Siêu cường quốc
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Siêu cường quốc hay Siêu cường là cấp độ cao nhất trong hệ thống phân loại và xếp hạng các Cường quốc trên thế giới ngày nay, dùng để chỉ một quốc gia có sức mạnh đặc biệt, đứng hàng đầu trong hệ thống quốc tế, có khả năng gây ảnh hưởng tới toàn bộ sự kiện cũng như phô trương sức mạnh trên phạm vi toàn cầu. Siêu cường quốc có sức mạnh, duy trì mức độ quyền lực cùng tầm ảnh hưởng quốc tế cao hơn Đại cường quốc. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên năm 1943 để chỉ Liên bang Xô viết, Hoa Kỳ và Đế quốc Anh. Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống thuộc địa dần tan rã khiến cho Anh Quốc mất dần tầm ảnh hưởng, chỉ còn Liên bang Xô viết cùng Hoa Kỳ được coi là 2 siêu cường trong thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên, giai đoạn sau khi cuộc chiến này kết thúc cùng với sự tan rã và sụp đổ của Liên Xô thì chỉ còn có Hoa Kỳ được coi là hội tụ đầy đủ tất cả những sức mạnh, yếu tố, phẩm chất cùng điều kiện để được coi là 1 Siêu cường hoàn chỉnh hiện nay.
Hiện nay, đa số giới truyền thông và hàn lâm thế giới cho rằng chỉ có Hoa Kỳ đáp ứng đủ tiêu chuẩn để được coi là siêu cường. Bên cạnh Hoa Kỳ có các cường quốc được cho là những Siêu cường tiềm năng có thể cạnh tranh đôi chút với Mỹ bao gồm Nga, Ấn Độ, và đặc biệt là Trung Quốc. Nhật Bản vào những năm 1980 cũng được coi là siêu cường rất tiềm năng nhưng sau đó suy thoái dần dần và cũng mất cơ hội cạnh tranh với Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) có sức mạnh kinh tế tương đương Hoa Kỳ, có sức mạnh chính trị và ngoại giao rất lớn thị trường quốc tế, nhưng thiếu một sức mạnh quân sự thống nhất. Vì thế, một số người cho rằng nếu được thống nhất về quân sự hoặc trở thành một liên bang, liên minh này có thể hoặc là một siêu cường đang nổi lên hay đã có vị trí một siêu cường, tùy theo quan điểm của từng người. Khi Anh bắt đầu rời khỏi EU, một số ý kiến cho rằng EU sẽ bị suy yếu về kinh tế và vị thế chính trị; tuy nhiên thực tế đã cho thấy ngược lại khi Anh rơi vào khủng hoảng còn vị thế của EU càng được nâng cao. Ít nhất 7 quốc gia đang trong quá trình xin gia nhập khối này.
Liên bang Nga lại là một hình ảnh đảo ngược của Liên minh châu Âu, là quốc gia với tiềm lực quân sự có tiếng nói đối trọng với Hoa Kỳ về mọi mặt. Tuy nhiên, Nga chỉ có thể là một siêu cường về chính trị và quân sự. Nền kinh tế hiện tại của Nga chưa xứng đáng với vị thế siêu cường trên thế giới. Ở Đông Âu, việc Crimea và Sevastopol sáp nhập vào Nga trên thực tế khiến Nga có thể khống chế một phần biển Đen tiếp giáp khu vực này. Hiện tại đa số giới truyền thông và hàn lâm vẫn tuyệt đối cho rằng Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất trên thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ.
Những người khác nghi ngờ sự cùng tồn tại của các siêu cường khi cho rằng tình hình thị trường toàn cầu phức tạp và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các nước trên thế giới làm tình thế chính trị thế giới hiện nay là đa cực, khiến cho ý thức, khái niệm về "Siêu cường" ngày càng trở nên tương đối hóa[1][2][3][4][5][6][7].
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Thuật ngữ "siêu cường" được sử dụng để miêu tả các quốc gia có vị thế lớn hơn vị thế cường quốc ngay từ đầu thập niên 1930, nhưng nó chỉ mang nghĩa đặc trưng để chỉ Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết sau Chiến tranh thế giới thứ hai[8].
