Tống hình thống
Tống hình thống (tiếng Trung: 宋刑统; bính âm: Sòng xíng tǒng), tên chính thức là Tống Kiến Long trùng tường định hình thống (tiếng Trung: 宋建隆重详定刑统; bính âm: Sòng jiàn lóngzhòng xiáng dìngxíng tǒng), là bộ luật hình sự đầu tiên của nhà Tống được in thành sách trong lịch sử Trung Quốc.[1]
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Những sách hình thư cổ đại của Trung Quốc, từ lúc Thương Ưởng thời Tần "đổi pháp làm luật" từ đó về sau đều gọi là luật, đến cuối thời Đường xuất hiện sách Đại Trung hình luật thống loại, tên gọi sách Hình luật và thể lệ mới có sự chuyển biến. Cái gọi là Hình luật thống loại hay Hình thống đều lấy hình luật làm chính mà đem các điều sắc, lệnh, cách, thức, có tính chất hình sự phân tải phía sau các luật văn, y theo các mục luật chia làm riêng biệt các loại để biên soạn sơ bộ.[1]
Chế định
[sửa | sửa mã nguồn]Hoạt động lập pháp của nhà Tống bắt đầu vào năm Kiến Long thứ ba đời Tống Thái Tổ (962), khi đó Công bộ Thượng thư phán Đại lý tự là bọn Đậu Nghi tấu thỉnh triều đình kiến nghị sửa đổi luật pháp, sau khi được triều đình đồng ý, bọn Đậu Nghi bèn chủ trì công việc này. Năm Kiến Long thứ tư (963), Đậu Nghi và Tô Hiểu dựa trên cơ sở tổng kết pháp luật, pháp lệnh các triều trước, biên soạn ra bộ Tống Kiến Long trùng tường định hình thống, và được ấn hành vào tháng 8 cùng năm, trở thành bộ luật đầu tiên được in thành sách trong lịch sử Trung Quốc.[1]
Luật văn
[sửa | sửa mã nguồn]Thể lệ của Tống hình thống bắt chước Đại Trung hình luật thống loại cuối thời Đường, Đồng Quang hình luật thống loại của Hậu Đường và Hiển Đức hình luật thống loại của Hậu Chu mà chế định. Việc biên soạn Tống hình thống chính là để kế thừa và phát triển hình thức pháp luật và truyền thống lập pháp này. Nói về những luật văn trong Tống hình thống thì chỉ là bản sao của luật nhà Đường, ngoại trừ điều "Chiết trượng pháp" ra, rất ít thêm bớt vào những điều mới nhưng nó đã thu thập quy phạm hình sự qua các sắc, lệnh, cách, thức trong gần 150 năm từ năm Khai Nguyên thứ hai thời Đường (714) cho đến năm Kiến Long thứ ba thời Tống (962).[2]
Chỉnh sửa
[sửa | sửa mã nguồn]Căn cứ vào nhu cầu thực tế của triều đình nhà Tống để thẩm định và biên soạn sơ bộ, đây là sự sai biệt quan trọng giữa Tống hình thống và Đường luật, Tống hình thống có 30 quyển, 12 thiên, 502 điều, trong gần 300 năm ban hành, cũng đã có sửa đổi vài lần, nhưng đó chỉ là những điều rất nhỏ nhặt cho nên trong lời tựa sách Tống hình thống có ghi "dùng trọn thời Tống không hề thay đổi".[1] Tuy nhiên, ấn bản gốc của cuốn sách này đã bị thất lạc, và ấn bản hiện tại là bản Thiên Nhất Các Trọng Hiệu Phạm Thị được Cục Pháp chế trực thuộc Quốc vụ viện Chính phủ Bắc Dương của Trung Hoa Dân Quốc khắc in.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d Chu Phát Tăng, Trần Long Đào, Tề Cát Tường chủ biên, Từ điển lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dương dịch, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 235–236.
- ^ Đàm Gia Kiện chủ biên, Lịch sử văn hóa Trung Quốc, Trương Chính, Nguyễn Thạch Giang, Phan Văn Các dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 61–62.