Bước tới nội dung

Sóng ở đáy sông (phim truyền hình)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Sóng ở đáy sông
Thể loạiTâm lý xã hội
Gia đình
Định dạngPhim truyền hình
Dựa trênTiểu thuyết cùng tên của Lê Lựu
Kịch bảnLê Lựu
Lê Ngọc Minh
Đạo diễnLê Đức Tiến
Diễn viên
Dẫn chuyệnCông Lý
Nhạc phimHoàng Lương
Quốc gia Việt Nam
Ngôn ngữTiếng Việt
Tiếng Pháp
Tiếng Nga
Số tập10
Sản xuất
Giám chếNguyễn Kim Cương
Nguyễn Văn Hải
Biên tậpNguyễn Kim Cương
Vũ Đình Minh
Kỹ thuật quay phimTrần Quốc Dũng
Trần Hùng
Thời lượng83 phút/tập (không gồm quảng cáo)
Đơn vị sản xuấtĐài Truyền hình Hà Nội
Hãng phim truyện Việt Nam
Nhà phân phốiMy-Van Films
Trình chiếu
Kênh trình chiếuĐài Truyền hình Hà Nội
Phát sóng2000

Sóng ở đáy sông là nhan đề một bộ phim truyền hình do Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phối hợp Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, với đạo diễn chính Lê Đức Tiến.[1][2]

Bộ phim chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của tác giả Lê Lựu. Phim phát sóng lần đầu năm 2000 trên kênh khoa giáo của Đài Truyền hình Hà Nội.

Nội dung

[sửa | sửa mã nguồn]

Lấy bối cảnh Hải Phòng thập niên 1960, Sóng ở đáy sông xoay quanh cuộc đời Núi (Xuân Bắc) – con của người vợ lẽ sống trong một gia đình tư sản thời cũ. Từ nhỏ, Núi cùng hai em Sông (Mạnh Quân) và Biển (Phạm Minh Nguyệt) đã không được bố là Ông Đại (Duy Hậu) chấp nhận làm con và luôn tìm cách để tống khứ ra khỏi nhà. Khi chiến tranh nổ ra, lợi dụng việc di tản của thành phố, Núi và hai em bị gửi về quê ngoại. Tại đây, cậu có mối tình đầu với một người cô họ hàng xa tên Hiền (Thu Hường) và khiến cô có thai. Sau khi gia đình phát hiện sự việc, Hiền đã bỏ đi nơi khác.

Tai họa ập đến khi mẹ Núi mất, bố bỏ rơi ba anh em. Hết kế sinh nhai, Núi lớn lên trở thành kẻ cắp và phải đi tù nhiều lần, sống trong kiếp giang hồ. Sau đó, Núi gặp Mây (Kim Oanh) và làm cô có thai, nhưng cô bỏ theo tình cũ sang Trung Quốc buôn lậu. Núi gặp lại Hồng (Nguyễn Như Hiền), người bạn của Hiền sau 15 năm. Khi cả hai định nên duyên vợ chồng thì Mây mang con về. Mây đánh ghen và khiến Hồng phải bỏ đi. Được ít bữa Mây lại bỏ con đi mất. Núi lặn lội ôm con đi tìm Mây nhưng Mây nhất quyết không về. Để kiếm tiền nuôi con, Núi đành đi ăn xin, ăn cắp một thời gian rồi gửi con ở quê để lên Hà Nội buôn bán. Nhưng vì một lần ăn cắp do thiếu vốn làm ăn mà cậu bị bắt lại vào tù.

Trong thời gian Núi ở tù, Hồng có đến thăm và cho biết tin mẹ con Hiền, nhờ đó mà Núi liên lạc được với họ. Sau cùng, khi gặp lại Hiền cùng con thì Núi được cảm hóa và trở lại con đường thiện lương.[3][4]

