Bước tới nội dung

Nguyễn Hoàng Điệp

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nguyễn Hoàng Điệp
Nguyễn Hoàng Điệp vào năm 2015
Sinh27 tháng 6, 1982 (42 tuổi)
Hà Nội, Việt Nam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệp
Năm hoạt động2005–nay
Tác phẩm nổi bậtDanh sách
Con cái2

Nguyễn Hoàng Điệp (sinh ngày 27 tháng 6 năm 1982) là một nữ nhà làm phim kiêm doanh nhân người Việt Nam. Cô được biết đến rộng rãi với vai trò đạo diễn của phim điện ảnh Đập cánh giữa không trung (2014) – tác phẩm tham gia tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế như Liên hoan phim Venezia, Liên hoan phim AFI, Liên hoan phim ba châu lục, đồng thời giúp cô đạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Bratislava. Ngoài vai trò đạo diễn, Nguyễn Hoàng Điệp còn tham gia hỗ trợ các dự án phim điện ảnh độc lập của các nhà làm phim trẻ Việt Nam như Bi, đừng sợ!Ròm.

Nguyễn Hoàng Điệp từng được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật. Cô cũng là người sáng lập Ơ kìa Hà Nội, một không gian sáng tạo với mục đích kết nối nghệ thuật và đời sống, nghệ sĩ và công chúng.[1] Từ năm 2021, Nguyễn Hoàng Điệp là đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện của Cục Điện ảnh Việt Nam, nhiệm kỳ 2021–2023.[2]

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Hoàng Điệp sinh ngày 27 tháng 6 năm 1982 tại Hà Nội.[2][3] Cô theo học chuyên Văn tại trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam.[3] Sau khi tốt nghiệp phố thông, cô thi vào Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội và là thủ khoa khoa Đạo diễn.[4]

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

2005–2009: Phim ngắn đầu tay và phim truyền hình thiếu niên

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Hoàng Điệp bắt đầu sự nghiệp với phim ngắn đầu tay mang tên Mùa thứ 5 (2005), vốn là tác phẩm tốt nghiệp của cô tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Kịch bản của Mùa thứ 5 đã đoạt giải trong một cuộc thi viết kịch bản phim ngắn do hãng phim TPD Movie tổ chức, và sau đó chính Nguyễn Hoàng Điệp – tác giả của kịch bản, lúc đó đang là sinh viên năm cuối của trường – đã được tài trợ để làm phim.[5] Tác phẩm sau đó đã được lựa chọn vào vòng dự thi của Liên hoan phim ngắn quốc tế Rio De Janeiro vào năm 2005.[5] Năm 2006, bộ phim giành Giải ba tại Cuộc thi phim ngắn toàn quốc 2005 .[6]

Năm 2008, Nguyễn Hoàng Điệp được mời đảm nhiệm vai trò đồng đạo diễn cho phim truyền hình thiếu niên Chít và Pi, cùng với Nguyễn Quang Hải là tổng đạo diễn. Phim truyền hình dài 26 tập và được phát sóng trên kênh VTC1 từ tháng 5 năm 2008.[4] Nhớ những kinh nghiệm từ Chít và Pi, cô tiếp tục đảm nhiệm vai trò đạo diễn trong một dự án truyền hình ngắn cho thiếu niên khác là Bộ tứ 10A8, phát sóng từ tháng 6 năm 2009 trên kênh VTV3.[7] Phim truyền hình nhận được nhiều ý kiến trái chiếu từ khán giả.[7]

2010–nay: Đập cánh giữa không trung và các dự án phim độc lập

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2009, Nguyễn Hoàng Điệp tham gia dự án Bi, đừng sợ! dưới vai trò nhà sản xuất điện ảnh, làm việc trực tiếp với đạo diễn Phan Đăng Di.[8] Tác phẩm đã được gửi tham dự gần 40 liên hoan phim quốc tế cũng như giành được những giải thưởng lớn tại các liên hoan phim này.[8] Phim được công chiếu giới hạn tại Việt Nam từ ngày 18 tháng 3 năm 2011.[9] Sau ba ngày công chiếu tại Việt Nam, phim thu hút hơn 3000 lượt khán giả tới xem.[10]

