Bước tới nội dung

Tịnh thất Bồng Lai

10°51′30″B 106°23′54,3″Đ / 10,85833°B 106,38333°Đ / 10.85833; 106.38333
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tịnh thất Bồng Lai
Tên khácThiền am bên bờ vũ trụ
Thờ phụng
Đại Đức Đại Úy Chí Tôn Phật
Thông tin đền
Tôn giáoĐạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo, Thông thiên học
Địa chỉViệt Nam Hòa Khánh Tây, Đức Hòa, Long AnViệt Nam
Thành lập1990
Người sáng lậpLê Tùng Vân
Map
Map
Vị trí tịnh thất Bồng Lai.

Tịnh thất Bồng Lai, còn có tên khác là Thiền am bên bờ vũ trụ,[1][2][3][4] là một cơ sở tu tại gia[5][6] tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Việt Nam.[5][7][8][9]

Tịnh thất Bồng Lai vốn có tiền thân là "Trại dưỡng lão cô nhi Thánh Đức" được ông Lê Tùng Vân, một người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương,[10] thành lập vào năm 1990 trên một mảnh đất rộng 1 ha, bao gồm rất nhiều chòi lá nhỏ.[1][9][11][12] Sau khi trại Thánh Đức bị cơ quan chức năng huyện Bình Chánh đình chỉ hoạt động năm 2007[3][13], bà Cao Thị Cúc đứng tên mua hơn 2000 mét vuông đất tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để hoạt động tôn giáo, cùng với ông Lê Tùng Vân tu sửa thành "Tịnh thất Bồng Lai".[2][14] Từ năm 2018 đến năm 2020, nhóm "5 chú tiểu" ở tịnh thất Bồng Lai gây sự chú ý của dư luận khi tham gia và giành được giải thưởng chương trình Thách thức danh hài.[15][16][17][18][19] Tịnh thất Bồng Lai đã từng xuất hiện trong phóng sự của Đài truyền hình Long AnĐài Truyền hình Việt Nam[20][21] và bị Công an tỉnh Long An và huyện Đức Hòa điều tra từ tháng 2 năm 2020.[22][23][24]

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An khẳng định rằng tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở Phật giáo thuộc quản lý của Giáo hội.[1][25][26]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông Lê Tùng Vân sinh năm 1932 tại Châu Đốc, An Giang[27] trong một gia đình nho học có đông anh chị em, cha là nhà thơ Lê Văn Tất (1917—1964).[28] Lê Văn Tất có bút hiệu Thần Liên, từng là bạn thân của Hàn Mạc Tử,[29] về cuối đời ông thành lập "Bạch Hoa Viên" ở Núi Sam, Châu Đốc để sáng tác thơ ca, vẽ tranh và viết một số tác phẩm về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.[30] Lê Văn Tất còn có mối quan hệ mật thiết với tổ chức Thông Thiên Hội tại miền nam Việt Nam.

Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, Lê Tùng Vân từng giả làm tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương ở An Giang.[10] Sau năm 1975, ông Lê Tùng Vân liên hệ với những người quen cũ để xây dựng giáo phái nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn đến năm 1979 thì xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, gia đình phải chạy loạn từ Châu Đốc đến khu vực Vĩnh Long để trú ẩn. Qua mối quan hệ quen biết, ông Lê Tùng Vân đã xin ở nhờ và cất một căn nhà nhỏ ở khu vực Lò rèn hẻm đường Cách mạng tháng Tám tại Cần Thơ để ở và làm nơi sinh hoạt tôn giáo. Bất mãn với chính quyền địa phương, khoảng năm 1988 ông Lê Tùng Vân từng chèo ghe từ Cần Thơ xuống Hà Tiên có ý định vượt biên đi nước ngoài nhưng đều bị bắt giữ, xử phạt. Sau đó trở về Cần Thơ tiếp tục sinh sống. Khoảng 1990 ông cùng khoảng gần chục tín đồ chuyển về 109 ấp 2, xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh để xây dựng khai khẩn vùng kinh tế mới.[cần dẫn nguồn]

Trại dưỡng lão cô nhi Thánh Đức

[sửa | sửa mã nguồn]

Trại dưỡng lão cô nhi Thánh Đức là tiền thân của Tịnh thất Bồng Lai, được hình thành vào năm 1990 khi cả gia đình ông Lê Tùng Vân chuyển từ Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh xuống xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh sinh sống.[31] Đến năm 2004, bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa ký giấy hợp pháp cho Trại dưỡng lão cô nhi Thánh Đức, bổ nhiệm ông Lê Tùng Vân làm giám đốc trại.[11] Tính đến năm 2007, trại Thánh Đức có đến 56 người, bao gồm 20 trẻ em.[11]

Ngày 8 tháng 5 năm 2007, chính quyền huyện Bình Chánh đã lập đoàn kiểm tra trại Thánh Đức. Kết quả cuộc kiểm tra cho thấy rằng, các trẻ em trên 15 tuổi tại trại Thánh Đức, sau này là tịnh thất Bồng Lai phải ra chợ thu lượm đầu cá về xay để nuôi cá trê trong ao của ông Lê Tùng Vân.[11] Sau kiểm tra, đến ngày 25 tháng 7 năm 2007, ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh đã ra quyết định đình chỉ với cơ sở trại Thánh Đức.[12]

Tịnh thất Bồng Lai

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm 2014, bà Cao Thị Cúc từ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước tỉnh Long An đã mua một mảnh đất rộng khoảng 2000 mét vuông làm điểm tu tại gia.[2][14][32] Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân chuyển về đó với bà Cao Thị Cúc, tu sửa khang trang, chuyển một số tượng Phật về làm tịnh thất Bồng Lai.[2][14][33]

