Kinh Lễ
Kinh Lễ Lễ ký | |
---|---|
禮記 | |
Một trang Kinh Lễ bản chữ Hán trước năm 907 | |
Thông tin sách | |
Quốc gia | Trung Quốc |
Ngôn ngữ | chữ Hán |
Chủ đề | Lễ |
Nhà xuất bản | Lưu Hướng, Đới Đức, Đới Thánh |
Kinh Lễ | |||||||||||||||||||||||||||
Tên tiếng Trung | |||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Phồn thể | 禮記 | ||||||||||||||||||||||||||
Giản thể | 礼记 | ||||||||||||||||||||||||||
Nghĩa đen | Lễ Ký | ||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||
Tên tiếng Trung thay thế | |||||||||||||||||||||||||||
Phồn thể | 禮經 | ||||||||||||||||||||||||||
Giản thể | 礼经 | ||||||||||||||||||||||||||
Nghĩa đen | Kinh Lễ | ||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||
Tên tiếng Việt | |||||||||||||||||||||||||||
Tiếng Việt | Kinh Lễ/Lễ ký | ||||||||||||||||||||||||||
Tên tiếng Triều Tiên | |||||||||||||||||||||||||||
Hangul | 예기 | ||||||||||||||||||||||||||
Hanja | 禮記 | ||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||
Tên tiếng Nhật | |||||||||||||||||||||||||||
Kanji | 礼記 | ||||||||||||||||||||||||||
|
Kinh Lễ hay còn gọi là Lễ ký (tiếng Trung: 禮記 Lǐ Jì) là một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, tương truyền do các môn đệ của Khổng Tử thời Chiến quốc viết, ghi chép các lễ nghi thời trước. Lễ ký cùng với Chu lễ và Nghi lễ được gọi chung là Tam lễ.
Khổng Tử hiệu đính lại Kinh Lễ mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự. Khổng Tử nói: "Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời"[1].
Văn bản
[sửa | sửa mã nguồn]Học giả thời Hán là Đới Đức đã dựa vào bản do Lưu Hướng thu thập gồm 130 thiên rồi tổng hợp giản hoá còn 85 thiên gọi là Đại Đới Lễ ký, sau đó cháu Đới Đức là Đới Thánh lại đơn giản hoá Đại Đới Lễ ký còn 46 thiên, thêm vào các thiên Nguyệt lệnh, Minh Đường vị và Nhạc ký, tổng cộng là 49 thiên, được gọi là Tiểu Đới Lễ ký. Đại Đới Lễ ký đến thời Tuỳ, Đường bị thất lạc quá nửa, hiện nay chỉ còn 39 thiên, do đó Tiểu Đới Lễ ký là bản Lễ ký thông dụng hiện nay[2].
Thời Hán Cảnh Đế, Lỗ Cung Vương Lưu Dư phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng cung thất, được một bản Kinh Lễ bằng cổ văn bao gồm 56 thiên[3][4]. Các học giả về Lễ lấy phần tương đồng với 17 thiên Nghi lễ sao chép lại, nên được lưu truyền. Các thiên Bôn tang, Đầu hồ được tìm thấy ở ngoài 40 thiên, cũng được sao chép và lưu truyền. Các thiên khác do được lưu trữ ở trong bí phủ, người ngoài khó lòng xem được, về sau bị thất truyền nên được gọi là Dật Lễ (Lễ đã mất).
