Quỳnh Lưu
Quỳnh Lưu
|
|||
---|---|---|---|
Huyện | |||
Huyện Quỳnh Lưu | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Bắc Trung Bộ | ||
Tỉnh | Nghệ An | ||
Huyện lỵ | thị trấn Cầu Giát | ||
Phân chia hành chính | 1 thị trấn, 24 xã | ||
Thành lập | 1831 | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 19°08′B 105°36′Đ / 19,13°B 105,6°Đ | |||
| |||
Diện tích | 445,1 km² | ||
Dân số (2019) | |||
Tổng cộng | 276.259 người[1] | ||
Thành thị | 9.595 người (4%) | ||
Nông thôn | 266.664 người (96%) | ||
Mật độ | 621 người/km² | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 421[2] | ||
Biển số xe | 37-L1-L2 | ||
Website | quynhluu | ||
Quỳnh Lưu là một huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía đông bắc tỉnh Nghệ An, Việt Nam.
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn]Huyện Quỳnh Lưu nằm ở phía đông bắc của tỉnh Nghệ An, huyện lỵ là thị trấn Cầu Giát, nằm cách thành phố Vinh khoảng 60 km, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp thị xã Hoàng Mai và Biển Đông
- Phía tây giáp huyện Nghĩa Đàn, huyện Tân Kỳ và thị xã Thái Hòa
- Phía nam giáp huyện Yên Thành và huyện Diễn Châu
- Phía bắc giáp thị xã Nghi Sơn và huyện Như Thanh thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Theo thống kê năm 2019, huyện Quỳnh Lưu có diện tích 445,1 km², dân số là 276.259 người, mật độ dân số đạt 621 người/km²[1]. Quỳnh Lưu là huyện đông dân nhất tỉnh Nghệ An sau thành phố Vinh. 26% dân số theo đạo Thiên Chúa.
Khí hậu
[sửa | sửa mã nguồn]Huyện Quỳnh Lưu nằm trong khu vực nhiệt đới nhưng lại ở miền biển nên thường nhận được ba luồng gió:
- Gió mùa Đông Bắc nằm sâu trong lục địa lạnh lẽo của vùng Sibia và Mông Cổ, từng đợt thổi qua Trung Quốc và vịnh Bắc Bộ tràn về, bà con gọi là gió bắc.
- Gió mùa Tây Nam ở tận vịnh Bengal tràn qua lục địa, luồn qua các dãy Trường Sơn, thổi sang mà nhân dân thường gọi là gió Lào nhưng chính là gió tây khô nóng.
- Gió mùa Đông Nam mát mẻ từ biển Đông thổi vào nhân dân gọi là gió nồm
Khí hậu ở huyện Quỳnh Lưu chia làm hai mùa rõ rệt:
- Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch. Mùa này tiết trời nóng nực, nhiệt độ trung bình 30C, có ngày lên tới 40C.
- Mùa lạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 dương lịch năm sau. Mùa này thường có gió mùa đông bắc, mưa kéo dài.
Hành chính
[sửa | sửa mã nguồn]Huyện Quỳnh Lưu có 25 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Cầu Giát (huyện lỵ) và 24 xã: An Hòa, Bình Sơn, Minh Lương, Ngọc Sơn, Phú Nghĩa, Quỳnh Bảng, Quỳnh Châu, Quỳnh Diễn, Quỳnh Đôi, Quỳnh Giang, Quỳnh Hậu, Quỳnh Lâm, Quỳnh Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Tân, Quỳnh Thạch, Quỳnh Thanh, Quỳnh Thắng, Quỳnh Văn, Quỳnh Yên, Tân Sơn, Tân Thắng, Thuận Long, Văn Hải.
Tuy một số xã thuộc miền núi và trung du như Quỳnh Châu, Quỳnh Tam, Quỳnh Thắng, nhưng phần lớn các xã nằm ở vùng đồng bằng nhỏ hẹp dọc theo biển Đông.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Quỳnh Lưu là một vùng đất cổ có cư dân sinh sống từ rất lâu đời. Bằng chứng là di chỉ văn hóa Quỳnh Văn. Ngoài Quỳnh Văn, các di chỉ cồn sò, điệp thuộc loại hình văn hoá Quỳnh Văn còn có ở một số địa phương như Quỳnh Hoa, Quỳnh Hậu, Quỳnh Xuân, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Hồng, Mai Hùng...