Ông Lê Tùng Vân về đây sinh sống, cùng với các chú tiểu và sư thầy, xưng là "Đại đức Thích Tâm Đức" hoặc "Thầy ông nội".[2][14][32] VOA dẫn lời thượng tọa Thích Nhật Từ (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) năm 2017 rằng những người ở tịnh thất không phải là người giả mạo tăng sĩ để lừa đảo bất kỳ ai như một số báo chí đã cáo buộc và "khu Bồng Lai Viên chỉ là một tịnh thất, không có bản hiệu chùa, nên không có đăng kí tự viện với Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An". Vị này cũng nói rằng "cụ Thích Tâm Đức chưa bao giờ từng xưng mình là Hoà Thuợng và chưa nói mình là trụ trì Chùa Bồng Lai."[10]

Đầu năm 2020, ông Lê Tùng Vân đổi tên tịnh thất Bồng Lai thành Thiền am bên bờ vũ trụ.[34][35]

Tháng 9 năm 2020, Công an tỉnh Long An đã điều tra về tịnh thất Bồng Lai và cáo buộc rằng năm chú tiểu mồ côi trong tịnh thất Bồng Lai đều có mẹ đi cùng.[20][21][22][23][24] Tháng 11 năm 2021, Bộ Nội vụ cáo buộc Tịnh thất Bồng Lai lợi dụng tôn giáo để trục lợi và có đến 6 trẻ em sống cùng với mẹ ruột.[36][37][38][39]

Trả lời báo Thanh Niên ngày 10 tháng 1 năm 2022, thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết tên gọi tịnh thất hay thiền am là danh xưng các cơ sở tu tập Phật giáo, trong đó tăng ni phải tuân theo giới luật Phật giáo. Ông cho rằng Lê Tùng Vân và các cư sĩ trong tịnh thất Bồng Lai không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không được thọ giới cũng không tuân theo giới luật Phật giáo nên không phải là tăng ni và tịnh thất Bồng Lai không phải là một cơ sở Phật giáo.[40]

Sự việc liên quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoa Ưu Đàm

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2017, cư dân mạng xôn xao về việc một loài hoa được cho là loài hoa Ưu Đàm mọc tại Tịnh thất Bồng Lai.[41] Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, loài hoa ưu đàm ở Bồng Lai thực chất là một loại nấm hoặc trứng côn trùng.[41]

Tham gia chương trình truyền hình

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2014, Lê Thanh Huyền Trân xuất hiện trong chương trình Giọng hát Việt nhí năm 2014 với bài hát "Còn tuổi nào cho em" của Trịnh Công Sơn[42] và đoạt giải Á quân trong chương trình trên.[4][43] Sau cuộc thi, Huyền Trân trở thành con nuôi của ca sĩ Quang Lê, cùng với Phương Mỹ Chi và Quang Nhật, trở thành học sinh của trường Tây Úc.[44][45] Tuy nhiên, do mâu thuẫn trong phong cách ăn mặc với ca sĩ Quang Lê, nên Huyền Trân đã rời bỏ công ty của Quang Lê.[46] Lý giải cho việc thay đổi cách ăn mặc của Huyền Trân, Quang Lê từng chia sẻ do Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh không đồng ý cho việc Huyền Trân mặc đồ ni cô lên sân khấu, nếu Quang Lê không đồng ý thì tiết mục sẽ bị cắt.[47]

Năm 2017, hai thí sinh Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên, được xem là "sư thầy triệu view",[48] tham gia một chương trình song ca trên Đài truyền hình Vĩnh Long,[49] cạo trọc đầu và hát "Một cõi đi về" của Trịnh Công Sơn.[50] Tuy nhiên, theo như Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An cho rằng không có cơ sở nào tên tịnh thất Bồng Lai[50] và một số khán giả đã nhận ra Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên thực chất chỉ là người giả sư.[51] Sau đó, ban tổ chức chương trình phải đính chính lại thông tin[50] và hai thí sinh đã rút khỏi chương trình.[52]

Năm 2018, để sang Úc biểu diễn cho một số khán giả hải ngoại, ba anh em Huyền Trân gặp một cô gái Việt kiều hứa sẽ liên hệ với chính quyền để làm giấy tờ tùy thân cho các em.[53] Tuy nhiên, trưởng công an xã tên Nguyễn Khải Hoàn đã gọi điện thoại rằng, muốn làm giấy chứng minh nhân dân cần đến 150 triệu cho 1 tờ.[53] Sau khi vụ việc xảy ra, phía bên Úc đã hủy buổi biểu diễn và trưởng công an xã bị kỷ luật khiển trách,[53] điều chuyển công tác sang xã Tân Phú.[54][55]

Tháng 7 năm 2018, năm chú tiểu tại Tịnh thất Bồng Lai mang tên Pháp Tâm, Trí Tâm, Ngọc Tâm, Nghi Tâm, Minh Tâm đã tham gia chương trình truyền hình Thách thức danh hài.[19][56] Các bé lúc đó có độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi.[19][56] Nhóm hài 5 chú tiểu trong Tịnh thất Bồng Lai được tổ chức Xác lập kỷ lục Việt Nam công nhận là "Nhóm hài nhỏ tuổi nhất Việt Nam đạt giải thưởng cao nhất Thách thức danh hài".[51][56]

Ban tổ chức Thách thức danh hài đã đưa ra phóng sự về chương trình, khiến cho khán giả xúc động và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đến đây nhiều hơn để góp cho năm chú tiểu.[51] Tuy nhiên, sau khi chính quyền đã xác nhận đây không phải là trại trẻ mồ côi, ban tổ chức đã không đính chính lại về hoàn cảnh của các thí sinh.[51]

Xô xát tháng 10 năm 2019

[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu tháng 9 năm 2019, Diễm My từ Thành phố Hồ Chí Minh về tịnh thất Bồng Lai tu hành. Trước khi về, cô còn gửi một lá thư cho cha mẹ để về Bồng Lai.[57]

