Bước tới nội dung

Thành viên:Huytq1406/Nháp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa là miền quê của trò diễn nổi tiếng có từ thời Lý gắn với thành hoàng Tam Công Trịnh Quốc Bảo có công tạo dựng và truyền dạy mà cho đến nay trong dân gian vẫn thường nhắc nhớ:

Trò Chiềng, vật Bộc, rối Si

Cơm đắp kẻ Lở, cơm thi kẻ Lào...

Người sáng lập ra trò Chiềng là Thành hoàng Tam Công Trịnh Quốc Bảo (998 - 1085), ông còn có tên là Trịnh Bạn, người bản Định Xá (làng Chiềng). Trịnh Quốc Bảo làm quan dưới triều Lý Thái Tông (1028 – 1054), lần lượt giữ chức Hành Khiển, Đại phu, sau đó phong chức Tổng binh rồi Thái Bảo. Ông là người có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh Tống ở phía Bắc, dẹp yên giặc Chiêm Thành ở phía Nam nên được phong là Đông Phương Hắc Quang Đại Vương. Năm 1065 ông được phong là Phúc thần làng Trịnh Xá (Trịnh Xá phúc thần, Đông phương vị hựu Hắc Quang Đại Vương).

Đại Việt sử ký ghi “Kỷ Dậu, Thiên Huống Báo Tượng năm thứ 2 (1069)... Mùa xuân, tháng 2, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người... Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua bằng lòng tha cho Chế Củ về nước”. Dân gian cho biết trong khi được vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072) sai đánh giặc Chiêm Thành, biết quân Chiêm dùng Tượng binh thiện chiến, ông đã bàn bạc với các bô lão trong làng cho làm hai đội tượng binh là hình những con voi được đan bằng tre và phết giấy để luyện tập cùng với kỵ binh và bộ binh thành đội quân tinh nhuệ và thiện chiến. Khi giặc Chiêm Thành tiến sâu vào nước ta, đội tượng binh bằng tre nứa của Trịnh Quốc Bảo được làm giả trông như voi thật, ngoài ra ở vòi voi được bố trí pháo hoa nên lúc xung trận đội tượng binh hùng hậu xông ra, pháo hoa phát hỏa, kèm theo tiếng nổ đinh tai tựa như sấm ran, chớp giật, khói bay mờ mịt khiến cho quân Chiêm bất ngờ và đoàn tượng binh toán loạn. Đội quân voi nan của tướng quân Trịnh Quốc Bảo thắng lợi huy hoàng, hồi kinh trong tiếng reo hò phấn chấn.

Năm 1068, đất nước thái bình, triều Lý mở hội du xuân ôn lại chiến thắng khải hoàn, trước triều thần, văn võ bá quan và dân chúng kinh thành Thăng Long đông đủ, trò voi trận của Trịnh Quốc Bảo được nhà vua vời ra kinh đô để biểu diễn. Trò voi trận khiến cho vua và quần thần vừa thích thú hài lòng, vừa rưng rưng rơi lệ khi nghĩ tới công lao khó nhọc và mưu trí của quan quân và nhân dân trăm họ đã làm nên chiến thắng lẫy lừng.

Vào năm 1078 – 1085, vị quan triều Lý - Trịnh Quốc Bảo trở về quê nhà làng Trịnh Xá, khi ấy ông đã 80 tuổi. Trịnh Quốc Bảo đã tổ chức cho con cháu diễn lại các trận đánh xưa, đồng thời tiếp thu thêm các trò diễn từ đất Thăng Long về truyền lại cho dân làng. Từ đó, lễ hội trò Chiềng được tổ chức với quy mô bề thế và có nhiều trò diễn phong phú và sinh động. Sau khi ông mất, huyệt mộ được lập ngay trong đình theo hình thức “Thượng sàng, hạ mộ” và được tế lễ, hương khói ngàn thu. Qua các tư liệu trên thì trò Chiềng ra đời cách nay gần một nghìn năm và diễn lần sau cùng vào năm 1944, cho mãi tới năm 2007 mới được khôi phục lại.