Niên đại văn hoá Quỳnh Văn được xác định là ít nhất ở thời kỳ đồ đá, tức là cách ngày nay khoảng 6000 năm. Cư dân nguyên thủy ở Quỳnh Lưu sinh sống thành từng bộ lạc ở vùng lõm, đồng lầy dọc bờ biển. Chính bằng lao động của mình, những chủ nhân cổ xưa trên mảnh đất Quỳnh Lưu đã "khai thiên phá thạch", vật lộn với thiên nhiên, tạo nên một kỳ tích hình thành vùng đất và hình thành cộng dân cư thời xa xưa.
Tên Quỳnh Lưu xuất hiện vào thế kỷ XV thời Nhà Lê (1430) ở cương vực từ biển Đông lên tận Quỳ Châu gồm 7 tổng phía trên (thuộc đất huyện Nghĩa Đàn hiện nay) và 4 tổng phía dưới (thuộc đất huyện Quỳnh Lưu ngày nay). Từ năm 1430 trở về trước, cương vực Quỳnh Lưu hiện nay thuộc đất Hàm Hoan (tên của vùng Nghệ Tĩnh từ thế kỷ I đến thế kỷ III).
Từ cuối thể ký III đầu thế kỷ IV, Hàm Hoan đổi tên thành Đức Châu.
Đến giữa thế kỷ VII (năm 650) thời Bắc thuộc, Nghệ Tĩnh hiện nay được gọi là Hoan Châu, rồi đến nửa cuối thể kỷ VIII (năm 764), Hoan Châu tách ra thành Hoan Châu và Diễn Châu. Diễn Châu lúc bấy giờ bao gồm các huyện ngày nay của Nghệ An như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong.
Thời nhà Lý, Diễn Châu là một châu, sau đổi thành một lộ và sau nữa đổi thành phủ, tức là một đơn vị hành chính thuộc chính quyền trung ương từ năm 1010 đến 1225, Quỳnh Lưu lúc bấy giờ nằm trong châu, lộ hoặc phủ Diễn Châu.
Đến thời Trần, vùng Hoan Châu và Diễn Châu được đổi tên là trại, sau là lộ, phủ; năm 1397, Diễn Châu được gọi là trấn với tên là Vọng Giang.
Thời nhà Hồ, trấn Vọng Giang được đổi thành phủ Linh Nguyên (nghĩa là đất linh thiêng) gồm đất Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn ngày nay.
Đến thời Lê, Diễn Châu chỉ là một phủ của Nghệ An. Phủ Diễn Châu thời kỳ này bao gồm hai huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu. Như vậy, tên "Quỳnh Lưu" lần đầu tiên xuất hiện ở thời nhà Lê với niên đại được xác định là năm 1430.
Từ mốc thời gian thành lập huyện Quỳnh Lưu trở đi tức là đến thời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thừ 12 (1831), cả nước chia thành 29 tỉnh, trong đó tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh được lập riêng. Quỳnh Lưu là đơn vị hành chính thuộc phủ Diễn Châu của tỉnh Nghệ An gồm 11 tổng. Từ năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), 7 tổng ở vùng trên được tách thành huyện Nghĩa Đường (sau đổi tên thành Nghĩa Đàn), 4 tổng còn lại (Quỳnh Lâm, Hoàng Mai, Hoàn Hậu, Thanh Viên) là huyện Quỳnh Lưu như hiện nay thuộc phủ Diễn Châu.
Đến thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, năm 1919, chính quyền thực dân phong kiến bỏ cấp phủ, Quỳnh Lưu trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh không còn là cấp dưới thuộc Diễn Châu nữa.
Sau năm 1945, một số làng phía bắc huyện Diễn Châu và huyện Yên Thành được sáp nhập vào huyện Quỳnh Lưu. Huyện Quỳnh Lưu khi đó gồm có 16 xã: Cầu Giát, Liên Hóa, Phú Nghĩa, Quỳnh Anh, Quỳnh Chi, Quỳnh Dị, Quỳnh Diễn, Quỳnh Giang, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Phú, Quỳnh Sơn, Quỳnh Tân, Quỳnh Vinh, Tam Xuân, Văn Hải, Văn Thanh.