Ngày 13 tháng 10 năm 2019, hai vợ chồng Võ Văn Thắng và Đoàn Thị Tuyết Mai cùng một nhóm người xuống tịnh thất Bồng Lai tìm con gái mình. Vì nghĩ tịnh thất Bồng Lai đã giấu con gái mình, nhóm người này sau khi lục tung phòng đã đập phá tài sản và hành hung Lê Thanh Nhị Nguyên, một tu sĩ gần đó.[57]

Trong các ngày 24 tháng 10, 26 tháng 10 năm 2019, có thêm một nhóm người từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống tìm Diễm My.[58] Hậu quả là hai tu sĩ bị thương, tịnh thất Bồng Lai mất 305 triệu đồng.[58]

Sau đó, vài ngày sau, ông Lê Tùng Vân cho gặp Diễm My, tuy nhiên ông dặn là không được đưa Diễm My về.[14] Ngày 12 tháng 12 năm 2019, cơ quan công an mời bà Cao Thị Cúc, cô Võ Thị Diễm My và vợ chồng ông Võ Văn Thắng lên làm việc. Khi cơ quan công an yêu cầu giao Diễm My về cho gia đình, bà Cúc cùng 6 người trong hộ đã có hành vi gây rối, quay phim, chụp ảnh và lu loa rằng Công an huyện đã bắt cóc, làm mất tích Diễm My, rồi gia đình cô Diễm My sẽ đến giết họ,...[14] Chưa hết, một số người trong tịnh thất còn gây cản trở giao thông.[14] Cơ quan chức năng lúc đó đã yêu cầu nhóm người này phải xóa hết video, không được quay phim, chụp ảnh trong cơ quan và mời họ ra ngoài.[14]

Nguyên nhân xảy ra vụ xô xát vào tháng 10 năm 2019, theo ông Võ Văn Thắng và bà Đoàn Thị Tuyết Mai, Diễm My có quen biết với Lê Thanh Huyền Trân qua mạng xã hội.[59] Cả hai được cho là đã gặp nhau trong một chuyến đi từ thiện ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó thì Diễm My mất liên lạc với gia đình.[60] Tuy nhiên, theo Hoàn Nguyên, có một nữ sinh viên đại học từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm nom các chú tiểu. Khi tịnh thất đóng cửa, cô lê lết không chịu về.[61] Ngoài ra, cơ quan công an chưa đủ tài liệu để xác minh việc trộm cắp tài sản trong tịnh thất.[62]

Ngày 4 tháng 11 năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng đến thăm Tịnh thất Bồng Lai, có rất đông người hiếu kỳ tập trung tại đây, nhưng sau đó đám đông tự giải tán.[63][64] Cơ quan cảnh sát đã tập trung tại khu vực này, yêu cầu đám đông phải tự giải tán.[64] Ngày 9 tháng 12 năm 2021, bà Châu Vinh Hóa, một người đi theo nhóm người đến Tịnh thất Bồng Lai bị tuyên phạt 2 năm tù nhưng được hưởng án treo và thời gian thử thách là 4 năm, bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường 3,3 tỷ đồng của tu sĩ bị hại Lê Thanh Nhị Nguyên.[65][66][67]

Cách ly dịch COVID-19

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 25 tháng 7 năm 2020, theo nguồn tin từ UBND tỉnh Long An, cơ quan chức năng huyện Đức Hòa đã cưỡng chế 17 người tại tịnh thất Bồng Lai, lên xe đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Trước đó, ông Đinh Thanh Hải (54 tuổi, quê Hậu Nghĩa, Đức Hòa) được xác định đã sang Campuchia trái phép, sau đó có đến tịnh thất Bồng Lai. Tuy nhiên, họ đã không đồng ý, vì cho rằng ông Hải không đến nơi này.[68]

Vấn đề pháp lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 17 tháng 2 năm 2020, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi công văn đến Hội đồng trị sự Trung ương[a] xử lý về những việc làm sai trái của tịnh thất Bồng Lai.[69] Đến ngày 24 tháng 2 năm 2020, Sở Nội vụ tỉnh Long An đã kết luận Tịnh thất Bồng Lai chỉ là hộ gia đình, không phải là cơ sở tôn giáo.[69]

Ngày 21 tháng 5 năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện Đức Hòa đã kiểm tra hành chính tại tịnh thất Bồng Lai.[26] Theo kết quả điều tra vào ngày 21 tháng 5 năm 2020, Tịnh thất Bồng Lai không phải là chùa hay tịnh thất vì không có giấy phép hoạt động.[26][70] Ngoài ra, tịnh thất Bồng Lai không thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, khẳng định rằng các chú tiểu, tăng ni không phải là tu sĩ Phật giáo.[26][70]

Ngày 22 tháng 9 năm 2020, Công an tỉnh Long An phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Long An đã cho phát sóng phóng sự về tịnh thất Bồng Lai với tiêu đề Sự thật về nơi tự xưng Tịnh thất Bồng Lai.[71] Theo như kết quả điều tra ngày 22 tháng 9 năm 2020, tịnh thất Bồng Lai hiện có 18 người sinh sống, trong đó có 6 chú tiểu đã dự thi chương trình Thách thức danh hài đều có mẹ ruột cùng tạm trú, cha không xác định. Cũng theo kết quả điều tra, tịnh thất Bồng Lai được cơ quan chức năng kết luận rằng tịnh thất Bồng Lai lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ, kêu gọi các nhà hảo tâm và người dân trong và ngoài nước để trục lợi cá nhân.[71]

Đầu tháng 10 năm 2021, một người tên Lê Thanh Minh Tùng tự xưng là con trai ruột của ông Lê Tùng Vân, chủ tịnh thất Bồng Lai.[36] Anh đã tố cáo cha ruột của mình và một số người liên quan tại tịnh thất Bồng Lai.[14][36] Theo đó, Lê Thanh Minh Tùng chia sẻ trên các livestream của Nguyễn Phương Hằng rằng anh là con của ông Lê Tùng Vân và em của ông.[72]

