Bước tới nội dung

Thành viên:Leeaan/nháp/4

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tuân Tử
Chân dung tưởng tượng của Tuân Tử vẽ vào thời nhà Nguyên
SinhTuân Huống
k. 310 TCN
Nước Triệu, nhà Chu
MấtSau k. 238 TCN
Nước Sở, nhà Chu
Thời kỳBách gia chư tử
(Triết học cổ đại)
VùngTriết học Trung Quốc
Trường pháiNho giáo
Học sinh nổi bậtHàn Phi, Lý Tư
Đối tượng chính
Lễ, Tính, Học, Nhạc, Thiên, Đạo, Chính danh

Luân lý học

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuân Tử có niềm tin đạo đức mãnh liệt tương tự Mạnh Tử. Ông cho rằng đạo đức là yếu tố cần thiết để thống nhất thiên hạ. Việc thực hiện hay không thực hiện các giá trị đạo đức sẽ quyết định sự thịnh suy của quốc gia và sự ổn định của xã hội.[1] Khác với Pháp gia, vốn cho rằng giá trị đạo đức không có tác dụng tích cực đối với trật tự quốc gia, Tuân Tử lại tin rằng đạo đức có thể giúp xã hội trở nên hòa hợp.[2] Ông đề cao các giá trị đạo đức cao nhất trong Nho gia là nhân nghĩa, lễ nghĩa và trung tín, trong đó nhân nghĩa là giá trị quan trọng nhất, đôi khi đi đôi với lễ nghĩa.[3] Trong sách Tuân Tử, chữ "nhân" xuất hiện đến 134 lần và cụm nhân nghĩa xuất hiện 32 lần, nhiều hơn so với 27 lần xuất hiện trong cuốn Mạnh Tử. Khi đi du thuyết các chư hầu, ông thường nhấn mạnh đức "nhân", coi nhân nghĩa là giá trị cao nhất.[4] Tuân Tử đề cao "lễ" vì cho rằng "lễ" được xem là phương pháp để thực hiện nhân nghĩa, hai yếu tố này bổ trợ lẫn nhau, trong đó "lễ" là một phương tiện giúp bộc lộ nhân nghĩa.[5] Nhân nghĩa và lễ nghĩa giúp bồi dưỡng, giáo hóa dân chúng, tạo điều kiện để mọi người có thể sống chung trong xã hội và kiểm soát những hành vi lệch lạc.[6] Quân tử và đại nho vượt lên trên xã hội, nắm vai trò như những người lãnh đạo về mặt đạo đức.[7] Nếu Khổng Tử và Mạnh Tử coi Nghiêu Thuấn là những nhân cách lý tưởng, thì Tuân Tử lại xem Hạ Vũ là hình mẫu đáng noi theo, có lẽ vì Hạ Vũ đã có công lao to lớn trong việc trị thủy.[8]

Tuân Tử tổng hợp tư tưởng lễ nghi thời Tiên Tần,[9] hệ thống tư tưởng của ông lấy lễ làm trung tâm. Phiên bản hiện có của sách Tuân Tử dùng chữ "lễ" tới 342 lần.[10] Lễ của Nho gia, theo nghĩa rộng,[11] chỉ tất cả các thể chế,[9] bao gồm lễ hội, nghi thức, phong tục địa phương, triều lễ, thậm chí là toàn bộ phong tục xã hội,[12] chứ không chỉ dừng ở các nghi lễ như đội mũ, kết hôn, tang lễ hay nghi thức chào hỏi, tiến thoái.[13] Tuân Tử cho rằng lễ có ba chức năng: đáp ứng nhu cầu của con người, nâng cao phẩm chất đạo đức và làm cơ sở cho hoạt động của cả chính quyền lẫn dân chúng. Lễ giúp cho việc ăn mặc, sinh hoạt và hành vi của con người trở nên hài hòa và thích hợp hơn, là quy phạm xã hội cho sĩ nhân và quân tử,[14] là chỉ dẫn nghi lễ và là công cụ giáo hóa.[15] Lễ là quy phạm tự giác về tính tình, để thỏa mãn nhu cầu con người một cách hợp lý,[16] xác lập địa vị xã hội, biểu đạt tình cảm và thực hiện sự hài hòa trong xã hội, làm đẹp bản tính của con người.[17] Con người không thể tránh được các ham muốn, nhưng cũng không nên phóng túng. Lễ nghi Nho gia có thể "dưỡng dục ham muốn, đáp ứng nhu cầu của con người", thông qua phương pháp chuyển hóa, hướng dẫn và thanh lọc, giúp con người bày tỏ mong muốn một cách được xã hội chấp nhận, duy trì trong giới hạn không ảnh hưởng đến trật tự xã hội,[18] giúp tiết chế để các ham muốn trở thành động lực sống,[19] tránh sự bùng nổ tai hại.[20] Nhờ thực hành lễ, con người có thể giữ được thái độ văn minh nhất trước các biến cố như sinh tử và hôn nhân. Những mong muốn, cảm xúc và hành vi có thể đạt tới trạng thái hài hòa và đức hạnh con người có thể bộc lộ thông qua thực hành lễ, mang lại trật tự và bình yên cho xã hội.[21]