Kĩ thuật

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Xuân Bắc trong vai Núi
  • Mạnh Quân trong vai Sông
  • Phạm Minh Nguyệt trong vai Biển
  • Duy Hậu trong vai Ông Đại - bố Núi
  • Thu Hường trong vai Hiền
  • Kim Oanh trong vai Mây
  • Quang Thiện trong vai Chồng Biển
  • Mai Hòa trong vai Bà Hiển - mẹ Núi
  • Anh Huy trong vai An
  • Quốc Khánh trong vai Hoàng Mai - nhà thơ quân đội
  • Trần Tường trong vai Giám đốc trại giam
  • Ngọc Tản trong vai Tổ trưởng khu phố
  • Thu Hiền trong vai Bà già tổ nước sôi
  • Nguyễn Thanh Hiền trong vai Hồng
  • Phạm Hồng Minh trong vai Nam
  • Đặng Thị Phương Mai trong vai Hạnh Vân
  • Minh Thu trong vai Vợ Ý
  • Bá Anh trong vai Ý
  • Trần Trung trong vai Núi (nhỏ)
  • Lê Gia Khánh trong vai Ý (nhỏ)
  • Quang Huy trong vai Sông (nhỏ)
  • Xuân Anh trong vai Biển (nhỏ)
  • Vũ Mai Hương trong vai Miên
  • Quốc Trị trong vai Đông đại bàng
  • Quang Thắng trong vai Vâu Choắt

Tập phim

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Tập 1: Những đứa con loại hai
  • Tập 2: Quê ngoại
  • Tập 3: Kẻ phạm tội
  • Tập 4: Sự may mắn muộn màng
  • Tập 5: Cùng trong một kiếp giang hồ
  • Tập 6: Tình yêu bị cướp
  • Tập 7: Của nợ
  • Tập 8: Phong trần lại gặp
  • Tập 9: Ân nhân
  • Tập 10: Ông chủ

Nhạc đề

[sửa | sửa mã nguồn]

Ca khúc chủ đề phim là hai bài: Ta là ai do nhạc sĩ Hoàng Lương phổ thơ Mạnh Đông, với ca sĩ Thúy Lan trình bày ; Hải Phòng thành phố tuổi thơ tôi do Mạnh Đông phổ thơ, do nhạc sĩ Hoàng Lương sáng tác và ca sĩ Huy Hùng thể hiện.[5] Ban giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam đảm trách hòa âm phối khí dưới sự chỉ đạo của nhạc sĩ Hoàng Lương.

Ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]

Hậu trường

[sửa | sửa mã nguồn]

Đạo diễn của bộ phim là ông Lê Đức Tiến.[6] Kịch bản phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Lê Lựu[7][8] và dựa trên câu chuyện của một tử tù có thật người Hải Phòng mà nhà văn từng gặp mặt ở trại tù Phi Liệt cuối năm 1992.[8][9] Trước đó, tiểu thuyết đã được đăng lại dài kỳ trên tờ Báo Hải Phòng, khiến nhiều người háo hức đón xem bản phim.[10]

Bộ phim là tác phẩm đầu tiên khởi đầu sự nghiệp diễn xuất của Kim Oanh, khi cô đang là sinh viên năm hai Trường Đại học Sân khấu ― Điện ảnh Hà Nội.[11] Để nhận đóng vai chính trong phim, Xuân Bắc từng được nữ diễn viên Phương Thanh âm thầm trợ giúp khi biết anh là người cùng quê.[12] Song Xuân Bắc cho biết vai chính chỉ được đạo diễn giao cho anh sau khi nam chính ban đầu bỏ quay sau 9 ngày vào đoàn.[13] Quá trình sản xuất bộ phim diễn ra trong hai năm 1998―1999 và phim phát sóng lần đầu vào năm 2000[7] trên kênh thuộc Đài Truyền hình Hà Nội.[6] Ngoài Xuân Bắc và Kim Oanh, các diễn viên còn lại đều mượn giọng người khác thông qua kĩ thuật chuyển âm. Đây là tổ hợp chuyển âm do nữ nghệ sĩ Hương Dung đảm nhiệm kể từ năm 1990, bà cũng là cựu diễn viên của Đoàn Kịch Nói Hải Phòng.[14]

Bối cảnh trong phim trải dài từ Hải Phòng sang đến Bắc GiangHà Nội. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí giao thông, các nhà làm phim đã phỏng dựng phân đoạn nhà cô Mây và phần đời đi buôn của Núi ở huyện Thủy NguyênAn Lão,[15] còn thực cảnh Hà Nội thời chiến là ở ngay trung tâm thành phố Hải Phòng. Phim cũng đánh dấu lần xuất hiện đồng thời hi hữu của hai vị trưởng Đoàn Kịch Nói Hải Phòng, đó là NSƯT Thu Hiền và NSƯT Trần Tường. Hầu hết dàn diễn viên đều xuất thân ở đoàn kịch Hải Phòng, chỉ một số ít là diễn viên của Nhà hát Kịch Trung ương ở Hà Nội. Ngay sau khi phim đóng máy, diễn viên Quang Thắng đã được nghệ sĩ Xuân Bắc mời về đoàn Hà Nội để có cơ hội thăng hoa trong sự nghiệp, nhưng anh chọn ở lại mảnh đất quê hương (mãi đến khi đoàn kịch Hải Phòng giải thể thì Quang Thắng mới theo đoàn trung ương), chỉ thi thoảng lên Hà Nội diễn xuất cho chương trình Gặp nhau cuối tuần.