Ngày 5 tháng 11 năm 2021, tại họp báo Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Trọng đã khẳng định Tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.[36][37][38][39]

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định Tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban trị sự giáo hội tỉnh Long An quản lý. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi yêu cầu đến Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xử lý vi phạm.[73]

Ủy ban nhân dân tỉnh Long An gửi cho Ban Tôn giáo chính phủ, bao gồm việc tịnh thất Bồng Lai do cá nhân đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan huyện cho phép. Ủy ban nhân dân xã đã lập biên bản xử phạt hành chính với bà Cao Thị Cúc và yêu cầu trả lại hiện trạng đất như cũ.[36][37][38][39][73] Ngoài ra, tịnh thất Bồng Lai đã nhận nuôi 8 trẻ em, trong đó có 6 trẻ[b] sống cùng với mẹ ruột, và hai trẻ được nhận nuôi vào năm 2019, tuy nhiên Ủy ban xã chưa thống nhất để tịnh thất Bồng Lai nhận con nuôi.[36][37][38][39][73]

Ngày 7 tháng 11 năm 2021, Sở Nội vụ tỉnh Long An đã thành lập đoàn kiểm tra tại Tịnh thất Bồng Lai.[74] Gần đây, 1 bé được cậu ruột đưa về Huế sinh sống, và 1 bé được bà Cao Thị Cúc hoàn tất pháp lý.[74] Một số người đã gửi đơn tố cáo ông Lê Tùng Vân do có hành vi dụ dỗ phụ nữ và cơ quan chức năng tỉnh Long An đang tiếp nhận.[74]

Một số người đã tìm cách lôi kéo đám đông, ủng hộ những việc làm của ông Lê Tùng Vân và tung tin xuyên tạc, nói xấu chính quyền.[62]

Ngày 4 tháng 1 năm 2022, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã đến khám xét và quyết định khởi tố vụ án liên quan đến những lùm xùm tại "Tịnh thất Bồng Lai".[75] Đến ngày 5 tháng 1, sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đang tiếp tục điều tra 3 tội danh xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai" bao gồm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân; và loạn luân.[76] Ngày 12 tháng 5, Công an tỉnh Long An đã khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Cao Thị Cúc.[77][78] Ngày 27 tháng 5, Công an tỉnh Long An đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Thanh Nhị Nguyên.[79]

Ngày 2 tháng 6, Công an tỉnh Long An đề nghị truy tố về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2, điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với 6 bị can: Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Lê Thanh Nhị Nguyên và bà Cao Thị Cúc.[80] Ngày 9 tháng 6, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An đã ban hành cáo trạng truy tố 6 bị can trên ở Tịnh thất Bồng Lai cùng tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Ngoài ra, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, trong vụ án này bị can thứ 7 Lê Thu Vân đã bị khởi tố. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, bà Vân đã rời khỏi nơi cư trú, hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An chưa tìm được nên đã có quyết định tách ra một vụ án hình sự khác, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.[81][82]

Ngày 13 ngày 6, ông Trần Quốc Dũng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An cho biết cáo trạng cùng toàn bộ hồ sơ vụ án Tịnh thất Bồng Lai đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An chuyển về TAND huyện Đức Hòa vào ngày 10 tháng 6 và hiện tòa án huyện đã phân công thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, nếu đủ cơ sở sẽ xét xử trong thời gian sớm nhất.[83] Ngày 30 tháng 6, phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án Tịnh thất Bồng Lai bắt đầu, nhưng do một số người có liên quan vắng mặt sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án nên Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.[84]

Ngày 20 và 21 tháng 7, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến "Tịnh thất Bồng Lai" được mở lại. Xét thấy các bị cáo đã dùng mạng xã hội YouTube đăng các clip sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và ông Trần Ngọc Thảo (Thượng tọa Thích Nhật Từ), HĐXX TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã tuyên phạt sơ thẩm bị cáo Lê Tùng Vân mức án 5 năm tù; 3 bị cáo Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương cùng mức án 4 năm tù; bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên mức án 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Cao Thị Cúc mức án 3 năm tù cùng tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nói lời sau cùng tại tòa, các bị cáo phủ nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và kêu oan.[85]

Ngày 28 tháng 7, bi can Lê Thu Vân đã ra trình diện tại tại một trụ sở công an phường ở thành phố Hồ Chí Minh, được cơ quan điều tra chấp nhận cho tại ngoại vì sức khỏe yếu, trở về sống tại "tịnh thất Bồng Lai".[86] Ngày 29 tháng 7, bị cáo Lê Tùng Vân nộp đơn kháng cáo bản án 5 năm tù mà TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã tuyên hôm 21 tháng 7 trong vụ án xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai".[87]

Ngày 24 tháng 9, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã tiến hành xét nghiệm DNA và phục hồi điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại Tịnh Thất Bồng Lai.[88][89] Ngày 14 tháng 10, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Tịnh thất Bồng Lai được mở nhưng lại tuyên bố tạm hoãn theo đơn đề nghị của các luật sư bảo vệ cho bị hại.[90][91]

Ngày 28 tháng 10, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An cho biết Viện Khoa học hình sự Bộ Công an (C09) đã có kết luận giám định DNA đối với 28 người ngụ tại "Tịnh Thất Bồng Lai". Cơ quan An ninh điều tra đã thông báo kết quả giám định này đến những người liên quan. Tuy nhiên, vì để đảm bảo, tôn trọng quyền con người và liên quan đến cuộc sống của nhiều trẻ em, thông tin này không cung cấp rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.[92] Ngày 1 tháng 11, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại Tịnh Thất Bồng Lai.[93][94]

