Nhà nước ngầm
Nhà nước ngầm (tiếng Anh: deep state) là lý thuyết về sự tồn tại của mạng lưới quyền lực bí mật và không thông qua bầu cử, hoàn toàn không chịu sự kiểm soát của chính phủ điều hành đất nước hiện tại, có các mục tiêu chính trị riêng biệt, thường là phục vụ cho lợi ích hoặc mục đích của những người đứng đầu mạng lưới quyền lực ngầm đó.[1] Thuật ngữ này thường mang hàm ý tiêu cực khi được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông.[2]
Trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, thuật ngữ "nhà nước ngầm" chủ yếu được sử dụng ở Hoa Kỳ để mô tả các quan chức và công chức có thâm niên, hành động theo các chỉ thị và các đạo luật của Quốc hội, trái với các quyết định và mong muốn của chính phủ.[3]
Nguồn gốc thuật ngữ
[sửa | sửa mã nguồn]"Nhà nước ngầm" trong Tiếng Anh là Deep state. Đây là một từ có nguồn gốc từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là "derin devlet" (nghĩa đen là 'nhà nước sâu'). Khái niệm hiện đại về nhà nước ngầm gắn liền với Thổ Nhĩ Kỳ, khi có sự hình thành của một mạng lưới bí mật gồm các sĩ quan quân đội và đồng minh dân sự của họ nhằm cố gắng duy trì trật tự xã hội dựa trên ý tưởng của Mustafa Kemal Atatürk từ năm 1923.[4]
Các trường hợp
[sửa | sửa mã nguồn]Chechnya
[sửa | sửa mã nguồn]Theo nhà báo Julia Ioffe, Cộng hòa Chechnya của Nga, dưới sự lãnh đạo của Ramzan Kadyrov, đã trở thành một "nhà nước tồn tại trong nhà nước" vào năm 2015.[5]
Ai Cập
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 2013, tác giả Abdul-Azim Ahmed viết rằng thuật ngữ "nhà nước ngầm" được sử dụng để chỉ các mạng lưới quân sự/an ninh của Ai Cập, đặc biệt là Hội đồng Tối cao Các Lực lượng Vũ trang sau cuộc cách mạng Ai Cập năm 2011. Họ là "những nhà lãnh đạo phi dân chủ trong một quốc gia dân chủ" có quyền lực "độc lập với bất kỳ thay đổi chính trị nào xảy ra". Họ "thường ẩn mình dưới vỏ bọc các công chức thông thường" và có thể không "hoàn toàn kiểm soát tất cả mọi thứ mọi lúc", nhưng nắm trong tay "các nguồn lực chính của đất nước (cả nhân sự và tài chính)". Ông cũng viết: "Nhà nước ngầm đang bắt đầu trở thành một quyền lực phản dân chủ bên trong một chính phủ, điều mà rất ít nền dân chủ có thể tự tin khẳng định là bản thân mình không có." [6]
Israel
[sửa | sửa mã nguồn]Vào tháng 5 năm 2020, một bài báo trên Haaretz mô tả về Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng mặc dù ông ta được bầu chọn nhiều lần, thực tế là đất nước đang bị kiểm soát bởi một 'nhà nước ngầm.'" [7]
Italia
[sửa | sửa mã nguồn]Trường hợp nổi tiếng nhất là Propaganda Due (P2).[8] Propaganda Due (được biết đến nhiều hơn với tên gọi P2) là một hội kín thuộc Grand Orient of Italy (GOI). Được thành lập vào năm 1877 với tên gọi Masonic Propaganda, trong suốt thời kì Licio Gelli làm chủ tịch, nó đã không còn tuân theo các điều lệ của hội kín và trở nên đối nghịch với trật tự luật pháp của Ý. P2 bị đình chỉ bởi GOI vào ngày 26 tháng 7 năm 1976; sau đó, ủy ban điều tra quốc hội về hội kín P2 dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tina Anselmi đã kết luận rằng P2 là một "tổ chức tội phạm thực sự" và "phản nghịch". P2 bị giải thể bằng một đạo luật đặc biệt, số 17 ngày 25 tháng 1 năm 1982.
