Bước tới nội dung

Thành viên:LuanNguyen (M.A)/Lịch sử dòng họ Nguyễn Thành

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nguyễn Thành là một chi họ lớn thuộc họ Nguyễn (tiếng Hán là 阮) ở Việt Nam. Cấu trúc phổ biến được đặt, gồm: Nguyễn (họ) + Thành (tên đệm) + Tên chính.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Thành là chi họ lớn thuộc họ Nguyễn (Việt Nam), có nguồn gốc từ khoảng thế kỷ XVI từ phương Bắc, sau di cư lần về hướng Nam. Có một số ghi chép về Thế tổ của dòng họ xuất phát từ thời Cơ Quận công Nguyễn Thành Trân, sinh thời là người xã Bát Tràng (xem văn bia Cơ Quận công chi bi, ký hiệu 3653/3654, thác bản sưu tầm tại nhà thờ Cơ Quận công ở thôn Báo Đáp xã Hạ Tốn huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội)[1]. Ở dòng tộc Nguyễn Thành khu vực các tỉnh miền Trung Việt Nam có ghi chép về Thế tổ Nguyễn Túy, là người di cư đến. Khi đến địa phận Quảng Nam, ông Nguyễn Túy tạm dừng chân ở vùng Chợ Vạn (làng Mậu Hòa, Chợ Củi, Duy Xuyên). Để ý quan sát các vùng lân cận và sau một chuyến vượt sông Thu Bồn, ông tiếp chọn làng Thạnh Mỹ, nơi địa đầu Gò Nổi, cách đường Thiên lý khoảng 8 km về phía Tây, làm nơi định cư lâu dài. Tại Nhà thờ cả, dòng họ còn treo đôi liễn:

"Tố ngã bổn Trần Lưu, tiên tổ khai cơ, Nùng Nhị Bắc"

"Tùng vương thích lạc thổ, trung tôn sáng nghiệp, Điện Hành Nam"

(Tạm dịch:

Nhìn về trước, tộc ta ở quận Trần Lưu, thuộc nam sông Dương tử, Tiên tổ đã mở nền móng, công đức cao dày tựa núi Nùng, sông Nhĩ;

Theo lệnh vua, vui với đất rẫy, ngài Trung Tôn (con cháu thứ) vào lập nghiệp ở phương Nam, gần núi Ngũ hành, phủ Điện Bàn). Chi họ "Nguyễn Thành" (phát triển trung bình, hiện đến thế hệ thứ 9) là chi thứ 3 do Thế tổ Nguyễn Túy đặt nền móng ở các địa phương này[2].

Phân bố

[sửa | sửa mã nguồn]

Chi họ Nguyễn Thành có lịch sử lâu đời và phân bố đều khắp ở các địa phương khác nhau. Ở mỗi nơi, chi họ Nguyễn Thành lại có xu hướng sống tập trung ở một làng/bản/thôn xóm và lập nhà thờ họ để kính nhớ tổ tiên. Chẳng hạn như ở tỉnh Quảng Bình, chi họ Nguyễn Thành sống tập trung và sinh hoạt tại xã Hưng Thủy; miền Bắc có huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh[3]hay ở Hà Nam có xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (trước đây là tỉnh Hà Nam Ninh cũ). Ở làng Bát Tràng (nay là thôn Bao Đáp, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thủ đô Hà Nội) còn di tích Lăng Quận Cơ (Lăng mộ Cơ Quận công Nguyễn Thành Trân, 1641 - 1693), như một dấu tích lâu đời của chi họ Nguyễn Thành từ thế kỷ thứ XVII[4].

Quá trình di dư

[sửa | sửa mã nguồn]
Khánh thành Nhà thờ dòng tộc Nguyễn Thành ở thôn Cổ Đăng, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Một số chi họ Nguyễn Thành phía Bắc có xu hướng di cư vào các địa phương ở miền Trung và phía Nam, thường đi theo một nhóm, gồm nhiều gia đình cùng họ hàng trong 3 đời gần nhau. Quá trình lập nghiệp ở nơi mới đến, do đó ít biến động và thường sớm ổn định và an cư tại đó[5]. Đây cũng là đặc điểm chung trong tính cách của người miền Bắc, vốn chịu thương, chịu khó, chịu đựng được gian khổ nên dễ thích ứng.