Ngày 2 và 3 tháng 11, TAND tỉnh Long An mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của 6 bị cáo ngụ tại "Tịnh thất Bồng Lai". Trong đơn kháng cáo, các bị cáo đều đề nghị tòa tuyên vô tội.[95] Tuy nhiên, TAND tỉnh Long An đã bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm đối với các bị cáo.[96][97] Ngày 16 tháng 12, chánh án TAND tỉnh Long An đã ban hành quyết định thi hành án đối với bị cáo Lê Tùng Vân.[98][99][100] Ngày 19 tháng 12, theo thông tin từ TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết đã nhận được đơn đề nghị tạm hoãn chấp hành án phạt tù của bị án Lê Tùng Vân. Trong đơn, ông Vân nói rằng bản thân đã tuổi cao, sức khoẻ yếu, đang mang nhiều bệnh tật, sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người chăm sóc.[101]

Sau đơn hoãn chấp hành hình phạt tù của bị án Lê Tùng Vân do sức khỏe yếu vào tháng 12 năm 2022, TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã thông báo đề nghị ông Vân có mặt tại nhà để Hội đồng giám định y khoa tỉnh này đến kiểm tra sức khỏe vào ngày 18 tháng 1 năm 2023.[102] Ngày 12 tháng 6, Công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm 3 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai bao gồm Nguyễn Văn Miếng (57 tuổi), Đào Kim Lân (56 tuổi) và Đặng Đình Mạnh (55 tuổi) vì có hành vi phát tán trên không gian mạng qua các đoạn clip, hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trước đó, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã gửi giấy triệu tập nhiều lần cho 3 người này để giải quyết tin báo về tội phạm nhưng cả 3 đều không đến làm việc và không đưa ra lý do vắng mặt.[103] Ngày 19 tháng 6, theo nguồn tin của RFA tiếng Việt, hai trong số ba luật sư bị Công an tỉnh Long An truy tìm là Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng đã đến Hoa Kỳ;[104] nhưng đến ngày 26 tháng 6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An cho biết cơ quan này "cũng có nhận được thông tin 3 luật sư đang bị truy tìm là Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Đặng Đình Mạnh đã sang Mỹ, tuy nhiên phát hiện phần lớn hình ảnh từ các thông tin nói trên là cắt ghép từ các hình ảnh cũ".[105]

