Bước tới nội dung

Phước Long (huyện)

9°24′B 105°24′Đ / 9,4°B 105,4°Đ / 9.4; 105.4
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Phước Long, Bạc Liêu)
Phước Long
Huyện
Huyện Phước Long
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
TỉnhBạc Liêu
Huyện lỵThị trấn Phước Long
Trụ sở UBNDĐường Nguyễn Minh Thành, ấp Hành Chính, thị trấn Phước Long
Phân chia hành chính1 thị trấn, 7 xã
Thành lập
  • 20/05/1920: thành lập
  • 16/10/2000: tái lập
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDPhạm Thanh Hải
Chủ tịch HĐNDLê Văn Năm
Chủ tịch UBMTTQTrần Thanh Khôi
Chánh án TANDHồng Văn Bào
Viện trưởng VKSNDTrần Quốc Tuấn
Bí thư Huyện ủyNguyễn Chí Thiện
Địa lý
Tọa độ: 9°24′B 105°24′Đ / 9,4°B 105,4°Đ / 9.4; 105.4
MapBản đồ huyện Phước Long
Phước Long trên bản đồ Việt Nam
Phước Long
Phước Long
Vị trí huyện Phước Long trên bản đồ Việt Nam
Diện tích417,92 km²[1]
Dân số (31/12/2022)
Tổng cộng147.885 người[1]
Mật độ353 người/km²
Dân tộcKinh, Hoa, Khmer
Khác
Mã hành chính957[2]
Mã bưu chính96xxxx
Mã điện thoại291
Biển số xe94-E1-AH
Websitephuoclong.baclieu.gov.vn

Phước Long là một huyện nằm ở phía bắc tỉnh Bạc Liêu, Việt Nam.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Phước Long nằm ở phía bắc tỉnh Bạc Liêu, có vị trí địa lý:

Địa hình, địa mạo

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhìn chung tương đối bằng phẳng, bề mặt bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, nằm ở độ cao phổ biến từ trên dưới 0,8m so với mực nước biển, độ dốc trung bình từ 1–1,5cm/km, có xu hướng thấp dần từ Tây Bắc xuống Tây Nam. Địa hình của huyện thuận lợi cho việc tận dụng thủy triều đưa nước mặn vào nội đồng phục vụ nuôi trồng thủy sản, song cũng tạo thành những vùng trũng cục bộ đọng nước chua phèn gây trở ngại cho canh tác. Ngoài ra, còn gây khó khăn cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn.[3]

Khí hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Phước Long nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ít bão, quanh năm nóng ẩm, với những đặc trưng chủ yếu sau:

  • Chế độ nhiệt: nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26,6°C, thường tháng 4 là tháng có nhiệt độ cao nhất khoảng 27,3°C, tháng 1 thấp nhất khoảng 24,5°C.
  • Chế độ mưa: một năm phân ra 2 mùa rõ rệt; mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.800mm, tập trung chủ yếu vào mùa mưa (chiếm 90% tổng lượng mưa).
  • Chế độ ẩm: cao và ổn định, ít biến đổi qua các năm, bình quân cả năm khoảng 80 – 85%, thấp nhất vào mùa khô, cao nhất vào mùa mưa.
  • Chế độ nắng: số giờ nắng trong năm khá cao, khoảng 2.227 giờ/năm. Với những đặc điểm khí hậu như trên tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thủy sản đa canh và thâm canh có hiệu quả cao. Tuy nhiên, vào mùa mưa phải tốn một khoản chi phí khá lớn để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho khâu phơi sấy, tồn trữ và bảo quản nông sản.[3]

Thủy văn

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Phước Long có tuyến kênh tạo nguồn Quản Lộ – Phụng Hiệp, là tuyến quan trọng cả về lưu thông đường thủy lẫn cấp thoát nước cho hoạt động sản xuất. Đặc biệt, có hệ thống ranh phân chia mặn – ngọt nên sản xuất trên địa bàn được chia thành hai tiểu vùng. Cụ thể:

  • Tiểu vùng mặn: gồm các xã Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B, Phước Long, một phần xã Vĩnh Phú Tây (Phía Tây kênh Ông Âu, Chủ Đống) và một phần thị trấn Phước Long (phía Bắc kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp). Khu vực này chịu ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều biển Đông và một phần nhật triều của biển Tây qua các trục kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp, Kênh Cộng Hòa và chịu ảnh hưởng mặn qua sự điều tiết bởi các cống dọc theo Quốc lộ 1 (Cống Chủ Chí, Nọc Nạn, Giá Rai). Đây là tiểu vùng có thể phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản nước lợ và mô hình sản xuất tôm – lúa kết hợp.
  • Tiểu vùng giữ ngọt ổn định: bao gồm phần còn lại của huyện, được ngăn mặn triệt để và nhận nguồn nước ngọt từ sông Hậu thông qua tuyến kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp. Khu vực này có điều kiện thuận lợi cho canh tác lúa,màu, lúa – màu và nuôi trồng thủy sản nước ngọt.[3]