Sau dự án Bi, đừng sợ! với vai trò nhà sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bắt đầu tập trung vào dự án điện ảnh đầu tay của mình mang tên Đập cánh.[11][12] Phần kịch bản được cô chấp bút từ năm 2008 khi đang tham gia dự án Quỹ Ford và đang mang thai đứa con thứ hai.[13][14] Từ năm 2010 đến 2012, Điệp lần lượt mang dự án đến trình bày ở Hàn QuốcÝ.[13] Ý tưởng ban đầu là câu chuyện về một cô gái trẻ mang thai ngoài ý muốn đang kiếm tiền để phá thai. Trong lúc đó, cô gái lại nhận được tiền từ một người đàn ông đứng tuổi có ham muốn tình dục đặc biệt với những phụ nữ có thai.[11] Theo nữ đạo diễn, bộ phim cần 400.000 EUR để triển khai,[15] nhưng dù tìm đến nhiều đơn vị trong nước nhờ hỗ trợ tài chính, cô đều bị từ chối.[16] Do đó, cô quyết định dùng tiền túi làm một phim ngắn có tên Hai, tư, sáu rồi sau đó đem phim ngắn này tới Liên hoan phim Cannes 2012 trình chiếu nhằm tìm kiếm các đối tác tài trợ từ nước ngoài.[17][18] Từ tháng 11 năm 2012, Đập cánh giữa không trung nhận được nhiều khoản hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh như World Cinema,[19] World Cinema Support và Francophonie của Pháp, Sorfund của Na Uy, CDEF của Đại sứ quán Đan Mạch, A&C của Việt Nam và Global của Hoa Kỳ.[20] Đập cánh giữa không trung khởi quay từ mùa hè năm 2013,[21][22] với quá trình làm hậu kỳ cho phim diễn ra hoàn toàn tại Pháp.[23] Tác phẩm công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim quốc tế Venezia lần thứ 71[24] và ra mắt tại tất cả các cụm rạp của Việt Nam ngày 23 tháng 1 năm 2015.[25][26] Phim được Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) trao giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venezia,[27][28] đồng thời giúp Nguyễn Hoàng Điệp giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Bratislava 2014.[29]

Đầu năm 2017, Nguyễn Hoàng Điệp cho biết cô đang chuẩn bị thực hiện dự án điện ảnh thứ hai mang tên Chuyện buồn nhất thế gian, với nội dung lấy cảm hứng từ những vụ án tình dục có thật, trong đó phụ nữ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.[30] Tuy nhiên đến cuối năm 2020, cô cho biết mình vẫn chưa thực hiện được bộ phim do những khó khăn ở khâu kịch bản.[31] Trước đó vào năm 2019, Nguyễn Hoàng Điệp đảm nhiệm vai trò sản xuất cho phim độc lập Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy.[31] Tác phẩm đạt nhiều kỷ lục phòng vé trong năm, và cùng với Tiệc trăng máu chiếm 30% doanh thu của tất cả phim Việt ra mắt năm 2020.[32] Phim khởi chiếu tại Việt Nam vào tháng 9 năm 2020, nhận về nhiều tranh cãi ở khâu kiểm duyệt cũng như tạo ra các luồng tranh cãi lớn trong cộng đồng về nội dung phim. Ròm đã đạt nhiều giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019[33][34] Liên hoan phim quốc tế Fantasia.[35][36] Tại Việt Nam, Ròm về nhất ở hạng mục Phim được yêu thích nhất tại Lễ trao giải Mai Vàng.[37][38] Tháng 8 năm 2021, các nguồn tin cho biết Nguyễn Hoàng Điệp sẽ đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất cho Memento Mori: Nước – dự án phim thuộc bộ ba tác phẩm Memento Mori the Movie do Marcus Mạnh Cường Vũ đạo diễn, được giới thiệu tại chợ dự án của Liên hoan phim quốc tế Busan 2021.[39]

Đời tư

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyễn Hoàng Điệp có hai con. Cô cũng là người sáng lập Ơ kìa Hà Nội, một không gian sáng tạo với mục đích kết nối nghệ thuật và đời sống, nghệ sĩ và công chúng.[1] Từ năm 2021, Nguyễn Hoàng Điệp là đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện của Cục Điện ảnh Việt Nam, thuộc nhiệm kỳ 2021–2023.[2] Nguyễn Hoàng Điệp cũng từng được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật.

