Bước tới nội dung

Portland (lớp tàu tuần dương)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tàu tuần dương USS Portland (CA-33) tại Trân Châu Cảng, ngày 14 tháng 7 năm 1944
Khái quát lớp tàu
Tên gọi Lớp tàu tuần dương Portland
Xưởng đóng tàu
Bên khai thác Hoa Kỳ Hải quân Hoa Kỳ
Lớp trước Northampton
Lớp sau New Orleans
Thời gian đóng tàu 1930 - 1933
Hoàn thành 2
Bị mất 1
Nghỉ hưu 1
Đặc điểm khái quát(khi chế tạo)[1]
Kiểu tàu Tàu tuần dương hạng nặng
Trọng tải choán nước
  • 9.800 tấn Anh (10.000 t) (tiêu chuẩn);
  • 14.500 tấn Anh (14.700 t) (đầy tải)
Chiều dài
  • 610 ft 3 in (186,00 m) (chung);
  • 582 ft (177 m) (mực nước)
Sườn ngang 66 ft 1 in (20,14 m)
Mớn nước
  • 17 ft 1 in (5,21 m) (trung bình);
  • 24 ft (7,3 m) (tối đa)
Công suất lắp đặt
  • 8 × nồi hơi Yarrow;
  • công suất 107.000 shp (80.000 kW)
Động cơ đẩy
Tốc độ 32,7 kn (37,6 mph; 60,6 km/h)
Tầm xa 10.000 nmi (12.000 mi; 19.000 km) ở tốc độ 15 kn (17 mph; 28 km/h)
Sức chứa 1.600 tấn Mỹ (1.500 t) dầu đốt
Thủy thủ đoàn tối đa
  • 91 sĩ quan
  • 757 thủy thủ
Vũ khí
Bọc giáp
  • đai giáp: 3,25–5 in (83–127 mm);
  • sàn tàu: 2,5 in (64 mm);
  • tháp pháo ụ: 1,5 in (38 mm);
  • tháp pháo: 1,5–2,5 in (38–64 mm);
  • tháp chỉ huy: 1,25 in (32 mm)
Máy bay mang theo 4 × thủy phi cơ
Hệ thống phóng máy bay 2 × máy phóng máy bay

Portland là một lớp tàu tuần dương hạng nặng của Hải quân Hoa Kỳ được chế tạo vào đầu những năm 1930, bao gồm hai chiếc: Portland (CA-33)Indianapolis (CA-35).

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Portland là lớp tàu tuần dương hạng nặng thứ ba được Hải quân Hoa Kỳ chế tạo sau khi ký kết Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922. Những tàu tuần dương hiệp ước đầu tiên là hai chiếc thuộc lớp Pensacola đặt hàng vào năm 1926 đã nhấn mạnh đến hỏa lực và tốc độ bằng cách hy sinh mức độ bảo vệ. Chúng được tiếp nối bởi sáu chiếc lớp Northampton đặt hàng vào năm 1927 với vỏ giáp được cải thiện đôi chút, và áp dụng cách bố trí ba tháp pháo ba nòng vốn sẽ trở thành cấu hình tiêu chuẩn cho mọi tàu tuần dương hạng nặng Hoa Kỳ sau này. Thiết kế của Portland dựa trên cải tiến về thiết kế của cả hai lớp PensacolaNorthampton.[3]

Được đặt hàng cho Hải quân Hoa Kỳ trong năm tài chính 1930, lớp Portland ban đầu được xem là những tàu tuần dương hạng nhẹ (ký hiệu lườn CL) do chỉ có lớp vỏ giáp mỏng, nhưng được xếp lại lớp thành tàu tuần dương hạng nặng (ký hiệu lườn CA) vào ngày 1 tháng 7 năm 1931 do trang bị pháo lớn hơn 6 in (150 mm) theo quy ước của Hiệp ước Hải quân London năm 1930.[4] Thoạt tiên dự định chế tạo tám tàu tuần dương theo một thiết kế Northampton cải tiến, nhưng cuối cùng hai chiếc đã hoàn tất như lớp Portland trong khi sáu chiếc kia tiếp tục được cải tiến thành lớp New Orleans tiếp nối.[5] Ba chiếc trong lớp này, New Orleans, AstoriaMinneapolis, ban đầu được đặt hàng như lớp Portland nhưng sau đó được đặt hàng lại theo thiết kế của chiếc USS Tuscaloosa (CA-37).