Tuân Tử rất coi trọng việc tu dưỡng bản thân và giáo dục lễ nghi.[22] Lễ là giá trị đạo đức và là nội dung thực tiễn cụ thể trong việc tu thân;[23] lễ chế khuyến khích quân tử hành động điều độ, nhường nhịn, tránh cạnh tranh với người khác và chỉ những người hành động theo lễ mới có thể trở thành thành viên tầng lớp thượng lưu trong xã hội.[24] Người cai trị phải tu dưỡng bản thân bằng lễ nghĩa để trở thành quân tử và thực hiện trật tự xã hội hài hòa lý tưởng. Khi chọn tướng quốc, lễ cũng được coi là tiêu chuẩn đạo đức.[25] Quân tử đặt ra và thực hiện lễ giáo, tạo ra phong tục tốt đẹp cho xã hội, dân chúng tuân thủ trong đời sống hàng ngày.[26] Để bày tỏ lòng hiếu thảo khi cha mẹ mất, Tuân Tử ủng hộ chế độ để tang ba năm.[12] Ông cũng ủng hộ âm nhạc, phản đối quan điểm "phi nhạc" của Mặc gia, cho rằng âm nhạc giúp xây dựng trật tự xã hội hài hòa, có thể làm an dịu cảm xúc của con người,[27] điều chỉnh tình cảm và là phương pháp quan trọng để nuôi dưỡng tâm hồn.[28] Lễ nhạc có thể tác động đến sở thích của con người, hướng con người đến điều thiện.[29] Tuân Tử có một tinh thần phụng hiến với lễ nhạc, không chỉ coi lễ nhạc ở mức độ công dụng xã hội mà còn xem lễ như một yếu tố tiềm ẩn trong trật tự vũ trụ,[30] có thể nâng lên tầm siêu nhiên, ảnh hưởng đến vũ trụ, xã hội và cá nhân, trở thành một lực lượng bất biến và thống nhất trong vũ trụ;[31] sự hài hòa mà âm nhạc đạt được có thể sánh với trật tự hài hòa của trời đất.[32]

Trái với Tuân Tử, Mạnh Tử cho rằng "nhân chi sơ tính bản thiện". Theo ông, mỗi con người sinh ra đều có lòng nhân và đức thiện tự nhiên.