Trung Đông
[sửa | sửa mã nguồn]Robert Worth cho rằng nhà nước ngầm cũng tồn tại ở nhiều quốc gia Trung Đông, nơi các chính phủ đã cấu kết với những kẻ buôn lậu và chiến binh thánh chiến (Syria), cựu chiến binh thánh chiến của Chiến tranh Xô Viết-Afghan (Yemen), và những kẻ tội phạm được sử dụng như một lực lượng đặc biệt (Ai Cập và Algeria).[9] Trong cuốn sách "Từ Nhà nước Ngầm đến Nhà nước Hồi giáo", ông mô tả các nhóm nhỏ trong chính phủ Syria, Ai Cập và Yemen đã tiến hành các cuộc thanh trừng và thanh lọc nhằm chống lại giá trị và các lãnh đạo được bầu từ sau Mùa xuân Ả Rập, và ông so sánh chúng giống với các Mamluks của Ai Cập và Levant trong giai đoạn 1250–1517 khi họ tự xưng là người phục vụ các nhà lãnh đạo trong khi thực tế lại chính là người cai trị thực sự phía sau.[10]
Pakistan
[sửa | sửa mã nguồn]Kể từ khi giành độc lập, Lực lượng Vũ trang Pakistan luôn có ảnh hưởng lớn đến chính trị của quốc gia này.[11] Bên cạnh nhiều thập kỷ cai trị trực tiếp bởi chính phủ quân sự, quân đội cũng có nhiều ảnh hưởng tới quyền lực của các thủ tướng dân cử, và cũng đã bị cáo buộc là một nhà nước ngầm. Quân đội Pakistan thường được gọi là "The Establishment" ( hiểu theo nghĩa tiếng Việt là tổ chức và thành lập, ý ở đây là mọi quyết định đều có nguồn gốc và sinh ra từ tổ chức này) do sự tham gia sâu sắc của họ vào mọi quyết định của chính phủ [12]
Thổ Nhĩ Kỳ
[sửa | sửa mã nguồn]Theo nhà báo Robert F. Worth, "Thuật ngữ 'nhà nước ngầm' bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1990, khi quân đội cấu kết với các kẻ buôn ma túy và sát thủ để tiến hành một cuộc chiến chống lại phiến quân người Kurd". Nhà báo Dexter Filkins viết về một "mạng lưới quyền lực bí mật " của các "sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh dân sự của họ" trong nhiều thập kỷ đã "đàn áp và đôi khi giết hại các nhà bất đồng chính kiến, cộng sản, phóng viên, người Hồi giáo, nhà truyền giáo Kitô giáo, và các thành viên của các nhóm thiểu số - bất kỳ ai được cho là gây ra mối đe dọa cho trật tự xã hội của họ". Nhà báo Hugh Roberts đã mô tả "liên minh mờ ám" giữa cảnh sát và các cơ quan tình báo, "một số chính trị gia và tổ chức tội phạm", những người tin rằng họ được phép "làm mọi việc mà không cần công khai" vì họ là "người giám hộ các lợi ích của quốc gia." [13]
Vương quốc Anh
[sửa | sửa mã nguồn]Cơ quan Dân sự của Anh đã được gọi là nhà nước ngầm bởi các chính trị gia cao cấp. Năm 2018, Steve Hilton, cố vấn của David Cameron, tuyên bố rằng cựu thủ tướng Tony Blair đã từng đề cập: "Đừng đánh giá thấp việc họ tin rằng nhiệm vụ của họ mới thực sự là điều hành đất nước. Họ sẽ luôn chống lại những đề xuất thay đổi từ các chính trị gia, những người mà họ coi chỉ là 'nay tới, mai đi'. Họ thực sự cho mình là những người bảo vệ lợi ích quốc gia, và tin rằng nhiệm vụ của họ luôn là khiến anh mệt mỏi bằng cách ngăn cản các đề xuất của anh cho tới khi anh hết nhiệm kì."[14]
Cựu Thủ tướng Liz Truss tuyên bố rằng bà đã bị buộc phải rời khỏi văn phòng bởi 'nhà nước ngầm'.[15]
Hoa Kỳ
[sửa | sửa mã nguồn]Ít nhất từ năm 1963, thuật ngữ nhà nước ngầm đã được sử dụng để mô tả "một liên minh giữa chính phủ và các lãnh đạo cấp cao trong ngành công nghiệp và tài chính của Hoa Kỳ, có thể điều hành đất nước mà không cần quan tâm tới sự đồng thuận từ người dân mặc dù đáng lẽ ra cần phải như vậy."[16] Các cơ quan tình báo như CIA đã bị các thành viên của chính quyền Donald Trump cáo buộc cố gắng cản trở các mục tiêu chính sách của họ.[17] Viết trên tờ The New York Times, nhà phân tích Issandr El Amani cảnh báo về "sự bất hòa ngày càng tăng giữa tổng thống và các nhân viên cấp dưới của ông", trong khi các nhà phân tích của cột The Interpreter viết:[17]
Mặc dù nhà nước ngầm đôi khi được thảo luận như một thuyết âm mưu phía sau sự bất đồng, trên thực tế, hãy nhìn nhận nó như một xung đột chính trị giữa lãnh đạo quốc gia và các tổ chức chính phủ.