Thuật ngữ theo nghĩa chính trị hiện nay đã được đưa ra trong cuốn sách Các Siêu cường do William Thornton Rickert Fox, một giáo sư về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ tại Đại học Columbia, viết năm 1943. Fox sử dụng từ này để xác định một phạm trù mới về quyền lực ở mức cao nhất có thể đạt được trong một thế giới theo đó, như cuộc chiến tranh xảy ra khi đó đã chứng minh, các quốc gia có thể thách thức và chiến đấu với nhau trên tầm vóc quốc tế. Theo ông, (ở thời điểm đó) có ba quốc gia siêu cường: Hoa Kỳ, Liên bang Xô viết và Đế chế Anh.
Khủng hoảng Kênh đào Suez đã làm sáng tỏ một điều rằng, Đế chế Anh, về kinh tế đã bị tàn phá sau hai cuộc chiến tranh thế giới, không còn có thể cạnh tranh ở mức độ ngang bằng với Liên bang Xô viết và Hoa Kỳ mà không hy sinh bớt những nỗ lực tái thiết của mình, thậm chí khi cùng cộng tác với Pháp và Israel. Vì thế, Anh đã trở thành đồng minh mạnh nhất, thân cận nhất và quan trọng nhất của Hoa Kỳ, luôn sát cánh bên họ trong Chiến tranh Lạnh, chứ không còn tư cách một siêu cường nữa.
Nhờ đa phần các trận đánh trong Chiến tranh thế giới thứ hai đều diễn ra ngoài lãnh thổ của mình, nền công nghiệp Hoa Kỳ không bị phá huỷ, số lượng thương vong không lớn, trái ngược với tình hình của các quốc gia châu Âu hay châu Á. Trong chiến tranh, Hoa Kỳ đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng công nghiệp và kỹ thuật vững mạnh có ảnh hưởng lớn giúp nước này có được sức mạnh quân sự hàng đầu trên phạm vi thế giới.
Sau chiến tranh, hầu như toàn bộ châu Âu phải trở thành đồng minh của Hoa Kỳ hoặc Liên bang Xô viết. Dù có những nỗ lực nhằm tạo lập các liên minh đa quốc gia hay các cơ quan luật pháp (như Liên hiệp quốc), dần dần Hoa Kỳ và Liên Xô ngày càng chứng tỏ rõ sức mạnh thống trị về chính trị và kinh tế của họ trong cuộc Chiến tranh Lạnh bắt đầu diễn ra, và họ có cái nhìn rất khác nhau về thế giới thời hậu chiến. Điều này được phản ánh qua các liên minh quân sự là khối NATO và Khối Warszawa. Các liên minh này cho thấy hai quốc gia đó là một phần của một thế giới lưỡng cực đang thành hình, trái ngược với thế giới đa cực trước đó. Ngoài hai siêu cường: Hoa Kỳ và Liên Xô, 3 cường quốc hàng đầu là: Anh, Pháp và Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiều chương trình nhằm khẳng định vị thế "siêu cường" của riêng họ như chương trình phát triển vũ khí hạt nhân chẳng hạn. Ba cường quốc này đã nắm được vai trò "một bên tham gia trong vũ đài thế giới ", cũng như đứng trong hàng ngũ 5 cường quốc duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân thời điểm đó (Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc).
Ý tưởng cho rằng thời kỳ Chiến tranh Lạnh chỉ xoay quanh hai khối, hay thậm chí hai quốc gia, đã bị một số học giả thời hậu Chiến tranh Lạnh bác bỏ, họ đã chỉ ra rằng thế giới lưỡng cực chỉ tồn tại nếu ta bỏ qua không quan tâm tới toàn bộ những phong trào và những sự xung đột xảy ra mà không có sự ảnh hưởng từ bất cứ một bên được gọi là siêu cường nào. Hơn nữa, đa số các cuộc xung đột giữa các siêu cường đều là những cuộc "chiến tranh ủy nhiệm", là những sự kiện thường hay xảy ra hơn nhiều so với những vấn đề không can thiệp vốn phức tạp hơn rất nhiều so với những sự đối lập Chiến tranh Lạnh tiêu chuẩn.
