Bước tới nội dung

Lãnh địa Giáo hoàng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Papal States)
Quốc gia Giáo hội
Tên bản ngữ
  • Stato della Chiesa
    Status Pontificius
754–1870
Những gián đoạn: 1798–1799, 1809-18141849
Quốc huy cho tới thế kỷ 19 Lãnh địa Giáo hoàng
Quốc huy cho tới thế kỷ 19

Bản đồ Lãnh địa Giáo hoàng năm 1815 sau các cuộc chiến tranh của Napoléon
Bản đồ Lãnh địa Giáo hoàng năm 1700
Tổng quan
Thủ đôRoma
Ngôn ngữ thông dụngTiếng Latinh, tiếng Ý, tiếng Occitan
Tôn giáo chính
Công giáo La Mã
Chính trị
Chính phủQuân chủ tuyển cử chuyên chế thần quyền
Giáo hoàng 
• 754–757
Stêphanô II (đầu tiên)
• 1846–1870
Piô IX (cuối cùng)
Hồng y Quốc vụ khanh 
• 1551–1555
Girolamo Dandini (đầu tiên)
• 1848–1870
Giacomo Antonelli (cuối cùng)
Lịch sử
Lịch sử 
• Thành lập
754
781
• Hiệp ước Venice (Độc lập khỏi Đế quốc La Mã Thần Thánh)
1177
15 tháng 2 năm 1798
17 tháng 5 năm 1809
ngày 20 tháng 9, 1870
11 tháng 2 năm 1929
Kinh tế
Đơn vị tiền tệScudo Lãnh địa Giáo hoàng
(tới năm 1866)
Lira Lãnh địa Giáo hoàng
(1866–1870)
Tiền thân
Kế tục
Đế quốc Đông La Mã
Vương quốc Ý (Đế quốc La Mã Thần Thánh)
Cộng hòa La Mã (thế kỷ 18)
Đệ nhất Đế chế Pháp
Cộng hòa La Mã (thế kỷ 19)
Vương quốc Ý (Napoléon)
Cộng hòa La Mã (thế kỷ 18)
Đệ nhất Đế chế Pháp
Cộng hòa La Mã (thế kỷ 19)
Vương quốc Ý
Người tù ở Vatican
Hiện nay là một phần của Pháp
 Ý
  Thành Vatican

Lãnh địa Giáo hoàng hay Nhà nước Giáo hoàng (tiếng Ý: Stato Pontificio; tiếng Anh: Papal States), tên gọi chính thức là Nhà nước Giáo hội hay Quốc gia Giáo hội (tiếng Ý: Stato della Chiesa, phát âm tiếng Ý: phát âm tiếng Ý: [ˈstaːto della ˈkjɛːza, ˈkjeː-]; tiếng Latinh: Status Ecclesiasticus;[1] cũng là Dicio Pontificia; tiếng Anh: State of the Church), là một lãnh thổ ở Bán đảo Ý nằm dưới quyền cai trị trực tiếp của Giáo hoàng từ năm 756 đến năm 1870.[2] Đây là một trong những quốc gia lớn nhất từng tồn tại trên Bán đảo Ý từ thế kỷ VIII cho đến khi Vương quốc Sardegna thống nhất bán đảo này bằng cách chinh phục và kết thúc vào năm 1861 và dứt điểm vào năm 1870 để lập ra Vương quốc Ý.

Trong thời kỳ Phục hưng, lãnh thổ của giáo hội đã mở rộng rất nhiều và Giáo hoàng trở thành một trong những nhà cai trị thế tục quan trọng nhất của Ý cũng như người đứng đầu Giáo hội. Ở thời kỳ đỉnh cao của mình, Lãnh địa Giáo hoàng đã bao phủ hầu hết các vùng Lazio (bao gồm cả Rome), Marche, UmbriaRomagna và một phần của Emilia thuộc nước Ý hiện nay. Những tài sản này được coi là biểu hiện của quyền lực nhất thời của Giáo hoàng, trái ngược với quyền lực tối cao trong giáo hội của ngài.

Tuy nhiên, đến năm 1861, phần lớn lãnh thổ của Lãnh địa Giáo hoàng đã bị Vương quốc Ý của Victor Emmanuel II chinh phục. Chỉ có Lazio, bao gồm Rome, vẫn nằm dưới sự kiểm soát tạm thời của Giáo hoàng. Năm 1870, Giáo hoàng mất Lazio cũng như Rome, và không còn kiểm soát bất kỳ lãnh thổ thực tế nào. Ngoại trừ Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, nơi ở của Giáo hoàng và các toà nhà liên quan xung quanh Đồi Vatican thuộc thành phố Rome, mà nhà nước Ý mới không chiếm đóng về mặt quân sự, mặc dù đã sáp nhập. Năm 1929, lãnh tụ Phát xít Ý Benito Mussolini, người đứng đầu Chính phủ Ý, đã chấm dứt vấn đề "Tù nhân ở Vatican" bằng cách đàm phán và ký kết Hiệp ước Lateran. Hiệp ước này đã công nhận quyền của Tòa Thánh đối với một lãnh thổ với diện tích tương đương với 0,44 km2 mà ngày nay được biết đến là Thành Vatican, một quốc gia có chủ quyền với diện tích nhỏ nhất thế giới nằm bên trong thủ đô Rome của nước Ý.

Tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Các lãnh địa Giáo hoàng còn được gọi chung là Nhà nước Giáo hoàng, mặc dù số nhiều thường được sử dụng phổ biến, nhưng số ít thì đúng hơn, vì nó được dùng cho một chính thể thống nhất hơn là một liên minh cá nhân đơn thuần. Ngoài ra nó còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: các lãnh địa Giáo hội, các lãnh địa La Mã...[3] ở một mức độ nào đó, tên dùng được thay đổi theo sở thích và thói quen của các ngôn ngữ châu Âu mà nó được thể hiện.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong 300 năm đầu tiên, Giáo hội bị Đế chế La Mã đàn áp và không được công nhận, không thể giữ hoặc chuyển nhượng tài sản.[4] Các hội chúng ban đầu nhóm họp trong những căn phòng của những gia đình khá giả, và một số nhà thờ ban đầu, nằm ở ngoại ô của Rome cổ đại, được giữ như tài sản của các cá nhân, thay vì bởi chính Giáo hội. Tuy nhiên, tài sản do các thành viên riêng lẻ của Giáo hội nắm giữ trên danh nghĩa hoặc thực tế thường được coi là tài sản thừa kế chung được chuyển tiếp cho người thừa kế hợp pháp của tài sản đó, thường là các phó tế cao cấp, những người phụ tá cho Giám mục địa phương. Nói chung khối tài sản này gọp chung lại thì khá lớn, vì nó không chỉ có những ngôi nhà ở Rome, hoặc lân cận mà còn bao gồm các điền trang trên khắp nước Ý...[5]

Hệ thống này bắt đầu thay đổi dưới thời trị vì của Constantinus Đại đế, người đã công nhận sự hợp pháp của Cơ đốc giáo trong Đế chế La Mã, và trao trả lại bất kỳ tài sản nào đã bị tịch thu trước đó.[4] Cung điện Lateran là khoản quyên góp mới quan trọng đầu tiên cho Nhà thờ, đây có lẽ là một món quà từ chính Constantinus Đại đế.[4]

Các khoản quyên góp sau đó chủ yếu nằm trên Bán đảo Italia, nhưng một số khác cũng có ở các tỉnh của Đế chế La Mã. Tuy nhiên, Giáo hội nắm giữ tất cả những vùng đất này như một chủ đất tư nhân, chứ không phải là một thực thể có chủ quyền. Sau sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã, vị trí Giáo hoàng ngày càng bị đe doạ và dễ bị tổn thương. Khi quyền lực trung ương của La Mã tan rã trong suốt cuối thế kỷ V, quyền kiểm soát trên Bán đảo Ý liên tục bị đổi chủ, rơi vào tay người Arian dưới thời trị vì của Odoacer và sau đó là người Ostrogoth. Tổ chức Giáo hội ở Ý do Giáo hoàng đứng đầu đã đệ trình lên chính quyền đương thời khẳng định quyền tối cao của mình trong toàn thể Giáo hội.[6]

Nền móng của Nhà nước Giáo hoàng với tư cách là một thực thể chính trị có chủ quyền đã được bắt đầu từ thế kỷ VI. Năm 535, Đế chế Đông La Mã - được hầu hết các nhà sử học gọi là Đế chế Byzantine để phân biệt chính thể Chính thống nói tiếng Hy Lạp và có thủ phủ tại Constantinople với Đế chế Tây La Mã của Công giáo nói tiếng Latinh cai trị từ Rome - dưới thời Hoàng đế Justinianus I, đã tái chiếm Ý kéo dài vài thập kỷ và tàn phá các cấu trúc chính trị, kinh tế của Ý. Sau đó vào năm 568, người Lombard tiến vào Bán đảo Ý từ phía Bắc, thành lập một vương quốc Ý, và trong 2 thập kỷ tiếp theo, họ đã chinh phục phần lớn lãnh thổ Ý do Byzantine cai trị trước đó. Đến thế kỷ VII, quyền lực của Byzantine chủ yếu giới hạn trong một dãi chéo chạy từ Ravenna, nơi đặt đại diện của hoàng đế, đến Rome và về phía Nam tới Naples, cộng với các vùng ven biển.[7] Phía Bắc Naples, dãi kiểm soát của Byzantine đã bị thu hẹp và biên giới của "hành lang Rome-Ravenna" đã cực kỳ hẹp.[8][9][10]

Với quyền lực cai trị của Byzantine ở phần lãnh thổ còn lại thuộc Đông Bắc bán đảo, Giáo hoàng với tư cách là chủ đất lớn nhất và là nhân vật có uy tín nhất ở Ý, mặc nhiên bắt đầu đảm nhận phần lớn quyền cai trị mà Byzantine không thể thực hiện ở các khu vực xung quanh thành phố Rome. Trong khi các Giáo hoàng vẫn là "thần dân La Mã" về mặt pháp lý, dưới quyền của Byzantine, tuy nhiên trên thực tế thì Công quốc Roma, một khu vực gần tương đương với Latium ngày nay, đã trở thành một quốc gia độc lập do Giáo hoàng cai trị.[11]

