Làng có tường bao quanh ở Hồng Kông (giản thể: 香港围村; phồn thể: 香港圍村; Hán-Việt: Hương Cảng vi thôn) chủ yếu được chia thành hai loại: "Bản địa vi" (本地圍) và "Khách Gia vi" (客家圍), và hầu hết đều toạ lạc tại vùng Tân Giới.[1] "Bản địa vi" dùng để chỉ các làng người bản địa (tức là người Vi Đầu) và "Khách Gia vi" dùng để chỉ các làng của người Khách Gia. Dưới thời Minh triều, nạn cướp biển hoành hành. Để tự bảo vệ chính mình, họ đã xây những bức tường đá thấp quanh nhà để chống trộm. Hồi đó, làng Lão Vi ở Long Dược Đầu, Phấn Lĩnh là ngôi làng có tường bao sớm nhất tại Hồng Kông. Vào thời nhà Thanh, "Thiên giới lệnh" được ban bố nhằm ngăn chặn tiếp tế cho quân phản Thanh Trịnh Thành Công ở Đài Loan, khiến nơi đây trở nên hoang vu. Đến năm Khang Hy thứ tám (1669), người dân bản địa được phép quay trở lại các vùng đất này, đồng thời, người Khách Gia cũng bắt đầu di cư từ vùng núi thuộc Hoa lục sang Hồng Kông. Họ định cư tại nơi cư trú ban đầu của người Vi Đầu. Do ngôn ngữ và phong tục tập quán khác nhau, nên cả người Vi Đầu và Khách Gia đều nảy sinh sự phân chia lợi ích đất đai.
Những người cư trú trong "Bản địa vi" hầu hết là người bản địa (tức người Vi Đầu). Mỗi gia đình có một ngôi nhà độc lập được bao quanh bởi những bức tường cao. Nền của bức tường được gia cố bằng đá hoa cương, trong khi tường bao làm bằng gạch màu xanh, và ngang bốn bức tường thành đều có các lỗ súng. Các ngôi nhà trong làng được sắp xếp gọn gàng, một trục đường đi ở chính giữa, với đền thờ nằm ở cuối. Họ thường đào hào bên ngoài cổng. Cổng làng thường là cổng sắt nối tiếp hoặc cổng gỗ.
Dưới thời trị vì của hoàng đế Càn Long và Gia Khánh, ngày càng có nhiều người Khách Gia thiên cư về vùng Tân Giới, họ lập thôn mới gần các làng của người bản xứ. Sự khác biệt về ngôn ngữ và phong tục tập quán đã dẫn đến sự đấu tranh về các lợi ích phân chia đất đai. Vì vậy, họ tạo nên hệ thống ngôi nhà hình rồng ở các khu vực đồi núi (nơi cư trú ban đầu của người Khách Gia), được gọi là "vi ốc", và sinh sống cùng nhau thành các nhóm để tự vệ bằng vũ khí.
"Khách Gia vi" chủ yếu có hình dạng là một nhóm ngôi nhà gồm nhiều gian phòng, các bức tường của ngôi nhà thường rất dày và có các cửa sổ cực nhỏ. Một phần tường của một số nhà nằm ngang tạo thành các bức tường thành của ngôi làng, và bốn góc của ngôi nhà đó kèm theo luôn cả tháp pháo (còn được gọi là vi đẩu hoặc liễu vọng đài).
Cát Khánh Vi (吉慶圍) là một ngôi làng có tường bao quanh nổi tiếng của người bản địa Hồng Kông, nay thuộc khu Nguyên Lãng của Hồng Kông. Nó thường bị hiểu nhầm là của những người có truyền thống tương tự – người Khách Gia. Tuy nhiên, người bản địa đến từ miền Nam Trung Quốc và là nhóm người đầu tiên định cư ở Hồng Kông. Cư dân của Cát Khánh Vi chủ yếu nói tiếng Quảng Đông, thay vì tiếng Khách Gia. Tên phổ biến của khu vực là Cẩm Điền, đây là nơi sinh sống của khoảng 400 hậu duệ của dòng họ Đặng, người đã xây dựng ngôi làng trở lại vào thế kỷ 17.