Danh sách phim

[sửa | sửa mã nguồn]

Phim điện ảnh

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Tựa đề Vai trò Ghi chú
Đạo diễn Sản xuất Kịch bản
2005 Mùa thứ 5 Phim ngắn
2010 Bi, đừng sợ! Không Không
2012 Hai, tư, sáu Phim ngắn
2014 Đập cánh giữa không trung Phim đạo diễn đầu tay
2019 Ròm Không Không Trợ lý sản xuất
TBA Memento Mori: Nước Không Không
Chuyện buồn nhất thế gian

Phim truyền hình

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Tựa đề
2008 Chít và Pi
2009–2010 Bộ tứ 10A8

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Nguyễn Hoàng Điệp”. VnExpress. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2021.
  2. ^ a b c Bảo Anh (14 tháng 7 năm 2021). “Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Điện ảnh Việt cần tìm lối đi mới”. Phụ nữ Việt Nam. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2021.
  3. ^ a b Nhi Ong (3 tháng 3 năm 2015). “Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Đập cánh giữa hoang mang”. Harper's Bazaar Việt Nam. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2021.
  4. ^ a b Ngọc Trâm (20 tháng 4 năm 2008). 'Chít và Pi' - bộ phim về tuổi học trò trong sáng”. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2021.
  5. ^ a b “Mùa thứ 5 của Nguyễn Hoàng Điệp: Một tín hiệu trẻ đáng mừng”. Tuổi Trẻ. 20 tháng 11 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2021.
  6. ^ “Cuộc thi phim ngắn toàn quốc 2005: Nhiều cái nhìn góc cạnh và quyết”. Báo Thanh Niên. 9 tháng 1 năm 2006. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2023.
  7. ^ a b Ngọc Đinh (6 tháng 7 năm 2009). “Đạo diễn 'Bộ tứ 10A8': Đến trường không chỉ để học”. Tiền phong. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2021.
  8. ^ a b “Êkíp "Bi, đừng sợ" tìm diễn viên cho phim mới”. Kinh tế & Đô thị. 21 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2021.
  9. ^ Hạnh Phương (3 tháng 3 năm 2011). "Bi, đừng sợ" không được phát hành rộng rãi”. VietNamNet. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2021.
  10. ^ Nguyên Minh (23 tháng 3 năm 2011). 'Bi, đừng sợ' thu hút hơn 3000 lượt khách sau 3 ngày”. VnExpress. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2021.
  11. ^ a b Hoàng Vy (19 tháng 3 năm 2011). “Hoàng Điệp sốc và sex trong phim mới”. VietNamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  12. ^ Cát Khuê (1 tháng 6 năm 2012). “Thảm đỏ rất ngắn nhưng hành trình rất dài”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  13. ^ a b Hoàng Lan Anh (28 tháng 11 năm 2014). “Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Không muốn phim mình cất kho”. Người lao động. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  14. ^ Nguyên Minh (4 tháng 12 năm 2014). “Hoàng Điệp: 'Càng trưởng thành tôi càng bớt tin vào lãng mạn'. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2020.
  15. ^ Việt Văn (16 tháng 11 năm 2012). “Đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp: "Với tôi, định mệnh lớn nhất của đàn bà là cô đơn!". Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  16. ^ Lê Thiếu Nhơn (15 tháng 9 năm 2014). “Phim ta xin tiền Tây”. Nông nghiệp Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2020.
  17. ^ Thanh Hà (11 tháng 5 năm 2012). “Dự án phim "Đập cánh giữa không trung" tại liên hoan Cannes 2012”. RFI Tiếng Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  18. ^ “Tham dự Liên hoan phim Cannes là may mắn”. Kinh tế & Đô thị. 1 tháng 1 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  19. ^ Nguyên Minh (10 tháng 11 năm 2012). “Dự án phim Việt được LHP Berlin tài trợ”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  20. ^ Cát Khuê (22 tháng 5 năm 2014). "Điển hình tiên tiến" ở Cannes”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2020.