Tài nguyên đất

[sửa | sửa mã nguồn]

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phước Long có 3 nhóm đất chính là đất mặn, đất phèn và đất nhân tác. Trong đó:

  • Nhóm đất mặn: bao gồm đất mặn ít mùa khô và đất mặn ít mùa khô có tầng loang lổ đỏ vàng với diện tích khoảng 7.434,63 ha, chiếm 17,79% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung chủ yếu ở các xã Hưng Phú, Vĩnh Thanh, Vĩnh Phú Đông. Nhóm đất này có hàm lượng dinh dưỡng cao, chỉ bị nhiễm mặn vào mùa khô trong thời gian ngắn nên xét về khả năng sử dụng thì thích hợp đối với canh tác lúa, rau màu các loại.
  • Nhóm đất phèn: bao gồm đất phèn tiềm tàng, đất phèn hoạt động, đất phèn hoạt động bị thủy phân với diện tích khoảng 31.454,83 ha, chiếm 75,27% tổng diện tích tự nhiên, phân bố tập trung chủ yếu ở các xã Phong Thạnh Tây B, Phong Thạnh Tây A, Phước Long, Vĩnh Phú Tây và thị trấn Phước Long. Loại đất này hình thành do quá trình xâm nhập mặn thường xuyên nên bị hạn chế bởi yếu tố chua phèn hoặc chịu đồng thời cả yếu tố phèn và yếu tố mặn, do đó gây bất lợi cho sản xuất và canh tác. Vì vậy, khi sử dụng và cải tạo nhóm đất này cần hết sức chú ý việc hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi kể trên. Nhóm đất này thích hợp cho trồng các loại cây ngắn ngày và có tính chịu phèn như khóm, mía,... và thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nước lợ.
  • Nhóm đất nhân tác: với diện tích 2.476,33 ha, chiếm 5,93% tổng diện tích tự nhiên, hình thành do có sự tác động của con người, nhóm đất này phân bố tập trung dọc theo các tuyến kênh rạch, các trục lộ giao thông lớn, các cụm, tuyến dân cư tập trung. Đất nhân tác bao gồm đất thổ cư, đất xây dựng, một số loại đất chuyên dùng khác,... không dùng cho sản xuất nông nghiệp. Các loại đất này bị tác động với lớp phủ thổ nhưỡng khá dày khoảng 150cm. Đất nhân tác do tác động từ hoạt động sản xuất nông nghiệp bao gồm đất lên líp trồng màu, lập vườn,... chỉ chịu tác động trong khoảng 50 – 100cm tính từ mặt đất.

Ngoài ra, đất sông, kênh, rạch có diện tích 425,97 ha, chiếm 1,02% diện tích tự nhiên, phân đều trên địa bàn huyện.[3]

Tài nguyên nước

[sửa | sửa mã nguồn]

Nước mặt: rất dồi dào do được cung cấp từ nước mưa và hệ thống sông, kênh, rạch khá dày đặc trên địa bàn, đặc biệt là nguồn nước từ sông Hậu thông qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Nguồn nước chủ yếu phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Nước dưới đất: được phân bố khá rộng, nước ngọt phân bố chủ yếu ở các tầng chứa nước Pleistoxen, Plioxen, Mioxen ở độ sâu 80 – 500m, chất lượng khá tốt chủ yếu phục vụ cho mục đích sinh hoạt của nhân dân, một số nơi chưa đến 50m đã có nước dưới đất nên rất thuận lợi cho việc khai thác sử dụng.[3]

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Phước Long có 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Phước Long (huyện lỵ) và 7 xã: Hưng Phú, Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B, Phước Long, Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây, Vĩnh Thanh.