Thời Đường, Khổng Dĩnh Đạt biên soạn Lễ ký chính nghĩa, trong đó dẫn Lục nghệ luận của Trịnh Huyền nói rằng: "Đầu thời Hán, Cao Đường Sinh có được 17 thiên "Lễ" [...] sau đó lại có được trong vách của họ Khổng một bản "Lễ" bằng cổ văn của Hà Gian Hiến Vương bao gồm 56 thiên [...] một bản "Ký" bao gồm 131 thiên"[5]. Quan điểm cho rằng Tiểu Đới truyền thụ 49 thiên Lễ ký bắt đầu có từ Trịnh Huyền thời Đông Hán, theo Khổng Dĩnh Đạt dẫn Lục nghệ luận: "Xét Hán thư, các thiên Nghệ văn chí, Nho lâm truyện, truyền thụ "Kinh Lễ" bao gồm 13 nhà, chỉ có Cao Đường Sinh cùng với năm học trò là Đới Đức, Đới Thánh là nổi tiếng [...] Ngày nay "Lễ" được lưu hành trên đời đều là cái học của Đới Đức, Đới Thánh [...] Đới Đức truyền 85 thiên "Ký", tức là "Đại Đới ký", Đới Thánh truyền 49 thiên "Ký", tức là bản "Lễ ký" này"[6]. Quan điểm cho rằng Đại Đới san định bản "Ký" thời cổ, Tiểu Đới san định bản của Đại Đới là theo Kinh điển thích văn, thiên Tự lục của Lục Đức Minh đời Đường dẫn lời tựa Chu lễ luận của Trần Thiệu đời Tấn nói rằng: "Đới Đức san định bản "Lễ" thời cổ bao gồm 204 thiên xuống còn 85 thiên, gọi là "Đại Đới Lễ". Đới Thánh san định "Đại Đới Lễ" xuống còn 49 thiên, gọi là "Tiểu Đới Lễ". Mã Dung, Lư Thực đời Hậu Hán khảo cứu những điểm dị đồng của các nhà, phụ thêm vào các thiên của Đới Thánh, bỏ những phần rườm rà cùng những phần sơ lược, được lưu hành trên đời, tức là bản "Lễ ký" hiện nay. Trịnh Huyền cũng theo bản của Lư, Mã mà chú thích"[7]. Tùy thư, Kinh tịch chí được biên soạn trong niên hiệu Trinh Quán thời Đường cũng theo quan điểm này: "Đầu thời Hán, Hà Gian Hiến Vương có được một bản "Ký" của học trò Trọng Ni và các học giả đời sau, dâng lên triều đình, bao gồm 131 thiên, lúc đó không có người truyền lại. Lưu Hướng khảo hiệu kinh sách, kiểm lại còn 130 thiên, Hướng nhân đó mà sắp xếp lại theo thứ tự. Lại có thêm 33 thiên "Minh Đường Âm dương ký", 7 thiên "Khổng Tử tam triều ký", 27 thiên "Vương Sử thị ký", 23 thiên "Nhạc ký", tổng cộng là năm loại, 214 thiên. Đới Đức bỏ những phần trùng lặp, hợp với lời ký, còn 85 thiên, gọi là "Đại Đới ký". Đới Thánh lại san định sách của Đại Đới, còn 46 thiên, gọi là "Tiểu Đới ký". Cuối thời Hán, Mã Dung truyền lại cái học của Tiểu Đới. Dung lại định một thiên "Nguyệt lệnh", một thiên "Minh Đường vị", một thiên "Nhạc ký", tổng cộng là 49 thiên, Trịnh Huyền học với Dung, lại làm chú thích"[8].
Những năm gần đây có nhiều ý kiến hoài nghi việc Đới Đức, Đới Thánh san định Lễ ký, do số thiên và nội dung các thiên trong Đại Đới Lễ ký và Tiểu Đới Lễ ký khác nhau, cùng với các nguồn tài liệu khác đặt ra vấn đề liệu thời Hán đã tồn tại và lưu truyền Đại Đới Lễ ký hay chưa. Do Hán thư, Nghệ văn chí không hề ghi chép nội dung truyền thụ của Đại Đới và Tiểu Đới, cũng không nói rõ việc Đại Đới và Tiểu Đới biên soạn Lễ ký, mà chỉ nói rằng: ""Lễ cổ kinh" bao gồm 56 quyển, "Kinh" bao gồm 70 (17) thiên, "Ký" bao gồm 131 thiên [...] Phàm Lễ có 13 nhà, 555 thiên"[9]. Tuy nhiên, Hán thư, Nghệ văn chí có ghi chép việc Đới Đức, Đới Thánh được lập làm học quan: "Đầu thời Hán, Cao Đường Sinh người nước Lỗ truyền thụ 17 thiên "Sĩ lễ" (tức là Nghi lễ), đến thời Hiếu Tuyên thì Hậu Thương là nổi tiếng nhất. Đới Đức, Đới Thánh, Khánh Phổ đều là học trò (của Hậu Thương), cả ba nhà được lập làm học quan. "Lễ cổ kinh" có xuất xứ từ Yêm Trung nước Lỗ và nơi họ Khổng, lời văn giống với 17 thiên (Sĩ lễ), ngoài ra còn có nhiều hơn 39 thiên"[10]. Hán thư, Nho lâm truyện cũng có ghi chép thầy học và học trò của Đại Đức và Đới Thánh. Hiện nay đã biết rõ hai chữ "Lễ" và "Lễ ký" mà người thời Hán sử dụng có ranh giới không rõ ràng. Các văn bản được viết trên thẻ tre mới được phát hiện gần đây mang hy vọng mới cho việc tìm hiểu văn bản Lễ ký, như qua phân tích văn bản trên thẻ tre Quách Điếm cho thấy thiên Truy y xuất hiện trước thời Tần.