Sau khi Liên bang Xô viết giải tán đầu thập niên 1990, thuật ngữ Siêu cường quốc (Hyperpower) bắt đầu được áp dụng để chỉ Hoa Kỳ, với vai trò siêu cường duy nhất còn tồn tại sau thời Chiến tranh Lạnh. Thuật ngữ này, được bộ trưởng Ngoại giao Pháp Hubert Védrine đưa ra trong thập niên 1990, tuy nhiên việc xếp hạng Hoa Kỳ như vậy vẫn còn đang gây tranh cãi. Một người phản đối lý thuyết này Samuel P. Huntington, ông ủng hộ lý thuyết cân bằng quyền lực đa cực.
Đã từng có những nỗ lực nhằm áp dụng thuật ngữ siêu cường cho những thực thể trong quá khứ như Đế chế Ba Tư, Đế chế La Mã, Đế chế Anh hay Nhà Hán (Trung Quốc); tuy nhiên giá trị hiệu lực của chúng còn bị tranh cãi, vì thế chúng không được phổ biến rộng rãi.
Những đặc điểm của một siêu cường
[sửa | sửa mã nguồn]Các tiêu chí về một siêu cường không được định nghĩa chính xác, và vì thế chúng có thể khác nhau tùy theo từng nguồn, nhưng những yếu tố sau thường được coi là có tầm quan trọng lớn.
- Quân sự
- Khả năng thể hiện sức mạnh trên thế giới. Trong thế giới hiện đại, điều này đòi hỏi không chỉ một lực lượng quân sự mạnh (là cái nhiều nước có), mà còn có khả năng vận chuyển đường biển, đường không để triển khai và cung cấp hậu cần cho lực lượng quân sự đó nhằm tăng cường lợi ích quốc gia cũng như có được sự ủng hộ của dân chúng cho hành động đó.
- Văn hoá
- Ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ, "quyền lực mềm". Ảnh hưởng văn hóa ngụ ý một lĩnh vực triết học và ý thức hệ phát triển.
- Địa lý
- Diện tích to lớn đất hay biển thuộc quyền kiểm soát của họ. Lãnh thổ cho phép một quốc gia khai thác tài nguyên và trồng cấy nông nghiệp, tăng khả năng tự cung tự cấp. Đây là một yếu tố quan trọng trong chiến tranh, bởi nó cho phép các khả năng như rút lui, tái hợp và tái tổ chức, cũng như đặt các trạm radar và bệ phóng tên lửa ở xa - thậm chí một nước giàu nhưng có lãnh thổ nhỏ cũng dễ bị tổn thương hơn trong chiến tranh.
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh
[sửa | sửa mã nguồn]Thuật ngữ "siêu cường" trong hoàn cảnh này lần đầu tiên được sử dụng để miêu tả Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đối đầu với nhau về chính trị và kinh tế trong thời Chiến tranh Lạnh.
Liên bang Xô viết đại diện cho ý thức hệ cộng sản, và đứng đầu Khối Hiệp ước Warszawa, được gọi là Khối Đông Âu ở phương Tây.
Hoa Kỳ đại diện cho ý thức hệ tư bản và đứng đầu Khối NATO trong thời Chiến tranh Lạnh.
Liên bang Xô viết và Hoa Kỳ đáp ứng các tiêu chí siêu cường ở những mặt sau:
Liên bang Xô viết | Hoa Kỳ | |
---|---|---|
Chính trị | Hệ thống chính phủ cộng sản mạnh. Các tư tưởng cộng sản mở rộng ảnh hưởng của họ ra phạm vi thế giới. Có ghế thường trực tại Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Quan hệ vững chắc với Đông Âu và các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi. | Chế độ dân chủ tự do mạnh và ổn định, ảnh hưởng trên toàn thế giới. Những công ty lớn cho phép Hoa Kỳ có được ảnh hưởng nhiều hơn nữa tới các quốc gia tư bản chủ nghĩa. Có ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Quan hệ vững chắc với Tây Âu và nhiều nước Tây Á. |
Địa lý | Diện tích 22,4 triệu km², 11 múi giờ; là nước lớn nhất thế giới. Bao phủ những vùng biển rộng, và có nhiều tài nguyên khoáng sản cũng như diện tích đất nông nghiệp. | Nước lớn thứ ba trên thế giới, với diện tích 9,629 triệu km² [1] Lưu trữ 2006-07-15 tại Wayback Machine. Những nguồn tài nguyên khoáng sản lớn cũng như ngành nông nghiệp lớn đã được công nghiệp hóa. |