Tuân Tử chủ trương thuyết tính ác, ông cho rằng "nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã" (人之性惡,其善者僞也), nghĩa là bản tính của người là ác, những điều thiện là do con người đặt ra. Theo ông, con người bẩm sinh đã có lòng ham lợi, đố kỵ, khao khát về thanh sắc và các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, giữ ấm, nghỉ ngơi và tránh bị tổn thương. Những ham muốn này là những bản chất cố hữu tồn tại bên trong mỗi con người, kể cả bậc minh quân lẫn bạo chúa. Về bản chất, chúng không phải là thiện hay ác, mà là sự trung lập về mặt đạo đức. Tuy nhiên, thiên tính của con người lại khiến họ có khả năng làm điều ác. Ham muốn của con người là không có giới hạn và khó lòng thỏa mãn, từ đó dễ dàng thúc đẩy sự ích kỷ, phá vỡ trật tự xã hội. Dục vọng khi phát triển không được kiểm soát, sẽ gây ra tranh giành và lạm dục, tạo ra hận thù, sa đọa, phá vỡ đạo đức. Một khi dục vọng mất kiểm soát đến mức gây hỗn loạn, đó chính là ác. Nhiều học giả cho rằng "tính" trong quan niệm của Tuân Tử thực ra là sự trung lập về đạo đức, còn đạo đức và nhân nghĩa là kết quả của sự tạo dựng bởi con người và xã hội. Khi các bậc minh quân như Thành Thang và Hạ Vũ trị vì, người dân sẽ làm điều thiện, nhưng dưới triều đại của các bạo chúa như Kiệt Trụ, người dân sẽ làm điều ác. Điều này cho thấy điểm tương đồng giữa Tuân Tử và Cáo Tử, cả hai đều cho rằng đạo đức nhân nghĩa là do con người tạo ra và "tính" thì trung lập về mặt đạo đức.

凡性者,天之就也,不可學,不可事。禮義者,聖人之所生也,人之所學而能,所事而成者也。不可學,不可事,而在人者,謂之性;可學而能,可事而成之在人者,謂之偽。是性偽之分也。今人之性,目可以見,耳可以聽;夫可以見之明不離目,可以聽之聰不離耳,目明而耳聰,不可學明矣。

Tính là cái trời sinh ra đã có, không thể học, cũng không thể làm ra được; lễ nghĩa là cái thánh nhân đặt ra, người ta học rồi mới biết, làm rồi mới thành; cái gì không học, không làm mà đã có ở lòng người rồi, cái đó mới là tính; cái gì ở người học rồi mới biết, làm rồi mới thành, thì gọi là nguỵ.

— Tuân Tử, Tính ác (23), Nguyễn Hiến Lê dịch

Tuân Tử phủ nhận việc con người có những quan niệm đạo đức bẩm sinh. Trong bản tính tự nhiên của con người, không tồn tại những nguyên tắc đạo đức, cũng như thiên nhiên không hàm chứa đạo đức. Đạo đức là do con người tạo nên, chính là cái mà Tuân Tử gọi là "ngụy" – cải tạo bản tính bằng sức người. Các chế độ xã hội, văn hóa đạo đức, đều là sản phẩm của sự học hỏi. Đạo đức không phải là thứ vốn có trong tự nhiên, mà là kết quả của môi trường và giáo dục xã hội. Hành vi thiện của con người là do học hỏi mà thành, chứ không phải do bản tính. Kiềm chế dục vọng một cách thích hợp sẽ đem lại lợi ích cho con người, giúp họ có thể điều tiết và chuyển hóa dục vọng để hòa nhập vào lễ nghĩa, đạt tới nhân cách lý tưởng. Tuân Tử cho rằng sự phủ định bản thân là khởi điểm cho sự phát triển nhân cách, phủ định bản thân càng nghiêm ngặt thì con người càng phát triển thành người cao quý. Ý nghĩa của thuyết tính ác là thông qua việc phủ định bản thân tà ác mà hướng đến điều thiện. Quan niệm không cho rằng bản tính con người có đạo đức này của Tuân Tử có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp từ Đạo gia. Khi nói đến việc đạo đức và nhân nghĩa thay đổi thiên tính, cả Trang Tử và Tuân Tử đều dùng hình ảnh đất sét và gỗ tạo hình thành đồ vật. Tuy nhiên, Tuân Tử không bi quan về bản tính con người, vì trong bản tính đó vẫn có yếu tố "nghĩa." Con người có khí, có sinh mệnh, có tri thức và có nghĩa, nên được xem là giống loài cao quý nhất trong trời đất. Con người có thể phân biệt thiện ác nên sự khác biệt giữa loài người và loài vật chính là ở chữ "nghĩa" – tức là ý thức về đạo đức và chính nghĩa. Đạo đức có thể khắc phục hiệu quả tính ích kỷ của con người và ai cũng có khả năng học hỏi lễ nghĩa, nên về mặt lý thuyết, ai cũng có thể đạt đến nhân cách cao đẹp như Hạ Vũ.