Các tác phẩm chú thích Lễ ký gồm có:
- Lễ ký chú sớ: Trịnh Huyền thời Đông Hán soạn Lễ ký chú, Khổng Dĩnh Đạt thời Đường soạn Lễ ký chính nghĩa, 63 quyển, một trong Ngũ kinh chính nghĩa, Thập tam kinh chú sớ.
- Đại học chương cú 1 quyển, Trung dung chương cú 1 quyển, nằm trong bộ Tứ thư chương cú tập chú của Chu Hy thời Nam Tống.
- Lễ ký tập thuyết 10 quyển của Trần Hạo thời Nguyên, là kinh điển dùng trong khoa cử thời Minh[11].
- Lễ ký tích nghi 48 quyển của Phương Bao thời Thanh.
Các tác phẩm nghiên cứu về Lễ ký hiện nay là Lễ ký dịch chú của Tiền Huyền, Lễ ký dịch giải của Vương Văn Cẩm, Lễ ký hiệu chú của Trần Thú Quốc.
Bố cục
[sửa | sửa mã nguồn]Tiểu Đới Lễ ký
[sửa | sửa mã nguồn]Tiểu Đới Lễ ký (bản thông dụng) gồm 49 thiên:
- Khúc lễ thượng
- Khúc lễ hạ
- Đàn cung thượng
- Đàn cung hạ
- Vương chế
- Nguyệt lệnh
- Tăng Tử vấn
- Văn Vương thế tử
- Lễ vận
- Lễ khí
- Giao đặc sinh
- Nội tắc
- Ngọc tảo
- Minh Đường vị
- Tang phục tiểu ký
- Đại truyện
- Thiếu nghi
- Học ký
- Nhạc ký
- Tạp ký thượng
- Tạp ký hạ
- Tang đại ký
- Tế pháp
- Tế nghĩa
- Tế thống
- Kinh giải
- Ai Công vấn
- Trọng Ni yên cư
- Khổng Tử nhàn cư
- Phường ký
- Trung dung
- Biểu ký
- Truy y
- Bôn tang
- Vấn tang
- Phục vấn
- Gián truyện
- Tam niên vấn
- Thâm y
- Đầu hồ
- Nho hạnh
- Đại học
- Quan nghĩa
- Hôn nghĩa
- Hương ẩm tửu nghĩa
- Xạ nghĩa
- Yến nghĩa
- Sính nghĩa
- Tang phục tứ chế
Đại Đới Lễ ký
[sửa | sửa mã nguồn]Đại Đới Lễ ký hiện còn 39 thiên:
- Chủ ngôn
- Ai Công vấn ngũ nghĩa
- Ai Công vấn ư Khổng Tử
- Lễ tam bản
- Lễ sát
- Hạ tiểu chính
- Bảo phó
- Tăng Tử lập sự
- Tăng Tử bản hiếu
- Tăng Tử lập hiếu
- Tăng Tử đại hiếu
- Tăng Tử sự phụ mẫu
- Tăng Tử chế ngôn thượng
- Tăng Tử chế ngôn trung
- Tăng Tử chế ngôn hạ
- Tăng Tử tật bệnh
- Tăng Tử thiên viên
- Vũ Vương tiễn tộ
- Vệ Tướng quân Văn Tử
- Ngũ Đế đức
- Đế hệ
- Khuyến học
- Tử Trương vấn nhập quan
- Thịnh đức
- Minh Đường
- Thiên thặng
- Tứ đại
- Ngu Đới đức
- Cáo chí
- Văn Vương quan nhân
- Chư hầu thiên miếu - Chư hầu hấn miếu
- Tiểu biện
- Dụng binh
- Thiểu nhàn
- Triều sự
- Đầu hồ
- Công phù
- Bản mệnh
- Dịch bản mệnh
Nội dung
[sửa | sửa mã nguồn]Chu Hy soạn sách Chu Tử gia lễ, cho rằng Lễ ký chỉ dùng để giải thích Nghi lễ[12]. Nguyễn Nguyên trong Thư Đông Hoản Trần thị "Học bộ thông biện" hậu nói rằng: "Chu Tử lúc trung niên giảng về lý, cố nhiên tinh thuần, lúc cuối đời giảng về lễ, càng chịu đựng những phức tạp khó khăn. Thành thật thấy rằng lý đều bắt nguồn từ lễ. Xưa nay sở dĩ trị được thiên hạ là do lễ, ngũ luân đều là lễ [...] Như nhà Ân chuộng màu trắng, nhà Chu chuộng màu đỏ, đó là lễ. Nếu như đời Chu mà có người chuộng màu trắng, không dùng lễ mà phân tích thì người ta không thể tranh cãi được, không dùng lý mà phân tích thì không thể không tranh cãi được. Cho nên lý tất phải theo sau lễ mà thi hành, nếu chỉ nói lý suông thì đây đó tà thuyết sẽ nổi lên"[13].
