Phản bội (phim)
Phản bội
| |
---|---|
Đạo diễn | Trần Văn Thủy |
Kịch bản | Trần Văn Thủy |
Hãng sản xuất | |
Phát hành | FAFIM Việt Nam[1] |
Công chiếu | 1980 |
Thời lượng | 90 phút |
Quốc gia | Việt Nam |
Ngôn ngữ | tiếng Việt |
Phản bội là một bộ phim tài liệu Việt Nam sản xuất bởi Xí nghiệp Tài liệu và Khoa học Trung ương, do Trần Văn Thủy làm biên kịch và đạo diễn. Phim công chiếu lần đầu vào năm 1980, nói về sự kiện Chiến tranh biên giới Việt–Trung.
Nội dung
[sửa | sửa mã nguồn]Phim hướng trọng tâm vào việc phỏng vấn các tù nhân chiến tranh Trung Quốc và xen lẫn vào đó những tư liệu phản bác, thủ pháp điện ảnh để nêu bật lên sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam.[2][3]
Sản xuất
[sửa | sửa mã nguồn]Tháng 9 năm 1977, Trần Văn Thủy từ Liên Xô du học trở về làm việc tại Xí nghiệp Tài liệu và Khoa học Trung ương.[4][5] Quãng thời gian 1978–1979 đang diễn ra sự kiện Trung Quốc gây hấn với Việt Nam tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.[6][7] Trong khi các đồng nghiệp khác còn đang mải làm phim về những vấn đề văn học, xây dựng cầu Bắc Luân, ông đã nhận thức được tình hình chiến tranh cận kề[7] và thúc giục chủ xưởng phim là Lý Thái Bảo làm một bộ phim về xung đột tại biên giới. Lý Thái Bảo sau đó đặt vấn đề với cấp trên kèm đi thực địa rồi về báo với Trần Văn Thủy, giao luôn cho ông Thủy trọng trách thực hiện tác phẩm dù mới vào đơn vị chưa lâu.[8][5]
Trong quá trình thực hiện Phản bội, ông đã may mắn có được sự hỗ trợ từ nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch. Bộ trưởng đã cung cấp cho đạo diễn các tài liệu quan trọng liên quan đến tình hình biên giới Việt Nam–Trung Quốc và mối quan hệ giữa hai nước. Trần Văn Thủy sớm bắt tay vào nghiên cứu những tài liệu có trong tay và bắt đầu hình thành đề cương phim.[6]
Trần Văn Thủy là đạo diễn của bộ phim[5][9] còn quay phim là Phạm Quang Phúc, em rể ông.[10][11] Phim được bấm máy từ đầu năm 1979 và hoàn thành vào 1980. Đoàn quay phim đã trực tiếp đến những điểm giao tranh ở biên giới để ghi lại thước phim tư liệu gốc.[12] Những cuộc phỏng vấn đươc ghi âm đồng bộ của các tù binh chiến tranh người Trung Quốc là điểm nhấn chính trong cấu trúc bộ phim. Phim cũng đi kèm với đoạn trích tư liệu để phản bác lại lập luận của các tù binh này.[11] Một số tư liệu phim của Liên Xô đã xuất hiện trong cuốn phim.[13]
Kiểm duyệt và công chiếu
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi bộ phim hoàn thành, ban giám đốc xưởng phim Tài liệu Trung ương vẫn chưa đưa ra một quyết định gì cụ thể. Đến cuối cùng, Bộ Văn hóa – Thông tin mời Nguyễn Cơ Thạch và những chuyên gia từ Bộ Ngoại giao xem và duyệt phim. Trong lần chiếu này, ông đã khen tác phẩm là "hấp dẫn" và nhờ đó Phản bội được phát hành rộng rãi ra công chúng Việt Nam vào năm 1980.[6]
Bên cạnh chiếu cho khán giả nội địa, phim cũng từng được đem đi chiếu tại một số liên hoan phim quốc tế khác nhau, trong đó có Liên hoan phim Á-Phi-Mỹ La tinh tổ chức ở Liên Xô, Liên hoan phim tài liệu quốc tế Leipzig, Đức (DOK Leipzig ) và Liên hoan phim quốc tế Tashkent.[14][13][5]
Tiếp nhận
[sửa | sửa mã nguồn]Thời điểm mới ra mắt, Phản bội đã được công chúng Việt Nam hào hứng đón nhận vì tinh thần phim phù hợp với thái độ chung của người dân về vấn đề chủ quyền biên giới. Bộ phim sở hữu thời lượng được xem là dài nhất thời điểm đó,[10] khoảng 9 cuốn tương đương với 90 phút,[a] nhưng đã thành công khiến người xem bất ngờ không chỉ ở tính hấp dẫn toát ra từ nội dung mà còn về độ chính xác của những thông tin và vấn đề được đặt ra bởi tác giả.[7] Viết trong cuốn Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam xuất bản năm 1983, nhà biên kịch Bành Bảo đã ghi nhận bộ phim khi đánh dấu bước tiến mới trong việc áp dụng thành tựu kỹ thuật phim tài liệu và vô tuyến truyền hình vào điện ảnh chính luận Việt Nam, cũng như bước tiến mới về mặt phát triển ngôn ngữ nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam.[11]