Văn hoá | Ảnh hưởng mạnh trên các nước xung quanh, đa dạng và giàu có về lịch sử và văn hoá. Vận dụng ảnh hưởng thông qua các chính phủ cộng sản và các tổ chức trên toàn thế giới. Các tư tưởng cộng sản rất hấp dẫn đối với nhiều người trên thế giới. | Ảnh hưởng to lớn hầu như trên mọi lục địa, hội nhập văn hóa với Tây Âu. Các công ty bán sản phẩm văn hóa Mỹ và có ảnh hưởng văn hóa Mỹ ra toàn thế giới. Tự do ngôn luận rất hấp dẫn với nhiều người trên thế giới. |
Quân sự | Có đội quân lớn nhất trong lịch sử thế giới (13 triệu người năm 1946). Lực lượng không quân và lục quân lớn nhất thế giới, hải quân mạnh thứ 2 thế giới. Có lãnh thổ lớn nhất thế giới với nhiều nguồn tài nguyên chiến lược, kỹ thuật quân sự tiên tiến và kỹ thuật vũ trụ hàng đầu, là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới trong nửa sau thời Chiến tranh Lạnh. | Có những căn cứ quân sự trên toàn thế giới, đặc biệt trong một "vành đai" gần bao kín toàn bộ Liên bang Xô viết ở phía Tây, phía Nam và phía Đông. Có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới trong nửa đầu thời Chiến tranh Lạnh - đặt trên lãnh thổ của mình và tại châu Âu. Quân đội có kỹ thuật tiên tiến và có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. |
Kinh tế | Từng là nền kinh tế kế hoạch tập trung lớn nhất thế giới, và đứng hàng thứ hai về tổng thể nền kinh tế (2,9 nghìn tỷ $ vào năm 1990) Khả năng tự cung tự cấp lớn. Trong một giai đoạn, từng sản xuất 20% lượng hàng công nghiệp thế giới. | Nền kinh tế thị trường lớn nhất thế giới (5,96 nghìn tỷ $ năm 1990), và cũng đứng đầu nếu tính theo tổng thể nền kinh tế. Đồng tiền mạnh, đôla Mỹ. |
Nhân khẩu | Dân số 286,7 triệu người vào năm 1989, đứng hàng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. | Dân số hơn 248,7 triệu người vào năm 1990, đứng thứ tư thế giới lúc bấy giờ. |
Những siêu cường hiện nay
[sửa | sửa mã nguồn]Thế giới thời hậu chiến được đa số người coi là một thế giới đa cực, với Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất còn lại trên thế giới, sở hữu nền kinh tế lớn nhất và sức mạnh quân đội cao nhất. Sự ước định chính trị toàn cầu hiện nay không thể được đơn giản hóa một cách dễ dàng, bởi sự khó khăn trong việc xếp hạng Liên minh châu Âu ở giai đoạn phát triển hiện nay của nó. Hơn nữa, nhiều người cho rằng EU vẫn đang bị đánh giá dưới tầm[9], trong khi những người khác cho rằng khái niệm một siêu cường đã không còn hợp thời trong thời điểm phụ thuộc kinh tế toàn cầu phức tạp ở thế kỷ mới và đề xuất lý thuyết thế giới đa cực[1][2][3][4][5][6][7][10].
Liên bang Nga, thực thể thừa kế chính thức của nhà nước Liên bang Xô viết, vẫn còn giữ được một số năng lực của một siêu cường, như kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, dân số đông, lãnh thổ lớn nhất thế giới với sự phong phú các nguồn tài nguyên chiến lược, và khả năng phát triển các công nghệ, kỹ thuật quân sự và vũ trụ hiện đại. Tuy nhiên nền kinh tế của Nga chưa đủ quy mô để được coi là một siêu cường.
Một số nhà phân tích cho rằng lý thuyết ổn định bá chủ giải thích khuynh hướng hiện nay trong quan hệ quốc tế. Các quốc gia bá chủ thường có khuynh hướng thể hiện quá mức sức mạnh của mình, và các đối thủ khác sẽ dần trở nên mạnh hơn, cuối cùng thay thế hay trở thành đối trọng với nước bá chủ đã suy yếu đó. Một số người tin rằng điều này cuối cùng sẽ xảy ra trong tương lai gần[cần dẫn nguồn].
Hoa Kỳ
[sửa | sửa mã nguồn]Đa số người coi Hoa Kỳ là quốc gia hay đất nước có chủ quyền duy nhất đạt đủ các yếu tố để coi là một siêu cường trong giai đoạn 1991-2020.