Bản đồ hành chính huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc huyện Phước Long
Tên Diện tích năm 2022 (km²) Dân số năm 2022 (người) Mật độ (người/km²) Hành chính Năm thành lập Loại đô thị Năm công nhận
Thị trấn (1)
Phước Long 49,48 24.584 496 11 ấp 1979 Loại V 2021
Xã (7)
Hưng Phú 37,93 17.178 452 9 ấp 1990
Phong Thạnh Tây A 55,97 13.223 236 6 ấp 2003
Phong Thạnh Tây B 61,31 14.852 242 7 ấp 2003 Loại V 2022
Phước Long 75,50 19.320 255 9 ấp 1987 Loại V 2021
Vĩnh Phú Đông 48,63 21.846 449 11 ấp 1990
Vĩnh Phú Tây 51,72 18.072 349 11 ấp 1990
Vĩnh Thanh 37,37 18.810 503 14 ấp 1979
Đề án số 02/ĐA-UBND về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Bạc Liêu[1]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc địa danh Phước Long

[sửa | sửa mã nguồn]

Ban đầu, địa danh Phước Long chỉ là tên một làng thuộc tỉnh Rạch Giá. Sau này, thực dân Pháp thành lập quận và đặt tên là quận Phước Long do lấy theo tên gọi làng Phước Long vốn là nơi đặt quận lỵ.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời Pháp thuộc

[sửa | sửa mã nguồn]

Quận Phước Long thuộc tỉnh Rạch Giá được thực dân Pháp thành lập vào ngày 20 tháng 5 năm 1920, gồm có hai tổng: Thanh Bình và Thanh Yên với tổng cộng 14 làng. Quận lỵ đặt tại làng Phước Long.

Ngày 24 tháng 11 năm 1925, quận Phước Long nhận thêm tổng Thanh Biên từ quận Gò Quao chuyển sang.

Ngày 1 tháng 1 năm 1936, thực dân Pháp lập đại lý hành chánh An Biên thuộc tỉnh Rạch Giá, trụ sở đặt tại chợ Thứ Ba, gồm 1 tổng có tên là Thanh Biên trên cơ sở tách đất từ quận Phước Long trước đó.

Ngày 1 tháng 8 năm 1939, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định về việc nâng lên thành quận An Biên, đặt dưới quyền một quan chức người Pháp.

Năm 1947, quận Phước Long được chính quyền thực dân Pháp giao cho tỉnh Bạc Liêu. Cũng trong năm này, chính quyền kháng chiến của lực lượng Việt Minh quyết định đổi tên huyện Phước Long thành huyện Hồng Dân, ban đầu thuộc tỉnh Rạch Giá, do lấy theo tên người chiến sĩ cộng sản Trần Hồng Dân (1916–1946) đã hy sinh tại địa phương trước đó.

Năm 1952, huyện Hồng Dân được giao cho tỉnh Bạc Liêu.

Tháng 10 năm 1954, huyện Hồng Dân trở lại thuộc tỉnh Rạch Giá.

Tuy nhiên, chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và sau đó là Việt Nam Cộng hòa không công nhận tên gọi Hồng Dân mà thay vào đó, vẫn sử dụng tên gọi quận Phước Long như cũ cho đến năm 1975.

Giai đoạn 19541975

[sửa | sửa mã nguồn]

Việt Nam Cộng hòa

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 15 tháng 2 năm 1955, Thủ hiến Nam Việt của chính quyền Quốc gia Việt Nam (tiền thân của Việt Nam Cộng hòa) quyết định tạm sáp nhập vùng Chắc Băng và quận An Biên thuộc tỉnh Rạch Giá vào tỉnh Sóc Trăng. Ngày 24 tháng 5 năm 1955, quyết định sáp nhập ba quận An Biên, Phước Long và Chắc Băng để thành lập đặc khu An Phước thuộc tỉnh Sóc Trăng, nhưng không lâu sau lại cho giải thể đặc khu này.

Sau năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa về việc giải thể đặc khu An Phước để tái lập quận Phước Long thuộc tỉnh Ba Xuyên.

Năm 1958, quận Phước Long gồm 2 tổng với 9 xã:

  • Tổng Thanh Bình có 5 xã: Phước Long, Vĩnh Phú, Ninh Hòa, Ninh Quới, Vĩnh Hưng
  • Tổng Thanh Yên có 4 xã: Phong Thạnh Tây, Ninh Thạnh Lợi, Lộc Ninh, Vĩnh Lộc.

Ngày 24 tháng 12 năm 1961, quận Phước Long được giao về cho tỉnh Chương Thiện mới được thành lập. Đồng thời, lập mới xã Vĩnh Tân thuộc quận Phước Long do tách đất từ hai xã Vĩnh Quới và Tân Long cùng thuộc quận Thạnh Trị, tỉnh Ba Xuyên trước đó. Ngoài ra, xã Vĩnh Hưng và xã Vĩnh Phú, nguyên thuộc quận Phước Long lúc đó cũng được sáp nhập vào quận Giá Rai thuộc tỉnh Ba Xuyên. Riêng địa phận xã Vĩnh Phú được nhập thêm một phần đất của xã Ninh Quới nằm về phía nam kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Quận Phước Long khi đó gồm 2 tổng với 8 xã:

  • Tổng Thanh Bình gồm 4 xã: Phước Long, Ninh Hòa, Ninh Quới, Vĩnh Tân
  • Tổng Thanh Yên gồm 4 xã: Phong Thạnh Tây, Ninh Thạnh Lợi, Vĩnh Lộc, Lộc Ninh.