Một trong số các tỉnh, thành phố tiếp nhận đông người miền ngoài di cư vào trong suốt thế kỷ 20 là Sài Gòn. Các nghiên cứu cho thấy, đây là nơi thường xuyên tiếp nhận những làn sóng nhập cư, trong đó có chi họ Nguyễn Thành. Các đợt nhập cư lớn được diễn ra vào các thời điểm sau 1954 (gọi là Bắc 54), từ 1975 (Bắc 75), sau đổi mới 1986 và các đợt di cư thường xuyên hơn khi Sài Gòn và các đô thị vệ tinh, như Biên Hòa, Thủ Dầu Một (Bình Dương) hình thành các chuỗi cụm công nghiệp, khu cộng nghiệp, khu chế xuất, cần nhiều lao động phổ thông đến làm việc. Khảo sát ở một nhánh chi họ Nguyễn Thành di cư vào Biên Hòa từ những năm 1995-1996, cho thấy lý do di cư vào Nam xuất phát từ nhu cầu lao động thực tế ở hai Khu công nghiệp Biên hòa I và Biên Hòa II, với quy mô chỉ đứng sau quy mô ngành công nghiệp - dịch vụ của Sài Gòn vào thời điểm đó. Ông Nguyễn Thành Đô (1960-2013), là con trưởng chi họ Nguyễn ở xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, đã bắt đầu di cư vào Nam trong bối cảnh này. Quá trình di cư tiếp sau đó được phân thành nhiều đợt, cho đến nay có khoảng gần 20 hộ cùng chung dòng họ và chung bản quán đến lập nghiệp tập trung tại vùng Biên Hòa - Sài Gòn. Trong chi họ di cư này có một số người tạo lập được công danh sự nghiệp ở nơi mới đến. Riêng ở chi họ di cư của ông Nguyễn Thành Đô về sau lập thêm hai chi nữa, gồm chi họ Nguyễn Thành Luân (con trưởng), là Thạc sĩ Văn hóa, Nhà báo, chuyển đến định cư ở khu Đông của Sài Gòn; nhánh còn lại là chi họ Nguyễn Thành Chung (sinh năm 1987) ở lại vùng Biên Hòa - Vĩnh Cửu để cai quản công việc nhà thờ họ mà ông Nguyễn Thành Đô đã tạo dựng khi di cư vào đây. Sau khi mất, mộ của ông Nguyễn Thành Đô được quản tại Nghĩa trang Giáo xứ Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), là nơi con cháu chi họ Nguyễn Thành ở vùng Biên Hòa - Sài Gòn tự họp về hương khói, kính nhớ đến người mở đất của chi họ Nguyễn Thành ở đây.

Cùng bối cảnh trên, trong lịch sử quá trình di cư của các nhánh chi họ Nguyễn Thành đến các tỉnh, thành phía Nam cho đến nay tiếp tục phân tách thành từng đợt khác nhau. Tuy nhiên, một hiện tượng đang diễn ra ngày càng phức tạp, khi một số người trong chi họ sau khi lập gia đình, tách lập ra nhánh khác lại có xu hướng đổi Tên đệm, mặc dù vẫn giữ nguyên họ Nguyễn[6]. Ở một số nhánh cá biệt, còn đổi cả họ, khiến nhiều nhà nghiên cứu đặt ra cảnh báo về nguy cơ mai một chi họ Nguyễn Thành. Quá trình này cũng được cảnh báo diễn ra đại trà ở nhiều dòng họ khác trong thời gian gần đây[6]. Ở góc nhìn văn hóa, việc gìn giữ, bảo tồn một nhánh chi họ lớn ở Việt Nam, gắn liền với việc lưu giữ các giá trị văn hóa cổ truyền, kính nhớ đến tổ tiên, lưu dấu lịch sử và niềm tự hào về dòng họ, vốn là các đặc điểm đáng quý trong văn hóa truyền thống của dân tộc.



Tín ngưỡng thờ họ Nguyễn Thành

[sửa | sửa mã nguồn]

Tín ngưỡng lập nhà thờ họ Nguyễn Thành được các thế hệ sau này lập, nhằm mục đích cao nhất là kính nhớ đến tổ tiên của chi họ, càng về sau lại mang ý nghĩa sinh hoạt văn hóa, gắn kết những người cùng chi họ hội họp với nhau vào một dịp kỷ niệm (được thống nhất định ra). Tại đây, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức, bao gồm lễ giỗ - thờ cúng tổ tiên (lễ vật cúng, vài mâm cỗ đầy để đãi cả họ), trưởng họ nói về công tác giáo dục con cháu biết về nguồn cội và truyền thống của dòng họ; báo cáo trước ban thờ tổ tiên những việc đã làm trong thời gian qua và cầu mong may mắn;.... Đặc biệt, vào ngày giỗ tổ, dòng họ Nguyễn Thành thường tổ chức tuyên dương những cá nhân có thành tích trong học tập, lao động, sản xuất. Từ đó, nêu gương để con cháu noi theo và phấn đấu[7].