Thiết kế

[sửa | sửa mã nguồn]

Lớp Portland có chiều dài ở mực nước 592 foot 0 inch (180,44 m) và chiều dài chung 610 foot 3 inch (186,00 m),[6] mạn tàu rộng 64 foot 6 inch (19,66 m) abeam,[3] với mớn nước trung bình là 21 foot 0 inch (6,40 m) và lên đến tối đa 24 foot 0 inch (7,32 m) khi đầy tải. Chúng được thiết kế với trọng lượng choán nước tiêu chuẩn 10.258 tấn Anh (10.423 t), và lên đến 12.755 tấn Anh (12.960 t) khi đầy tải.[7] Tuy nhiên trong thực tế PortlandIndianapolis chỉ đạt đến 9.800 tấn Anh (10.000 t) và 9.950 tấn Anh (10.110 t), tương ứng khi hoàn tất.[6] Chúng có hai ống khói đặc trưng nghiêng về phía sau và cột ăn-ten ba chân phía trước, một tháp nhỏ và ăn-ten dạng cột phía sau. Đến năm 1943, chúng được bổ sung một cột ăn-ten ba chân nhẹ phía trước ống khói thứ hai, và một trạm điều khiển hỏa lực dự phòng phía sau tàu.[6]

A raised warship in a drained dock surrounded by construction equipment
Portland trong ụ tàu tại Sydney, Australia vào năm 1942

Mỗi chiếc trong số turbine hơi nước hộp số Parsons của chúng dẫn động một trục chân vịt, và hơi nước được cung cấp bởi tám nồi hơi Yarrow. Hệ thống động lực này cung cấp tổng công suất 107.000 mã lực càng (80.000 kW), cho phép con tàu đạt được tốc độ thiết kế 32 hải lý trên giờ (59 km/h; 37 mph).[6] Chúng được thiết kế để có tầm hoạt động 10.000 hải lý (19.000 km; 12.000 mi) ở tốc độ đường trường 15 hải lý trên giờ (28 km/h; 17 mph).[6] Khi đi biển các con tàu bị chòng chành đáng kể cho đến khi được bổ sung những nẹp vây dưới lườn tàu.[4]

Các con tàu được trang bị dàn pháo chính gồm chín khẩu hải pháo 8 inch/55 caliber Mark 9 trên ba tháp pháo ba nòng, được phân bổ hai tháp pháo bắn thượng tầng phía trước và một phía sau. Nó được trang bị tám khẩu pháo 5 inch/25 caliber cho mục đích phòng không, và cũng có hai khẩu pháo chào QF 3 pounder Hotchkiss. Vào năm 1945, do không kích tự sát của đối phương trở thành mối đe dọa lớn, dàn hỏa lực phòng không được nâng cấp với 24 pháo phòng không Bofors 40 mm: trên Portland gồm bốn khẩu đội bốn nòng và bốn khẩu đội nòng đôi,[8] trong khi với Indianapolis là sáu khẩu đội bốn nòng.[9] Cả hai cũng được tăng cường 17 đến 19 khẩu Oerlikon 20 mm.[6] Lớp tàu này không được trang bị ống phóng ngư lôi;[10] chúng trang máy đo tầm xa Mark 8 và bộ điều khiển hỏa lực Mark 27 kèm theo máy đo tầm xa Mark VII phụ trợ.[11]