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến về mặt hình thức thể hiện của bộ phim, cho rằng Phản bội "bắt chước cách làm phim" của Phi công mặc quần áo ngủ – loạt phim tài liệu dài 4 tập của hai đạo diễn Đông Đức Walter Heynowski và Gerhard Scheumann . Dù vậy hai đạo diễn đã cùng thống nhất chung một quan điểm sau khi xem xong bộ phim:[6]
“ | Phản bội không hề bắt chước thủ pháp của Phi công mặc quần áo ngủ. Phản bội có cách làm rất thích hợp với đề tài, hơn nữa, tôi muốn nói một điều quan trọng rằng thủ pháp không phải là tài sản của riêng ai | ” |
— Walter Heynowski, Gerhard Scheumann |
Giải thưởng
[sửa | sửa mã nguồn]Không lâu sau vào 1980, Phản bội cùng hai tác phẩm khác của Bùi Đình Hạc Đường về Tổ Quốc và Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin đã đoạt giải Bông sen vàng hạng mục Phim tài liệu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 ở Hà Nội, phá vỡ thông lệ chỉ một giải được trao cho mỗi hạng mục.[1][6] Phim cũng đem về cho Trần Văn Thủy giải Đạo diễn xuất sắc đầu tiên trong sự nghiệp của ông.[13] Tuy nhiên vào hôm trao giải, do ông bận đi công tác ở nước ngoài một người bạn đã lên bục nhận thay.[6] Cũng đến năm 1981, phim đã được trao Giải thưởng của Ủy ban bảo vệ hòa bình Liên Xô tại Liên hoan phim quốc tế Moskva.[16]
Năm | Giải thưởng | Hạng mục | Đề cử | Kết quả | Tham khảo |
---|---|---|---|---|---|
1980 | Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 | Phim tài liệu | Phản bội | Bông sen vàng | [17][18] |
Đạo diễn xuất sắc | Trần Văn Thủy | Đoạt giải | [13][19] | ||
1981 | Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ 12 | Giải thưởng Ủy ban bảo vệ hòa bình | Phản bội | Bằng khen | [16][20] |
Di sản
[sửa | sửa mã nguồn]Cho đến nhiều năm sau khi ra mắt, bộ phim vẫn được coi là phim tài liệu hấp dẫn nhất của lịch sử phim tài liệu chính luận trong nước.[19] Thậm chí, đã có những đề nghị cho chiếu lại tác phẩm trong khoảng thời gian leo thang tranh chấp vùng biển giữa Trung Quốc và Việt Nam.[21] Tuy nhiên sau khi chiến tranh kết thúc, các bản phim của Phản bội sớm đã "biến mất", hoàn toàn không thể tìm thấy tại bất cứ đâu. Ngay bản thân tác giả cuốn phim là Trần Văn Thủy cũng cho biết không thể xem lại tác phẩm.[13] Chính quyền Việt Nam bị cáo buộc đã "giấu nhẹm [phim]" đi vì nguyên do chính trị.[13][22]
Vào năm 2021, đạo diễn Trần Văn Thủy nộp hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt VI về Văn học Nghệ thuật với 6 tác phẩm, trong đó có Phản bội.[23] Tuy nhiên, ông đã không thông qua sự chấp thuận của hội đồng xét duyệt vì không tích đủ 80% số phiếu tán thành từ các thành viên.[b][25][26] Kết quả sau khi công bố đã gây nên vô số trong cãi từ người trong nghề cho đến dư luận.[27][28] Đạo diễn Trần Văn Thủy đã tiết lộ một bức thư từ nhà quay phim Nguyễn Lương Đức gửi đến Bộ Văn hóa Việt Nam, cáo buộc phim Phản bội lấy y nguyên bản gốc của phim Liên Xô và chỉ lồng tiếng thuyết minh vào. Đây được cho là lý do chính khiến ông bị thất cử, và theo blogger Anh Ba Sàm việc tác phẩm vốn nói về chiến tranh biên giới có thể khiến việc nhà nước trao giải cho ông nhờ tác phẩm này sẽ bị phía Trung Quốc phản đối.[13]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b “Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V - Năm 1980”. lienhoanphim.bvhttdl.gov.vn. Liên hoan phim Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ Nhiều tác giả 2007, tr. 556.
- ^ Wilson & Ronov 2020, tr. 387.
- ^ Trần Trọng Đăng Đàn 2010a, tr. 585.
- ^ a b c d Văn Thọ 2003, tr. 114.
- ^ a b c d e f Trần Văn Thủy; Kim Anh (6 tháng 12 năm 2011). “Gương mặt LHPVN: NSND Trần Văn Thủy”. Thế giới Điện ảnh. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ a b c H.Hường; Mỹ Hòa; Lan Hương; H.Vũ; H.Phan (17 tháng 2 năm 2016). “Chiến tranh Biên giới 1979: Không thể quên lãng”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ Việt Lan (10 tháng 5 năm 2013). “Tình người thuở trước khác xa bây giờ”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2023.