Sự độc lập của Giáo hội phần lớn đến từ việc người dân ủng hộ đối với vị trí của Giáo hoàng ở Ý, đã cho phép nhiều Giáo hoàng khác nhau chống lại ý muốn của hoàng đế Byzantine: Thậm chí Giáo hoàng Grêgôriô II đã ra Vạ tuyệt thông cho Hoàng đế Leon III trong Cuộc tranh cãi Iconoclastic.[12] Tuy nhiên, Giáo hoàng và các đại diện của Hoàng đế Byzantine ở Ý vẫn làm việc cùng nhau để kiểm soát sức mạnh đang lên của người Lombard ở bán đảo. Tuy nhiên, khi quyền lực của Byzantine suy yếu, Giáo hoàng đảm nhận một vai trò ngày càng lớn trong việc bảo vệ Rome khỏi người Lombard, vì không sở hữu quyền lực quân sự, nên Giáo hoàng chủ yếu đạt được mọi thứ thông qua ngoại giao.[13] Dấu mốc quan trọng nhất trong việc thành lập Nhà nước Giáo hoàng là thoả thuận về ranh giới được thể hiện trong Lễ hiến tặng Sutri của Vua Lombard Liuprand (728) cho Giáo hoàng Grêgôriô II.[14]

Hiến tặng của Pepin

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi Lãnh địa của Đế quốc Đông La MãBán đảo Ý (Exarchate of Ravenna) rơi vào tay của người Lombard vào năm 751,[15] Công quốc Roma hoàn toàn bị chia cắt khỏi Đế chế Byzantine, nhưng về mặt lý thuyết thì nó vẫn là một phần của đế chế. Các Giáo hoàng đã nỗ lực trong ngoại giao để đảm bảo sự ủng hộ của người Frank. Năm 751, Giáo hoàng Dacaria đã phong cho Pépin Lùn làm vua thay cho vị vua bù nhìn của Vương triều Merovee Childeric III. Người kế vị Giáo hoàng Dacaria là Giáo hoàng Stêphanô II, đã phong cho Pepin danh hiệu "Patrician of the Romans". Pepin đã dẫn đầu một đội quân Frank vào Ý vào năm 754 và 756. Pepin đã đánh bại người Lombard - nắm quyền kiểm soát miền bắc nước Ý - và dâng tặng cho Giáo hoàng những tài sản trước đây thuộc về Exarchate của Ravenna (lãnh thổ mà Đế quốc Đông La Mã kiểm soát ở Ý).

Năm 781, Charlemagne đã hệ thống hoá các khu vực mà Giáo hoàng sẽ được trao chủ quyền: Công quốc Roma là trung tâm và là thủ phủ của các Giáo hoàng, nhưng lãnh thổ sau đó được mở rộng ra bao gồm Ravenna, Công quốc Pentapolis, Công quốc Benevento, Toscana, Corse, Lombardy, và một số thành phố của Ý. Sự hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Giáo hoàng và triều đại Carolingian lên đến đỉnh điểm vào năm 800, khi Giáo hoàng Lêô II phong cho Charlemagne làm Hoàng đế của người La Mã.

Mối quan hệ với Đế chế La Mã Thần thánh

[sửa | sửa mã nguồn]

Bản chất chính xác của mối quan hệ giữa các Giáo hoàng và hoàng đế - và giữa Nhà nước Giáo hội và Đế chế là không rõ ràng. Người ta không biết liệu các Lãnh địa Giáo hoàng có phải là một vương quốc riêng biệt, mà Giáo hoàng là người cai trị hay không, hay chỉ đơn thuần là một phần của Đế chế Frankish, trong đó vai trò của Giáo hoàng là kiểm soát hành chính như được đề xuất trong chuyên luận cuối thế kỷ IX "Libellus de imperatoria potestate in urbe Roma", hoặc liệu các Hoàng đế La Mã Thần thánh có phải là đại diện của Giáo hoàng (như một loại Lãnh chúa) cai trị Các quốc gia Cơ đốc giáo (Christendom), trong đó Giáo hoàng chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp về các khu vực Rome và các nhiệm vụ tinh thần.

Các sự kiện vào thế kỷ IX đã làm trì hoãn cuộc xung đột quyền lời. Đế chế La Mã Thần thánh của người Frank đã sụp đổ khi lãnh thổ của nó đã bị chia nhỏ cho các cháu của Charlemagne. Quyền lực của hoàng gia ở Bán đảo Ý suy yếu và uy tín của Giáo hoàng giảm sút. Điều này dẫn đến sự gia tăng quyền lực của giới quý tộc La Mã địa phương, và quyền kiểm soát các Lãnh địa Giáo hoàng trong đầu thế kỷ X đã rơi vào tay của một gia đình quý tộc quyền lực và thối nát, Theophylacti. Thời kỳ này sau đó được gọi là Saeculum obscurum ("thời đại đen tối"), và đôi khi được coi là "rule by harlots".[16]

Trên thực tế thì các Giáo hoàng không thể thực hiện chủ quyền hiệu quả đối với toàn bộ lãnh thổ rộng lớn và nhiều đồi núi của Nhà nước Giáo hội, và các khu vực này vẫn duy trì hệ thống chính quyền cũ của mình, với nhiều lãnh địa và hầu quốc nhỏ, mỗi lãnh thổ đều đóng kiên cố vào một rocca - thành trì hoặc pháo đài kiên cố, thường nằm trên đỉnh đồi, trên thực tế một rocca có thể không lớn hơn một trang trại, những rocca lớn hơn sẽ được gọi là castello.