- Hoa Kỳ là nước lớn thứ ba thế giới theo diện tích lục địa, sau Nga và Canada. (Nếu tính cả diện tích Đài Loan, nước có thể chế chính trị còn gây tranh cãi, là một phần diện tích của Trung Quốc thì Hoa Kỳ đứng thứ tư).
- Với 320 triệu dân, chiếm khoảng 4,5% dân số thế giới, Hoa Kỳ là nước đông dân thứ ba thế giới.
- Nước này có tỷ lệ tăng trưởng dân số cao nhất trong số các nước phát triển[cần dẫn nguồn].
- Theo Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ có chỉ số phát triển con người đứng hàng thứ 4 thế giới (PDF).
- Nước này có nền chính trị cộng hoà nghị viện ổn định.
- Hoa Kỳ đóng góp khoảng 22% ngân sách Liên Hợp Quốc[cần dẫn nguồn], và là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (với quyền phủ quyết).
- Lập trường của họ về các vấn đề quốc tế thường được các quốc gia khác ủng hộ, đặc biệt là các đồng minh như Anh Quốc, Pháp, Canada, New Zealand, Úc, Cộng hòa Ireland, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Ả Rập Xê Út và Israel.
Các yếu tố kinh tế và tài chính
- Hoa Kỳ sở hữu nền kinh tế quốc gia lớn nhất thế giới với giá trị 19.3 nghìn tỷ dollar vào năm 2017.[cần dẫn nguồn]. Hoa Kỳ chiếm 20% GDP thế giới[cần dẫn nguồn]. Nước này thường có mức độ tăng trưởng kinh tế từ mức trung bình tới cao[cần dẫn nguồn].
- Hoa Kỳ có mức GDP trên đầu người lớn hơn bất kỳ một siêu cường đang nổi lên nào và cao hơn hầu hết các nước công nghiệp phát triển khác, ở mức khoảng USD $59.000[cần dẫn nguồn]. Hoa Kỳ có mức GDP trên đầu người cao thứ 6 thế giới tình theo sức mua tương đương, sau Luxemburg và Na Uy[cần dẫn nguồn],.... Tuy nhiên, một người dân thường Mỹ có mức thời gian lao động trong cuộc đời lớn hơn khá nhiều so với một người bình thường châu Âu[11] (xem những tranh cãi về GDP).
- Trong 20 năm qua, mặc dù là một quốc gia phát triển, mức tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trung bình vẫn hơn 3% mỗi năm[cần dẫn nguồn].
- Hoa Kỳ là nơi đóng trụ sở của nhiều tập đoàn quốc tế và các định chế tài chính.
- Các công ty Mỹ giữ vai trò hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như vật liệu mới, điện tử và viễn thông, công nghệ thông tin, vũ trụ, năng lượng, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, dược phẩm, tin học sinh học (bioinformatics), cơ khí hóa chất (chemical engineering) và phần mềm.
- Nước này là nhà sản xuất hàng đầu về hàng hóa tiêu dùng và sản phẩm nông nghiệp [2] PDF, dù họ phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu.
- Hoa Kỳ có ảnh hưởng mang tính quyết định với các định chế tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới; đồng dollar Mỹ là đồng tiền tệ dự trữ và trao đổi quan trọng nhất thế giới.
- Hoa Kỳ có mức chi tiêu quân sự lớn hơn cả mười hai nước đứng tiếp sau họ cộng lại[cần dẫn nguồn]. Năm 2006, họ sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai thế giới và một số hệ thống vũ khí kỹ thuật tân tiến nhất hiện nay cùng hệ thống căn cứ quân sự lớn cho phép triển khai quân đội tới bất kỳ địa điểm nào trên thế giới.
- Hoa Kỳ được coi là quốc gia có sức mạnh quân sự mạnh nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại:
- Hải quân Hoa Kỳ được coi là lực lượng hải quân lớn và mạnh nhất thế giới (trên thế giới hiện tại có tổng cộng 26 tàu sân bay đang hoạt động, trong đó 12 chiếc thuộc Hải quân Hoa Kỳ)
- Không quân Hoa Kỳ được coi là lực lượng không quân lớn và mạnh nhất thế giới. Trong khi đó Hải quân Hoa Kỳ là lực lượng không quân lớn thứ hai thế giới.