Ngày 18 tháng 4 năm 1963, một phần đất của quận Phước Long được tách ra và hợp với một phần đất của quận Long Mỹ để thành lập thêm quận mới có tên là quận Kiên Thiện. Quận lỵ quận Kiên Thiện đặt tại Ngan Dừa, về mặt hành chánh lúc bấy giờ ấp Ngan Dừa thuộc xã Vĩnh Lộc. Đồng thời, xã Vĩnh Phú thuộc quận Giá Rai, tỉnh Ba Xuyên được sáp nhập trở lại vào quận Phước Long, tỉnh Chương Thiện. Bên cạnh đó, lại giao xã Vĩnh Tân về cho tổng Thanh Tuyền, quận Long Mỹ. Phân chia hành chánh quận Phước Long và quận Kiên Thiện năm 1963:

  • Quận Phước Long gồm 2 tổng với 4 xã:
    • Tổng Thanh Bình gồm 2 xã: Phước Long, Vĩnh Phú
    • Tổng Thanh Yên gồm 2 xã: Phong Thạnh Tây, Ninh Thạnh Lợi.
  • Quận Kiên Thiện gồm 2 tổng với 7 xã:
    • Tổng Thiện Hạnh gồm 4 xã: Lộc Ninh, Ninh Hòa, Ninh Quới, Vĩnh Lộc
    • Tổng Trạch Thiện gồm 3 xã: Lương Tâm, Vĩnh Viễn, Xà Phiên.

Ngày 8 tháng 9 năm 1964, Thủ tướng chính quyền mới của Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh số 254-NV về việc quy định kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1964 tái lập tỉnh Bạc Liêu. Quận Phước Long trở lại thuộc tỉnh Bạc Liêu, riêng quận Kiên Thiện vẫn thuộc tỉnh Chương Thiện cho đến năm 1975. Sau năm 1965, cấp tổng bị giải thể, các xã trực thuộc quận.

Chính quyền Cách mạng

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong giai đoạn 19561975, địa bàn quận Phước Long của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn chính là huyện Hồng Dân của chính quyền Cách mạng. Tháng 10 năm 1957, do tỉnh Bạc Liêu bị giải thể, huyện Hồng Dân thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Tháng 11 năm 1973, Khu uỷ Tây Nam Bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, khi đó huyện Hồng Dân lại thuộc tỉnh Bạc Liêu cho đến năm 1976.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ đã giải thể quận Phước Long, đồng thời vẫn duy trì huyện Hồng Dân thuộc tỉnh Bạc Liêu cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).

Từ năm 1976 đến nay

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 2 năm 1976, Hồng Dân trở thành huyện thuộc tỉnh Minh Hải.

Ngày 25 tháng 7 năm 1979, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 275-CP[4] về việc:

  • Chia xã Vĩnh Phú Đông thành 4 xã: Vĩnh Phú Đông, Đông Phú, Hưng Phú và Đông Nam.
  • Chia xã Vĩnh Phú Tây thành 3 xã: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hồng và Vĩnh Tiến.
  • Chia xã Phước Long thành xã Phước Long và xã Phước Tây.
  • Chia xã Phong Thạnh Tây thành 3 xã: Phong Dân, Phong Hòa và Phong Hiệp.
  • Thành lập thị trấn Phước Long – huyện lỵ của huyện Phước Long.

Ngày 17 tháng 5 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 75-HĐBT[5] về việc sáp nhập huyện Phước Long vào huyện Hồng Dân.

Huyện Hồng Dân gồm có 24 xã: Vĩnh Lộc, Vĩnh Hiếu, Ninh Thuận, Ninh Thạnh Lợi, Ninh Lợi, Lộc Ninh A, Lộc Ninh B, Vĩnh Trung, Ninh Hoà, Hoà Lợi, Ninh Quới A, Ninh Quới B, Phong Dân, Phong Hoà, Phong Hiệp, Phước Tây, Phước Long, Vĩnh Hồng, Vĩnh Tiến, Vĩnh Thành, Vĩnh Phú Đông, Đông Phú, Đông Nam, Hưng Phú và 2 thị trấn: Phước Long, Ngan Dừa. Huyện lỵ đóng tại thị trấn Phước Long.