Ngày 19 tháng 4 năm 2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Tùng Vân về hành vi loạn luân.[106][107] Ngày 24 tháng 4 năm 2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm với Lê Thanh Kỳ Duyên về nghi phạm thực hiện tội phạm trong vụ án loạn luân.[108]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tức Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.[69]
  2. ^ 3 trong số đó là các chú tiểu tham gia thi Thách thức danh hài.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Công an nhân dân (5 tháng 11 năm 2021). “Sự thật về nơi gọi là "Tịnh Thất Bồng Lai", "Thiền am bên bờ vũ trụ". Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  2. ^ a b c d e Lê Đức (20 tháng 9 năm 2020). "Tịnh thất Bồng Lai", "Thiền am bên bờ vũ trụ" lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ cơ nhỡ để trục lợi”. Báo Long An. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  3. ^ a b Hà Long (22 tháng 9 năm 2020). “Lộ thêm sự thật về "Tịnh thất bồng lai", "Thiền am bên bờ vũ trụ". Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  4. ^ a b Trúc Giang (9 tháng 10 năm 2020). “Sự thật về Tịnh thất Bồng Lai”. Báo Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  5. ^ a b Sơn Lâm (28 tháng 10 năm 2019). “Truy tìm nhóm người lùng sục tịnh thất Bồng Lai để 'đòi công bằng'?”. Tuổi trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  6. ^ Bảo Ngọc (5 tháng 11 năm 2021). “Tịnh Thất Bồng Lai là cơ sở thờ tự bất hợp pháp”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  7. ^ An Long (25 tháng 7 năm 2020). “Cách ly 17 người ở 'tịnh thất Bồng Lai' vì tiếp xúc người nhập cảnh trái phép từ Campuchia”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  8. ^ Sơn Lâm (26 tháng 10 năm 2019). “Tịnh thất Bồng Lai bị nhóm người lạ lùng sục tìm con gái dẫn đến xô xát”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2011.
  9. ^ a b An Linh (6 tháng 11 năm 2021). “Ba chú tiểu là con các ni cô ở trong Tịnh Thất của ông Lê Tùng Vân”. Báo Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  10. ^ a b c “Từ vụ Tịnh Thất Bồng Lai: Đạo đức và... lên đồng!”. VOA. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2022.
  11. ^ a b c d Vũ Cao (11 tháng 6 năm 2007). “Sự thật về trại "dưỡng lão, cô nhi" Thánh Đức”. Báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  12. ^ a b N. Thủy (27 tháng 5 năm 2007). “Đình chỉ một cơ sở "từ thiện" hoạt động trái pháp luật”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  13. ^ Vinh Quang (23 tháng 9 năm 2020). "Tịnh thất bồng lai" lợi dụng tôn giáo, lừa gạt lòng tin để trục lợi”. VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  14. ^ a b c d e f g h i Đức Cương (5 tháng 11 năm 2021). “Sự thật về nơi gọi là "Tịnh Thất Bồng Lai", "Thiền am bên bờ vũ trụ". Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  15. ^ Thạch Anh (3 tháng 12 năm 2019). “Bật mí kịch bản giành 150 triệu của 5 chú tiểu tại 'Thách thức danh hài'. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  16. ^ Công Nguyễn (16 tháng 1 năm 2020). “5 chú tiểu toàn thắng tại Thách thức danh hài sau tin đồn bị cắt sóng”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  17. ^ Hồ Dương (20 tháng 11 năm 2019). “5 chú tiểu Bồng Lai hóa "Bao Công" thắng lớn tại Thách thức danh hài mùa 6”. Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  18. ^ M. T. (18 tháng 1 năm 2019). “Hé lộ cuộc sống của 5 chú tiểu nhóm Bồng Lai sau khi "hốt" 300 triệu”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  19. ^ a b c Hoài Nhân (6 tháng 12 năm 2018). “5 chú tiểu "ẵm" 100 triệu Thách thức danh hài: Hồn nhiên những đứa trẻ bị bỏ rơi”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  20. ^ a b Ngân An (5 tháng 11 năm 2021). “Ba chú tiểu tham gia 'Thách thức danh hài' là con của ni cô ở Tịnh Thất Bồng Lai”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  21. ^ a b VTV.vn (27 tháng 10 năm 2021). "Tịnh thất Bồng Lai" mạo danh tu hành, lợi dụng "trẻ mồ côi" để trục lợi như thế nào?”. Báo Hòa Bình. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  22. ^ a b Kỳ Quan (23 tháng 9 năm 2020). “Công khai kết quả điều tra về "Tịnh thất Bồng Lai". Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  23. ^ a b Pha Lê (24 tháng 9 năm 2020). “Công an tỉnh Long An thông tin kết quả điều tra về cơ sở gắn tên "Tịnh thất Bồng Lai". Báo Dân Sinh. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  24. ^ a b Lê Việt (24 tháng 9 năm 2020). “Công an tỉnh Long An sẽ công bố kết luận xác minh về 'Tịnh thất Bồng Lai'. Báo Đại đoàn kết. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  25. ^ Khôi Nguyên (26 tháng 10 năm 2019). “Gần 50 người đại náo 'tịnh thất Bồng Lai' tìm con, đánh nhà sư”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  26. ^ a b c d Hà Long (20 tháng 5 năm 2021). “Sự thật về "Tịnh thất bồng lai" - "Thiền am bên bờ vũ trụ" ở Long An”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2021.
  27. ^ “Ông Lê Tùng Vân là ai”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2022.
  28. ^ “Sự Thật Về Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ”. GĐPT Kiên Giang. 8 tháng 12 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2022.
  29. ^ “Theo dấu văn thơ - Kỳ 22: Chờ nhau ! Hàn Mặc Tử ơi”. Báo Thanh Niên. 10 tháng 2 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2022.
  30. ^ Nguyễn Văn Kiềm, Huỳnh Minh. Tân Châu Xưa, NXB Thanh Niên 2003.
  31. ^ N. Phong (24 tháng 9 năm 2020). "Tịnh Thất Bồng Lai"- lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi”. Báo Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  32. ^ a b Phước An (24 tháng 9 năm 2020). “Lật tẩy chiêu trò nhằm trục lợi của "Tịnh thất Bồng Lai". VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  33. ^ Vinh Quang (23 tháng 9 năm 2020). "Tịnh thất bồng lai" lợi dụng tôn giáo, lừa gạt lòng tin để trục lợi”. Báo Thanh Tra. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  34. ^ Lê Duy (12 tháng 1 năm 2020). "Tịnh thất Bồng Lai" đổi tên thành "Thiên Am bên bờ vũ trụ". PetroTimes. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  35. ^ Khôi Nguyên (6 tháng 11 năm 2021). “Ông Lê Tùng Vân nói gì về việc đổi tên Bồng Lai?”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  36. ^ a b c d e f Đỗ Trung (5 tháng 11 năm 2021). “Bộ Nội vụ thông tin chính thức về những vi phạm tại "Tịnh Thất Bồng Lai". Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  37. ^ a b c d TTXVN (5 tháng 11 năm 2021). “Vụ việc cơ sở Tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi”. Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  38. ^ a b c d Quỳnh Nguyễn (5 tháng 11 năm 2021). “Vụ "Tịnh thất Bồng Lai" xôn xao dư luận: Bộ Nội vụ nói gì?”. Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  39. ^ a b c d Luân Dung (5 tháng 11 năm 2021). “Có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi trong vụ 'Tịnh Thất Bồng Lai'. Báo Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  40. ^ “Theo giáo luật, nhóm 'Tịnh thất Bồng Lai' đã giả chùa, giả sư”. Báo Thanh Niên. 10 tháng 1 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 1 năm 2022.