Qua một số chiến dịch vào giữa thế kỷ X, nhà cai trị người Đức Otto I đã chinh phục miền Bắc nước Ý; Giáo hoàng Gioan XII đã phong cho ông làm Hoàng đế (người đầu tiên đăng quang sau hơn 40 năm) và hai người đã phê chuẩn Văn bằng Ottonianum, theo đó hoàng đế trở thành người bảo đảm cho nền độc lập của Lãnh địa Giáo hoàng.[17] Tuy nhiên, trong hai thế kỷ tiếp theo, các Giáo hoàng và hoàng đế đã tranh cãi về nhiều vấn đề, và các nhà cai trị Đức thường coi Lãnh địa Giáo hoàng như một phần lãnh thổ của Đế quốc La Mã Thần thánh. Sau cuộc Cái cách Gregorian đã giúp giải phóng việc quản lý Giáo hội khỏi sự can thiệp của Đế chế La Mã Thần thánh, từ đó tính độc lập của Lãnh địa Giáo hoàng càng ngày càng tăng lên. Sau khi Triều đại Hohenstufen bị diệt vong, các hoàng đế Đức hiếm khi can thiệp vào công việc của Ý. Để đối phó với cuộc đấu tranh gữa Guelphs và Ghibellines, Hiệp ước Venice chính thức công nhận sự độc lập của Lãnh địa Giáo hoàng khỏi Đế quốc La Mã Thần thánh vào năm 1177. Đến năm 1300, Lãnh địa Giáo hoàng, cùng các công quốc và thân vương quốc trên Bán đảo Ý đã kiểm soát quyền cai trị độc lập của mình một cách hiệu quả.

Giáo hoàng ở Avignon

[sửa | sửa mã nguồn]
Lãnh thổ của Nhà nước Giáo hoàng k. 1430

Từ năm 1305 đến năm 1378, các Giáo hoàng đều cư trú tại lãnh địa Avignon, được bao quanh bởi Provence và chịu ảnh hưởng bởi các vị vua Pháp. Thời kỳ này được gọi là "Avignonese" hay "Babylonian Captivity"[18][19][20][21][22][23]. Thành phố Avignon đã được thêm vào Lãnh địa Giáo hoàng; nó vẫn thuộc sở hữu của các Giáo hoàng trong khoảng 400 năm nữa, ngay cả sau khi các Giáo hoàng quay trở lại Rome. Avignon bị chiếm giữ và sáp nhập vào nhà nước Pháp trong cuộc Cách mạng Pháp.

Phục hưng

[sửa | sửa mã nguồn]
Cung điện Quirinal, nơi ở của Giáo hoàng và là nơi đặt các văn phòng dân sự của các Lãnh địa Giáo hoàng từ Renaissance cho đến khi họ sáp nhập

Trong thời Phục hưng, lãnh thổ của Nhà nước Giáo hoàng mở rộng rất nhiều, đặc biệt là dưới thời các Giáo hoàng Alexanđê VIGiáo hoàng Giuliô II. Giáo hoàng trở thành một trong những nhà cai trị thế tục quan trọng nhất của Ý cũng như người đứng đầu Giáo hội, ký kết các hiệp ước với các vị vua khác và chống lại các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các Lãnh địa Giáo hoàng vẫn chỉ do Giáo hoàng kiểm soát trên danh nghĩa, và phần lớn lãnh thổ được cai trị bởi các thân vương nhỏ. Quyền kiểm soát luôn luôn bị tranh cãi; thực sự thì phải đến thế kỷ XVI, Giáo hoàng mới có quyền kiểm soát thực tế đối với tất cả các lãnh thổ của mình.

Các trách nhiệm của Giáo hoàng thường bị xung đột. Nhà nước Giáo hoàng đã tham gia vào ít nhất 3 cuộc chiến trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XVI.[24] Giáo hoàng Giuliô II, "Giáo hoàng chiến binh", đã chiến đấu thay mặt họ.

