Bước tới nội dung

Nguyễn Thị Thu Nhi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Thị Thu Nhi
Thông tin cá nhân
Biệt danh
  • Thiên Thần Đen (Black Angel)
Hạng cânMini-flyweight
Chiều cao158 cm
Sải tay162 cm
Quốc tịchViệt Nam Việt Nam
Sinh22 tháng 10, 1996 (28 tuổi)
An Giang, Việt Nam
Tư thếTư thế chính thống
Sự nghiệp Quyền Anh
Tổng số trận5
Thắng5
Thắng KO1
Thua0
Hòa0
Thành tích huy chương
Nghiệp dư
Đại diện cho Việt Nam
Vô địch toàn quốc
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất 2015 Mini-flyweight
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất 2017 Mini-flyweight
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất 2018 Mini-flyweight
Vô địch Câu lạc bộ
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất 2015 Mini-flyweight
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất 2016 Mini-flyweight
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất 2017 Mini-flyweight
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất 2018 Mini-flyweight
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất 2019 Mini-flyweight

Nguyễn Thị Thu Nhi (biệt danh: Thiên Thần Đen (Black Angel); sinh ngày 22 tháng 10 năm 1996), là nữ võ sĩ Quyền Anh chuyên nghiệp người Việt Nam gốc Khmer. Cô hiện là đương kim vô địch Quyền Anh hạng ruồi nhẹ (mini-flyweight), giữ đai vô địch Tổ chức Quyền Anh Thế giới (WBO) là cũng là võ sĩ Việt Nam đầu tiên giành một danh hiệu vô địch chuyên nghiệp thế giới.[1] Thời còn là vận động viên thi đấu nghiệp dư, cô cũng từng giành Huy chương Vàng Quyền Anh Việt Nam, vô địch Quyền Anh Cúp các Câu lạc bộ toàn quốc.[2][3][4]

Xuất thân và nghiệp dư

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Thị Thu Nhi sinh ngày 22 tháng 10 năm 1996 tại tỉnh An Giang, trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cha cô là Chau Kim Thương (người Khmer) quê ở An Giang, mẹ cô là Nguyễn Thu Thủy quê ở Thành phố Hồ Chí Minh [5]. Cô sống cùng với bà ngoại và được bà ngoại nuôi lớn. Từ lúc còn nhỏ, cô đã phải cùng bà và mẹ rời An Giang tới Thành phố Hồ Chí Minh để kiếm sống, trang trải sinh hoạt hằng ngày bằng việc đi bán vé số, phụ việc ở quán ăn. Cô theo học Trường Trung học cơ sở Nguyễn Minh Hoàng ở Quận 11 rồi nghỉ giữa chừng năm 2010.[6]

Từ năm 2009, cô bắt đầu tập luyện võ thuật, khởi đầu là võ thuật cổ truyền, sau đó chuyển sang Quyền Anh. Với nỗ lực lớn, cô cho thấy sự vượt trội hơn hẳn so với các võ sĩ cùng hạng cân, được tuyển vào vào Đội tuyển Boxing Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là giai đoạn khó khăn vì phải tập luyện tập trung, không có thu nhập, phải đi làm thêm để trang trải, thậm chí từng nghỉ tập một thời gian. Năm 2015, cô đại diện cho Đội tuyển Boxing Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Giải vô địch Quyền Anh toàn quốc, hạng ruồi nhẹ và giành được Huy chương Vàng. Từ năm 2015, cô liên tục giành Huy chương Vàng Quyền Anh toàn quốc năm 2017, 2018; và vô địch Cúp các Câu lạc bộ toàn quốc liên tiếp 5 năm liền từ năm 2015 đến năm 2019.[7][8]

Sự nghiệp chuyên nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Giai đoạn đầu

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2019, cô tiếp xúc với nhà quảng bá người Hàn Quốc Kim Sang Bum, chủ quản Câu lạc bộ Cocky Buffalo, một câu lạc bộ võ thuật và Quyền Anh ở Việt Nam ở đầu tư từ Hàn Quốc. Cô đã ký kết hợp đồng với Cocky Buffalo và chính thức chuyển sang đấu trường Quyền Anh chuyên nghiệp, bắt đầu sự nghiệp của mình.