Quan điểm "nhân chi tính ác" của Tuân Tử cũng đặt ông vào thế đối lập với Mạnh Tử. Đối với ví dụ về đứa trẻ sắp rơi xuống giếng của Mạnh Tử, Tuân Tử phản bác bằng một ví dụ đối lập: anh em ruột thịt tranh giành tài sản, ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Mạnh Tử thừa nhận rằng tính thiện của con người có thể bị mất đi, Tuân Tử lại phản biện rằng các đặc tính bẩm sinh như thị giác và thính giác không thể mất đi, do đó cái gọi là thiện tính mà dễ dàng bị mất đi thì không phải là bản tính. Tuy nhiên, cả hai đều tin rằng con người có thể đạt tới hoàn thiện về nhân cách, rằng người thường cũng có thể thành thánh. Một số học giả cho rằng, thuyết "tính ác" của Tuân Tử là cách nói phóng đại; khi Tuân Tử thừa nhận con người có điều kiện để thành tựu đạo đức, thì theo cách dùng chữ "tính" của Mạnh Tử, Tuân Tử cũng có thể coi là công nhận thuyết tính thiện. Nhà nghiên cứu Dương Mạo Xuân cho rằng, Mạnh Tử nói về tính thiện, Tuân Tử nói về tính ác, thật ra không khác biệt lớn, vì bốn "mầm thiện" (Tứ đoan) của Mạnh Tử cũng cần con người rèn luyện mới trở thành đức hạnh. Vì Tuân Tử tin vào khả năng làm điều thiện của con người, nên ông cũng tương đồng với thuyết Tứ đoan của Mạnh Tử. Học giả Trang Cẩm Chương phản bác quan điểm này, cho rằng Tuân Tử thực ra phủ nhận khái niệm "tính thiện tự nhiên" của Mạnh Tử, rằng "thiện" không phải là chức năng tự nhiên vốn có của con người, mà là kết quả của việc học hỏi lễ nghĩa và lễ nghĩa có thể đi ngược lại bản tính tự nhiên của con người.

Cơ sở đạo đức

[sửa | sửa mã nguồn]

Lý tính là yếu tố cốt lõi trong học thuyết của Tuân Tử. Theo ông, nền tảng của đạo đức con người là lý tính và khả năng nhận thức của con người. Con người có đạo đức vì họ tự giác kiểm soát ham muốn và hành động theo chuẩn mực xã hội. Tuân Tử nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ và tin vào sức mạnh của lý trí. Ông xem "ngụy" như khả năng suy xét và tự phản tỉnh. Dù trong bản tính không có thiện, con người vẫn có trí thông minh để học hỏi nhân nghĩa, luyện tập để trở thành quân tử, và mỗi người đều có khả năng nhận biết và thực hành điều thiện. Lễ nghĩa đối với Tuân Tử giống như ngôn ngữ: con người bẩm sinh có khả năng ngôn ngữ nhưng cần học mới hiểu và sử dụng được; cũng vậy, lễ nghĩa cần được học hỏi để thành thạo. Con người khác động vật ở chỗ có "nghĩa" – tức khả năng phân chia giai cấp xã hội để thiết lập cộng đồng – và có lý trí, biết suy xét lâu dài. Nếu để tính xấu chi phối, con người có thể thoái hóa xuống mức độ của động vật và không thể sống còn. Đây là khiếm khuyết trong bản tính thúc đẩy con người hướng tới văn minh. Tuân Tử cho rằng con người nhận thức được rằng để sống còn, họ phải hợp tác và phải có hệ thống đạo đức để chung sống. Do đó, những người có trí tuệ đặt ra hệ thống đạo đức và mọi người chấp nhận nó, một cách lý giải về nguồn gốc của quốc gia và lễ giáo từ quan điểm công lợi, tương tự như cách tiếp cận của Mặc Tử.

