Bước tới nội dung

Thành viên:Leeaan/nháp/3

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ tư (1407–1427) là giai đoạn kéo dài 20 năm khi Đại Việt bị nhà Minh của Trung Quốc xâm lược và trực tiếp cai trị. Thời kỳ này bắt đầu với sự sụp đổ của nhà Hồ vào năm 1407 và kết thúc sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, dẫn đến sự khôi phục nền độc lập của Đại Việt vào năm 1428.

Trong 20 năm cai trị, nhà Minh thực hiện một loạt biện pháp để củng cố quyền cai trị, bao gồm việc thiết lập các cơ quan hành chính tương tự như ở Trung Quốc, áp dụng chính sách Hán hóa và triển khai các chính sách ưu đãi về kinh tế. Nhà Minh cũng bãi bỏ tất cả các loại thuế hà khắc của nhà Hồ, giảm bớt gánh nặng sản xuất cho người dân và áp dụng một loạt chính sách “lợi ích” tại khu vực Giao Chỉ.

Tuy nhiên, sự cai trị của nhà Minh tại Giao Chỉ cuối cùng đã kết thúc vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, các quan lại nhà Minh ở Việt Nam phần lớn thiếu năng lực, dẫn đến tình trạng quản lý kém hiệu quả, tham nhũng tràn lan, gây ra sự phản kháng mạnh mẽ từ nhân dân Việt Nam. Thứ hai, sau hàng trăm năm phát triển độc lập, Đại Việt đã hình thành nền văn hóa và ý thức dân tộc riêng, tạo nên sự phản kháng đối với sự cai trị từ triều đình Trung Nguyên. Ngoài ra, áp lực từ tàn dư của Đế quốc Mông Cổ ở biên giới phía bắc của nhà Minh ngày càng tăng khiến vai trò chiến lược của vùng Giao Chỉ suy giảm. Cùng với các cuộc khởi nghĩa chống Minh không ngừng nổ ra, nhà Minh buộc phải từ bỏ quyền cai trị tại Việt Nam.

Đến niên hiệu Tuyên Đức, vào khoảng năm 1427, nhà Minh chính thức từ bỏ quyền cai trị Việt Nam, Minh Tuyên Tông ra lệnh bãi bỏ Giao Chỉ thừa tuyên Bố chính sứ ty và rút quân về nước. Sau đó, nhà Minh phong Lê Lợi làm An Nam Quốc Vương, mở ra một chương mới trong quan hệ Trung - Việt.

Bối cảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào những năm cuối thế kỷ 14, Đại Việt trải qua một loạt những biến động kinh tế, chính trị và xã hội nghiêm trọng. Sau gần hai thế kỷ tồn tại, chính quyền nhà Trần dần suy yếu do phải trải qua một loạt thảm họa thiên nhiên, mất mùa, dịch bệnh và sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Sự bùng nổ mâu thuẫn giữa các tầng lớp quý tộc và nông nô, nô tỳ, đồng thời những xung đột gay gắt giữa tầng lớp quan lại và sĩ phu đã khiến dân chúng dần mất lòng tin vào triều đình. Những cuộc khởi nghĩa nông dân, nô tỳ, và các lực lượng tôn giáo nổi lên khắp nơi, đe dọa nghiêm trọng đến tính chính danh của họ Trần, khiến quyền lực trung ương suy yếu trầm trọng. Bên cạnh đó, việc một loạt các vị vua thiếu năng lực lên ngôi sau thời Trần Minh Tông đã tạo điều kiện cho quyền thần Lê Quý Ly – một nhà cải cách đầy tham vọng – thâu tóm quyền lực và kiểm soát triều đình.