Trò Chiềng khởi đầu từ trò voi trận - chọi voi và phát triển lên thành lễ hội với 12 trò diễn, trong đó có 4 phần rước gồm: Rước cỗ vàng, rước cỗ gà, rước thành hoàng và lễ rước phụng hoàn. Lễ hội trò Chiềng là lễ hội độc đáo nhằm thư giãn sức dân sau những ngày mùa vụ vất vả trong năm, đáp ứng nhu cầu tâm linh, cầu cho dân an vật thịnh, mùa màng tốt tươi. Theo quan niệm xưa, nếu người nào trong làng, xã không được tham gia lễ hội coi như cả năm xui xẻo.

Lễ hội trò Chiềng diễn ra từ ngày 10 đến 12 tháng giêng hàng năm. Theo quy định của làng, trò Chiềng chia thành: đại trò, trung trò và tiểu trò. Năm nào được mùa, dân no đủ thì tổ chức đại trò: diễn cả 12 trò; còn năm nào mùa màng giảm thì làm trung trò: từ 5 đến 6 trò; năm nào mất mùa, thiên tai địch họa thì làm tiểu trò, chủ yếu là tế rước, để giữ lễ trò là chính.

Người chỉ huy lễ hội là Thượng Soạn, còn lại gọi là Cái. Ngày xưa làng được chia thành hai mạn, mạn Nhất là tất cả những người họ Trịnh, mạn Nhì có họ: Lê, Đỗ, Nguyễn, Lưu. Lúc nào hai mạn cũng có người đứng cái để phân công lo lễ hội năm sau. Trong lễ hội trò Chiềng, có các Cái như: cái Chèo, cái Voi, cái Ngựa, cái Rồng, cái Pháo, cái Tàu, cái Thiên Vương. Điều đặc biệt với những người tham gia cái Chèo là con gái chưa xây dựng gia đình từ 18 đến 22 tuổi mới được chọn vào đội Chèo của lễ hội chính thức. Đối với cái Chèo thì con gái trong làng từ 14 tuổi trở lên đều phải học hết và học quanh năm. Nếu ai kế nghiệp thì được gọi là Cái phó. Riêng con trai từ 17 đến 25 tuổi trước khi vào diễn trò nếu ai đã lập gia đình phải cách ly vợ trước 15 ngày.

Trước khi mở hội, hai trưởng Mạn và các Cái (người phụ trách các trò) lên đình làng họp bàn quyết định năm nay mở trò như thế nào. Vào ngày mùng 8 tháng giêng, các Cái sẽ dẫn quân đi chặt tre, mây và chuẩn bị đồ lễ cho hội trò. Đặc biệt, từ 7 đến 9 giờ sáng, không nhà nào được giữ bất kỳ vật dụng gì khi các Cái muốn lấy, nhưng sau giờ ấy thì bắt buộc phải mua. Mọi thứ được chuẩn bị nhanh chóng, chu đáo trong hai ngày 8 và 9, để đến sáng mùng 10 tháng giêng khai hội diễn trò.

Hàng năm bắt đầu từ mùng 7 Tết - mở cửa ngõ là lễ rước cỗ gà lên đình, đưa ra nghè tế rồi trở về đình, lễ vật này được đem chia cho các cụ 70 tuổi trở lên. Vào ngày mùng 8 Tết, cụ tiên chỉ và các chức sắc trong làng họp bàn tổ chức lễ hội. Ngày mùng 9, cái trò và các con trò chuẩn bị sẵn các đạo cụ tập trung ở đình làng.

Ngày mùng 10 khai hội, buổi sáng dân làng rước voi, ngựa, rồng... ra sân đình kiểm tra cho chỉn chu để tiến hành tế lễ; buổi chiều, sau khi nghe tiếng cồng gióng lên, các con trò và đạo cụ đều tề tựu đủ trước sân đình để làm lễ cáo yết thành hoàng, 12 trò lần lượt múa hát trước cửa đình trình thần đủ 3 lần rồi trở về vị trí lúc ban đầu. Sau khi tế lễ, buổi chiều các con trò tập luyện cùng với đạo cụ.