  41. ^ a b Tuyền Lâm (25 tháng 5 năm 2017). “Xôn xao hoa '3.000 năm mới nở 1 lần' ở Long An”. PLO.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  42. ^ Quốc Khanh (27 tháng 7 năm 2014). “Cô bé quy y hát nhạc Trịnh khiến trường quay The Voice Kid "nổi da gà". Báo Giáo Dục. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.
  43. ^ Kỳ Quan (23 tháng 10 năm 2018). “Chuyện cổ tích mang tên "Cô bé hát nhạc Trịnh". Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  44. ^ Hà Ngân (10 tháng 4 năm 2015). “Quang Lê đưa hai con nuôi Huyền Trân, Phương Mỹ Chi dự sinh nhật Lệ Quyên”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  45. ^ An An (16 tháng 9 năm 2019). “39 tuổi, Quang Lê là bố của mấy người con nuôi?”. Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.
  46. ^ Thạch Anh - Anh Thư (25 tháng 10 năm 2021). “Vì sao Quang Lê dừng hợp tác với bé Huyền Trân của Tịnh thất Bồng Lai?”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  47. ^ Hà Ngân (26 tháng 4 năm 2015). 'Tiểu ni cô' Huyền Trân gây tranh cãi khi trang điểm, đội tóc giả lên sân khấu”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.
  48. ^ Thùy Linh (15 tháng 9 năm 2017). “Hai sư thầy hát bolero 'triệu view' bắt tay thi gameshow”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.
  49. ^ Hồng Hải; Thanh Long; Vĩnh Hy (21 tháng 9 năm 2017). “Hai "nhà sư" thi "Tuyệt đỉnh song ca": Mê hát hay chiêu trò?”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  50. ^ a b c M. T. (18 tháng 9 năm 2017). “BTC "Tuyệt đỉnh song ca" xin lỗi khi gọi nhầm thí sinh là "nhà sư". Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  51. ^ a b c d Thùy Trang (25 tháng 9 năm 2020). “Gian dối khi tham gia gameshow truyền hình: Ban Tổ chức có vô can?”. Báo Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2021.
  52. ^ Vĩnh Hy - Hồng Hải - Thanh Long (4 tháng 10 năm 2017). “Hai "nhà sư" rút khỏi gameshow "Tuyệt đỉnh song ca". Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.
  53. ^ a b c Đăng Lê (3 tháng 10 năm 2018). “Sốc chuyện "300 triệu làm chứng minh thư" của cô bé mồ côi hát nhạc Trịnh”. Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  54. ^ Bùi Hoàng Tâm (21 tháng 2 năm 2019). “Kỉ luật kiểu "Mèo vật đống rơm" hay "Đánh bùn sang ao"?”. Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.
  55. ^ Đăng Lệ (18 tháng 2 năm 2019). “Trưởng công an xã đòi 300 triệu làm chứng minh thư được chuyển sang làm... Trưởng công an xã khác (!)”. Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2021.
  56. ^ a b c Băng Châu (7 tháng 12 năm 2018). “Hoàn cảnh đáng thương của 5 chú tiểu "ẵm" giải 100 triệu ở "Thách thức danh hài". Dân trí. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  57. ^ a b H. Minh (1 tháng 11 năm 2019). “Vụ đại náo "Tịnh thất Bồng Lai": Cô gái quyết đi tu”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  58. ^ a b M. Sơn (26 tháng 10 năm 2019). "Tịnh thất Bồng Lai" khai mất 305 triệu đồng”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  59. ^ Khôi Nguyên (29 tháng 10 năm 2019). “Lộ diện hành tung nhóm người đại náo 'tịnh thất Bồng Lai'. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  60. ^ “Cơ duyên nào dẫn Diễm My đến Tịnh thất Bồng Lai của ông Lê Tùng Vân”. Khoa học & Đời sống. 7 tháng 1 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2022.
  61. ^ Hồ Dương (26 tháng 10 năm 2019). “Vụ ẩu đả tịnh thất Bồng Lai: Thầy tu khâu 7 mũi, thấy mất hơn 300 triệu”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  62. ^ a b Đức Cường (21 tháng 11 năm 2021). “Cần xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng vụ việc "Tịnh Thất Bồng Lai" để vu khống chính quyền”. Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.
  63. ^ Bắc Bình (5 tháng 11 năm 2021). “Bà Nguyễn Phương Hằng đến Tịnh thất Bồng Lai tìm ông Lê Tùng Vân, Công an Đức Hòa nói gì?”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  64. ^ a b Minh Sơn - Hà Long (4 tháng 11 năm 2021). “Hay tin bà Phương Hằng đến, hàng ngàn người tập trung tại "Tịnh Thất Bồng Lai". Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  65. ^ An Long (9 tháng 12 năm 2021). “Người ở 'tịnh thất Bồng Lai' kháng cáo đòi 3,3 tỉ vì bị đánh, đến hơn 21h tòa mới tuyên án”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.
  66. ^ Bắc Bình (10 tháng 12 năm 2021). “Người của Tịnh thất Bồng Lai đòi bồi thường 3,3 tỉ đồng do sẹo trên mặt”. Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.
  67. ^ Xuân Hinh (10 tháng 12 năm 2021). “Bác bỏ yêu cầu bồi thường 3,3 tỷ đồng của người trong Tịnh Thất Bồng Lai”. Dân trí. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2021.
  68. ^ Kỳ Quan (26 tháng 7 năm 2020). “Cách ly 17 người ở "Tịnh thất Bồng Lai" để phòng dịch COVID-19”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  69. ^ a b c Kỳ Quan (26 tháng 2 năm 2020). “Sẽ điều tra, xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến "Tịnh thất Bồng Lai". Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2021.
  70. ^ a b Đông Hà (22 tháng 5 năm 2020). “Kiểm tra hành chính 'Tịnh thất Bồng Lai'. PLO.vn. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2021.
  71. ^ a b Kỳ Quan (7 tháng 10 năm 2020). “Tiếp tục công khai thông tin về "Tịnh thất Bồng Lai". Báo Lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2021.
  72. ^ Trang Nguyên (25 tháng 10 năm 2021). “Lật lại chiêu trò của 'Tịnh thất Bồng Lai' sau livestream của bà Phương Hằng”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2021.