Bộ phim hưởng lợi nhờ ngân sách của Chương trình chấn hưng điện ảnh cấp nhà nước, vốn được triển khai từ năm 1996 cho đến 2006.

Công luận

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhân vật Núi mà Xuân Bắc thủ diễn được coi là vai để đời của anh. Đến nay, nhiều người gặp anh ngoài phố vẫn đùa: "A thằng Núi kìa!".

Tại thời điểm phát sóng, bộ phim đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả[6] và làm nên tên tuổi của nhiều diễn viên tham gia,[6][8][16] cũng như giúp tác phẩm gốc được nhiều người tìm đọc.[9] Thậm chí, trong thời gian phim đang phát sóng, một vài người tự xưng là nguyên mẫu trong tiểu thuyết gốc đã đến tận nhà của Lê Lựu để đòi chia tiền nhuận bút.[10][17] Điểm thu hút của tác phẩm được nhận định nằm ở cách "khắc họa sâu sắc nhiều vấn đề của xã hội" và "thể hiện cuộc đời một con người với biết bao thăng trầm".[18] Phim cũng "lấy đi rất nhiều giọt nước mắt của khán giả"[6][19] và đến nhiều năm sau này, Sóng ở đáy sông vẫn xuất hiện trong danh sách những bộ phim mà giới trẻ xem.[20]

Diễn xuất của Xuân Bắc trong phim là một thành công lớn và được xem là vai diễn để đời của anh;[3][8][21] nhiều năm sau khi tác phẩm lên sóng, nhiều người vẫn gọi thân mật Xuân Bắc là "anh Núi" theo tên nhân vật trong phim.[18] Diễn viên Kim Oanh sau sự đón nhận tích cực của bộ phim đã bị "chết vai" khi phải nhận những vai phản diện và xảo quyệt trong các tác phẩm sau này.[6] Đây cũng là một trong những vai diễn thành công nhất của cô.[22] Diễn viên Duy Hậu vì khắc họa nhân vật quá đạt mà từng bị một bà già đánh lúc gặp trên đường. Nhiều người thân của ông nói rằng nhân vật ông vào vai đáng ghét đến mức "hễ bật tivi lên mà thấy mặt [...] chỉ muốn lấy guốc mà đập tan cái tivi".[23]

Báo Lao Động đã liệt kê Sóng ở đáy sông vào trong số những bộ phim truyền hình Việt từng gây sốt một thời.[24] Báo VietNamNet thì ghi nhận diễn xuất tròn vai của dàn diễn viên đã tạo nên sức hấp dẫn cho phim.[25] Tạp chí Văn nghệ Quân đội đồng quan điểm, nhận xét "kịch bản phim chặt chẽ, chân thực, xúc động, giàu tính nhân văn" cùng "khả năng nhập vai "rất ngọt"" của các diễn viên chính đã giúp bộ phim trở thành một hiện tượng của truyền hình Việt Nam những năm 2000.[9] Vào 2015, tác phẩm đã được phát lại trên kênh Phim Việt – VTVcab 2[8] và sau đó là BTV2 trong năm 2020.[26]