- Hoa Kỳ duy trì một số lượng lớn các căn cứ quân sự phân bố trên toàn thế giới cho phép Hoa Kỳ triển khai quân đội tại bất kỳ khu vực nào trên thế giới một cách nhanh chóng.
- Hoa Kỳ duy trì các liên minh quân sự với một số lượng lớn các quốc gia tại nhiều khu vực trên thế giới ví dụ như: Liên minh NATO ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc ở châu Á. Israel và Ả Rập Xê Út ở Trung Đông,...
- Văn hóa Mỹ (bao gồm ca nhạc, phim ảnh) có tầm ảnh hưởng trên khắp thế giới, đặc biệt ở những vùng nói tiếng Anh (quyền lực mềm).
- Hoa Kỳ và Đế quốc Anh là 2 siêu cường duy nhất trong lịch sử nhân loại có tầm ảnh hưởng rộng lớn nhất trên toàn cầu về cả quyền lực cứng và quyền lực mềm. Hình ảnh Hoa Kỳ trong suy nghĩ của một tỷ lệ lớn người dân các nước dù cho còn nhiều hạn chế nhưng vẫn được coi là "tiêu chuẩn" về mọi mặt trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, đời sống xã hội - đặc biệt là ở các nước châu Á.
Năm 2016, Tổng thống Nga Putin cũng thừa nhận Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất còn tồn tại trên thế giới hiện nay kể từ sau sự tan rã của Liên Xô. Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến sự nổi lên của một số quốc gia có khả năng trở thành siêu cường mới.
Sự tranh luận về Liên minh châu Âu
[sửa | sửa mã nguồn]Một số người có thể cho rằng Liên minh châu Âu là một siêu cường, nếu coi nó là một thực thể[12]. EU hiện có GDP và thị trường tiêu thụ lớn nhì thế giới cũng như có quyền kiểm soát to lớn đối với sự phân phối các nguồn tài nguyên thế giới, tuy vậy vẫn có ý kiến cho rằng Liên minh châu Âu vẫn còn bị chia rẽ quá xa về chính trị và văn hóa để được coi là một thực thể duy nhất, đặc biệt vì hai đòn bẩy quyền lực chính là chính sách đối ngoại và quốc phòng, được thực thi chủ yếu bởi cá nhân từng nước thành viên[cần dẫn nguồn]. Nếu được coi là một thực thể thống nhất, một số người sẽ coi EU là một siêu cường.
Tổng số 28 quốc gia thành viên có những ảnh hưởng văn hóa to lớn trên toàn thế giới: thể thao, thời trang, nghệ thuật, văn hóa và ẩm thực châu Âu đã trở nên quen thuộc ở mọi ngõ ngách trên thế giới. Pháp và Anh Quốc cũng là những thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với quyền phủ quyết. Về mặt giáo dục, 8 trong số 15 vị trí trong bản danh sách của PISA là các nước thành viên Liên minh châu Âu và tất cả các quốc gia phương Tây trong tổ chức này đều đứng trong tốp 30[14]. Nếu tính sức mạnh sẽ có được theo kế hoạch mở rộng, châu Âu sẽ sở hữu bốn hạm đội tàu sân bay cũng như hơn nửa tá các tàu sân bay hộ tống cỡ nhỏ hơn và nhiều tàu chiến trên biển cho tới năm 2015[cần dẫn nguồn].
Ấn Độ và Trung Quốc tuy thống nhất về mặt chính trị nhưng vẫn còn thiếu sự phát triển xã hội cần thiết. Liên minh châu Âu hiện có một số thành viên là những cường quốc kinh tế hiện nay - Anh Quốc, Đức, Pháp và Ý.
EU thậm chí còn có thể đã phát triển phạm vi ảnh hưởng giữa các quốc gia gần gũi về địa lý, tương tự như trường hợp của Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết thời Chiến tranh Lạnh[15]. Ví dụ, các quốc gia thành viên khối EFTA bên ngoài Liên minh, và các thuộc địa cũ, đặc biệt tại châu Phi. EU đóng vai trò một bên trung gian hòa giải [3] Lưu trữ 2006-11-01 tại Wayback Machine, họ đã đảo ngược sự cân bằng quyền lực truyền thống, theo nghĩa các quốc gia khác thường không muốn đối đầu với họ, mà muốn gia nhập cùng với họ.