Ngày 14 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 33B-HĐBT[6] về việc:

  • Giải thể xã Phước Tây để sáp nhập vào xã Phước Long và xã Phong Hiệp.
  • Tách một phần diện tích và dân số của xã Phước Long để sáp nhập vào xã Hòa Lợi.
  • Tách một phần diện tích và dân số của xã Phước Tây để sáp nhập vào xã Phong Hiệp.
  • Tách một phần diện tích và dân số của xã Vĩnh Hồng để sáp nhập vào xã Vĩnh Tiến.
  • Tách một phần diện tích và dân số của xã Vĩnh Tiến để sáp nhập vào xã Phong Hòa.

Ngày 9 tháng 11 năm 1990, Ban Tổ chức Chính phủ ban hành Quyết định số 483/QĐ-TCCP[7] về việc:

  • Sáp nhập xã Đông Phú và xã Đông Nam vào xã Vĩnh Phú Đông.
  • Thành lập xã Phong Thạnh Nam trên cơ sở 3 xã: Phong Hòa, Phong Hiệp và Phong Dân.
  • Thành lập xã Vĩnh Phú Tây trên cơ sở xã Vĩnh Hồng và xã Vĩnh Tiến.

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội ban hành Nghị quyết[8] về việc chia tỉnh Minh Hải thành tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Khi đó, huyện Hồng Dân trực thuộc tỉnh Bạc Liêu.

Cuối năm 1999, huyện Hồng Dân có 2 thị trấn: Ngan Dừa, Phước Long và 12 xã: Hưng Phú, Lộc Ninh, Ninh Hòa, Ninh Quới, Ninh Quới A, Ninh Thạnh Lợi, Phong Thạnh Nam, Phước Long, Vĩnh Lộc, Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây, Vĩnh Thanh.

Ngày 25 tháng 9 năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2000/NĐ-CP (nghị định có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2000)[9] về việc thành lập huyện Phước Long trên cơ sở 40.482 ha diện tích tự nhiên và 101.322 nhân khẩu của huyện Hồng Dân.

Huyện Phước Long có 40.482 ha diện tích tự nhiên và 101.322 nhân khẩu; có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 6 xã: Phong Thạnh Nam, Phước Long, Vĩnh Phú Tây, Vĩnh Thanh, Vĩnh Phú Đông, Hưng Phú và thị trấn Phước Long.

Ngày 24 tháng 12 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 166/2003/NĐ-CP[10] về việc chia xã Phong Thạnh Nam thành xã Phong Thạnh Tây A và xã Phong Thạnh Tây B:

  • Xã Phong Thạnh Tây A có 5.664 ha diện tích tự nhiên và 9.436 nhân khẩu.
  • Xã Phong Thạnh Tây B có 5.907 ha diện tích tự nhiên và 9.192 nhân khẩu.

Huyện Phước Long có 1 thị trấn và 7 xã như hiện nay.

Kinh tế - xã hội

[sửa | sửa mã nguồn]

Giai đoạn 2016–2020, tình hình kinh tế của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, sản xuất từng bước phát triển theo chiều sâu, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quy mô ngày càng mở rộng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản từ 45% (năm 2015) xuống còn 39,91% (năm 2020), tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 24% (năm 2015) lên 25,02% (năm 2020), thương mại - dịch vụ tăng từ 31% (năm 2015) lên 35,07% (năm 2020).[3]

Nông, lâm nghiệp – thủy sản

[sửa | sửa mã nguồn]

Phước Long có đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình khá đặc biệt, với hai tiểu vùng mặn - ngọt, đã hình thành nền sản xuất nông nghiệp lâu đời, có nhiều mô hình sản xuất kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Tiểu vùng mặn phát triển sản xuất tôm, lúa; tiểu vùng ngọt trồng lúa, màu và nuôi thủy sản. Trong những năm qua, nhờ nỗ lực cao huyện đã có bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, phát huy được tiềm năng, lợi thế. Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản (giá hiện hành) đạt 6.721,99 tỷ đồng, tăng 1.913,58 tỷ đồng so với năm 2015. Cụ thể:

  • Trồng trọt:
    • Cây lúa: diện tích gieo trồng năm 2020 là 47.065 ha, tăng 8.867 ha so với năm 2011; sản lượng tăng từ 201.300 tấn (năm 2011) lên 296.390 tấn năm 2020.
    • Hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày: diện tích giảm qua các năm, đến năm 2020 đạt 557 ha giảm 1.099 ha so với năm 2011, tổng sản lượng đạt 4.531 tấn, giảm 6.394 tấn so với năm 2011.
    • Cây lâu năm: năm 2020, diện tích đất trồng cây lâu năm vẫn giữ vững khoảng 1.440 ha, tăng 158 ha so với năm 2011; tổng sản lượng đạt 7.940 tấn, tăng 1.868 tấn so với năm 2011.
  • Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu vẫn là ở quy mô hộ gia đình, phân tán, nhỏ lẻ, nên số lượng không ổn định. Năm 2020, tổng đàn gia súc 31.437 con, giảm 22.717 con so với năm 2011 và đàn gia cầm là 667.990 con tăng 153.990 so với năm 2011.
  • Thủy sản: Trong thời gian qua, nhìn chung nuôi trồng thủy sản trên địa bàn khá phát triển. Năm 2020, tổng diện tích nuôi đạt 22.477 ha, tăng 4.077 ha so với năm 2011.[3]

Công nghiệp – xây dựng

[sửa | sửa mã nguồn]

Khu vực công nghiệp – xây dựng, trong những năm qua đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện thể hiện trên nhiều mặt như tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn, tạo ra sự thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, tác động tích cực đối với các ngành nông nghiệp và dịch vụ,.... Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng (giá hiện hành) đạt 4.107,34 tỷ đồng, tăng 1.842,40 tỷ đồng so với năm 2015. Do đó, đã thể hiện được vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.[3]

Thương mại – dịch vụ

[sửa | sửa mã nguồn]

Hoạt động thương mại, dịch vụ của huyện có chuyển biến tích cực; các hoạt động kinh doanh, mua bán phát triển rộng đến tận vùng nông thôn sâu; hệ thống chợ từng bước đầu tư và mở rộng; chất lượng, số lượng hàng hóa dồi dào, nhiều chủng loại và đa dạng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Giai đoạn 2016–2020, xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng và đi vào hoạt động ổn định chợ nhà lồng xã Phong Thạnh Tây A, diện tích 144 m². Nâng cấp, mở rộng chợ Phó Sinh (xã Phước Long), sửa chữa nhà lồng chợ TT. Phước Long, chợ Trưởng Tòa (xã Vĩnh Thanh), chợ Rọc Lá (xã Hưng Phú) và chợ Chủ Chí (xã Phong Thạnh Tây B). Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 5.898,72 tỷ đồng, tăng 1.902,73 tỷ đồng so với năm 2015, và có 7.155 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, hoạt động ổn định.[3]

Giáo dục

Trong những năm qua, công tác giáo dục và đào tạo của huyện luôn được quan tâm đầu tư phát triển, vì vậy chất lượng dạy và học được nâng lên đáng kể, tỷ lệ trẻ em đến lớp, tỷ lệ học sinh khá giỏi và tốt nghiệp các cấp học đạt cao. Năm 2020, hiện trạng về trường lớp, giáo viên, học sinh như sau:

  • Mầm non: có 15 trường với 127 lớp, 253 giáo viên và 3.644 học sinh. Trung bình 29 học sinh/lớp và 14 trẻ/giáo viên.
  • Tiểu học: có 18 trường, với 342 lớp, 423 giáo viên và 11.045 học sinh. Trung bình 32 học sinh/lớp và 26 học sinh/giáo viên.
  • Trung học cơ sở: có 8 trường, với 176 lớp, 363 giáo viên và 6.859 học sinh. Trung bình 38 học sinh/lớp và 18 học sinh/giáo viên.
  • Trung học phổ thông: có 2 trường, với 53 lớp, 94 giáo viên và 2.323 học sinh. Trung bình có 44 học sinh/lớp và 25 học sinh/giáo viên.[3]
Y tế

Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân luôn được quan tâm thực hiện tốt. Các chương trình y tế quốc gia, công tác truyền thông dân số triển khai đạt kết quả cao. Công tác y tế dự phòng gắn với khám và điều trị về chất lượng, hiệu quả được nâng lên đáng kể, tập trung mọi nguồn lực thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Toàn huyện có 1 Trung tâm y tế huyện; 8/8 xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn và các tổ y tế ở tất cả các ấp. Nhìn chung, mạng lưới y tế đã được hình thành và phát triển rộng khắp, trang thiết bị ngày càng được tăng cường nên đã góp phần nâng cao hiệu quả khám và chữa bệnh ở các tuyến cơ sở.