Ngày 25 tháng 08 năm 2019, Thu Nhi ra mắt trận đấu đầu tiên với võ sĩ Chan Mi Lim (4–7–1, 4 KO) người Hàn Quốc tại Nhà thi đấu Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ trận đấu 8 hiệp. Cô đã giành chiến thắng bằng quyết định đồng thuận của trọng tài sau 8 hiệp.[9] Ngày 3 tháng 11 năm 2019, tại sân nhà Cocky Buffalo Gym, cô có trận thứ 2 với nữ võ sĩ Thái Lan Kannika Bangnara (1–4). Trong trận này, Thu Nhi thể hiện sự tự tin ngay từ đầu, tấn công dồn dập Kannika Bangnara và liên tiếp những đòn đánh của cô đã khiến đối thủ bị KO chóng vánh bằng một cú đấm móc ở giây thứ 56 của hiệp 1. Kannika Bangnara phải nằm xuống sàn và trọng tài chính thức tuyên bố cô chiến thắng.[10]

Tranh đai WBO

[sửa | sửa mã nguồn]

Thu Nhi v. Kanyarat Yoohanngoh

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 29 tháng 2 năm 2021, Thu Nhi đối mặt với võ sĩ Thái Lan Kanyarat Yoohanngoh (7–4) tại Campuchia nhằm tranh đai WBO châu Á – Thái Bình Dương.[11] Trước khi thượng đài, võ sĩ Kanyarat Yoohanngoh được đánh giá cao khi từng đánh 11 trận chuyên nghiệp với 7 chiến thắng, trong khi Thu Nhi mới tham gia chuyên nghiệp. Trong trận, Thu Nhi vẫn nhập cuộc tự tin và liên tục dồn ép. Kanyarat Yoohanngoh nhiều lần ôm sát người để giảm nhịp tấn công của cô. Ở hiệp 4, võ sĩ Thái Lan bị trọng tài trừ điểm sau khi đã nhắc nhở nhiều lần việc ra đòn không đúng luật. Càng về những hiệp cuối, trong khi Thu Nhi vẫn sung sức, thì đối thủ lại thấm mệt. Điều này giúp cô tạo ra khác biệt, thi đấu bùng nổ vào các hiệp 8, 9 và 10. Sau 10 hiệp, các trọng tài đồng thuận chấm điểm cao hơn và cô giành chiến thắng bằng quyết định đồng thuận, trở thành nữ võ sĩ Việt Nam đầu tiên giành đai WBO châu Á – Thái Bình Dương.[12]

Thu Nhi v. Tada Etsuko

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau trận với Kanyarat Yoohanngoh, bằng việc có đai WBC châu Á – Thái Bình Dương, Thu Nhi giành quyền thách đấu với danh hiệu WBO thế giới. Tuy nhiên, do sự lây lan của Đại dịch COVID-19, trận đấu đã bị hoãn lại. Ngày 27 tháng 9, có thông báo rằng trận tranh đai vô địch hạng ruồi nhẹ thế giới WBO với Miyao Ayaka sẽ được tổ chức tại Việt Nam, nhưng tiếp tục bị hoãn. Sau đó, Miyao Ayaka tái đấu với Tada Etsuko và thua trận khiến cho trận tranh đai được đảo thành cuộc đối đầu giữa Thu Nhi và Tada Etsuko (20–3–3, 4 KO), trận đấu tiễn ra tại Hàn Quốc.[13]

Trong trận, Thu Nhi nhập cuộc khá thận trọng trước đối thủ nổi tiếng, chiến thuật phân phối sức hợp lý trong suốt 10 hiệp đấu (mỗi hiệp 2 phút). Sau đó, cô vận dụng các bước di chuyển chân để tung ra những đòn đánh nặng liên tiếp theo dạng cú jab, straighthook. Nắm lợi thế cực lớn ở hai hiệp đấu tiếp theo, cô buộc Tada Etsuko phải tăng tốc tấn công từ hiệp 5. Thế trận hai bên tấn công mạnh diễn ra rất quyết liệt, Thu Nhi dính đòn rách mắt trái đến đổ máu ở hiệp 8. Ở hai hiệp cuối 9, 10, hai bên tung toàn lực tấn công, giảm phòng thủ và trận đấu kết thúc, trọng tài tính điểm và Thu Nhi giành chiến thắng tỷ số 96–94, đoạt đai WBO thế giới.[14][15]