Cải cách Kháng nghị

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc Cải cách Kháng nghị bắt đầu vào năm 1517. Năm 1527, trước khi Đế quốc La Mã Thần thánh chiến đấu với những người theo đạo Tin lành, quân đội trung thành với Hoàng đế Charles V đã cướp phá tàn bạo thành Rome và bỏ tù Giáo hoàng Clêmentê VII, như một kết quả phụ của các cuộc chiến tranh giành Lãnh địa Giáo hoàng.[25] Vì vậy, mà Clêmentê VII buộc phải từ bỏ Parma, Modena, và một số lãnh thổ nhỏ hơn.[25][26] Một thế hệ sau, quân đội của Vua Felipe II của Tây Ban Nha đã đánh bại quân đội của Giáo hoàng Phaolô IV vì cùng một vấn đề.[27]

Thời kỳ này chứng kiến sự hồi sinh dần dần quyền lực tạm thời của Giáo hoàng tại các Lãnh địa Giáo hoàng. Trong suốt thế kỷ XVI, các thái ấp hầu như độc lập như Rimini (thuộc sở hữu của gia đình Malatesta) đã được đưa trở lại dưới sự kiểm soát của Giáo hoàng. Năm 1512, Giáo hội sáp nhập ParmaPiacenza, năm 1545 trở thành một giáo quyền độc lập dưới quyền một người con trai ngoài giá thú của Giáo hoàng Phaolô III. Quá trình này lên đến đỉnh điểm trong việc giành lại Công quốc Ferrara vào năm 1598, [28][29]Công quốc Urbino vào năm 1631. [30]

Vào thế kỷ XVIII, Lãnh địa Giáo hoàng phát triển đến mức cực đại, bao gồm phần lớn miền Trung nước Ý ngày nay - Latium, Umbria, Marche và các Legation của Ravenna, FerraraBologna kéo dài về phía Bắc đến Romagna. Nó cũng bao gồm các vùng đất nhỏ BeneventoPontecorvo ở miền Nam nước Ý, cũng như Comtat Venaissin lớn hơn xung quanh Avignon ở miền Nam nước Pháp.

Thời đại Napoleon

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ Bán đảo Ý năm 1796, cho thấy Lãnh địa Giáo hoàng trước Các cuộc chiến tranh của Napoléon đã thay đổi bộ mặt của bán đảo

Cách mạng Pháp đã ảnh hưởng đến các lãnh thổ của Giáo hoàng cũng như Giáo hội La Mã nói chung. Năm 1791, sau một cuộc bầu cử ở Comtat VenaissinAvignon, lực lượng của Cách mạng Pháp đã chiếm đóng lãnh thổ này. [31] Sau đó, với cuộc xâm lược của Đệ Nhất Cộng hòa Pháp vào Bán đảo Ý năm 1796, Legation (lãnh thổ phía Bắc của Lãnh địa Giáo hoàng [31]) đã bị chiếm giữ và trở thành một phần của Cộng hòa Cisalpine.[31]

Hai năm sau, quân Pháp xâm chiếm khu vực còn lại của Lãnh địa Giáo hoàng và tướng Louis Alexandre Berthier đã tuyên bố thành lập Cộng hòa La Mã trên lãnh thổ này vào tháng 2/1798. [31] Giáo hoàng Piô VI đã trốn đến Siena, và chết trong quá trình lưu vong ở Valence (Pháp) năm 1799. [31] Chế độ tổng tài Pháp đã cho khôi phục lại Lãnh địa Giáo hoàng vào tháng 6/1800 và Giáo hoàng Piô VII mới được bầu lên cư trú tại Roma, nhưng Đệ Nhất Đế chế Pháp dưới thời Napoleon Bonaparte đã tái xâm lược vào năm 1808, và vào ngày 17/05/1809, phần còn lại của Lãnh địa Giáo hoàng đã bị sáp nhập vào Pháp [31], để lập ra các tỉnh TibreTrasimène.

Sau sự sụp đổ của hệ thống Napoleon vào năm 1814, Đại hội Viên chính thức cho khôi phục lại Lãnh địa Giáo hoàng (nhưng không bao gồm Contat Venaissin hay Avignon). [31]

Từ năm 1814 cho đến khi Giáo hoàng Grêgôriô XVI qua đời vào năm 1846, các Giáo hoàng đã tuân theo chính sách phản động tại Lãnh địa Giáo hoàng. Ví dụ, thành phố Roma duy trì khu Do Thái cuối cùng ở Tây Âu. Người ta hy vọng rằng điều này sẽ thay đổi khi Giáo hoàng Piô IX (tại vị 1846 - 1878) kế vị Giáo hoàng Grêgôriô XVI và bắt đầu đưa ra các cải cách tự do.

Thống nhất Ý

[sửa | sửa mã nguồn]
Trái phiếu của Lãnh địa Giáo hoàng phát hành ngày 09/12/1818.[32]
Bức tường Porta Pia, năm 1870.

Chủ nghĩa dân tộc của Ý đã được khơi dậy trong thời kỳ Napoléon nhưng mọi thứ đã tiêu tan bởi Đại hội Viên (1814–15), họ muốn khôi phục lại hiện trạng Bán đảo Ý trước thời Napoléon: phần lớn miền Bắc nước Ý nằm dưới sự cai trị của các nhánh nhỏ của Nhà HabsburgNhà Bourbon. Lãnh địa Giáo hoàng ở miền Trung nước Ý và Vương quốc Hai Sicilia của Nhà Bourbon ở miền Nam đều được khôi phục. Sự phản đối phổ biến đối với giới cầm quyền tu sĩ tham nhũng đã dẫn đến nhiều cuộc nổi dậy, nhưng sau đó bị dập tắt bởi sự can thiệp của Đế quốc Áo.