  21. ^ Trương Thu Hiền (22 tháng 11 năm 2014). "Có đi mới thành đường". Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  22. ^ Hiếu Trung (6 tháng 9 năm 2014). “Đập cánh giữa không trung đoạt giải tại LHP Venice”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2020.
  23. ^ Lan Lộc. “Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Không có sở thích nào ngoài làm phim” (PDF). Tin tức (34). tr. 14. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020 – qua Wayback Machine.
  24. ^ Nguyên Minh (25 tháng 7 năm 2014). 'Đập cánh giữa không trung' tham dự LHP Venice”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2020.
  25. ^ Thiên Hương (14 tháng 1 năm 2015). 'Đập cánh giữa không trung' công chiếu toàn quốc ngày 23.1”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  26. ^ Minh Hạnh (22 tháng 1 năm 2015). 'Đập cánh giữa không trung' sắp ra mắt”. Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  27. ^ Hiếu Trung (6 tháng 9 năm 2014). “Đập cánh giữa không trung đoạt giải tại LHP Venice”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2020.
  28. ^ “FEDEORA Awards in Venice”. Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA). Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 9 năm 2014. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2020.
  29. ^ “French film Party Girl wins 16th edition of Bratislava IFF”. Liên hoan phim quốc tế Bratislava. 27 tháng 10 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2020. The Best Director Award went to Vietnamese independent filmmaker Nguyen Hoang Diep for her feature-length debut, Flapping in the Middle of Nowhere (Dap Cánh Giua Không Trung)
  30. ^ Ngọc Diệp (21 tháng 3 năm 2017). 'Chuyện buồn nhất thế gian' tìm diễn viên không sợ cảnh 'nóng'. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2021.
  31. ^ a b Minh Anh (20 tháng 10 năm 2020). “Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi kém hiểu biết về đàn ông...”. Vietnam+. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2021.
  32. ^ Phúc Nguyễn (28 tháng 12 năm 2020). “Điện ảnh Việt nỗ lực năm 2020”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2021.
  33. ^ “24th Busan International Film Festival Awards Announced” [Công bố các giải thưởng của Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 24]. Liên hoan phim quốc tế Busan (bằng tiếng Anh). 10 tháng 12 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2021.
  34. ^ Mi Ly (12 tháng 10 năm 2019). 'Ròm' - phim chưa được cấp phép ở Việt Nam - đoạt giải tại Busan”. Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2020.
  35. ^ “The Fantasia International Film Festival announces awards for 24th edition” [Ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Fantasia lần thứ 24 công bố các giải thưởng]. Fantasia Film Festival (bằng tiếng Anh). 30 tháng 9 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2021.
  36. ^ Etan Vlessing (3 tháng 9 năm 2020). “Polish Comedy 'Marygoround' Wins Top Prizes at Fantasia Film Fest” [Phim hài Ba Lan 'Marygoround' thắng giải cao nhất tại Liên hoan phim Fantasia]. The Hollywood Reporter (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2021. Elsewhere, the New Flesh Award jury for debut genre films gave its best first feature prize to Rom, from Vietnamese director Tran Thanh Huy. [Trong một diễn biến khác, ban giám khảo giải Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất đã trao giải nhất cho phim Ròm của đạo diễn Việt Nam Trần Thanh Huy.]
  37. ^ Ban tổ chức (11 tháng 1 năm 2021). “Kết quả Giải Mai Vàng lần thứ 26-2020: Nhiều bất ngờ!”. Mai Vàng. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  38. ^ Thiên Anh (12 tháng 1 năm 2021). “Giải Mai Vàng 2020 gọi tên 'Ròm', 'Siêu trí tuệ Việt Nam', 'Áo cưới trước cổng chùa'. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2021.
  39. ^ Khánh Nguyên (10 tháng 8 năm 2021). “Dự án phim "Memento Mori: Nước" được chọn vào thị trường châu Á – Liên hoan phim Busan 2021”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2021.