Lê Quý Ly, vốn là ngoại thích của nhà Trần, đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để củng cố quyền lực, bao gồm việc thanh trừng các quan lại trung thành với nhà Trần. Năm 1400, ông chiếm ngôi nhà Trần, đổi sang họ Hồ và lập ra nhà Hồ, cải quốc hiệu là "Đại Ngu". Đến năm 1401, ông nhường ngôi cho con trai là Hồ Hán Thương và lui về làm Thái Thượng hoàng, nhưng vẫn nắm quyền điều khiển chính sự. Được một số sử gia Việt Nam hiện đại xem như một "nhà cải cách cấp tiến", Hồ Quý Ly – ngay từ lúc chưa soán vị nhà Trần – đã thực hiện nhiều cải cách sâu rộng, bao gồm việc phát hành tiền giấy, dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô (Thanh Hóa), cải tổ bộ máy hành chính và quân đội. Tuy nhiên, những cải cách của ông không nhận được sự ủng hộ từ các tầng lớp quý tộc và nhân dân, dẫn đến sự bất mãn ngày càng gia tăng. Những cải cách mạnh mẽ của ông trong một thời gian ngắn, dù nhằm hiện đại hóa hệ thống quản lý và kinh tế, nhưng lại gây ra sự hỗn loạn trong xã hội, dẫn đến khủng hoảng toàn diện.

Sự căng thẳng giữa nhà Hồ và nhà Minh ngày càng leo thang do các tranh chấp biên giới và cuộc chiến với Chiêm Thành, đặc biệt khi Đại Ngu mở rộng lãnh thổ đã xung đột với ảnh hưởng bá quyền của nhà Minh trong khu vực. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước tạm thời được xoa dịu khi Hồ Hán Thương được nhà Minh gia phong làm "An Nam quốc vương" và các tranh chấp đất đai được giải quyết. Tưởng như tính chính danh của nhà Hồ đã được củng cố, nhưng vào tháng 10 năm 1404, một người tên Trần Thiêm Bình xuất hiện tại triều đình nhà Minh ở Nam Kinh, tự xưng là con của vua Trần Nghệ Tông và tố cáo Hồ Quý Ly cướp ngôi. Tuy nghi ngờ về danh tính thực sự của người này, nhưng triều đình nhà Minh vẫn quyết định lấy đó làm lý do để can thiệp vào Đại Việt. Dưới áp lực từ nhà Minh, Hồ Quý Ly buộc phải đồng ý rước Trần Thiêm Bình về nước để làm vua. Tháng 1 năm 1406, Minh Thành Tổ lệnh cho 5.000 quân hộ tống Trần Thiêm Bình về nước nhậm chức, nhưng khi đoàn quân này tiến gần tới Đông Đô thì đã bị phục kích tiêu diệt. Trần Thiêm Bình bị bắt và xử tử.

Hành động này làm gia tăng căng thẳng giữa nhà Hồ và nhà Minh. Minh Thành Tổ, một hoàng đế đầy tham vọng, nuôi mộng bá chủ thế giới, quyết định cử thêm quân để trừng phạt cha con Hồ Quý Ly. Vào tháng 11 năm 1406, lấy danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ", hai tướng Trương PhụMộc Thạnh dẫn đầu hơn 215.000 quân từ hai hướng tiến vào lãnh thổ Đại Ngu. Trương Phụ xuất phát từ Quảng Tây, còn Mộc Thạnh từ Vân Nam. Cả hai mũi tiến công gặp nhau tại vùng biên giới phía Bắc của Đại Việt, với mục tiêu là tiến sâu vào khu vực đồng bằng sông Hồng, nơi tập trung lực lượng chính của quân đội nhà Hồ.

Lực lượng Đại Ngu, dù đông đảo nhưng thiếu tổ chức, đã không thể chống trả hiệu quả trước sức mạnh của quân Minh. Hồ Quý Ly chủ trương bỏ ngõ việc phòng thủ ở biên giới mà tập trung phòng thủ ở bờ Nam sông Hồng, dựa vào thành Đa Bang kiên cố. Sau khi chiếm được các vùng biên giới phía Bắc, quân Minh dưới sự chỉ huy của Trương Phụ đã tấn công và bao vây Đa Bang. Quân đội nhà Hồ quyết tâm phòng thủ nhưng không thể chống cự được sức mạnh và sự đông đảo của quân Minh. Sau một thời gian bị bao vây và tấn công dữ dội, thành Đa Bang thất thủ vào tháng 3 năm 1407. Quân Minh tiếp tục đánh bại hoàn toàn quân chủ lực của Đại Ngu ở trận Hàm Tử, khiến cho nhà Hồ phải rút lui về Thanh Hóa. Cuối cùng, vào tháng 6 năm 1407, cha con Hồ Quý Ly bị bắt sống tại vùng biển Thanh Hóa khi đang tìm cách chạy trốn và bị áp giải về Nam Kinh.