Cuộc Cách mạng dân tộc chủ nghĩa và tự do năm 1848 đã ảnh hưởng phần lớn lên châu Âu. Vào tháng 2/1849, một nước Cộng hoà La Mã đã được tuyên bố thành lập tại Roma [33]Giáo hoàng Piô IX phải rời khỏi thành phố. Cuộc cách mạng bị dập tắt với sự giúp đỡ của Pháp vào năm 1849 và Giáo hoàng Piô IX chuyển từ khuyên hướng tự do sang đường lối bảo thủ. Cho đến khi ông trở lại Roma vào năm 1850, Lãnh địa Giáo hoàng được cai quản bởi một nhóm Hồng y được gọi là Tam đầu chế Đỏ (Red Triumvirate).[34]

Chiến tranh Áo-Sardinia năm 1859 kết thúc, Vương quốc Sardegna-Piedmont của Nhà Savoy đã sáp nhập Lombardy vào lãnh thổ của mình, trong khi Giuseppe Garibaldi lật đổ chế độ quân chủ của Nhà Bourbon cai trị Vương quốc Hai Sicilia ở phía Nam.[35][36] Sợ rằng Garibaldi sẽ lập chính phủ cộng hòa, Chính phủ Sardegna-Piedmont đã thỉnh cầu Hoàng đế Pháp Napoleon III cho phép gửi quân qua Lãnh địa Giáo hoàng để giành quyền kiểm soát miền Nam Bán đảo Ý. Pháp đồng ý với điều kiện thành Roma không bị quấy phá.

Vào năm 1860, phần lớn khu vực đã nổi dậy chống lại sự cai trị của Giáo hoàng, Vương quốc Sardegna-Piedmont dã chinh phục 2/3 phía Đông của Lãnh địa Giáo hoàng và củng cố quyền lực của mình ở phía Nam. Bologna, Ferrara, Umbria, Marche, BeneventoPontecorvo đều bị sáp nhập vào tháng 11 cùng năm. Mặc dù đã mất nhiều lãnh thổ, nhưng Giáo hoàng vẫn kiểm soát Latium và các khu vực rộng lớn phía Tây Bắc của Roma.

Một Vương quốc Ý thống nhất được tuyên bố thành lập vào tháng 3/1861, Quốc hội Ý đầu tiên đã nhóm họp tại Turin, cố đô của Vương quốc Sardegna-Piedmont, tuyên bố Roma là thủ đô của Vương quốc. Tuy nhiên, chính phủ mới của Ý không thể chiếm giữ thành phố vì một đơn vị đồn trú của Đệ Nhị Đế chế Pháp đang hiện diện ở Roma để bảo vệ Giáo hoàng Piô IX.

Năm 1870, cơ hội để Vương quốc Ý sáp nhập toàn bộ Lãnh địa Giáo hoàng đã đến. Sự bùng nổ của Chiến tranh Pháp-Phổ vào tháng 7 đã khiến Napoleon III phải cho rút toàn bộ quân Pháp đồn trú ở Roma về, và sự sụp đổ của Đệ Nhị Đế chế Pháp sau Trận Sedan đã tước bỏ quyền bảo hộ của Pháp ở Lãnh địa Giáo hoàng.

Vua Victor Emmanuel II ban đầu nhắm đến một cuộc chinh phục thành phố trong hòa bình và đề xuất gửi quân vào Roma, dưới chiêu bài đề nghị bảo vệ Giáo hoàng. Khi bị Giáo hoàng từ chối, Vương quốc Ý đưa ra lời tuyên chiến vào ngày 10/09/1870, và Quân đội Ý, do Tướng Raffaele Cadorna chỉ huy, đã vượt qua biên giới vào lãnh thổ của Giáo hoàng vào ngày 11/09 và tiến chậm về phía Roma.

Quân đội Ý đã đến được Bức tường Aurelian vào ngày 19/09 và đặt thành Roma trong tình trạng bị bao vây. Mặc dù đội quân nhỏ bé của Giáo hoàng không có khả năng bảo vệ thành phố, nhưng Giáo hoàng Piô IX đã ra lệnh cho họ tiến hành nhiều động thái hơn để nhấn mạnh rằng Vương quốc Ý đang tiến vào Roma bằng vũ lực chứ không phải được Giáo hoàng đồng ý. Điều này tình cờ phục vụ các mục đích của Nhà nước Ý và làm nảy sinh huyền thoại về Vụ đột nhập Porta Pia, sự kiện này đã phá hủy bức tường 1600 năm tuổi.