Sáng ngày 11, dân làng làm lễ phụng nghinh, rước thành hoàng ra bãi trò. Dân làng dâng lễ vật bái yết thành hoàng, đội tế vào vị trí và các màn hát múa như: dâng hương, chèo mái, hát bài khai trò...

Kính trình làng xã

Thượng hạ các ngôi

Lẳng lặng nghe tôi

Diễn trò mâu quyết

Tài trai Nam Việt

Quyết chí diệt thù

Thiên vương xung trận...

... Đuổi vạ đói nghèo

Nhà nhà no đủ

Thịnh vượng hương thôn...

Tiếp đến các thôn nữ hát bài “Chèo mái”:

Đầu xuân mở hội diễn trò

Chị em tôi múa uốn tay lượn vòng

Ông từ mở cửa cho cao

Cho chúng tôi vào để rước vua ra

Rước vua ra tới sân đình

Trống đánh rập rình vui thật là vui...

Sau khi đọc và hóa chúc, dân làng tiến hành “trò rước”. Đi đầu là kiệu Bát cống, kế đó là kiệu Long đình, đoàn rước vừa đi, vừa hát:

Làng ta khéo kén làm sao

Kén tám trai kiệu vừa cao vừa giòn

Trai kiệu đội mũ thắt đai

Hai tay rón rén lên vai kiệu vàng

Kiệu vàng chỉ đỏ chỉ xanh

Màu hoa chiêng chiếng nở quanh kiệu vàng.

Tiếp theo kiệu rước là các con trò và voi, ngựa, rồng... Đội chèo hát múa bài “Rước voi”:

Làng ta đan ngựa đan voi

Đan rồng để rước dạo quanh đường làng

Ai coi đứng lại mà coi

Coi làng Trịnh Xá chọi voi rõ ràng

Đám rước ra đến bãi trò

Hai mạn thi chọi nức lòng người xem.

Theo sau voi, ngựa, rồng đoàn rước còn có đội cờ, đội Thiên vương, đội tế, phường bát âm, đội hát chèo, quan viên và dân làng xếp thành đoàn dài với màu sắc rực rỡ và âm thanh vui nhộn kéo ra bãi trò đem đến cho không khí làng quê trong những ngày xuân ấm áp và tràn đầy sức sống.

Đến bãi trò, Khai môn vung dao chặt đứt cây tre và dây thừng, mở cửa bãi trò và ông Thượng soạn làm lễ trước khi vào hội, bài chúc có nội dung:

Lễ hội trò Chiềng

Khai môn trình diện...

Kính chúc đức ông

Tam công làng Trịnh

Vạn an, vạn phúc

Vạn thọ vô cương

Văn võ kiệt tài

Được phong Thái bảo

Lừng danh bốn cõi

... Thắng trận trở về

Rạng danh làng Trịnh

Mừng vui chiến thắng

Mở hội du xuân

...Kính chúc làng ta

Võ thăng quan tước

Văn chiếm khôi khoa

Nông thời phú gia...

Phần hội có các trò như: kén rể, tẩu mã, chọi voi, chọi rồng - cá hóa rồng, trò voi bị, đốt pháo bông, lễ rước phụng hoàn.

Lễ hội trò Chiềng mở đầu là trò kén rể. Tương truyền, tuy là làng quê bé nhỏ, nhưng con gái làng Trịnh Xá vốn nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, mỗi khi làng mở hội và tổ chức kén rể thì giai nhân, tài tử khắp chốn xa gần từ Hàn Tín, Tiêu Hà, cho đến con Bụt và tất cả các tầng lớp khác trong xã hội cũng đều nô nức kéo đến tham dự kén rể, mong lọt vào mắt xanh của con gái làng Chiềng, để làng “kén được trai tài/Rể hiền làng Trịnh”.