Sau cải cách ruộng đất 1956, các xã lớn được chia thành các xã có quy mô nhỏ hơn: chia xã Văn Thanh thành hai xã lấy tên là xã Quỳnh ải và xã Quỳnh Sơn ; chia xã Quỳnh Chi thành 3 xã: Quỳnh An, Quỳnh Hoan vàQuỳnh Ngọc ; chia xã Phú Nghĩa thành hai xã lấy tên là xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy; chia xã Quỳnh Phú thành 3 xã lấy tên là xã Quỳnh Bảng, xã Quỳnh Lương và xã Quỳnh Minh; chia xã Cầu Giát thành 4 đơn vị hành chính lấy tên là thị trấn Cầu Giát, xã Quỳnh Hồng, xã Quỳnh Hậu và xã Quỳnh Thạch; chia xã Quỳnh Tân thành hai xã lấy tên là xã Quỳnh Long và xã Quỳnh Thuận; chia xã Quỳnh Anh thành 3 xã lấy tên là xã Quỳnh Đôi, xã Quỳnh Thanh và xã Quỳnh Yên; đổi tên xã Văn Hải thành xã Quỳnh Thọ; chia xã Liên Hóa thành hai xã lấy tên là xã Quỳnh Bá và xã Quỳnh Hưng; chia xãQuỳnh Giang thành 3 xã lấy tên là xã Quỳnh Giang, xã Quỳnh Lâm và xã Quỳnh Mỹ; đổi tên xã Quỳnh Sơn thành xã Quỳnh Hoa; chia xã Tam Xuân thành 3 xã lấy tên là xã Quỳnh Thắng, xã Quỳnh Châu và xã Quỳnh Tam.
Huyện Quỳnh Lưu có thị trấn Cầu Giát và 36 xã: Quỳnh An, Quỳnh Bá, Quỳnh Bảng, Quỳnh Châu, Quỳnh Diễn, Quỳnh Đôi, Quỳnh Giang, Quỳnh Hải, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hoan, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên, Quỳnh Lộc, Quỳnh Long, Quỳnh Lương, Quỳnh Mai, Quỳnh Minh, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Phương, Quỳnh Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Thạch, Quỳnh Thắng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân, Quỳnh Yên, Tiến Thủy.
Ngày 24 tháng 3 năm 1969, hợp nhất xã Quỳnh Sơn và xã Quỳnh Hải thành một xã lấy tên là xã Sơn Hải; hợp nhất xã Quỳnh An và xã Quỳnh Hoan thành một xã lấy tên là xã An Hòa; chia xã Quỳnh Dị thành hai xã lấy tên là xã Quỳnh Dị và xã Mai Hùng; chia xã Quỳnh Vinh thành hai xã lấy tên là xã Quỳnh Vinh và xã Quỳnh Trang.
Ngày 2 tháng 4 năm 1973, thành lập xã Quỳnh Tân trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các xã Quỳnh Xuân và Quỳnh Văn.[3]
Tháng 2 năm 1976, Quỳnh Lưu là huyện thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh, hợp nhất xã Quỳnh Bảng và xã Quỳnh Liên thành một xã lấy tên là xã Quỳnh Phú, hợp nhất các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu và Quỳnh Thạch thành một xã lấy tên là xã Quỳnh Sơn.
Huyện Quỳnh Lưu có thị trấn Cầu Giát và 34 xã: Quỳnh Thọ, Quỳnh Bá, Quỳnh Châu, Quỳnh Diễn, Quỳnh Đôi, Quỳnh Giang, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hưng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc, Quỳnh Long, Quỳnh Lương, Quỳnh Mai, Quỳnh Minh, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Phú, Quỳnh Phương, Quỳnh Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Thuận, Quỳnh Trang, Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân, Quỳnh Yên, An Hòa, Mai Hùng, Sơn Hải, Tiến Thủy.
Ngày 19 tháng 9 năm 1981, chia xã Quỳnh Sơn thành 3 xã: Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch; chia xã Quỳnh Mai thành 3 xã: Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị; chia xã Quỳnh Phú thành 2 xã: Quỳnh Bảng và Quỳnh Liên; chia xã Quỳnh Tam thành 2 xã: Quỳnh Tam và Tân Sơn; thành lập một xã lấy tên là xã Ngọc Sơn.[4]
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, huyện Quỳnh Lưu trở lại thuộc tỉnh Nghệ An vừa tái lập.