Toàn bộ Lễ ký được viết bằng tản văn, một số thiên có giá trị văn học rất lớn. Có thiên sử dụng các mẩu chuyện nhỏ sinh động để làm sáng tỏ đạo lý, có thiên khí thế hào hùng, kết cấu chặt chẽ, có thiên gọn lời đủ ý, ý vị sâu xa, có thiên sở trường về miêu tả và khắc họa tâm lý, trong tác phẩm còn có rất nhiều câu cách ngôn, thành ngữ mang nặng tính triết lý, tinh tế và sâu sắc.
Lễ ký không chỉ là sách miêu tả về chế độ điển chương mà còn là sách giáo khoa về nhân nghĩa đạo đức. Trong đó có những thiên nổi tiếng như Đại Học, Trung Dung, Lễ vận (đoạn đầu), hai thiên Đại Học và Trung Dung được Chu Hy tách ra, cùng với Luận ngữ và Mạnh Tử tạo thành Tứ thư. Đoạn đầu thiên Lễ vận là cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và Tử Du[14], còn được gọi là thiên Lễ vận đại đồng, hai chữ "đại đồng" (大同) thường được dùng để chỉ về một thế giới lý tưởng, không ít địa danh sử dụng hai chữ này.
Trích dẫn tiêu biểu
[sửa | sửa mã nguồn]- Thiên hạ vi công (Thiên hạ là của chung): Lễ ký, thiên Lễ vận, Khổng Tử nói với học trò là Ngôn Yển (Tử Du) rằng: "Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công" (大道之行也,天下為公): Đạo lớn được thi hành thì thiên hạ là của chung.
Bản dịch tiếng Việt
[sửa | sửa mã nguồn]- Kinh Lễ, Nguyễn Tôn Nhan biên dịch và chú giải, Nhà xuất bản Văn học, 1999.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Luận ngữ, Quý thị: Bất học Lễ, vô dĩ lập.
- ^ Bì Tích Thụy trong Kinh học thông luận, Tam lễ cho rằng: "Thời Hán gọi "Lễ" là chỉ sách "Nghi lễ" bao gồm 17 thiên, nhưng thời Hán không gọi là "Nghi lễ", do chủ yếu là lời kinh nên được gọi là "Lễ kinh", hợp với lời ký (ghi chép) nên còn gọi là "Lễ ký". Hứa Thận, Lư Thực gọi "Lễ ký" tức là chỉ sách "Nghi lễ" cùng với lời ký trong các thiên, chứ không phải chỉ sách "Lễ ký" bao gồm 49 thiên hiện nay. Sau này tên gọi "Lễ ký" bị tác phẩm bao gồm 49 thiên đoạt mất, cho nên "Lễ kinh" bao gồm 17 thiên bị gọi thành "Nghi lễ" (Hán sở vị Lễ, tức kim thập thất thiên chi Nghi lễ, nhi Hán bất danh Nghi lễ, chuyên chủ kinh ngôn, tắc viết Lễ kinh, hợp ký nhi ngôn, tắc viết Lễ ký. Hứa Thận, Lư Thực sở xưng Lễ ký, giai tức Nghi lễ dữ thiên trung chi ký, phi kim tứ thập cửu thiên chi Lễ ký dã. Kỳ hậu Lễ ký chi danh vi tứ thập cửu thiên chi ký sở đoạt, nãi dĩ thập thất thiên chi Lễ kinh biệt xưng Nghi lễ).