— Amanda Taub và Max Fisher, The Interpreter
Theo nhà bình luận chính trị David Gergen, được Time trích dẫn vào đầu năm 2017, thuật ngữ này đã bị Steve Bannon, Breitbart News và những người ủng hộ chính quyền Trump khác lạm dụng nhằm làm mất uy tín những người chỉ trích nhiệm kỳ tổng thống Trump.[18] Vào tháng 2 năm 2017, lý thuyết nhà nước ngầm đã bị các tác giả của The New York Times và The New York Observer bác bỏ. Vào tháng 10 năm 2019, The New York Times đã đăng một bài ý kiến lập luận rằng nhà nước ngầm được tạo ra để "đối phó với những người như Trump."[19]
Các học giả nhìn chung đã tranh cãi về quan niệm cho rằng bộ máy hoạt động của nhánh hành pháp Hoa Kỳ có thực sự đại diện cho một nhà nước ngầm như cách thuật ngữ này được hiểu chính thức hay không, nhưng đã có nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của bộ máy này trong việc hạn chế hoặc tăng cường quyền lực của tổng thống Hoa Kỳ.[20]
Venezuela
[sửa | sửa mã nguồn]Cartel of the Suns, một nhóm quan chức cấp cao trong Chính phủ Bolivarian của Venezuela, được mô tả là " nhà nước ngầm ẩn sâu trong chế độ Chavista". Sau Cách mạng Bolivarian, chính phủ Bolivarian ban đầu đã biển thủ công quỹ cho đến khi không còn gì để biển thủ, buộc họ phải chuyển sang buôn bán ma túy. Tổng thống Hugo Chávez đã thiết lập quan hệ đối tác với lực lượng dân quân cánh tả Colombia là Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) và người kế nhiệm của ông, Nicolás Maduro, tiếp tục quá trình này, thăng chức cho các quan chức lên vị trí cao sau khi họ bị buộc tội buôn bán ma túy.[21]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ “Definition of DEEP STATE”. www.merriam-webster.com (bằng tiếng Anh). 21 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ “Conspiracy theories : a critical introduction | WorldCat.org”. search.worldcat.org (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ Ingber, Rebecca (18 tháng 10 năm 2019). “Bureaucratic Resistance and the Deep State Myth”. Just Security (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ http://abrahamson.medill.northwestern.edu/WWW/IALJS/Filkins_TheDeepState_NYer_12March2012.pdf
- ^ Ioffe, Julia (28 tháng 6 năm 2024). “Putin Is Down With Polygamy”. Foreign Policy (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ “What is the Deep State? | On Religion”. web.archive.org. 27 tháng 4 năm 2017. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ https://www.haaretz.com/israel-news/netanyahu-deep-state-israel-no-democracy-here-lieberman-1.8736138
- ^ “1981: Italy in crisis as cabinet resigns” (bằng tiếng Anh). 26 tháng 5 năm 1981. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ Worth, Robert F. (26 tháng 4 năm 2016). A Rage for Order: The Middle East in Turmoil, from Tahrir Square to ISIS (bằng tiếng Anh). Farrar, Straus and Giroux. ISBN 978-0-374-71071-2.
- ^ Roberts, Hugh (15 tháng 7 năm 2015). “The Hijackers”. London Review of Books (bằng tiếng Anh). 37 (14). ISSN 0260-9592. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ “'Allah, army and America': How Pakistan's Khan played anti-U.S. card”. Nikkei Asia (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ Jaffrelot, Christophe (2015). The Pakistan Paradox: Instability and Resilience (bằng tiếng Anh). Oxford University Press. ISBN 978-0-19-023518-5.
- ^ Filkins, Dexter (4 tháng 3 năm 2012). “The Deep State”. The New Yorker (bằng tiếng Anh). ISSN 0028-792X. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ “David Cameron's former director of strategy says Tony Blair warned him about a 'deep state' conspiracy”. Truy cập 8 tháng 9 năm 2024.
- ^ “Liz Truss questioned on 'deep state' comments”. BBC News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ Isquith, Elias (6 tháng 1 năm 2016). “Controlled by shadow government: Mike Lofgren reveals how top U.S. officials are at the mercy of the "deep state"”. Salon (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ a b Taub, Amanda; Fisher, Max (17 tháng 2 năm 2017). “As Leaks Multiply, Fears of a 'Deep State' in America”. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ Abramson, Alana (8 tháng 3 năm 2017). “Trump's Allies Keep Talking About the 'Deep State.' What's That?”. TIME (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ O'Mara, Margaret (26 tháng 10 năm 2019). “Opinion | The 'Deep State' Exists to Battle People Like Trump”. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ Goldsmith, Jack (22 tháng 4 năm 2018). “The 'deep state' is real. But are its leaks against Trump justified?”. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024.
- ^ “InSight Crime”, Wikipedia (bằng tiếng Anh), 21 tháng 3 năm 2024, truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2024