Mở đầu trò này, một người đóng vai Lương tướng hát:

Đông hải sáng bình minh

Tây Trường Sơn hùng vĩ

Quốc gia nay thái bình

Dân yên vật thịnh

Trời Nam đất Việt

Con Lạc cháu Hồng

Vui xuân mở hội

Lương tướng làng ta

Phù rập quốc gia

Lý triều thiên cổ

Chiến thắng công thù

Song toàn văn võ

... Mở đất Tràng Yên...

Tiếp đó một con trò trong vai Nguyệt Lão lưng đeo một chiếc bồ (tiên nữ làng Trịnh) và đặt giữa bãi trò để mọi chàng trai suy đoán. Thượng soạn nổi cồng rồi hát:

Nào là Sĩ, Nông, Công, Thương

Cho đến Ngư, Tiều, Canh, Mục

Nào là

Anh hùng bốn phương

Danh nhân tứ hải

Đấng trai anh hùng

Đắc tài đắc đạo

Ai có tài thì lên luận sự

Trẫm gả con cho

Trai tài gái sắc

Kết duyên phu phụ.

Sau lời mời ấy của nhà vua (Thượng soạn hát), lần lượt các chàng trai vừa quan sát, vừa hát và đoán trong bồ có gì. Đầu tiên là một chàng nho sĩ chỉ vào bồ và đoán: “Bồ này là bồ sách, bồ vở làng Chiềng”; đến nông gia, anh ta đoán: “Bồ này đích thị bồ thóc làng Trịnh”; công gia đoán: “Bồ này ắt hẳn là bồ than”; đến lượt thương gia đoán: “Bồ này đích thị là bồ tiền, bồ bạc làng Trịnh rồi”; ngư phủ đoán “Bồ này là bồ muối trắng”. Các chàng trai trong nội quốc đoán xong nhưng không có ai đoán đúng, đến lượt các chàng trai ngoại quốc mời vào đoán. Đầu tiên là Hoàng tử Ai Lao hát rằng:

Việt – Lào Trường Sơn gắn bó

Hoàng tử tôi nay muốn có vợ hiền

Hội xuân làng Chiềng kén rể

Tôi mong được làm phò mã hôm nay.

Khi được hỏi, Hoàng tử chỉ vào bồ và đoán: “Bồ này là bồ ngọc ngà châu báu”, tiếp đến hỏi Con Tiên, Con Tiên trả lời: “Bồ sung”; Con Bụt đoán: “Bồ xôi”; hỏi Sứ Hung Nô, Sứ Hung Nô đoán: “Đây là bồ sản vật cống nạp của Bắc quốc”; tiếp đến Quốc sư Tiêu Hà trả lời: “Bồ này là bồ sản vật cống nạp”, Thượng soạn nói: Sai to, sai to, Nam quốc sơn hà chẳng tiến cống ai; Tướng Nghiêm Quang đoán: “Bồ này là bồ áo giáp quân binh”; Hàn soái Hàn Tín hát:

Mở ra nghiệp Hán đã nên trai

Kén rể anh nay xin gặp hội

Những mong giao kết bạn duyên hài.

và đoán: “Hẳn bồ này là bồ chiến lợi phẩm”; hỏi đến tướng Cảnh Cam, tướng này đoán: “Bồ này là bồ gươm bồ giáo”. Sau cùng Thượng soạn trong vai nhà vua phán: Trẫm mời Lương tướng mau vào thi tài, Lương tướng hát rằng:

Lương tướng anh đây đến làng ta

Cả đời nguyện phù rập quốc gia

Anh hỏi nàng hay lời sự thật

Ân ái cùng nhau hợp một nhà.

Khi được hỏi Lương tướng đoán: “Bồ này là bồ tiên nữ làng Trịnh Xá”, Nguyệt lão mở bồ và hát:

Trình làng, trình xã

Bè bạn gần xa

Hãy nhìn vào đây

Mà xem thầy mở

Mở bồ tiên nữ

Đã kén được chồng

Ba ha, bảy chay

Làng ta có rể

Hộ đối môn đăng

Mừng lời chúc tụng.