Giáo hoàng Piô IX đã ra lệnh cho chỉ huy lực lượng của Giáo hoàng hạn chế việc phòng thủ thành phố để tránh đổ máu.[37] Thành phố bị chiếm vào ngày 20/09/1870. Roma và những gì còn lại của Lãnh địa Giáo hoàng đã bị sát nhập vào Vương quốc Ý sau một cuộc Trưng cầu dân ý vào tháng 10 năm sau. Điều này đánh dấu sự cáo chung của Lãnh địa Giáo hoàng.[31]

Mặc dù trên thực tế Giáo hoàng đã mất hết các quyền hành trên lãnh thổ của mình, nhưng Giáo hoàng không công nhận quyền lực của Vương quốc Ý, bác bỏ "Luật Bảo đảm" năm 1871, đặc biệt là bất kỳ đề xuất nào yêu cầu Giáo hoàng trở thành một chủ thể thuộc Vương quốc Ý. Thay vào đó, Giáo hoàng tự giam mình (xem Người tù ở Vatican) trong Điện Tông tòa và các công trình cổ xưa xung quanh được gọi là Thành phố Leonine, trên Đồi Vatican (Vatican Hill).

Vào những năm 1920, Giáo hoàng khi đó là Piô XI đã tuyên bố từ bỏ Lãnh địa Giáo hoàng. Ngày 11/02/1929, Hiệp ước Latêranô được ký kết với Vương quốc Ý (khi đó do Đảng Phát xít Quốc gia dưới quyền của Benito Mussolini [38]) đã tạo ra một nhà nước mới nằm trong lòng của thủ đô Roma chỉ với diện tích 0,44 km2, được cai trị thế tục bởi các Giáo hoàng cho đến ngày nay, với tên gọi chính thức là Thành Quốc Vatican, tạo thành lãnh thổ có chủ quyền của Tòa Thánh.

Thống đốc khu vực

[sửa | sửa mã nguồn]
Lực lượng vệ binh "Papal Zouaves", năm 1869.

Như tên gọi số nhiều của Papal States (Các Nhà nước Giáo hoàng), lãnh thổ này quy tụ nhiều thực thể khác nhau và họ vẫn giữ nguyên bản sắc vốn có trước đó của mình. Ở mỗi tỉnh, Giáo hoàng cử đến một đại diện, gọi lại Thống đốc (Gevernor), những đại diện này mang một số tước vị, bao gồm: "Đại sứ của Giáo hoàng" hay "Tông truyền" (Papal legate/Apostolic legate) như ở Công quốc cũ của Benevento, hoặc ở Bologna, Romagna, và Ancona. Ngoài ra còn có "Đại biểu của Giáo hoàng" (Papal delegate), như ở Công quốc PontecorvoTỉnh Campagna và Maritime. Các tước hiệu khác như "Đại diện của Giáo hoàng" (Papal Vicar), "Tổng đại diện" (Vicar Genegal) và một số danh hiệu quý tộc khác, chẳng hạn như "Bá tước" hoặc thậm chí là "Thân vương" đã được sử dụng. Tuy nhiên, trong suốt lịch sử của Lãnh địa Giáo hoàng, nhiều lãnh chúa và thậm chí cả những thủ lĩnh băng cướp đã kiểm soát các thành phố và công quốc nhỏ mà không nhận được bất kỳ danh hiệu nào từ Giáo hoàng.

Quân đội Giáo hoàng

[sửa | sửa mã nguồn]
Xu bạc: 1 scudo Lãnh địa Giáo hoàng được đúc dưới thời Giáo hoàng Piô IX, năm 1853 - Vị giáo hoàng cuối cùng cai trị Lãnh địa Giáo hoàng

Trong suốt lịch sử của mình, Lãnh địa Giáo hoàng đã duy trì các lực lượng quân sự bao gồm những người tình nguyện và lính đánh thuê, bao gồm cả các đơn vị quân đội Công giáo. Từ năm 1860 đến năm 1870, Quân đội Giáo hoàng (tiếng Ý là Esercito Pontificio) bao gồm hai trung đoàn bộ binh Ý được tuyển chọn tại địa phương, hai trung đoàn Thụy Sĩ và một tiểu đoàn quân tình nguyện Ireland, cộng với pháo binh và lính kéo.[39] Năm 1861, một quân đoàn tình nguyện Công giáo quốc tế, được gọi là Papal Zouaves theo tên một loại bộ binh gốc Algeria thuộc địa của Pháp, và bắt chước kiểu đồng phục của họ, được thành lập. Chủ yếu bao gồm các tình nguyện viên đến từ Hà Lan, PhápBỉ, quân đoàn này đã phục vụ chống lại quân Áo đỏ của Giuseppe Garibaldi, những người yêu nước Ý, và cuối cùng là với lực lượng của Vương quốc Ý mới thống nhất.[40]

Quân đội Giáo hoàng bị giải tán vào năm 1870, chỉ còn lại Đội Vệ binh Palatine, đội này cũng bị giải tán vào ngày 14/09/1970 bởi Giáo hoàng Piô VI;[41] Đội Vệ binh Quý tộc, cũng giải tán vào năm 1970; và Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ vẫn tiếp tục đóng vai trò như một đơn vị nghi lễ tại Vatican và là lực lượng bảo vệ của Giáo hoàng.

Một lực lượng Hải quân nhỏ của Giáo hoàng cũng được duy trì, đóng tại Civitavecchia trên bờ biển phía Tây và Ancona ở phía Đông. Với sự sụp đổ của các Lãnh địa Giáo hoàng vào năm 1870, những con tàu cuối cùng của đội tàu đã được lên đường đến Pháp, nơi chúng được bán lại sau cái chết của Giáo hoàng Piô IX.

