Bước tới nội dung

Pháo đài Pinewood

22°16′40″B 114°08′09″Đ / 22,277744°B 114,135771°Đ / 22.277744; 114.135771
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Pháo đài Pinewood
Tên địa phương:
tiếng Trung: 松林炮台
Toàn cảnh pháo đài Pinewood
Vị tríTrung Tây, Hồng Kông
Tọa độ22°16′40″B 114°08′09″Đ / 22,277744°B 114,135771°Đ / 22.277744; 114.135771
Độ cao (so với mực nước biển)307 mét (1.007 ft)
Xây dựng1901–1905
Mục đích ban đầuPhòng thủ bờ biển
Mục đích hiện tạiĐịa điểm du lịch
Cơ quan quản lýThự Dịch vụ Văn hóa và Giải trí
Chủ sở hữuChính phủ Hồng Kông
Năm sự kiện1941
Sự kiện quan trọngPháo đài thất thủ
Ngày nhận danh hiệu18 tháng 12 năm 2009
Số hồ sơ tham khảo386
Pháo đài Pinewood trên bản đồ Hồng Kông
Pháo đài Pinewood
Vị trí Pháo đài Pinewood tại Hồng Kông
Pháo đài Pinewood
Tên tiếng Trung
Tiếng Trung松林炮台
Nghĩa đenPháo đài rừng thông
Tên tiếng Việt
Tiếng ViệtTùng Lâm pháo đài
Tên tiếng Anh
tiếng AnhPinewood Battery

Pháo đài Pinewood (tiếng Trung: 松林炮台; Hán-Việt: Tùng Lâm pháo đài; tiếng Anh: Pinewood Battery) là một địa điểm quân sự lịch sử được xây dựng từ năm 1901 đến năm 1905. Nằm ở độ cao 307 mét (1.007 ft) so với mực nước biển, pháo đài Pinewood là công trình phòng thủ pháo binh cao nhất trong số các công sự ven biển ở Hồng Kông.[1][2][3] Với sự ra đời của khí tài không lực sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pinewood đã được chuyển đổi thành một pháo đài phòng không. Nhiều tòa nhà và boongke được xây dựng xung quanh công sự. Trong Trận Hồng kông vào tháng 12 năm 1941, pháo đài bị Hoàng quân Nhật Bản không, pháo kích nặng nề. Cả pháo đài cuối cùng nhận lệnh rút lui. Công sự bị bỏ hoang sau đó.[1][2][4] Năm 1998, Pinewood cùng một số địa điểm khác được quy hoạch vào Vườn thôn dã Long Hổ Sơn. Năm 2009, công trình được công nhận là di tích lịch sử cấp II.[5]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1898, quân đội Anh đồn trú tại Hồng Kông đề xuất thành lập một pháo đài tại khu Long Hổ Sơn, phía tây bắc đảo Hồng Kông, với mục đích ban đầu là củng cố khả năng phòng thủ phía tây cảng Victoria cũng như ngăn chặn PhápNga xâm lược thuộc địa. Công việc xây dựng pháo đài bắt đầu vào năm 1901 và hoàn thành vào năm 1905.[1] Chi phí xây dựng khoảng 9.579 bảng Anh vào thời điểm đó. Hai khẩu Mark 7 6 inch được lắp đặt, mỗi khẩu có thể bắn một quả đạn pháo nặng 100 pound trong phạm vi bảy dặm. Năm 1913, hai khẩu pháo bị tháo dỡ, sau khi Hồng Kông lo ngại về chi phí cao cho việc duy trì hệ thống phòng thủ ven biển của Hồng Kông. Năm 1920, chính phủ cho mở rộng công sự. Pinewood được chuyển đổi thành pháo đài phòng không cùng năm, hai khẩu pháo phòng không Mark 1 3 inch cũng được lắp đặt.[3]

Công sự liên tục bị Nhật không kích trong suốt trận Hồng Kông năm 1941. Ngày 15 tháng 12 năm 1941, Tập đoàn quân không quân 23 của Nhật Bản tiến hành các cuộc tấn công trên diện rộng đảo Hồng Kông. Pháo đài Pinewood – lúc ấy đang có Phòng không doanh 17 thuộc Trung đoàn pháo binh 5, Pháo binh Hoàng gia Anh trấn thủ – bị công phá, hư hại nghiêm trọng.[6] Cuộc đột kích khiến một người chết và một người bị thương. Một khẩu súng phòng không và cơ sở khác bị tàn phá. Chỉ huy quân phòng thủ quyết định bỏ pháo đài, tất cả binh lính được lệnh rút lui ngay trong ngày hôm đó.[7]

Bảo tồn và hiện tại

[sửa | sửa mã nguồn]

Pháo đài Pinewood là một trong những địa điểm quân sự hiếm hoi ở vùng nông thôn vẫn còn nguyên vẹn.[4] Năm 1998, chính phủ Hồng Kông thành lập Vườn thôn dã Long Hổ Sơn, công trình là một địa điểm thuộc công viên. Pinewood còn là một phần của đường mòn di sản quận Trung Tây. Năm 2009, các công trình quân sự tại đây được phân loại là di tích lịch sử cấp II. Địa điểm và các tòa nhà do Thự Dịch vụ Văn hóa và Giải trí quản lý, Thự Kiến trúc có trách nhiệm bảo trì công trình.[3]

Khu vực này đã được chuyển đổi thành một địa điểm dã ngoại.[1] Pháo đài Pinewood tương đối dễ tham quan và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Biển hiệu cũng được dựng lên, giúp cho du khách hiểu hơn ý nghĩa và lịch sử của pháo đài. Với môi trường tuyệt vời, pháo đài trở thành một điểm cho các trận đánh giả. Để công trình không bị hư hại, Cục Quản lý công viên biển và công viên thôn dã của AFCD đã cho dựng một biển cảnh báo với nội dung "Bất kỳ ai mang bất kỳ loại súng, súng hơi và thiết bị ném bom nào vào khu vực này mà không có sự cho phép của nhà chức trách đều có thể bị truy tố". Tuy nhiên, nhiều viên đạn BB bằng nhựa vẫn được tìm thấy tại đây dù chính quyền đã cấm trò chơi chiến tranh.[3]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d “Pinewood Battery Heritage Trail” (bằng tiếng Anh). Chính phủ Hồng Kông. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2020.
  2. ^ a b “Pinewood Battery - Central and Western Heritage Trail”. Văn phòng Cổ vật và Di tích (bằng tiếng Anh). Chính phủ Hồng Kông. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2020.
  3. ^ a b c d “Brief Information on Proposed Grade II Items. Item #386” (PDF) (bằng tiếng Anh). Chính phủ Hồng Kông. tr. 281–284. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 2 năm 2013. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2021.
  4. ^ a b Nhan Minh Huy (顏銘輝) (ngày 19 tháng 9 năm 2019). “【行山】海防博物館辦軍事遺址考察團 邀公眾了解松林炮台歷史” (bằng tiếng Trung). Hk01. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2021.
  5. ^ “List of the 1,444 Historic Buildings with Assessment Results” (PDF) (bằng tiếng Anh). Chính phủ Hồng Kông. tr. 15. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 18 tháng 6 năm 2018. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2020.
  6. ^ “Antiquities and Monuments Office - Pinewood Battery” (bằng tiếng Anh). Văn phòng Cổ vật và Di tích. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2021.
  7. ^ “Lung Fu Shan Country Park” (bằng tiếng Anh). Chính phủ Hồng Kông. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2021.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]