Theo Tuân Tử, lý trí con người chứa mầm mống của thiện và có thể giúp họ kiên cường, thậm chí hy sinh vì nghĩa lớn. Tuy vậy, Tuân Tử tách biệt năng lực lý trí khỏi định nghĩa về bản tính con người. Những khả năng này không phải là "năng lực đạo đức" hay cảm giác đạo đức bẩm sinh và ở điểm này ông khác với Mạnh Tử. Tuân Tử cho rằng kiến thức rộng rãi và ý chí vững vàng là điều kiện để thực hành lễ nghĩa thành công; vai trò của các bậc thánh quân và giáo dục là vô cùng quan trọng. Con người bẩm sinh vốn ích kỷ và hẹp hòi, nếu không có gương mẫu hay sự hướng dẫn của thầy, rất có thể chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Do không có sẵn nhân nghĩa đạo đức trong bản tính, con người phải kiên trì nỗ lực để học, như đi ngược dòng nước. Tuân Tử đề cao sự tĩnh tâm, tránh để những suy nghĩ mông lung cản trở trí tuệ. Quân tử nhờ vào sự tu dưỡng cá nhân và không ngừng cố gắng, tích lũy dần để trở thành người có đạo đức. Tuân Tử nhấn mạnh rằng có tiềm năng thực hành đạo đức không đồng nghĩa với việc ai cũng thực hành được. Mặc dù người bình thường có khả năng nhận biết và thực hành lễ nghĩa, phẩm chất của họ có thể được cải thiện qua nỗ lực và thói quen, nhưng một số người vì tính cách hoặc hoàn cảnh mà không nỗ lực và không muốn thực hành, nên không thể trở thành thánh nhân. Thực tế, chỉ có số ít người đạt đến mức thánh nhân, còn đa số thì bị cuốn vào các năng lực khác và mất đi cơ hội trở thành người hoàn thiện.

Triết học chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuân Tử nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự xã hội; mối quan tâm lớn nhất trong lý thuyết xã hội chính trị của ông là giải quyết vấn đề trị loạn, nhằm mang lại trật tự cho các vị quân vương tương lai, ngăn chặn sự hỗn loạn và khôi phục ổn định xã hội. Kế thừa tư tưởng từ Học cung Tắc Hạ, mục tiêu cuối cùng của ông cũng tương tự các học giả nơi đây, kết hợp ba lĩnh vực trời đất, con người và xã hội, yêu cầu người cai trị noi theo trật tự tự nhiên của trời và cơ thể, rồi áp dụng nó vào xã hội loài người. Theo ông, động lực chính để thúc đẩy xã hội là nhờ vào các bậc thánh nhân và thánh vương. Quốc gia và xã hội được thánh nhân tổ chức, lễ nghĩa giáo hóa được thánh vương ban hành; thiên hạ phải có thánh nhân làm vua, thực thi vương đạo thì nhân dân mới có thể an cư lạc nghiệp, đủ đầy sung túc. Ông đề cao lý tưởng thánh vương của Nho gia và quan niệm hợp nhất chính trị và giáo dục, thánh vương vừa là người lãnh đạo chính trị, vừa là người giáo hóa, không nổi giận nhưng vẫn khiến dân phục tùng nhờ sự cảm hóa. Lòng thành của người cai trị sẽ tự nhiên giáo hóa dân chúng, tựa như tạo hóa của trời đất. Tư tưởng này gần gũi với Trung Dung và có thể dựa trên đó. Tuân Tử ủng hộ thể chế nhà Chu, chủ trương "pháp hậu vương", tức noi theo Chu Văn vương và Chu Vũ vương. Ông cho rằng "tiên vương" sống từ thời quá xa xưa, ít thông tin, còn "hậu vương" là hình mẫu phù hợp hơn, giúp học giả hiểu rõ nguyên tắc của thể chế cổ đại.[a]