Khi làng chọn được rể tài và hỏi Tiên nữ, nàng e thẹn đáp “Đây đích thị là người con mong” và nói với Lương tướng:

“Em là thân phận nữ nhi

Gặp chàng Lương tướng em thì xin vâng”.

Trò kén rể kết thúc trong điệu hát xẩm xoan:

Hát khúc ca vui

Hát câu chúc mừng

Làng ta có rể

Tưng bừng hội xuân

Trai tài gái sắc

Thuận tình xứng đôi

Đẹp duyên loan phượng thêm nồng...

Trong trò Chiềng cùng với các trò khác, trò chọi Voi là tiết mục khá độc đáo trong ngày hội làng. Có 3 loại voi: Voi Chầu gồm có 2 con to như voi thật, 2 con voi Bị để nhà nào có tang đội vào và voi Chọi. Xưa kia, thành hoàng làng Trịnh Quốc Bảo được vua giao nhiệm vụ đánh giặc Chiêm Thành. Hai trận đầu ra quân đều bị thua vì giặc có đội voi thiện chiến. Đêm về ông nằm mơ thấy hình thù con vật to phun lửa thì đàn voi chạy. Ông bèn hạ lệnh cho quân lính đan voi để chiến đấu. Đầu voi được quay tứ phía, vòi voi gắn pháo để phun lửa, 4 chân voi cho 4 người khênh. Sau khi ra trận thì đánh thắng giặc và bắt sống được vua Chiêm Thành. Ông được vua Lý phong là Đông Phương Hắc quang đại vương.

Trò voi chọi là voi được đan bằng tre và mây, do 4 thanh niên lực lưỡng vác 4 chân và một lão nông khỏe mạnh, dày dạn kinh nghiệm cầm cần điều khiển đầu voi để chọi, toàn bộ thân voi có vải che kín và mỗi voi có màu vải khác nhau. Khi phát lệnh, 2 con voi xông vào nhau, chọi bằng hai chiếc ngà. Lệ xưa quy định chọi voi 2 vòng, mỗi vòng 3 hiệp, con nào bị đẩy lùi, bị đánh đúng chữ “Đích” trên đầu thì thua cuộc. Sau khi trò kết thúc, tất cả voi, ngựa, rồng được đem hóa yết cáo trời đất tri ân công đức của cha ông và các thế hệ tiền nhân của dân làng Chiềng. Tương truyền, những cặp vợ chồng muộn con nếu chui qua bụng voi thì trong năm đó sẽ có con.

Ở Việt Nam có múa Rồng chứ chưa có chọi Rồng, ước nguyện của con người là cá chép hóa rồng. Trong lễ hội trò Chiềng có trò chọi Rồng, với 2 con rồng, trong đó đầu và đuôi hình rồng, còn giữa thân có hình con cá chép. Khi hai con chọi nhau, con nào thắng thì con cá chép chui hẳn vào đầu rồng thành cá chép hóa rồng.

Trò Chiềng kết thúc bằng trò đốt pháo bông để ăn mừng. Cây pháo được dựng có 12 tầng với các ống và quả pháo có nhiều kích cỡ khác nhau, trên đỉnh chót vót của cây pháo là hình chú Tễu làm trò. Khi phát hỏa, ánh sáng muôn màu lóe lên và xuất hiện những cảnh: Tễu xay lúa giã gạo, đôi chim công bay múa, chim đẻ trứng và sau cùng hiện lên dòng chữ Hán “Như nhật chỉ thăng” với hàng loạt pháo thăng thiên bay lên, in trên nền trời nhiều hình thù và màu sắc lạ mắt.