- ^ Hán thư, quyển 53: Cảnh thập tam vương truyện: Lỗ Cung Vương tên là Dư, năm Hiếu Cảnh thứ hai được lập làm Hoài Dương Vương. Sau khi cuộc phản loạn của Ngô, Sở bị phá tan, năm Hiếu Cảnh thứ ba dời sang làm vương nước Lỗ [...] Cung Vương thích xây dựng cung thất, phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng cung điện, nghe thấy tiếng chuông khánh và đàn cầm đàn sắt nên không dám phá nữa, ở trong vách lấy được kinh truyện cổ văn (Lỗ Cung Vương Dư dĩ Hiếu Cảnh tiền nhị niên lập vi Hoài Dương Vương. Ngô, Sở phản phá hậu, dĩ Hiếu Cảnh tiền tam niên tỉ vương Lỗ [...] Cung Vương sơ hiếu trị cung thất, hoại Khổng Tử cựu trạch dĩ quảng kỳ cung, văn chung khánh cầm sắt chi thanh, toại bất cảm phục hoại, ư kỳ bích trung đắc cổ văn kinh truyện). Hán thư, quyển 30: Nghệ văn chí: Cuối thời Vũ Đế, Lỗ Cung Vương phá nhà Khổng Tử, muốn mở rộng cung điện, lấy được Cổ văn Thượng Thư cùng với Lễ ký, Luận ngữ, Hiếu kinh khoảng vài chục thiên, đều được viết bằng văn tự cổ. Cung Vương vào trong nhà nghe thấy tiếng đàn cầm đàn sắt và tiếng chuông khánh nên sợ, dừng lại không phá nữa (Vũ Đế mạt, Lỗ Cung Vương hoại Khổng Tử trạch, dục dĩ quảng kỳ cung, nhi đắc Cổ văn Thượng Thư cập Lễ ký, Luận ngữ, Hiếu kinh phàm sổ thập thiên, giai cổ tự dã. Cung Vương vãng nhập kỳ trạch, văn cổ cầm sắt chung khánh chi âm, ư thị cụ, nãi chỉ bất hoại).
- ^ Di thư nhượng Thái thường bác sĩ: Lỗ Cung Vương phá nhà Khổng Tử, muốn lấy làm cung thất, lấy được kinh truyện cổ văn ở trong vách bị phá, tìm thấy 39 thiên Kinh Lễ đã mất, 16 thiên Kinh Thư đã mất (Cập Lỗ Cung Vương hoại Khổng Tử trạch, dục dĩ vi cung, nhi đắc cổ văn ư hoại bích chi trung, dật Lễ hữu tam thập cửu thiên, Thư thập lục thiên).
- ^ Lễ ký chính nghĩa, lời tựa: Hán hưng, Cao Đường Sinh đắc Lễ thập thất thiên [...] hậu đắc Khổng thị bích trung, Hà Gian Hiến Vương cổ văn Lễ ngũ thập lục thiên [...] Ký bách tam thập nhất thiên.
- ^ Lễ ký chính nghĩa, lời tựa: Án Hán thư, Nghệ văn chí, Nho lâm truyện vân, truyền Lễ giả thập tam gia, duy Cao Đường Sinh cập ngũ truyền đệ tử Đới Đức, Đới Thánh danh tại dã [...] Kim Lễ hành ư thế giả Đới Đức, Đới Thánh chi học dã [...] Đới Đức truyền Ký bát thập ngũ thiên, tắc Đại Đới ký thị dã, Đới Thánh truyền Ký tứ thập cửu thiên, tắc thử Lễ ký thị dã.
- ^ Đới Đức san cổ Lễ nhị bách tứ thiên vi bát thập ngũ thiên, vị chi Đại Đới Lễ. Đới Thánh san Đại Đới Lễ vi tứ thập cửu thiên, thị vi Tiểu Đới Lễ. Hậu Hán Mã Dung, Lư Thực khảo chư gia dị đồng, phụ Đới Thánh thiên chương, khử kỳ phồn trọng, cập sở tự lược, nhi hành ư thế, tức kim chi Lễ ký dã. Trịnh Huyền diệc y Lư, Mã chi bản nhi chú yên.