Quốc gia

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuân Tử giải thích về sự hình thành quốc gia. Trong trạng thái tự nhiên, con người không thể chung sống hòa bình mà cũng không thể sống đơn độc; nếu con người tự ý hành động, xã hội sẽ lâm vào hỗn loạn. Vì vậy, con người đã thông qua sắp đặt nhân tạo để xây dựng tổ chức xã hội và chính trị nhằm giải quyết mâu thuẫn. Quan điểm này của Tuân Tử tương đồng với lý thuyết về nguồn gốc quốc gia trong triết học phương Tây và gần với tư tưởng của Hobbes, cho rằng sự tồn tại của quốc gia là chính đáng. Tuân Tử chia chính trị thành ba hình thức: vương đạo lý tưởng dựa trên "nghĩa", bá đạo dựa trên "tín"; quốc gia dựa trên quyền mưu, chắc chắn diệt vong. Ông coi lợi ích của dân là quan trọng nhất; quân chủ hay chính quyền không thể dùng lợi ích của dân để phục vụ mục đích khác. Chính sách nhân nghĩa sẽ được dân chúng ủng hộ, trong khi chính sách thiếu nhân nghĩa sẽ không khả thi; kẻ cầm quyền không có đức không đủ tư cách và khả năng thống nhất thiên hạ. Tuân Tử có thể bị ảnh hưởng từ các Pháp gia như Thận Đáo, Thân Bất Hại và phần nào tán thành bá đạo. Ông ngợi ca Xuân Thu Ngũ Bá, đặc biệt là Tề Hoàn Công vì biết dùng hiền tài như Quản Trọng, nhưng vẫn phê bình rằng Ngũ Bá không tu dưỡng lễ nghĩa và hoàn thiện văn hóa đạo đức, khó mà thu phục lòng người. Giống Mạnh Tử, Tuân Tử cho rằng vương đạo hơn bá đạo, tuy nhiên ông coi hai cách cai trị này chỉ khác nhau về mức độ.

Tuân Tử chủ trương kiểm soát tư tưởng trong quốc gia, đưa ra hệ thống "chính danh" và "cấm mê hoặc" để cấm các học thuyết khác ngoài Nho gia, được xem như tiền đề cho chính sách đốt sách của Tần Thủy Hoàng. Ông xem "chính danh" là công cụ phân biệt sang hèn, danh hiệu do thánh vương định ra và khi đã thành lệ thì không thay đổi, điều này giúp thống nhất tư tưởng. Bằng cách xác lập ý nghĩa của từ ngữ, người cầm quyền có thể kiểm soát dân chúng. Tuân Tử coi nhiều học thuyết là tà thuyết, gây rối loạn, nên khi thánh nhân cầm quyền, phần lớn các tà thuyết đó nên bị diệt trừ, tương tự như việc Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão. Theo Tuân Tử, khi có thánh vương trị vì, sĩ nhân không nên có tư tưởng độc lập; khi chỉ có quân chủ thông thường trị vì, thì chỉ Nho gia mới có quyền này. Chính phủ nên can thiệp và kết thúc các tư tưởng chống đối. Dù bản thân từng rời bỏ các quốc gia để tìm minh chủ mới, ông phản đối sĩ nhân rời nước để chống lại quân chủ. Tuân Tử dường như hình dung về một quốc gia thống nhất, thu hút tất cả nhân tài và chấm dứt thời kỳ sĩ nhân chu du các nước.