Ở một số nơi, nhà thờ họ Nguyễn Thành trở thành một di tích cổ, được gìn giữ và bảo tồn[7] . Chẳng hạn, ở làng Nghĩa Phú (hay còn được gọi là làng Xưa) thuộc xã Cẩm Vũ (nay là Cẩm Giàng), tỉnh Hải Dương hiện có nhà thờ họ Nguyễn Thành, với các dấu tích cổ kính, rêu phong. Nhà thờ này được xây dựng theo kiểu chữ “đinh” hoặc chữ “nhất” với chất liệu là gỗ có niên đại trên dưới 100 năm[7].

Bảo tồn Nhà thờ họ

[sửa | sửa mã nguồn]

“Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử nhà thờ tổ luôn được các dòng họ quan tâm. Nhà thờ cổ được bảo vệ, tu bổ thường xuyên. Các dòng họ cũng giáo dục con cháu xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ với chính dòng họ mình và với việc bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của quê hương”. (Nguyễn Văn Hữu, Trưởng thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Khuyến học

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở một số địa phương, chi họ Nguyễn Thành duy trì thường niên hoạt động về khuyến học, khuyến tài, là hình thức để kết nối các thành viên. Ở Bắc Ninh, có chi họ Nguyễn Thành ở thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du là một trong những dòng họ tiêu biểu trong công tác khuyến học trong nhiều năm qua. Quan niệm của chi họ Nguyễn Thành ở đây, là: "Người có đức phải có nghề - Một nghề phải tinh thông! Muốn vậy phải được học tập, bồi đắp và tu dưỡng. Nhận thức được điều đó, các thành viên trong họ đều tạo mọi điều kiện tốt nhất để con cái được tham gia học tập. Bởi đầu tư cho sự nghiệp học tập là đầu tư cho tương lai"[8]. Việc vinh danh, trao thưởng cho các cháu học sinh có thành tích tốt trong học tập cũng được Hội đồng giao tộc, Ban khuyến học tổ chức tập trung vào ngày mùng 8/2 Âm Lịch hàng năm (ngày giỗ tổ của gia tộc)[8].

Nhân vật lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ Thế tổ của Chi họ Nguyễn Thành đến nay, đã có nhiều nhân vật lịch sử từ các triều đình phong kiến Việt Nam đến đương đại. Điển hình có Nguyễn Thành Trân, làm đến chức Quan Quận Công vào thế kỷ XVII. Thế kỷ XX có Nguyễn Thành Thơ (bí danh Mười Thơ, 1925 - 2015), từng là Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV(1976), khóa đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Nổi tiếng giai đoạn chiến tranh, có Nguyễn Thành Trung, một cựu Đại tá Không quân Nhân dân Việt Nam, người đã lái máy bay F-5E ném bom vào dinh Độc Lập ngày 8 tháng 4 năm 1975 và là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing 767777. Đương đại, có Nguyễn Thành Phong, người gốc Bến Tre, là là Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII , Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chi tộc Nguyễn Thành đều có các nhân vật đóng góp điển hình, tạo dựng được cơ đồ riêng. Có thể kể đến Nguyễn Thành Lộc, một diễn viên kịch đương đại có tiếng. Nguyễn Thành Nam (doanh nhân), người Nam Định, và là cựu Tổng Giám đốc FPT, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT. Ông có học vị tiến sĩ toán tại Liên Xô.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Viện Nghiên cứu Hán Nôm. “ĐÔI NÉT VỀ VƯƠNG TÔN CƠ QUẬN CÔNG TRỊNH LÃNG”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)
  2. ^ Họ Nguyễn Đình (Việt Nam). “SƠ LƯỢC NGUỒN GỐC & SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỘC NGUYỄN ĐÌNH”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)
  3. ^ Cổng thông tin điện tử huyện Tiên Du. “Tiên Du 866 dòng họ được công nhận dòng họ học tập”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)
  4. ^ vietlandmarks. “Lăng Quận Cơ - Lăng mộ Cơ quận công Nguyễn Thành Trân”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)
  5. ^ Nguyễn Thị, Hậu (tiến sĩ). “Người Nam gốc Bắc”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)
  6. ^ a b TIẾN LONG. “Bỗng dưng ngàn người đổi họ”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)
  7. ^ a b c Báo Hải Dương. “Chiêm ngưỡng nhà thờ cổ làng Nghĩa Phú”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)
  8. ^ a b Huyện Tiên Du. “Công tác khuyến học, khuyến tài ở dòng họ Nguyễn Thành, thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng (Tiên Du)”. Chú thích có tham số trống không rõ: |dead-url= (trợ giúp)