Lịch sử Công giáo Việt Nam (1975–1986)
Lịch sử Công giáo Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1986.
Bối cảnh: trước và trong năm 1975
[sửa | sửa mã nguồn]Trước và trong biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, kết thúc chiến tranh Việt Nam, tâm trạng chung trong cộng đồng người Công giáo được ghi nhận là sợ hãi và hoang mang. Nhiều quan điểm cho rằng sẽ có một "cuộc tắm máu" và nhiều thông tin về các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân gốc di cư và trong vùng quân giải phóng quản lý. Nhiều tín đồ Công giáo quyết định di tản đến các quốc gia có Công giáo nhằm duy trì đời sống tôn giáo của họ. Theo bài viết trên trang Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Thuyên cho biết đa số các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tự nguyện không di tản. Theo số liệu trong cùng bài viết, [vào thời điểm đó], Giáo hội Công giáo tại Việt Nam Cộng hòa có 25 giám mục (15 đương nhiệm), khoảng 2.000 linh mục và gần 7.500 tu sĩ.[1] Bốn mươi năm sau biến cố, Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần thừa nhận biến cố này "là một thử thách lớn đối với đức tin" cho những tín đồ Công giáo Việt Nam.[2]
Trước biến cố, nhiều tin đồn về việc các giáo sĩ quyết định tổ chức di cư đã nổ ra, tuy đã bị Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình bác bỏ vào ngày 8 tháng 4 năm 1975.[1] Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế Philípphê Nguyễn Kim Điền đã ra thư mục vụ bày tỏ lòng vui mừng về việc kết thúc chiến tranh trước đó vào ngày 1 tháng 4, sau khi quân giải phóng chiếm thành công Thành phố Huế ngày 26 tháng 3 năm 1975. Tổng giám mục Điền cũng đã tham dự lễ ra mắt Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thành phố Huế vào ngày 9 tháng 4, và phát biểu bày tỏ tin tưởng Mặt trận đảm bảo các quyền tự do, trong đó có tự do tôn giáo.[3] Cách riêng Tổng giám mục Bình cũng phát hành thư chung gửi giáo sĩ và giáo dân, trong đó cho biết việc chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại và niềm vui chung cho cả dân tộc và là "hồng ân của Thiên Chúa".[1]
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, tuy lượng giáo dân di tản sau biến cố năm 1975 là ít, tuy vậy tinh thần của các giáo hội địa phương tại miền Bắc chưa có nhiều biến chuyển, do chưa tiếp cận được tinh thần của Công đồng Vatican II.[4] Theo linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS viết trên trang Hội đồng Giám mục Việt Nam, [sau biến cố năm 1975], hàng trăm nghìn người đã di tản ra khỏi Việt Nam, trong đó tỉ lệ người Công giáo là đáng kể đến.[5] PGS. TS Đỗ Quang Hưng cho biết làn sóng di tản (sau gọi là thuyền nhân) bao gồm khoảng 130.000 tín đồ Công giáo, trong đó có hàng trăm linh mục và tu sĩ.[6] Trang tin Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu cho rằng con số giáo dân di tản là nửa triệu người.[7] Khác với năm 1954, không có bất kỳ Giám mục nào quyết định di tản sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975.[3]
Trang tin Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu nhận định Nhà nước Việt Nam đã cho tổ chức nhóm linh mục quốc doanh để hỗ trợ các chính sách của Đảng, thông qua tờ báo "Công Giáo và Dân Tộc". Nhóm này được nhận định đã góp phần đuổi Khâm sứ Tòa Thánh Henri le Maitre ra khỏi Việt Nam, cũng như trong việc giam giữ Tổng giám mục phó Sài Gòn Nguyễn Văn Thuận.[7] Tổng giám mục Thuận bị đưa ra khỏi Sài Gòn ngày 15 tháng 8 năm 1975.[3] Các giám mục Việt Nam trên toàn quốc đã gặp mặt và ra thông cáo chung vào ngày 20 tháng 12 năm 1975. Các giám mục, linh mục và giáo dân đã tìm hiểu về các chủ đề: các tương quan trong xã hội mới, nghiên cứu nội bộ miền Nam và tìm hiểu việc huấn luyện các tín đồ.[3]