Tuân Tử chủ trương trọng dụng hiền tài. Ông phản đối việc nhường ngôi mà cho rằng quân chủ nên là cha truyền con nối nhưng phải bổ nhiệm hiền tài làm tể tướng. Khác với Mạnh Tử, Tuân Tử đã chấp nhận hệ thống quan liêu mới nổi; quốc gia có thể do tể tướng không kế thừa xử lý thay cho quân chủ, điều này gần với tư tưởng Pháp gia. Ba chức vụ quan trọng trong quốc gia gồm "Tể Tước" phụ trách tế lễ, "Tư Đồ" phụ trách quản lý đất nước và dân chúng và "Tư Mã" phụ trách quân sự. Tuân Tử nhấn mạnh sự trung thành của quan lại đối với quân chủ, nhưng cũng hiểu rằng nhiều trung thần như Tỷ Can, Ngũ Tử Tư đã hy sinh khi can gián, nên ông khuyên rằng khi đối diện bạo chúa, quan lại có thể giữ mình để tránh hại thân. Ông cho rằng trung thần đích thực là người trung thành với xã tắc; vì vậy, ông khen ngợi Tín Lăng quân vì đã trái lệnh vua, trộm hổ phù để xuất binh chống Tần, coi đó là hành động trung thành với đất nước. Về quân sự, Tuân Tử cho rằng tinh thần và lòng tin của dân là điều kiện cơ bản để chiến thắng. Quân đội nhân nghĩa có thể cải hóa phong tục. Chiến tranh chỉ nên phát động nhằm tái lập trật tự và bảo vệ dân khỏi hỗn loạn hoặc nguy hại, không phải để tranh giành.