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Frederik de Wit, "Status Ecclesiasticus et Magnus Ducatus Thoscanae" (1700)
  2. ^ “Papal States”. Encyclopaedia Britannica. 30 tháng 4 năm 2020.
  3. ^ Mitchell, S.A. (1840). Mitchell's geographical reader. Thomas, Cowperthwait & Co. tr. 368.
  4. ^ a b c Schnürer, Gustav. "States of the Church." Catholic Encyclopedia. Vol. 14. New York: Robert Appleton Company, 1912. 16 July 2014
  5. ^ Brent, Allen (1 tháng 9 năm 2009). A Political History of Early Christianity (bằng tiếng Anh). A&C Black. tr. 243. ISBN 9780567606051.
  6. ^ “Ostrogoths”. Catholic Online. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2020.
  7. ^ Treadgold 1997, tr. 378.
  8. ^ McEvedy, Colin (1961). The Penguin Atlas of Medieval History. Penguin Books. tr. 32. ISBN 9780140708226. ... separated from their theoretical overlord in Pavia by the continuing Imperial control of the Rome-Ravenna corridor.
  9. ^ Freeman, Charles (2014). Egypt, Greece, and Rome: Civilizations of the Ancient Mediterranean. OUP Oxford. tr. 661. ISBN 978-0199651924. The empire retained control only of Rome, Ravenna, a fragile corridor between them, ...
  10. ^ Richards, Jeffrey (2014). The Popes and the Papacy in the Early Middle Ages: 476-752. Routledge. tr. 230. ISBN 978-1317678175. In 749 Ratchis embarked on a bid to capture Perusia, the key to the Rome-Ravenna land corridor
  11. ^ Kleinhenz 2004, tr. 1060.
  12. ^ “St. Gregory II - Saints & Angels”. Catholic Online. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2020.
  13. ^ “Pope St. Gregory II”. Catholic Online. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2020.
  14. ^ “Sutri”. From Civitavecchia to Civita Castellana. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2012.
  15. ^ Kleinhenz 2004, tr. 324.
  16. ^ Émile Amann and Auguste Dumas, L'église au pouvoir des laïques, in Auguste Fliche and Victor Martin, eds. Histoire de l'Église depuis l'origine jusqu'au nos jours, vol. 7 (Paris 1940, 1948)
  17. ^ Tucker 2009, tr. 332.
  18. ^ Spielvogel 2013, tr. 245-246.
  19. ^ Elm & Mixson 2015, tr. 154.
  20. ^ Watanabe 2013, tr. 241.
  21. ^ Kleinhenz 2004, tr. 220, 982.
  22. ^ Noble; và đồng nghiệp (2013). Cengage Advantage Books: Western Civilization: Beyond Boundaries (ấn bản thứ 7). Cengage Learning. tr. 304. ISBN 978-1285661537. The Babylonian Captivity, 1309–1377
  23. ^ Butt, John J. (2006). The Greenwood Dictionary of World History. Greenwood Publishing Group. tr. 36. ISBN 978-0313327650. Term (coined by Petrarch) for the papal residence in Avignon (1309–1377), in reference to the Babylonian Captivity (...)
  24. ^ Ganse, Alexander. “History of the Papal States”. World History at KDMLA. Korean Minjok Leadership Academy. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2013.
  25. ^ a b Durant, Will (1953). “Chapter XXI: The Political Collapse: 1494–1534”. The Renaissance.
  26. ^ “Papal States in the 16th Century”. themaparchive.com. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2021.
  27. ^ Durant, Will (1953). “Chapter XXXIX: The popes and the Council: 1517–1565”. The Renaissance.
  28. ^ Hanlon 2008, tr. 134.
  29. ^ Domenico 2002, tr. 85.
  30. ^ Gross 2004, tr. 40.
  31. ^ a b c d e f g h Hanson 2015, tr. 252.
  32. ^ Alex Witula: TITOLI di STATO, p. 245, ISBN 978-88-95848-12-9
  33. ^ Roessler & Miklos 2003, tr. 149.
  34. ^ “Il 'triumvirato rosso'. Biblioteca Salaborsa (bằng tiếng Ý). Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2021.
  35. ^ Fischer 2011, tr. 136.
  36. ^ Abulafia, David (2003). “The Mediterranean as a battleground”. The Mediterranean in History. Getty Publication. tr. 268. ISBN 978-0892367252. (...) under Giuseppe Garibaldi to overthrow the Neapolitan Bourbons. After defeating a Neapolitan force at Calatafirmi, Caribaldi captured Palermo after three days of street fighting.
  37. ^ “History of the Pontifical Swiss Guard”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2016.
  38. ^ De Grand 2004, tr. 89.
  39. ^ Brandani, Massimo (1976). L'Esercito Pontificio da Castelfidardo a Porta Pia. Milan: Intergest. tr. 6.
  40. ^ Charles A. Coulombe, The Pope's Legion: The Multinational Fighting Force that Defended the Vatican, Palgrave Macmillan, New York, 2008
  41. ^ Levillain 2002, tr. 1095.