Ngày 10 tháng 4 năm 2002, chia xã Quỳnh Thắng thành 2 xã: Quỳnh Thắng và Tân Thắng.[5]
Ngày 21 tháng 4 năm 2006, chuyển xã Quỳnh Thiện thành thị trấn Hoàng Mai.[6]
Đến cuối năm 2012, huyện Quỳnh Lưu có 43 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 2 thị trấn: Cầu Giát (huyện lỵ), Hoàng Mai và 41 xã: Quỳnh Thọ, Quỳnh Bá, Quỳnh Bảng, Quỳnh Châu, Quỳnh Dị, Quỳnh Diễn, Quỳnh Đôi, Quỳnh Giang, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên, Quỳnh Lộc, Quỳnh Long, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Phương, Quỳnh Tam, Quỳnh Tân, Quỳnh Thạch, Quỳnh Thắng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Thuận, Quỳnh Trang, Quỳnh Văn, Quỳnh Vinh, Quỳnh Xuân, Quỳnh Yên, An Hòa, Mai Hùng, Ngọc Sơn, Sơn Hải, Tân Sơn, Tân Thắng, Tiến Thủy.
Ngày 3 tháng 4 năm 2013, tách toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Hoàng Mai và 9 xã: Mai Hùng, Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Liên, Quỳnh Xuân, Quỳnh Trang để thành lập thị xã Hoàng Mai.[7] Huyện Quỳnh Lưu còn lại 1 thị trấn và 32 xã.
Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023–2025 (nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 12 năm 2024)[8]:
- Sáp nhập xã Quỳnh Hồng và một phần các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá vào thị trấn Cầu Giát.
- Sáp nhập hai xã Quỳnh Thuận và Quỳnh Long thành xã Thuận Long.
- Sáp nhập hai xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ thành xã Văn Hải.
- Sáp nhập hai xã Tiến Thủy và Quỳnh Nghĩa thành xã Phú Nghĩa.
- Sáp nhập hai xã Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ thành xã Quỳnh Sơn.
- Sáp nhập hai xã Quỳnh Minh và Quỳnh Lương thành xã Minh Lương.
- Sáp nhập xã Quỳnh Ngọc và phần còn lại của các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá thành xã Bình Sơn.
Từ đó, huyện Quỳnh Lưu có 1 thị trấn và 24 xã như hiện nay.
Kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Với đặc điểm địa lý của huyện, người dân miền tây chủ yếu khai thác cây công nghiệp như: nhựa thông, bạch đàn, tràm… Người dân vùng đồng bằng chủ yếu là trồng lúa Người dân vùng biển thường sống bằng nghề đánh bắt cá, làm muối và trồng rau.
Ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 624/QĐ-TTg công nhận huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.[9]
Văn hóa - du lịch
[sửa | sửa mã nguồn]Di tích lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]- Đền Hồ Quý Ly ở xã Ngọc Sơn
- Di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn ở xã Quỳnh Văn
- Đền Quỳnh Tụ
- Nhà thờ họ Hồ ở xã Quỳnh Đôi
- Đình Tám Mái ở thôn Phủ Yên, xã Thuận Long
- Đình Làng Quỳnh Đôi ở xã Quỳnh Đôi
- Đền Voi ở thị trấn Cầu Giát
- Đền Chính ở xã Phú Nghĩa
- Đền Thượng ở xã Phú Nghĩa.
Huyện Quỳnh Lưu có khu du lịch Biển Quỳnh chạy dài từ xã Quỳnh Lập (nay thuộc thị xã Hoàng Mai) đến xã Phú Nghĩa với bãi cát vàng, ngoài ra còn có động Hang Dơi Quỳnh Tam.
Danh nhân
[sửa | sửa mã nguồn]Quỳnh Lưu còn là nơi phát tích của dòng họ Hồ ở Việt Nam từ thế kỷ thứ 10. Hồ Hưng Dật, người huyện Vũ Lâm, tỉnh Chiết Giang, đậu Trạng nguyên từ thời vua Ẩn Đế (948 - 995) nhà Hậu Hán, sang làm Thái thú Châu Diễn, đến hương Bào Đột (nay thuộc xã Quỳnh Lâm và xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lập nghiệp, làm trại chủ và trở thành vị tổ khai cơ họ Hồ ở Châu Diễn. Họ Hồ ở Quỳnh Lưu có các nhân vật nổi tiếng như nhà Vua Hồ Quý Ly; nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương; bảng nhãn Hồ Sĩ Dương, Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống, Hồ Phi Tích, nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Hợp, liệt sĩ cách mạng kháng chiến chống Pháp (1930-1931) nguyên Huyện ủy viên huyện ủy Quỳnh Lưu - Nghệ An,... Họ Hồ đến Yên Thành thì có Hồ Tông Thốc,... ra Thanh Hóa thì sinh ra Hồ Quý Ly,... vào Hưng Nguyên thì tạo nên dòng dõi Quang Trung nhà Tây Sơn.