Lớp Portland nguyên được thiết kế với lớp giáp dày 1 inch (25 mm) cho sàn tàu và mặt hông, nhưng trong quá trình chế tạo lớp giáp này được tăng cường.[4] Khi hoàn tất, đai giáp của nó dày 3,25 in (83 mm) nhưng tăng lên 5 in (130 mm) tại khu vực quanh hầm đạn.[10] Vỏ giáp dày từ 2 in (51 mm) cho đến các vách ngăn dày 5,75 in (146 mm), trong khi lớp giáp cho sàn chính dày 2,5 in (64 mm). Lớp giáp cho các tháp pháo nhỏ dày 1,5 in (38 mm), cho tháp điều khiển hỏa lực là 2,5 in (64 mm) và cho tháp chỉ huy là 1,25 in (32 mm).[6]

Ngoài ra lớp Portland cũng được thiết kế nhằm phục vụ trong vai trò soái hạm cho hạm đội, với tiện nghi chỗ ở và làm việc cho vị đô đốc cùng ban tham mưu của ông. Nó được trang bị hai máy phóng máy bay phía giữa tàu,[6] và có thể mang theo tối đa bốn thủy phi cơ trong hầm chứa dành riêng. Thủy thủ đoàn đầy đủ của con tàu là 848 người trong thời bình,[7] tăng lên 952 trong thời chiến, và có thể đến 1.229 người khi nó hoạt động trong vai trò soái hạm của hạm đội.[6]

So sánh với những thiết kế tàu tuần dương trước đó

[sửa | sửa mã nguồn]

Lớp Portland dài hơn lớp Northampton khoảng 10 foot (3,0 m) và có mũi tàu được cải tiến, nhưng nói chung chúng có thiết kế tương tự như lớp Northampton, với một sàn phía trước được kéo dài để cải thiện tính năng đi biển.[7] Các cột ăn-ten được rút ngắn so với lớp Northampton để giúp giảm bớt trọng lượng bên trên.[12]

Khi hoàn tất, lớp Pensacolatrọng lượng choán nước tiêu chuẩn nhỏ hơn mong muốn chỉ với 9.000 tấn Anh (9.100 t),[3] 980 tấn Anh (1.000 t) thấp hơn mong đợi, và được xem là khiếm khuyết về mặt bảo vệ.[4] Đối với lớp Northampton tiếp theo, trọng lượng vỏ giáp bảo vệ được tăng lên 1.040 tấn Anh (1.057 t) với đai giáp dày 3 inch (76 mm).[13] Ngay cả như thế, những con tàu này chỉ có trọng lượng choán nước tiêu chuẩn từ 8.910 tấn Anh (9.050 t) đến 9.200 tấn Anh (9.300 t).[3] Trong khi lớp Portland có vỏ giáp bảo vệ tốt hơn đáng kể so với những lớp trước, vấn đề này được xem là nghiêm trọng đến mức trong năm tài chính 1929, một thiết kế hoàn toàn mới được nghiên cứu mà sau này trở thành lớp New Orleans. Nhiều lườn tàu Portland đã đặt hàng được chuyển sang thiết kế New Orleans đang khi được chế tạo.[4]

Lớp Portland cũng được thiết kế với những ý tưởng mới về vũ khí. Dàn pháo chính của chúng lần đầu tiên được thiết kế đặc biệt để bắn kiểu đầu đạn pháo mũi nhọn và có dạng suôn thẳng, vốn gia tăng về tầm bắn so với thiết kế pháo kiểu cũ. Loại đạn pháo này đã được áp dụng trên các tàu chiến của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, vốn đã vượt trội hơn về hỏa lực so với tàu tuần dương Hoa Kỳ vào lúc đó.[14] Lớp New Orleans sau này được thiết kế với những xu hướng trên cùng những bài học rút ra được, dự định tạo ra một sự cân bằng tốt hơn giữa các yếu tố bảo vệ, hỏa lực và tốc độ.[15]