Lực lượng cán bộ, công chức ngành Y tế ngày càng được đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Hiện có 88 bác sĩ; 45 dược sĩ và cao đẳng, trung cấp; 82 y sĩ, 74 điều dưỡng và 59 hộ sinh, kỹ thuật viên Y. Tỷ lệ bác sĩ hiện có là 7 bác sĩ/vạn dân.[3]

Lịch sử phát triển dân số của huyện Phước Long qua các năm
NămSố dân±%
2000 101.322—    
2010 119.301+17.7%
2014 121.613+1.9%
2015 122.031+0.3%
2016 122.342+0.3%
2017 122.666+0.3%
NămSố dân±%
2018 122.962+0.2%
2019 124.405+1.2%
2020 125.015+0.5%
1/11/2021 125.186+0.1%
2022 126.432+1.0%
31/12/2022147.885+17.0%
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bạc Liêu

Huyện Phước Long có diện tích tự nhiên là 417,84 km², dân số năm 2016 là 122.342 người, trong đó: dân tộc Kinh có 118.169 người chiếm 96,59%, dân tộc Hoa 250 người chiếm 0,20%, dân tộc Khmer 4.065 người chiếm 3,32%, dân tộc khác 20 người chiếm 0,02%.

Dân số năm 2018 là 122.962 người, mật độ dân số 294 người/km². Trong đó, dân số sống ở thành thị là 21.034 người chiếm tỉ lệ 17,12% và dân số sống ở nông thôn là 101.928 người chiếm tỉ lệ 82,88%.

Theo thống kê năm 2019, huyện Phước Long có diện tích 417,84 km², dân số là 124.405 người, mật độ dân số đạt 298 người/km².[11][12]

Năm 2020, dân số toàn huyện Phước Long là 125.015 người, trong đó, dân số thành thị là 21.473 người chiếm 17,18%, dân số nông thôn là 103.542 người chiếm 82,82%.[13]

Theo thống kê ngày 1 tháng 11 năm 2021, dân số huyện Phước Long là 125.186 người, trong đó dân số thành thị là 21.273 người (16,99%), dân số nông thôn là 103.913 người (84,01%).[14]

Cuối năm 2021, dân số của huyện Phước Long ước khoảng 125.628 người, trong đó, khu vực thành thị 21.578 người, chiếm 17,18%; khu vực nông thôn 104.049 người, chiếm 82,82%.[15]

Huyện Phước Long có diện tích 417,91 km², dân số năm 2022 là 126.432 người, trong đó, khu vực thành thị 21.693 người, chiếm 17,16%; khu vực nông thôn 104.739 người, chiếm 82,84%.[16]

Huyện Phước Long có diện tích 417,92 km², dân số quy đổi tính đến ngày 31/12/2022 là 147.885 người,[1] mật độ dân số đạt 353 người/km².

Huyện Phước Long có 1 trung tâm văn hoá huyện, 7/7 xã đều có nhà văn hóa và 70 nhà văn hóa – khu thể thao ấp. Năm qua, song song với việc tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, huyện còn tập trung vào việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, xây dựng và đẩy mạnh các phong trào văn hóa. Đến nay, toàn huyện duy trì giữ vững 7/7 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và thị trấn Phước Long đạt chuẩn văn minh đô thị; 78/78 ấp duy trì danh hiệu đạt chuẩn văn hóa 3 năm liền; công nhận 3.321 hộ gia đình văn hóa và 28.753 hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 95,22%.[3]

Huyện Phước Long có 4 khu du lịch sinh thái (vườn) tổng diện tích 9 ha, trong đó:

  • Thị trấn Phước Long: 1 vườn với 2 ha toạ lạc tại ấp Long Hòa.
  • Xã Vĩnh Phú Tây: 2 vườn với 4 ha toạ lạc tại ấp Bình Hổ.
  • Xã Phong Thạnh Tây A: 1 vườn với 3 ha toạ lạc tại ấp 8B có các loài chim sinh sống chủ yếu là: Cò, Vạc, Diệc, Còng Cọc và Cò Quắm.

Các di tích lịch sử - văn hóa:

  • Đền thờ Trần Quang Diệu: Tọa lạc tại ấp 1, xã Phong Thạnh Tây A. UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng là di tích Lịch sử cấp tỉnh năm 2000.
  • Chùa Cosđon (Chùa monisereysophol cosdon): Là chùa Phật giáo Theravada (Nam Tông) Khmer Việt Nam. Tọa lạc tại ấp Bình Bảo, xã Vĩnh Phú Tây.
  • Bia Chiến Thắng Mỹ Trinh: Là bia tưởng niệm chiến thắng trận đánh Đại đội 915 (năm 1972) tại ấp Mỹ Trinh, xã Hưng Phú.
  • Chùa Đìa Muồng (Chùa Sê-Rây Vong-Sa Chey-Ya-Ram): Tọa lạc tại ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông được xây dựng năm 1956.