- ^ Tùy thư, quyển 32: Kinh tịch chí: Hán sơ, Hà Gian Hiến Vương hựu đắc Trọng Ni đệ tử cập hậu học giả sở ký nhất bách tam thập nhất thiên hiến chi, thì diệc vô truyền chi giả. Chí Lưu Hướng khảo hiệu kinh tịch, kiểm đắc nhất bách tam thập thiên, Hướng nhân đệ nhi tự chi. Nhi hựu đắc Minh Đường Âm dương ký tam thập tam thiên, Khổng Tử tam triều ký thất thiên, Vương Sử thị ký nhị thập nhất thiên, Nhạc ký nhị thập tam thiên, phàm ngũ chủng, hợp nhị bách thập tứ thiên. Đới Đức san kỳ phiền trùng, hợp nhi ký chi, vi bát thập ngũ thiên, vị chi Đại Đới ký. Nhi Đới Thánh hựu san Đại Đới chi thư, vi tứ thập lục thiên, vị chi Tiểu Đới ký. Hán mạt Mã Dung, toại truyền Tiểu Đới chi học. Dung hựu định Nguyệt lệnh nhất thiên, Minh Đường vị nhất thiên, Nhạc ký nhất thiên, hợp tứ thập cửu thiên, nhi Trịnh Huyền thụ nghiệp ư Dung, hựu vi chi chú.
- ^ Hán thư, quyển 30: Nghệ văn chí: Lễ cổ kinh ngũ thập lục quyển, Kinh thất thập (thập thất) thiên, Ký bách tam thập nhất thiên [...] Phàm Lễ thập tam gia, ngũ bách ngũ thập ngũ thiên.
- ^ Hán thư, quyển 30: Nghệ văn chí: Hán hưng, Lỗ Cao Đường Sinh truyền Sĩ lễ thập thất thiên. Ngật Hiếu Tuyên thế, Hậu Thương tối minh. Đới Đức, Đới Thánh, Khánh Phổ giai kỳ đệ tử, tam gia lập ư học quan. Lễ cổ kinh giả, xuất ư Lỗ Yêm Trung cập Khổng thị, dữ thập thất thiên văn tương tự, đa tam thập cửu thiên.
- ^ Nam Khang phủ chí: "Thái Tông Văn hoàng đế biên soạn Đại toàn, đặc biệt chọn lấy sách này, ban hành ra thiên hạ, kế thừa liệt thánh, việc dạy người và kén chọn kẻ sĩ cũng theo đó mà thi hành" (Thái Tông Văn hoàng đế toản tu Đại toàn, đặc thủ kì thư, ban hành thiên hạ, liệt thánh tương thừa, giáo nhân thủ sĩ diệc giai tuân hành).
- ^ Chu Tử ngữ loại, quyển 87
- ^ Nghiên kinh thất tục tập tam tập: Chu Tử trung niên giảng lý, cố dĩ tinh thật, vãn niên giảng lễ, vưu nại phồn nan, thành hữu kiến hồ lý tất xuất ư lễ dã. Cổ kim sở dĩ trị thiên hạ giả lễ dã, ngũ luân giai lễ [...] Thả như Ân thượng bạch, Chu thượng xích, lễ dã. Sử cư Chu nhi hữu thượng bạch giả, nhược dĩ phi lễ chiết chi, tắc nhân bất năng tranh, dĩ phi lý chiết chi, tắc bất năng vô tranh hĩ. Cố lý tất phụ hồ lễ dĩ hành, không ngôn lý, tắc khả bỉ khả thử chi tà thuyết khởi hĩ.
- ^ Quách Mạt Nhược trong Phê phán tám phái Nho gia cho rằng: "Thiên "Lễ vận" trong "Lễ ký" tuyệt không có nghi vấn, là kinh điển chủ yếu của phái Nho gia Tử Du. Đó là cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và Tử Du. Nhưng trong Sử ký, Trọng Ni đệ tử liệt truyện nói rằng Tử Du "ít hơn Khổng Tử 45 tuổi", trong Thù Tứ khảo tín lục khảo cứu rằng Khổng Tử làm đại tư khấu vào năm 52 tuổi, lúc đó Tử Du mới gần 7 tuổi, làm sao có thể bàn luận về nghĩa lý "đại đồng tiểu khang" được?" (Lễ ký, Lễ vận nhất thiên, hào vô nghi vấn, tiện thị Tử Du thị chi nho đích chủ yếu kinh điển. Na thị Khổng Tử dữ Tử Du đích đối thoại. Đán Sử ký, Trọng Ni đệ tử liệt truyện vị Tử Du "thiểu Khổng Tử tứ thập ngũ tuế", Thù Tứ khảo tín lục khảo đắc Khổng Tử nhậm đại tư khấu thời niên ngũ thập nhị tuế, thử thời Tử Du niên cận thất tuế, như hà năng luận "đại đồng tiểu khang" chi nghĩa).
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Wikisource có văn bản gốc liên quan đến bài viết: |