- ^ Nguyễn Thị Hồng Ngát 2005, tr. 32.
- ^ a b Trần Văn Thủy & Lê Thanh Dũng 2013, tr. 153.
- ^ a b c Bành Bảo 1983, tr. 87.
- ^ “Vì sao phim chống Tàu của Trần Văn Thủy bị cấm chiếu?”. Báo Đất Việt. 17 tháng 2 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ a b c d e f g Anh Ba Sàm (16 tháng 2 năm 2023). “Phim "Phản bội" của đạo diễn Trần Văn Thủy: Lại thêm một "án oan"?”. Đài Á Châu Tự Do. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ Trần Văn Thủy & Lê Thanh Dũng 2013, tr. 232.
- ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam 2001, tr. 59.
- ^ a b Nhiều tác giả 1983, tr. 107.
- ^ Nguyễn Thị Hồng Ngát 2005, tr. 32, 617.
- ^ Minh Hà (15 tháng 5 năm 2013). “Trần Văn Thủy kể Chuyện tử tế”. Công an Thành phố Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ a b Bích Vân; Trần Thanh Giang; Nguyễn Đình Toán (18 tháng 7 năm 2014). “Đạo diễn Trần Văn Thủy - những thước phim, những cuộc đời”. Báo ảnh Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ Trịnh Mai Diễm và đồng nghiệp 1983, tr. 56.
- ^ “Gặp gỡ Đạo diễn Trần Văn Thuỷ: "Chuyện tử tế" - Hành trình 30 năm”. mcschools.edu.vn. Trường Marie Curie Hà Nội. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ Trọng Thành (10 tháng 7 năm 2013). “Tạp chí xã hội - Chuyện nghề của Thủy: Phỏng vấn đạo diễn Chuyện tử tế”. Đài phát thanh quốc tế Pháp. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ M.Sơn (4 tháng 12 năm 2020). “NSND Trần Văn Thủy được đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Đại Đoàn Kết. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ P.V (30 tháng 11 năm 2020). “Kết quả: Xét tặng 'Giải thưởng Hồ Chí Minh', 'Giải thưởng Nhà nước' về văn học, nghệ thuật năm 2021(điện ảnh, phim truyền hình)”. Thế giới Điện ảnh. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2023.
- ^ Hà Tùng Long (9 tháng 7 năm 2021). “NSND Trần Văn Thuỷ nói gì khi bị trượt giải thưởng Hồ Chí Minh?”. Dân Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ Trinh Nguyễn (7 tháng 7 năm 2021). “Giới điện ảnh xót xa NSND Trần Văn Thủy trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ Mỹ Anh (7 tháng 7 năm 2021). “Lý do NSND Trần Văn Thuỷ bị loại khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- ^ An An (8 tháng 7 năm 2021). “Giải thưởng trong tay ai?”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
Nguồn
[sửa | sửa mã nguồn]- Trần Trọng Đăng Đàn (2010a). Điện ảnh Việt Nam, Tập 1: Lịch sử - tác phẩm - nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1975. Điện ảnh Việt Nam: Lịch sử, tác phẩm, nghệ sĩ, Lý luận, phê bình, nghiên cứu. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. ISBN 9786045800201. OCLC 1023455622. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- Nhiều tác giả (2007). Hành trình nghiên cứu điện ảnh Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. OCLC 989966481. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- Nguyễn Thị Hồng Ngát (2005). Lịch sử điện ảnh Việt Nam, tập 2. Cục Điện ảnh. OCLC 53129383. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- Bành Bảo (1983). Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam: sơ thảo. Cục Điện ảnh. OCLC 22641634. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam (2001). Danh mục phim tài liệu Việt Nam 1979 - 1984. Hà Nội: Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam. OCLC 664520720.
- Trần Văn Thủy; Lê Thanh Dũng (2013). Chuyện nghề của Thủy. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Hội nhà văn. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- Văn Thọ (2003). Người đương thời. Hà Nội: Nhà xuất bản Thông tấn. OCLC 1115063847. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- Nhiều tác giả (1983). “30 năm điện ảnh Việt”. Nghiên cứu Nghệ thuật (48–52). ISSN 0866-8655. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- Wilson, Dean; Ronov, Michael (2020). “Tran Van Thuy's Story of Kindness: Spirituality and Political Discourse”. A Companion to Contemporary Documentary Film [Đồng hành với phim tài liệu đương đại]. John Wiley & Sons. ISBN 9781119685661. OCLC 890793050. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.
- Trịnh Mai Diễm; Trung Sơn; Lê Quốc; Bành Bảo; Ngô Mạnh Lân (1983). 30 năm nghệ thuật điện ảnh Việt Nam. Hà Nội: Viện Tư liệu phim Việt Nam. OCLC 64045260. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.