Giao thông

[sửa | sửa mã nguồn]

Giao thông đường bộ

[sửa | sửa mã nguồn]

Trên địa bàn huyện, mạng lưới giao thông bộ phát triển khá nhanh, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đạt cao, nhất là các tuyến quan trọng. Cụ thể, như sau:

  • Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, đoạn qua huyện dài khoảng 32 km, là tuyến giao thông bộ tiêu biểu nhất của huyện.
  • Đường tỉnh: có 4 tuyến là đường tỉnh 978, 979, 980 và 981 với tổng chiều dài khoảng 48 km. Tất cả đều được thảm nhựa nên rất thuận lợi cho nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
  • Đường huyện: có các tuyến đường cấp V hoặc cấp VI đồng bằng, chiều rộng mặt đường từ 2m đến 3,5m đủ cho 1 làn xe, thường bị ngập nước vào mùa mưa, tải trọng cầu thuộc các tuyến đường này không lớn (khoảng 5-10 tấn) hoặc chưa có cầu mà chỉ có bến đò. Do đó, khả năng khai thác còn hạn chế, không ổn định và bị giới hạn về tải trọng vận chuyển.
  • Đường giao thông nông thôn: có khoảng 221,5 km đường trục ấp, xóm; 269,8 km đường ngõ xóm và 92,5 km đường trục chính nội đồng với mặt đường đã cứng hóa nên đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa của nhân dân trên địa bàn.

Giao thông đường thủy

[sửa | sửa mã nguồn]

Trên địa bàn huyện có các tuyến chính như: Quản Lộ – Phụng Hiệp, Hòa Bình, Phước Long – Cầu Số 2, Vĩnh Phong, Phó Sinh – Giá Rai, Chủ Chí – Chợ Hội cùng nhiều tuyến vừa và nhỏ khác nên đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của nhân dân.[3]

Danh nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Kết nghĩa

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d N.Kim Yến (20 tháng 8 năm 2024). “Đề án số 02/ĐA-UBND về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Bạc Liêu”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Bạc Liêu. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2024.
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ a b c d e f g h i j k l m “Báo cáo thuyết minh tổng hợp Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Phước long”. Cổng thông tin điện tử huyện Phước Long. 4 tháng 1 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2022.
  4. ^ “Quyết định số 275-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Minh Hải”. Thư viện pháp luật. 25 tháng 7 năm 1979.
  5. ^ “Quyết định số 75-HĐBT năm 1984 về việc phân vạch địa giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Minh Hải”. Thư viện Pháp luật. 17 tháng 5 năm 1984.
  6. ^ “Quyết định số 33B-HĐBT năm 1987 về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường, thị trấn của các thị xã Bạc Liêu, Cà Mau và các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân, Thới Bình, Trần Văn Thời thuộc tỉnh Minh Hải”. Thư viện pháp luật. 14 tháng 2 năm 1987.
  7. ^ Quyết định số 483/QĐ-TCCP về việc điều chỉnh địa giới một số xã thuộc các huyện Hồng Dân và Vĩnh Lợi, tỉnh Minh Hải.
  8. ^ “Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh”. 6 tháng 11 năm 1996. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  9. ^ “Nghị định số 51/2000/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hồng Dân để thành lập huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu”. 25 tháng 9 năm 2000. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  10. ^ “Nghị định số 166/2003/NĐ-CP về việc thành lập xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu” (PDF). 24 tháng 12 năm 2003. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2021.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  11. ^ Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương (7 tháng 12 năm 2020). “Dân số cấp xã đến 01 tháng 4 năm 2019 - tỉnh Bạc Liêu”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2020.
  12. ^ Cục thống kê tỉnh Bạc Liêu. “Niên giám thống kê tỉnh Bạc Liêu năm 2019” (PDF). Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2020.
  13. ^ “Niên giám Thống kê năm 2020 tỉnh Bạc Liêu” (PDF). Cục thống kê tỉnh Bạc Liêu. 30 tháng 6 năm 2021.
  14. ^ “Báo cáo kết quả sơ bộ tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2022–2025: Họp với các Sở, ngành có liên quan để nghe báo cáo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo”. Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu. 21 tháng 11 năm 2021. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021.
  15. ^ “Báo cáo thuyết minh tổng hợp: Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Phước Long – tỉnh Bạc Liêu”. Cổng thông tin điện tử huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. 7 tháng 2 năm 2022. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2022.
  16. ^ “Báo cáo thuyết minh tổng hợp kế hoạch sử dụng đất năm 2023 huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu”. Cổng thông tin điện tử huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. 14 tháng 6 năm 2023. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2023.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]