Thống kê sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]
Thống kê Quyền Anh chuyên nghiệp
5 trận 5 thắng 0 thua
Bằng knockout 1 0
Bằng quyết định trọng tài 4 0
Số Kết quả Chỉ số Đối thủ Dạng Thời gian Ngày Địa điểm Ghi chú
5 Thắng 5–0 Nhật Bản Tada Etsuko UD 10 23/10/2021 Hàn Quốc Wadong Gymnasium, Ansan Giành đai WBO thế giới hạng ruồi nhẹ
4 Thắng 4–0 Thái Lan Kanyarat Yoohanngoh UD 10 29/2/2020 Campuchia Felix Hotel Casino, Bavet Giành đai WBO châu Á Thái Bình Dương hạng ruồi nhẹ
3 Thắng 3–0 Thái Lan Kannika Bangnara TKO 1 (10), 0:56 3/11/2019 Việt Nam Nhà thi đấu Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
2 Thắng 2–0 Hàn Quốc Chan Mi Lim UD 8 25/8/2019 Việt Nam Nhà thi đấu Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
1 Thắng 1–0 Hàn Quốc Bo Ra Kim PTS 1 (6) 3/10/2015 Việt Nam Nguyen Du Gymnasium, Thành phố Hồ Chí Minh

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Đông Linh (ngày 24 tháng 10 năm 2021). “VIDEO: Toàn cảnh võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi giành đai WBO thế giới”. Người lao động. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2021.
  2. ^ Quỳnh Anh (ngày 23 tháng 10 năm 2021). “Nhà vô địch boxing WBO thế giới Nguyễn Thị Thu Nhi là ai?”. Báo Thanh niên. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  3. ^ Đông Linh (ngày 23 tháng 10 năm 2021). “Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi giành đai WBO thế giới, lập chiến tích lịch sử”. Người lao động. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  4. ^ Thiện Nhân (ngày 24 tháng 10 năm 2021). “Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi chia sẻ sau khi giành vô dịch quyền anh hạng ruồi nhẹ WBO”. Báo quốc tế. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  5. ^ https://m.baodantoc.vn/i-come-from-vietnam-toi-den-tu-viet-nam-1643818604902.htm
  6. ^ Thành Dương (ngày 23 tháng 10 năm 2021). “Nguyễn Thị Thu Nhi là ai? Tiểu sử và những điều chưa biết về nhà vô địch WBO Châu Á - Thái Bình Dương”. Thể thao. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  7. ^ Đình Hùng (ngày 24 tháng 10 năm 2021). “Đường đến kỳ tích vô địch WBO thế giới của võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi”. Báo Quân đội nhân dân. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  8. ^ Đơn Ca (ngày 13 tháng 4 năm 2020). "Nữ võ sĩ bé nhỏ" làm rạng danh quyền Anh Việt Nam”. Công an nhân dân.
  9. ^ “Thi Thu Nhi Nguyen vs Chan Mi Lim”. AnsianBoxing. ngày 3 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  10. ^ Bình Minh (ngày 4 tháng 11 năm 2019). “Mất hơn 10 giây, nữ võ sĩ Việt hạ đo ván đối thủ Thái Lan”. Báo Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  11. ^ Nguyên Khôi (ngày 29 tháng 2 năm 2020). “Thu Nhi - nữ võ sĩ quyền anh Việt Nam đầu tiên giành đai WBO châu Á-Thái Bình Dương”. Báo Tuổi trẻ. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  12. ^ Đông Huyền (ngày 29 tháng 2 năm 2020). “Võ sĩ Thu Nhi giành đai WBO châu Á”. VnExpress. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  13. ^ Hoàng Quỳnh (ngày 23 tháng 10 năm 2021). “Nguyễn Thị Thu Nhi: Từ cô bé bán vé số đến chiếc đai boxing lịch sử”. Báo Thanh niên. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  14. ^ Lâm Gia (ngày 23 tháng 10 năm 2021). “Nguyễn Thị Thu Nhi đánh bại Etsuko Tada, giành đai vô địch lịch sử cho Boxing Việt Nam”. Web thể thao. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.
  15. ^ Giang Lao (ngày 23 tháng 10 năm 2021). “Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi chung vai các nhà vô địch trứ danh của WBO”. Báo Thanh niên. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]