Chế tạo

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm chiếc đã được đặt hàng cho năm tài chính 1930 và được chế tạo bởi ba xưởng tàu. Đến năm 1931, New Orleans, Astoria Minneapolis, với hệ thống động cơ Westinghouse, được chuyển sang thiết kế lớp New Orleans.[4][16] Portland được đặt lườn tại xưởng tàu của hãng Bethlehem SteelQuincy, Massachusetts vào ngày 17 tháng 2 năm 1930, và Indianapolis được đặt lườn tại xưởng tàu của hãng New York Shipbuilding Corporation vào ngày 31 tháng 3 năm 1930;[6][17] cả lườn tàu và hệ thống động cơ đều được cung cấp bởi xưởng tàu tương ứng.[4] Indianapolis được hạ thủy trước vào ngày 7 tháng 11 năm 1931 và nhập biên chế vào ngày 15 tháng 11 năm 1932, còn Portland được hạ thủy vào ngày 21 tháng 5 năm 1932 và nhập biên chế vào ngày 23 tháng 2 năm 1933.[6]

Lịch sử hoạt động

[sửa | sửa mã nguồn]

USS Portland (CA-33)

[sửa | sửa mã nguồn]
A large ship painted in multicolor camouflage in a harbor
Portland ngoài khơi Xưởng hải quân Mare Island, California, năm 1944

Portland là con tàu đầu tiên có mặt tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn chiếc khinh khí cầu Akron bị rơi trên biển vào năm 1933, nơi nó đã phối hợp tìm kiếm cứu nạn những người còn sống sót. Nó thực hiện một loạt các cuộc tập trận hạm đội cùng những chuyến viếng thăm thiện chí tại khu vực Thái Bình Dương. Vào đầu Thế Chiến II, nó tham gia Trận chiến biển Coral và đã cứu vớt 722 người sống sót từ chiếc tàu sân bay Lexington. Sau đó nó tiếp tục tham gia Trận Midway, rồi hỗ trợ cho việc đổ bộ Thủy quân Lục chiến trong trận Guadalcanal,[18] tiếp tục tham gia trận chiến Đông Solomons[18]trận chiến quần đảo Santa Cruz, nơi nó bị đánh trúng ba quả ngư lôi phóng từ máy bay nhưng bị tịt ngòi.[7] Trong trận Hải chiến Guadalcanal vào cuối năm 1942, Portland bị hư hại nặng do trúng một quả ngư lôi phóng từ tàu khu trục Nhật Bản,[19] buộc nó phải được sửa chữa tạm thời tại Australia và sửa chữa triệt để tại Xưởng hải quân Mare Island. [7] Cho dù bị hư hại nó vẫn gây ra thiệt hại cho đối thủ là thiết giáp hạm Hiei.[20]

Quay trở lại chiến trường sau khi được sửa chữa, Portland bắn phá Kiska trong Chiến dịch quần đảo Aleut, đóng vai trò hỗ trợ cho chiến dịch quần đảo Gilbert và Marshall, hỗ trợ các cuộc đổ bộ lên New GuineaPelelieu. Sau đó nó tham gia Trận chiến vịnh Leyte, hỗ trợ các cuộc đổ bộ lên Philippines cũng như trong trận Okinawa.[18] Nó xuất biên chế ngay sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng được giữ lại thành phần dự bị cho đến năm 1959, khi con tàu bị tháo dỡ.[21]

USS Indianapolis (CA-35)

[sửa | sửa mã nguồn]
A large, gray warship at sea
Indianapolis ngoài khơi Trân Châu Cảng, năm 1937

Indianapolis phục vụ trong vai trò soái hạm của Lực lượng Tuần tiễu 1 trong Thế Chiến II và tham gia một số chiến dịch tại mặt trận Thái Bình Dương. Nó hỗ trợ cho chiến dịch quần đảo Gilbert và Marshall cũng như các chiến dịch đổ bộ tại quần đảo Caroline, và sau đó trong các trận chiến biển Philippine, trận Iwo Jimatrận Okinawa. [22]