  73. ^ a b c Công Tuấn – Nguyên Lâm (7 tháng 11 năm 2021). “Vụ Tịnh Thất Bồng Lai - mọi việc cơ bản đã xong!”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2021.
  74. ^ a b c Sơn Lâm (7 tháng 11 năm 2021). “Nhiều trẻ sống tại 'Tịnh thất Bồng Lai' cùng mẹ ruột nhưng không được biết thân nhân”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2021.
  75. ^ Hà Long (4 tháng 1 năm 2022). “Khởi tố vụ lợi dụng tôn giáo, từ thiện để trục lợi tại "Tịnh thất Bồng Lai". Báo Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022.
  76. ^ Hà Long; Tâm Quân (5 tháng 1 năm 2022). “Vụ "Tịnh thất Bồng Lai": Khởi tố để điều tra 3 tội danh, trong đó có loạn luân”. Báo Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022.
  77. ^ “Khởi tố, bắt tạm giam thêm 1 người liên quan đến vụ "Tịnh thất bồng lai". Sài Gòn Giải Phóng. 12 tháng 5 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2022.
  78. ^ “Bắt tạm giam bà Cao Thị Cúc, chủ hộ nơi xưng 'Tịnh thất Bồng Lai'. VietNamNet. 12 tháng 5 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2022.
  79. ^ Bắc Bình (27 tháng 5 năm 2022). “Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Khởi tố, bắt giam Lê Thanh Nhị Nguyên”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2022. Truy cập 27 tháng 5 năm 2022.
  80. ^ “Đề nghị truy tố 6 bị can trong vụ "Tịnh thất bồng lai". ANTV. 3 tháng 6 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2022.
  81. ^ Bắc Bình (10 tháng 6 năm 2022). “Vụ án Tịnh thất Bồng Lai: Truy tố Lê Tùng Vân và 5 đồng phạm”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2022.
  82. ^ "Thầy ông nội" và 5 người ở "Tịnh thất Bồng Lai" bị truy tố”. Người lao động. 9 tháng 6 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2022.
  83. ^ Vinh Quang (13 tháng 6 năm 2022). “Xét xử sơ thẩm vụ Tịnh thất Bồng Lai”. Zing. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 6 năm 2022.
  84. ^ Hà Long; Huế Xuân (30 tháng 6 năm 2025). “Hoãn phiên tòa xét xử Lê Tùng Vân và các bị cáo liên quan "Tịnh thất Bồng Lai". Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2022.
  85. ^ An Long (21 tháng 7 năm 2022). “Tuyên án vụ Tịnh thất Bồng Lai: Ông Lê Tùng Vân bị tuyên phạt 5 năm tù”. Báo Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2022.
  86. ^ Sơn Lâm (28 tháng 7 năm 2022). “Vụ 'tịnh thất Bồng Lai': Bị can Lê Thu Vân được tại ngoại vì sức khỏe yếu”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2022.
  87. ^ Vinh Quang (29 tháng 7 năm 2022). “Bị cáo Lê Tùng Vân kháng cáo bản án sơ thẩm vụ "Tịnh thất Bồng Lai". VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2022.
  88. ^ Đàm Đệ (24 tháng 9 năm 2022). “Lấy mẫu giám định ADN 28 người sống tại 'Tịnh thất Bồng Lai'. Vietnamnet. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2022.
  89. ^ Bắc Bình (24 tháng 9 năm 2022). “Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Phục hồi điều tra hành vi lừa đảo, xét nghiệm ADN 28 người”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2022.
  90. ^ Huỳnh Du (14 tháng 10 năm 2022). “Vẫn mở phiên toà phúc thẩm vụ 'Tịnh thất Bồng Lai' rồi mới tuyên hoãn”. Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2022.
  91. ^ Sơn Lâm (14 tháng 10 năm 2022). “Hoãn phiên phúc thẩm 'tịnh thất Bồng Lai' theo yêu cầu của luật sư bảo vệ bị hại”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2022.
  92. ^ Anh Thư (28 tháng 10 năm 2022). “Một số bị cáo trong "Tịnh thất Bồng Lai" bị xem xét khởi tố thêm 2 tội danh”. Báo Công an Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 10 năm 2022.
  93. ^ Sơn Lâm (1 tháng 11 năm 2022). “Khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại 'tịnh thất Bồng Lai'. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2022.
  94. ^ Huỳnh Du (1 tháng 11 năm 2022). “Khởi tố vụ án lừa đảo ở Tịnh thất Bồng Lai, xem xét tội loạn luân”. Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2022.
  95. ^ Bắc Bình (2 tháng 11 năm 2022). “Cô gái Diễm My liên quan Tịnh thất Bồng Lai đang ở đâu?”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2022.
  96. ^ Huỳnh Du (3 tháng 11 năm 2022). “Tòa tuyên y án ông Lê Tùng Vân và các đồng phạm vụ Tịnh thất Bồng Lai”. Báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2022.
  97. ^ Sơn Lâm (3 tháng 11 năm 2022). “Tòa bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm vụ 'tịnh thất Bồng Lai'. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2022.
  98. ^ Thanh Phương (16 tháng 12 năm 2022). “Tòa buộc đưa ông Lê Tùng Vân đi thi hành án”. Vietnamnet. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.
  99. ^ Dương Quỳnh Trang (16 tháng 12 năm 2022). “Tổ chức thi hành án đối với Lê Tùng Vân trong vụ Tịnh thất Bồng Lai”. Zing. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.
  100. ^ Bắc Bình (16 tháng 12 năm 2022). “Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Thi hành án phạt tù bị cáo Lê Tùng Vân”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2022.
  101. ^ Sơn Lâm (19 tháng 12 năm 2022). “Ông Lê Tùng Vân xin hoãn thi hành án vì 'không đủ sức khỏe để đi tù'. Báo Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2022.
  102. ^ Hà Long (18 tháng 1 năm 2023). “Vụ "Tịnh thất Bồng Lai": Diễn biến mới liên quan sức khỏe bị án Lê Tùng Vân”. Báo Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2023.
  103. ^ An Long (12 tháng 6 năm 2023). “Truy tìm 3 luật sư từng bào chữa vụ 'tịnh thất Bồng Lai'. Báo Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2023.
  104. ^ “Luật sư bào chữa vụ Tịnh Thất Bồng Lai đến Hoa Kỳ”. RFA tiếng Việt. 19 tháng 6 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2023.
  105. ^ Bắc Bình (27 tháng 6 năm 2023). “Công an Long An nói gì về thông tin 3 LS vụ Tịnh thất Bồng Lai 'đang bị truy tìm' đã sang Mỹ?”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 26 tháng 6 năm 2023.
  106. ^ “Ông Lê Tùng Vân ở 'Tịnh thất Bồng Lai' bị khởi tố hành vi loạn luân”. Báo Thanh Niên. 19 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2024.
  107. ^ “Vụ "Tịnh thất Bồng Lai": Khởi tố Lê Tùng Vân tội loạn luân”. Báo Người Lao Động. 19 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2024.
  108. ^ “Truy tìm người liên quan vụ án”. congan.longan.gov.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2024.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]