Một số nhà bình luận cho rằng, đối với Liên minh châu Âu sự hội nhập chính trị hoàn toàn là không cần thiết để có được ảnh hưởng mang tầm vóc quốc tế, rằng sự yếu kém hiện nay chính là sức mạnh thật sự của họ (as of its low profile diplomacy and the opsetion of the rule of law[16]) và rằng EU đại diện cho một phương thức mới và có tiềm năng thành công hơn so với những phương thức truyền thống [4]. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về tính hiệu quả của một tầm ảnh hưởng như vậy sẽ tương đương với sự không chắc chắn về sự hội nhập chính trị của một siêu cường (ví dụ Hoa Kỳ) khi so sánh.
Đa số những cuộc tranh luận dường như cho rằng EU là một "thực thể riêng".
Cơ cấu Liên minh châu Âu
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 16 tháng 12 năm 2004, The World Factbook, một ấn bản của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã có thêm mục dành riêng cho Liên minh châu Âu[17]. Theo CIA, sở dĩ Liên minh châu Âu được thêm vào vì EU "tiếp tục tự mang lại cho mình những đặc điểm của một nhà nước". Lý lẽ của họ đã được giải thích trong đoạn tuyên bố ngắn ở lời mở đầu như sau:
- Tiến trình phát triển của Liên minh châu Âu (EU) từ một thỏa thuận kinh tế khu vực với sáu nước thành viên năm 1951 tới một tổ chức siêu quốc gia như hiện nay với 25 nước thành viên trên khắp lục địa châu Âu là một hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử. Các liên minh triều đình với mục tiêu củng cố lãnh thổ từng là tiêu chuẩn từ lâu ở châu Âu... Mặc dù Liên minh châu Âu không phải là liên bang theo đúng nghĩa chặt chẽ của nó, nhưng tổ chức này vượt xa các hiệp hội tự do thương mại khác như ASEAN, NAFTA, hay Mercosur, và nó mang nhiều thuộc tính của các quốc gia độc lập, với lá cờ, quốc ca, ngày thành lập và đồng tiền tệ riêng cũng như một chính sách đối ngoại và an ninh chung đang ở giai đoạn thành hình. Trong tương lai, nhiều thuộc tính quốc gia của Liên minh châu Âu sẽ còn được mở rộng thêm. Vì thế, việc đưa những thông tin căn bản của EU với tư cách là một thực thể mới và riêng biệt vào trong The World Factbook là xác đáng. Tuy nhiên... những thông tin về thực thể này vẫn được đặt sau các quốc gia thông thường khác - CIA factbook[17].
Những siêu cường tiềm năng đang nổi lên
[sửa | sửa mã nguồn]Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa
[sửa | sửa mã nguồn]Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được coi là một siêu cường tiềm năng[18]. Chưa tính số liệu kinh tế của Hồng Kông và Macao, Trung Quốc đại lục hiện là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới tính theo GDP danh nghĩa và đứng số 1 toàn cầu theo sức mua tương đương. Trung Quốc hiện được coi là một siêu cường tiềm năng đang nổi lên nhờ quy mô dân số khổng lồ cùng mức độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh với tỷ lệ bình quân hàng năm là 6.9%.[19] Sở hữu các lực lượng vũ trang với số lượng lớn nhất thế giới, trình độ khoa học kỹ thuật quân sự cũng ngày càng được nâng lên, dần bắt kịp với Nga và Mỹ. Năm 2021, nền quân sự Trung Quốc được ước tính đứng thứ 3 thế giới sau Nga và Mỹ.[20] Trung Quốc là 1 trong 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Năm 2021, phát biểu về chính sách đối ngoại của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nhận định: "Trung Quốc là quốc gia duy nhất có đủ sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thách thức hệ thống quốc tế".[21]
Cộng hòa Ấn Độ
[sửa | sửa mã nguồn]Ấn Độ hiện là nền kinh tế đứng hàng thứ 3 thế giới về GDP theo sức mua tương đương và đứng hàng thứ 6 toàn cầu theo GDP danh nghĩa, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 7%[22]. Nước này được coi là một siêu cường tương lai bởi họ sở hữu một lực lượng lao động có tay nghề (đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ thông tin), quy mô dân số khổng lồ và trẻ tuổi đồng thời là nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới[23][24]. Ấn Độ có quân đội được huấn luyện tốt cùng các lực lượng không quân và hải quân từ lâu được coi là rất thiện chiến[25]. Với các định chế dân chủ của mình, Ấn Độ là nước có sự phát triển xã hội tuy chậm nhưng ổn định.[26]
Liên bang Nga
