Người nhập cư kỹ thuật số
Người nhập cư kỹ thuật số (Digital Immigrant) là một khái niệm được đưa ra bởi Marc Prensky để tạo sự khác biệt với người bản địa kỹ thuật số. Prensky đề cập đến những người được sinh ra trước kỷ nguyên kỹ thuật số mới này, bắt đầu vào khoảng trước những năm 1980, với tư cách là Người nhập cư kỹ thuật số. Theo ông, những người nhập cư kỹ thuật số có thể học cách sử dụng các công nghệ mới nhưng vẫn sẽ theo một cách nào đó ở trong quá khứ và họ không thể hiểu đầy đủ về người bản địa kỹ thuật số. Prensky ví điều này với sự khác biệt giữa việc học một ngôn ngữ mới và là một người bản ngữ. Theo ông, đặc điểm của người nhập cư kỹ thuật số bao gồm: không truy cập Internet trước để biết thông tin, in ra những thứ trái ngược với làm việc trên màn hình và đọc hướng dẫn sử dụng thay vì làm việc trực tuyến.[1]
Định nghĩa
[sửa | sửa mã nguồn]Người nhập cư kỹ thuật số (Digital Immigrant) là những người sinh ra không phải trong thời đại công nghệ số tuy nhiên họ lại tiếp xúc với công nghệ số khi đã trưởng thành và sống trong một môi trường công nghệ số phát triển.
Theo Prensky, những người nhập cư kỹ thuật số tương tự như những người nhập cư, họ sẽ phải tiếp xúc và học hỏi ở một môi trường mới. Trong số họ sẽ có những người có thể thích nghi với môi trường mới tốt hơn phần còn lại, đây là những người có khả năng thích ứng và học hỏi nhanh nhạy. Tuy nhiên, mặc dù vậy, họ vẫn sẽ giữ lại những đặc điểm của mình ở trong quá khứ ở một mức độ nào đó và họ không thể hiểu hoàn toàn về kỹ thuật số.[1]
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Thuật ngữ "người nhập cư kỹ thuật số" đã được phổ biến bởi chuyên gia về giáo dục Marc Prensky thông qua bài viết của ông có tựa đề "Người bản địa kỹ thuật số, Người nhập cư kỹ thuật số" vào năm 2001, trong đó ông viết về sự suy giảm đương thời của giáo dục Mỹ đối với sự thất bại của các nhà giáo dục hiện đại. Bài viết của ông cho rằng "sự xuất hiện và phổ biến nhanh chóng của công nghệ số trong thập kỷ cuối của thế kỷ 20" đã thay đổi cách suy nghĩ và xử lý thông tin của sinh viên, khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp thu các phương pháp giảng dạy lỗi thời.[2]
Yếu tố xác định người nhập cư kỹ thuật số [3]
[sửa | sửa mã nguồn]Thông thường có hai yếu tố để xác định người nhập cư kỹ thuật số: tuổi và khả năng tiếp cận công nghệ.
- Ranh giới rõ ràng về tuổi tác được giả định trong một số tài liệu (Jones và Czerniewicz, 2010; Wang và cộng sự 2012). Marÿan và Littlejohn (2011) tranh luận rằng những người nhập cư kỹ thuật số là những người được sinh ra trước năm 1985 - mười năm sau chiếc máy tính cá nhân đầu tiên được bán ra. Bennett và cộng sự. (2008) cho rằng những người được sinh ra trước năm 1980 có thể được phân loại là người nhập cư kỹ thuật số do sự xuất hiện của máy tính.
- Mặt khác, Kennedy và cộng sự (2008) chỉ ra rằng không hoàn toàn phù hợp khi chỉ cần phân biệt người nhập cư kỹ thuật số với người bản địa kỹ thuật số theo độ tuổi, vì xem xét một số người dân ở các khu vực kém phát triển, họ không có các kỹ năng kỹ thuật số cơ bản, ngay cả khi họ được sinh ra sau năm 1980. Vì vậy, khả năng tiếp cận công nghệ và internet là rõ ràng là một yếu tố quan trọng để phân biệt giữa người bản địa kỹ thuật số và người nhập cư kỹ thuật số. Tuy nhiên, một số nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy khả năng tiếp cận không đảm bảo cho việc sử dụng công nghệ tốt hơn (Ching et al. 2005; Li và Ranieri, 2010). Hơn nữa, một số yếu tố thú vị khác cũng được dùng để xác định người nhập cư kỹ thuật số, chẳng hạn như giới tính (Hosein et al. 2010), giáo dục (Save và Freeman, 2011), tình trạng kinh tế xã hội (Ferro et al. 2011), phát triển khu vực và điều kiện hộ gia đình (Helsper và Eynon, 2010).
Đặc điểm[4]
[sửa | sửa mã nguồn]Người nhập cư kỹ thuật số được coi là những cá nhân được sinh ra trước thời đại công nghệ, cụ thể là trước khi máy tính, Internet và điện thoại thông minh ra đời. Sở thích của họ là trò chuyện trực tiếp trái ngược với nhắn tin hoặc sử dụng những dịch vụ nhắn tin tức thời. Tương tự như vậy, họ muốn tương tác với một cá nhân hoặc một vài người chứ không phải là một nhóm lớn. Những người nhập cư kỹ thuật số này tập trung vào kết nối trực tiếp giữa người với người thay vì kết nối thông qua các dịch vụ mạng xã hội. Chính vì thế mà họ có những đặc điểm sau:
- Thứ nhất, vì những người nhập cư kỹ thuật số đã lớn lên mà không sử dụng công nghệ để dạy và học tập, họ có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc trong việc học cách sử dụng, khắc phục sự cố và hoạt động mà không có công nghệ, người nhập cư kỹ thuật số sẽ có những giải pháp cho những trường hợp công nghệ không giúp ích được.