Giai đoạn 1976–1980
[sửa | sửa mã nguồn]Nhiều vấn đề tạo nên sự mâu thuẫn giữa Nhà nước và Giáo hội Công giáo, gần như phá hỏng sự đối thoại. Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, trong cuộc họp với Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tại tỉnh Bình Trị Thiên cho rằng tự do tôn giáo chỉ có trên văn bản, thiếu thực hành nên có nhiều sự chống đối. Tổng giám mục ví dụ hai vụ việc: vụ Phật giáo Ấn Quang và vụ án nhà thờ Vinh Sơn. Một bài phát biểu khác của Tổng giám mục Điền đã dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa ông và chính quyền. Tổng giám mục Điền sau đó bị quản thúc.[8]
Sau khi tham dự đoàn đại biểu từ miền Nam đến thăm miền Bắc, linh mục Chân Tín cho bài đăng trên tạp chí Đứng Dậy. Ông bày tỏ quan điểm của giới Công giáo, rằng CNXH Mác - Lênin nhìn Thiên Chúa giáo như một ảo tưởng, nên nếu Nhà nước có ban Sắc lệnh tự do tôn giáo, thì đó chỉ là một cái gì đó tạm thời mà thôi."[6]
Hội đồng Giám mục [Miền Nam] Việt Nam công bố Thư Mục vụ vào ngày 16 tháng 7 năm 1976, cho rằng “Người Công giáo kề vai chung sức với mọi người để xây dựng đất nước và làm những gì đem lại lợi ích chung cho cộng đồng dân tộc mà không nghịch với đức tin và lương tâm Kitô giáo”. Theo tác giả Nguyễn Văn Thuyên, trong các cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong năm 1976 với Tổng giám mục Điền (1 tháng 9); Tổng giám mục Bình và Giám mục Nguyễn Ngọc Quang (22 tháng 9), các giám mục bày tỏ lòng tin tưởng chính phủ và "hứa làm cho giáo dân cộng tác" với người dân trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Tác giả Nguyễn Văn Thuyên, viết trên trang Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cho biết qua việc đọc thư chung của các giám mục năm 1976, ông cho rằng "cách mạng tôn trọng sự tự do của tín hữu". Cũng theo ông, Giáo hội Công giáo đã hiến các trường tư thục để hỗ trợ [Nhà nước] trong việc giáo dục miễn phí cho trẻ em.[1]
Trong việc tham gia xây dựng "Vùng Kinh tế mới", với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục [miền Nam], Tổng giám mục Bình đã tham gia bằng cách cùng 195 linh mục và 136 nữ tu tham gia chương trình "lao động xã hội chủ nghĩa" trong vòng ba tháng, từ tháng 5 diến tháng 7 năm 1976. Cách riêng tại Tổng giáo phận Sài Gòn (từ tháng 11 năm 1976 là Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh), Tổng giám mục thành lập "Ban Mục vụ Kinh Tế Mới" và "Ban Lao động Sản xuất" ngay tại Tòa Tổng giám mục. Tổng giám mục Bình cũng khuyến khích giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân học tập chính trị, tham gia lao động, các riêng khuyến khích các linh mục học thêm một nghề để kiếm sống khi cần. [Sau biến cố năm 1975], các trường học, cô nhi viện, bệnh viện và ngân hàng thuộc về Giáo hội Công giáo Việt Nam không còn tồn tại.[1] Nhiều giáo dân không di tản đã được đưa lên vùng kinh tế mới, hoặc phải đi học tập cải tạo, cùng với các linh mục tuyên úy quân đội và một số linh mục khác. Nhiều linh mục qua đời do hoàn cảnh thiếu thốn.[7]
Sau biến cố năm 1975, theo linh mục Lê Công Đức, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam gặp nhiều thử thách, đặc biệt là [các giáo phận] tại miền Nam Việt Nam, đối mặt với việc chuyển đổi chế độ chính trị. Các sinh hoạt tôn giáo trở nên khó khăn: gần như không thể truyền chức, thuyên chuyển, bổ nhiệm các chức sắc; phụng tự Công giáo bị kiểm soát và đình chỉ các sinh hoạt tôn giáo ngoài khuôn viên nhà thờ. Cũng theo linh mục này, Giáo hội Công giáo bị trưng dụng các cơ sở từ thiện, y tế và giáo dục. giáo dục, y tế, từ thiện của Giáo hội bị trưng dụng, trong khi các học viện Công giáo cũng như chủng viện bị giải thể. Việc liên lạc với thể giới bên ngoài, kể cả qua các kênh thông tin Giáo hội Công giáo lâm cảnh bế tắc. Linh mục Đức cho rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam "có vẻ như chỉ còn sự tồn tại."[5] Theo phó tế Phạm Bá Nha, trong khi giai đoạn trước năm 1975, Giáo hội Công giáo tại miền Nam có 16 tiểu chủng viện và một đại chủng viện cho mỗi giáo phận; đến năm 1980, toàn quốc chỉ còn sáu đại chủng viện để tuyển sinh hạn chế hai năm một lần, trong khi các dòng tu không được tuyển các tu sinh gia nhập dòng.[9]