[sửa | sửa mã nguồn]Liên bang Nga là quốc gia kế tục Liên Xô về địa vị pháp lý, có diện tích lớn nhất thế giới và đông dân thứ 9. Nền kinh tế Nga đứng thứ 11 thế giới tính theo GDP danh nghĩa và đứng thứ 6 thế giới theo tính theo sức mua. Về quân sự, Nga có nền quân sự được ước tính đứng thứ hai thế giới sau Mỹ[20] và trình độ khoa học kĩ thuật tiến bộ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vũ khí. Nga cũng là một trong 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cộng hòa Liên bang Brasil
[sửa | sửa mã nguồn]Brasil là quốc gia rộng lớn cũng như đông dân nhất ở khu vực Nam Mỹ, có sức ảnh hưởng văn hóa sâu rộng cùng nền kinh tế phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với hạng 12 toàn cầu về GDP danh nghĩa và xếp thứ 8 thế giới theo sức mua tương đương năm 2020 đồng thời, quân đội nước này cũng là một trong những lực lượng vũ trang mạnh nhất trên thế giới, được ước tính với hạng 9 toàn cầu về sức mạnh quân sự tổng hợp năm 2021.[20]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b “The Global list (No superpower)”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 6 năm 2006. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2006.
- ^ a b “Washington Post (No superpower)”. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2006.
- ^ a b “Huffington Post (No superpower)”. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2006.
- ^ a b “Globalpolicy.org (No superpower)”. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2006.
- ^ a b “Townhall.com (No superpower)”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 6 năm 2006. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2006.
- ^ a b “A Times (No superpower)”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 4 năm 2003. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2006.
- ^ a b “Captol Hill Blue (No superpower)”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2006.
- ^ Global CPR
- ^ “Cafebabel on the EU being underestimated”. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2006.
- ^ “Newsmax (No superpower)”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 10 năm 2006. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2006.
- ^ “The Economist comparing the EU to US economy”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 7 năm 2006. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2006.
- ^ a b Reid, TR (2004). The United States Of Europe: The New Superpower and the End of American Supremacy. Touchstone.
- ^ Yale Globa “Yale Global” Kiểm tra giá trị
|url=
(trợ giúp). Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2006. - ^ “PISA study rankings”. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2006.
- ^ “The EU as a Regional Normative Hegemon” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 6 năm 2006.
- ^ “The Project for a New European Century”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 2 năm 2007. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2006.
- ^ a b “Inclusion of EU in the CIA factbook”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 9 năm 2006. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2006.
- ^ “Encyclopædia Britannica on China as an emerging superpower”. Đã bỏ qua văn bản “accessdate” (trợ giúp)[liên kết hỏng]
- ^ New York Times - Chinese Economy Grows to 4th Largest in the World
- ^ a b c Global Firepower. “2021 Military Strength Ranking”. www.globalfirepower.com.
- ^ “'Tài sản lớn nhất của nước Mỹ' dưới thời ông Joe Biden”.
- ^ IBEF Economy Indicators
- ^ New Scientist Special Report on India
- ^ The Australian Lưu trữ 2007-03-14 tại Wayback Machine Regional Overview - Asia
- ^ Global Security India - Navy
- ^ The Trailing Edge Lưu trữ 2008-03-27 tại Wayback Machine India as a future superpower by Peter Drucker
Châu Á
- China, India Superpower? Not so Fast! Lưu trữ 2007-10-07 tại Wayback Machine
Hoa Kỳ
Sách
- Todd, Emmanuel (200X). After the Empire — The Breakdown of the American Order.
- Kennedy, Paul (1988). The Rise and Fall of the Great Powers. ISBN 0-679-72019-7.
- Belt, Don (2004). “Europe's Big Gamble”. National Geographic. tr. 54–65.
- Brzezinski, Zbigniew (1997). The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geostrategic Imperatives. New York: Basic Books. ISBN 0-465-02726-1.
- McCormick, John (2006). The European Superpower. Palgrave Macmillan.