- Thứ hai, người nhập cư kỹ thuật số rất xem trọng việc tiếp xúc với con người với con người trong xã hội. Là những cá nhân luôn sở hữu và gắn liền với điện thoại hoặc các thiết bị số khác, người bản địa kỹ thuật số có thể bỏ lỡ những tín hiệu xã hội hoặc giao tiếp phi ngôn ngữ xảy ra với những người xung quanh. (Drago, 2015). Với những kinh nghiệm sống của những người nhập cư kỹ thuật số, họ có thể chứng minh tác động và tầm quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ (ví dụ: ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, nét mặt, v.v.) trong các tương tác giữa người với người.
- Thứ ba, người nhập cư kỹ thuật số sử dụng từ ngữ đúng đắn khi nhắn tin, không viết tắt, không sử dụng tiếng lóng. Bởi vì sinh ra trong thời kỳ trước khi công nghệ bùng nổ nên những người nhập cư kỹ thuật số đã quen với những công cụ chính thống như sách, báo chí bằng giấy, tivi, radio, họ cũng đã quen với cách viết, lối văn đúng đắn, sử dụng những từ ngữ phổ thông, chính xác mà không viết tắt hay sử dụng những từ lóng trên internet như của người bản địa kỹ thuật số.
- Thứ tư, người nhập cư kỹ thuật số thích các kênh liên lạc truyền thống, chẳng hạn như điện thoại, email hoặc liên lạc trực tiếp hơn là sử dụng các kênh liên lạc như mạng xã hội facebook, twitter,... hay thông qua các cộng đồng trực tuyến. Khi sử dụng các kênh liên lạc truyền thống này thì những người nhập cư kỹ thuật số cảm thấy khá là đơn giản, dễ dàng, họ cảm thấy riêng tư và dễ tương tác với người khác hơn là sử dụng các kênh liên lạc khác.
Phân loại [5]
[sửa | sửa mã nguồn]Không phải tất cả người nhập cư kỹ thuật số đều giống nhau. Trong khi hầu hết người bản địa kỹ thuật số là người am hiểu công nghệ nhờ vào việc họ được sinh ra xung quanh công nghệ, một số khác có sở trường về công nghệ và máy tính, hoặc thậm chí có sở thích hoặc thiên hướng nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Thì người nhập cư kỹ thuật số cũng rõ ràng là một nhóm rất đa dạng về thái độ và năng lực kỹ thuật số. Người nhập cư kỹ thuật số được chia thành ba nhóm chính:
Nhóm người trốn tránh
[sửa | sửa mã nguồn]- Nhóm người này thích một lối sống gần như không có công nghệ hoặc với sử dụng công nghệ một cách tối thiểu nhất. Họ có xu hướng sử dụng điện thoại cố định, không có điện thoại di động và không có tài khoản email. Họ không tham gia mạng xã hội, không hứng thú với các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và điều mang tính minh họa cao cho nhóm này là họ không thấy nhiều giá trị trong các hoạt động này.
Nhóm người chấp nhận bất đắc dĩ
[sửa | sửa mã nguồn]- Người trong nhóm này nhận ra công nghệ là một phần của thế giới ngày nay và họ cố gắng tham gia với nó, nhưng nó cảm thấy xa lạ và không trực quan. Nhóm này rất đa dạng và chiếm hầu hết trong những người nhập cư kỹ thuật số. Họ có thể có một chiếc điện thoại di động với những tính năng cơ bản, nhưng họ không nhắn tin. Thỉnh thoảng họ có thể sẽ sử dụng Google, nhưng không có tài khoản Facebook, không thường xuyên kiểm tra email. Nhóm này được biết đến nhiều hơn bởi thái độ thận trọng, dè chừng của họ đối với công nghệ kỹ thuật số thay vì sẵn sàng sử dụng các công nghệ này.
Nhóm người tiếp nhận nhiệt tình
[sửa | sửa mã nguồn]- Nhóm này bao gồm những người nhập cư kỹ thuật số có tiềm năng để theo kịp với người bản địa kỹ thuật số, do có năng lực và quan tâm đến việc sử dụng công nghệ. Họ có thể là giám đốc điều hành công nghệ cao, lập trình viên, doanh nhân và những người nắm bắt công nghệ và đắm mình trong văn hóa Internet. Nhóm này nhận thấy giá trị của công nghệ và cố gắng để sử dụng nó. Một số thành viên của nhóm này - rất ít - giống như Bill Gates và có sở trường về công nghệ mặc dù họ là những người nhập cư kỹ thuật số. Thành viên của nhóm này nhắn tin, sử dụng Skype, có và sử dụng Facebook (nhận ra rằng đây là cách tốt nhất để tương tác với thế hệ trẻ và kết nối với những người bạn cũ), kiểm tra email thường xuyên và rất hào hứng với những tiện ích mới và sự phát triển của công nghệ. Họ cũng có thể có blog và trang web nếu họ đang kinh doanh.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b Prensky, M. (2001). Digital natives, digital immigrants
- ^ Harding, Tucker. (2010). Digital Natives and Digital Immigrants
- ^ An integrated framework of online generative capability: Interview from digital immigrants
- ^ Niagara University. What Digital Natives and Digital Immigrants can teach on another
- ^ Zur, O. & Zur, A. (2011) On Digital Immigrants and Digital Natives: How the Digital Divide Affects Families, Educational Institutions, and the Workplace. Zur Institute -Online Publication.