Vào giữa năm 1945, Indianapolis làm một nhiệm vụ đặc biệt khi vận chuyển đến Tinian các bộ phận của Little BoyFat Man, hai quả bom nguyên tử sẽ được ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nó lên đường đi Philippines mà không được hộ tống và đã bị tàu ngầm Nhật I-58 phóng ngư lôi đánh chìm vào ngày 30 tháng 7, 1945. Ước lượng có 900 trong tổng số 1197 thành viên thủy thủ đoàn sống sót ngay sau khi bị đắm, nhưng tín hiệu cầu cứu của nó đã không được đáp trả; và do một loạt những sai sót và hiểu nhầm, mãi đến ngày 2 tháng 8 những người sống sót mới được máy bay tuần tra phát hiện. Chỉ có 316 người sống sót trong số 320 được vớt lên, trong đó có hạm trưởng, Đại tá Hải quân Charles Butler McVay III; nhiều người đã bị giết bởi cá mập.[23]

Đại tá McVay bị đưa ra tòa án binh và bị kết án có lỗi khiến con tàu của mình bị đánh chìm, tuy nhiên bản án được Thủy sư Đô đốc Chester Nimitz ân xá. McVay nghỉ hưu với quân hàm Chuẩn đô đốc năm 1949, nhưng đã tự sát năm 1968 khi gia đình nhiều người tử nạn tiếp tục cho rằng ông có lỗi trong sự kiện này.[22][24] Sau nhiều nỗ lực của những thành viên còn sống sót, Quốc hội Hoa KỳTổng thống Bill Clinton ra nghị quyết miễn trừ mọi trách nhiệm cùa McVay vào ngày 30 tháng 10 năm 2000.[25]

Những chiếc trong lớp

[sửa | sửa mã nguồn]
Tàu Đặt lườn Hạ thủy Nhập biên chế Số phận
Portland (CA-33)[26] 17 tháng 2 năm 1930 21 tháng 5 năm 1932 23 tháng 2 năm 1933 Xuất biên chế 12 tháng 7 năm 1946; bán để tháo dỡ 6 tháng 10 năm 1959
Indianapolis (CA-35)[23] 31 tháng 3 năm 1930 7 tháng 11 năm 1931 15 tháng 11 năm 1932 Bị tàu ngầm Nhật I-58 đánh chìm ngày 30 tháng 7 năm 1945

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “Ships' Data, U. S. Naval Vessels”. US Naval Department. 1 tháng 7 năm 1935. tr. 16–23, 338. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2015.
  2. ^ Rickard, John (19 tháng 12 năm 2014). “USS Portland (CA-33)”. Historyofwar.org. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2015.
  3. ^ a b c d Bauer & Roberts 1991, tr. 136.
  4. ^ a b c d e f g Bauer & Roberts 1991, tr. 138.
  5. ^ Silverstone 2007, tr. 29.
  6. ^ a b c d e f g h i j k Silverstone 2007, tr. 32.
  7. ^ a b c d e Miller 2001, tr. 292.
  8. ^ Rickard, John (19 tháng 12 năm 2014). “USS Portland (CA-33)”. Historyofwar.org. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2015.
  9. ^ Rickard, John (19 tháng 12 năm 2014). “USS Indianapolis (CA-35)”. Historyofwar.org. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2015.
  10. ^ a b Stille 2009, tr. 30.
  11. ^ Baker 2008, tr. 200.
  12. ^ Stille 2009, tr. 29.
  13. ^ Stille 2009, tr. 28.
  14. ^ Hixon 2003, tr. 24.
  15. ^ Stille 2009, tr. 32.
  16. ^ Stille 2009, tr. 12.
  17. ^ Morrison 2001, tr. 35.
  18. ^ a b c Kearns & Morris 1998, tr. 334.
  19. ^ Baker 2008, tr. 306.
  20. ^ Baker 2008, tr. 216.
  21. ^ Kearns & Morris 1998, tr. 335.
  22. ^ a b Kearns & Morris 1998, tr. 188.
  23. ^ a b Naval Historical Center. Indianapolis II (CA-35). Dictionary of American Naval Fighting Ships. Navy Department, Naval History and Heritage Command. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2021.
  24. ^ Miller 2001, tr. 293.
  25. ^ Stout, David. “Captain, Once a Scapegoat, Is Absolved”. nytimes.com. NYTCo. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2017.
  26. ^ Naval Historical Center. Portland I (CA-33). Dictionary of American Naval Fighting Ships. Navy Department, Naval History and Heritage Command. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2021.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]