Quỳnh Lưu còn là quê hương của nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng trong lịch sử như: Thám hoa Dương Cát Phủ; danh sĩ Phạm Đình Toái, Hoàng Văn Hoan...
Ngày nay có những người nổi tiếng: chính khách Hồ Đức Việt; nhà báo Hồ Anh Dũng; Trung tướng Lê Nam Phong; Trung tướng, PGS, TS, NGND Phan Đức Dư (Giám đốc Học viện An ninh nhân dân); Thiếu tướng Lê Tất Thắng, Phó Tư lệnh Quân khu 4; Giáo sư Phan Cự Đệ; Giáo sư Phan Nguyên Di; nhà văn Nguyễn Minh Châu (tác giả 'Dấu chân người lính); nhà văn Bùi Hiển; nhà thơ Tú Mỡ; nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà thơ trào phúng Dương Quân, Hoàng Nhật Tân (Hoàng Thanh Đạm) nhà nghiên cứu sử học và dịch giả, con trai Hoàng Văn Hoan, Dương Viên, nguyên Tổng thư ký hội mỹ thuật tạo hình Việt Nam. Dương Văn Lan, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; nguyên Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Dương Như Xuyên, Phó Giáo sư, tiến sĩ, nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An. Thiếu tướng, Nhạc sĩ An Thuyên, Nhạc sĩ Ánh Dương; Các anh hùng Cù Chính Lan, Phan Văn Trinh, Vũ Văn Huynh, Hoàng Hữu Nhất, Hoàng Quốc Đông, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Đình Khoa, Nguyễn Thị Minh Châu; ông Hồ Mẫu Ngoạt- Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Tổng bí thư.
Giao thông
[sửa | sửa mã nguồn]Ngoài tuyến đường sắt bắc nam chạy dọc theo chiều từ bắc xưống nam huyện, huyện này còn có tuyến đường sắt địa phương nối từ ga Cầu Giát qua ngã ba Tam Lệ, lên huyện Quỳ Hợp. Đây là một trong số rất ít các tuyến đường sắt nội tỉnh ở Việt Nam, nối đường sắt quốc gia với vùng đất đỏ Phủ Quỳ.
Ngoài Quốc lộ 1 chạy dọc theo vùng trung tâm huyện, còn có quốc lộ 48 chạy cắt qua các xã phía tây nam huyện lên thị xã Thái Hòa, huyện còn có 2 tỉnh lộ 537A và 537B nối từ quốc lộ 48 chạy về các xã ven biển tạo thành hình vòng cung. Đây cũng là địa phương có tuyến Đường cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu đi qua.
Với 3 cửa sông đổ ra biển và được nối với nhau bởi hệ thống kênh đào nhà Lê, giao thông đường thủy được nối thông suốt từ bắc xuống nam, từ tây sang đông huyện, hiện nay đã có một cảng cá ở cửa lạch Quèn phục vụ cho nghề cá rất phát triển ở đây.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số đến 01 tháng 4 năm 2019 - tỉnh Nghệ An”. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020.[liên kết hỏng]
- ^ Tổng cục Thống kê
- ^ Quyết định số 23-BT ngày 2 tháng 4 năm 1973
- ^ Quyết định số 76/HĐBT ngày 19 tháng 9 năm 1981
- ^ Nghị định số 40/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2002
- ^ Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2006
- ^ Nghị quyết số 47/NQ-CP
- ^ Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 năm 2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023–2025
- ^ baochinhphu.vn (20 tháng 5 năm 2022). “Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đạt chuẩn nông thôn mới”. Báo điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2022.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Quỳnh Lưu tại Từ điển bách khoa Việt Nam
- Làng Quỳnh Đôi: Làng văn hoá, xã anh hùng Lưu trữ 2006-09-04 tại Wayback Machine
- Về thăm “đất phát nhân tài”, viết về các nhân vật tại làng Quỳnh Đôi