Ngày xưa khi triều đình mở hội du xuân, đã thành lệ dân làng phải ra kinh đô Thăng Long biểu diễn cho vua xem, việc đi lại quá xa xôi và vất vả. Tương truyền ở làng Trịnh Xá có bà phi của nhà vua tên là Trịnh Thị Chan, dân gian thường gọi là bà Chúa Chan đẹp người, giỏi chữ, hát hay (hiện nay vẫn còn đền thờ bà ở xóm Tân Tiến, xã Yên Ninh), thấy dân làng phải ra tận kinh thành biểu diễn vất vả, bà đã bàn kế với phường trò: “Khi diễn trò cứ bôi mặt lọ lem bẩn thỉu, các đạo cụ Voi, ngựa, rồng... cũng bôi đen, rồi bà có cách”. Nghe theo lời bà, phường trò làng Chiềng bước ra sân khấu mặt mày đen nhẻm, quần áo, đạo cụ trông lôi thôi, lếch thếch, bộ dạng thật tội. Lúc này bà phi ngồi cạnh vua nghiêm mặt quát “Trò gì mà bẩn thỉu, đen xì thế kia? Đuổi ra, cho về quê mà diễn”, thấy bà phi Trịnh Thị Chan yêu kiều nói vậy, vua cũng y theo. Từ đó người làng Trịnh Xá hàng năm không phải khó nhọc kéo nhau ra chốn kinh kỳ để diễn trò Chiềng nữa. Khi bà mất thi hài được đưa về quê nhà, dân làng Trịnh Xá nhớ công ơn đã lập đền và quanh năm hương khói phụng thờ.

Qua lễ hội trò Chiềng làng quê Trịnh Xá, Yên Ninh, Yên Định cho thấy: Trải nhiều nghìn năm lịch sử, Thanh Hóa như là bản sao của lịch sử và văn hóa dân tộc. Với vị trí mở, Thanh Hóa từ xa xưa là nơi gặp gỡ và thông thương với nhiều nền văn hóa ở trong nước và nước ngoài. Mảnh đất này từng là đất “thang mộc”, đất “quân vương” của các ông vua, bà chúa người đứng đầu các triều đại phong kiến Việt Nam suốt từ Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh, Nguyễn...

Địa danh phủ Thanh Hóa ra đời từ thời Lý (năm Thuận Thiên) được định danh, trải qua các triều đại rồi có những đổi thay, rồi lại trở về với cái tên tỉnh Thanh Hóa và tồn tại đến hôm nay. Xứ Thanh nói riêng, Thanh - Nghệ - Tĩnh nói chung từng là nơi cung cấp sức người, sức của trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Riêng thời Lý, miền đất này là nơi hiểm yếu để chống lại giặc phương Bắc và Chiêm Thành ở phía Nam. Xứ Thanh từng lưu giữ dấu tích những chuyến hành binh về phương Nam của các vị vua và danh tướng thời Lý như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành... Chính đất Thanh đã sản sinh ra nhiều người tài trí giúp cho vương triều Lý vững bền như: Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu, Trịnh Quốc Bảo..., đến các địa danh nổi tiếng cũng gắn với thời Lý như đền Đồng Cổ, chùa Linh Xứng, chùa Hương Nghiêm... Trống đồng không phải chỉ xuất hiện ở Thanh Hóa mà có ở nhiều nơi trên đất nước ta, thế nhưng đền thờ trống đồng (đền Đồng Cổ) ở làng Đan Nê (Yên Thọ, Yên Định) là đền thờ độc nhất xuất hiện ở xứ Thanh và sau này đền thờ thần trống đồng được nhà Lý rước từ nơi này ra Thăng Long để thờ vọng. Chính đặc điểm ấy đã đem đến cho xứ Thanh sự ảnh hưởng và tiếp cận với văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng chính thống và mang tính thời thượng của các thời đại phong kiến lúc bấy giờ, đồng thời cũng thể hiện tính địa phương và yếu tố trội của văn hóa xứ Thanh lan tỏa và hòa quyện vào văn hóa Việt và trò Chiềng là một minh chứng.

