động và tự hào rằng, “nếu như không có sự can đảm và nghị lực phi thường của cậu bé thì cô bé đã chết không phải chỉ một lần mà đã phải chết hàng nghìn lần, không phương cứu thoát”.
Nổi bật nhất phải kể đến khả năng nắm bắt tình hình cũng như giải quyết tình huống của cậu bé. Từ bé Stas đã nổi tiếng với cái tên “đứa con của sa mạc” với các kĩ năng bơi lội, bắn súng, chèo thuyền, cưỡi ngựa của em đều ở mức thượng thừa. Ngoài ra nhờ năng khiếu ngoại ngữ tuyệt vời (Stas có thể sử dụng nhiều thứ tiếng như Ba Lan, Anh, Pháp và Ả Rập), em có thể giao tiếp và để lại ấn tượng tốt cho hầu hết người dân nơi đây, “từ các kĩ sư, công nhân thuế quan cho đến người Ả Rập và người da đen”. Chính những chuyến đi cùng các nhóm người ở nhiều lĩnh vực khác nhau cùng với trí nhớ tuyệt vời đã giúp cậu bé tích lũy được kho tàng kiến thức khổng lồ cũng như cách để sinh tồn khi ở trong vùng đất châu Phi nơi cậu đang sinh sống. Cậu đã nhanh trí thả găng tay xuống đường để dẫn đường cho cha đến tìm mình ngay sau khi phát hiện ra sự thật kinh hoàng rằng cậu và Nell đã bị bắt cóc. Stas còn nhận biết được chúng đã di chuyển ra xa sông Nile chỉ bằng việc quan sát vị trí của Mặt Trời đang nằm ở phía đông. Cậu bé cảm thấy tim mình thắt lại vì “nỗi đau đớn, sợ hãi và hổ thẹn” khi nhận ra mình quá nhỏ bé để kháng cự lại đám người bắt cóc, nhưng không lúc nào trong đầu cậu ngừng suy nghĩ cách giải thoát Nell ra khỏi cảnh địa ngục này. Những tính toán và diễn biến tâm lí phức tạp của người con trai mười bốn tuổi trước hai lựa chọn trốn thoát và giết người được tác giả lột tả một cách chân thực đến rùng mình:
“Nếu vì bản thân thì hẳn em không làm chuyện ấy. Nhưng ở đây là vì Nell, vì phải bảo vệ Nell, phải cứu lấy Nell, phải cứu lấy mạng sống của Nell, vì rõ ràng cô bé không thể nào chịu đựng nổi và chắc chắn sẽ chết dọc đường, hoặc giữa các bộ tộc hoang dã đã biến thành “thú dữ” của lũ tín đồ Hồi giáo. So với cuộc sống của Nell, máu của những kẻ khốn nạn kia liệu có nghĩa lí gì và trong tình thế này có thể nào do dự được.
Vì Nell! Vì Nell!”
Cậu bé Stas, càng bị dồn vào góc đường cùng thì nhân cách cao đẹp càng trở nên mạnh mẽ và rõ nét hơn. Ánh mắt quyết đoán và lời đáp trả khẳng khái của cậu bé đã khiến cho vị lãnh tụ cao nhất của người Sudan phải “bối rối và không tìm được ngay câu trả lời” đến mức phải uống nước để che giấu sự bối rối của mình. Tự hỏi khi đứng trước những người có địa vị rất cao trong xã hội như Mahdi, có bao nhiêu người có đủ cam đảm lên tiếng bảo vệ đức tin của mình, bất chấp việc đặt bản thân vào hiểm họa như Stanislas?
“ Thưa tiên tri, tôi không biết thứ khoa học của Người, nên nếu tôi có thừa nhận nó thì chẳng qua cũng chỉ là sợ hãi, như một thằng hèn, như một người tồi tệ mà thôi. Liệu Người có muốn những kẻ hèn nhát và đểu cáng thu nhận học thuyết của Người?”
Cậu bé là biểu tượng của tình yêu thương bao la. Cứ mỗi khi cơn giông tố ập đến, Stas lại dùng vẻ đẹp tâm hồn của chính em để vẽ nên những ước mơ và niềm tin về một tương lai tươi sáng để mọi người có thêm động lực để tiếp tục tiến về phía trước. Chỉ có những đại văn hào kiệt xuất như Henryk Sienkiewicz mới có thể truyền tải cảm xúc và tính cách của Stas theo một cách rất sống động và tinh tế đến nhường ấy:
“Trong trái tim cậu bé dâng tràn một tình thương bao la. Em cảm thấy mình vừa là người đỡ đầu, vừa là người anh lớn, và là người duy nhất bảo vệ Nell trong lúc này; em cảm thấy thương yêu cô em gái bé bỏng ấy vô cùng, yêu thương hơn nhiều so với lúc trước. Hồi ở Port Said em cũng đã yêu thương cô bé, song vẫn coi đó là một “nhóc con” nên em không bao giờ nghĩ tới chuyện hôn tay cô bé trước khi đi ngủ. Giá như có ai bảo em làm điều ấy chẳng hạn, thì em sẽ cho rằng đối với một chàng trai trẻ mười bốn tuổi đời, không thể làm một chuyện như thế mà không tổn hại tới danh giá và tuổi tác của mình. Còn giờ đây, nỗi bất hạnh chung đã thức tỉnh sự âu yếm ẩn náu trong lòng em, em hôn không chỉ một bàn tay mà cả hai bàn tay cô bé”.
Sẽ có người đặt câu hỏi rằng, động lực nào đã giúp Stas làm nên tất cả những điều mà chính bản thân em chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm được?. Từ việc liều mình đánh nhau với gã Gebhr to lớn, trộm súng từ tay bọn bắt cóc, chiến đấu với các loài thú hoang dã cho đến băng qua rừng đêm một mình để tìm thuốc kí ninh chữa sốt rét và thậm chí không do dự mà nổ súng vào bốn con người có sức lực và vóc dáng lớn hơn em rất nhiều, tất cả những hành động đó đều vì một mục đích duy nhất: giải cứu Nell bé nhỏ thoát khỏi nỗi thống khổ và đem em về nhà an toàn.
Qua nhận vật Star, chúng ta thấy được sức mạnh của người thiếu niên trẻ tuổi, cậu đã vượt qua được giới hạn của bản thân để làm nên điều kỳ diệu. Điều này giải thích vì sao rằng trong quá khứ đất nước Ba Lan đã bị xóa tên khỏi bản đồ thế giới, nhưng nhờ tính cách quả cảm của con người Ba Lan, đất nước Ba Lan ngày nay đã hiện diện đầy kiêu hãnh, với văn hóa đặt trưng riêng có của mình. Tôi sẽ trở lại đề tài này trong các bài viết tiếp theo của mình về văn hóa và con người Ba Lan đầy sức hút.
Nguyễn Thị Phương Nam