Bước tới nội dung

Phạm Nhữ Dực (nhà thơ)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phạm Nhữ Dực
范汝翊
Tên chữMạnh Thần
Tên hiệuBảo Khê
Thông tin cá nhân
Sinh
Nơi sinh
Thái Bình
Giới tínhnam
Nghề nghiệpnhà thơ, giáo viên
Quốc tịchĐại Ngu
Thời kỳNhà Hồ, Bắc thuộc lần 4

Phạm Nhữ Dực (chữ Hán: 范汝翊), tự Mạnh Thần, hiệu Bảo Khê, là nhà thơ, nhà giáo trong khoảng thời Hồ đến thời thuộc Minh trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Nhữ Dực là người làng Đa Dực, nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Năm sinh, năm sinh đều chưa rõ, chỉ biết ông sống cùng thời với Nguyễn Phi Khanh, và đã đỗ thi Hương.

Đời Hồ Quý Ly (1400), ông làm Giáo thụ huyện Tân An (có lẽ là Tân Yên, nay là Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh)[1].

Năm 1406, lấy cớ "Phù Trần diệt Hồ", vua nhà Minh (Trung Quốc) sai quân sang đánh nước Việt. Khi ấy, Phạm Nhữ Dực phải bỏ vào núi lánh nạn.

Thời kỳ thuộc Minh (tức thời Bắc thuộc lần 4), ông được cử làm Huấn đạo.

Phạm Nhữ Dực mất năm nào không rõ.

Hiện còn 61 bài thơ chữ Hán của ông được chép trong Toàn Việt thi lục.

Nhận xét

[sửa | sửa mã nguồn]

Giáo thụ là chức quan lo về việc học, ít bổng lộc, nên cả đời Phạm Nhữ Dực rất nghèo. Mặc dù vậy, ông vẫn sống trong sạch, thường say mê đọc sách, chứ không chạy theo danh lợi.

Về thơ ông, đặc điểm nổi bật nhất đó là chất tự sự, ký sự và hiện thực. Tuy nhiên, hiện thực trong thơ ông chật hẹp, không phản ánh được những vấn đề lớn của thời đại trong lúc đất nước bị quân Minh giày xéo [1]. Giới thiệu một bài:

Phiên âm Hán-Việt:
Dư nhiếp Tân An quận giáo, chu tam duyệt tuế thủy tập thảo đường, tài tất công nhi ngộ binh tiển, cảm cựu ngẫu thành
Nhiếp giáo tam niên quan xá vô,
Dân gia khách phố bão kiều cư.
Minh luân đường vũ kinh doanh thủy,
Dạ tức mao đình phác trác sơ.
Vị cập bán sàng thinh dạ vũ,
Khả liên nhất cự cánh yên khư.
Không dư đề vịnh thi thiên tại,
Cảm cựu linh nhân phú Tử Hư.
Dịch nghĩa:
Tôi làm giáo thụ quận Tân An, tròn ba năm mới dựng một nhà tranh, vừa làm xong thì gặp nạn binh lửa, ngẫu nhiên làm thơ
Ba năm làm chức giáo thụ không có nhà công,
Ở nhờ nhà dân, phố khách [2], quá nhiều rồi.
Việc làm ngôi nhà chính sáng sủa mới đang trù tính,
Nhà tranh nhỏ nghỉ đêm vừa tạm làm xong.
Chưa kịp nằm qua một chốc để nghe tiếng mưa rơi,
Thương thay, một mồi lửa đã thành tro khói.
Chỉ còn lại những bài thơ đề vịnh,
Khiến cho người ta cảm vì việc cũ mà ngâm bài phú Tử Hư [3].

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Phạm Tú Châu, mục từ "Phạm Nhữ Dực" in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học thế kỷ X-XV, mục: "Phạm Nhữ Dực". Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2004.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Theo Phạm Tú Châu, tr. 1362.
  2. ^ Phố khách là phố của người Hoa kiều.
  3. ^ Phú Tư Hư của Tư Mã Tương Như, là người ở Thành Đô đời nhà Hán (Trung Quốc).