Cát Khánh Vi là một ngôi làng có tường bao quanh hình chữ nhật (100m x 90m). Là đồn lũy của dòng họ, Cát Khánh Vi đã phục vụ rất tốt trong nhiều thế kỷ, bảo vệ cư dân chống lại kẻ cướp, đối thủ thị tộc và hổ hoang dã. Vào thời nhà Thanh, một bức tường gạch màu xanh cao năm mét và bốn tháp pháo được thêm vào để bảo vệ chống lại kẻ cướp. Ngày nay, ngôi làng vẫn hoàn toàn bị bao quanh bởi những bức tường dày 18 inch, bên ngoài đó là phần còn lại của một con hào. Tuy nhiên, hầu hết các ngôi nhà trong các bức tường đã được xây dựng lại trong những năm gần đây. Chỉ có một lối vào hẹp, với một cặp cổng sắt.
Tằng Đại Ốc (曾大屋), còn được gọi là Sơn Hạ Vi, là một ngôi làng có tường bao của người Khách Gia nổi tiếng khác ở Hồng Kông, và là một trong những nơi được bảo tồn tốt nhất. Nó toạ lạc ở Sa Điền, gần phía nam Bác Khang Thôn, không xa đường hầm Sư Tử Sơn. Được xây dựng như một đồn lũy của dòng họ Tằng, việc xây dựng của nó bắt đầu vào năm 1847 và mất khoảng 20 năm để hoàn thành. Ngôi làng được xây dựng bằng đá granit, gạch xám và gỗ cứng.
Thượng Thủy Vi (上水圍), còn được gọi là Thượng Thủy Hương (上水鄉), là một trong số rất ít khu định cư nông thôn đã giữ lại con hào ban đầu được xây dựng vào năm 1646. Đặc trưng bởi hào nước và khung cảnh tuyệt đẹp, ngôi làng có tường bao này là trung tâm của dòng họ Lưu, tổ tiên họ có nguồn gốc từ Phúc Kiến dưới thời nhà Nguyên (1271–1368). Ngôi làng nằm ở Thượng Thủy.
Phấn Lĩnh Vi (粉嶺圍) là một ngôi làng có tường bao quanh ở Phấn Lĩnh và được xây dựng bởi dòng họ Bành (彭). Nó có thể nhận ra với ao và bố cục đặc biệt bao gồm pháo và tháp canh. Tất cả những yếu tố này thường là một phần không thể thiếu trong bối cảnh làng quê. Phấn Lĩnh Vi là trung tâm của tộc Bành đến Hồng Kông vào cuối thời Tống triều.[2]
Nha Tiền Vi Thôn (衙前圍村) là một ngôi làng có tường bao ở Hoàng Đại Tiên, vùng Tân Cửu Long. Đây là ngôi làng có tường bao quanh duy nhất còn lại trong các khu vực xây dựng đô thị của Hồng Kông. Nha Tiền Vi Thôn cũng là ngôi làng có tường bao duy nhất còn lại ở khu Cửu Long. Ngôi làng toạ lạc gần khu vực Tân Bồ Cương. Vào ngày 18 tháng 7 năm 2007, chính phủ đã công bố kế hoạch tái phát triển Nha Tiền Vi Thôn.
Tiêu Quốc Kiện (蕭國健). 香港圍村調查報告 [Báo cáo điều tra những ngôi làng có tường bao tại Hồng Kông]. Hồng Kông. Đã bỏ qua tham số không rõ |coauthor= (gợi ý |author=) (trợ giúp)
Vương Canh Vũ (王賡武) (1997). 香港史新編 [Hương Cảng sử tân biên]. Hồng Kông: 三聯書店(香港)有限公司. ISBN 978-962-04-1255-4.
Ip, Hing-fong (1995). An historical geography of the walled villages of Hong Kong (Postgraduate Thesis, Master of Philosophy). University of Hong Kong.