Trong giai đoạn này, cũng có các vụ xung đột với chính quyền qua vụ án nhà thờ Vinh Sơn năm 1976 và vụ việc trưng thu 5 dòng tu năm 1978 tại Thủ Đức.[10]
Giai đoạn 1980–1986
[sửa | sửa mã nguồn]Cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1980, sau nhiều sự chuẩn bị, Hội đồng Giám mục Việt Nam toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội.[4]
Xung đột
[sửa | sửa mã nguồn]Chính quyền Việt Nam và Giáo hội Công giáo nhiều lần xảy ra mâu thuẫn trong giai đoạn 1975 đến năm 1986:[9]
- 200 linh mục bị đưa đi học tập cải tạo sau biến cố năm 1975
- Không chấp nhận việc bổ nhiệm Tổng giám mục phó Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và giam tù (1975-1988) và trục xuất (1991).
- Vụ án nhà thờ Vinh Sơn (tháng 2 năm 1976)
- Tịch thu 5 dòng tu tại Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 2 năm 1978)[10]
- Đóng cửa Trung tâm Đắc Lộ (tháng 3 năm 1981)
- Bắt giữ các nữ tu dòng Chúa Quan Phòng (tháng 6 năm 1984).
- "Mời làm việc" Giám mục Phạm Ngọc Chi và Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền (1984)
- Mở các chiến dịch phản đối việc tôn phong các thánh tử đạo Việt Nam.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d e Nguyễn Văn Thuyên (ngày 24 tháng 4 năm 2024). “Người Công giáo miền Nam sau sự kiện 30/4/1975”. Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2025. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2025.
- ^ Gm. Bùi Tuần. “Một cái nhìn về Hội Thánh địa phương sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975”. Báo Công giáo và Dân tộc. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b c d “Giáo hội Công giáo Việt Nam và nỗ lực truyền giáo 50 năm qua (2)”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. ngày 30 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b PGS.TS Nguyễn Hồng Dương (ngày 2 tháng 8 năm 2023). “Hệ thống tổ chức Giáo hội của Công giáo ở Việt Nam (P29)”. Công giáo và Dân tộc. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS (ngày 8 tháng 5 năm 2021). “NHÌN LẠI GIÁO HỘI VIỆT NAM 60 NĂM QUA - NHẬN DIỆN NHỮNG CƠ HỘI VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ HIỆN NAY”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b GS.TS Đỗ Quang Hưng (ngày 10 tháng 8 năm 2023). “Công giáo và dân tộc ở nước ta trong bối cảnh đất nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”. Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b c “Giáo Hội Việt Nam dưới thời chế độ Cộng Sản”. Truyền giáo Việt Nam tại Á Châu. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2025.
- ^ Gm Phaolô Nguyễn Thái Hợp (2013). “Tương Quan Giữa Giáo Hội Và Nhà Nước Tại Việt Nam”. Giáo phận Đà Lạt. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b Phó Tế Phạm Bá Nha (ngày 14 tháng 3 năm 2004). “Nhìn lại 70 năm qua lịch sử Giáo Hội Việt Nam”. VietCatholic News. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
- ^ a b “GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM VÀ NỖ LỰC TRUYỀN GIÁO 50 NĂM QUA (3)”. Hội đồng Giám mục Việt Nam. ngày 30 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]- Tâm sự của một người Công giáo trong ngày 30/4, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.