  1. ^ "Tiên vương" (先王) trong Nho giáo thường dùng để chỉ những vị vua hoặc người cai trị trong quá khứ, đặc biệt là các vị vua hiền tài và đức độ đã thiết lập nền tảng cho xã hội, văn hóa và lễ nghi. Trong bối cảnh này, "tiên vương" chủ yếu ám chỉ các vị quân vương thời thượng cổ hoặc các bậc quân chủ đời trước có vai trò mẫu mực, được Nho gia ca ngợi và xem là hình mẫu về đức trị và vương đạo.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Sato (2016), tr. 28, 80.
  2. ^ Sato (2016), tr. 304.
  3. ^ Sato (2009), tr. 478.
  4. ^ Sato (2016), tr. 256, 264, 262.
  5. ^ Sato (2016), tr. 7, 262–263.
  6. ^ Trang Cẩm Chương (2003), tr. 194.
  7. ^ Pines (2013), tr. 163.
  8. ^ Trần Vinh Tiệp (2016), tr. 135.
  9. ^ a b Tiêu Công Quyền (1961), tr. 75.
  10. ^ Sato (2016), tr. 322.
  11. ^ Mote (2009), tr. 62.
  12. ^ a b Graham (2003), tr. 298.
  13. ^ Dương Mậu Xuân (1986), tr. 206.
  14. ^ Sato (2016), tr. 347, 376–377.
  15. ^ Trang Cẩm Chương (2003), tr. 193.
  16. ^ Đặng Tiểu Hổ (2008), tr. 44, 35.
  17. ^ Lai (2012), tr. 44.
  18. ^ Thương Vĩ (2012), tr. 364.
  19. ^ Sato (2016), tr. 347.
  20. ^ Dương Mậu Xuân (1986), tr. 204.
  21. ^ Sato (2016), tr. 364, 27–28.
  22. ^ Pines (2003), tr. 159.
  23. ^ Sato (2016), tr. 27.
  24. ^ Pines (2003), tr. 158–59.
  25. ^ Sato (2016), tr. 316, 27.
  26. ^ Dương Mậu Xuân (1986), tr. 205, 207.
  27. ^ Sato (2016), tr. 340, 342.
  28. ^ Sato (2013), tr. 156.
  29. ^ Graham (2003), tr. 300.
  30. ^ Schwartz (2004), tr. 310–11.
  31. ^ Pines (2003), tr. 160.
  32. ^ Sato (2016), tr. 344.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Dương Mậu Xuân (1986). 中國社會思想史 [Lịch sử tư tưởng xã hội Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Đài Bắc: Công ty Văn hóa Ấu Sư. ISBN 9575301668.
  • Đặng Tiểu Hổ (2008). “《荀子》中「性」與「偽」的多重結構” [Cấu trúc đa tầng của ‘Tính’ và ‘Ngụy’ trong Tuân Tử] (PDF). Tạp chí Bình luận Triết học Đại học Quốc gia Đài Loan (bằng tiếng Trung). 36: 1–28. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2017.
  • Graham, A. C. (2003). 论道者:中国古代哲学论辩 [Luận đạo: Tranh biện triết học cổ đại Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Trương Hải Yến biên dịch. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Trung Quốc. ISBN 7500438672.
  • Lai, Karyn L. (2012). 中国哲学导论 [Nhập môn triết học Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Lưu Lương Kiếm biên dịch. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Thế giới. ISBN 9787510054730.
  • Mote, Frederick W. (2009). 中国思想之渊源 [Nguồn gốc tư tưởng Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Vương Lập Cương biên dịch. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh. ISBN 9787301146095.
  • Pines, Yuri (2003). Cao Quân Hòa biên dịch. “新舊的融合:荀子對春秋思想傳統的重新詮釋” [Sự hòa hợp giữa mới và cũ: Cách Tuân Tử tái diễn giải truyền thống tư tưởng Xuân Thu] (PDF). Tạp chí Triết học Đại học Quốc gia Chính trị (bằng tiếng Trung). Đài Bắc. 11: 137–184. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2017.
  • Pines, Yuri (2013). 展望永恒帝国:战国时代的中国政治思想 [Triển vọng về một đế quốc vĩnh hằng: Tư tưởng Chính trị Trung Quốc thời Chiến Quốc] (bằng tiếng Trung). Tôn Anh Cương biên dịch. Thượng Hải: Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải. ISBN 7532567907.
  • Sato, Masayuki (1 tháng 1 năm 2009). “《荀子》《呂氏春秋》「忠」論和「忠信」論之展開及其思想意義” [Sự phát triển của lý thuyết ‘Trung’ và ‘Trung Tín’ trong Tuân Tử và Lã thị Xuân thu cùng ý nghĩa tư tưởng]. Thanh Hoa học báo (bằng tiếng Trung). Đài Bắc: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thanh Hoa. 39 (3). doi:10.6503/THJCS.2009.39(3).05. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 9 năm 2017.
  • Sato, Masayuki (2013). 荀子禮治思想的淵源與戰國諸子之研究 [Nguồn gốc tư tưởng lễ trị của Tuân Tử và nghiên cứu về các trường phái thời Chiến Quốc] (bằng tiếng Trung). Đài Bắc: Trung tâm Xuất bản Đại học Quốc gia Đài Loan. ISBN 978-986-03-9634-8.
  • Sato, Masayuki (2016) [2017-11-26]. 參於天地之治:荀子禮治政治思想的起源與構造 [Tham gia quản lý trời đất: Nguồn gốc và Cấu trúc tư tưởng chính trị, lễ trị của Tuân Tử] (bằng tiếng Trung). Đài Bắc: Trung tâm Xuất bản Đại học Quốc gia Đài Loan. ISBN 9789863501824.
  • Schwartz, Benjamin I. (2004). 古代中国的思想世界 [Thế giới tư tưởng Trung Quốc cổ đại] (bằng tiếng Trung). Trình Cương biên dịch. Nam Kinh: Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô. ISBN 721403588X.
  • Thương Vĩ (2012). 礼与十八世纪的文化转折:《儒林外史》研究 [Lễ và Bước Ngoặt Văn Hóa Thế Kỷ XVIII: Nghiên cứu về Nho Lâm Ngoại Sử] (bằng tiếng Trung). Nghiêm Bội Văn biên dịch. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Tam Liên. ISBN 7108041391.
  • Tiêu Công Quyền (1961). 中國政治思想史 [Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Đài Bắc: Ủy ban Xuất bản Văn hóa Trung Hoa. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2021.
  • Trang Cẩm Chương (2003). “荀子與四種人性論觀點” [Tuân Tử và bốn quan điểm về thuyết tính người] (PDF). Tạp chí Triết học Đại học Quốc gia Chính trị (bằng tiếng Trung). 11: 185–210. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 1 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2017.
  • Trần Vinh Tiệp (2006). 中国哲学文献选编 [Tuyển Tập tài liệu triết học Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Dương Nho Tân; các dịch giả khác biên dịch. Nam Kinh: Nhà xuất bản Giáo dục Giang Tô. ISBN 7534373689.