Phương thức chế tác Sóng ở đáy sông đã trở thành cơ sở để hình thành tổ hợp sản xuất phim truyện của Hãng Phim Hải Phòng, cơ quan được thành lập vào năm 2000. Đến năm 2014, Hãng Phim Hải Phòng (Haiphong Films, HFS) đã tái hợp Hãng Phim Truyện Việt Nam để chuyển thể hai tiểu thuyết Cây trầu khôngNhững người đàn ông đã gặp của tác giả Trần Thị Hằng thành phim truyền hình dài tập. Bộ phim rất thành công và thường được ví như Sóng ở đáy sông phần mới.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Mai Lữ (15 tháng 1 năm 2021). “Lỏng lẻo trong quản lý bản quyền phim Việt”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  2. ^ Nguyệt Hà (19 tháng 6 năm 2014). “Làm việc là một cách để cân bằng cuộc sống”. Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  3. ^ a b Hiểu Nguyệt (ngày 20 tháng 8 năm 2015). “Cuộc sống nhiều ngã rẽ của dàn diễn viên 'Sóng ở đáy sông'. Zing News. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 5 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
  4. ^ Hải Minh (8 tháng 6 năm 2020). "Sóng ở đáy sông" và những bộ phim Việt đình đám từng gây sốt một thời”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  5. ^ Xuân Thành (16 tháng 9 năm 2017). “Ai là tác giả "Hải Phòng tuổi thơ tôi"?”. Báo Khánh Hòa. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  6. ^ a b c d e f Mai Nhật (10 tháng 9 năm 2016). “Dàn diễn viên 'Sóng ở đáy sông' sau 16 năm”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  7. ^ a b Lê Công Sơn (12 tháng 6 năm 2021). 'Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng' của Lê Lựu với diện mạo mới”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  8. ^ a b c d e CN (27 tháng 9 năm 2015). “Gặp lại nghệ sĩ Xuân Bắc trong "Sóng ở đáy sông". Báo điện tử VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  9. ^ a b c Lê Thị Thủy (21 tháng 6 năm 2021). “Những nguyên mẫu "bất đắc dĩ" trong "Sóng ở đáy sông". Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  10. ^ a b Hương Lan (9 tháng 1 năm 2017). “Những chuyện khó tin về nhà văn bị kiện”. An ninh Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  11. ^ Gia Linh (27 tháng 8 năm 2024). “Dàn diễn viên 'Sóng ở đáy sông' sau hơn 20 năm”. Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 9 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  12. ^ Đỗ Quyên (1 tháng 2 năm 2016). “Ai giúp Xuân Bắc có được vai Núi trong 'Sóng ở đáy sông'?”. Tiền phong. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  13. ^ Chí Long (9 tháng 5 năm 2024). “NSND Xuân Bắc tiết lộ điều bất ngờ về vai Núi trong "Sóng ở đáy sông". Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  14. ^ Murray, N.J.; Clemens, R.S.; Phinn, S.R.; Possingham, H.P.; Fuller, R.A. (2014). “Tracking the rapid loss of tidal wetlands in the Yellow Sea” (PDF). Frontiers in Ecology and the Environment. 12 (5): 267–272. Bibcode:2014FrEE...12..267M. doi:10.1890/130260.
  15. ^ Administrator. “Hanoi – Hai Phong Expressway Project”. www.vidifi.vn.
  16. ^ Vũ Thị Sâm (21 tháng 6 năm 2014). “Nữ diễn viên Sóng ở đáy sông và những cuộc "xem mặt" cười ra nước mắt”. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  17. ^ Nguyễn Văn Thái (2002). Báo Công an nhân dân: cơ quan của Bộ công an, 1996-2000. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. tr. 482. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2022.
  18. ^ a b Đỗ Đỗ (28 tháng 6 năm 2014). “Diễn viên 'Sóng ở đáy sông' ngày ấy - bây giờ”. Tiền phong. 2Sao. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  19. ^ Tuấn Đạt (4 tháng 6 năm 2020). “3 anh em "Núi, Sông, Biển" trong "Sóng ở đáy sông" giờ ra sao?”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  20. ^ NNgân (28 tháng 7 năm 2021). “Ngày ấy - bây giờ của dàn diễn viên phim Sóng Ở Đáy Sông”. Dienanh.net. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  21. ^ Tuấn Đạt (4 tháng 6 năm 2020). “3 anh em "Núi, Sông, Biển" trong "Sóng ở đáy sông" giờ ra sao?”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  22. ^ 'Mây' của Xuân Bắc trong 'Sóng ở đáy sông' giờ ra sao?”. VTC News. 21 tháng 2 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  23. ^ Hải Minh (6 tháng 7 năm 2020). “Cuộc sống cô độc về già của diễn viên bị ghét nhất phim "Sóng ở đáy sông". Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  24. ^ Hải Minh (8 tháng 6 năm 2020). "Sóng ở đáy sông" và những bộ phim Việt đình đám từng gây sốt một thời”. Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  25. ^ Bích Ngọc (14 tháng 2 năm 2022). “Sao 'Sóng ở đáy sông': Núi công thành danh toại, Mây cô độc một mình”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.
  26. ^ “Sóng Ở Đáy Sông”. Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương. 3 tháng 9 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2024.

Liên kết

[sửa | sửa mã nguồn]