Trò chiềng được ra đời trên mảnh đất làng Trịnh Xá, gắn với tài thao lược của Trịnh Quốc Bảo, vị tướng nhà Lý, người con của dân làng. Ban đầu trò diễn chủ yếu diễn tả trận chiến dùng voi nan của quân dân nhà Lý đánh tan voi thật của Chiêm Thành trong hội xuân ở kinh đô Thăng Long, về sau trò Chiềng đã được Trịnh Quốc Bảo tiếp thu văn hóa cung đình đưa về địa phương truyền dạy cho làng Trịnh Xá. Bởi vậy trong trò Chiềng thấy xuất hiện khá rõ văn hóa cung đình trong trò Kén rể. Kén rể đã vượt khỏi phạm vi làng xã mà còn mở rộng tới người nước ngoài đến thi tài như hoàng tử nước Ai Lao, Sứ Hung Nô, Quốc sư Tiêu Hà, Tướng Nghiêm Quang, Hàn soái Hàn Tín, tướng Cảnh Cam... của nước Trung Hoa. Ngay trong Kén rể, ý thức độc lập dân tộc cũng khẳng định rõ, đó là khi chỉ vào bồ và hỏi Sứ Hung Nô, Sứ Hung Nô đoán: “Đây là bồ sản vật cống nạp Bắc quốc”; hoặc hỏi Quốc sư Tiêu Hà, Tiêu Hà trả lời: “Bồ này là bồ sản vật cống nạp”, Thượng soạn nói: “Sai to, sai to, Nam quốc sơn hà chẳng tiến cống ai”.

Nhân vật Thượng soạn phán hỏi các chàng rể trong vai nhà vua, với các xưng là “Trẫm”:

Nào là Sĩ, Nông, Công, Thương

Cho đến Ngư, Tiều, Canh, Mục

Nào là

Anh hùng bốn phương

Danh nhân tứ hải

Đấng trai anh hùng

Đắc tài đắc đạo

Ai có tài thì lên luận sự

Trẫm gả con cho...

chứng tỏ yếu tố cung đình trong trò diễn này là chủ đạo, về sau và lâu dần mới được dân gian hóa.

Trong lễ hội trò Chiềng có trò chọi Rồng, với 2 con rồng, trong đó đầu và đuôi hình rồng, giữa thân có hình con cá chép. Khi hai con rồng chọi nhau, con nào thắng thì con cá chép chui hẳn vào đầu rồng thành cá chép hóa rồng. Trò diễn này càng khẳng định tính chất cung đình là chủ đạo, bởi vì rồng là biểu tượng cho vương quyền của nhà vua, cá chép hóa rồng phản ánh tư tưởng của Nho giáo đề cao vương quyền và mong ước cá chép hóa rồng của các Nho gia tiến thân, làm quan bằng con đường khoa cử, học hành.

Nằm ở ngoại vi của Thăng Long, xứ Thanh vừa ảnh hưởng của văn hóa Kinh Đô, song nơi đây sinh hoạt văn hóa dân gian vẫn là chủ đạo. Xứ Thanh, miền đất mở vừa hội nhập giao lưu, tiếp biến văn hóa với văn hóa khu vực và với các địa phương khác trong cả nước, song xứ Thanh cũng ít bị biến đổi theo dòng chảy của lịch sử và các luồng văn hóa nên vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa cổ xưa của dân tộc, đồng thời cũng bảo tồn được các yếu tố và sắc thái văn hóa bản địa.

Trải qua thăng trầm của lịch sử và biến đổi của thời gian, nét vàng son của văn hóa thời Lý nói chung, trò diễn nói riêng đã bị mai một và tàn phai, nhưng may mắn thay, chính vùng đất Trịnh Xá với trò Chiềng - văn hóa cung đình đã được dân gian tiếp nhận, tái tạo vẫn được các thế hệ con cháu của Trịnh Quốc Bảo đời nối đời lưu giữ, trao truyền cho đến hôm nay. Trò Chiềng sẽ gợi mở và giúp cho giới nghiên cứu tìm về nguồn cội và bắt gặp được những dấu ấn lịch sử văn hóa đặc sắc của cha ông trong chiều dày lịch sử./.